Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

CUỘC ĐẤU TRÍ GIÀNH NGÔI VÔ ĐỊCH ANH QUỐC



Còn còn 2 tuần nữa, giải bóng tròn Anh quốc sẽ chính thức khai mạc. Giải Anh quốc là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh với các chỉ số cao nhất về số lượng khán giả trên sân, khán giả truyền hình và doanh số. Năm nay, một điều đặc biệt nữa là sự gia tăng thêm ba Huấn luyện viên (HLV) bậc thầy cho ba đội bóng đại gia, làm cho giải đấu lại trở nên là cuộc đấu trí căng thẳng chưa từng có.
Bóng đá không còn chỉ là một trò chơi, nó đã bị đẩy lên những tầm cao về nghệ thuật, khoa học và tính xã hội rộng lớn. HLV bóng đá hàng đầu là một con người “bốn trong một”, nhà truyền thông bởi mỗi CLB hàng đầu đều có lượng fan  hàng trăm triệu (còn hơn người hâm mộ của bất kỳ đội tuyển quốc gia nào) nên anh phải biết cách ứng xử với fan và giới truyền thông. Là một nhà chiến thuật, HLV bây giờ không còn bị phân biệt theo trường phái tấn công hay phòng ngự mà có hai xu hướng chính: cống hiến và thực dụng. HLV phải là một nhà tâm lý, một phẩm chất ngày càng trở nên quan trọng nhằm “điều trị” những ngôi sao đắt giá. Cuối cùng HLV là một huấn luyện viên, bởi anh cũng cần biết chỉ dẫn về kỹ thuật cho cầu thủ.
Bởi vậy, chức danh HLV (coach) chỉ phù hợp với các môn thể thao khác chứ vai trò của ông bầu bóng đá lớn hơn nhiều. Ở Anh, người ta gọi là manager, còn coach là một chức vụ nhỏ dưới quyền manager. Theo chế độ cổ phần, các CLB thường có nhiều ông chủ, nên càng làm nổi bật vai trò cá nhân của manager.
Theo thông lệ hàng năm, vào lúc này, các công ty các độ bắt đầu ra giá cho kèo vô địch. Sơ bộ cho thấy, 6 đại gia đã chiếm xác xuất khoảng 95%, theo thứ tự là Man city của Guardiola, Man Utd của Mourinho, Arsenal của Wenger, Chelsea của Conte, Liverpool của Klopp và Tottenham – Pochettino. Như vậy trong 6 ông boss, tạm coi 3 người theo trường phái cống hiến (Pep, Wenger, Pochettino) và cũng 3 người thực dụng (Mourinho, Klopp, Conte). Điều kỳ lạ là đương kim vô địch Leicester chỉ được xếp thứ 7 nhưng với một tỉ lệ cược rất thấp.
“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, giá cả cá độ đã được tính toán rất kỹ lưỡng tinh vi bằng máy móc, nên không cần thắc mắc mà chỉ nên “minh họa” tại sao lại như thế thôi.
Hai đội thành Manchester là hai đội bạo chi nhất trong mùa chuyển nhượng năm nay, chứng tỏ tham vọng rất lớn. Hai đội đều có đội hình đắt giá, nhưng ở đây Man city được đánh giá cao hơn. Có lẽ người ta đã đánh giá Puardiola cao hơn Mourinho. Khó mà có một HLV nào mà khi bước vào nghề lại nhanh chóng gặt hái thành công như Puardiola, mới qua 2 CLB là hai chuỗi thành tích ấn tượng. Nhưng có một điểm đáng chú ý là khi Pep tiếp quản Barca và Bayer thì hai đội đó đang ở lúc cực thịnh, ngự trị ở hai giải Tây Ban Nha và Đức. Còn với Man city, hiện đội đang ở giai đoạn “trầm”, khi chỉ may mắn đã giúp họ chiếm vị trí thứ tư mùa giải năm ngoái. Nói vậy không thể phủ nhận tài năng của Pep bởi những thành tích trong quá khứ của anh không đã mang tính hệ thống, chứng tỏ tài tài cầm quân thực sự của Pep.
Sự thực dụng vơi lối chơi hết sức boring của Mourinho làm người ta phát chán, phát ghét. Bù lại, Mourinho lại có những biệt tài khuấy động sự chú ý ở bên ngoài sân có. Hoạt ngôn, nói năng bốp chat cũng làm báo chí và nhiều người thích thú. Phong cách trong và ngoài sân cỏ của Mourinho không phù hợp với Man Utd cho nên mặc Mou thèm muốn chiếc ghế nóng của Man Utd từ lâu nhưng giờ này mới được trao, chẳng qua vì Man Utd đang quá khát danh hiệu. Nếu không giải quyết được khâu danh hiệu thì họ sẽ đối đầu với nguy cơ một vài thập kỳ mất mát giống như Liverpoon.
Trước đây, Liverpoon là đội bóng giàu thành tích nhất Anh quốc. Sau thời kỳ Dalglish, Liverpoon tuột dốc dần và chưa thể lên ngội một lần nữa sau gần 30 năm, dù đã có đến 3 lần xếp thứ nhì. Đối thủ không đội trời chung của Li trước đây chính là Man Utd. Năm 1996, Wenger về nắm Arsenal và ngay lập tức Arsenal đoạt chức vô địch. Từ đó Arsenal và Man Utd cũng như Wenger và Sir Alex đã trở thành một cặp bài trùng không khoan nhượng suốt 10 năm trời cho đến khi Mourinho tiếp quản Chelsea, Big two đã trở thành Big three. Livẻpool tuy không không thể lên ngôi nhưng cũng thường xuyên lọt vào top 4. Sau đó, Thasin bán Man city cho hoàng tử Abu Dhabi Mansour, Man city nhiều tiền quá và cũng gia nhập nhóm đại gia của nước Anh. Đến mùa giải năm ngoái, Pochettino đã đưa Tottenham trở thành một thế lực đủ sức cạnh tranh chức vô địch nước Anh.
Nếu không có gì thay đổi, cuối mùa giải tới sẽ là một cuộc chia tay đầy nước mắt giữa Arsenal và Arsene Wenger. “Cà cuống chết đến đít vẫn cay”, Wenger không thể bỏ được thói quen tằn tiện trên thị trường chuyển nhượng. Xếp thứ nhì năm ngoái, năm nay được đánh giá đứng thứ ba về cơ hội nhưng thẳng thắn mà nhìn nhận thì chance của Arsenal không nhiều. Ngoại trừ một phép màu: hai đội Man mải húc nhau, Arsenal chớp được thời cơ để về đích !
Từ ngôi vô địch, Chelsea bất ngờ xếp thứ 9 giải năm ngoái vì không hiểu sao các cầu thủ chủ chốt của Chelsea không còn giữ được phong độ. Nay với tướng mới, nếu Conte đưa Chelsea lọt được vào top 4 cũng được coi là thành công rồi.
Mùa giải năm ngoái, Klopp đã chơi một canh bạc với kết thúc không có hậu. Anh đã hy sinh giải quốc nội để mơ về chức vô địch Europa, một vị trí có suất trong CL, nhưng không được “cô thương” đã vỡ mộng trong trận chung kết. Thực lực của Liverpool và Tottenham hiện nay vẫn còn khá mạnh, thế nhưng với những đối thủ tầm cỡ hơn thì một cuộc lật đổ không phải là dễ dàng.
Ảnh: Bomb tấn Pogba

Lương Văn Quang

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

ĐI THEO ÁNH SÁNG EQ


Năm 1994, khi mới đến Úc, mình lần đầu được nghe nói đến khái niệm chỉ số thông minh cảm xúc (EQ), lấy làm lạ lắm. Bây giờ mà kể chuyện sáng uống cà phê, trưa ăn bánh mì, tối ăn cơm thì nhàm chán và nhạt nhẽo. Mình đánh liều bàn chuyện EQ xem sao, cho ra dáng người lớn một chút.

Năm 2010, mình đi Sudan và book khách sạn, mất 200USSD/ đêm. Đến Khartoum, mới hóa ra khách sạn của mình chỉ là một nhà trọ nh
ỏ trong hẻm, trong phòng muỗi bay vo ve, phải dùng chung toilet và nhà tắm công cộng. Mình mất cả đêm chửi thầm thằng Đại lý du lịch lừa đảo nhưng đến hôm sau thì thấy oan cho nó. Khi gọi điện về, anh em hỏi: Sudan có gì lạ không anh ? Có, nhiều điều lạ lắm. Tại Khartoum, rất thiếu khách sạn, một chỗ tươm tất thì phải tối thiểu 500USSD. Lịch sử quốc gia Sudan chỉ có 50 năm cũng là ngần ấy năm của những cuộc nội chiến triền miên.

Mình đến Sudan vào lúc chỉ còn mấy tháng nữa là tổ chức cuộc trưng cầu đân ý về việc tách Nam Sudan ra khỏi Sudan. Truyền thông ở đây đều công khai kêu gọi chia cắt, có lẽ do họ chán đánh nhau quá rồi, và kết quả đương nhiên là một quốc gia mới đã ra đời năm 2011. Chỉ hơi lạ là kể cả báo chí thân chính phủ cũng muốn chia cắt đất nước, điều rõ ràng là làm suy giảm quyền lực của nhà nước và của Tổng thống.

Tổng thống Omar Bashir lên cầm quyền qua một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1989. Lúc đó ông đeo lon Đại tá, nhưng khi “cách mạng” thành công thì muốn tướng đại hay tướng thượng mà chẳng được. Năm 2011, ông gây sửng sốt khi tuyên bố sẽ về hưu vì tuổi cao sức yếu khi hết nhiệm kỳ năm 2014. Báo chí phỏng vấn ông, đại khái là ông mới sáu mấy mùa lá rụng mà lại không chịu tiếp tục “hy sinh” cho dân cho nước thì có phải là phí phạm của Giời không. Ông trả lời rằng, sáu mấy năm ai bảo là trẻ là chuyện của người ta, còn tôi lại thấy là già rồi. Ừ nhỉ, chỉ được cái nói đúng, ai mà bắt bẻ được.

Buổi sáng ra ăn sáng tại khách sạn nhà trọ, mới thấy có khá nhiều Tây da trắng. Họ đến đây làm gì ? Không thể tưởng tượng được, họ mất tiền, mất thời gian sang Sudan chỉ để làm từ thiện, giúp đỡ phần nào cho người dân, mà góc nhìn nào đó coi là da đen và mọi rợ. Đã thế họ cũng không được ai cám ơn, người ta còn nghi ngờ họ về “âm mưu” này nọ.

Ngoại ô Khartoum có một địa danh nổi tiếng gọi là cù lao Tuti, nơi giao nhau giữa sông Nile trắng và Nile xanh. Mình thực sự hoang mang và bối rối khi ra đây ngồi một mình. Mục đích duy nhất của đời người là hạnh phúc. Nhưng con người sinh ra để yêu thương hay để thù hận và chà đạp lẫn nhau ? Những ông bà Tây kia có cái mà mình không có: khi giúp đỡ người khốn khổ thì họ cảm thấy hạnh phúc, hình như đó chính là EQ ?

Nhớ lại chuyện “cẳng đậu đun hạt đậu” (cẳng đậu là cành của cây đậu, cẳng đậu và hạt đậu cùng sinh ra từ một gốc) trong Tam quốc chí, trong đó Tào Phi và Tào Thực đã nhận ra sự phi lý của hận thù. Nhưng đó chỉ là một đốm sáng chứ vào thời ấy, mỗi khi bắt được tù binh, người ra cắt tai, cắt mũi và coi đó như một thú tiêu khiển.

50 năm nữa, chúng ta sẽ sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Gọi là “chúng ta” chứ bản thân mình chắc không còn sống. Nhưng lúc đó đời con mình sẽ nói với đời cháu mình rằng: thời ông ngoại, hầu hết con người đều muốn làm ít, hưởng nhiều, đều tìm mọt cách để cướp bóc và chà đạp người khác cho mục tiêu đó. Ai mà làm được như thế thì được mọi người khâm phục và người đó sẽ lấy làm đắc chí.

Vậy là sao ? “Cà cuống chết đến đít hãy còn cay”. Sự tiến hóa không phải toàn bộ bóng tối chuyển thành ánh sáng. Nó phải bắt đầu từ những đốm lửa, phải có quá trình. Nếu ông Bashir tự nguyện nhường chức Tổng thống, nó quá vô lý nếu xét theo logich của IQ, nhưng lại rất đúng theo quan niệm EQ. Mình tin rằng, với sự nhận thức về thông minh cảm xúc, con người sẽ chuyển dịch dần về hướng của văn minh, yêu thương và tình người.




ĐI THEO ÁNH SÁNG EQ (bis)
Năm ngoái bằng giờ, mình có viết chuyện ông Omar Bashir, Tống thống Sudan tuyên bố sẽ về hưu khi hết nhiệm kỳ . Lời nói đó xảy ra vào lúc phong trào Mùa xuân Ả Rập đang dâng trào dẫn đến sự sụp đổ của một loạt chế độ độc tài trong khu vực vào năm 2011. Đến khi bão tố qua đi, ông Bashir lại chấp thuận đề nghị của đảng cầm quyền để ứng cử thêm một lần nữa vì đơn giản là chưa tìm được người thay thế.
 
Nhưng không hẳn Bashir không mất gì, ông đã chấp nhận cho Nam Sudan tách ra thành quốc gia độc lập từ tháng 7/2011. Người ta đã bình luận rằng nếu Nam Sudan ra đi thì Sudan không chỉ tách làm đôi mà sẽ tách làm bốn, ngoại trừ phía bắc là sa mạc không người ở thì tỉnh Dafur phía tây, tỉnh Kassala phía đông cũng sẽ tách khỏi Sudan.
Sudan từng là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi, được thành lập từ năm 1956. Trong quá khứ, Sudan chịu ảnh hưởng của Ai Cập. Năm 1946, Liên hợp quốc ra nghị quyết hợp thức hóa sự bảo hộ của Ai Cập. Sau đó 10 năm, Ai Cập rút quân và gần như ngay lập tức Sudan lâm vào nhưng cuộc nội chiến liên miên.
 
Năm 1989, đại tá Omar Bashir đã làm cuộc đảo chính quân sự để lên cầm quyền, chiến sự còn ác liệt hơn, đặc biệt với Nam Sudan và tỉnh Darfur. Dafur vốn là một vương quốc riêng, trước khi bị Ai Cập thôn tính vào cuối thế kỷ 19 rồi ghép luôn vào Sudan cho “gọn sổ sách”. Dafur có diện tích nửa triệu km2 và dân số khoảng 10 triệu, tức khoảng ¼ dân số và diện tích Sudan. Quân chính phủ đã đàn áp khốc liệt cuộc nổi dậy của người Dafur, đến mức ông Bashir bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) khép vào tội diệt chủng và ban lệnh truy nã vào năm 2009. Từ đó Bashir chỉ dám công du nước ngoài có 2 lần, trong đó lần thứ hai là đang ở Trung Quốc để dự lễ duyệt binh.
 
Cũng vào khoảng năm 2009, một nhóm du khách châu Âu 11 người từ Ai Cập đã đi lạc vào vùng lãnh thổ của Sudan và bị phiến quân ở đây bắt giữ. Vùng biên giới mênh mông giữa Ai Cập và Sudan hoàn toàn là sa mạc, không có cột mốc biên giới. Theo báo chí, một toán đặc nhiệm Ai Cập đã dũng cảm tấn công giải cứu cho nhóm du khách. Nhưng có lẽ đây chỉ là trò tuyên truyền, bởi khi trở về Italia, các du khách đã kể rằng chẳng hề nghe thấy tiếng súng nổ cũng như chẳng có cuộc tấn công nào mà phiến quân đã tự trao trả con tin. Điều này có thể hiểu được, phiến quân chỉ chống chính phủ Sudan chứ không hề muốn gây hấn với Ai Cập hay phương Tây.
 
Trong khi đó, tỉnh Kassala chỉ có dân số 1,5 triệu, diện tích cũng nhỏ, sống chủ yếu bằng nông nghiệp và khá nghèo nàn. Darur và Kassala có tách ra khỏi Sudan hay không thì người ta cũng chẳng quan tâm lắm. Nhưng đối với Nam Sudan thì khác, dù Nam Sudan chỉ có diện tích và dân số nhỉnh hơn Darfur một ít nhưng nhưng lại là vùng chiếm lĩnh trụ cột kinh tế là dầu lửa. Khi Nam Sudan tách ra, Sudan không còn là quốc gia lớn nhất châu Phi mà diện tích đã kém Algieria và Congo, nhưng điều này không quan trọng lắm. Vấn đề là lợi tức của Sudan đã giảm đi một nửa, và như vậy uy thế chính trị của Sudan trong khu vực cũng suy sụp hẳn.
 
Hóa ra, ông Bashir không hẳn là đi theo ánh sáng EQ mà ông đã làm theo lời ...cụ Nguyễn Du: “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Ông đã quá hiểu số phận của những người chiếm hữu nhiều tài nguyên như Hussain hay Gaddafi. Bởi thế, ông phải chấp nhận suy giảm quyền lực để tiếp tục vị thế cầm quyền đã 26 năm.

Lương Văn Quang

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

CẦN CÂU HAY CON CÁ



Brasil và Venezuela là hai nước Mỹ Latin anh em núi liền núi sông liền sông. Hai đất nước đã sản sinh ra hai vị anh hùng dân tộc đó là bác Lula và chú Hugo. Chú Hugo đoản mệnh, đi gặp các cụ Các Mác, Lê Nin hơi sớm, còn bác Lula đã hết nhiệm kỳ, đang phấp phỏng chờ ngày nhập kho. Cũng không sao, không có bác Lula, người kế tục là cô Dilma răng hô, mới đây bị đình chỉ chức vụ Tổng thống; còn sau chú Hugo là anh Maduro, xuất thân từ Tài xế lái xe bus.
Bác Lula không phải vừa, bác là một trong những sáng lập viên của khối BRIC (chữ Bi cho Brasil), sau có South Africa theo đuôi nên thành BRICS, nhằm đối trọng với khối các nước phát triển. Ai cũng biết rằng BRICS bây giờ chỉ còn cái danh hão vì các nước BRICS thiếu liên kết và gặp nhiều khó khăn không vượt qua được.
Bác Lula đã từng trở thành người hùng, đúng hơn bác là anh hùng của 40 triệu người nghèo Brasil (trong tổng dân số 200 triệu của quốc gia này) với thành tích xóa đói giảm nghèo. Brasil không chỉ là đất nước của Vua bóng đá Pele mà rất giàu tài nguyên khoáng sản và các nông sản thô. Khi được giá, Brasil có nhiều tiền để chia cho dân nghèo và vì thế đã xóa nghèo một cách ngoạn mục.
Chú Hugo cũng gớm lắm, Venezuela nhiều dầu lửa quá, tiền đông như quân Nguyên, chú không chỉ vung vãi trong nước và còn viện trợ không hoàn lại cho bác Phidel, chú Raul, tiến lên trở thành ngọn cờ đầu của Châu Mỹ Latin, chống chủ nghĩa đế quốc.
Chú bác Lula và Hugo đều có thiên hướng cánh tả và Chủ nghĩa xã hội nhưng không hẳn giống nhau như hai giọt nước. Trong khi Hugo hung hăng con bọ xít, chống Mỹ kịch liệt thì Lula uyển chuyển hơn, thậm chí còn có thể coi là thân Mỹ.
Hai đệ tự chân truyền là cô Dilma và anh Maduro (giống nhau chữ “ma”) đều đang rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì hiện đang bị phe đối lập trong nước đòi phế truất. Mở ngoặc nói thêm về duyên nợ của cô Dilma với anh Trọng nhà ta. Cô mời anh sang chơi, được nửa đường đến Cuba anh em, mới báo bận không tiếp và hoãn chuyến đi, rất chi là bất lịch sự.
Làm sao Dilma và Maduro đến nông nỗi này ? Trước đây Nhà nước Brasil và Venezuela lắm tiền, người dân theo voi hít bã mía, sống tạm ổn. Bây giờ tiền hết, không xin và vay ai được, dân khổ quá, họ làm loạn, có thế thôi.
Tui hổng dám làm con dân của bác, chú, cô, anh nên tui nói khách quan, tội này là của Lula và Hugo. Bác và chú thích đuôi to (vĩ đại) nên đã tạo ra cơ chế bao cấp xin cho, cứ tưởng cho thật nhiều là mọi người phải biết công ơn trời biển. Nếu đủ tuổi chắc bác và chú dám làm “cha già dân tộc” lắm.
Brasil và Venezuela là hai nước giàu tài nguyên thiên nhiên, lúc được giá, số tiền thạng dư và dự trữ cao. Thế nhưng giá cả là do giới tài phiệt và đâu cơ quốc tế chi phối, nằm ngoài sự phán đoán và điều khiển của chính phủ các nước này. Người ta bơm giá lên trời được thì cũng có thể cho nó rớt xuống đất nếu muốn. Tiền phát cho dân nghèo cũng giống như đói được nắm xôi, người Việt gọi là “Triết lý thằng Bờm”, nhưng chỉ giải quyết được chốc lát.
Vấn đề là làm sao tạo được guồng máy sản xuất dịch vụ, công ăn việc làm, có năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn (hệ số ICOR) cao. Việc này không dễ, không nhanh, không phải 1-2 cá nhân Tổng thống hay 1-2 nhiệm kỳ mà xong được. Nói một cách hình ảnh, đừng cho người dân con cá mà hãy cho họ cái cần câu. Hãy xem, tất cả các nước OECD đều phải qua con đường  này mới trở nên giàu có, thịnh vượng.
Hai đứa trẻ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam suốt ngày ngồi trước cửa ngóng đoàn xe lửa chạy qua. Đường sắt Việt Nam hoàn thành năm 1939, hồi đó được coi là biểu tượng của văn minh và những điều lãng mạn. Hai đứa trẻ mải mê ngắm nhìn đoàn tàu, chắc hẳn chúng tưởng tượng ra nhiều điều mới mẻ, về những con người lạ lẫm trên đoàn tàu, về những vùng đất xa xôi đoàn tàu đã đi và sẽ đến. Khi đoàn tàu đi qua, hai đứa trẻ trở về với thực tại, tiếp tục cởi chuồng, đói ăn và bị cha mẹ đánh, mắng.
Nhà báo Bửu Long làm một ẩn dụ thú vị khi so sánh đoàn xe lửa với Euro, World Cup, Olympic. Người dân các nước nghèo luôn háo hức với các sự kiện này, nó là biểu tượng của những gì tốt đẹp. Còn một tháng nữa, Brasil sẽ tổ chức Đại hội Olympic. Ráng lên, sau tháng 8 rồi sẽ tính tiếp…

Lương Văn Quang