Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

ĐI THEO ÁNH SÁNG EQ


Năm 1994, khi mới đến Úc, mình lần đầu được nghe nói đến khái niệm chỉ số thông minh cảm xúc (EQ), lấy làm lạ lắm. Bây giờ mà kể chuyện sáng uống cà phê, trưa ăn bánh mì, tối ăn cơm thì nhàm chán và nhạt nhẽo. Mình đánh liều bàn chuyện EQ xem sao, cho ra dáng người lớn một chút.

Năm 2010, mình đi Sudan và book khách sạn, mất 200USSD/ đêm. Đến Khartoum, mới hóa ra khách sạn của mình chỉ là một nhà trọ nh
ỏ trong hẻm, trong phòng muỗi bay vo ve, phải dùng chung toilet và nhà tắm công cộng. Mình mất cả đêm chửi thầm thằng Đại lý du lịch lừa đảo nhưng đến hôm sau thì thấy oan cho nó. Khi gọi điện về, anh em hỏi: Sudan có gì lạ không anh ? Có, nhiều điều lạ lắm. Tại Khartoum, rất thiếu khách sạn, một chỗ tươm tất thì phải tối thiểu 500USSD. Lịch sử quốc gia Sudan chỉ có 50 năm cũng là ngần ấy năm của những cuộc nội chiến triền miên.

Mình đến Sudan vào lúc chỉ còn mấy tháng nữa là tổ chức cuộc trưng cầu đân ý về việc tách Nam Sudan ra khỏi Sudan. Truyền thông ở đây đều công khai kêu gọi chia cắt, có lẽ do họ chán đánh nhau quá rồi, và kết quả đương nhiên là một quốc gia mới đã ra đời năm 2011. Chỉ hơi lạ là kể cả báo chí thân chính phủ cũng muốn chia cắt đất nước, điều rõ ràng là làm suy giảm quyền lực của nhà nước và của Tổng thống.

Tổng thống Omar Bashir lên cầm quyền qua một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1989. Lúc đó ông đeo lon Đại tá, nhưng khi “cách mạng” thành công thì muốn tướng đại hay tướng thượng mà chẳng được. Năm 2011, ông gây sửng sốt khi tuyên bố sẽ về hưu vì tuổi cao sức yếu khi hết nhiệm kỳ năm 2014. Báo chí phỏng vấn ông, đại khái là ông mới sáu mấy mùa lá rụng mà lại không chịu tiếp tục “hy sinh” cho dân cho nước thì có phải là phí phạm của Giời không. Ông trả lời rằng, sáu mấy năm ai bảo là trẻ là chuyện của người ta, còn tôi lại thấy là già rồi. Ừ nhỉ, chỉ được cái nói đúng, ai mà bắt bẻ được.

Buổi sáng ra ăn sáng tại khách sạn nhà trọ, mới thấy có khá nhiều Tây da trắng. Họ đến đây làm gì ? Không thể tưởng tượng được, họ mất tiền, mất thời gian sang Sudan chỉ để làm từ thiện, giúp đỡ phần nào cho người dân, mà góc nhìn nào đó coi là da đen và mọi rợ. Đã thế họ cũng không được ai cám ơn, người ta còn nghi ngờ họ về “âm mưu” này nọ.

Ngoại ô Khartoum có một địa danh nổi tiếng gọi là cù lao Tuti, nơi giao nhau giữa sông Nile trắng và Nile xanh. Mình thực sự hoang mang và bối rối khi ra đây ngồi một mình. Mục đích duy nhất của đời người là hạnh phúc. Nhưng con người sinh ra để yêu thương hay để thù hận và chà đạp lẫn nhau ? Những ông bà Tây kia có cái mà mình không có: khi giúp đỡ người khốn khổ thì họ cảm thấy hạnh phúc, hình như đó chính là EQ ?

Nhớ lại chuyện “cẳng đậu đun hạt đậu” (cẳng đậu là cành của cây đậu, cẳng đậu và hạt đậu cùng sinh ra từ một gốc) trong Tam quốc chí, trong đó Tào Phi và Tào Thực đã nhận ra sự phi lý của hận thù. Nhưng đó chỉ là một đốm sáng chứ vào thời ấy, mỗi khi bắt được tù binh, người ra cắt tai, cắt mũi và coi đó như một thú tiêu khiển.

50 năm nữa, chúng ta sẽ sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Gọi là “chúng ta” chứ bản thân mình chắc không còn sống. Nhưng lúc đó đời con mình sẽ nói với đời cháu mình rằng: thời ông ngoại, hầu hết con người đều muốn làm ít, hưởng nhiều, đều tìm mọt cách để cướp bóc và chà đạp người khác cho mục tiêu đó. Ai mà làm được như thế thì được mọi người khâm phục và người đó sẽ lấy làm đắc chí.

Vậy là sao ? “Cà cuống chết đến đít hãy còn cay”. Sự tiến hóa không phải toàn bộ bóng tối chuyển thành ánh sáng. Nó phải bắt đầu từ những đốm lửa, phải có quá trình. Nếu ông Bashir tự nguyện nhường chức Tổng thống, nó quá vô lý nếu xét theo logich của IQ, nhưng lại rất đúng theo quan niệm EQ. Mình tin rằng, với sự nhận thức về thông minh cảm xúc, con người sẽ chuyển dịch dần về hướng của văn minh, yêu thương và tình người.




ĐI THEO ÁNH SÁNG EQ (bis)
Năm ngoái bằng giờ, mình có viết chuyện ông Omar Bashir, Tống thống Sudan tuyên bố sẽ về hưu khi hết nhiệm kỳ . Lời nói đó xảy ra vào lúc phong trào Mùa xuân Ả Rập đang dâng trào dẫn đến sự sụp đổ của một loạt chế độ độc tài trong khu vực vào năm 2011. Đến khi bão tố qua đi, ông Bashir lại chấp thuận đề nghị của đảng cầm quyền để ứng cử thêm một lần nữa vì đơn giản là chưa tìm được người thay thế.
 
Nhưng không hẳn Bashir không mất gì, ông đã chấp nhận cho Nam Sudan tách ra thành quốc gia độc lập từ tháng 7/2011. Người ta đã bình luận rằng nếu Nam Sudan ra đi thì Sudan không chỉ tách làm đôi mà sẽ tách làm bốn, ngoại trừ phía bắc là sa mạc không người ở thì tỉnh Dafur phía tây, tỉnh Kassala phía đông cũng sẽ tách khỏi Sudan.
Sudan từng là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi, được thành lập từ năm 1956. Trong quá khứ, Sudan chịu ảnh hưởng của Ai Cập. Năm 1946, Liên hợp quốc ra nghị quyết hợp thức hóa sự bảo hộ của Ai Cập. Sau đó 10 năm, Ai Cập rút quân và gần như ngay lập tức Sudan lâm vào nhưng cuộc nội chiến liên miên.
 
Năm 1989, đại tá Omar Bashir đã làm cuộc đảo chính quân sự để lên cầm quyền, chiến sự còn ác liệt hơn, đặc biệt với Nam Sudan và tỉnh Darfur. Dafur vốn là một vương quốc riêng, trước khi bị Ai Cập thôn tính vào cuối thế kỷ 19 rồi ghép luôn vào Sudan cho “gọn sổ sách”. Dafur có diện tích nửa triệu km2 và dân số khoảng 10 triệu, tức khoảng ¼ dân số và diện tích Sudan. Quân chính phủ đã đàn áp khốc liệt cuộc nổi dậy của người Dafur, đến mức ông Bashir bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) khép vào tội diệt chủng và ban lệnh truy nã vào năm 2009. Từ đó Bashir chỉ dám công du nước ngoài có 2 lần, trong đó lần thứ hai là đang ở Trung Quốc để dự lễ duyệt binh.
 
Cũng vào khoảng năm 2009, một nhóm du khách châu Âu 11 người từ Ai Cập đã đi lạc vào vùng lãnh thổ của Sudan và bị phiến quân ở đây bắt giữ. Vùng biên giới mênh mông giữa Ai Cập và Sudan hoàn toàn là sa mạc, không có cột mốc biên giới. Theo báo chí, một toán đặc nhiệm Ai Cập đã dũng cảm tấn công giải cứu cho nhóm du khách. Nhưng có lẽ đây chỉ là trò tuyên truyền, bởi khi trở về Italia, các du khách đã kể rằng chẳng hề nghe thấy tiếng súng nổ cũng như chẳng có cuộc tấn công nào mà phiến quân đã tự trao trả con tin. Điều này có thể hiểu được, phiến quân chỉ chống chính phủ Sudan chứ không hề muốn gây hấn với Ai Cập hay phương Tây.
 
Trong khi đó, tỉnh Kassala chỉ có dân số 1,5 triệu, diện tích cũng nhỏ, sống chủ yếu bằng nông nghiệp và khá nghèo nàn. Darur và Kassala có tách ra khỏi Sudan hay không thì người ta cũng chẳng quan tâm lắm. Nhưng đối với Nam Sudan thì khác, dù Nam Sudan chỉ có diện tích và dân số nhỉnh hơn Darfur một ít nhưng nhưng lại là vùng chiếm lĩnh trụ cột kinh tế là dầu lửa. Khi Nam Sudan tách ra, Sudan không còn là quốc gia lớn nhất châu Phi mà diện tích đã kém Algieria và Congo, nhưng điều này không quan trọng lắm. Vấn đề là lợi tức của Sudan đã giảm đi một nửa, và như vậy uy thế chính trị của Sudan trong khu vực cũng suy sụp hẳn.
 
Hóa ra, ông Bashir không hẳn là đi theo ánh sáng EQ mà ông đã làm theo lời ...cụ Nguyễn Du: “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Ông đã quá hiểu số phận của những người chiếm hữu nhiều tài nguyên như Hussain hay Gaddafi. Bởi thế, ông phải chấp nhận suy giảm quyền lực để tiếp tục vị thế cầm quyền đã 26 năm.

Lương Văn Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét