Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

VUA CHÂU Á

Vừa rồi, Vua Nhật Bản Akihito sang thăm Việt Nam và đã được đón tiếp long trọng. Trong các Vua châu Á, ngoại trừ các Vua Malaysia chỉ là Vua của những tiểu bang và không có thực quyền; trong khi Brunay cũng tách ra từ Malaysia mãi sau này vào năm 1984, thì các Vua Nhật, Campuchia hay Thái Lan đều được người dân các nước này ngưỡng mộ. Đó là điều mình thấy chạnh lòng khi nghĩ về Vua nước Việt, thật vô lý và buồn khi Bảo Đại đã bị đồng bào của mình đối xử một cách bất công. Viết thế này có vẻ đã “đi ngược chiều” và chắc sẽ bị ném đá, nhưng cứ cho mình cơ hội trình bày quan điểm.
Akihito thuộc hàng con cháu của Bảo Đại (1913-1997) vì vua cha Hirohito(1901-1989) mới cùng thế hệ, hai Vua lên ngôi cùng năm 1926. Thực sự Hirohito là một tội phạm chiến tranh, người đã từng tham gia quân đội và trực tiếp chỉ đạo trong chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Sau khi chiến tranh kết thúc và nước Nhật thua, Hirohito không bị xét xử như những nhà lãnh đạo khác của Nhật, thậm chí vẫn giữ ngôi Vua, chỉ mất đi thực quyền sang cho Thủ tướng. Rõ ràng người Nhật đã bao che cho những hành động tội lỗi của Hirohito trong chiến tranh. Ông vẫn được người dân Nhật sùng bái cho đến hết đời.
Cha của Vua Campuchia và Vua Thái hiện hành mới qua đời chưa lâu, đều thuộc hàng đàn em út của Bảo Đại, đó là Xihanuk (1922-2012), lên ngôi năm 1941và Bhumibol (1927-2016), lên ngôi năm 1946. Điểm chung của cả 4 Vua là đều được chỉ định Thái tử từ tấm bé và do đó được học hành, đào tạo hết sức cầu kỳ. Con tạo xoay vẫn, số phận đã đưa đẩy các Vua, nhưng rồi Vua người ta đều có happy end, ngoại trừ Vua nước mình.
Nếu so sánh về ngoại hình, dễ dàng cho thấy Vua mình ăn đứt mấy Vua kia, Hirohito lùn, Xihanuk vừa lùn vừa béo, Bhumitol có thể coi là tướng mặt chuột (là người Thái mà viết kiểu này thì chắc lôi thôi). Trong khi đó Bảo Đại của chúng ta tướng cao lớn, mặt mũi phương phi, đầy đặn, dù mặc quốc phục hay Âu phục cũng toát ra vẻ uy nghi của Thiên tử. Ông là một nhà thể thao cự phách trong nhiều môn như Quần vợt, Đua xe, Bơi lội...Về ngoại ngữ, bên cạnh tiếng Pháp quá siêu thì chữ Hán cũng cực kỳ giỏi và rất am hiểu lịch sử. Khi trò chuyện và trong các tác phẩm, Bảo Đại thường xuyên trích dẫn các loại điển tích văn học và các thành ngữ Đông Tây.
So sánh tài năng đức độ là điều rất khó, để nhận định thì phải nhìn vào công và tội trong hoàn cảnh của lịch sử. Cũng chẳng ai muốn đánh giá Bảo Đại một cách khách quan vì truyền thông của miền Bắc và miền Nam đã xuyên tạc và bôi nhọ ông quá nhiều.
Họ bảo ông trai gái lăng nhăng, nhưng không chịu nhớ chính Bảo Đại là người xóa bỏ chế độ cung nữ phi tần hàng ngàn năm, điều mà Vua Phổ Nghi của Trung Quốc không làm được vào cùng thời gian. Không thể nói những mối tình của Bảo Đại là vụng trộm vì ông đều công khai mối quan hệ và thường sinh con, thậm chí còn được hoàng hậu Nam Phương chấp nhận (thể hiện qua thư của Nam Phương gửi các bà Phi, với những lời lẽ cao cả và lịch sự “em chăm sóc Hoàng Thượng giùm chị”, không hổ danh một bà hoàng). Mặc dù mẹ là bà Từ Cung muốn Bảo Đại lấy thêm vợ lẽ nhưng ông luôn từ chối và chỉ khi Nam Phương qua đời vào năm 1963 thì ông mới chính thức lấy vợ khác vì ông muốn giữ chế độ một vợ một chồng. Việc Bảo Đại có nhân tình có thể tạm thông cảm vào lúc ông xa vợ, đó là thời gian từ cuối 1945-đầu 1946 tại Hà Nội, thời gian ở Hongkong 1946-1949, khi về nước 1949-1955 thì Nam Phương đã sang Pháp rồi. Có tin ông có bồ từ trước năm 1945 nhưng đó chỉ là đồn đại.
Ai cũng biết Bảo Đại không có thực quyền trong phần lớn thời gian tại chức nhưng lại trách ông săn bắn và quy tội ham chơi. Không có việc làm thì đi săn để giải khuây không được sao ? Ông vẫn cố gắng làm những điều trong phạm vi có thể được, chẳng hạn xóa bỏ nghi lễ quỳ lạy lạc hậu, điều mà bên Thái vẫn duy trì.
Thật ra Bảo Đại đã có những cơ hội để có quyền lực. Năm 1945, ông đã tự nguyện thoái vị và cho rằng “thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm Vua một nước nô lệ”. Trong khoảng trống về quân sự khi Nhật thua đồng minh lúc đó, đội quân hoàng gia của ông hoàn toàn có thể đánh bại Việt Minh. Đúng ra ông đã tính đến điều đó nhưng không muốn cảnh người Việt chiến tranh giết hại lẫn nhau. Ông từ bỏ ngôi báu của dòng họ và cá nhân và nhận chức Cố vấn Chính phủ, có thể hiểu là một sự hy sinh cho đất nước. Lịch sử lặp lại vào năm 1955, khi Ngô Đình Diệm bày trò trưng cầu đân ý để phế truất, nếu sử dụng Quân đội quốc gia do Bảo Đại thành lập để chống lại thì chưa chắc đã mất ngôi Quốc trưởng. Ở đây có thể thấy quan niệm của Bảo Đại: thà là một chính khách nhu nhược còn hơn một tên bạo chúa khát máu.
Bảo Đại có những công lao rõ ràng và cụ thể. Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 đã cho Pháp đưa quân trở lại Việt Nam, và sau đó người Pháp đã liên lạc với Bảo Đại. Pháp muốn Bảo Đại tiếp tục làm Vua hoặc Quốc trưởng Việt Nam tại Bắc và Trung Kỳ là xứ bảo hộ và tự trị cũ, còn Nam kỳ giữ nguyên quy chế thuộc địa, nhưng điều kiện tiên quyết của cựu hoàng là Việt Nam phải được thống nhất, Pháp không được giữ Nam kỳ. Chính vì sự bất đồng này mà đến tận năm 1949 Bảo Đại mới về, và ông chọn Sài Gòn làm điểm trở về, đánh dấu việc Nam kỳ tái thống nhất. Trong thời gian làm Quốc trưởng, với chủ trương chọn người tài chứ không chọn người thân, ông đã tập hợp được hầu hết trí thức đương thời cho công cuộc tái thiết cả nước và tái thiết miền Nam sau này.
Đặc biệt, dù làm Vua hay Quốc trưởng, ông không bao giờ tơ hào, thu vén tiền bạc, của cải cho cá nhân để đến khi mất chức, ông lâm vào cuộc sống hết sức thiếu thốn trong thời gian ở Hongkong cũng như ở Pháp về sau.
Uy tín của Bảo Đại trong dân không dễ mất đi nhanh chóng. Vào cuộc bầu cử quốc hội tháng 1/1946, mặc dù không được đi vận động, Bảo Đại vẫn trúng cử Đại biểu quốc hội với số phiếu cao ngất ngưởng. Đến đầu thập niên 70, hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều đưa ra phương án Chính phủ Liên hiệp để mời Bảo Đại về nước nhưng ông đã khước từ cả hai. Ông không muốn bị lợi dụng tên tuổi để làm cái bung xung.

Tuy nhiên, sau khi Xihanuk được các nước lớn dàn xếp đưa về Campuchia năm 1993 thì ông lại lên tiếng trên đài BBC rằng sẵn sàng về nước. Thời điểm đó Việt Nam còn bị cấm vận quốc tế do đánh chiếm Campuchia, mọi người hiểu rằng nếu có một chính quyền hòa giải dân tộc với sự tham gia của cựu hoàng thì lệnh cấm vận sẽ lập tức được dỡ bỏ. Nhưng một khi rút hết quân khỏi Campuchia thì Việt Nam cũng được xóa cấm vận mà không cần đến giải pháp Bảo Đại. Dù thế nào chăng nữa, một đất ước có Vua, biểu tượng của truyền thống và đoàn kết thì vẫn hơn.


Tháng 3/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét