Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

VUA Ả RẬP

Thế giới Ả Rập gồm 22 nước có chung ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, nằm ở vùng Trung Đông, giữa ba châu lục lớn là Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Vì ở gần châu Âu, được "gần đèn thì rạng" nên nhiều nước Ả Rập đã có thời không đến nỗi nào. Beirut từng được coi là Paris thu nhỏ; Damacus là "hòn ngọc sa mạc", các đô thị Cairo, Bagdah, Casablanca....sầm uất và là những cái nôi của văn minh. Chìm trong các thể chế độc tài, thế giới Ả Rập đã có những bước thụt lùi một cách tương đối, ví dụ tỉ trọng mậu dịch của các nước Ả Rập so với toàn cầu chỉ bằng 1/2 so với 50 năm trước.
Do đó sẽ không có gì lạ khi nổ ra những cuộc nổi dậy của người dân chống lại giới cầm quyền áp bức và bất công. Một làn sóng như vậy diễn ra vào đầu năm 2011, mà người ta quen gọi là "Mùa xuân Ả Rập". Arab Spring đã quật đổ các chế độ độc tài ở Tuynisia, Ai Cập, Yemen và Lybia; làm rung rinh các giới cầm quyền ở Sudan, Algeria, Syria. Trước năm 2011, mọi người đã chứng kiến những biến động chính trị lớn ở Lebanon, Iraq, Somalia, đảo chính ở Mauritania và Palestin cũng thay thế nhà lãnh đạo lâu năm là Arafat. Kỳ lạ thay, các thể chế phong kiến Ả Rập thì vẫn "bình chân như vại", như không hề có sự đe dọa lật đổ ?
Hiện có 8 quốc gia Ả Rập còn duy trì chế độ phong kiến, trong đó Jordan và Morocco đã hướng theo "thế tục", còn 6 nước hợp tác vùng Vịnh (GCC) thì chế độ phong kiến vẫn giữ nguyên những đặc tính "truyền thống" mà mang nặng màu sắc tôn giáo vì nhà Vua cũng chính là một vị giáo chủ. Trước khi đi vào tìm hiểu nguyên nhân sự bền vững của 6 nhà nước phong kiến GCC, hãy thử điểm qua các triều đại ở các nước.
Oman có lẽ là quốc gia phong kiến lâu đời nhất trong số các nước vùng Vịnh, với một quá khứ huy hoàng. Tuy nhiên vị vua được coi là khai sinh là triều đại hiện hành lên ngôi vào năm 1749 là Ahmed Al Busaid. Vua hiện nay Sheikh Qaboos, (Sheikh la một danh hiệu chỉ người hoàng tộc), SN 1940 lên ngôi sao một cuộc đảo chính không đổ máu, lật đổ vua cha vào năm 1970.
Kuwait là nước thiết lập được một nhà nước phong kiến khá lâu đời, từ đầu thế kỷ 18 và dòng họ Al Sabar được coi là lập quốc vẫn còn cai trị đất nước cho đến ngày nay. Vị vua hiên nay là Sheikh Sabar Al Sabar , SN 1929, thuộc đời thứ 15, lên ngôi năm 2006. Sự kiện này có thể coi là một cuộc đảo chính vì khi vị tiền nhiệm là Saad qua đời, Sabar lúc đó là Thủ tướng đã phế truất Thái tử để nắm quyền.
Dòng họ Al Khalifa thống trị tại Baihrain vốn di cư từ Kuwait mà vị vua đầu tiên là Ahmad đã được các bà con của mình thuộc vương triều Al Sabar giúp chiếm lấy quyền lực vào năm 1783. Ngày nay, Sheikh Hamad, SN 1950, lên ngôi từ năm 1999 vẫn còn trị vì trong khi Sheikh Salman, người chỉ kém vua cha 19 tuổi là Thái tử.
Qatar vốn là một phần của Bahrain, mặc dù diện tích lớn hơn Bahrain nhưng hầu hết phủ sa mạc. Chiếm được quyền lực vào khoảng giữa thế kỷ 19, dòng họ Al Thani đã xưng vương và ly khai với cố quốc. Sau khi Hamad thoái vị vào năm 2013, Tamin, SN 1980 lên ngôi đã trở thành ông vua trẻ nhất trong số các ông vua của vùng Vịnh.
UAE là một liên bang gồm 7 tiểu vương quốc và 7 ông vua riêng, trong đó Abu Dhabi và Dubai là hai tiểu vương quốc lớn nhất chiếm trên 80% diện tích, dân số và GDP của UAE. Dòng họ Al Maktoum của vua Dubai cũng có nguồn gốc từ Abu Dhabi, đã tới định cư và phát triển Dubai vào đầu thế kỷ 19. Trước đó dòng họ Al Nahyan đã thiết lập chế đô cai trị tại Abu Dhabi vào khoảng năm 1793.
Quốc gia lớn nhất trong vùng là Saudi, được hình thành từ nhiều bộ lạc và tiểu quốc trong quá khứ. Dòng họ Al Saud đã từng làm tiểu vương từ đầu thế kỷ 18, tuy nhiên đến tận năm 1932, Abdulaziz, một thành viên của Al Saud mới thống nhất được phần lớn đất đai trên bán đảo Ả Rập, thành lập nên nhà nước Saudi.
Như vậy các triều đại Ả Rập vùng Vịnh đều có sự hình thành lâu đời, đã trở thành một phần lịch sử ở mỗi nước. Điều thú vị là các vua vùng Vịnh có những danh hiệu khác nhau như King (Saudi, Bahrain), Emir (Kuwait, Qatar), Ruler (các vua UAE) và Sultan (Oman). Trong 12 ông Vua (riêng UAE đã có 7 vị) phần lớn đã luống tuổi và đại đa số Vua và các hoàng thân quốc thích đều là những người được Tây học vì được du học từ nhỏ và sống nhiều năm ở nước ngoài. Điều đó cho thấy một sự tương phản rõ rệt, một bên là truyền thống, một bên là hiện đại trong việc điều hành các nước này. Nói rõ hơn, về bề nổi, luôn luôn đề cao bản sắc văn hóa cũ, giữ gìn biểu tượng cũ, những trong thực hành lại hướng theo những chỉ dẫn của đội ngũ cố vấn phương Tây. Đây là "công thức" tối ưu về đối nội cũng như đối ngoại.
Các nước vùng Vịnh đều có rất đông ngoại kiều sinh sống dài hạn, ít như Saudi và Bahrain cũng lên tới 30%, nhiều như UAE và Qatar là 80%, đặt ra vấn đề duy trì sự đoàn kết hài hòa trong xã hội. Với việc đề cao phong tục mang màu sắc tôn giáo thì giới ngoại kiều sẽ phải hiểu rằng họ không thể có vai trò và không nên tranh chấp chính trị gì ở đây. Nằm bên canh các quốc gia hùng mạnh hơn như Ai Cập, Iraq, Iran, các nước vùng Vịnh cần cái ô bảo hộ về quân sự của Mỹ và phương Tây, do đó một thể chế vận hành nhà nước theo mô hình hiện đại đã đáp ứng được các yêu cầu về thích nghi với dòng chảy chung của thế giới.

Một yếu tố nữa, các nước vùng Vịnh hiện có sự phát triển bền vững, cân đối về kinh tế, xã hội và môi trường, khác hẳn với các nước Ả Rập "cộng hòa" nhưng thực chất là độc tài, tham nhũng và mất lòng dân.


Tháng 4/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét