Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

TÌM HIỂUCÔNG CUỘC “TRỒNG NGƯỜI”


Hồi trước nhà mình share phòng với 1 cậu người Việt, ngoài 30 tuổi, độc thân. Một hôm cậu ấy hỏi mình, anh định cho 2 đứa nhà anh khi lớn lên làm gì. Mình nghĩ một lát rồi bảo, “cho nó bán cà phê, được không”. Hắn bảo được đấy, con Sissy mồm mép như thế mà bán cà phê thì tốt quá.
Nói  vậy chứ trong bụng mình không nghĩ vậy. Có mỗi 2 mụn con gái, đang tính cháu lớn Kelly, gọn gàng ngăn nắp, sẽ thi bác sĩ. Cháu bé Sissy hoạt ngôn, cố gắng theo Luật sư. Nhưng khi cậu em nói thì mới thấy, đầu óc của nó trẻ trung, phóng khoáng nên nghĩ cao hơn mình, làm nghề gì chẳng được, miễn là sống lương thiện, vui vẻ.
Tuần trước khi còn hạn đăng ký thi vào lớp OC (Opportunities Class, dành cho học sinh giỏi), nhưng cháu Kelly không chịu. Những cháu Sissy thì lại đòi sang năm thi (cháu Si lớp 3, kém cháu Ke 1 lớp). Thi đỗ đâu có dễ, phải vào các lò luyện thi, nhưng trong cuộc thi chạy 1000m, cố chạy thật nhanh 100m đầu tiên để làm gì ? Có điều Ke chăm học, Si thì lười biếng, lại bất cần đời. Bài tập về nhà Si không chịu làm Ke sốt ruột quá phải mang ra làm hộ. Thành ra đứa chăm thì không có hoài bão, lười thì lại lắm tham vọng. Nhưng lại có chuyện này nữa, Kelly mà gặp bài toán khó thì dễ dàng bỏ cuộc, nhưng Sissy thì không, con nhỏ ngồi nghĩ rất lâu để làm bằng được. Những cái đó là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, ai mà bảo được.
Ngẫm ra, tính nết, trí thông minh, sức khỏe, nhan sắc và cả sự may mắn nữa cũng đều tại trời. Trời sinh có người đầu to bằng quả nhót, người thì đầu bằng quả dưa hấu. Quả nhót chỉ nhồi 1 ít đã đầy, không còn “room” để phát triển, có người tài năng nở rộ thăng hoa mãi về sau. Cho nên học trước hay học sau cũng vậy, đến một cái ngưỡng nào đó nào đó cho từng người, gọi là “có số”. Người trần mắt thịt có thể thay đổi được điều gì ? Tất nhiên, tài năng và nhân cách không chỉ do bẩm sinh mà còn do hoàn cảnh môi trường, cái này cũng là cái chưa chắc cha mẹ có thể làm gì nhiều giúp cho con cái.
Hai cháu nhà mình hơn nhau có 1 tuổi rưỡi, lúc nào cũng ríu rít với nhau. Bà xã mình bảo, trẻ con là sướng nhất, lúc nào cũng hồn nhiên vô tư. Mình bổ sung thêm, trẻ con sướng nhất nếu không bị người lớn đánh mắng. Có người bảo, nếu không đánh thì sao bảo được nó. Mình nhớ đến chuyện Mao Trạch Đông thuở nhỏ hay bị bố cho ăn đòn, có lẽ làm tình cảm cha con sứt mẻ. Khi Mao lên Chủ tịch nước thì bố Mao vẫn còn sống, mà cũng lờ luôn, không bao giờ nhắc đến bố.
Trẻ con thường mải chơi. Khi bảo nó tắt tivi mà tay cầm cái roi thì chỉ cần nói 1 câu, nhưng không cầm gì thì phải nói 10 câu. Không lẽ mình không thể kiên nhẫn với con cái 1 chút sao ? Một trong những điều mình nhớ ơn bố mẹ mình là hồi bé mình ít bị đánh hơn so với bạn bè cùng lứa. Nhưng mình cũng không tin rằng nếu bị đánh nhiều hơn thì mình sẽ trở thành người tốt hơn. Bọn Tây ít bị ông bu bà bu chúng nó đánh mà chúng nó đâu có hư, ngược lại chúng rất thành công.
Sống trên đất Úc mới thấy bọn Tây da trắng có nhiều ưu việt hơn người da màu, thực tế là chúng đang chiếm đỉnh cao các lĩnh vực. Không hiểu cha mẹ Tây “ăn gì” mà đẻ ra những sản phẩm tốt như vậy. Một lần, bạn mình chỉ cho cảnh một ông bố Tây đang chơi với con nó ngoài công viên. Một trò chơi hết sức nhàm chán đối với người lớn, nhưng vì làm con nó thích thú nên nó cứ lặp đi lặp lại hàng tiếng đồng hồ. Con người ta sinh ra, nhu cầu ăn, uống,...đụ (không đụ thì sao sinh ra lũ trẻ?) là bản năng. Cá chuối đắm đuối vì con, người hay con vật cũng đều yêu thương con mình đẻ ra. Nhưng để lý trí thoát lên trên cảm tính thì hơi khó, nhưng phải nói bọn Tây làm điều này khá tốt, cái gì hay thì mình phải học.
Trong cơ quan Việt Nam mình làm hồi trước có một bạn gái trẻ bị cái tật là không biết chào hỏi ai bao giờ. Mọi người nói chuyện này với nhau, ai cũng lấy làm buồn cười. Mình bảo, chắc là hồi bé, bố mẹ cô ây bắt cô ấy chào nhiều quá, bây giờ chào hết chữ rồi. Hồi mình còn nhỏ, hầu hết các nhà không có tủ lạnh. Cơ quan bố mình có tủ lạnh, mỗi lần đến được uống nước đá, nước mát rất thích. Nhưng có một điều bực bội là phải chào nhiều người quá. Có cô chú chỉ đi ngang qua cũng bắt mình chạy theo để chào. Đồng ý là sẽ chào, nhưng từ từ, nhìn rõ mặt thì mới chào chứ chưa chi gì mọi người đã giục chào rồi ? Lời chào cao hơn mâm cỗ, đó là phép lịch sự và xã giao. Nếu hiểu được như thế thì không khó khăn gì trong việc chào hỏi, còn nếu nghĩ chào hỏi là mất thì giờ không cần thiết thì có cậy răng, còn bé sợ ăn đòn đành phải chào, chứ lớn rồi thì đừng hòng.
Mình muốn con mình phải biết làm lụng việc nhà. Nhưng khi nó rót nước vào bình vào cốc bị đổ chẳng hạn thì bố mẹ tranh nhau mắng. Nếu còn làm vỡ cốc nữa thì chắc chắn ăn đòn rồi. Ở các trường học, phải luôn đúng thì mới được điểm tốt, mới trở thành học sinh giỏi, nhưng tính thực dụng không cao. Trong cuộc sống, để làm đúng thì tốt nhất ...phải làm sai, thì mới có thể so sánh và rút kinh nghiệm. Đối với trẻ con là cái tuổi learning, nếu không dám sai, dù những việc nhỏ cũng khó học hỏi được.
Đối với 2 cháu nhà mình, giai đoạn dễ dãi, chơi nhiều học ít, cũng sắp qua. Bọn mình định vài năm nữa sẽ bắt chúng học hành nhiều hơn. Học trường lớp là một chuyện, còn học ngoài đời nữa. Theo luật Úc, 14 tuổi bắt đầu được đi làm. Bọn mình tính cho các cháu đi làm ở KFC hay McDonald và để khuyến khích thì gia đình sẽ giúp tiền tàu xe để đi làm. Đi làm có nghĩa là phải biết cách làm hài lòng khách hàng, boss và đồng nghiệp...hy vọng các cháu sẽ trưởng thành hơn.

Phần đầu

Là cha là mẹ ai chẳng có biết bao trăn trở là sao nuôi dạy con cái mình cho thành người. Trước đây mình nghĩ, nêu ý kiến của mình ra, lộ cái khác biệt, tranh cãi, thành ra mất đoàn kết. Nhưng có lẽ vẫn phải nói ra, để trao đổi thông tin kinh nghiệm, hy vọng học hỏi những điều có lợi cho các cháu.
  1. Bổn phận trước tiên của cha mẹ là đảm bảo sự an toàn cho con cái, tránh nhiễm phải những thói hư tật xấu. Thói xấu ở đây sợ nhất bệnh “tứ đổ tường” rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút xách. Bây giờ lại thêm nỗi lo “game thủ”.
  2. Thời đại con mình có những yêu cầu khác hẳn thời của mình, do đó, không được áp đặt thế giới quan, nhân sinh quan của mình cho nó. Kể cả những chuyện lặt vặt như sở thích vui chơi, khẩu vị...cũng không cần chúng phải giống mình. Giáo dục là chặng đường rất dài, không thể nôn nóng. Thương con thì phải hết sức kiên nhẫn.
  3. Cái khác biệt lớn nhất của thời đại mới là mọi thành quả của con người đều là sản phẩm của tập thể, có thể coi không còn chiến công cá nhân nữa, vì thế con người làm việc theo nhóm (team work) là bắt buộc. Những người có tri thức bây giờ rất đông, không thể tất cả đều làm vua, vấn đề là làm sao mọi người hợp tác được với nhau.
  4. Từ yêu cầu khác, đặt ra cách giáo dục cũng khác. Kiến thức uyên thâm, kỹ năng tinh thông, nhiều tài lẻ...vẫn cần nhưng quan trọng hơn cả hơn cả là kỹ năng giao tiếp, khả năng hòa đồng với tập thể. Thử tượng tượng con bạn sẽ nói gì với người ta khi đi xin việc làm, khi muốn lên lương, lên chức. Phải tìm được cung bậc của mình trong giàn giao hưởng.
  5. Không phải ngẫu nhiên mà luật pháp các nước tiên tiến đưa ra các hình phạt rất nặng đối với việc cha mẹ đánh con cái. Bằng chứng khoa học cho thấy, trẻ con bị đánh sẽ bị tổn hại đến phát triển trí óc, thui chột sự tự tin. Trẻ con không cần đánh mắng mà cần sự yêu thương, hãy thường xuyên ôm chúng vào lòng.
  6. Cha mẹ cố mà định hướng cho con sao cho có sự cân bằng giữa học và chơi, giữa học văn hóa với văn thể du, kết hợp giáo dục xã hội, giáo dục nhà trường và giáo dục của gia đình. Mình cho rằng, trong 3 loại môi trường, xã hội là nơi học hỏi được nhiều nhất. Tuy nhiên, ở VN chẳng hạn, ra xã hội thì quá rủi ro, vậy nên giáo dục gia đình được đề cao.
  7. Các môi trường như trên đều cần, nhưng suy cho cùng, học hỏi được nhiều nhất và quan trọng nhất là khả năng tự học. Muốn vậy phải có sự độc lập suy nghĩ cao độ, tránh tuyệt đối tâm lý ỷ lại, kể cả trông chờ  vào cha mẹ. Trong tương lai, con bạn có thể làm kinh doanh, làm sao bán được hàng; nếu làm chính trị, làm thể nào để mọi người bỏ phiếu cho...là nhưng cái phải tự mà biết, không ai dạy được. Không có cách nào khác, “no pain, no gain”, chỉ có trả giá thì mới khôn ra được.
  8. Suy nghĩ giữa người lớn và trẻ con rất khác nhau, bởi vậy con cái mình sẽ nghe bạn bè hơn cha mẹ. Muốn quản lý và theo dõi chúng, cách tốt nhất là thông qua bạn bè. Tuy nhiên để phân biệt bạn thù không dễ, đôi khi một người bạn tốt ở công sở lại là trở ngại cho việc thăng tiến. Bạn bè là cái quyết định hạnh phúc và thành công của con cái mình.
  9. Ở Phần Lan, người ta đã loại bỏ các môn toán lý hóa trong trường phổ thông. Mình tán thành điều này, vô số các kiến thức trong cách trường học là vô ích trong cuộc sống, đồng thời  hầu hết những điều phát sinh trong cuộc sống thì chưa được trang bị ở nhà trường. Nhưng trẻ con vẫn phải tới trường để được giao tiếp và gây dựng các mối quan hệ xã hội cho cuộc sống sau này. Trong thời đại internet, người lớn lẫn trẻ con đều có thể liên tục trau dồi và cập nhật kiến thức trên mạng, hệ thống thư viện và tiệm sách báo. Vấn đề là phải có hứng thú và tinh thần cầu tiến.
  10. Người Do thái rất chú trọng dạy con về vấn đề tài chính, vì thế ở đâu, người Do thái đều rất thành công. Trong các loại trí thông minh, trí thông minh về tài chính có lẽ là quan trọng hơn cả, hơn cả trí thông minh logich và thông minh ngôn ngữ. Không phải đương nhiên “đi một ngày đàng học một sàng khôn” bởi nếu chỉ đi tiêu tiền thì không học được gì hoặc học được rất ít. Đi xa mà chịu khó quan sát mới  tạo ra cơ hội có được một góc nhìn mới, có thể tìm ra một hướng đi mới cho nghề nghiệp và cuộc sống.
Nghĩ đến con, ai cũng có vô số ý tưởng, nhưng mình nêu tạm 10 điều trên, xin thêm ý kiến của mọi người.

Ghi chú: Chữ “trồng người” là từ câu nói “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” của Quản Di Ngô, chính trị gia xuất sắc thời Xuân Thu.
Chuyện kể rằng, Bão Thúc Nha giúp Tề Hoàn công chiếm được ngôi báu. Tề Hoàn công định trao chức Tể tướng cho Bão Thúc Nha thì ông từ chối mà tiến cử Quản Di Ngô. Hoàn công hỏi, ta nghe Di Ngô trước đây hùn vốn đi buôn với ngươi, đến khi chia lời, Di Ngô luôn dành phần hơn, chơi với bạn bè như thế được không ? Thúc Nha trả lời, tôi con nhà giàu, còn nhà Di Ngô rất nghèo, vậy anh phải lấy thêm để phụ giúp gia đình.
Hoàn công lại hỏi, nghe nói Di Ngô khi ra trận luôn đi sau, khi rút lui thì chạy trước, có phải hèn nhát không ? Thúc Nha lại thưa, Di Ngô có mẹ già không nơi nương tựa. Anh phải giữ tính mạng để phụng dưỡng mẹ, chứ không hề hèn nhát.
Hoàn công yên tâm giao Quản Di Ngô làm Tể tướng. Quả nhiên, Di Ngô sửa đổi chính sự, sắp đặt công việc đâu ra đấy, nước Tề trở nên hùng cường. Vua các nước chư hầu nhóm họp và bầu Tề Hoàn công làm minh chủ.
Hoàn công cũng hết sức tin cậy và yêu quý Di Ngô, gọi ông là Trọng phụ, nghĩ là quý trọng như cha, vì thế người sau còn gọi Quản là Quản Trọng.
QuảnTrọng lâm bệnh nặng, Hoàn công lo lắng hỏi: Trọng phụ mà đi thì ta biết trông cậy ai. Quản tiến cử Thấp Bằng. Hoàn công ngạc nhiên, tại sao không phải Bão Thúc Nha. Quản thưa, Bão là người tốt, nhưng tính tình quá nghiêm khắc, “nước trong quá thì cá không sống được”, không được như Thấp Bằng.
Tiếc rằng Thấp làm Tể tướng được một thời gian ngắn rồi cũng qua đời. Không còn ai tin cậy, Hoàn công đành vời Bão Thúc Nha. Đúng như tiến đoán của Quản, Bão gây mất lòng mọi người, oán thán ngày càng tăng, giặc dã nổi lên. Cuối cùng, Bão Thúc Nha và Tề Hoàn công đều bị sát hại.
Bạn bè như Quản và Bão thì còn hiểu nhau hơn cả cha mẹ, con cái.