Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

CHÂU PHI HUYỀN BÍ

Châu Phi bao gồm châu Phi không đen ở phía Bắc, thuộc Thế giới Ả Rập (Arab World) và Châu Phi đen (Black Africa), nằm ở phía Nam sa mạc Sahara (sub Saharan).

Châu Phi đen và châu Phi Ả rập có những khác biệt sâu sắc và toàn diện về chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế và tôn giáo. Người châu Phi mũi tẹt, da đen, môi dày, tóc xoăn tít còn người Ả Rập thuộc chủng tộc Ấn Âu mũi cao, da trắng hoặc mai mái (một số người da đen hơn do lai với người da đen), tóc màu hung và xoăn vừa phải. Người Ả Rập đa số theo Hồi giáo, có chung ngôn ngữ; còn người da đen có nhiều thổ ngữ khác nhau và có xu hướng dùng tiếng Anh, kể cả các thuộc địa cũ của Pháp, Ý, Bồ Đào Nha cũng như tôn giáo chính là đạo Thiên chúa.

Thực ra không chỉ có khác biệt về con người. Do sự biến đổi về khí hậu và sự hình thành sa mạc Sahara, có một khoảng thời gian cách đây hàng trăm ngàn năm, các loài thực vật, các loài động vật và con người đã không thể sống được và phải đi "sơ tán" khỏi vùng Bắc Phi. Khi điều kiện khí hậu trở nên đỡ khắc nghiệt, cây cối và chim muông đã trở lại thì một luồng dân từ bên Tây Á tràn sang Bắc Phi. Nếu bạn nói chuyện với những người dân Ai Cập chẳng hạn, sẽ biết rằng không bao giờ họ nhận họ là người châu Phi.

Sa mạc Sahara mênh mông được ví như biển cả làm nên biên giới thiên nhiên giữa Bắc và Nam Phi. Trong quá khứ, người dân và các nước Bắc Phi giao lưu nhiều với châu Âu trong phạm vi vùng biển Địa Trung Hải hiền hòa chứ không thể vượt sa mạc đề làm bạn với các sắc dân phía Nam. Eo biển Gibranta rộng 12km là điểm gần nhất giữa Tây Ban Nha và Morroco, ngay cả hiện nay vùng đất bên kia eo Gibranta vẫn còn thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha. 

Trong các tài liệu thống kê của các tổ chức quốc tế Liên hiệp quốc (UN), WTO, IFM, WB, hay UNESCO thì người ta vẫn xếp các nước Bắc Phi nằm trong nhóm đại Trung Đông (MENA), còn khái niệm Châu Phi (Africa) chỉ có các nước phía Nam Sahara. Chúng ta thử đi sâu vào các khu vực của châu Phi huyền bí (huyền nghĩa là đen), đặc biệt là các vùng có đặc trưng riêng như như Sừng châu Phi, Trung Phi, Nam phi và Madagasca.

Khu vực Sừng châu Phi (Horn of Africa) ngày nay là một điểm trũng của châu Phi và toàn thế giới về nghèo nàn và lạc hậu, nhưng lại có những trang sử hào hùng trong quá khứ vào bậc nhất châu Phi và thế giới. Với việc phát hiện ra bộ xương nổi tiếng mang tên Lucy, Sừng châu Phi được coi là cái nôi của nhân loại. Theo giả thiết, người thượng cổ xuất phát từ đây, đi ngược lên phía Bắc khi mà eo biển Bab Mandad hiện nay rộng 20km nhưng trước đây "dính" với lục địa Á Âu, và từ vùng đất Trung Đông, loài người tỏa ra hai hướng chính, sang phía Tây chính là người châu Âu và sang hướng Đông, trở thành người châu Á ngày nay.

Trong khoảng 10 thế kỷ, từ TK thứ nhất đến TK thứ 10, Sừng châu phi là lãnh địa của Vương quốc Aksum, với sự trị vì của dòng họ Solomon. Có những giai đoạn Aksum là một đế quốc hùng mạnh, được coi là một trong 4 thế lực lớn nhất trong lịch sử cùng với La mã, Ba tư và Trung hoa. Sau đó đế quốc Aksum suy yếu, chủ yếu do các thế lực Hồi giáo từ Trung Đông, bên kia biển Hồng Hải tràn sang. Dần dần, Sừng châu Phi bị chia cắt thành 4 nước, trong đó Somalia và Djibouti tách ra và gia nhập thế giới Arab; đến năm 1993, Eritrea tách khỏi Ethiopia. 

Ethiopia vẫn là quốc gia đông nhất ở Sừng châu Phi, với dân số 100 triệu người, chiếm 80% dân số khu vực. Trong thời kỳ các cường quốc châu Âu xâm chiếm châu Phi làm thuộc địa, Ethiopia là quốc gia duy nhất giữ được chủ quyền. Năm 1974, hoàng đế Haile Selassie bị đảo chính, chính quyền mới có định hướng xã hội chủ nghĩa do đại tá Mengistu đứng đầu. Tuy nhiên đến năm 1991, khi Liên xô và Đông Âu sụp đổ, nước Ethiopia XHCN không còn đứng vững. Chỉ cầm quyền có 17 năm, Mengistu đã đưa đất nước lâm vào cuộc chiến tàn khốc với Somalia láng giềng, biến Ethiopia từ một đất nước hùng mạnh trong khu vực trở thành quê hương của những đứa trẻ bị đói theo đúng nghĩa đen.

Để tìm hiểu về các quốc gia nằm trong khu vực trung Phi, cách tốt nhất có lẽ là nhìn vào mối quan hệ về ngôn ngữ. Ngôn ngữ Nigie-Congo hay còn gọi là ngôn ngữ Bantu theo nghĩa rộng là một hệ ngôn ngữ lớn thứ ba thế giới, chỉ sau ngôn ngữ Ấn-Âu và ngôn ngữ Hán-Tạng. Đây là thứ ngôn ngữ được sử dụng trải rộng gần hết lục địa châu Phi, không chỉ Trung Phi mà còn cả Tây Phi, Đông Phi và Nam Phi. Tuy nhiên hệ Nigie-Congo có quá nhiều thứ tiếng, lên đến hàng ngàn loại, trong đó ngôn ngữ đông người dùng nhất cũng chỉ cỡ 10 triệu người. 

Trong quá khứ, khu vực Trung Phi đã từng xây dựng được những vương quốc phong kiến có nền văn minh chói lọi. Tuy nhiên, tệ nạn buôn người nô lệ đã chứng tỏ khu vực này vẫn còn chìm đắm trong những thể chế còn thấp hơn cả chế độ phong kiến, đó là chế độ chiếm hữu nô lệ. Nô lệ da đen châu Phi đã từng một "đặc sản" được chào bán ở Trung Đông, trước khi mở rộng quy mô sang châu Mỹ.

Madagasca là một quốc đảo và có những ngoại lệ khác hẳn với các nước châu Phi. Người Madagasca có nguồn gốc từ Nam đảo, tức cùng chủng tộc và ngôn ngữ với người Indonesia và Malaysia ngày nay. Sau này, một số người nói tiếng Bantu cũng vượt biển để sang đảo định cự trở thành một nhóm dân thiểu số. 
Madagasca cũng là thuộc địa của Pháp như Việt Nam, do đó từ thế kỷ trước đã có một số người Việt sang đảo để làm đồn điền.

Nam Phi là một Liên bang có lịch sử và mối quan hệ kinh tế, chính trị tách biệt với các nước châu Phi khác. Tại Nam Phi, người da trắng và người Ấn sang định cư khá đông, bây giờ còn có thêm người Hoa, và cũng nhiều người lai. Sau khi xóa bỏ chế độ Arpacthai vào năm 1990, chính quyền đã được chuyển giao cho người da đen. Nam Phi ngày nay là quốc gia mạnh nhất châu Phi về kinh tế, nước duy nhất có chân trong nhóm G20. Cape Town là thành phố cực Nam của châu Phi, gần mũi Hảo Vọng, với đa số dân da trắng. Nam Phi là quốc gia Châu Phi đen duy nhất mình từng đặt chân đến, mảnh đất cũng ở bán cầu Nam, có khí hậu và phong cảnh rất giống Úc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét