Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ LÊ THÁNH TÔN


Không rõ dựa trên tiêu chí nào mà sách giáo khoa lịch sử trong nước đánh giá đời vua Lê Thánh Tôn là thời gian cường thịnh nhất trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Bên Tàu, đời Đường Huyền Tôn là cường thịnh nhất vì đó là giai đoạn Trung Quốc có biên giới lãnh thổ rộng lớn nhất. Nếu theo khía cạnh này thì đời Minh Mệnh mới là đỉnh cao, sau khi Gia Long thốngnhất sơn hà thì Minh Mệnh còn tiếp tuc mở rộng thêm đất đai. Còn nếu coi cuộc sống ấm no, sung túc là quan trọng nhất thì nó lại phải rơi vào đời Lê Thái Tổ, Lê Thái Tôn là ông và bố của Thánh Tôn. Theo đó:
- Đời vua Thái Tổ Thái Tôn
Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn.

Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Khi lên ngôi, ông bị một số sử gia chê trách là đã bạc đãi các công thần, những người đã "nằm gai nếm mật" (ý thơ Nguyễn Trãi) với ông trong cuộc kháng chiến 20 năm. Nhìn cách khác, thời chiến và thời bình đòi hỏi những nhân sự khác nhau, người đánh nhau giỏi chưa chắc đã xây dựng đất nước giỏi. Phải chăng nhờ chủ trương chính sách này của Thái Tổ đã đưa nước Việt trở nên phồn vinh và giàu có.

Thái Tôn lên ngôi khi còn trẻ, dần dần cũng trở nên một ông Vua đầy năng nổ và nhiệt huyết. Trong một chuyến tuần du, ông ghé thăm nhà Nguyễn Trãi ở Lệ Chi Viên, cho thấy mặc dù đã về vườn nhưng tình cảm của một công thần bậc nhất như Nguyễn Trãi với vua Lê vẫn còn nồng ấm. Đáng tiếc, Thái Tôn đột ngột chết một cách bí ẩn trong đêm tại nhà của Nguyễn Trãi. Không còn cách nào khác, Nguyễn Trãi phải chịu trách nhiệm về cái chết và bị khép vào tội xử tử. Thời sau người ta thêu dệt câu chuyện theo hướng mê tín dị đoan, chẳng hạn như con rắn nhỏ ba giọt máu...

Người con thứ ba của Thái Tôn là Bang Cơ, tức Nhân Tôn lên ngôi khi mới 2 tuổi, nên các quan phải gánh vác mọi sự vụ. Một biến cố đã xẩy ra khi con trưởng là Nghi Dân làm binh biến cướp ngôi, nhưng cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn cho đến khi bị phế truất. Các quan chọn người con thứ tư của Thái Tôn là Tư Thành lên ngôi, trở thành Thánh tôn.

Vua Thánh Tôn lên ngôi khi đã đến tuổi trưởng thành nên Vua tự thân điều hành mà không cần đến sự Nhiếp chính của các quan. Trong triều đại 37 năm (1460-1497) của ông, có 2 sự kiện đáng chú ý là Hội Tao đàn và Bộ luật Hồng Đức là những điều cần xem xét lại xem chúng có mang lại những điều tốt lành như đã tưởng hay không?

Hội Tao đàn là gồm 28 thành viên, gồm toàn những bậc học cao, hiểu rộng, với nhiều người đã từng đỗ Trạng Nguyên, bảng nhãn...Cả Hội thường ngao du trong thiên hạ, mỗi khi gặp cảnh tươi đẹp, Vua hạ lệnh dừng lại để mọi người cùng xướng vịnh, thơ phú. Trong hàng chục năm với ngần ấy con người, Hội Tao Đàn đã làm ra một đống những tác phẩm nhưng không có cái nào đạt đến trình độ vượt thời gian để mọi người nhớ đến như truyện Kiều của Nguyễn Du hay thơ Hồ Xuân Hương. Sản phẩm của Hội Tao Đàn bao gồm như Vịnh bốn mùa, Vịnh 12 tháng, thơ phú ca ngợi cảnh đẹp, ca ngợi cuộc sống "chưa có bao giờ đẹp như hôm nay" và đương nhiên không thể thiếu điều ca ngợi công ơn trời biển của Vua.

Tự Đức cũng là một ông vua hay thơ, hay chữ, nhưng ông không hề có ý định mở hội làm thơ như vậy. Hơn nữa, thời nhà Nguyễn còn có chỉ dụ nghiêm cấm sự nịnh hót dành cho Vua. Đối với mình, chỉ ăn rồi thơ thẩn, khác nào ăn và lý luận trong thời nay, đều là những việc vô ích, vô bổ và vô tích sự. Đây cũng là sự lãng phí thời gian cho những việc dân, việc nước thiết thực hơn.

Thánh Tôn cũng cải cách hành chính, trong đó có việc ban hành Bộ luật Hồng Đức. Đây là bộ luật mang tính pháp trị đầu tiên trong lịch sử, song mặt trái của nó là quá hà khắc. Theo luật, người dân luôn luôn phải sống trong cảnh nơm nớp sợ hãi vì chỉ một lỗi lầm nhỏ cũng có thể bị chém đầu. Trước đây những chuyện trong gia đình được coi là nội bộ thì với luật Hồng Đức, các mối quan hệ con cái - cha mẹ, vợ chồng, anh em, đều được đưa vào luật với những hình thức trừng phạt nghiêm khắc.

Lịch sử cũng ghi nhận những hành động được coi là vết nhơ của Lê Thánh Tôn. Sau khi lên ngôi, ông đã giết hại Lê Lăng, quan đầu triều, người đã có công lật đổ Nghi Dân để tập trung quyền lực. Ông còn giết hại Khắc Xương là người anh em duy nhất còn sống, sau khi Bang Cơ và Nghi Dân đã chết, với mục đích trừ đi một đối thủ tiềm tàng. Trong cuộc chiến với Chiêm Thành, ông đã cho giết hại 60 ngàn thường dân, một việc làm không cần thiết và đã tạo nên bao nỗi ai oán cho người dân ở đó.

Thực tế lịch sử cho thấy, chính sách cứng rắn luôn có hiệu quả ngắn hạn, tức thì nhưng không bền vững. Tần Thủy hoàng khét tiếng tàn bạo nhưng sau khi ông chết một thời gian ngắn, nhà Tần đã bị diệt vong.

Quả vậy, sau khi Thái Tôn nằm xuống chưa lâu, giặc giã nổi lên khắp nơi, vua Lê phải bỏ cả kinh thành để chạy. Mạc Đăng Dung là người có công đánh Đông dẹp Tây, đã dần dần thâu tóm hoàn toàn quyền bính vào năm 1519, chỉ chờ cơ hội cướp ngôi vua Lê. Về sau, chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc nhưng không bao giờ chịu trả lại quyền hành cho hậu duệ nhà Lê.

Thái tử Duy Vĩ là người có tài trí và tham vọng chống lại thế lực của chúa Trịnh đã bị giết hại trước khi lên ngôi. Con trai ông, Lê Chiêu Thống đã phải mang tiếng nhục bán nước khi cầu cứu nhà Thanh, chỉ vì muốn khôi phục nhà Lê, nhưng rồi cũng thất bại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét