Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Đọc sách: THÀNH KỲ Ý


Hôm thứ năm, mình vừa post lên mạng bài viết về Lê Thánh Tôn thì nhận được quyển sách Thành Kỳ Ý từ tay tác giả, trong đó Thánh Tôn là nhân vật chính. Thật ngạc nhiên, tác giả bộ sách đồ sộ gồm 3 quyển là một cô gái trẻ, nhà văn Lê Ngọc Linh (tức Annie Linh), hiện định cư tại Sydney.

Quyển 1 bộ sách xoay quanh 4 nhân vật con nhà Thái Tôn: Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ và Tư Thành. Bốn anh em mỗi người một vẻ, đều khôi ngô tuấn tú do 3 người mẹ sinh ra, 3 người từng lên ngôi vua (trừ Khắc Xương), 3 người bị giết chết khi tuổi còn trẻ (trừ Tư Thành). Người lớn nhất Nghi Dân và người nhỏ nhất Tư Thành có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán hơn hai người anh em kia, có lẽ do số phận của họ không trơn chu bằng phẳng ngày từ khi mới sinh ra hoặc còn rất nhỏ.

Nhân vật xuất hiện đầu tiên trong cuốn sách là cha của họ, vua Thái Tôn. Mọi người hẳn bị cuốn hút bởi cách dẫn dắt câu chuyện và cũng vì bí ẩn của một vụ án nổi tiếng trong lịch sử: Lệ Chi Viên. Thái Tôn và thị Lộ "có gì" với nhau không, nếu không thì vì sao Thái Tôn lại đột tử ? Tác giả đã khéo léo né tránh vấn đề này, để người đọc hiểu rằng câu chuyện còn rất dài.

Thành Kỳ Ý đã miêu tả cuộc sống trong cung đình, lung linh, nhiều màu sắc của 4 anh em và còn nhiều nhân vật khác như các thái hậu, mấy người thái giám, mấy cô cậu cùng trang lứa với anh em vua. Có lẽ do có quá nhiều nhân vật trong có hơn 300 trang sách nên mỗi nhân vật chỉ được giới thiệu một cách sơ sài. Bốn anh em trứng gà trứng vịt, chuyện kể từ khi 12-15 tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để đảm đương việc nước. Nhưng ngôi bậc cao của họ làm cho các chàng trai có những suy nghĩ già trước tuổi và cũng không tránh được chuyện bắt đầu nghĩ đến những tình cảm luyến ái.

Bộ sách chỉ đặt "chỉ tiêu" khá khiêm tốn "tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử". Rõ ràng mọi người mong muốn điều hơn thế như "tiểu thuyết lịch sử" chẳng hạn. Nhìn sang sử Tàu, rõ ràng các nhân vật của họ đều có những tính cách sắc cạnh, đầy mâu thuẫn và tạo dấu ấn mạnh mẽ. Trong Tam quốc chí, Lưu Bị là người tốt hay xấu? Tào Tháo đầy dẫy xấu xa song không hẳn hoàn toàn đáng ghét.... Trong khi đó, các nhân vật của chúng ta dường như có tính cách khá giống nhau: Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ đều là võ tướng, đều anh hùng, đều đánh giặc ngoại xâm. Thực tế hiện nay cho thấy những điều ghi trong sách giáo khoa ở trong nước chưa chắc đã đúng, chưa được tin cậy, thậm chí còn bị nhạo báng. Đó là bối cảnh rất khó khăn khi viết sách về lịch sử.

Mình đọc lỏm sách lịch sử của các cháu, học sinh bên Úc học sử nghĩa là thinking, looking và cho những bài học (lessons). Như vậy, lịch sử không nhằm ca tụng hay vùi dập các nhân vật, theo kiểu his-tory hay her-story. Ở hải ngoại, các sách viết về lịch sử Việt Nam có cách tiếp cập khác với trong nước. Sự khác biệt không đáng sợ, trái lại còn là điều tốt để có thêm nhiều chứng cứ lịch sử, kể cả những chứng cứ từ nguồn gốc bằng các thứ tiếng khác nhau: Việt, Hán, Pháp, Anh...cho những cơ hội suy đoán, nhận định.

Tập 2 và 3 của bộ sách Thành Kỳ Ý sẽ là những trang sử đầy gay cấn, khốc liệt nhưng cũng không kém phần ướt át, lãng mạn. Mình chưa rõ tác giả Annie Linh sẽ viết những gì nhưng chỉ mong cô hãy gây dựng cho các nhân vật có những phẩm chất phong phú đa dạng, đa chiều và như thế mới thực hơn, đời hơn và trong tương lai, khi bộ sách được dựng thành phim thì chúng ta sẽ có bộ phim sống động hấp dẫn về một trang sử nước nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét