Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

CUỘC CHIẾN ĐẤU CÒN TIẾP DIỄN


TT Trump vừa trổ tài diễn thuyết đầy cảm xúc tại Đại hội đồng liên hợp quốc và gây tiếng vang lớn, mà từ đó người ta có thể tìm ra lý do thầm kín về một cuộc chiến với Trung Quốc.

Trong Tam quốc chí, có đoạn Thừa tướng nước Thục mang quân đánh quân Ngụy. Vì cạn quân lương, Khổng Minh buộc phải bí mật ra lệnh lui binh. Mỗi lần binh trại chuyển đi là mỗi lần quân số giảm thiểu mà vì thế số lò bếp cũng giảm theo. Tả hữu hỏi, trong sách Binh pháp của Tôn tử, khi lui binh thì phải giữ nguyên hoặc tăng lò bếp lên, để quân địch không biết là ta giảm quân, tại sao Thừa tướng không làm theo ? Khổng Minh cười, sách đó thì Tư Mã Ý đã thuộc làu rồi, ta cứ giảm lò, làm Ý không hiểu thực hư ra sao thì sẽ không dám truy đuổi.

Nhớ lại cách đây gần hai năm, Trump mới lên cầm quyền đã tỏ ra cứng rắn với rất nhiều nước. Với Nga là trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao, dọa tăng thuế với Mexico, ném bom Syria, đấu khẩu tóe lửa với Kim Jong Ủn, hủy bỏ Hiệp ước với Iran...nhưng rồi thời gian trôi đi, mọi việc có vẻ đâu lại vào đấy.

Đối với Trung Quốc, vấn đề lại khác, không biết đâu là hư, đâu là thực. Trump gặp Tập rất sớm và liên tục, gọi Tập là “my friend”. Thế rồi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn cứ nổ ra. Sau 3 tháng, nền kinh tế Trung Quốc đã chịu những tổn thất nặng nề, dễ thấy chứng khoán rớt thảm hại, đồng tiền mất giá. Một thương nhân có làm ăn với Trung Quốc xác nhận với mình là các nhà máy bên Tàu đã hạ giảm công suất sản xuất, ngõ hầu là nạn thất nghiệp. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu gì xấu đi.

Còn hơn một tháng nữa là kỳ bầu cử lưỡng viện quốc hội Mỹ. Dự báo, đảng Cộng hòa của Trump sẽ tiếp tục giữ đa số ở Thượng viện và Hạ viện và vì thế Trump không cần cuộc chiến thương mại để phục vụ cho chính trị bầu cử. Sau bầu cử mấy ngày là lịch trình các cuộc họp Thượng đỉnh, bao gồm APEC, Đông Á và G-20. Ít nhất Trump và Tập sẽ có một cơ hội để gặp nhau. Biết đâu hai nhà lãnh đạo sẽ nối lại tình bạn và tìm ra được một thỏa hiệp nào đó cho cuộc chiến thương mại. Nếu điều này xảy ra, có thể coi Mỹ đã “ăn non”, Trung Quốc tuy thiệt nhưng cũng mừng vì không bị tổn thất thêm nữa.

Nhưng sự đời không dễ dàng như vậy, và ông Trump cũng không bốc đồng và nông cạn như một số người nghĩ. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tuyên bố, cuộc chiến chỉ chấm dứt với hai điều kiện, Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và không còn tình trạng mất công bằng mậu dịch. Vấn đề sở hữu trí tuệ là “định tính”, hơi khó xác định, nhưng mậu dịch là con số, đó là thâm thủng 375 tỉ USD/năm.

Để mậu dịch cân bằng, về lý thuyết sẽ có ba giải pháp. Thứ nhất là hai con số đều về zero, tức nghỉ chơi với nhau; thứ hai cùng bằng với mức xuất khẩu của Mỹ là 130 tỉ USD; thứ ba, cùng bằng mức xuất khẩu của Trung Quốc là 505 tỉ USD.
Tối ưu nhất là thương mại mỗi bên đạt 505 tỉ USD, nghĩa là Trung Quốc phải mở cửa thị trường 1,4 tỉ dân, điều mà Mỹ và phương Tây mong muốn từ lâu. Để thực hiện điều này không nhanh được vì năng lực tiêu thụ của đa số người dân Tầu còn nghèo khó là khá thấp. Theo hướng này, sẽ đúng với dự đoán của Tỉ phú Jack Ma, chiến tranh kinh tế thương mại sẽ kéo dài 20 năm.

“Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế”. Chiến tranh về kinh tế không thể không dính đến chính trị và quân sự. Đó là điều mà chính quyền Trump đã chuẩn bị để tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 700 tỉ USD vào năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.

Mặt trận chính trị tư tưởng đã được đích thân ông Trump tác chiến. Trong bài phát biểu chật cứng các hàng ghế đại biểu tại Liên hợp quốc, ông đã sỉ nhục chế độ mà Tàu cộng "lựa chọn” bằng những lời lẽ ê chề: “Virtually everywhere socialism or communism has been tried, it has produced suffering, corruption, and decay. Socialism’s thirst for power leads to expansion, incursion, and oppression. All nations of the world should resist socialism and the misery that it brings to everyone”. Ông đã vạch ra cái mà bọn đầu sỏ vẫn tìm cách giấu diếm: Sự thèm khát quyền lực của CNXH đã dẫn đến bành trướng, thôn tính và đàn áp.

Vậy là điều Trump theo đuổi không phải là mấy đồng bạc mậu dịch mà có nguồn gốc sâu xa và cao đẹp hơn nhiều, vì một thế giới bớt đi áp bức, bất công.

Từ lâu, mình đã thích Trump nhưng không sùng bái ông cũng như sùng bái bất kỳ cá nhân nào, vì ai cũng có điểm mạnh điểm yếu và những giới hạn. Nếu ông làm suy yếu chút ít nước Tầu và làm nước Mỹ mạnh thêm phần nào cũng là kỳ tích rồi, chứ bảo ông phải thay đổi hoàn toàn cả thế giới là điều không tưởng.

Các Tổng thống Mỹ đều là những nhà hùng biện, đặc biệt là tại diễn đàn Liên hợp quốc. Điều khác biệt ở Trump là lời nói luôn đi đôi với việc làm? 

KHI SỰ NGẠO NGHỄ BỊ ĐÁNH MẤT


Bóng đá Anh có 10 hạng với hàng ngàn đội bóng. Từ hạng 5 đến hạng 10 là trình độ của các đội bán chuyên nghiệp và nghiệp dư. Bốn hạng đầu tiên dành cho 92 đội bóng nhà nghề (fulltime proffessional), gọi là hạng danh dự (premier league), Championship, League 1 và League 2. Được khoác trên người màu áo của một đội bóng nhà nghề là niềm vinh dự lớn lao. Đối với hạng danh dự, các cầu thủ “regular”đều là những triệu phú nhưng nhìn cách họ thi đấu thì có thể thấy tinh thần thượng võ không khoan nhượng. Nhiều cầu thủ đã từng bị chấn thượng nặng, nhưng khi trở lại họ còn mạnh mẽ hơn trước.

Không phải ngẫu nhiên mà giải bóng đá Anh được coi là hấp dẫn nhất hành tinh. Các đội bóng Anh nhà nghề thường có độ tuổi từ 100 đến 150, có đội thành lập từ năm 1862. Mỗi đội bóng là một thiên tình những trang sử hào hùng.

Trong một trận đấu, nếu đội nhà ghi bàn thắng trước thì điều gì sẽ xảy ra ? Trong hầu hết các trường hợp, là tiếp tục lao về phía trước để ghi thêm nhiều bàn thắng nữa. Tuy nhiên, cách đá này có thể coi là ngu ngốc nếu bạn gặp phải một đội bóng mạnh hơn. Khán giả có thể thông cảm với các đội bóng nhỏ, lực bất tòng tâm, vì thiếu tiền bạc và danh tiếng nên không thể tuyển mộ được những ngôi sao tầm cỡ để đương đầu với đối phương. Nhưng khán giả không bao giờ tha thứ cho một đội bóng đẳng cấp hàng đầu, với thương hiệu và tài sản đồ sộ mà lại hèn nhát.

Trong trận đấu rạng sáng nay, Man Utd chỉ tiếp đội ở hạng dưới (tức Championship) Derby County trong Cup Liên đoàn. Man Utd đã vượt lên dẫn trước ngay từ phút thứ 3 nhưng rồi không giữ được lợi thế và chịu thua chung cuộc. Kịch bản này đã trở nên quen thuộc kể từ khi Mourinho quay trở lại nước Anh để dìu dắt đội quỷ đỏ thành Man.

Mourinnho là HLV giàu thành tích, đã mang lại 3 chức vô địch cho đội Chelsea trước đây. Ông nổi tiếng là “Mr 1-0” nghĩa là chỉ cần thắng một bàn. Kỳ lạ ở chỗ Mou lại tỏ ra thích thú về điều này. Trong mùa bóng 2016-2017, Mou đã ngậm đắng nuốt cay khi Man Utd hòa tới 15 trận tại Premier League, một con số kỷ lục. Sau khi ghi bàn, Mou có thói quen xua quân về phòng ngự để giữ tỉ số. Nhưng điều này đã bị các đội bóng bắt bài. Khi bị Man Utd dẫn trước, họ biết tỏng các cầu thủ của Mou không còn khát khao, nên chẳng việc gì phải sợ bị thủng lưới thêm mà hiên ngang ra đòn tấn công gỡ hòa. Trong rất nhiều trường hợp, các đội bóng tí hon đã thành công trước gã khổng lồ.

Man Utd khác Chelsea, khán giả của họ lại càng khác. Sân Nhà hát của những ước mơ có sức chứa gấp đôi sân Stamford Bridge, khi mà việc mở rộng nó đang bị trì hoãn. Khán giả của Man Utd không dễ tính và luôn đòi hỏi đội bóng của mình phải thực thi triết lý tấn công vũ bão nhất có thể được. Mourinho đã buộc phải thay đổi, tiếc thay đó chỉ là sự thay đổi nửa vời. Đúng ra, sở trường của ông là bóng đá phòng ngự, nhưng khán giả không cần biết điều đó.

Pogba là một cầu thủ ma lanh đã nhanh chân đứng về phía khán giả. Sau trận đấu với một đội Wolves mới lên hạng, cũng trên sân nhà, Man Utd cũng ghi bàn thắng trước rồi bị cầm hòa, Pogba đã ra báo chí thẳng thừng chỉ trích lối đá phòng ngự của HLV mà ông boss chẳng làm gì được. Mourinho chỉ đáp trả rằng Pogba sẽ không được đeo băng đội trưởng nhưng Pogba có phải đội trưởng đâu mà cần.

Trở lại trận đấu với đội hạng dưới Derby, với đủ mọi lợi thế mà Man Utd không hề tỏ ra lấn lướt đối thủ trong các chỉ số cầm bóng, số cú sút, phạt góc...mà chỉ hơn...cái phạm lỗi, trong đó có lỗi dẫn đến thẻ đỏ. Man Utd thua không phải vì bị thiếu người, nên nhớ trước khi Romero bị đuổi thì Derby đã gỡ hòa 1-1 rồi. Và với một thủ môn số 3 ít kinh nghiệm thì cái chết trên chấm phạt đền không có gì lạ.

Rõ ràng thời gian đã đủ để nói rằng Mourinho là một thử nghiệm thất bại tại Man Utd. Việc ông ra đi không phải tính bằng tháng, mà tính bằng ngày.

MƠ ƯỚC TRỞ THÀNH NHÀ VĂN


Nhờ có facebook mà thỉnh thoảng mình lại khai quật được một người bạn từ ngày xửa ngày xưa. Mấy chục năm mà nó còn chọc mình, hồi trước mày mặc quần thủng đít, sao bây giờ nhà văn rồi à. Ờ, bây giờ vẫn thủng đít thì sao, bực bội rồi đấy.

Quả là mình có viết chữ “writer” trong phần giới thiệu trên facebook. Nhưng ngôn ngữ đâu phải chỉ phản ánh hiện thực mà còn phản ánh ước mơ. Sự thực là, không chỉ tự hào về những cái đã có mà vẫn có thể hãnh diện về những cái đang mơ, có ai cấm đâu.

Trong cuộc sống, đôi khi thực và mơ ngược nghĩa với nhau. Ví dụ, khi hô “chúng ta đoàn kết”, tức là chúng ta đang có chuyện, đấm đá nhau, âm mưu giết nhau...chứ đoàn kết rồi thì cần gì khẩu hiệu nữa. Người mong muốn trở thành nhà văn không có nghĩa là giỏi văn, mà có thể rất dốt.

Mày ơi, chat với mày rất vui nhưng mày không cần nói toạc ra đâu. Tao không đến nỗi quá ngu, chỉ ngu vừa vừa nên đã hiểu mày định nói gì, mày bảo tao viết như con c. í mà đòi tự nhận là nhà văn. Ngần này tuổi đầu, tao không hoang tưởng, hơn nữa tao đã biết khả năng viết lách của tao từ rất lâu.

Năm 1990, mình tình cờ quen biết Chu Lai, tác giả “Nắng Đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Vòng tròn bội bạc”, “Phố Nhà binh”...cũng là lúc mình bắt đầu viết truyện ngắn. Chu Lai nói một ý mà mình nhớ mãi, nếu em bê nguyên xi chuyện ngoài đời vào sách thì người đọc sẽ không tin, cho đó là bịa; ngược lại nếu là bịa đặt hoàn toàn thì người ta lại dễ tin là có thật. Mình coi đó là một cẩm nang quan trọng cho những người cầm bút, bởi vì chuyện thật thường có những chi tiết ngẫu nhiên không thể tin được; còn chuyện bịa thì người viết có thể chủ động dàn dựng sao cho câu chuyện thật “logic”.

Mỗi lần viết, mình đưa cho Chu Lai xem, ông chỉ cười. Truyện ngắn đầu tiên mình viết 16 lần, đến lần thứ 16 thì Chu Lai không cười mà bảo, em không nên viết nữa. Làm nhà văn khổ lắm chứ không sung sướng gì đâu.

Từ hồi đó mình đã hiểu, nếu trở thành nhà văn, mình chỉ thuộc loại hạng bét. Nhưng cuộc đời rất đẹp, không chỉ có một lối đi mà có rất nhiều con đường.

“TÔI LÀM CHÍNH TRỊ”



Tuần qua, mọi người đã chứng kiến một phen sôi động trên chính trường nước Úc thì ở quốc nội, cựu Đại sứ Nguyễn Trung cho ra mắt bạn đọc cuốn hồi ký mang tên “Tôi làm chính trị”. Điều thú vị là cựu Phó Tổng thống, Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đã từng nói “tôi không làm chính trị” thì nay lại có người nói ngược lại! Cho thấy từ “chính trị” trong tiếng Việt quả là khó hiểu và đa nghĩa.

Ông Turnbull là một chính khách dễ mến, dù đảng của ông 38 lần thua trong các cuộc trưng cầu dư luận thì cá nhân ông vẫn luôn vượt hơn so với thủ lãnh đối lập. Turnbull vốn một doanh nhân thành đạt, đến 50 tuổi mới bắt đầu ra làm chính trị. Việc ông ra đi sớm, chỉ sau 2 năm ngồi trên ghế Thủ tướng, dẫn đến việc nước Úc có đến 7 lần thay đổi Thủ tướng trong vòng 11 năm qua. Có người cho như thế là “bất ổn” và thay đổi hơi nhiều. Vậy thì trong 11 năm trước đó chỉ có một Thủ tướng là ông Howard thì sao? Và dường như có những người rất giỏi làm chính trị, còn những người khác thì không?

Bàn rằng, lãnh tụ phải là người có bộ óc siêu phàm, nghĩ ra được tất cả mọi thứ hay ho, từ đó ra lệnh và bắt mọi người phải làm theo. Mình cho rằng quan niệm như vậy rất sai lầm.

Trong Tam quốc chí, một bộ sách lịch sử chính trị xuất sắc, hai nhân vật điển hình nhất là Tào Tháo và Lưu Bị. Tào Tháo là người văn võ song toàn, ngẩng đầu thông thiên văn, cúi xuống tường địa lý. Trong khi đó, Lưu Bị ít học, võ nghệ cũng kém cỏi. Cả hai đều tay không làm nên cơ nghiệp, cho thấy, giỏi hay dốt đều có thể làm được lãnh tụ.

Cái nổi bật của Tào và Lưu là sự bao dung, độ lượng và năng lực quan sát lắng nghe. Về binh pháp, ngoại trừ Tư Mã Ý, không ai bằng Tào Tháo, nhưng bất luận việc gì Tào cũng hỏi ý kiến mưu sĩ và thường làm theo lời khuyên của họ. Tương tự, Lưu Bị thường xuyên làm theo Khổng Minh và những người khác. Mỗi khi có chuyện, tướng sĩ đều hăng say hiến kế để chủ tướng của mình có nhiều phương án lựa chọn. Có lẽ tiêu chí để đánh giá một người lãnh đạo giỏi hay không là mức độ sử dụng nhiều các sáng kiến của người khác chứ không phải ý tưởng của mình. “Ông cứ làm theo ý của ông thì cần chúng tôi để làm gì và ông đi mà tự làm lấy”.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cách đây năm rưới , Hilary Clinton là một đối thủ vô cùng chuyên nghiệp, ngược lại Donald Trump hết sức nghiệp dư. Chiến thắng thuộc về, không thể nói khác, người thấu hiểu nguyện vọng của cử tri hơn.

Bản thân mình đã từng tham gia vài ba hội doanh nghiệp và hiện tiếp tục ở trong hội Children’s Festival. Trong hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm Hội đoàn của người Việt thì có những Hội đoàn hoạt động rất tốt, duy trì trong ba bốn chục năm; ngược lại, có những hội chỉ được ba bẩy hai mốt ngày. Sự khác biệt do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề phong cách lãnh đạo.

Một số người cho rằng, tôi không thích chính trị, hoặc không làm chính trị. Mình nghĩ chính trị là một khái niệm rộng, thay đổi theo thời gian. Trước đây, phải làm vua, làm quan thì mới là làm chính trị, bởi vì nếu không phải vua quan thì nói không ai nghe, bá tính chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là vâng lời và làm theo. Ngày nay, nếu bạn không muốn đảm nhiệm các chức vụ công quyền hoặc dân cử, đó là sự lựa chọn của bạn, nhưng bạn phải được bày tỏ ý kiến của mình đối với mọi vấn đề thiết thực trong cuộc sống.

Con cái bị bạn học chung bắt nạt, không lẽ bạn làm ngơ mà không đấu tranh với tệ nạn bully trong trường học. Hàng xóm nhà bạn xả rác bừa bãi, làm ồn ào, bạn phải cất tiếng nói để chống lại những hành vi sai trái. Bạn đấu tranh với những gì bạn cho là không đúng, là bất công, đó chỉ là chính trị mà thôi.

Để cuộc đấu tranh của bạn không đơn độc và có kết quả hơn, bạn cần có sự đồng hành của tập thể, của cộng đồng. Bạn phải ủng hộ ai đó để họ có được một địa vị lãnh đạo cho cả nhóm người, hoặc tự đứng ra nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy, vì một mục tiêu giống nhau. Vậy là bè phái, phe đảng rồi.

Trong sở làm, bạn có người quản lý mới. Lẽ đương nhiên, ông hay bà đó sẽ chọn lựa những người cùng cánh để họ có thể cộng tác được với nhau một cách chặt chẽ và hiệu quả, không bị lo sợ tình trạng người làm kẻ phá. Liệu bạn có nằm trong e kíp mới hay sẽ phải ra đi. Hoặc bạn có muốn thăng chức để có tiếng nói lớn hơn, có vai trò quan trọng hơn và chế độ đãi ngộ cao hơn? Những chuyện đó đều là chính trị.

Một vấn đề nữa là “tư tưởng chính trị”. Nhớ lại những cuộc tranh luận hồi còn ở Việt Nam, đa số cho rằng độc tài tốt hơn dân chủ vì nó “ổn định”. Thời gian gần đây, mình khá ngạc nhiên khi “nghe lỏm” những bàn luận của những vị khách du lịch từ trong nước sang, họ đến từ những vùng nông thôn nhưng chính kiến của họ về tự do dân chủ không khác gì những người đã sống ở nước ngoài vài chục năm. Thì ra, trong thời đại internet bùng nổ, với thông tin đa chiều, nhận thức con người đã thay đổi nhanh chóng.

Làm chính trị hay không làm chính trị chỉ là hai cách nói. Trên thực tế, con người ta đã tham gia vào các hoạt động xã hội, đã được thể hiện nguyện vọng và quan điểm và đó chính là đã làm chính trị từ lúc nào không hay.