Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Nhà ga Wynyard


CÁI ĐẸP CỦA ỦY NHIỆM


Trong mùa bầu cử của tiểu bang hiện nay cũng như liên bang sắp tới, mình muốn cùng các bạn khám phá một vẻ đẹp tiềm ẩn, sâu xa của nước Úc. Nước Úc có núi non hùng vĩ, biển khơi muôn trùng, nhưng đó chỉ là vẻ đẹp bề ngoài. Cái đẹp bên trong là một xã hội hướng tới hòa hợp, biểu hiện bằng những cuộc bầu cử ủy nhiệm.
Trong một bầy thú, thường có con đầu đàn; với con người, vẫn tồn tại những người làm công việc cai trị xã hội. So sánh như thế tất nhiên là khập khiễng, bởi vì con người hoàn toàn khác với con thú.
Nhưng có một điều giống nhau. Cách để một con thú trở thành đầu đàn, đó là bạo lực, nó phải tỏ ra khỏe hơn và đánh bại được những con khác. Trong quá khứ, những kẻ cầm quyền cũng dùng sức mạnh cơ bắp và vũ khí để khống chế người dân. Vua tự xưng là “con Trời” như một cách để khẳng định quyền lực. Tất nhiên, đây là sự lừa dối vì không có ai là con Trời cả. Giả dối hay bạo quyền, về bản chất là một vì cũng đều là sự áp đặt của của người này lên người khác, thiểu số lên đa số.
Xã hội phát triển, con đường để trở thành những người lãnh đạo, những người được ủy nhiệm không giống cách thú vật và thời Trung cổ đã làm, đó là thông qua nghị viện và bầu cử. Dân chúng dùng lá phiếu để ủy nhiệm (delegate) người mà họ tin yêu.
Những người làm công việc lãnh đạo (leading) và quản trị (management) phải chăng là những người tài giỏi nhất? Theo mình thì không cần thiết như vậy. Xưa kia, ai đó được bổ nhiệm làm quan huyện chẳng hạn, ông ta phải thiết lập một hệ thống luật lệ và bổ nhiệm một đội ngũ thực thi, như thế, họ cần phải có tài năng vượt trội. Ngày nay hệ thống pháp luật và nhân lực đều đã có, rất dễ dàng cho các vị quan chức. Họ chỉ cần "skills” là hấp dẫn và thuyết phục quần chúng ủng hộ guồng máy có sẵn đó.
Ở Úc, mọi người dễ dàng bắt gặp những vị công chức đầu ngành, kinh nghiệm đầy mình, nhưng vẫn phải chịu sự điều hành của một vị bộ trưởng bằng tuổi con mình, thậm chí mới bước chân vào chính trường. Thủ tướng ScoMo, 50 tuổi là người “già” thứ nhì trong nội các. Nhìn chung, các chính trị gia ở Úc trẻ, luôn tỏ ra hăng hái, nhiệt tình có thừa.
Những vị trí như dân biểu, nghị sĩ và bộ trưởng đương nhiên phải có nhiều quyền lực hơn những người làm chuyên môn, vì họ là những người được nhân dân bầu.
Trước đây, nhưng người thế hệ của mình còn mặc quần áo vá thì bây giờ mỗi người đều dễ dàng có 100 cái quần áo, năm chục đôi giầy, tất cả những sản phẩm vật chất như nhà cửa, xe cộ, tiện nghi, bằng cấp...đều thừa thãi. Thiết nghĩ, trách nhiệm của các chính khách ngày nay không còn là chú trọng tìm cách tạo thêm nhiều của cải nữa mà là việc phân chia công bằng, hợp lý hơn.
Mình nghĩ một xã hội càng tốt là một xã hội càng giảm thiểu số người làm “lãnh đạo”. Những người cai trị càng đông thì càng nuôi dưỡng tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, bất công, bất bình đẳng và áp bức. Chế độ dân chủ sẽ có được nếu loại bỏ dần những kẻ ăn trên ngồi chốc, tự cho quyền cái quyền làm ít hưởng nhiều.
Thực tế vẫn còn nhiều xứ sở chưa có bầu cử tự do và công bằng, hoặc chỉ là bầu cử giả hiệu. Khác biệt và đa dạng chính là một trong những nét đẹp của trái đất này. Dù thế nào, mình hãnh diện về nước Úc, nơi mà những quyền căn bản của con người được tôn trọng ở một mức độ cao.

ĐÍT CỦA CÀ CUỐNG (Bài 4 và là bài cuối)


Tào Tháo, tự Mạnh Đức con nhà giàu, được học hành tử tế và bắt đầu bằng một chức quan nhỏ trong Triều. Bấy giờ nhà Hán mạt vận, Thừa tướng là Đổng Trác lộng hành, lấn át Vua. Mọi người đều bất bình nhưng vì sợ họ Đổng, không ai dám làm gì.
Tào Tháo thì khác, anh nuôi chí trừ khử Đổng Trác, lập lại kỷ cương. Tháo giả bộ kết thân, hầu hạ Đổng Trác tận tình. Một lần đến phủ Đổng Trác, lính canh cửa thấy người quen nên cho vào, thì gặp lúc Đổng Trác đang ngủ trưa, tiếng ngáy vang như sấm. Tháo mừng rỡ, cho rằng cơ hội đã đến. Tháo tiến gần đến giường ngủ và rút gươm ra. Bất ngờ Trác tỉnh dậy: Mạnh Đức làm gì thế? Thì ra Trác quay mặt vào trong gương nên nhìn thấy hành động của Tháo.
Tào Tháo nhanh trí quỳ xuống: tôi có một thanh gươm quý, muốn dâng biếu Thừa tướng. Trong lúc ngái ngủ,Trác thấy thanh gươm quả là đẹp nên đã cám ơn và nhận. Tháo mừng quá chạy ra ngoài, vừa gặp Lý Nho, người tâm phúc của Đổng Trác đi vào.
Lý Nho hỏi Đổng Trác, có chuyện gì mà thấy Tào Tháo chạy như ma đuổi? Trác kể lại, Lý Nho bảo, thằng này có ý ám hại chúa công rồi. Trác nói, ta cũng nghi như vậy, bèn ra lệnh truy nã Tào Tháo.
Trên đường chạy trốn về quê nhà, Tào Tháo bị bắt. Lính giải lên quan huyện Trần Cung. Trần Cung hỏi, bây giờ ông định thế nào. Tháo đáp, đã bắt được tôi thì ông cứ việc giải về Kinh đô mà lấy thưởng. Cung không nói gì, ra lệnh giam Tháo vào ngục.
Nửa đêm, có tiếng lạch cạch, Tào Tháo chột dạ. Thì ra là Trần Cung. Cung bảo, ông là người có nghĩa khí, tôi đã chuẩn bị đôi ngựa và tình nguyện bỏ chức quan này để đi theo ông.
Sáng sớm, hai người chạy vào nhà Lã Bá Sa, bạn của bố Tào Tháo. Họ Lã thu xếp phòng nghỉ cho hai người, rồi bảo, hai con cứ ở đây, ta ra ngoài một chút. Tháo và Cung ở trong phòng, nghe thấy tiếng mài dao. Một lát lại có tiếng ai đó: “trói lại hẵng giết”. Tào Tháo hoảng hồn, cùng Trần Cung chạy ra và chém chết hết cả gia nhân trong nhà. Chém hết rồi vào bếp thì mới thấy một con lợn đang bị trói!
Cung bảo: mình giết oan người ta rồi. Hai người không còn cách nào khác phải bỏ đi. Mới ra khỏi nhà thì gặp Lã Bá Sa chạy ngựa ngược chiều: A Man con, đi đâu thế, ta mua rượu về đây này! Tháo tiến ngựa đến gần: “đằng sau có ai gọi bác kìa”. Sa vừa quay lại thì Tháo đưa một nhát gươm chết tươi. Trần Cung hoảng hốt, sao ông nỡ như vậy? Tháo đáp: “ta thà phụ người con hơn để người phụ ta”. Trần Cung nghe còn kinh hãi hơn, và từ biệt Tháo với lý do đôi ta không cùng chung ý chí.
Ở kinh thành, Đổng Trác trúng kế mỹ nhân Điêu Thuyền của Tư đồ Vương Doãn nên đã bị đánh đổ, nước Tàu rơi vào tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, các sứ quân khắp nơi nổi lên và bất tuân lệnh Triều đình.
Vụ giết hụt Đổng Trác làm cho Tào Tháo trở nên nổi tiếng. Những người có tài, có chí đi theo Tháo rất đông. Tào Tháo cũng là người biết trọng kẻ sĩ, đối đãi thỏa đáng với mọi người. Dần dà, Tào Tháo tiêu diệt được tất cả các thế lực hùng mạnh nhất ở Trung nguyên. Vua Hiến đế phong Tào Tháo làm Thừa tướng.
Người của Tháo nói với Hiến Đế, Tào Thừa tướng công đức lớn như vậy mà sao không có tước gì cả. Vua phong thêm cho Tháo làm Ngụy Công. Một thời gian, họ lại bảo Ngụy Công là chưa xứng, Hiến Đế lại phải phong Tào Tháo lên tước Ngụy Vương.
Lúc đó, tả hữu tâm phúc nhiều lần khuyên Tào Tháo nên chính thức kế nghiệp nhà Hán, lên ngôi Hoàng Đế, để thuận với lòng Trời, nhưng Tháo đều gạt đi.
Câu hỏi là, tại tao có thừa đủ điều kiện mà Tào Tháo nhất quyết không chịu lên ngôi ? Có lẽ vì họ Tào từng làm quan và ăn lộc của nhà Hán và không bị mang tiếng là phản nghịch. Con Tháo là Tào Phi thì không bị ràng buộc như vậy nên ngay sau khi lên thì Phi đã ngay lập tức cướp ngôi Vua Hán.
Tư Mã Ý cũng là người duy nhất mà Tào Tháo e ngại tài cao chí lớn, không cất nhắc và trọng dụng. Tư Mã Ý khá thọ, sống đến ngoài 70 tuổi, phục vụ trong 4 triều nhà Tào. Về sau, Ý cũng thâu tóm được mọi quyền bính và cũng nhất định không cướp ngôi Vua Tào.
Trong lịch sử Việt Nam, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung là những trường hợp tương tự, chiếm giữ quyền lực trong một thời gian dài và chỉ tiếm ngôi trong những hoàn cảnh đặc biệt khác nhau.
Khi nhà Lý suy yếu, gia tộc họ Trần đã giúp Vua dẹp loạn nên đã được nắm giữ quân đội trong triều. Với Trần Thủ Độ, ông không lên ngôi mà nhường cho cháu là Trần Cảnh, tức Trần Thái tông khi mới 8 tuổi.
Hồ Quý Ly nắm binh quyền từ năm 1380, đến năm 1400 thì cướp ngôi vua Trần. Nhưng có lẽ vì sợ mang tiếng nên chỉ sau 1 năm thì ông nhường ngôi cho con trai thứ là Hán Thương. Con trai cả Nguyên Trừng, được coi là người có tài, người phát minh ra một số loại vũ khí mới, lại khôngđược truyền ngôi. Có lẽ để giải quyết vấn đề trưởng thứ mà Quý Ly đành phải “hy sinh” làm vua một năm.
Vào cuối thời Lê, Mạc Đăng Dung có công dẹp giặc, được chiếm giữ quyền bính. Các quan thấy họ Mạc quyền to quá nên đã xúi vua Chiêu tông khởi binh đánh lại ông. Mặc Đăng Dung lập hoàng đệ Xuân làm vua, tức Chiêu Hoàng và bắt sống được Chiêu tông. Tuy nhiên, mọi người vẫn không phục Chiêu Hoàng nên Đăng Dung đành phải tự lên ngôi, nhưng chỉ sau hai năm rồi thoái vị, truyền cho con trai.
Như vậy, khi đã lỡ “làm bề tôi”, theo quan niệm về sự trung thành, những vị quan đầy quyền lực vẫn không cướp ngôi; hoặc giả lên ngôi, các vị vẫn có gì không thoải mái mà thoái vị khá nhanh.
Phải chăng đó là điều tục ngữ gọi là “cà cuống chết đến đít vẫn cay”.
Thời nay, Putin từng là đảng viên cộng sản nên mặc dù có lúc ông lên án chủ nghĩa cộng sản nhưng trong chính sách nước Nga hiện nay, vẫn còn khá nhiều di sản XHCN. Nếu Putin thẳng tay loại bỏ những điều ông đã phụng sự thì hóa ra ông lại mâu thuẫn với chính mình!

Bài 3. SỰ HÌNH THÀNH CỦA NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TẬP QUYỀN


Về điều kiện địa lý, Châu Âu có các vùng biển hiền hòa của Địa Trung Hải, biển Bắc, biển Baltic, cho phép việc đi lại giao lưu, truyền bá dễ dàng. Trong khi ở Phương Đông, sinh hoạt khá khép kín, chủ yếu trong đất liền vì biển ở đây thường hứng chịu nhiều cơn bão kinh hoàng từ Thái Bình Dương. Có lẽ đó là lý do quan trọng ảnh hưởng đến tập quán, tính cách và cách cai trị tập quyền cao độ của các nhà nước phong kiến Á Châu.
Tuy vậy, sự tập trung quyền lực vào chính quyền phong kiến và vào cá nhân Vua cũng là một quá trình lâu dài và đầy kịch tính.
Lịch sử Trung Hoa nhắc đến “Vua Nghiêu”, “Vua Thuấn” nhưng thật ra đây là những nhân vật gần như hoang đường, dựa vào các thông tin truyền miệng. Từ khoảng năm 2000 TCN, những triều đại đầu tiên đó là “Tam đại”, gồm nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu. Nếu như nhà Hạ hay nhà Thương chỉ tạo ra được ảnh hưởng ở một vùng đất nhỏ quanh hạ lưu sông Hoàng Hà thì nhà Chu đã có được chư hầu thần phục rộng rãi trong “trung nguyên” là mảnh đất màu mỡ bao la nằm giữa hai con sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử. Những người đúng đầu các bộ lạc hoặc các gia tộc được nhà Chu công nhận và ban cấp phong tước sẽ cai quản vùng đất của mình, được cha truyền con nối, đồng thời phải triều cống cho triều đình.
Đến thế kỷ thứ 8 TCN, nhà Chu suy yếu, không còn cai quản được hàng trăm “quốc gia” lớn nhỏ nữa, lịch sử gọi đó là thời kỳ “Xuân Thu”. Thời Xuân Thu kéo dài khoảng 400 năm thì chuyển sang thời “Chiến Quốc”, khi đó “trung nguyên” chỉ còn lại 7 nước, sau khi các nước lớn thôn tính được các nước và lãnh địa nhỏ hơn.
Vệ Ưởng vốn người nước Ngụy, nhưng khi thấy Tần Hiếu công ban chiếu tuyển mộ nhân tài thì đã xin yết kiến vua Tần. Lần đầu Vệ Ưởng bàn về Đế đạo, Hiếu công tỏ ra buồn ngủ không nghe. Vệ Ưởng xin gặp lần thứ hai, bàn về Vương đạo, vua vẫn chưa bằng lòng. Vệ Ưởng cầu cạnh xin gặp lần thứ ba và giảng về Bá đạo. Lúc này Hiếu công vô cùng thích thú vì đây là cách làm cho nước Tần hùng mạnh. Vua sai Vệ Ưởng soan thảo pháp bộ rồi ban hành thực hiện. Luật mới hết sức khắc nghiệt, một tội nho nhỏ cũng bị chém ngang lưng. Nhiều quan chức và ngay cả Thái tử Tứ cũng phản đối. Hiếu công đã cho trị tội một số quan và phế truất Thái tử.
Vệ Ưởng có công lớn, được ban lộc đất Thương, nên sau gọi là Thương Ưởng. Nhưng hậu vận của ông không tốt. Thái tử Tứ được phục hồi, sau lên nối ngôi Hiến công đã trả thù và giết Thương Ưởng, nhưng vẫn duy trì các chính sách đã được ban hành.
Hệ thống luật pháp nghiệt ngã của Thương Ưởng đã làm nước Tần trở nên một thế lực nổi bật trong các nước Chiến Quốc. Đến khi Doanh Chính lên ngôi, nước Tần đã hoàn hành việc thống nhất Trung Hoa và trở thành Tần Thủy Hoàng.
Từ đây, mô hình cai trị Nhà nước phong kiến tập quyền đã hiện hữu trong khoảng 2000 năm, với hai đặc điểm chính là tăng cường quyền lực từ một trung tâm duy nhất và sự tàn bạo nghiệt ngã.
Để tập trung quyền hành vào tay vua, quy định mới bãi bỏ chế độ tập tước của các quan, điều mà các nước phương Tây đã duy trì mãi về sau, tạo nên một tầng lớp quý tộc. Theo đó, khi một vị quan chết hoặc thôi nhiệm thì con họ không được tiếp quản chức tước.
Trong truyện Xuân Thu đã mô tả cảnh sinh hoạt đùa giỡn của Vua tôi trong thành cho thấy sự thân mật giữa Vua và quần thần. Nhưng lý thuyết Quân Sự Phụ, một phần của Tập quyền đã tạo ra một ranh giới cách biệt giữa Vua với quan và thần dân.
Chế độ chư hầu cũng bị bãi bỏ, theo đó các lợi tức, tô giới phải thuộc về chính quyền trung ương chứ không phải của các “chúa đất” như trước.
Trong Tam Quốc chí, Lưu Bị giao cho Quan Vũ trấn thủ Kinh Dương, một vùng đất giàu có. Quan Vũ có quyền bổ nhiệm hoặc cách chức Thái thú các quận huyện, nhưng không được đụng đến của cải vì cái đó phải giao nộp về Thành Đô.
Cách tổ chức xã hội như vậy cho phép nhanh chóng và triệt để tập trung nguồn nhân lực, vật lực cho một trung tâm chỉ huy rất có lợi cho chiến tranh. Điều đó lý giải việc các triều đại tiếp theo như Hán, Tấn, Ngũ Đế, Đường, Tống đã rất thành công trong việc mở rộng bờ cõi nước Tàu. Ở phía Bắc, cũng bằng mô hình tập quyền cao độ, Thành Cát tư hãn đã thống nhất được các bộ lạc Mông Cổ và dựng lên một đế chế làm kinh hãi lục địa Á Âu vào thế kỷ 12-14.
Như một sự trùng lặp dường như không ngẫu nhiên, triều đại nào càng tàn bạo, độc đoán và độc ác thì chúng càng “thành công” trong việc khẳng định quyền lực.
Những tưởng “tập quyền”, độc tài là một sản phẩm của quá khứ, nhưng nó vẫn còn hiện hữu tại Bắc Hàn, Nước này thậm chí còn đi xa hơn với học thuyết “chủ thể” và cuồng si vào cá nhân hơn cả thời phong kiến. Nghi án Jong Un giết anh trai Jong Nam liên quan đến một cô gái Việt Nam, nếu được kết luận chính là đỉnh cao của sự tàn bạo.
Trong thời phong kiến, những cuộc giết hại quân thù, người dị tộc khá phổ biến nhưng vẫn có một sự nương nhẹ đối với người trong nhà. Lê Long Đĩnh (tức Lê Ngọa Triều) giết anh cướp ngôi, dù chỉ là một nghi ngờ chưa được kiểm chứng nhưng vẫn bị người đời phê phán nặng nề. Thời triều Nguyễn, hoàng tôn Đán có ý đồ cướp ngôi nhưng vua Minh Mạng, một vị vua nổi tiếng là nghiêm khắc vẫn tha vì “trẫm với cha hắn tình nghĩa rất thâm, trẫm không thể hại hắn”. Minh Mạng, tức Đảm là em cùng cha khác mẹ với hoàng tử Cảnh, cha của Đán, nhưng lại nhận mẹ ruột của Cảnh là mẹ nuôi.
Ông tổ Karl Marx đã đưa ra dự đoán, nền kinh tế tư bản sẽ dẫn đến tích tụ và tập trung, làm cho sự bóc lột và áp bức đi đến giai đoạn tột cùng, tạo ra những mâu thuẫn không thể điều hòa. Marx qua đời vào thế kỷ 19, ông không được chứng kiến chủ nghĩa tự bản đến thế kỷ 21 vẫn chưa giẫy chết. Những phát minh mang tính đột phá về cổ phần, chứng khoán, bảo hiểm, trợ cấp thấp nghiệp, chính sách xã hội, môi trường và công tác từ thiện đã là những giải pháp tháo gỡ những nhức nhối trong lòng xã hội.
Chủ nghĩa tập quyền và độc tài, di sản của chế độ phong kiến, từng mang lại những chết chóc bi thảm nhất định sẽ phải được chuyển hóa, cũng giống như chà đạp, tham lam nhường chỗ cho nhân bản, thương yêu; ánh sáng đẩy lùi bóng tối.

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Cỏ non xanh rợn chân Trời

VĂN HÓA KINH DOANH CÀ PHÊ


Cà phê là một sản phẩm giải khát lâu đời, quyến rũ và quan trọng. Các nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới có thể kể đến Brazil, Vietnam, Colombia, Indonesia và Ethiopia.

Mặc dù chỉ đứng thứ năm, sau các 4 nước thuộc Nam Mỹ và Đông Nam Á, nhưng Ethiopia có vùng Kaffa được coi là quê hương của cà phê. Vào thế kỷ 15, những người buôn nô lệ Phi châu mang cà phê từ Ethiopia sang Yemen, thuộc đất Hồi giáo. Từ đó, cà phê bắt đầu được sử dụng, rồi lan truyền sang Cairo, Syria, Istanbul. Sau quán cà phê đầu tiên được mở tại Ba Tư, đến năm 1532 rất nhiều quán mọc ra và đều đông nghịt khách.

Người Hồi giáo thích cà phê trước hết là vì cà phê giúp họ tỉnh táo, nhất là vào tháng ăn chay Ranmadan, phong tục là thức cả đêm. Đến nay, người Ả Rập vẫn còn giữ cách uống cà phê từ cổ xưa là giã hoặc xay nhỏ hạt cà phê và uống cả bã.

Cà phê không chỉ làm con người sảng khoái mà theo những nghiên cứu mới nhất của y học, nó còn tránh được bệnh suy giảm trí nhớ và giảm thiểu khả năng bị ung thư.

Cà phê đã mang lại một cơn sốt tại châu Âu khi các quán cà phê cũng như các phương pháp pha chế khác nhau đua nhau ra đời. Người châu Âu đã mang cà phê đi trồng ở các thuộc địa Á, Mỹ Latin và mở rộng diện tích ở chính quê hương châu Phi của nó.

Ở Việt Nam, người Pháp cho trồng cà phê đầu tiên ở Kẻ Sở, sau lan xuống Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Khi xuống đến Tây nguyên thì đây là nơi được coi là rất hợp thổ nhưỡng và khí hậu để mở rộng quảng canh và thâm canh.

Cây cà phê khá cao, có thể lên tới 5 mét, lá xanh đậm, bóng; hoa nở trắng xóa, trái hình oval dài khoảng 1.5cm, ban đầu màu xanh, ngả vàng, rồi đỏ và đến khi chín là màu đen. Có ba loại chính, đó là cà phê chè (Arabica), cà phê vối (robusta) và cà phê mít (lyberica).

Hồi sang Đức, uống ly cà phê đầu tiên ở nhà bà Dì vợ, mình ngạc nhiên khi thấy cà phê ở đây rất ngon. Sau này mới biết Đức là nước nổi tiếng về chế biến cà phê, mặc dù nước này không hề trồng cà phê. Cà phê chế biến của Đức có trị giá xấp xỉ Brazil, xếp thứ hai thế giới trong khi Vietnam lại khá tụt hậu trong lĩnh vực này.

Cùng một khối lượng, cà phê qua chế biến (roasted coffee) đắt gấp đôi hoặc hơn so với cà phê ở dang thô (green coffee). Nhưng cà phê đã qua chế biến thì không giữ được lâu, nên đòi hỏi phải tiêu thụ được nhanh. Muốn vậy nhà chế biến phải có thị trường vững chắc và nắm bắt được thị hiếu đa dạng của khách hàng.

Mỹ là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới với 400 triệu cốc/ ngày, kim ngạch nhập khẩu khoảng 4 tỉ USD, và doanh số của các tiệm cà phê độc lập lên tới 12 tỉ USD/năm. Những con số đó chỉ là tương đối bởi vì trên thực tế, trong “cà phê” được đưa vào sử dụng thì đã có một phần tỉ lệ trộn lẫn các loại đậu, bắp và hương liệu.

Ở Vietnam, nhà máy cà phê hòa tan bắt đầu được xây dựng từ năm 1968 tại Biên Hòa, theo công nghệ Đức với thương hiệu Vinacafe nổi tiếng. Tuy nhiên, khi nhà máy bị quốc hữu hóa sau năm 1975 thì Vinacafe không còn cơ hội tiến xa và còn bị các nhà sản xuất đi sau lấn át.

Trong fb, Diệp Thảo đã kể rằng, sau chuyến đi Đức của cô, Trung Nguyên đã chuyển hướng sang sản xuất cà phê hòa tan. Đây là hướng đi đúng nhưng đáng tiếc nó đã không lớn mạnh như mong đợi. Theo ý kiến cá nhân mình, đặt tên Trung Nguyên là một sai lầm lớn vì tên này người nước ngoài không phát âm được. Mà chỉ bán trong nước thì thị trường rất giới hạn, không mở rộng được, trong khi đổi tên G7 hay tên gì khác sẽ làm rối hình ảnh, làm khách hàng nhầm lẫn. Trong khi cái tên “đẹp” nhất, có giá trị marketing cao nhất là Vinacafe thì lại không còn nữa.

SQ- TRÍ THÔNG MINH Ý CHÍ


Trong cuộc sống đa số mọi người đều có khuynh hướng thích chơi, ngại làm (đối với người lớn); ham chơi, lười học (đối với trẻ con). Cũng dẽ hiểu vì chơi thì vui, con làm, học thì nhàm chán. Nhưng một số đứa trẻ vượt lên được cái boring đề ngồi vào bàn học một cách kiên trì thì đó chính là điều mà người xưa gọi là có chí, còn theo tâm lý học hiện đại gọi đó là trí thông minh ý trí SQ (Spirit-intelligence Quotient).
“Có chí làm quan”. Chế độ phong kiến đã từng tồn tại hàng ngàn năm, nó phải có những lý do nhất định. Một trong những ưu điểm của thời phong kiến là vợ, con và người nhà của Vua không được tham gia bộ máy chính quyền. Chỉ có một ngoại lệ hiếm hoi ở nước ta vào đầu thời Trần, giai đoạn đánh giặc Nguyên thì một số hoàng thân tham gia chỉ huy quân đôi và trực tiếp ra trận. Ngay trong một công ty quốc doanh mà ông giám đốc đưa người nhà vào thì sẽ phá vỡ kỷ cương và bộ máy. Vì thế muốn làm quan thì con đường chủ yếu là thông qua học hành thi cử, muốn vậy phải có chí học hành.
Khi con người ta vượt qua được cái ngưỡng “làm điều mình thích” của con trẻ để “làm điều cần thiết” là lúc người đó đã trưởng thành, đã trở thành người lớn. Ở đây, cần phân biệt “thích” với “đam mê”. Cái thích hoàn toàn cảm tính, còn đam mê, cao hơn là lý tưởng thì hẳn phải có sự kết hợp ít nhiều của trí óc.
Người có trí nhớ tốt sẽ dễ dàng tích lũy được nhiều kiến thức. Kiến thức người này gấp 2-3 lần người kia có thể coi là nhiều, nhưng với ý chí, có thể gấp nhau 5-10 lần. Do đó có thể coi trí thông minh SQ rất quan trọng để mang lại khác biệt và sự thành công.
Nhưng không thể “cố” để có SQ được. Mình đánh giá thấp nhưng kẻ luôn mồm hô quyết tâm làm điều nọ điều kia. Một khi đã có SQ làm nội lực thì không cần khẩu hiệu nào cả.
Cũng như các loại trí thông minh khác, SQ có được thông qua bẩm sinh và rèn luyện. Một số cha mẹ dùng cái roi để bắt con ngồi vào bàn học, đó là thể hiện sự nôn nóng và chưa chắc đã đạt mục đich.
Khi con bạn gặp một bài toán khó, đó là một ví dụ về sự thử thách SQ, cháu bỏ cuộc hoặc theo đuổi đến cùng, tùy theo mức độ phát triển về ý chí.
Ý chí và nghị lực SQ cần có một lộ trình để xây dựng và vun đắp, và mỗi đứa trẻ một khác. Tìm ra một công thức sao cho cân bằng giữa rèn luyện và thự giãn, vui chơi phù hợp cho con mình là điều những người làm cha làm mẹ trăn trở.