Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

The first

 


Chuyện con ra ở riêng

 

Quý vị đã có tuổi mà phải sống chung với tụi trẻ sẽ chắc hẳn phải khó chịu. Mình cần ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ để bảo đảm sức khoẻ còn tụi nó thì bất tử, có thể ăn ngủ bất kỳ lúc nào!
Vợ chồng già ăn đồ Việt quen rồi, còn nó lại thích ăn kiểu Tây, đòi nấu riêng. Cũng tốt thôi nếu nó đừng lấy tiền của mình để mua đồ cho nó.
Mình khó chịu với nó thì chắc chắn nó cũng không dễ chịu gì với mình, như vậy giải pháp tốt nhất là chia tay hoàng hôn, cho chúng nó đi ở riêng. Nghĩ đến nước này lại thấy buồn!
Cơm áo gạo tiền không đùa với khách thơ. Tất nhiên còn phải xem việc chúng nó ra ở riêng liệu có khả thi không, trước hết về khía cạnh tài chính.
Khi người trẻ tuổi ra ở riêng mà còn đi học thì có thể xin trợ cấp austudy. Hiện nay, mức austudy tính cả phụ cấp thuê nhà rơi vào khoảng $22,000/năm. Với mức sinh hoạt đắt đỏ như tại Sydney, mức này còn xa mới đủ, còn đi làm thêm bằng số thuế, tiền austudy sẽ mất. Nếu không bỏ học mà vừa học vừa làm thì cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, nên nhiều khả năng lại nã tiền ông bà già.
Ở kịch bản lạc quan, sau khi học và kiếm được việc làm tốt, lương $300k /năm hoặc hơn thì tiền nong không còn là vấn đề. Con cái quý vị đã ở một đẳng cấp khác, được đánh giá cao về năng lực làm việc và có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội.
Thành công như thế là hiếm có chứ xin được việc theo đúng ngành nghề được đào tại ĐH hoặc TAFE mà được mức lương $100k/năm là mừng rồi. Cuộc sống của tụi trẻ rất khác, ngoài tiền ăn ở, quần áo, chúng phải đi club cuối tuần, phải đi du lịch nước ngoài dù chỉ 1 lần/1 năm và nhiều mối quan hệ bạn bè thì 100k bay nhanh lắm, nhìn chung không dư đồng nào.
Một vấn đề nữa, làm cha mẹ thì đều mong muốn con tìm được nửa kia của cuộc đời và mong được có cháu bế. Hồi xưa thì sợ bom nổ chậm còn bây giờ điều đáng lo không phải là yêu sớm mà chỉ sợ chúng nó yêu muộn quá. Tụi trẻ có xu hướng vùi đầu vào cái màn hình suốt ngày thì đâu còn thiết yêu nữa.
Yêu sớm là cách tốt nhất để chóng khôn và để không bị gạt trong các cạm bẫy tình. Hình như Úc không phải là thiên đường của tình yêu nên ai đã trải qua tuổi trẻ ở xứ này thì đều biết, để có vài ba mối tình vắt vai chắc chắn khó hơn ở Việt Nam rất nhiều. Lý do chính có lẽ thanh niên bên này bận rộn quá, vừa đi học vừa phải đi kiếm tiền, chứ chỉ làm một trong hai việc thì vô tư, tỉ phú thời gian thoải mái đi làm thợ săn.
Để tìm kiếm tình yêu thì ra ở riêng là một lợi thế cho tụi trẻ chứ ông bà bô cứ soi mói mỗi khi mang bạn trai bạn gái về nhà thì rất phiền. Không có cha mẹ tư vấn thì sẽ có rủi ro nhưng khỏi lo, bạn bè và anh chị em làm việc này tốt hơn.
Để ý một điều, các con thú đều đuổi con chúng đi là đó là cách giúp cho các con bê, con nghé tự đi kiếm mồi ăn. Đối với người, buông bỏ là cách để con cái tránh phụ thuộc ỷ lại cha mẹ mà tự lập, tự trách nhiệm, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Nhịp cầu nối những bờ vui


Mấy ngày nay, tin tức nóng về xe điện Vinfast tràn ngập trên mạng xã hội với những luồng tin tốt xấu trái ngược nhau. Ông chủ Vượng từng nói rằng, “nếu vì lợi nhuận thì tôi không làm xe”. Mình tin lời ông, vấn đề ở chỗ, không vì lợi nhuận thì vì cái gì?
Chúng ta hãy thử phân tích “hoàn cảnh” Việt Nam và thế giới hiện nay. Việt Nam là 1 trong 23 nước, trong đó có các “đồng chí” Cuba, Venezuela, Iran đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, một khối các nước đối trọng lại với các nước Phương Tây. Việt Nam vẫn đang dùng vũ khí của Nga, nếu thêm động thái liên minh kinh tế này nữa thì có thể hiểu đất nước đã chọn xong phe.
Nhưng dường chiến tranh Ukraine đã làm đảo lộn tất cả, Nga bị cấm vận và nguồn vũ khí Nga trở nên ách tắc. Điều này lại “trùng lặp” với việc các đơn hàng xuất khẩu cho Việt Nam bị cắt giảm mạnh, nhất là may mặc, giày dép và đồ gỗ cùng việc thất nghiệp tăng và thị trường nhà đất ế ẩm, khiến viễn cảnh kinh tế trở nên ảm đạm nhất trong vòng mấy thập niên qua.
Những sự việc này dẫn điến việc Việt Nam đang cần Mỹ hơn bao giờ hết về cả hai phương diện kinh tế và quân sự. Ngược lại, Mỹ cũng cần Việt Nam để siết chặt vòng vây khi mà liên minh ma quỷ Nga và Tàu đã ngày càng khăng khít.
Mới đây, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam (một chị cũng tên Hằng, nhưng không phải bạn chú Cuội) đã đánh tiếng về vấn đề nâng cấp mối quan hệ Việt - Mỹ vào “thời gian thích hợp”. Trong khi Biden bật mí sẽ sang thăm Việt Nam trong chuyến Á du kết hợp dự G20 tại Ấn Độ vào giữa tháng 9, ông còn cho biết, Philippines, Việt Nam và Cambodia (những nước ASEAN từng chống Mỹ) sẽ trở thành một phần trong quan hệ đối ngoại của Mỹ.
Vinfast đã lên sàn chứng khoán Mỹ trong một thời điểm không thể đẹp hơn, có thể gán cho nó một vai trò hết sức cao cả: chiếc cầu nối trong quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ. Người viết không có ý định nâng bi hoặc dìm hàng Vinfast mà chỉ muốn đưa ra một giả thiết cho một thắc mắc của nhiều người.
Năm 1875, Bùi Viện được vua Tự Đức cử đi Mỹ với mục đích cầu viện trong bối cảnh Đại Nam đang bị Pháp o ép. Ông đã được gặp tổng thống Mỹ lúc đó là Ulysses Grant. Trước đó, Bùi Viện đã từng lặn lội sang Mỹ trong hơn 1 năm, sau đó mới tấu trình xin quốc thư để quay lại. Vì những lý do chủ quan và khách quan, sứ mệnh của Bùi Viện chưa thành thì ông đột ngột qua đời vào năm 1878 khi mới 39 tuổi.
Tự Đức đã từng bút phê về Bùi Viện như sau: “Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng cho”. Nếu ông không mất sớm, rất có thể, mối quan hệ Việt – Mỹ được gây dựng và lịch sử nước ta cũng đã khác đi.
Con đường của Bùi Viện ngày nay được tiếp nối bởi tỉ phú giàu nhất Việt Nam. Để làm xe điện ở Mỹ, Vin group đã từ bỏ dự án điện thoại thông minh, dự án hàng không và chuỗi bán lẻ và được cho là chi khoảng 9.3 tỉ USD vào Mỹ.
Trong ảnh, Thu Thủy (trùng tên bà xã mình) CEO của Vinfast đã coi Tesla như một đối thủ đồng trang phải lứa, một hình mẫu mà xe điện của Việt Nam nhắm đến. Mọi người sẽ coi đây là mội lời nói “ngáo” như muôn vàn phát ngôn khác, nhưng biết đâu nó lại dựa trên một cơ sở nào đó.
Vinfast loan tin sẽ mở nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ và đã được nhà chức trách phía Mỹ ủng hộ về mặt bằng cũng như thủ tục. Tất nhiên giới chức ở đây sẽ thích thú khi một công ty nước ngoài đầu tư trên đất Mỹ nên việc này không có gì khó khăn.
"Gái có công thì chồng chẳng phụ", thậm chí sẽ có một cuộc chuyển giao công nghệ cao cấp cho kỹ thuật xe điện, điều mà nền công nghiệp lạc hậu của Việt Nam không hề có, giống như Mỹ đã làm với các đồng minh Nhật, Hàn và Đài Loan trước đây.
Nhưng ngay cả khi không còn trở ngại về công nghệ thì vẫn có một ẩn số khác. Người lao động của Mỹ và các nước phương Tây được công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi, nó rất khác công đoàn ở Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của đảng. Do đó quản lý nhân công ở các nước dân chủ là vô cùng phức tạp mà rõ ràng Vinfast chưa có kinh nghiệm xử lý những phát sinh gì cả.
Vẫn câu hỏi nếu làm xe không vì lợi nhuận thì vì cái gì? Ông Vượng quyết định làm xe điện trong bối cảnh hàng loạt đại gia Việt Nam nhập kho, bản thân ông cũng có tin đồn bị cấm xuất cảnh, cho thấy việc làm giàu là một chuyện, còn vấn đề bảo vệ tài sản và an toàn cá nhân lại là một bài toán khác phải tính đến.
Phải chăng ông chủ Vin group, một người học ở Nga và tự nhận không biết tiếng Anh, đã đặt cược sự nghiệp của mình vào cuộc chơi nâng cấp mối quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ?

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

Cây xoài trong vườn

 


Kịch nghệ - Một bộ môn thiết thực cho cuộc sống

 

Kịch nghệ là một môn học chính khóa trong các trường trung học tại Úc. Khác với debating (tranh biện), drama (kịch nghệ) là một môn thi tốt nghiệp và cháu Sissy nhà mình đã chính thức đăng ký dự thi môn này.
Drama mà dịch là kịch nói thì không đúng vì môn này không chỉ có “nói” mà còn hát, tức là kịch nghệ bao gồm nhạc kịch và kịch nói.
Trong bất kỳ công việc hay dự án nào, chúng ta cần phải biết bắt đầu thế nào, kết thúc ra sao, lường được các diễn biến, biết cao trào ở đâu để “mở nút”. Cái này gọi là “kịch bản”.
Trong cuộc biểu tình để lật đổ chế độ Mubarak đã tồn tại 29 năm tại Ai Cập, những nhà tổ chức biểu tình không ngờ thành quả “cách mạng” lại rơi vào tay phe Huynh đệ hồi giáo, tiếp theo phe quân đội làm đảo chính lật đổ phe hồi giáo. Cuối cùng Ai Cập vẫn là chế độ độc tài, không thay đổi được gì. Các nhà bình luận coi đó là do thiếu kịch bản chiến thắng.
Bạn là người đánh cờ biết dùng cờ thế, có thể tính toán các nước đi rất xa và đối thủ của bạn là tay cờ “vô chiêu”, chơi một cách tùy hứng và không theo bài bản nào. Dễ dàng có thể đoán biết kết cục của hai tay cờ này.
Mặt khác, nếu coi cuộc đời là một vở kịch thì vấn đề diễn xuất hết sức quan trọng, trong nhiều trường hợp có thể thuyết phục người khác làm theo ý mình. Bạn có ý tưởng tốt đồng thời bạn còn phải biết thể hiện nó một cách xuất sắc nữa, nếu không mọi ý đồ gì đều vô ích.
Bạn là một doanh nhân muốn bán sản phẩm của mình ra thị trường. Chắn chắn bạn cần chiến lược bán hàng và cách trình bày hợp lý thì mới tìm được khách hàng.
Vậy là kịch nghệ giải quyết được quá nhiều vấn đề, là yếu tố quyết định thành công hay thất bại? Không hoàn toàn như vậy, số phận mỗi con người phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, kịch nghệ trang bị cho người học sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, khả năng hóa thân và biết tâm lý các nhân vật, biết cân nhắc tính toán từng bước đi trong cuộc sống...
Như thế là quá đủ để coi kịch nghệ là một môn học quan trọng. Điều mình hơi băn khoăn là các phụ huynh và các học sinh chưa coi trọng đúng mức môn học thiết thực này, như lớp của Sissy, chỉ có 7/30 cháu chọn drama làm môn thi HSC.

Đảo chính quân sự không còn là chuyện nội bộ

 

Ngày 26/7, một cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra tại Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi và cũng nghèo nhất thế giới. Đây là cuộc đảo chính quân sự thứ 7 trong vòng hơn 3 năm qua tại Tây Phi.
Ngày 31/7, nhóm ECOWAS gồm 15 nước Tây Phi, dẫn đầu bởi Nigeria, nước đông dân nhất Châu Phi đã ra tối hậu thư yêu cầu giới cầm quyền quân sự ở Niger phải trả lại quyền lực cho tổng thống dân sự được bầu là ông Bazoum, nếu không sẽ hứng chịu mọi hậu quả, kể cả biện pháp quân sự. Hôm nay, thời hạn tối hậu thư đã chính thức hết, ngay lập tức, nhà cầm quyền quân sự Niger đã ra lệnh cấm bay, nhằm phòng thủ cho bầu trời trước đòn tấn công có thể bất ngờ xảy ra.
Kể từ thập niên 1960s, thời điểm bắt đầu ra đời hầu hết các nước Châu Phi, đảo chính quân sự đã được coi như chuyện thường ngày ở huyện, đã có hàng trăm (chứ không phải hàng chục) cuộc đảo chính lớn nhỏ, thành công hoặc thất bại, đẫm máu hoặc không nhưng chưa bao giờ có chuyện can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Vậy tại sao bỗng dưng các nước Châu Phi láng giềng lại làm dữ vậy? Nói ngắn gọn là do thời thế đã thay đổi và chúng ta sẽ từng bước tìm hiểu.
Thời Xuân Thu Chiến quốc, đã nhiều lần liên quân đưa quân đánh mỗi khi nội bộ các nước có biến để vãn hồi trật tự, thông thường là hồi phục ngôi báu cho các ông vua bị lật đổ.
Vào thập niên 1970s, quân đội Cuba đã can thiệp vào cuộc nội chiến tại Angola, giúp cho phe cộng sản giành chiến thắng. Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền ở đây đã tự diễn biến, tự chuyển hóa thành một nước đa đảng như ngày nay.
Một lần khác, năm 2012, không quân Anh- Pháp đã yểm trợ cho quân nổi dậy lật đổ nhà độc tài Gaddafi tại Libya. Điều thú vị, khi làm cách mạng xóa bỏ chế độ quân chủ năm 1969, Gaddafi cũng chỉ đeo lon đại úy, bằng với cấp bậc của Traore, thủ lãnh cuộc đảo chính quân sự tại Burkina Faso vào tháng 9 năm ngoái và hiện là nguyên thủ quốc gia (dù chưa được quốc tế công nhận) trẻ nhất thế giới ở tuổi 35.
Chi tiết này cũng cho thấy đảo chính có vẻ quá dễ dàng, một sĩ quan cấp rất thấp, chỉ cần có súng là đã có thể thay đổi cả một chính thể.
Quá nhiều và quá đủ các cuộc đảo chính là lý do đầu tiên chúng ta phải làm gì đó để ngăn chặn các cuộc đảo chính quân sự cứ sòn sòn diễn ra. Cái quan niệm bạo lực đẻ ra chính quyền không thể mãi mãi tồn tại trong thế giới văn minh.
Điều quan trọng hơn, việc ngăn ngừa đảo chính liệu có khả thi? Các cuộc đảo chính gần đây ở châu Phi dường như có sự giúp sức trực tiếp (như ở Mali) và gián tiếp của đội quân đánh thuê Wagner của Prigozhin, một đội quân thiện chiến đang hoạt động mạnh của Tây Phi. Có điều Wagner đang suy yếu và giới quân sự ở đây sẽ mất đi một chỗ dựa quan trọng.
Về mặt chiến lược, khi thế giới đang hình thành một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa một bên là Nga -Trung Quốc và bên kia là Phương Tây thì Châu Phi, một lần nữa sẽ trở thành địa bàn tranh chấp giữa hai phe.
Tranh thủ sự bỏ rơi Châu Phi của Mỹ và phương Tây, những năm gần đây Trung Quốc đã giành được nhiều ảnh hưởng chính trị cũng như tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu cho sự trỗi dậy kinh tế của họ. Với những diễn biến mới nhất, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có, tốc độ tăng trưởng chậm đồng thời thiếu vắng các động lực mới. Còn nước Nga của Putin như một con hổ sa lưới trong cái bẫy Ukraine mà chưa biết khi nào thoát ra được.
Tây Phi có nhiều thuộc địa cũ của Pháp vì thế Pháp là nước thích hợp nhất trong việc đứng ra hỗ trợ cho nhóm ECOWAS tiến hành một chiến dịch lập lại trật tự trong khu vực. Tuy nhiên đây là việc làm chưa có tiền lệ và chắc chắn sẽ rất nhiều gian nan.

Cambodia: Một bước tiến nhỏ tới dân chủ

 

Sau cuộc tổng tuyển cử ở Cambodia, mọi người đã cảm thấy phần nào nhẹ nhõm khi Thủ tướng Hun Sen, 70 tuổi tuyên bố sẽ từ nhiệm để nhường lại vị trí cho con trưởng của ông là Hun Manet. Khó có thể coi việc cài cắm con vào vị trí là hành động đẹp nhưng dù sao cũng tốt hơn so với việc Hun Sen tham quyền cố vị để tiếp tục bám chiếc ghế mà ông đã ngự trị 38 năm qua.
Đương nhiên, điều này cũng chứng tỏ vị thế và quyền lực tuyệt đối của Hunsen trên chính trường đất nước chùa tháp. Khi Việt Nam đưa quân vào “giải phóng” Cambodia, Hun Sen mới có 26 tuổi và còn bị coi là thứ yếu so với các nhân vật khác, nhưng anh chàng đã nhanh chóng thâu tóm quyền lực và đã khéo léo chèo lái đất nước hồi sinh sau thảm họa diệt chủng Polpot.
Bên nội của Hun Sen vốn gốc người Tiều giàu có và có nhiều đất đai. Lớn lên, Hun Sen gia nhập quân đội, trở thành một sĩ quan của Khơ me đỏ nhưng rồi đã đảo ngũ và chạy sang Việt Nam. Trong chính phủ hậu Khơ me đỏ, Hun Sen giữ chức phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng. Ông được coi là có thể nói được tiếng Việt và tiếng Anh.
Trong chiến tranh, Hun Sen đã từng vào sinh ra tử, bị chột một mắt. Trở thành chính khách, ông đã vượt qua các đối thủ chính trị một cách ngoạn mục để có một vị trí độc tôn trên bàn cờ chính trị Cambodia.
Năm 1985 ông trở thành Thủ tướng khi Thủ tướng lúc đó là Pen Sovan bất ngờ bị cách chức và bị bắt giam mà lý do cụ thể không được công bố, cho đến tận ngày nay.
Khi về nước năm 1993, Sihanuk đã tự nguyện từ bỏ tranh chấp chính trị để khôi phục ngôi vua, một vị trí hữu danh vô thực như một cách để mở đường cho con trai cả của ông là Ranariddh tham chính. Trong cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên, đảng Nhân dân cách mạng của Hunsen đã thua đảng Funcinpec của Ranariddh. Tuy nhiên, vì mục đích “giữ ổn định”, cả hai Ranariddh và Hunsen đều trở thành đồng thủ tướng.
Viện vấn đề tuổi tác, Ranariddh là thủ tướng thứ nhất và Hun Sen là thủ tướng thứ hai. Những diễn biến tiếp theo, các thành viên của Funcinpec lần lượt bị tố cáo “vi phạm pháp luật”, đảng dần dần bị triệt hạ và bản thân Ranariddh phải ra nước ngoài sống lưu vong.
Trong nội bộ Đảng nhân dân cách mạng, các đàn anh của Hun Sen như Heng Somrim hay Chea Sim lại bị quy luật tự nhiên đào thải vì tuổi cao sức yếu. Như vậy Hun Sen vừa là lãnh tụ đảng cầm quyền đồng thời kiêm thủ tướng quyền sinh quyền sát.
Từ một đống tro tàn của chế độ Polpot, Camboddia đã có những bước tiến rõ rệt về xây dựng kinh tế. Tuy vẫn là một nhà nước độc tài, từng bước người dân Cambodia đã có những tiếng nói nhất định nói lên nguyện vọng chính đáng của mình.
Về đối ngoại, cho dù từ một chế độ do quân đội Việt Nam dựng lên, chính quyền Cambodia đã thiết lập được những mối quan hệ vững chắc với những ông lớn như Trung Quốc và Mỹ nên có thể coi là đã “thoát Việt” thành công.
Vợ chồng họ Hun có 5 người con, đều được ăn học tử tế, trong đó ba người con trai đã tham gia vào các cấp chính quyền dân sự và quân sự từ rất sớm. Người con cả Hun Manet nay đã 46 tuổi được học quân sự tại Mỹ, học về kinh tế tại Mỹ và Anh đã được truyền thông quốc doanh hết lời ca tụng tài năng sẽ chính thức nhận chức thủ tướng vào 22/8 tới đây.
Những ngày qua, Hun Sen ra báo chí nói rất nhiều, ông tự coi mình như một tấm gương “hy sinh” vì đất nước mà mọi người cần noi theo nhưng chưa thấy ý tứ Hun Manet ra sao. Thật ra cậu cả nói gì cũng không quan trọng, điều mọi người mong chờ là xem một người được bú mớm từ nhỏ sẽ phất ra sao khi cờ đến tay.

Ngày hội bóng đá nữ tại Úc


Cách đây mấy tháng, Thủ tướng Albanese đã nói ông sẽ “chuổng cời”, ý quên, ông sẽ cho một ngày nghỉ lễ để toàn dân đi bão nếu đội tuyển Úc vô địch thế giới. Lúc đó đội tuyển Úc là đội nam (biệt danh Socceroos) mới lọt vào vòng hai World cup bóng đá nam 2022.
Kể lại câu chuyện để thấy ông thủ tướng ngáo cỡ nào, đội Úc làm gì có cửa vô địch thế giới! Nhưng với đội tuyển nữ (Matildas) thì khác à nha. Matildas đã 5 lần lọt vào tứ kết các giải World cup bóng đá nữ và nay lại được thi đấu trên sân nhà.
Ngoại trừ Qatar, các đội chủ nhà luôn là ứng viên của chức vô địch. Các đội Urugoay, Ý, Brazil, Anh, Đức, Pháp đều đã từng vô địch thế giới trên sân nhà. Chính vì thế, người dân Úc có thể chuẩn bị tâm thế cho trận đấu cuối cùng trên sân vận động Olympic Park tại Sydney vào đêm 20/8 tới đây.
Tuy nhiên ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch có thể kể đến đội đương kim vô địch Hoa kỳ, kế đến là các đội bóng châu Âu như Đức, Na Uy, Anh, Pháp.
Cũng như World cup nam, châu Á có 5/32 suất. Điều khác biệt, ở giải nam, Tây Á chiếm 3/5 suất thì ở giải nữ, chị em hồi giáo không thể quấn khăn chạy đá bóng nên mới có chuyện “nhường” hết cho Đông Á, gồm Nhật, Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Nên nhớ đội Nhật Bản đã từng đăng quang năm 2011 chứ không phải châu Á là quá tệ.
---
Mình là người chứng kiến những bước chập chững đầu tiên ở bóng đá nữ Việt Nam vào đầu thập niên 1990x. Hồi đó mình thường xuyên ra sân Quan Thánh để đá bóng và đó cũng là nơi những cầu thủ nữ Hoa học trò, sau này gọi là đội Hà Nội tập luyện.
Sau những buổi ban đầu đầy hào hứng thì bóng đá nữ nhanh chóng bị quên lãng một thời gian, các nữ cầu thủ rơi rụng dần nên rơi vào tình trạng thiếu người. Về lý do, các thầy bảo phụ huynh cấm con gái đi đá bóng vì sợ đá mạnh sẽ bị rách màng trinh. Còn các em thì bảo các thầy ăn chặn tiền bồi dưỡng nên chán mà bỏ tập.
Được cái đã từng chơi cho đội tuyển ĐH KTQD nên sạch nước cản về chiến thuật đá 11 người, vì thế mình hay được gọi vào đá chung với các em trong các buổi thực hành toàn sân, vui ra phết.
Sân Quan Thánh là nơi mình gắn bó hàng chục năm từ lúc mới 4-5 tuổi vì bố mình làm việc ở 192 phố Quan Thánh, đối diện cửa sân vận động nhưng rồi một điều rất buồn đã xảy ra là sân đã bị làm thịt để xây nhà bán. Bóng đá Việt Nam có đội đi dự World cup quả là một kỳ tích trong bối cảnh đất nước cực kỳ thiếu sân vận động.
Bóng đá mang lại niềm vui lớn nhưng điều nên nhớ là nó không chứng minh chứng tỏ văn hóa dân tộc hun đúc cội nguồn gì hết. Vậy cứ vô tư mà xem thôi.

Điển tích Sở Hoài vương và câu chuyện Putin

 

Nước Sở đến thời suy yếu, bị nước Tần uy hiếp, lấn chiếm đất đai. Năm 297 TCN, Tần Chiêu Tương vương bất ngờ viết thư mời Sở Hoài vương đến hội họp để nối lại hòa hiếu. Đại thần Chiêu Thư khuyên Sở Hoài vương không nên đi, nhưng rồi Hoài vương vẫn đi.
Tần Chiêu Tương vương sai tướng phục binh ở Vũ Quan gần biên giới hai nước rồi bắt Sở Hoài vương đưa đến Hàm Dương (kinh đô của Tần). Đây là sự kiện duy nhất trong 700 năm Xuân thu Chiến quốc khi một ông vua đi phó hội lại bị bắt nhập kho.
Tần Chiêu Tương vương ép Sở Hoài vương phải cắt đất Vu và Kiềm Trung mới cho ông về nước. Hoài vương giận mắng vua Tần hay dối trá, không chịu cắt đất, nên vua Tần tiếp tục giữ ông ở lại Hàm Dương.
Người nước Sở hay tin lập thái tử Hùng Hoành nối ngôi, tức là Sở Khoảnh Tương vương. Khoảnh tương vương không thể làm gì để cứu cha khiến Hoài vương uất ức chết trong tủi nhục ba năm sau đó.
Về Putin, không biết có phải vì bài học Sở Hoài vương hay không mà ông đã từ chối đi phó hội ở Nam Phi. Có thể suy đoán nhưng điều ông sợ theo mức độ khả thi như sau:
1. Nội bộ có biến nhất là sau sự kiện nổi loạn của nhóm Wagner vừa qua. Chưa biết chừng, Pu đi ăn cỗ về mất chỗ, người Nga sẽ lập tổng thống mới.
2. Ukraine ngu gì mà không thừa cơ tổng tấn công, đòi lại đất đai đã mất.
3. Khó bảo vệ khỏi ám sát khi mà drone ngày càng tinh vi, chính xác và không thể truy cứu nguồn gốc.
4. Cuối cùng mới là khả năng Nam Phi hoặc nước nào khác mà máy bay đi qua không phận thực hiện lệnh bắt của Tòa án hình sự quốc tế ICC.
Năm 2015, tổng thống Bashir của Sudan vẫn sang Nam Phi phó hội dù có lệnh bắt ICC. Sau đó ông cũng đã sang Trung Quốc dự một hội nghị thượng đỉnh khác.
Có tin Putin đã nhận lời mời sang thăm Trung Quốc sắp tới. Để xem Putin có dũng cảm như Bashir hay không ?

Nghề Thư ký và Thuyết Tiến hóa

 

Vụ xử án “chuyến bay giải cứu” đang diễn ra sôi nổi với 54 bị can, liên quan đến nhiều bộ ngành. Nhân vật được coi là cao cấp nhất trong các bị can là Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao. Một số bị can khác cũng có chức vụ tương đương hoặc xấp xỉ thứ trưởng nhưng có một “mặc định”, Thứ trưởng của NgG, Quốc phòng, Công an được coi là cao hơn các thứ trưởng khác.
Điều cũng nên biết là lý do nào thứ trưởng họ Tô lại leo cao được như thế? Xin thưa vì ông từng trải qua thời gian vinh dự làm Thư ký Bộ trưởng vào cuối thập niên 1990s.
Ở Việt Nam, rất nhiều nhân vật xuất thân từ nghề thư ký đã lên rất to có thể kể đến Nguyễn Cơ Thạch, vốn Thư ký cho Võ Nguyên Giáp, Cựu PTT Trần Quỳnh (cho TBT Lê Duẩn), Cựu Bí thư TU Phạm Quang Nghị (cho TBT Nguyên Văn Linh). Đương kim Thủ tướng Chính vốn là Thư ký cho một Thứ trưởng đồng hương người Thanh Hóa.
Ở Trung Quốc, nghề thư ký cũng ngon, ví dụ như Thư ký của Triệu Tử Dương là Ôn Gia Bảo sau lên Thủ tướng hay Thủ tướng Lý Cường hiện nay vốn là Thư ký của chính Tập Cận Bình.
Xuất thân từ nghề phiên dịch lên to cũng không ít, như Vũ Khoan, Nguyễn Di Niên và nhiều thứ trưởng ngoại giao.
Theo “quan niệm cũ” các nghề tôi tớ như “thông ngôn, ký lục chi chi” (Á Tế Á ca) sẽ không bao giờ thoát khỏi thân phận hèn hạ. Nhưng Trung Quốc và Việt Nam theo Thuyết Tiến hóa, khỉ hay vượn còn có thể làm người thì việc chuyển hóa thông ngôn ký lục là hoàn toàn khả thi.
Thực tế nhiều người thư ký là những “bộ não” của lãnh đạo, là người chuẩn bị sắp xếp công việc, soạn thảo các văn bản, diễn từ...Điều quan trọng hơn, làm thư ký sẽ có cơ hội để chắp nối các mối quan hệ mà như người ta nói “có quan hệ là có tất cả, không có quan hệ thì sẽ không có gì”.
Trở lại vụ xử, người bị đề nghị án nặng nhất cũng là một thư ký, đó là Phạm Trung Kiên, thư ký Thứ trưởng phụ trách Bộ Y Tế.
Trong khi đó, không hiểu vì sao Tô Anh Dũng đã nói rằng, ông nhận 21,5 tỉ đồng vì không biết như thế là phạm pháp! Tất nhiên họ Tô không phải trẻ lên ba mà chắc có nguyên nhân của việc này.
Hồi xưa, từ thời cụ Thạch bộ Ngoại giao đã có chủ trương lập “Quỹ điều hòa”, thực chất đây là quỹ đen bất hợp pháp, trong đó tiền phí lãnh sự thu ngoài sổ sách và sai quy định tài chính được đưa vào quỹ để các cán bộ ngoại giao chia nhau.
Nghe nói đã có lần quỹ này bị thanh tra kết luận là sai, tuy nhiên một khi Bộ trưởng NgG là BCT mà Bộ trưởng Tài chính chỉ là trung ủy nên vụ việc đã bị chìm xuống.
Có một câu chuyện vui, một ông Vụ trưởng ngoại giao tiếp một ông đại sứ nước ngoài tại Hà Nội. Vừa gặp nhau, ông đại sứ nói hôm qua tôi thấy ngài ở ngoài đường, ngài đi xe đạp bị ngã, cặp lồng cơm rơi ra tung tóe!
Có lẽ “Quỹ điều hòa” nhằm để anh em ngoại giao có thêm thu nhập để sống đỡ lúi sùi quá. Một lần ngồi bên Ai Cập, chị Khánh phu nhân Bộ trưởng Ngoại giao đã nói: bác Khiêm cứ thương anh em nên đấu tranh để mọi người hưởng quyền lợi sướng quá, chứ giáo sư như tụi tôi mà lương có được bao nhiêu đâu.
Càng về sau Quỹ điều hòa không mất đi, không giảm đi mà còn tăng lên khủng, các cán bộ ngoại giao thản nhiên nhận tiền chia chát. Sự kỳ diệu của "thuyết tiến hóa” lại phát huy khi tiền bất hợp pháp lại trở thành hợp pháp từ bao giờ?
Biết đâu Tô Dũng nghĩ rằng tiền “chuyến bay giải cứu” cũng như vậy, còn như cục trưởng Lan còn nói thu phí chênh lệch là chủ trương của Đảng ủy và lãnh đạo Bộ?
Phải chăng điều này liên quan đến ông phó Minh, như cách nói của cụ Tổng: nếu ai đã dính chàm mà tự nguyện xin từ chức thì sẽ được hoan nghênh?