Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

 


Hai ý nghĩa của chữ Nuôi Nấng trên thiên đường


 

Mấy hôm nay cộng đồng mạng lại có màn đấu khẩu vui giữa cô Hằng cuồn cuộn, quốc tịch Canada với cô MC Kỳ Duyên, quốc tịch Mỹ.
Khi Hằng cuồn cuộn cho rằng công chúng nuôi nghệ sĩ thì MC Kỳ Duyên không đồng ý và cho rằng nghệ sĩ cũng vất vả gian truân lắm, đại để năm chìm bẩy nổi chín lênh đênh, hết mình hy sinh vì nghệ thuật chứ không phải bỗng dưng mà cô có hai căn biệt thực to tổ bố.
Chúng tôi chỉ là người lao động chân đất mắt toét, tay làm hàm nhai, cũng mạn phép thưa chuyện với cô Luật sư kiêm MC rằng, thị trường có uy quyền trả công “xứng đáng” đúng theo năng lực và sự cống hiến. Chúng tôi không muốn so sánh với các nghệ sĩ tài danh của thế giới, nhưng nguồn tiền vé của khán giả chỉ là một phần nhỏ so với tổng thu nhập của giới showbiz Việt Nam.
Phần lớn kia từ đâu ra? Thẳng thắn mà nói là nhiều ca sĩ tham gia quảng cáo thuốc lang băm lừa đảo, có hại cho người tiêu dùng. Ngay trong các đêm nhạc cũng dựa vào tiền tài trợ là chính chứ không phải từ công chúng. Các ca sĩ hát theo định hướng còn được sống bằng tiền ngân sách.
Các nhà báo, thuộc loại “nghệ sĩ nửa mùa” ở xứ thiên đường cũng không sống bằng nhuận bút, họ kiếm tiền bằng cách khác. Tương tự, các thầy Chùa chỉ ăn cà pháo, dưa muối, đậu phụ, rau răm và mặc áo cà sa đâu cần hòm công đức khủng làm chi, vậy mà các thầy vẫn có.
Các tỉ phú nội mà thực chất làm được ô tô, máy bay, sản phẩm điện tử...thì chúng tôi xin phục sát đất. Nhưng hình như không phải, nguồn kiếm tiền chính vẫn từ nhà đất, còn làm mấy cái kia chỉ nhằm mục đích trở thành “too big to fail”. Chính quyền không dám đụng đến họ vì nếu bắt nhốt ông chủ thì sẽ gây nạn thất nghiệp.
Lỡ rồi, kể luôn các ông cán bộ, lương ít nhưng khi cần kê khai tài sản thì lại rất nhiều cổ phiếu. Điều đáng chú ý là cổ phiếu của các ông bà này không theo sách dạy, loại an toàn phải chiếm đa số (70%) thì hầu hết lại chạy theo các loại rủi ro theo cách chơi chứng khoán của những kẻ rửa tiền.
Đúng là trái đất không thể giống với xứ thiên đàng, nơi luôn có hai phần: lương thì ít mà lậu mới nhiều.
Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật: mình đang muốn tìm con gái nuôi (sugar baby) để trở thành cha già nuôi (sugar daddy). Cái nuôi nấng này mới là vú nuôi thực sự!

“Football should be an art” (Bóng đá phải là một môn nghệ thuật)


Đó là câu nói nổi tiếng của HLV Arsene Wenger.
Quả thực như vậy! Không tưởng tượng nổi cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu không có bóng đá!
Nhưng rồi cuộc vui nào cũng có hồi kết, Giải ngoại hạng Anh sẽ mãn kỳ sau 2 vòng đấu nữa. Đến giờ phút này, chức vô địch đã có chủ: Man city, 3 suất xuống hạng đã xong, chỉ còn việc cạnh tranh top 4 để đá CL và top 7 để chơi Europa.
Những bất ngờ ở vòng đấu 36 đã ảnh hưởng mạnh, theo đó Chelsea và Liverpool ở hai chiều trái ngược bởi Chelsea bất ngờ thua Arsenal trên sân nhà và Liverpool tiếp mạch chiến thắng nhờ bàn đánh đầu lịch sử của thủ môn Alison. Liverpool bỗng nhiên có quyền tự quyết nếu thắng hai trận cuối vì hai đội cạnh tranh phải gặp nhau trực tiếp để loại nhau.
Trong trận Chelsea – Leicester tới đây, Chelsea buộc phải thắng, ngay cả có thắng thì vẫn chưa phải hoàn toàn chắc vì trận cuối còn khúc xương khó gặm Aston Villa, đội đang lên chân trong mùa giải năm nay, hơn nữa Chelsea phải ưu tiên trận chung kết CL sẽ diễn ra ngay sau đó.
Tuy nhiên, nếu Chelsea bị bật khỏi top 4 thì kẻ mừng nhất chính là...Arsenal. Cơ hội vào top 7 của Arsenal cực kỳ mong manh, nhưng vị trí thứ 8 thì khả quan, nếu họ thắng hai trận cuối trước hai đội chiếu dưới.
Thử lượng hóa cơ hội của Arsenal như sau:
1. Xác suất vào top 7 chỉ còn 15% vì kém hai đội đang xếp thứ 6 và 7 đến 4 điểm
2. Xác suất xếp thứ 8 là 60% vì đội đang xếp thứ 9 và chỉ kém Everton thứ 8 có 1 điểm
3. Khả năng Chelsea bật khỏi top 4 là 60%
4. Khả năng Chelsea vô địch CL là 40%
Arsenal sẽ đi Europa nếu vào top 7 hoặc đồng thời xảy ra ba điều 2, 3, 4, cụ thể:
0,15 + 0,6 x 0,6 x 0,4 = 0,15 + 0,144 = 0,294, tức 29,4%.
Như vậy, Chelsea có thể giúp người hàng xóm London rất đáng kể.
Tình cảnh trớ trêu hiện nay của Arsenal càng làm nổi bật tài năng của Wenger. Nên nhớ rằng ba năm qua, số tiền mua sắm cầu thủ của Arsenal còn lớn hơn 22 năm của triều đại Wenger.
Trong một cuộc bầu chọn mới đây, Wenger được coi là HLV vĩ đại nhất của Premier League. Ông thực sự là một nhà cải cách, một nhà tiên tri triết lý bóng đá mới lạ, một chiến thuật gia và ảo thuật gia.
Ramsey, một học trò lâu năm của Wenger kể lại: trong bất kỳ trận đấu nào, Arsene đều chỉ đạo cầu thủ lao lên phía trước tấn công, mặc dù biết trước là làm như thế có thể thua trận. Có thể coi nhờ có Wenger mà bóng đá đã chuyển từ phòng ngự sang khuynh hướng tấn công.
Mourinho là một HLV rất giỏi về phòng thủ nhưng nay cũng đã thay đổi để chơi bóng đá tấn công nhiều hơn. Các HLV hàng đầu khác như Ferguson, Klopp, Guardiola đều là các HLV thiên về tấn công nhưng vẫn phải nói rằng, họ đều chưa đạt đến thứ bóng đá tấn công cuồng nhiệt, biến hóa và đẹp mắt như của Wenger.
Dưới nhãn quan của Wenger, bóng đá là nghệ thuật!

Kinh tế Úc chuyển từ phòng ngự sang tấn công

 

Tối qua, mình và bà xã đang coi tivi Tổng trưởng kinh tế (Treasurer) Josh Frydenberg trình bày dự thảo ngân sách tài khóa 2021-2022 thì cháu lớn học lớp 10 tới bảo: ông ấy nói dối đấy!
- Sao con biết?
Cô giáo con bảo thế. Cô bảo tối nay các em hãy xem dự thảo ngân sách để nắm tình hình nhưng nên nhớ rằng chính trị gia là những người dối trá "a lot".
Đúng là cô giáo Úc có khác, suy thoái quá, bộ cô không sợ đi bóc lịch sao?
Thôi để xem Josh, người có mang một phần dòng máu Do Thái, "dối trá" đến đâu.
Thời gian này năm ngoái Josh cũng lên tivi "khóc" nghẹn ngào rằng kinh tế đang khốn đốn, chưa biết hoạch định ra sao và xin khất công bố dự thảo ngân sách.
Còn bây giờ lại cười tươi khi vung tiền ra hứa tài trợ cho đủ các lĩnh vực. Ông quả quyết kinh tế Úc sẽ hồi phục, việc làm được kiến tạo.
Thực sự, tình hình hiện nay tồi tệ hơn cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, mọi người cho rằng đến hết năm, khi có vaccine thì sẽ ổn. Thế nhưng năm nay đã tiêm vaccine rồi thì vẫn chưa tìm thấy lối ra.
Hai lĩnh vực bị ảnh hưởng Covid nặng nhất là du lịch và du học thì dường như chính phủ đã bỏ rơi du lịch khi khăng khăng tiếp tục đóng cửa biên giới, trong khi đó bơm một số tiền khủng 19 tỉ đô để cứu các trường ĐH, đồng thời xem xét quy chế đặc biệt cho sinh viên quốc tế nhập cảnh.
Úc là một trong 9 nước được xếp hạng tín dụng AAA cao nhất thế giới, được ưu tiên về lãi suất. Thời gian qua, Úc thu món lợi lớn do giá quặng sắt lên cao.
Tuy nhiên, phản ứng của thị trường đối với ngân sách mới là thước đo chính xác nhất vì đồng tiền không biết nói dối.
Mấy hôm nay, với tin tức rò rỉ thì chứng khoán Úc đã đỏ lòm. Khi chính phủ cho biết sẽ đóng cửa biên giới đến "ít nhất" giữa năm 2022 thì mọi người hiểu cuộc chiến với Covid còn kéo dài.
Thứ nữa, thị trường không thích thú gì với cách chi tiêu tiền như nước vì điều này trước sau cũng dẫn đến lạm phát.
Giá thực phẩm và đồ gia dụng chưa phi mã là do cầu giảm. Nước Úc đang giảm dân số tạm trú do thiếu những người du lịch và du học. Hay như nhu cầu quần áo giày dép yếu đi do thiếu vắng các sự kiện giải trí.
Nhưng giá nhà đất và giá cổ phiếu đã nóng lên từ vài tháng nay vì dòng tiền nhàn rỗi, trong đó có tiền cứu trợ từ ngân sách.
Theo thông lệ, sau ngày công bố dự thảo ngân sách, hôm nay Quốc Hội họp phiên khoáng đạt để phe đối lập chất vấn. Phe đảng Lao động cho rằng dự thảo ngân sách thiếu tầm nhìn dài hạn, sẽ làm ngân sách thâm thủng $1,000 tỉ vào năm 2025.
Trước đây, mỗi khi kinh tế gặp khó khăn thì các chính phủ thường thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu. Đằng này chính phủ lại vung tay quá trán, chi tiêu đến mức tối đa.
Phải chăng chiến lược Kinh tế Úc đã chuyển từ phòng ngự sang tấn công?

Kỷ niệm với Thầy Vĩnh

 

Tin Thầy Vĩnh mất ở tuổi 71 thật đội ngột và bàng hoàng!
Năm 1999 về nước và quay lại làm việc trong Bộ Thương mại, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi biết mình có vẻ "thân" với Thứ trưởng Vĩnh.
Mình nhận thầy Vĩnh làm thầy từ năm 1987. Lúc đó mình thực tập tốt nghiệp tại UB Kế hoạch nhà nước, được thầy Vĩnh hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp. Thầy lúc đó mới đi Nghiên cứu sinh ở Nga về, mới lấy vợ sinh con (tức cu Trung).
Hồi đó mải chơi lắm nên chắc không gây ấn tượng gì về chuyện học hành, nhưng chắc thầy vẫn nhớ vì mình vừa là hàng xóm Giảng Võ, vừa là đồng hương Nghệ An. Hôm bảo vệ luận văn, thầy Vĩnh cũng đến dự, mình vẫn giữ tấm ảnh chụp chung với thầy hôm đó, mà bây giờ luống cuống quá tìm không ra!
Ở Úc về, lúc đầu tính ra ngoài làm, nhưng đi phỏng vấn mấy lần bị trượt nên cũng chán, mình đành trở lại làm cho Bộ Thương mại.
Đi lâu, đứt hết quan hệ nên chưa biết bắt đầu thế nào. Tình cờ mình nghe tin về Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, mình đến nhà gõ cửa luôn. Sau này nghĩ lại, mình đang lêu têu ngoài đường, thầy là thứ trưởng, mười mấy năm không gặp, nhỡ sếp không tiếp thì sao?
Cũng may trí nhớ thầy tốt, vẫn nhớ đủ mọi việc, tiếp đón ân cần, còn xưng với mình là Thầy. Thực ra mình đã có phương án, chỉ muốn hỏi ý kiến tham khảo với thầy thôi.
Thầy Vĩnh kể, sau đợt đó, thầy làm thư ký cho bác Khải, còn anh Hoàng làm thư ký cho bác Nghiêm (phó chủ nhiệm UB).
Không ngờ bác Khải lên to quá, đến tận Thủ tướng. Thầy còn kể vì sao lại về Bộ Thương mại, nhưng hơi dài dòng nên mình xin miễn ở đây. Tình cờ, Thầy Vĩnh và ông anh đồng hao Chu Tuấn Cáp nhận quyết định Thứ trưởng cùng ngày.
Thầy là người thông minh, đã từng đi thi học sinh giỏi toán của tỉnh, nhưng trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp có nhiều phức tạp mà thầy lại thiên về học thuật, có lẽ đó là lý do mười mấy năm làm thứ trưởng, thầy Vĩnh chưa bao giờ được coi là ứng viên Bộ trưởng.
Thầy bảo có muốn làm Nghiên cứu sinh thì thầy sẽ lại giúp hướng dẫn cho. Nhưng mới đi làm trở lại, làm gì có tiền mà làm, đến tận năm 2006, tự dưng nổi hứng, mình lại đăng ký thi NCS.
Vậy là một lần nữa, Thầy Vĩnh lại hướng dẫn luận án cho mình. Một hôm mình đưa bà xã đến nhà thầy chơi, lúc về, bà xã mình bảo, trông chú ấy không khỏe. Lúc đó mình mới để ý, đúng là thầy hay phải có bác sĩ đến nhà chăm sóc và hay uống thuốc nữa.
Nói thật mình vẫn cảm thấy áy náy vì chưa thưa chuyện với thầy đàng hoàng tại sao lại bỏ ngang tất cả để đi Úc.

Chuyện rửa bát

 


Nhân chuyện ông tỉ phú rửa bát chuyên nghiệp bị vợ bỏ mới lộ ra một điều: nhiều ông Việt Nam không bao giờ chịu rửa bát cả.
Việc dễ và đơn giản như vậy mà không dám làm và không làm được thì còn trông cậy trò trống gì?
- Tui làm việc lớn, tui kiếm tiền nuôi vợ con.
Có chắc không và có kiếm được nhiều tiền như mấy ông tỉ phú không?
Thực chất đây là lười biếng và sĩ diện. Đa số người Việt có nguồn gốc từ nông dân, cái nghiệp một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Ước mơ ngàn đời là làm sao nhàn rỗi, làm sao trốn việc càng nhiều càng tốt.
Trong ảnh là Pompeo đang rửa bát khi đương chức ngoại trưởng Mỹ.
Một vấn đề là tại sao các ông không mua cái máy rửa chén cho đỡ khổ? Trước hết họ không coi rửa bát là khổ. Thứ đến, rửa bát là lúc bày tỏ tình cảm gia đình, cơ hội trò chuyện với vợ con.
Nếu không thì làm sao? Chắc ôm lấy cái phone nghịch thôi.
- Ông nói hay lắm nhưng ông đã biết rửa bát cho vợ chưa?
- Chưa
- Vì sao vậy?
- Tôi già rồi. Con cái lớn, phải cho nó làm, cũng là cách giáo dục.
- Vậy hồi chúng nhỏ thì sao?
- Lúc đó nhà tôi có người giúp việc, họ không cho tôi làm!
Thiệt tình, mình chém thế ổn không?

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Bây giờ là mùa thu

 

Vụ giật Hoàng Kỳ ở Úc: cần giáo dục hơn là trừng phạt

 

Vụ giật Cờ Vàng ở Marrickville, vùng ngoại ô Sydney vào ngày 1/5 đang gây bão trong cộng đồng mạng. Theo đó, Dương Đức Thịnh, du học sinh trường trung học Marrickville đã có hành đồng giật Cờ Vàng đang treo trên trục đường chính cùng với những lời chửi bới, thóa mạ.
Cháu Thịnh chắc chắn chưa đủ tuổi để biết rằng Cờ Vàng được phép treo tại nơi công cộng là chiểu theo Nghị quyết của Hội đồng thành phố, tức đã được Luật hóa. Giật Cờ, ném xuống đất ở nơi công cộng như vậy là phạm pháp.
Hội đồng thành phố quyết định cho treo Cờ Vàng chắc chắn phải tính đến yếu tố truyền thống lịch sử và nguyện vọng của đa số người Việt. Hành động của Thịnh chửi bới, nhục mạ còn xúc phạm đến danh dự và tình cảm cộng đồng.
Vụ việc gây bão lớn trên mạng với hai luồng trái chiều nảy lửa. Điều kỳ lạ, nhiều ý kiến bênh vực Thịnh từ hải ngoại và nhiều ý kiến đả kích lại từ trong nước.
Đôi khi mình tự hỏi đất nước ta đã thật sự thống nhất hay chưa hay chỉ là thống nhất hình thức bề ngoài. Ông bà có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Nếu vẫn còn chia rẽ, thù hận thế này thì làm sao Việt nam thành rồng, thành hổ được?
Rất nhiều người Việt không được dạy một điều đơn giản rằng Hoàng Kỳ đã từng là màu cờ Việt Nam trong ít nhất vài trăm năm, nó xứng đáng được tôn trọng. Nguồn gốc ý nghĩa cờ đỏ, cờ vàng thì phức tạp hơn, nhưng nếu là người Việt quan tâm đến truyền thống dân tộc thì cũng không khó tìm hiểu.
Sự việc này làm mọi người nhớ đến vụ việc xảy ra cách đây hơn chục năm bên Mỹ, theo đó một người có tên Trần Trường đã trao Cờ đỏ và ảnh HCM trong shop của anh ta. Trên youtube còn lưu giữ clip Trần Trường tổ chức cuộc họp báo xin lỗi đồng hương về chuyện này.
Theo tin tức mới nhất trong ngày hôm nay, ông Huy Nguyen, Chủ tịch CDDNVTD NSW đã có buổi làm việc với cảnh sát, có thể là một bước thủ tục cho việc khởi tố hình sự, sau khi cảnh sát đã làm việc với đương sự hôm qua.
Mình thử dự đoán 3 tình huống:
Thứ nhất: Cháu Thịnh chính thức xin lỗi Cộng đồng. Đây là giải pháp mọi người đều vui, Cộng đồng chắc sẽ tha thứ, Thịnh được tiếp tục thực hiện giấc mơ du học Úc. Đáng tiếc, cơ hội lại ít khả năng xảy ra nhất.
Thứ hai: Hiện nay Thịnh và đồng bọn đang bị đình chỉ học tập. Theo quy định Di trú, nếu nghỉ học quá một tháng không có lý do chính đáng sẽ bị hủy visa du học. Lý do bị trường đình chỉ không thể coi là chính đáng vì thế Thịnh phải về nước. Đây là khả năng dễ xảy ra nhất.
Thứ ba: vụ việc được đưa ra Tòa xét xử. Nếu Thịnh dưới 18 tuổi (chưa rõ) thì có thể được xem xét innocent (phạm luật do không biết) và được tha nếu tỏ ra hối hận. Bằng không thì khó thoát tội và với các tội danh khá nặng thì không loại trừ khả năng ngồi tù.
Nhìn dưới góc độ tích cực, vụ việc này là một cơ hội cho thấy các bạn trẻ cần trau dồi kiến thức, cách ứng xử với cộng đồng, đồng bào. Nếu hiểu biết về lịch sử, không bao giờ có hành động như vậy.

Tầm vóc Nguyễn Gia Kiểng

 

Nguyễn Gia Kiểng sinh tại Thái Bình, di cư cùng gia đình vào Nam từ nhỏ. Ông học giỏi, lấy học bổng du học Pháp, tốt nghiệp kỹ sư rồi về nước, giữ chức Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế, chức vụ tương đương với Thứ trưởng.
Năm 1982 đến nay, Nguyễn Gia Kiểng sống lưu vong tại Pháp. Ông được coi là người sáng lập và thủ lĩnh nhóm Tập hợp dân chủ đa nguyên. Ban đầu chủ trương “hòa giải” của nhóm đã gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên, các tranh biện của Tập hợp ngày càng được thừa nhận và phổ biến rộng rãi hơn.
Nguyễn Gia Kiểng là một cây bút có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở hải ngoại cũng như trong nước. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông chính là “Tổ quốc ăn năn”. Có lẽ đây là quyển sách làm nên tên tuổi Nguyễn Gia Kiểng.
Nếu chúng ta đốt đuốc đi tìm một người Việt được coi là nhà tư tưởng thì có lẽ chỉ có Nguyễn Gia Kiểng xứng đáng với danh hiệu này. Mọi người đều biết, các “nhà lý luận” Việt Nam đều thuộc loài “nhai lại”, nghĩa là chỉ làm được cái việc ca tụng và minh họa những điều các nhà tư tưởng ngoại bang đã nói.
Với Nguyễn Gia Kiểng thì khác, các tác phẩm của ông đều có tư duy đột phá, sáng tạo với lượng kiến thức và thông tin khổng lồ, làm người đọc sửng sốt và kinh ngạc.
Cách đây hơn một tháng, mình hân hạnh được làm quen với ông Kiểng trên facebook. Mình bảo: cháu đã được gặp và nghe chú nói chuyện một lần tại Bankstown năm 1999. Ông bảo: gọi bằng anh thôi cho thân mật! Thật bất ngờ với cách xã giao gần gũi của một trí thức lớn!
“Tổ quốc ăn năn” là tác phẩm chiếm kỷ lục về số lượng bình luận phản biện. Mình không nhắc lại các lời khen chê ở đây. Với mình, Tổ quốc ăn năn là sách nghị luận chính trị dài tới 600 trang nhưng vẫn có thể đọc hết dễ dàng, thậm chí có thể đọc vài lần vì nó không khô khan, khuôn sáo mà rất hấp dẫn. Bên cạnh những phát kiến về tư duy lý luận, nó cũng không thiếu đi sự lãng mạn:
“Tiếng chim làm cho cuộc đời vui, tâm hồn sạch ra và dịu lại. Cánh chim bay là hình ảnh thôi thúc của tự do, của sự vượt thoát. Chim khiến con người trở thành hiền hòa và cao thượng”.

Lật lại trang sử Chiến tranh Việt Nam

 

“Vietnam war” là một thuật ngữ đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Đây là cuộc chiến được coi bắt đầu vào năm 1954 và kết thúc vào năm 1975. Sau năm 1975, chiến tranh vẫn chưa kết thúc mà Việt Nam vẫn còn hai cuộc chiến là Chiến tranh Biên giới với Trung Quốc và Chiến tranh Campuchia.
Mặt khác, trước năm 1954 cũng là một cuộc chiến lâu dài với Pháp, thậm chí có cả chiến tranh giữa Pháp và Nhật trên đất Việt Nam. Chắc chắn, Chiến tranh Việt Nam có sự khởi nguồn từ những diễn biến này.
Vào đầu thế kỷ 20, cụ Phan Bội Châu đã có chủ trương “người da vàng giúp người da vàng” nhờ cậy Nhật Bản để đánh lại Pháp. Ý tưởng đó đã xảy ra vào năm 1944, Nhật thắng Pháp trên chiến trường Đông Dương và ngỏ ý trao trả độc lập cho Việt Nam.
Trong “dự án” này, Nhật dự kiến đưa hoàng thân Cường Để về làm vua và Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng. Ngoại Kỳ hầu Cường Để thuộc dòng đích tử của Gia Long, người đã có mối quan hệ với Nhật khi cũng tham gia phong trào “Đông du” của cụ Phan.
Mọi người đều biết điều này đã không diễn ra, có lẽ vì những tin tức bất lợi từ chính quốc, Nhật liên tiếp thua đồng minh. Bảo Đại được giữ nguyên ngôi vị và đã hai lần điện mời Ngô Đình Diệm, đang sống ở Sài Gòn ra làm Thủ tướng.
Không rõ vì sao, ông Diệm không nhận được điện và vì thế vua Bảo Đại đã vời Trần Trọng Kim, một trí thức lão thành đứng ra thành lập chính phủ. Ngày 14/8/1945, Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng phe đồng minh, đến 19/8, Việt Minh cướp chính quyền, đến 23/8 Bảo Đại chấp nhận thoái vị.
Có thể bàn rằng, nếu Cường Để làm vua thì không dễ gì ông thoái vị nhanh chóng như vậy. Một con người đã bôn ba, kiên nhẫn chờ đợi sau 5 đời mới giành lại được ngôi báu thì rất dám đấu tranh chứ không sợ giao tranh quân sự như Bảo Đại.
Nếu Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng thì ông cũng không rã đám, bỏ nhiệm sở như Trần Trọng Kim. Tính cách quyết liệt của ông Diệm sau này đã cho thấy, ông sẵn sàng chết chứ không chịu ra nước ngoài sống lưu vong.
Theo Hiệp định cũ, Việt Nam vẫn là xứ bảo hộ của Pháp và vì thế Pháp đã quay trở lại Việt Nam. Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 cũng đồng ý cho Pháp quay lại và vì thế Việt Nam chưa phải nước độc lập mà từ ngữ trong Hiệp ước chỉ dùng chữ “tự do”. Lúc này, cả hai phe Mỹ và Liên Xô đều chưa có nước nào công nhận Việt Nam DCCH.
Chiến thắng Điện biên phủ tháng 5/1954 đã dẫn tới việc Pháp đồng ý rút quân khỏi Đông dương nhưng trong Hiệp định Genevo đã “cài” thêm điều khoản Việt Nam bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, sẽ tổng tuyển cử trong vòng 2 năm để thống nhất.
Khi ký điều khoản này, chắc người Pháp nghĩ rằng chính thể thân Pháp của quốc trưởng Bảo Đại sẽ thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Vào thời gian đó, Bảo Đại vẫn còn được dân chúng khá ngưỡng mộ. Vào cuộc bầu cử Quốc Hội 1946, Bảo Đại bị giam lỏng ở Sầm Sơn, không được đi vận động tranh cử mà số phiếu của ông vẫn đạt trên 80%, vào loại cao nhất. Năm 1949, khi về nước, người dân Sài Gòn tràn ra đường để đón ông.
Thực tế, Bảo Đại là một người thông minh, nhưng về sau cả hai miền Nam Bắc đã dùng truyền thông để triệt hạ uy tín ông bằng cách thêu dệt những chuyện đời tư cá nhân. Có điều, tất cả những người đã từng sống với Bảo Đại vẫn luôn luôn tỏ ý tôn trọng ông, đặc biệt họ còn trẻ đẹp khi chia tay mà không có ai đi bước nữa!
Về phía Việt Minh, năm 1950 mới có nước đầu tiên công nhận, đó là Trung Quốc. Sau đó Mao Trạch Đông phải thuyết phục Xtalin để Liên Xô công nhận Việt Nam DCCH. Vào thời điểm năm 1954, mới có Trung Quốc, Liên Xô, Nam Tư, Triều tiên và vài nước XHCN công nhận Việt Nam DCCH, trong khi Việt Nam Quốc gia đã được thừa nhận rộng rãi hơn nhiều.
Tháng 6/1954, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng vào lúc Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại Việt Nam. Việc ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 10/1955 với mục đích phế truất quốc trưởng Bảo Đại có thể coi là được Mỹ ủng hộ.
Trong khoảng thời gian này, sau khi Xtalin qua đời năm 1953, Khrushchev lên thay và bắt đầu rạn nứt mối quan hệ với Trung Quốc. Khrushchev không hài lòng với lập trường thiên vị Trung Quốc của Bắc Việt nên đã viết một mật thư cho Võ Nguyên Giáp đề nghị làm binh biến, Liên Xô sẽ ủng hộ.
Tướng Giáp bị BCT kiểm điểm về bức thư này và biện hộ rằng ông đã báo cáo vụ việc với Hồ Chủ tịch. Hồ Chí Minh đã nói một câu làm ông Giáp bị thất sủng “nhưng chú đưa cho tôi xem muộn quá!”.
Không rõ câu chuyện như vậy có đúng đến đâu nhưng có thể lý giải rằng ông Giáp xuất thân từ một trí thức, một giáo viên nên không mạnh mẽ như ông Diệm, người đã làm chính trị từ khi nhận chức Thượng thư lúc 31 tuổi, từng chịu ơn Bảo Đại nhưng vẫn dám chống lại quốc trưởng.
Trung Quốc đưa quân vào Bắc Việt, chi viện hậu cần cho chiến tranh và rất muốn can thiệp nội bộ thông qua Hoàng Văn Hoan, một UV BCT trong 20 năm (1956-1976). Tuy nhiên, Hoàng Văn Hoan không đủ thế lực để làm được điều gì đó, còn người có lực lượng là ông Trường Chinh thì Trung Quốc không lôi kéo được.
Năm 1963, do bất đồng với ông Diệm, Mỹ khuyến khích các tướng quân đội làm đảo chính. Cái chết của anh em Diệm Nhu là một đòn giáng mạnh vào uy tín của chính thể Việt Nam CH. Dưới con mắt của người dân, hóa ra có việc chính khách không được lòng Mỹ sẽ bị Mỹ gạt bỏ. Việc đảo chính liên miên sau đó càng khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ giữa tướng lĩnh và quan chức chính phủ. Đó là mầm mống của nạn tham ô, buôn lậu làm suy yếu chính quyền miền Nam.
Ở miền Bắc, việc chuyển giao quyền lực từ ông Hồ Chí Minh sang ông Lê Duẩn, vốn hoạt động ở Nam bộ và mới ra Bắc đã diễn ra suôn sẻ. Trước khi Hồ Chí Minh qua đời, “vụ án chống Đảng” bắt giữ nhiều chỉ huy cao cấp trong quân đội, công an, nhiều Bộ thứ trưởng chẳng qua là một đợt thanh trừng những người chống đối việc chuyển giao quyền lực mà thôi.
Sau khi bắt tay được với Trung Quốc, được bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách nhuộm đỏ khu vực Đông Nam Á, Mỹ lại đột ngột chuyển sang chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” để rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Cuộc chiến Việt Nam sẽ khác đi rất nhiều nếu không có các chữ “nếu”. Âu cũng là số phận của một dân tộc.

Tổng thống Châu Phi vừa bị phiến quân bắn chết là ai?


Đó là Idriss Deby, 68 tuổi, tổng thống Chad, cũng là tổng thống cầm quyền lâu năm nhất của Châu Phi với gần 31 năm. Vào đúng ngày công bố kết quả tái cử, thay vì làm lễ nhận chức, Deby đi thị sát địa phương, ông trúng đạn của phiến quân, được đưa vào bệnh viện và chết sau đó hai ngày, nhằm ngày 20/4/2021.
Chad (viết kiểu Pháp là Tchad) là một nước nghèo nàn, lạc hậu, diện tích lớn (1.3 triệu km2) nhưng dân số không đông, chỉ có 16 triệu người. Phần lớn diện tích là sa mạc ở phía Bắc và phía đông, rừng ở phía Nam, người dân sống tập trung ở phía Tây. Thủ đô N’Djamena nằm sát biên giới với nước láng giềng phía Tây Nam là Cameroon.
Người Chad theo Hồi giáo đông hơn Thiên chúa giáo một chút. Sắc tộc và ngôn ngữ đa dạng, người Sara đông nhất cũng chỉ chiếm 26% dân số. Tỉ lệ mù chữ của nước này vào loại cao nhất thế giới và châu Phi, chiếm đến 2/3 dân số. Lương thực chính của người Chad là kê, trong khi kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn dầu lửa ít ỏi và sản xuất nông nghiệp.
Chad được Pháp trao trả độc lập vào năm 1960, nhưng cũng từ đó là những cuộc nội chiến liên miên. Tổng thống đầu tiên Tombalbaye bị giết chết bởi quân phiến loạn vào năm 1979. Năm 1982, Habre dẹp loạn “sứ quân” để trở thành tổng thống nhưng rồi cũng bị chính Deby phế truất và bị kết án tù chung thân cho đến nay.
Sau một thời gian tu nghiệp ở Pháp, Deby về nước vào năm 1979, đúng vào lúc Chad đang lâm vào một cuộc nội chiến với nhiều phe phái. Ông đầu quân cho Habre, rất may Habre giành phần thắng trong cuộc tranh chấp. Dần dần Deby trở thành tổng tư lệnh quân đội, rồi cố vấn quân sự của tổng thống.
Năm 1990, Hebre tố cáo Deby, Bộ trưởng Nội vụ Itno và Tổng tư lệnh Djamous âm mưu tạo phản. Deby đã kịp chạy thoát sang Lybia còn Itno và Djamous bị bắt và tử hình. Từ nước ngoài, Deby lãnh đạo một cuộc binh biến chống Habre và đã thành công.
Mặc dù cầm quyền trong một thời gian dài nhưng cuộc sống của Deby không yên ổn, ông đã thoát chết nhiều lần bởi các cuộc mưu sát và tấn công của quân phiến loạn. Ông cho sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ để làm tổng thống mãi mãi cho đến khi bị bắn chết.
Là người Hồi giáo, Deby trải qua nhiều cuộc hôn nhân, đệ nhất phu nhân cuối cùng là một hoa khôi sinh năm 1980, bằng tuổi con trai lớn Brahim. Cậu trai Brahim được coi là “Thái tử” một thời, nổi tiếng ngông cuồng từng dám tát cả Bộ trưởng. Bị phế truất, cậu sang Pháp quậy và bị giết chết trong một vụ xô xát ở ngoại ô Paris vào năm 2007.
Với cái chết của Idriss Deby, quyền lực của Chad hiện nay tạm thời nằm trong tay của Hội đồng chuyển tiếp quân sự do Mahamat Deby, 37 tuổi, con trai thứ của Idriss đứng đầu. Một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong vòng 18 tháng tới.
Tang lễ cho Idriss Deby sẽ diễn ra vào ngày mai 23/4.