Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

Bầu cử NSW: Cuộc đấu giữa hai chàng trẻ tuổi và cuộc đấu gà nhà

 

Hôm nay, một số địa điểm bỏ phiếu sớm tại tiểu bang NSW đã bắt đầu được mở cửa, khi ngày bầu cử chính thức vào thứ bẩy tuần sau 25/3. Kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định ai trong số Dominic Perrottet, Thủ hiến đương nhiệm hay Christ Minns, Thủ lãnh đối lập sẽ ngồi trong Town Halls trong bốn năm tới.

Khi nhận chức cách đây gần 2 năm, Perrottet là thủ hiến trẻ nhất trong lịch sử tiểu bang khi mới 39 tuổi. Minns cũng trở thành lãnh đạo đảng Lao động và thủ lãnh đối lập cách đây 2 năm, hơn đối thủ 3 tuổi, tạm coi là cùng thế hệ trẻ.

Đáng chú ý cả hai chàng phi công này đều đã từng lái máy bay bà già. Tiền nhiệm của Perrottet là cựu nữ thủ hiến Berejiklian, sn 1970 trong khi người đã từ chức để nhường chỗ cho Minns là cô McKay, sn 1969.

Trong gần 2 năm dưới sự lèo lái của chàng Perrottet, NSW đã có nhiều sự kiện đáng chú ý. Trước tiên Perrottet mạnh tay giỡ bỏ các rào chắn của Covid, rủi cái làm cái ca bệnh tăng mạnh nên đã vấp phải các chỉ trích. Tuy nhiên thời gian đã trả lời chính sách của Perrottet đã phục vụ tốt cho việc phục hồi kinh tế và Covid không còn đáng sợ nữa.

Một sự cố về mâu thuẫn lợi ích đã làm Stuart Ayres, “phó tướng” của Perrottet buộc phải từ chức, Matt Kean lên thay. Diễn biến khác, Nghiệp đoàn vận tải đã tổ chức nhiều cuộc đình công làm náo loạn hệ thống giao thông công cộng, làm mất uy tín của chính phủ.

Một thủ hiến không thông qua bầu cử (vì Berejiklian từ chức giữ nhiệm kỳ) thường không có vị thế mạnh để điều hành nên trong nhiều trường hợp anh ta hay chị ta phải tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên Perrottet đã không làm như thế mà chờ đủ hết nhiệm kỳ 4 năm (cấp liên bang nhiệm kỳ chỉ có 3 năm). Kết quả bầu cử vào tuần tới sẽ cho thấy quyết định của Perrottet có chính xác hay không.

Hiện nay, Lao động đang dẫn trước Liên đảng với tỉ lệ khoảng 52-48% và nếu điều này duy trì đến bầu cử thì xu hướng cánh tả sẽ bao trùm nước Úc khi mà họ nắm hết chính quyền Liên bang và hai tiểu bang lớn nhất là VIC và NSW. Để cho cử tri có thêm thông tin về chính sách và căn cứ lựa chọn, Perrottet và Minns phải có 3 cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp trên truyền hình, đã đi được hai còn một cuộc vào tối thứ tư tới.

 Xem ra chỉ vì cái job trị giá khoảng 410,000 AUD/năm mà hai cậu cũng vất vả quá. Mức lương này chỉ tương tương lương giám đốc một công ty trung bình, bằng một góc nhỏ so với lương CEO các công ty lớn và tập đoàn khủng của Úc. Tất nhiên, không phải chuyện gì cũng quy ra tiền được.

Trong cuộc đấu “gà nhà”, đơn vị Cabramatta có 6 ứng cử viên thì đã có 3 người Việt. Vào giờ chót, một ứng viên rất mạnh là ông Frank Carbone, đương kim thị trưởng Fairfield đã rút lui, điều này được mọi người cho rằng ghế Dân biểu Cabramatta sẽ là nội bộ của người Việt.

Dù được coi là “thủ phủ” của người Việt nhưng cử tri Việt chỉ chiếm 20% tại Cabramatta mà lại chiếm tới 50% số lượng ứng cử viên, trong đó có những ứng viên mạnh thì đây là điều hãnh diện và cơ may cho cộng đồng Việt chúng ta.

Cũng như phần lớn các đơn vị bầu cử, các đảng nhỏ hầu như không có hy vọng, năm nay ở Cabramatta có đảng Xanh và đảng Công lý cho động vật ra tranh cử. Trong khi đó cả hai đảng lớn đều đưa ứng viên gốc Việt ra tranh cử, đó là anh Tri Vo cho đảng Lao động và cô Courtney Nguyen của đảng Tự do. Cabramatta là một ghế “an toàn” của đảng Lao động, điều đó cho thấy cô Courtney Nguyen theo Tự do sẽ rất khó trúng. Tuy nhiên, việc cô Kate Hoang vốn là đảng viên Lao động nhưng dự tranh với tư cách độc lập chắc sẽ lấy mất một phần phiếu của cử tri Lao động.

Với 6 ứng viên thì người trúng cử không thể đạt quá bán, vì thế vấn đề “nhường phiếu” sẽ quyết định ai trúng cử. Có thể đoán mò như sau: hai đảng lớn sẽ không nhường phiếu cho nhau vì thế anh Tri Vo sẽ khó mà nhận phiếu nhường của Courtney Nguyen, nhưng với sự phức tạp của các phe phái và chiến dịch vận động, cũng khó mà đoán biết được tình trạng Kate Hoang sẽ ra sao.

Tri Vo và Kate Hoang đều là Luật sư, cùng từng là Chủ tịch Cộng đồng Người Việt tự do Liên bang. Cá nhân mình đã gặp Luật sư Dũng (tức Tri Vo) một lần vào năm 2011, khi đó bà xã mình định mua một cái shop nên nhờ Luật sư coi giùm hợp đồng sang nhượng.

Lâu rồi, mình ấn tượng Luat sư Tri Vo là một người chuyện nghiệp, rất nhiệt tình. Mong rằng người Việt ngày càng có thật nhiều đại diện tài năng ra gánh vác công việc của cộng đồng, của xã hội.

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Mối quan hệ Saudi – Iran qua các thời kỳ


Hai quốc gia hồi giáo hà khắc nhất thế giới vừa có mội thỏa thuận mang tính lịch sử, đó là hai nước đã ký một hiệp định nhằm khôi phục lại quan hệ ngoại giao. Điều này có nghĩa mối quan hệ giữa hai nước theo hai nhánh chính của hồi giáo là Sunni và Shia đã trở nên “bình thường”, còn liệu có trở nên thân thiết hay không thì chúng ta sẽ phải chờ xem.
Nhiều người cho rằng vì theo hai nhánh Hồi giáo đối địch nhau nên hai nước không thể tránh khỏi những khác biệt sâu sắc. Tuy nhiên lịch sử lại cho thấy quan hệ giữa hai nước đã từng có giai đoạn mật thiết, mặc cho những bất đồng liên tục theo đuổi.
Saudi và Iran chính thức đặt quan hệ ngoại giao khá lâu đời, kể từ năm 1929, khi mà Saudi Arabia của vua Abdulaziz chưa hoàn thành thu phục được lãnh thổ rộng lớn như ngày nay, trong khi Iran còn do vua Reza Shah trị vì. Sau đó, thế giới và khu vực xảy ra nhiều biến cố lớn.
Năm 1939, Đại chiến II bùng nổ, khi nó kết thúc vào năm 1945 thì thế giới không còn như trước với sự xuất hiện hệ thống XHCN do Liên Xô lãnh đạo. Năm 1948, nhà nước Israel ra đời, ngay lập tức là cuộc chiến tranh với các nước láng giềng Ả Rập hồi giáo.
Năm 1952, Nasser làm cách mạng lật đổ vua Fabrouk ở Ai Cập và hướng đất nước này ngả theo phe Liên Xô đồng thời là thủ lĩnh của liên quân Ả Rập trong các cuộc chiến với Israel.
Như đa số các nước Ả Rập, Saudi theo đuôi Ai Cập chống Mỹ, trong khi Iran công nhận nhà nước Israel nên có thể coi là ủng hộ bên Isreal- Mỹ. Điều kỳ lạ, Saudi và Iran nằm ở hai bên đối địch nhưng mối quan hệ giữa hai nước không xấu đi, trái lại còn thân thiết hơn.
Abdulaziz và Reza Shah đều chết, nhưng rồi hai con của họ là Faisal và Reza Pahlavi đã thăm viếng lẫn nhau, hai nước láng giềng trong khu vực cũng có nhiều giao lưu. Vào cuối thập niên 1960s, Pahlavi viết thư cho Faisal rằng “Hỡi người anh em, hãy hiện đại hóa đất nước của bạn. Hãy cho phụ nữ mặc váy ngắn, trai gái được đến chung trường học. Nếu không tôi không thể đoan chắc bạn giữ được ngôi báu”. Chắn chắn phải rất thân tình mới dám “khuyên nhủ" như vậy.
Tuy nhiên, Faisal giữ được ngôi vị đến khi chết, còn Pahlavi thì đã bị lật đổ trong một cuộc cách mạng hồi giáo vào đầu năm 1979. Sự kiện này đã làm mối giao hảo Saudi – Iran đổ vỡ và không bao giờ như trước được nữa, trong bối cảnh khu vực trung độc có nhiều biến cố mang tính đột phá.
Cùng năm 1979, Ai Cập bất ngờ ký Hiệp định Hòa bình với Israel, đánh dấu sự “quay xe” về chính sách đối ngoại từ theo Liên Xô trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ. Hành trình đến hòa bình không dễ dàng, cho đến tận ngày nay mới có 6 nước Ả Rập bình thường hóa và đặt quan hệ ngoại giao với Do Thái nhưng tâm lý chống Mỹ trong khu vực đã giảm đáng kể.
Với Saudi, sau thời gian đối đầu với Mỹ vào đầu thập kỷ 1970s, đẩy giá dầu lửa lên cao thì cũng đã trở thành một đồng minh mới của Mỹ. Dường như “yếu tố Iran” đã làm nên sự thay đổi này khi một nước Iran đông dân, rất hùng mạnh vào thời điểm đó, theo xu hướng hồi giáo Shia cực đoan đã trở thành con "ngáo ộp" đe dọa về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ đối với các nước Ả Rập láng giềng, vì thế họ cần cái ô quân sự bảo hộ của Mỹ.
Năm 1980, Saudi là nước tài trợ chính cho Iraq thời Husain tấn công Iran làm bùng lên cuộc chiến kéo dài 8 năm, trong khi Giáo chủ Iran Khomeini đã gọi Saudi là “tà giáo”. Saudi và Iran đã có nhiều bất đồng lớn, trước hết khi Iran và UAE tranh chấp lãnh thổ 3 hòn đảo thì Saudi bênh UAE. Họ cũng là ủng hộ viên của hai phía chiến hào khác nhau trong các cuộc nội chiến tại Lebanon, Syria và Yemen.
Ngày 10/3/2023 vừa qua, điều bất ngờ đã xảy ra khi hai nước ký hiệp định nối lại quan hệ ngoại giao với sự mối giới trung gian của Trung Quốc, sau đó Mỹ và nhiều nước khác đã lên tiếng hoan nghênh. Hãy thử tìm hiểu xem những gì đang diễn ra về đối nội và đối ngoại đằng sau thỏa thuận này.
Iran có bề dày lịch sử lâu đời với hàng ngàn năm văn hiến, trong khi Saudi là một quốc gia hoàn toàn non trẻ, chỉ mới thành lập sau khi thống nhất các bộ tộc hồi giáo Sunni vào năm 1932. Mặc dù diện tích lãnh thổ không chênh lệch nhiều nhưng dân số Iran gấp 4 lần Saudi trước đây, còn ngày nay chỉ còn hơn gấp đôi. Trước đây Iran cũng áp đảo Saudi về quy mô kinh tế cũng như trình độ ký thuật thì nay có thể thấy Saudi đã vượt lên, là một thành viên nhóm G20 của thế giới, trong khi Iran bị tụt hậu nặng do chiến tranh và cấm vận lâu năm.
Như thế tương quan lực lượng giữa hai nước đã thay đổi, Iran không thể kẻ cả “khuyên” Saudi phải làm gì như bức thư của Pahlavi gửi Faisal nữa vì tiềm lực kinh tế quân sự của Saudi không còn thua kém nếu không muốn nói là vượt hơn Iran.
Tại Saudi Arabia, quốc vương Salman sắp bước sang tuổi 88, yếu kém sức khỏe nên mọi việc điều hành hằng ngày được giao cho con trai là Thái tử Mohamed. Tuy vậy, địa vị của Mohamed chưa hẳn là hoàn toàn vững chãi vì Mohamed lên ngôi sẽ dường như vi phạm một lời nguyền của “cha già dân tộc” Abdulaziz, người khai sinh ra đất nước khi ông muốn truyền hết đời con mới sang đời cháu.
Salman còn hai người em trai chưa được lên ngôi vua, trong đó Ahmed là một nhân vật có uy tín cao ở trong và ngoài nước và cũng chưa từng tỏ ý từ chối ngai vàng.
Hiện nay Mỹ không còn phụ thuộc dầu lửa vào Saudi như trước và vì thế không có lý do gì Mỹ phải bảo vệ vương triều Saudi bằng mọi giá và không loại trừ khả năng một biến cố bất ngờ sẽ diễn ra giống như sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” cách đây hơn chục niên.
Về phần Iran, trước đây nước cộng hòa hồi giáo chỉ có một đồng minh duy nhất là Lybia, Gaddafi chết làm Iran cô độc hơn, trước khi tìm thấy hơi hướng liên minh với Nga trong việc làm khó dễ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên tham vọng hạt nhân của Iran đã bị chặn lại và mối đe dọa thường trực vẫn còn đó khi kẻ thù Israel của họ là một nước có vũ khí hạt nhân.
Việc hai nước hòa hoãn với nhau ít nhất sẽ giúp cho tình trạng căng thẳng ở Lebanon, Syria và Yemen giảm nhiệt, Saudi bớt đi một kẻ thù, còn Iran mở ra tia hy vọng phá vỡ sự cô lập khi nối lại sự hợp tác giao lưu với các nước láng giềng.

Vinh quang Zinchenko

 



Lần thứ hai liên tiếp, cầu thủ người Ukraine Olek Zinchenko đã được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trong tháng của đội Arsenal.
Không phải vô cớ mà Arsenal đang chiếm lĩnh đỉnh cao của giải ngoại hạng Anh với 5 điểm cách biệt với đội thứ hai là đương kim vô địch Man city. Nó nhờ vào phong độ chói sáng của các cầu thủ xuất xuất nhất trong tháng từ đầu mùa giải, theo thứ tự là Jesus, Xhaka, Odegaard, Saka và nay là Zinchenko.
Mình đã xem bóng đã từ lâu nhưng chưa thấy cầu thủ nào di chuyển kỳ lạ như cầu thủ người Ukraine này. Có thể coi là một sự náo loạn, là cầu thủ tuyến dưới với vị trí hậu vệ trái, nhiều khi Zinchenko tham gia ở tuyến đầu tấn công để trực tiếp ghi bàn thắng hoặc chuyền kiến tạo; chạy cánh trái nhưng không hiếm khi hoạt động bên cánh phải, nhưng phải nói phần lớn thời gian nằm ở phần lưng chừng giữa sân!
Sự năng nổ của Olek thể hiện ở chỗ anh là người có số đường chuyền cao nhất đội với nhiều đường bóng “mở khóa” (key pass), hơn cả đội trưởng kiêm “nhạc trưởng” Odegaard. Tính chung cả giải Zinchenko đứng thứ nhì, sau De Buyne, nhưng cầu thủ Man city này chơi nhiều trận hơn.
Zinchenko có ba năm rưỡi chung màu áo với Arteta khi ông giữ chân HLV phó tại Man city. Mến mộ tài năng của chàng trai Đông Âu, khi trở thành boss tại Arsenal, Arteta đã quyết định chiêu mộ Zinchenko mặc dù đã có trong tay một hậu vệ trái xuất sắc là Tierney, từ đầu mùa bóng 2022-2023.
Biết Zinchenko có xu hướng bỏ vị trí, Arteta đã có phương án đưa trung vệ Magalhaes trám vào hỗ trợ. Tierney cũng thích leo biên nhưng mùa bóng trước người hỗ trợ là Xhaka lại không ổn vì cầu thủ tiền vệ này hay mắc sai sót trong phòng ngự nên đội dễ dính bàn thua oan.
Khi Magalhaes di chuyển sang trái thì White từ biên phải bó vào giữa như một trung vệ, một vị trí không xa lạ vì White vốn là trung vệ nhưng vì cầu thủ trẻ mới nổi Saliba lấy mất vị trí nên mới đổi sang chơi cánh phải, như vậy hậu vệ phải Tomiyasu mất vị trí trong đội hình chính.
Điều thủ vị là khi Zinchenko vắng mặt thì cầu thủ được ưu tiên thay thế không phải là Tierney mà lại là Tomiyasu. Vì dự bị cho cả hai vị trí nên cầu thủ dự bị hạng sang này được vào sân khá thường xuyên. Trong đội tuyển Nhật, Tomiyasu chơi ở vị trí trung vệ, nơi anh cũng đã một lần thử sức tại Arsenal.
Tomiyasu là một cầu thủ rất đa năng mặc dù chưa thể bằng được Zinchenko. Kỹ năng của Zinchenko được coi là quá dư thừa đối với một hậu vệ, giữ bóng, chuyền bóng và sút bóng đều giỏi. Điều cống hiến lớn nhất của Olek đối với đội nhà lại là tinh thần thi đấu ngoan cường, không khoan nhượng.
Người ta kể rằng khi các đồng đội “hô khẩu hiệu” quyết lọt vào top 4 của giải thì Zinchenko đã “mắng” rằng: các cậu quên điều đó đi, chúng ta phải vô địch! Hãy để ý rằng mấy trận gần đây Arsenal thi đấu rất sung, luôn ở thể chuyển bại thành thắng, hoặc đang thua thành hòa, ghi được nhiều bàn thắng ở những phút bù giờ.
Để có bàn thắng thì một yếu tố vô cùng quan trọng là sự bất ngờ, đòi hỏi chiến thuật rất linh hoạt. Sự di chuyển thông minh luôn tìm được khoảng trống kịp thời của Zinchenko đã giúp ích cho Arsenal rất nhiều, thể hiện ở số bàn thắng đã gia tăng đáng kể so với mùa bóng năm ngoái từ trung bình 1.6 bàn/trận lên 2.3 bàn/trận.
Sắp sang tuổi 27 (sn 1996), Zinchenko đang trên con đường trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới ngay trong năm nay. Chỉ cần giữ phong độ như hiện nay thêm hai tháng nữa, Arsenal hoặc vô địch, chí ít là Á quân, người ta không quên Zinchenko như một trong những cầu thủ xuất sắc nhất Ngoại hạng Anh, giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
Có người cho rằng Man city đã hố nặng khi bán cho đối thủ Arsenal cầu thủ tài năng này với giá chỉ có 35 triệu bảng. Thực ra Arsenal đã định mua một cầu thủ Ukraine khác là Mudryk nhưng Chelsea đã nhảy vào trả giá cao hơn lên đến 88.5 triệu bảng, mức giá kỷ lục của mùa chuyển nhượng mùa đông năm nay.
Nếu coi Zinchenko là hiện tại thì Mudryk, 22 tuổi là tương lai của bóng đá Ukraine. Với tư cách là đương kim đội trưởng đội tuyển quốc gia, Zinchenko là nhiều lên án tội ác của quân xâm lược Nga và kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc chiến tranh vệ quốc của người dân Ukraine.
Viva Ukraine, Vinh quang Zinchenko!
Ảnh: Vào dịp kỷ niệm 1 năm chiến tranh Ukraine, ban lãnh đạo Arsenal đã có một hành động đẹp là trao băng đội trưởng cho Zinchenko trong màu cờ thân yêu.