Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

Sylvania

 


Quẻ bói hậu vận cho Putin

 

Hôm qua, một cuộc mit tinh lớn trên sân vận động Luzhniki tại thủ đô Moscow để kỷ niệm 8 năm Crimea trở về đất mẹ Nga, nhưng thực chất để để ủng hộ cuộc chiến của Putin tại Ukraine. Báo chí đưa tin buổi “đại nhạc tiệc” có 200,000 người tham gia nhưng sức chứa của sân chỉ có 80,000?
Mình thấy sai số này chỉ là chi tiết nhỏ, không quan trọng. Một nhà báo nước ngoài làm việc tại Nga đánh giá chỉ có khoảng ¼ dân Nga phản đối chiến tranh và 75% là ủng hộ, cho thấy lực lương cuồng Pu vẫn rất đông đảo.
Mình nảy ra ý nghĩ về quẻ bói hậu vận Putin khi hay tin ngày 11/3 mới đây Duma (không viết dấu) Nga đã thông qua Nghị quyết “xóa bài làm lại” cho phép Putin ra ứng cử một lần nữa, với 2 nhiệm kỳ mới thì ông có thể giữ chức tổng thống đến năm 83 tuổi.
Mưu sự là như vậy, nhưng liệu có “thành sự”?
Chỉ còn mấy ngày nữa, cuộc chiến tại Ukraine sẽ tròn một tháng. Mặc dù đã đưa đủ số quân dự kiến là 190,000 lính vào trong lãnh thổ Ukraine nhưng dường như mọi việc không hề đúng theo “kế hoạch”. Nga không công bố số liệu tử vong nhưng phía Ukraine cho rằng họ tiêu diệt được trên 14,000 lính Nga, số liệu của Mỹ thì thận trọng hơn, ước tính 5000-10,000 mà thôi.
Đáng chú ý có đến 6 tướng tử trận, trong đó 5 thiếu tướng và 1 trung tướng. Người ta cho rằng lẽ có phía Ukraine được cung cấp tin tình báo của Phương Tây nên mới diệt tướng dễ dàng như vậy.
Dường như quân Nga từ bỏ mục tiêu chiếm thủ đô Kyiv và các thành phố lớn mà chỉ cố bao vây để lấy con bài khi đàm phán. Đến lúc này có thể nói, quân Nga sẽ không thể đạt mục tiêu “giải phóng” Ukraine, ngoại trừ việc dùng vũ khí hạt nhân.
Nhưng để vận hành vũ khí hạt nhân không hề dễ dàng, nếu dùng được thì Mỹ đã dùng ở chiến tranh Việt Nam khi mà lính Mỹ còn rụng nhiều hơn lính Nga bây giờ. Có lẽ vì vậy, trong các điện đàm mới nhất với các tổng thống Pháp và Thổ, Putin đã dịu giọng đi rất nhiều.
Tất nhiên Pu muốn nói chuyện với Biden nhưng không được, Biden chỉ nói chuyện với Tập, “sếp” của Pu. Một khi Nga cầu cạnh Trung Quốc giúp đỡ về vũ khí và kinh tế thì phải tôn Tập làm sếp cũng phải thôi.
Trong điện đàm với Biden, Tập khẳng định Trung Quốc không ủng hộ chiến tranh, đồng nghĩa với việc ông sẽ không giơ tay cứu giúp “đàn em” trong lúc hoạn nạn.
Quay về chủ đề chính, số phận cựu trung tá tình báo Putin sẽ ra sao? Theo mình hiểu, nhân viên tình báo có 3 loại: loại được đào tạo tận gốc, loại học ngành nghề khác rồi mới gia nhập lực lương tình báo và loại cộng tác viên.
Putin không được đào tạo bài bản nghề tình báo, ông tốt nghiệp ĐH Luật rồi với xin vào làm cho KGB. Vì thạo tiếng Đức, Putin được cử sang Đông Đức làm việc. 16 năm trong quân ngũ chỉ lên được lon trung tá thì không phải xuất sắc. Khi Liên Xô sụp đổ, KGB bị giải tán, Putin thất nghiệp phải chạy taxi kiếm sống như chính lời kể của ông.
Tuy nhiên Putin gặp may khi thờ đúng chủ là Yelsin. Yelsin trở thành tổng thống, Putin lại thuộc loại “vua biết mặt, chúa biết tên” nên được cất nhắc rất nhanh cho đến ngày được Yelsin nhường ngôi.
Khi mới lên tổng thống, Putin lại gặp may một lần nữa khi giá dầu lửa tăng cao, giúp cho kinh tế nước Nga khởi sắc. Đồng thời Putin là người rất giỏi về truyền thông nên đã thu hút được rất nhiều fan cuồng.
Mặc dù lùn tịt, chỉ cao 1,68m và thường xuyên dùng giầy cao gót nhưng Pu rất thích cởi trần khoe ngực, khoe bắn hổ săn gấu, chơi taekwondo, làm ra vẻ cường tráng. Người giàu trí tuệ không bao giờ phô trương vớ vẩn như vậy.
Nhìn vào kết quả công việc, nước Nga vốn là nước công nghiệp phát triển với trình độ khoa học kỹ thuật khá cao, nhưng với 23 năm chèo lái của họ Pu, công nghệ ngày càng trở nên lạc hậu, lỗi thời, hàng hóa Nga mất tích trên thị trường quốc tế ngoại trừ dầu thô và vũ khí.
Nga đã từng phát động nhiều cuộc chiến nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, với cuộc chiến khá lớn ở Ukraine thì bộc lộ hoàn toàn những yếu kém, tác chiến thiếu nhịp nhàng đồng bộ, vũ khí thiếu tính năng và tinh thần chiến đấu rất bạc nhược.
Bài toán đặt ra bây giờ là rút quân hay leo thang chiến tranh. Nếu chiến tranh kéo dài trong bối cảnh thân cô thế cô, ngày càng bất lợi về truyền thông và kinh tế thì thiệt hại sẽ khủng khiếp. Vì thế, Putin ra sức chạy chọt cho một hiệp định đình chiến để gỡ thể diện mới chịu kết thúc chiến tranh, mặc ai cũng biết đó chỉ là những tờ giấy lộn không có giá trị giống như các ký kết khác.
Trước đây, Đặng Tiểu Bình đâu có cần văn bản nào mà vẫn rút quân khỏi Việt Nam. Tuyên bố “chiến thắng” mà vẫn sợ không dám nhắc tên, chỉ dám dùng các từ như nước ngoài, nước lạ, tàu lạ...vậy thì chiến thắng ai?
Nếu Putin đủ mạnh mẽ thì chỉ việc đơn phương rút, dũng cảm hơn là tuyên bố chịu trách nhiệm về thiệt hại do cuộc chiến gây ra. Cứ nói thế cho vui chứ trên răng dưới cắc tút thì lấy gì mà đền, nhưng để chứng tỏ thiện chí.
Chiến thắng mà vẫn bị tẩy chay cấm vận thì vẫn tiêu, còn chủ động lui binh, biết đâu được thương, Mỹ và phương Tây sẽ dỡ bỏ trừng phạt, coi như chưa có chuyện gì đã xảy ra và cuộc đời vẫn đẹp sao! Bởi vì đối thủ chính mà Mỹ nhắm tới là Trung Quốc, chứ không phải Nga!
Trước đây, Honecker của Đông Đức hay Mubarak của Ai Cập bị lật đổ, bị ra tòa nhưng rồi sau đó cũng đều được tha và chết già mà thôi. Putin ngồi thêm một thời gian nữa cũng không sao, nhưng ông phải hiểu là mình có trách nhiệm trả mọi thứ về nguyên trạng. Nước Nga thời Yelsin khá dân chủ, cứ xem ông này tái cử nhiệm kỳ 2 vất vả ra sao thì biết.
Các đảng phái đã từng được hoạt động một cách bình đẳng, được cạnh tranh công khai mình bạch. Nhưng Putin đã tiêu diệt tất cả các phe phái chống đối và các phe phái không phải của mình. Điều thú vị, Putin từng là đảng viên CS nhưng chính ông đã chiếu cố tận diệt đảng này không ngóc đầu lên được.
Như vậy, giữa tiến và lùi thì lùi là khôn ngoan hơn và quẻ bói này tin rằng chiến tranh sẽ sớm chấm dứt. Trong chiều hướng ngược lại, lính chết nhiều, kinh tế lao dốc, những người cuồng Pu sẽ nhanh chóng quay xe, số phận Putin sẽ vô cùng bi thảm.

Hậu vận tồi tệ của các lãnh tụ Nga

 

Tính từ “Cách mạng tháng 10” 1917 đến nay, Liên Xô và Liên bang Nga có cả thảy 11 lãnh tụ (kể cả người đương thời Putin). Số phận Putin chưa hết, xem ra lành ít dữ nhiều, nhưng cả 10 vị trước đó đều không thể coi là “mỉm cười nơi chín suối” vì đều có những cái kết dang dở và không theo ý muốn.
Lãnh tụ và người thầy Lenin bị ám sát, dính ba phát đạn vào tay và lưng. Vụ ám sát được đổ thừa cho nước Anh, mặc dù không có bằng chứng bới vì Anh Quốc là cường quốc số 1 thế giới lúc đó (chứ không phải Mỹ), nhưng không loại trừ khả năng đây là một âm mưu từ nội bộ.
Ông không chết ngay nhưng phải đi Gorki dưỡng bệnh trong những năm cuối đời rồi ra đi ở tuổi 53. Trong thời gian ở Gorki, ông viết sách và viết nhiều thư chỉ trích Stalin, đặc biệt kịch liệt phản đối việc Stalin lên kế vị mình. Tuy nhiên có thể hiểu Lenin đã bị tuột khỏi quyền bính nên yêu cầu của ông không được đáp ứng.
Nếu như Marx không bao giờ đi làm, dành cả cuộc đời để viết sách, còn Lenin giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân ủy, tức Thủ tướng thì chắc hẳn phải bận rộn. Nhưng đời sau vẫn coi Lenin như một nhà tư tưởng bởi những cuốn sách ông viết trong thời gian không làm việc.
Về mặt Đảng Stalin chỉ dùng chức danh “Bí thư” nhưng có thể hiểu là đứng đầu Đảng CS, kiêm Chủ tịch HĐBT. Stalin là người cầm quyền lâu nhất trong số các lãnh tụ CS Nga Sô, được coi là có công tạo lập ra để chế Liên Xô hùng mạnh và hệ thống các nước XHCN đồng thời cũng là người được coi là hết sức tàn nhẫn với cả những đồng chí gần gũi nhất của mình.
Cái chết của Stalin cho đến nay vẫn được coi là bí ẩn ở tuổi 74, còn khỏe mạnh, không có bệnh tật gì. Sau bữa ăn tối và làm việc về, ông không thể thức dậy vào sáng sớm hôm sau mà có thể đã chết trong đêm. Có giả thiết ông bị đầu độc, tuy nhiên không có chứng cớ.
Cái chết bất ngờ của Stalin đã dẫn đến việc tranh giành quyền lực trong 6 tháng, cuối cùng Khrushchov đã giành phần thắng. Một hình ảnh mà một người hay nhắc khi nhớ về Khrushchov là ông đã rút giày đập lên bục khi lên phát biểu tại Đại hội đồng liên hợp quốc. Rõ ràng đây là một hành động thô bỉ đáng xấu hổ.
Tháng 10/1964, nhân việc Khrushchov đi địa phương, BCH Cộng đảng đã họp phiên bất thường để cách chức Khrushchov. Người được coi là chủ xướng cho cuộc đảo chính không đổ máu này là Suslov không lên thay mà ông để hai người trẻ hơn giữ hai chức của Khrushchov, đó là Brezhnev làm Bí thư thứ nhất, còn chức Chủ tịch HĐBT được trao cho Kosygin.
Trong 18 năm thời Brezhnev, nền kinh tế Liên Xô trở nên tụt hậu, tỏ ra hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Brezhnev cho tấn công vào Afghanistan được coi là một quyết định sai lầm, làm trầm trọng thêm những khó khắn về đối nội lẫn đối ngoại.
Cuối đời, Brezhnev mang nhiều bệnh tật, phải sử dụng ma túy thường xuyên. Có ý kiến mời Suslov, với tư cách là Bí thư thứ hai BCH TW thay thế nhưng rồi Suslov còn chết trước Brezhnev vài tháng vào năm 1982.
Andropov, Chủ tịch tình báo KGB trong hơn 15 năm, đã trở thành nhà lãnh đạo mới với nhiều tham vọng về sự cải tổ những trì trệ kéo dài. Nhưng trời không phụ lòng người, ông chỉ ở ngôi được 15 tháng và qua đời ở tuổi 69.
Thời gian cầm quyền của Chernenko còn ngắn ngủi hơn nữa, chỉ có 13 tháng rồi ra đi ở tuổi 73.
Có lẽ hai cái chết nhanh chóng của Andropov và Chernenko đã làm cho cộng đảng Liên Sô phải tìm một người trẻ khỏe để đảm đương nhiệm vụ, người đó là Gorbachev.
Ở tuổi 54, Gorbachev tỏ ra hăng hái với việc cải tổ hệ thống chính trị và kinh tế đã tỏ ra quá sức tệ hại. Giống như căn bệnh ung thư, một khi phải phẫu thuật, nó trở thành con dao hai lưỡi, có thể kếo dài sự sống hoặc làm bệnh nhân chết nhanh hơn.
Cuộc đảo chính quân sự tháng 8/1991 đã kết thúc sự nghiệp chính trị của Gorbachev với tư cách là Tổng bí thư cuối cùng của Đảng CS Liên Sô.
Yelsin là người đã dũng cảm chống lại cuộc đảo chính và đã thành công. Ông là người khá mâu thuẫn, có bố từng đi tù về tội phản cách mạng nhưng lại trở thành UV BCT, rồi trở thành tổng thống đầu tiên của nước Nga mới.
Vì lý do sức khỏe, bị nghiện rượu nặng,ông bất ngờ chỉ định Putin thay thế mình trước khi mãn nhiệm kỳ sáu tháng.
Để so sánh, từ khi thành lập liên bang năm 1901 đến nay, Úc có 30 thủ tướng kể cả Morrison đương nhiệm. Vì là thủ tướng được bầu một cách dân chủ nên không ai làm quá lâu. Sau khi thôi chức, các cựu thủ tướng sống hòa đồng, hoặc đi diễn thuyết, nói phét ăn tiền.
Tương phản với các lãnh tụ độc tài, khi mới lên ai cũng hoành tráng, nhưng rồi ngồi lâu quá, sẽ đến lúc già nua lú lẫn, vừa chiến đấu với cái chết, vừa cố giữ ghế cho khỏi bị phế truất bẽ bàng.

 BÁN HÀNG: NƯỚC MẮT NỤ CƯỜI

(kỳ 1)

Một câu chuyện vui về kỹ thuật bán hàng. Hễ gặp một phụ nữ nào mà bạn nói: cô có đồng ý ngủ với tôi không ? Thông thường bạn sẽ bị ăn vài cái tát. Tuy nhiên, trong 100 cô, sẽ có một, hai hoặc ba cô bảo rằng:
- Ờ, à...cũng được. Nhưng ở nhà anh hay nhà tui ?

Nếu bạn không nói ra điều bạn muốn, làm sao người khác biết được. Tố chất đầu tiên của người bán hàng là phải mạnh dạn. Mạnh dạn mà thành công, phần thưởng của nó rất lớn. Nếu bạn làm chính trị, bạn bán các ý tưởng về tổ chức xã hội, bạn có cơ hội trở thành tổng thống, ít nhất cũng là cái ghế councellor địa phương. Bán được cái mình (body) cho tỉ phú, một bước lên bà tỉ phú, hoặc bán cho ông đạp xích lô thì chỉ trở thành bà đạp xích lô mà thôi.

Một quan niệm khác, coi bán hàng là việc làm của một con chó đói, cứ phải bám riết lấy con mồi, không bao giờ nhả. Bạn đã từng nhờ cò nhà đất tìm hộ nhà để mua. Mỗi ngày bạn sẽ bị anh ta gọi điện thoại ít nhất 10 lần.

Bán hàng là vậy, bạn sẽ đạt mục đích nếu làm được một trong hai việc yêu và ghét: bị ghét bỏ, mua để cho nó biến đi. Hoặc được thương mà bán được hàng.

Trước đây mình từng tham gia một cuộc tranh luận trên facebook rằng, thị trường hay sản xuất là cái quan trọng hơn. Mình cho rằng, thị trường dẫn dắt sản xuất bởi vì bán cái người ta cần chứ không bán cái mình có. Ý kiến phản bác lại cho rằng, các phát minh về công nghệ mới là quyết định. Rồi dẫn chứng về iphone đã làm khách hàng chờ đợi phấp phỏng ra sao, chỉ mong được xếp hàng để mua với giá cao. Đối với mặt hàng này, mình cho rằng thương hiệu là yếu tố để hấp dẫn khách hàng, bất kể sản phẩm mới có cải tiến gì về tính năng thì hễ có tên iphone là mọi người cứ mua cái đã.

Trong thời đại mọi thứ đều thừa thãi, sản xuất không phải là điều khó, bán được hàng mới là cái quyết định thành bại của một doanh nghiệp. Muốn có nguồn thu tài chính cho việc duy trì và phát triển, các doanh nghiệp buộc lòng phải tuân theo những đòi hỏi thị hiếu của người mua.

Trong các sách dạy bán hàng, người ra thường nói bạn phải biết thật rõ về sản phẩm hàng hóa dịch vụ chào bán, để tư vấn với khách cái hay cái dở và giải pháp tốt nhất. Bạn cũng phải giải thích cặn kẽ những điều có lợi nếu khách đồng ý mua hàng của bạn.

Bán hàng là một nghề khó, nhưng khi đi xin việc làm sell lại là nghề dễ xin nhất. Bởi vì thông thường chủ nhân không trả lương hoặc chỉ trả chút ít, mà thù lao chủ yếu lại dựa vào doanh số và lợi nhuận. Người bán hàng phải vô cùng chủ động sáng tạo và siêng năng. Nhưng cách làm "khoán trắng" như thế này thường có hiệu quả rất thấp bởi vì để bán hàng, rất cần có một đội ngũ "người tung kẻ hứng" hỗ trợ lẫn nhau.

Vấn đề ở đây là cần có một chiến lược bán hàng, theo chu kỳ của một sản phẩm nhằm đạt kết quả cao nhất. Cái này mọi người rành quá, xác định đối tượng marketing, chiến dịch quảng cáo, dung lượng thị trường, chính sách giá cả...

Một điều ngạc nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi doanh số là chỉ tiêu quan trọng hàng đầu, trong khi lợi nhuận mới là quan trọng nhất chứ. Doanh số chỉ nhằm giải quyết vấn đề thất nghiệp mà cái này không phải nhiệm vụ của doanh nghiệp. Như đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, phải xem có lãi hay không, nếu không lãi thì tốt nhất là dừng lại. Chính vì thế, nhiều công ty dần dần bị mất hết vốn lưu động trên thực tế chỉ vì bán hàng mà không cần đến lợi nhuận.

Về bản chất kinh tế, lợi nhuận là phần giá trị sáng tạo do lao động hiện tại kết tinh vào sản phẩm và là phần đóng góp vào cho các loại ngân sách một cách thực chất; trong khi doanh số có tỉ trọng chính từ giá trị lao động quá khứ hoặc giá trị từ nước ngoài.

Một nền kinh tế "doanh số" không thể có tính hiệu quả và bền vững. Vì thế bán hàng không cần bán nhiều mà cần hướng đến việc bán được giá cao, mới đòi hòi nhiều kỹ năng bán hàng, và thực sự có ý nghĩa về kinh tế, xã hội lẫn môi trường.

(Kỳ 2)

Hồi nhỏ 4-5 tuổi còn chơi bi với chúng bạn, mình phải xin tiền mẹ để mua bi. Do chân tay vụng về, hay thua nên đi mua khá thường xuyên. Trong cái rủi có cái may, nhờ vào mua nhiều lần mà mình biết chọn nơi mua rẻ và còn biết trả giá nữa.

Đến năm 17 tuổi thì bắt đầu đi buôn với mặt hàng khá độc đáo là trứng vịt lộn. Việc đầu tiên là tiền đâu, thì giải quyết được vì mình lấy hàng từ nhà người bác họ ở Thường Tín. Mấy chuyến hàng đầu, bác cho nợ, về sau thì trả đầy đủ theo kiểu tiền trao cháo múc.

Về nhân lực, do lúc đó mới học hết lớp 12, mấy đứa bạn đều rỗi nên mình rủ thêm 4 đứa. Với lực lượng 5 người, 1 xe máy cộng 4 xe đạp, 1 bạn có thẻ con liệt sĩ để sẵn sàng làm việc với thuế vụ. Về khâu chào hàng lại không khó lắm vì khi mà ngăn sông cấm chợ, hàng hóa khan hiếm, nên bán được khá nhanh và nhiều.

Được sớm tiếp xúc với tiền bạc và làm ăn cho mình cảm giác "sense of business". Từ trước tới nay, mình luôn kiếm được các thu nhập khác từ các nguồn ngoài lương như business, investment, contractors...Có thu nhập từ các nguồn khác nhau sẽ cho người ta rủng rỉnh tiền bạc trong túi. Mình từng có cơ hội trở nên giàu có ở Vietnam hay Dubai, nhưng lại chọn cuộc sống Úc. Ở xứ sở thòi lòi, mang tiền vào tiêu thì dễ nhưng để làm được một thương vụ thành công đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Khi mở một doanh nghiệp tại Úc nghĩa là bạn phải đối đầu với một cuộc cạnh tranh khủng khiếp mà không thể nhờ vả hay trông cậy vào ai khác.

Câu hỏi đặt ra trong một doanh nghiệp, công việc nào được coi là khó khăn nhất? Chắc chắn là việc bán hàng. Nếu khâu sale mà yếu thì tất cả các bộ phận khác, dù là quản trị, hành chính, nhân sự, marketing, tài chính, kế toán...đều treo niêu, không có nguồn sống. Ai làm công việc này? Đó phải là người tài năng nhất, thông thường chính là ông chủ hoặc CEO. Sau khi saleman bàn bạc chán chê với các đối tác, đến khi nào ông chủ xuất tướng thì hợp đồng mới chốt được.

Trong bài viết kỳ 1, mình so sánh việc bán hàng với việc chinh phục phụ nữ, cả hai việc đều khó ở chỗ phải am hiểu về tâm lý con người, nhưng việc bán hàng vẫn khó hơn. Khi tán gái, bạn có một chỗ để bám vứu là "nếu em chịu anh thì em sẽ được thỏa mãn con quái vật đang gầm thét trong lòng". Chị em ta đều ít nhiều ham muốn tình dục, và đó là điểm yếu và lại là "bảo bối" rất mạnh của bạn. Nhưng đối với việc bán hàng, chẳng có lý do gì để người ta móc tiền đưa cho bạn cả.

Công cụ gần như duy nhất của bạn là ngôn ngữ. Kẹt cái, ở Úc lại phải dùng tiếng Anh. Ngôn ngữ giao tiếp thì không khó, nhưng ngôn ngữ thuyết phục cần sự nhuần nhuyễn, đa dạng, quyến rũ rất nhiều, đó chính là trở ngại mà những người di dân như mình gặp phải. Vì không mạnh vềhót tiếng Anh, người làm doanh nghiệp sẽ khó trong việc tạo ra một network trong làm ăn, là mối quan hệ trong hệ thống khách hàng, nhà cung cấp, những đồng minh và đối thủ trong ngành nghề, đội ngũ tư vấn pháp lý và thuế vụ, các dịch vụ hỗ trợ...

Những người di dân còn thiếu từng trải và kinh nghiệm về thị hiếu, tâm lý tiêu dùng, tập quán giao tiếp, các ngón nghề tiếp thị, quảng cáo...

Kể khổ nhiều quá, bà xã sẽ bảo: ông coi chồng con người ta kiếm tiền triệu, chục triệu, trăm triệu...chỉ bằng cách "ta tắm ao ta" nhờ vào làm ăn trong cộng đồng, hoặc đi buôn đất...Thôi tui kém, không đủ năng lực trình độ. Nhưng bù lại, tui có thời gian dành cho gia đình, giữ gìn sức khỏe. Đường dài mới biết ngựa hay. Trời còn để sống thì còn hy vọng.

(Kỳ 3)
Trong Đông chu liệt quốc, Tề Hoàn công hỏi Bão Thúc Nha, có phải khi xưa ngươi và Quản Di Ngô chung vốn đi buôn, đến khi chia lời thì Di Ngô nhận phần hơn, tại sao vậy? Bão đáp: đúng là có chuyện đó, bởi vì nhà tôi giàu, Di Ngô nhà nghèo nên nhận hơn để giúp đỡ cho gia đình!

Bạn bè thật thân tình mới hiểu và thông cảm với nhau như vậy. "Một cây làm chẳng nên non...", có hội có thuyền thì vẫn hơn. Lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tế, bạn bè rủ nhau làm ăn thì sẽ nảy sinh một vấn đề: trong số mấy bạn, ai nắm quyền chỉ huy và có tiếng nói quyết định? Người già nhất ? Người nhiều vốn nhất, quảng giao nhất, tài năng nhất ? Không, ai có khách hàng, người đó được cầm chương mới hợp lý.

Hồi trước mình có một ông bạn than phiền thằng nhân viên tách ra mở riêng và mang theo một phần khách hàng. Thằng nhân viên thì phân trần, đó là những khách mới do hắn tự gây dựng nên. Chẳng biết ai đúng ai sai, cho thấy, ai có khách thì người ấy có khả năng làm chủ.

Chi phí sang nhượng một business nhỏ (tiêu chuẩn Úc là doanh số dưới $2 triệu/năm) lên đến hàng trăm ngàn AUD, thậm chí hơn. Tại sao bạn phải mất nhiều tiền như vậy ? Ở đây good will chính là khách hàng (base customers) của doanh nghiệp đó.

Tam quốc là bộ truyện dã sử nghiêm túc, rất ít những chi tiết hài hước như tình huống sau. Tào Tháo hành quân đến một vùng xa xôi. Dân chúng thấy Tào đến thì đổ ra đường. Tào Tháo thích chí bảo, chúng bây muốn xem mặt Tào công phải không ? Ta cũng mồm ngang mũi dọc như mọi người, chẳng có 3 đầu 6 tay gì, chỉ lắm mưu mẹo mà thôi! Phải chăng để bán được hàng và có nhiều khách hàng thì cũng cần nhiều mưu (tricks)?

Chết thật, khi viết "Bán hàng, nước mắt nụ cười", mình chỉ tính tào lao cho vui, không ngờ lại tự dẫn dắt đến chốn này! Lỡ rồi, thử tìm vài chiêu xem sao.

1. Trước hết phải xác định đối tượng khách hàng, thuộc đối tượng "thâm canh" hay "quảng canh"; thuộc maintream hay nick market; hay xen lẫn các loại đó. Nếu nhắm vào khách truyền thống thì nhất quyết phải tìm ra ưu thế nào đó về điều kiện thanh toán, giao nhận, quy cách, giá cả...thì mới đánh bại được các đối thủ. Như vậy, sẽ là tuyệt vời nếu có được một khoảng trống chưa được khai thác trong thị trường, bởi nó mở ra cơ hội lớn hơn về doanh số và lợi nhuận.

2. Trước đây bà xã mình có một cái shop quần áo giày dép. Trong shop có khoảng 1000 loại sản phẩm nhưng chỉ có khoảng 100 loại "good moving" là những hàng bán chạy và nuôi sống được shop, còn 900 loại sản phẩm kia bán chậm, đọng vốn và không có lời. Tuy nhiên 900 loại này vẫn cần thiết vì nhờ sự phong phú, đa dạng mà khách hàng mới chịu kéo đến để mình bán 100 loại hàng kia.

3. Khách sẽ không mua nếu bạn nói với khách: sản phẩm của tôi đắt hơn vì chất lượng hàng tốt hơn. ("chất" "lượng" là từ không có nghĩa vì nó là quality hay quantity ?) Rất khó thuyết phục khách tin rằng phầm chất hàng của bạn tốt hơn.

Thế nhưng bạn sẽ dễ hàng thu hút khách theo phương châm "điều kiện, lợi ích như nhau, nhưng giá rẻ hơn". Hàng của bạn không thua kém đối thủ mà bạn bán rẻ hơn thì chẳng nhẽ lỗ sao ? Vấn đề bán phải tìm những nguồn thu khác nhau, ngoài giá bán thì phải "mổ" được chỗ khác. Thực tế, nếu tìm được nhiều nguồn thu thì thực tế tổng thu nhập của bạn sẽ cao hơn và có lãi nhiều hơn.

4. Nhiều công ty đưa ra các khuyến mại để dụ khách. Đơn giản là chiêu hạ giá để lấy khách, khi khách đã "ăn" hàng, họ ngấm ngầm tăng giá lên. Khách hàng biết như vậy nhưng họ không thể quán xuyến được việc thường xuyên thay đổi nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ.

Thời đại ngày nay là thời đại của mạng xã hội, đó là phương tiện để tiếp cận rộng rãi, nhanh chóng với khách hàng.

4. Bán hàng cũng như đi câu, sẽ câu được rất nhiều nếu bạn đoán được hướng di chuyển của đàn cá, bằng cách theo dõi mức dâng của thủy triều chẳng hạn. "Muốn biết bơi phải nhảy xuống sông". Bạn không thể ngồi trong 4 bức tường để đi tìm thị hiếu, xu hướng thị trường. Chỉ có lăn lộn trong thương trường mới đạt được sự nhạy cảm đặc biệt và mới biết khách sẽ muốn gì để đáp ứng.

(Kỳ 4)
Mình mới nghe một câu mà thấy đúng quá: làm chính trị thì phải gian trá; làm kinh tế thì phải trung thực thì mới thành công. Chính trị không phải chủ đề của loạt bài này, còn chuyện làm ăn, quả là khôn ngoan chẳng lọ thật thà.

Có câu chuyện về một bà già, nằm liệt giường liệt chiếu mà không chết. Người ta bảo bà bị Giời hành, đến khi phải mang một cái cân đĩa úp lên mặt thì bà mới chết. Chẳng là bà vốn đi buôn thúng bán mẹt, mà làm nghề này không cân điêu thì làm sao có lãi?

Một ông bán bút kể với mình, cửa hàng của ông có đầy đủ các loại bút, các nhãn hiệu, chủng loại từ cao cấp đến thấp cấp. Bút của Trung Quốc, ông mua $1-2, bán $10/ chiếc, rất có lời. Các loại khác, mua vào đã $8-10 nhưng bán ra chỉ được $12, coi như hòa hoặc lỗ. Nhưng nếu chỉ bán mỗi bút Tàu thì mang tiếng là cửa hàng đểu, sẽ mất khách. Nhưng nếu thật thà với khách là mua một bán mười thì cũng đâu có được, mà nói dối thì nói thế nào? Vấn đề là ai khảo mà xưng, kinh doanh trung thực không có nghĩa là không có bí mật.

Kỳ trước là bài viết về các mưu mẹo bán hàng, viết xong thì lo mọt người hiểu lầm là mình đi quảng cáo cho sự lừa dối. Trong kinh doanh, "chữ tín" được coi là bảo bối để phát triển lâu dài và mang lại những thành công lớn lao.

Ai cũng hiểu, các quy luật kinh tế vận hành cho việc đi tìm lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải hướng đến những mục đích khác bảo vệ môi trường thiên nhiên thân thiện, môi trường làm việc thân ái, hướng đến giúp đỡ cộng đồng, làm từ thiện...nghĩa là ngoài vấn đề tiền còn phải xây dựng hình ảnh. Đặt tên cho sản phẩm, doanh nghiệp hay trang web cũng là một nghệ thuật để gây chú ý và sự chính danh. Đến lượt danh tiếng sẽ chứng minh với khách hàng về uy tín của sản phẩm, sự hữu hiệu và đáng đồng tiền bát gạo. Thực tế cho thấy, các "thương hiệu" nổi tiếng đã trở thành sức hút mãnh liệt đối với khách hàng.

Chữ tín có nghĩa rộng hơn thương hiệu. Vì thế các sản phẩm của Trung Quốc không hề có thương hiệu lớn như Âu Mỹ, hay Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng vẫn bán được doanh số khủng. Ở đây, hàng hóa dịch vụ của người Tàu đã luôn làm khách hàng tin vào "good deal", không sợ bị hớ về giá. Khách hàng tin tưởng về điều kiện giá cũng chính là điều doanh nghiệp đã đạt được chữ tín.

Kinh doanh truyền thống hay kinh doanh hệ thống cũng đều cần có sự tin tưởng lẫn nhau giữa người bán và người mua. Sự bùng nổ của bán hàng trực tuyến cho thấy internet không hề là một thế giới ảo. Thật sự, nó đã làm cho nhiều người trở thành triệu phú, tỉ phú nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Từ khi có mạng xã hội, mình không còn lo lắng về tuổi già nữa. Khi nào nằm liệt giường thì chỉ cần ôm cái phone úp lên mặt và vào một cái mạng nào đó (nếu không còn facebook). Dù muốn hay không, nhanh hay chậm, bán hàng trên internet đang là một xu hướng.

(Kỳ 5)
Sau khi viết 4 kỳ của loạt bài “Bán hàng, nước mắt nụ cười”, một ông bạn góp ý: ông mang tiếng được học hành mà trong các bài viết, hàm lượng học thuật được chút xíu à. Vậy mình phải nói rằng, “ní nuận" suông là cái bullshit, chỉ có những trải nghiệm xương máu, những điều mắt thấy tai nghe mới quý giá.

Trong thể chế nghị trường, người nào có tham vọng chính trị bắt buộc phải có sức hút quần chúng, mang về nhiều phiếu cử tri, anh hoặc chị ta sẽ được đề bạt và một ngày đẹp trời, là cái ghế Chủ tịch Đảng, nếu muốn. Trong thương trường, ai mang lại nhiều khách hàng, người đó cũng được thăng tiến cho đến khi ngồi vào chiếc ghế top job là CEO. Nếu không cho họ làm lãnh đạo, họ sẽ tách ra mở công ty riêng hoặc đảng phái riêng và gây phương hại cho tổ chức cũ của mình.

Đã dấn thân vào thương trường, ai cũng đều tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Đương nhiên, trải nghiệm của những kẻ chiến bại không thể giống với chiến thắng, những người đã vượt qua rất nhiều cuộc chiến để sinh tồn. Họ là những đấu sĩ thực sự và chắc chắn phải có những phẩm chất vượt trội.

Cuộc đấu tranh này là đấu tranh gì? Theo mình đây là một cuộc chiến tâm lý.Sự lựa chọn của khách hàng dựa vào cảm tính hơn là lý trí, vì vậy, làm sao chạm được vào trái tim của họ một cách thuyết phục nhất.

Đầu tiên là khâu đặt tên công ty hay sản phẩm. Ngôn ngữ có tính liên tưởng và phải áp dụng được điều này. Ví dụ, các sản phẩm nghe nhìn thường có chữ “s” như Sony, Sanyo sẽ làm mọi người nghĩ ngay đến âm thanh (sound).

Chọn màu sắc chủ đạo cũng hết sức quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà McDonald hay KFC chọn màu đỏ, vì đây là màu gây cảm giác thèm ăn.

Khi bạn đi mua hàng garage sale thì sẽ thấy những dòng chữ nguyêc ngoạc, tạo cảm giác hối hả. Những đồ hạ giá đóng cửa thường bày thành đống chứ không xếp ngay ngắn.

Về giá cả, hay có con số 9 ở cuối như 9.99 hay 9.95, tạo cảm giác chưa tới giá. Hoặc những con số lẻ tiền, người bán tỏ rarất cẩn thận và chi tiết khi làm giá.

Bán đi mua nhà off plan thì thấy, Tòa nhà vẫn còn trên giấy, bắt đầu bán mà người mua luôn luôn nói sắp hết, chỉ còn có mấy căn !

Ở Úc, lương lĩnh vào thứ năm hàng tuần, nên giới bán lẻ phải tranh thủ tiếp cận khách vào shopping night tối thứ năm.

Người bán luôn nhiệt tình, ra đòn tới tấp làm người mua chống đỡ không nổi và người bán có tinh khôn sẽ biết chọn thời cơ để dứt điểm.

Các chiến dịch quảng cáo đều được tính toán hết sức kỹ lưỡng, trọng tâm đặt vào các kỹ năng đánh vào tâm lý khách hàng. Mọi người tìm hiểu kỹ thị hiếu, thói quen, tập quán trong đời sống thương trường ở mỗi mỗi vùng miền. Ngoài ra, chiến lược marketing còn phải nắm bắt về các thông tin thuế vụ, rào cản chính sách, về các đối thủ tiềm năng.

Ở Dubai trước đây, nhiều bà con Việt Nam mang bình bông (lọ hoa) sơn mài sang bán, giá gốc 1/cái, bán 2-3$ là có lời rồi. Tuy nhiên, một thương nhân địa phương mách nước, nếu làm thêm cái bao bì, chi phí $1 nữa, tổng cộng là $2 thì sẽ bán được $10/cái. Thật kỳ lạ, món hàng này bỗng dưng trở nên một mặt hàng quà tặng quý giá và bán rất chạy.

Hồi trước, bà xã mình có cửa hàng bán quần áo. Làm sao phải bắt hình dong trong số khách hàng, ai là người thích đồ sang đẹp, ai ham đồ rẻ? Khách mà chũi mũi vào đống hàng sang thì phải nói, cửa hàng của chúng tôi có đủ các loại đồ hiệu cho quy khách lựa chọn; còn khách nhắm vào đồ hạ giá thì lại nói, chúng tôi đang muốn giải phóng diện tích cho loạt hàng mới nên muốn bán nhanh.

Để kết thúc loạt bài, mình chỉ muốn nói rằng, nếu không thể hiểu được khách hàng thì không nên bước vào thương trường, vì nó sẽ hủy hoại thân thể và tinh thần của bạn. Bạn phải sẵn sàng với một cuộc chiến tâm lý, trong đó bạn là một đấu sĩ đầy bản lĩnh, kinh nghiệm và nhạy cảm. Thực tế cho thấy, thấu hiểu con nguời phức tạp hơn rất nhiều so với hiểu biết về thiên nhiên. Nhận biết con người và nhu cầu thị trường, bạn sẽ có rất nhiều thành công và hạnh phúc trong việc bán hàng.

Lại chuyện đi hay ở với nước Úc

 


Mỗi khi người thân hay bạn bè sắp đi Úc thì mình lại nghe một câu đại để sang đó thì làm gì?
Mình thông cảm với não trạng người Việt, lúc nào cũng nghĩ đến tiền, hỏi việc làm thực chất là hỏi việc kiếm tiền thôi.
Cũng đúng, không tiền thì sống bằng gì. Tuy nhiên, đối với Úc thì không cần hỏi câu này vì ở Úc có ai chết đói đâu, ai cũng có tiền và rất nhiều việc làm với tỉ lệ thất nghiệp cực thấp.
Không hỏi cái này thì hỏi gì?
Câu cửa miệng của người Úc là: are you happy? Vui thì có tất cả. Nếu không vui thì dù có việc cũng chẳng muốn làm, vì rất nhiều lý do như làm xa nhà quá, phải làm ngoài giờ, không có xe đi làm, quá nhiều đồng nghiệp người Việt hoặc quá ít hay không có... đều kêu được.
Lương bác sĩ luật sư $300/ giờ mà tui chỉ được $20. Những người tài năng và chăm chỉ luôn có chỗ đứng tốt tại Úc.
Nếu bạn muốn vui thì không khó đâu, có rất nhiều cách. Với mình, chỉ mong rảnh rỗi để lang thang ngoài đường, hít thở không khí trong lành là đủ sướng rồi.
Mình thấy nước Úc quá đỗi tốt đẹp thì nghĩ sao nói vậy, và khuyên chân thành mọi người nên tận dụng cơ hội dù nhỏ nhất để ra đi.
Ps. Bức ảnh để minh họa cho vui thôi.
Hồi ở Việt Nam mình ghét rất nhiều người, sang đây thay đổi tính nết, chẳng ghét ai cả.

Trao đổi: Con cái được hưởng lợi ích gì nếu cha mẹ là những người thành công?

 

Từ lâu, mình đã thử tìm một mối liên quan giữa việc thành công của cha mẹ đối với việc nuôi dậy con cái. Trong nhà có điều kiện thì con dễ ngoan và giỏi hơn hay ngược lại? (khái niệm “ngoan” ở đây là ý chí và tinh thần trách nhiệm).
Không rõ đã có nghiên cứu về vấn đề này chưa, nhưng nếu có thì mình cũng không tin lắm vì một câu chuyện dưới đây.
Hồi đầu thập niên 1990s, mình có người bạn làm cho một công ty nước ngoài kêu phụ giúp cho một điều tra xã hội học của công ty. Công việc đơn giản nhưng trả thù lao cũng khá nên mọi người làm cũng phấn khởi.
Bảng phỏng vấn chủ yếu là các câu hỏi Có và Không, nhưng vì nhiều câu hỏi nên khá mất thời gian. Lúc đầu các điều tra viên như mình còn làm tử tế nhưng về sau toàn bịa ra các câu trả lời. Từ đó mình có thành kiến về các kiểu điều tra, phần lớn chỉ là đồ dỏm.
Cho nên để trả lời câu hỏi bên trên, mình lại tin lại sự quan sát trong một thời gian dài hơn. Theo đó, ở Việt Nam, cha mẹ thành công (tạm coi giàu có, địa vị, danh tiếng) thì con có thể giỏi, có thể dốt, có thể ngoan, có thể hư, sự khác biệt không rõ ràng. Tương tự, trong các gia đình nghèo khó, vẫn có con cái thế nọ, thế kia, có vẻ tỉ lệ 50-50 như nhau.
Nhưng tại Úc lại khác. Trong các trường selective, tạm coi là có thành tựu trong độ tuổi của các cháu thì đa số là nhà giàu, hoặc cha mẹ thuộc tầng lớp trí thức, nhiều luật sư bác sĩ và những người tài ba. Còn trong các gia đình khó khăn, vật lộn với kế sinh nhai, cha mẹ ly hôn chẳng hạn thì có vẻ đa phần các con chưa giỏi.
Những người thành công tại Úc nhìn chung rất tài năng và ý chí. Di truyền là một yếu tố quan trọng về trí thông minh cũng như về tính cách.
Thời đại trời sinh voi trời sinh cỏ, con người sống bản năng, một cách tự nhiên thái quá đã qua rồi. Muốn đứa trẻ phát triển tốt, cha mẹ phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian và phải có phương pháp đúng nữa.
Mình trăn trở một điều là làm sao phải giết được thời gian của chúng nó vì “nhàn cư vi bất thiện”, muốn positive thì chỉ cần tránh negative, muốn ngoan thì chỉ cần tránh hư là đủ.
Thực ra điều kiện tài chính dành cho con cũng không lớn, vấn đề là chúng ta có chịu chi hay không. Thay vì mua nhà để sau này cho con, nên chăng đầu tư lâu dài để con biết cách và có khả năng kiếm tiền mua nhà? Chúng ta chúi mũi vào công việc hay dành thêm thời gian cho con cái, có thể chỉ là cùng nhau đi chơi, trò chuyện chứ cũng không có gì to tát.
Về triết lý dạy con, các cháu phải phát triển văn thể mỹ cái gì cũng giỏi hay tập trung vào lĩnh vực gì là chính? Mình thì thấy sức khỏe là quan trọng nhất, bao gồm sức khỏe thể chất và cả tâm thần.
Thì ra để trở thành nhà có điều kiện cũng không khó lắm?

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

Mùa thu lại về.

 




Tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến Ukaine

 

Mình viết bài này trong lúc một cuộc biểu tình lớn đang diễn ra trong trời mưa ở Sydney để ủng hộ Ukraine, chống cuộc xâm lược từ Nga. Sáng sớm, mình dậy coi đá banh, thì cũng thấy trên tivi tràn ngập màu cờ vàng xanh, trong khi các cầu thủ giải Premier League, giải đấu có ảnh hưởng và đông khán giả truyền hình nhất thế giới, làm nghi thức cầu nguyện cho Ukraine.
Cuộc chiến ở Ukraine đã đi qua được 10 ngày với kết quả tạm thời khá bất ngờ, quân Nga với năng lực vượt trội vẫn không đạt được thành quả đáng kể nào. Lý giải cho việc này, người ta cho rằng, không lực của Nga, với số lượng máy bay gấp 10 lần Ukraine vẫn chưa hoạt động hết công suất, trong khi bộ binh cũng tiến quân chậm.
Có thể phản ứng quyết liệt của phía Ukraine và của thế giới đã làm lãnh tụ Putin chùn bước phần nào theo kiểu “già dái non hột”. Nếu lính Nga tử vong nhiều sẽ tạo nên làm sóng phản chiến ngay trong lòng nước Nga là điều lên ông ta lo ngại.
Một cuộc cấm vận và trừng phạt đồng loạt chưa từng có đang dành cho Nga, khiến đồng Rúp rơi tự do và thị trường chứng khoán Nga buộc phải đóng cửa. Hiện khoản tiền khổng lồ 600 tỉ USD của Nga đang bị đóng băng và xem chừng khó có thể đòi lại được nếu nó được dùng để bồi thường chiến tranh.
Cách đối xử với Putin liệu có phải là tiêu chuẩn kép? Từ sau Đại chiến 1945 đến nay, thế giới chưa bao giờ yên tiếng súng bởi có rất nhiều cuộc chiến đã xảy ra nhưng chưa bao giờ có cuộc trừng phạt quy mô khủng như vậy.
Đành rằng nhiều cuộc chiến nhỏ, thương vong không lớn, ít gây chú ý thế nhưng cuộc chiến Ukraine này so với chiến tranh Việt Nam chỉ là muỗi, thậm chí nó còn chưa bằng chiến tranh Iraq và cả hai cuộc chiến này đều liên quan nặng đến Mỹ.
Cứ cho rằng Mỹ có một vị thế đặc biệt để không ai có thể cô lập, dù họ làm gì chăng nữa. Nhưng nước Nga dưới thời Putin đã từng nhiều lần hung hăng ở Chechen, Gieorgia, Syria thì có làm sao đâu, sao giờ bị làm dữ vậy?
Nhớ lại khi Putin được Yelsin chỉ định kế vị, ông cũng được kế thừa luôn mối quan hệ hữu hảo giữa Yelsin với Mỹ và phương Tây. Năm 2001, sau khi gặp Putin lần đầu, Tổng thống Bush (con) nói rằng: tôi thấy anh ấy như một phần tâm hồn tôi, giản dị và đáng tin cậy.
Hình như đó là quãng thời gian thế giới tốt đẹp hơn ngày nay. Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều tự nguyện rời quyền lực để nhường cho người khác. Còn với Nelson Mandela, người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Nam Phi thậm chí chỉ làm một nhiệm kỳ rồi nghỉ với lý do tuổi đã cao. Ngay cả Yelsin cũng vui vẻ rời bỏ quyền lực.
Khi một nhà lãnh đạo quốc gia không cống hiến đến hơi thở cuối cùng là bước tiến đầu tiên để đi đến dân chủ.
Putin đã gặp may khi mới lên thì giá dầu lửa tăng cao, nước Nga có nguồn tài chính dồi dào, đời sống người dân trở nên khấm khá. Nếu Putin dừng lại ở 2 nhiệm kỳ như quy định của Hiến pháp thì ông mãi mãi là một người hùng của Nga và thế giới. Đáng tiếc, ông tìm cách ở lại, bóp nghẹt truyền thông, dân chủ, thủ tiêu ám sát các lãnh đạo đối lập.
Thể chế độc tài trên thế giới vẫn còn tồn tại ở nhiều nước, nhất là ở Châu Phi và Trung Đông nhưng Mỹ và phương Tây dường như không quan tâm. Đối với Nga thì khác, Nga là nước lớn, đặc biệt lại thủ đắc vũ khí nguyên tử.
Ở các nước dân chủ, người lãnh đạo chịu các cơ chế kiểm soát quyền lực nghiêm ngặt, không thể tự ý cá nhân muốn gì cũng được. Nhưng ở nước độc tài thì những tiếng nói phản biện đều bị đàn áp và do đó khó có thể ngăn cản nhà độc tài làm những điều sai quấy.
Sự sống của nhân loại sẽ bị đe dọa nếu nhà độc tài đó có nút ấn hạt nhân.
Mọi người đều biết vũ khí hạt nhân có thể hủy diệt nhiều lần dân số trái đất, kẻ bấm nút đầu tiên cũng không thoát khỏi số phận, và chỉ có vấn đề thần kinh mới làm như vậy.
Putin liệu có vấn đề tâm lý không? Người ta đã kể, vào giờ giải lao trong các hội nghị quốc tế, các nguyên thủ thường tụ tập nói chuyện phiếm thì Putin lại chỉ lủi thủi một mình. Mặc dù Putin được coi là biết ngoại ngữ, nói tiếng Đức, tiếng Anh khá nhưng không ai muốn trò chuyện với ông ta cả.
Biden đủ thông minh để không coi nước Nga chỉ có GDP bằng 1/10 nước Mỹ là đối thủ của Mỹ nhưng đó không phải là lý do Putin bị ghẻ lạnh. Phải chăng sự tham quyền cố vị, năng lực điều hành kinh tế kém cỏi, cách hành xử hiếu chiến...mới là lý do?
Tháng 10 năm nay Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng, nhiều khả năng Tập sẽ vượt qua làn gianh 2 nhiệm kỳ để chính thức lên ngôi “hoàng đế vĩnh viễn”, để xem thế giới sẽ làm gì với ông ta.
Sự thể thế này, Putin không có nhiều lựa chọn. Nếu làm tới, chiếm Kiev, lập chính phủ bù nhìn thì vẫn chưa thể khuất phục và xóa đi lòng căm thù củangười Ukraine mà cuộc chiến sẽ vẫn tiếp diễn và liệu Nga có đủ năng lực tài chính để theo đuổi chiến tranh lâu dài trong bối cảnh bị cấm vận. Trường phương án “cắt lỗ” lui binh xem ra triển vọng hơn, Putin sẽ trở thành con chó bị cụp đuôi, thấp thỏm nằm chờ ngày bị người dân Nga hỏi thăm sức khỏe.
Khách quan mà nói, Putin đang bị đối xử nghiệt ngã, âu cũng là thời thế và thế thời.

Chelsea đổi chủ sẽ ảnh hưởng cuộc chơi Premier League ?

 

Ông chủ Abramoich của Chelsea loan báo rằng ông sẽ bán đội bóng này mà lý do thì ai cũng đã biết, đó là hệ quả của cuộc chiến xâm lược của Nga vào Ukraine.
Tưởng cũng nên nhắc lại vì sao Abramovich được mua và mua được Chelsea, lúc đó chỉ là một đội trung bình khá. Sau cuộc hỗn loạn trong trận chung kết cup C1 giữa Liverpool và Juventus vào năm 1985, bóng đá Anh bị cấm 5 năm tại đấu trường châu Âu. Trong cái rủi có cái may, đó là cơ hội để Bóng đá Anh cải tổ, lập ra Premier League.
PL đi tiên phong trong việc đưa các đội bóng đá Anh lên sàn chứng khoán và từ đó huy động được nguồn vốn khổng lồ, tạo ra một diện mạo mới, một giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh và những đội bóng chất lượng với tiềm lực tài chính to lớn.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Anh cấp phép các nhà đầu tư nước ngoài và năm 2003, tỉ phú Nga Abramovich đã được ưu ái là người đầu tiên mua được một đội bóng với giá khá “hạt dẻ” là 140 triệu bảng.
Trong 19 năm, Abramovich đầu tư vào Chelsea khoảng 2 tỉ bảng, đưa đội trở thành một thế lực lớn với 5 chức vô địch PL và 2 lần vô địch CL. Hiện nay Chelsea được định giá 2.3 tỉ bảng, nhưng trong bối cảnh cần bán gấp thì khả năng chỉ thu được trên dưới 2 tỉ.
Số tiền này Abramovich cũng không đút túi mà đưa vào quỹ giúp cho nạn nhân chiến tranh, được hiểu chủ yếu là người Ukraine. Như vậy, ông mất trắng 2 tỉ bảng, nhưng không phải không thu được gì, mà là danh tiếng và sự an toàn. Tất nhiên, thời gian qua, Abramovich “có cửa” kiếm tiền để lấy thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược.
Việc ra đi của Abramovich chưa ảnh hưởng ngay lập tức đến vấn đề tài chính và nhân sự của đội tuy nhiên chắc chắn sẽ tác động không nhỏ vào tâm lý các cầu thủ.
Hiện tại Chelsea đang đứng ở vị trí thứ ba, khó có thể cạnh trạnh chức vô địch với Man city và Liverpool nhưng top 4 là chuyện nhỏ. Nhưng khi thời thế đã đổi thay, chẳng có chuyện gì là không thể xảy ra.
Ba đội bóng đại gia Man Utd, Arsenal và Tottenham mà phải tranh một suất top 4 thì quá chật chội, bây giờ họ sẽ sẽ vui mừng không kể xiết với tình huống dễ thở hơn: 2 suất dành cho 4 đội.
Man Utd đang tạm xếp thứ tư nhưng đã đá đủ 27 trận, hơn Arsenal đến 3 trận. Trong khi dù Arsenal tạm hạng 6 nhưng nếu thắng trận ít hơn Chelsea thì chỉ kém đội này có 2 điểm và vượt qua Quỷ đỏ. Tottenham vốn ở thế thượng phong nhưng đã tự bắn vào chân mình khi thua gần như liên tục 4 trận.
Trong vòng đấu 28 cuối tuần, Chelsea và Arsenal gặp các đối thủ “chiếu dưới” là Burnley và Watford, Tottenham sẽ vất vả hơn khi đụng Everton, còn Man đỏ sẽ gặp thứ dữ là Man xanh.
Vì ảnh hưởng của chiến tranh, Chelsea đã mất một lượng fan kha khá và việc dứt bỏ ông chủ người Nga là điều tốt nhất cho đội. Mặt khác, có thể dự đoán rằng người mới tiếp quản đội khó lòng chi tiêu bạo tay như Abramovich và vì thế sẽ rất đáng ngờ liệu Chelsea có còn là một đội bóng lớn như trước?
Có lúc Chelsea là đội bóng “giàu” nhất PL nhưng đến nay danh hiệu đó đã thuộc về Newcatsle với túi tiền không đáy của hoàng gia Saudi. Điều rầu lòng nhất cho nhiều fan là việc Chích chòe sẽ thay thế đội bóng áo lam trong bản đồ big six của bóng đá Anh.