Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

 


Hội nhập khi định cư ở nước ngoài

 

Một số bạn bè hoặc bạn của bạn có hỏi mình về vấn đề hội nhập khi ra nước ngoài định cư. Chả là mình đã từng vài lần phải hội nhập mỗi khi đến sinh sống ở một quốc gia mới nên có đôi chút kinh nghiệm.
Nhiều bạn kỳ vọng sẽ có một cuộc đổi đời, một cuộc sống hoàn toàn mới trên quê hương mới. Nhưng thật ra, sự thay đổi không quá nhiều như đã tưởng.
Bạn vẫn là bạn thôi, ông trời vẫn cho bạn ngần ấy trí thông minh để xài. Bạn mạo hiểm hay nhút nhát, quảng giao hay sống nội tâm, kỹ năng nghề nghiệp nữa, không thể thay đổi chỉ sau một đêm.
Nếu ở Việt Nam bạn học giỏi, ra nước ngoài bạn vẫn học giỏi và ngược lại. Ở Việt Nam bạn làm ăn kém, nói nôm na là nghèo, sang đây, không dễ gì giàu. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam bạn kiếm tiền như nước thì tại môi trường mới, nhiều khả năng không kiếm được nữa.
Môi trường mới có nhiều cơ hội mới và cũng nhiều nguy cơ. Cơ hội ở chỗ, nếu bạn thực sự chăm chỉ thì chắc chắn sẽ thoát nghèo. Nhưng bạn sẽ lạ nước lạ cái, rất nhiều thứ phải đối phó mà trong nhiều trường hợp, ăn đòn đau mới nhận ra bài học.
Bà xã mình bảo, các ông Việt Nam ở trong nước đều là thánh tướng, khi ra ngoài mới bộc lộ các điểm yếu.
- Bà nói tui phải không?
Ờ, nếu ở trong nước mình cũng là thánh, với ngón nghề sở trường là ăn tục nói phét. Đúng là phụ nữ và trẻ con dễ tiếp thu cái mới và do đó dễ thích nghi với cuộc sống mới hơn, trong khi đàn ông và người già do tính bảo thủ cao nên thường hơi khó.
Năm 2011, tụi mình và hai cháu quay lại Úc thì mới thấy mọi dự định, kế hoạch định trước đều phá sản, mặc dù mình đã từng ở Úc 5 năm, bà xã 4 năm. Tụi mình đã nghĩ có vốn thì không cần đi làm thuê mà phải làm chủ. Đó là một ý nghĩ sai lầm, sau khi vào cái shop thì mới nhận ra là đi làm cho người ta sướng hơn.
Nhiều bạn lo lắng về vấn đề tiếng Anh, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp. Theo mình, một yếu tố còn quan trọng hơn, là khả năng giao tiếp.
Chắc hẳn có bạn từng “thề” rằng sang Úc thì sẽ không thèm chơi với người Việt, kể cả người châu Á. Thử đốt đuốc xem đã có ai có thể chơi được với Tây, ông bà mũi tẹt da vàng nào có thể gia nhập cộng đồng mũi lõ da trắng?
Có bạn mới sang tâm sự, nói chuyện với người bên này khó quá. Người Việt với nhau còn không đơn giản vì suy nghĩ rất khác biệt, huống chi là tụi Tây. Điều mà mình muốn khuyên chân thành là các bạn nên chịu khó giao tiếp và cần để ý tập quán bên này sao cho phù hợp.
Mỗi khi đến môi trường mới, mình xác định phải học từ con số 0. Mình đã từng làm nhiều việc khác nhau, việc nào cũng phải học.
Từ công việc, mình có cơ hội kết bạn, mở rộng mối quan hệ, dần dần ổn định thu nhập và có một chỗ đứng trong xã hội. Mình tự rút ra bài học, nếu không cởi mở, không chịu lắng nghe thì có lẽ suốt đời sẽ không thể chen chân được vào thị trường lao động, sẽ không ngóc đầu lên được.
Vào thời điểm hiện tại, không nhiều cơ hội hốt bạc, nếu có cũng không dễ gì đến lượt chúng ta nên đừng mơ màng. Nhưng bạn đang có một mỏ vàng lớn mà lại không chịu chú ý khai thác.
Bạn thường nói, bạn lao công khổ tứ kiếm tiền cũng chỉ vì con cái. Vấn đề ở chỗ, các cháu sinh trưởng tại Úc có tính tự lập rất cao, chúng được đào tạo trong môi trường tốt và rất dễ dàng thành công.
Con cái mà nên người trưởng thành, không mè nheo xin xỏ cha mẹ thì bạn sẽ có một tuổi già an nhàn, viên mãn.

“Bốn ngày trong vương quốc Hồi giáo”


Đó là tiêu đề bài viết trên báo Thương mại sau chuyến đi Saudi Arabia vào tháng 5/2005.
Mấy hôm trước đội bóng đang ngự trị trên đỉnh bảng B là Chim ưng xanh Saudi sang tận Úc nhưng không bắt được con Chuột túi nào (huề 0-0). Ngày mai chú Chim ưng có cuộc tỉ thí với Con rồng vàng Việt Nam. Các con rồng đã thua đủ 5 trận lượt đi, nếu họ thức giấc để thắng cả 5 trận lượt về thì vẫn còn cửa (nothing is impossible).
Trở lại chuyến đi 4 ngày, đủ để kể trong ...bốn đêm, bây giờ xin phép kể một chuyện thôi.
Tháng 5, trời bắt đầu nóng, mình lại đi một mình và bay đêm cho mát. “Bạn” bảo sẽ ra sân bay đón nhưng mình không thích, có người đón lại phải đóng bộ rất phiền, mình chỉ muốn ăn mặc xuyềnh xoàng, giá mà trên máy bay không để máy lạnh và sợ cóng chân thì mang dép lê càng tốt.
12 giờ đêm máy bay hạ cánh xuống sân bay Riyadh. Ra vẫy taxi, anh lái hỏi về đâu thì mình nói quên mất tên khách sạn, chỉ nhớ nó nằm cạnh Bộ Công Thương. Anh nêu ra một cái tên, mình bảo đúng rồi đấy.
Thật ra mình chưa book khách sạn, nhưng biết lúc nào cũng có phòng trống. Dù sao vẫn phải cảnh giác, không dám nói chưa có khách sạn.
Sáng hôm sau, ăn vận com lê com táo lội bộ sang Bộ Công Thương. Làm việc xong, mình giả bộ hỏi cô Thư ký Trợ lý Bộ trưởng là Dr. Abdulrahman Zamil còn làm việc ở đây không. Cô ấy trả lời ổng nghỉ hưu rồi.
Mình biết chứ, Abdulrahman từng là Thứ trưởng, được coi là Tỉ phú, và tập đoàn Zamil do ông làm Chủ tịch đang đầu tư hai nhà máy cán thép ở Nội Bài và Đồng Nai.
Cô Thư ký hỏi: anh có muốn gặp Abdulrahman không, ông ấy đang đầu tư vào Việt Nam đấy. Mình đồng ý, cổ gọi điện vào hẹn cho mình vào buổi chiều.
Về khách sạn để cởi bớt quần áo, làm bữa KFC, rồi chạy đi gặp Tỉ phú. Tại trụ sở Zamil, Thường trực kêu mình ra phòng chờ. Phòng chờ treo một cái tivi nhỏ, trên bàn có mấy quyển tạp chí.
Mình vừa lật trang tạp chí đầu tiên thì một người đàn ông hơi nhỏ con so với người Saudi, râu bạc trắng, mặc bộ choàng trắng Ả Rập nhưng không đi dép mà lại đi giày Tây đen bước vào. Đó chính là Abdulrahman!
Ông mời mình vào phòng làm việc. Phòng không lớn như mình hình dung, trên bàn làm việc để một cái thuyền gỗ trang trí và có một bộ sofa nhỏ để tiếp khách.
Tập đoàn Zamil do cha là Abdullah thành lập từ năm 1920, ông anh cả Mohamed tiếp nối, rồi truyền sang Abdulrahman. Báo chí viết gia đình Abdulrahman ở trong ngôi nhà “chỉ có” 300m2 như một bằng chứng cho sự giản dị. Là chủ tịch, nhưng ông có vẻ rảnh rỗi vì mọi việc giao cho CEO làm là chính.
Abdulrahman lấy bằng Tiến sĩ về quan hệ quốc tế tại ĐH Nam California (Mỹ). Ông quan tâm nhiều về tình hình chính trị, kinh tế của thế giới và khu vực và đó cũng là chủ đề ưa thích của chàng. Mình thường chém từ khái quát đến chi tiết, từ lịch sử xa xưa đến chuyện thời sự mới xảy ra.
Ngồi đến 1-2 tiếng đồng hồ thì Abdurahman hỏi: anh đi gì đến đây?
- Tôi đi taxi.
- Thế thì lấy xe của tôi mà đi. Trong mấy ngày ở đây cứ dùng xe, đừng ngại gì cả.
Mình phải nhận lời đến giữ mối quan hệ thân tình.
Cậu lái xe là nhân viên của bộ phận hành chính, còn trẻ, chưa vợ, tiếng Anh không nói được nhiều, lâu ngày mình cũng không nhớ tên nữa. Cậu đưa mình đi mấy ngày liền. Đến ngày cuối chẳng biết đi đâu, đúng ra là chưa kịp hẹn làm việc. Cậu lái hỏi: Ông có muốn về thăm nhà tôi không?
Mình cũng muốn biết gia đình người dân ở đây sống thế nào nên đáp là có. Cậu ta có vẻ mừng, gọi điện về để bố mẹ chuẩn bị đón tiếp.
Gia cảnh trung lưu hoặc thấp hơn, ông bố ra tiếp nhưng không nói được tiếng Anh. Phòng khách không kê bàn ghế mà ngồi bệt luôn xuống đất, có lẽ phong tục của họ coi thế là bình thường. Nhà có đến hơn 1 chục phòng ngủ, cậu ấy giải thích nhà có 13 anh chị em, mặc dù chỉ có một mẹ (cha lấy một vợ mà thôi).
Mấy ngày ở Saudi, điều mà mọi người dễ thấy là đây là một đất nước giàu có. Chẳng thế mà có trên chục triệu người nước ngoài “bám” vào thường trú sinh sống làm ăn. Có dầu lửa mà phá thì chẳng mấy hồi, giàu còn do những con người tài năng, đức độ.
Những thành tựu của bóng đá Saudi Arabia là một bằng chứng về tài năng của người Saudi. Họ ba lần vô địch châu Á, ba lần về nhì. Ở tầm mức thế giới, họ đã năm lần đi World cup, lần này đang dẫn đầu bảng thì rất nhiều khả năng đoạt vé lần thứ sáu.

Australian way

 

Ở Úc, gặp điều gì làm bạn hài lòng, bạn bảo đó là Australian way, ngược lại điều bực bội quá, thì đó không phải Australian way.
Mấy hội đoàn người Việt tại Sydney dạo này lắm chuyện liên quan đến bầu bán lãnh đạo. Cùng ăn rau muống chấm mắm tôm mà nói những lời cay đắng, chẳng văn minh lịch sự gì cả.
Có nghe buôn bán thì không thể thật như đếm, làm chính trị không có chỗ cho sự ngây thơ. Bạn có đá bóng giỏi cũng không dễ gì thắng, nếu không dùng tiểu xảo.
Thói đời vui thì vỗ tay vào, mà rớt thì dậu đổ bìm leo. Bởi vậy bạn phải tìm mọi cách trở thành bên thắng cuộc. Nhưng đâu là ranh giới của khôn ngoan và sự vô đạo đức?
Mới đây nàng thủ hiến Gladys ngã ngựa vì bị lộ thông tin điện thoại với người tình bí mật. Có người cho rằng nghe trộm riêng tư là hành động ghê tởm không chấp nhận được, người khác lại coi đó là việc cần thiết để khui ra chuyện mờ ám.
Ngay bầu cử bên Mỹ, truyền thông và hi tech thiên vị trắng trợn, bỏ phiếu qua thư cũng gây tranh cãi. Vẫn có người bảo là việc nên làm để loại bỏ một Donald Trump thiếu chuyên nghiệp và không xứng đáng.
Thiết nghĩ mục đích của bầu cử nào cũng chỉ là chọn ra được người tốt, có đức có tài. Thời phong kiến không có bầu cử nhưng không thể nói không có người hiền lo việc nước. Thời nay, các chính thể độc tài đâu cần bầu cử, hoặc chỉ bầu cử giả hiệu, họ vẫn có người cầm quyền.
Tất nhiên, bầu cử tự do công bằng vẫn tốt hơn, là mơ ước của mọi người, mặc dù không phải giấc mơ nào cũng thành sự thật.
Chính trị là mưu mô và tàn nhẫn, đó là cái làm mình chán ghét. Một khi suy nghĩ vẫn còn Vietnamese đặc sệt mà đòi chơi kiểu Australian way là chuyện không tưởng. Có đến đời con mình cũng chưa chắc đã làm được.
Cá nhân mình từng tham gia việc đoàn thể từ khi còn rất trẻ. Kể cả bây giờ vẫn có hội hè để cử mình làm chủ tịt hẳn hoi, nhưng mình xin hai chữ bình yên.
Dù sao, một cựu cầu thủ bình loạn về bóng đá thế nào cũng nhiều cảm xúc hơn người chưa hề bao giờ xỏ giày ra sân.

Nhìn lại 11 vòng đấu Ngoại hạng Anh

 

Trước khi tạm nghỉ hai tuần cho đợt thi đấu quốc tế, Ngoại hạng Anh trải qua 11 vòng đấu, tạm coi là giai đoạn khởi động, qua đó lộ diện các ứng viên cho chức vô địch, top 4 để đi dự giải vô địch Châu Âu (CL) và top 7 cho Europa.
Một số điểm đáng chú ý qua 11 vòng đấu:
-Tất cả các đội đều đã từng thua. Hai đội thua ít nhất là Chelsea và Liverpool với 1 trận duy nhất. Như vậy kỷ lục bất bại cả mùa bóng của Arsenal từ 2003-2004 tiếp tục đứng vững thêm một mùa bóng nữa.
-19/20 đội từng thắng ít nhất 1 trận. Riêng Newscatle chưa thắng nhưng không bét bảng mà áp chót vì hòa tới 5 trận.
-Đã có tới 5 HLV bị trảm, trong đó 4/5 đội đứng cuối cùng thay người cầm lái, làm cho cuộc đua trốn suất xuống hạng trở nên sớm sủa.
-Với sự xuất hiện của Conte, HLV mới Tottenham, 4/6 HLV của các đội bóng big 6 có thành tích khủng, từng nhiều lần vô địch Châu Âu và các giải quốc gia.
-Ba đội bóng mới lên hạng Norwich, Watford, Brenford đều rơi vào vùng nguy hiểm, cho thấy khoảng cách giữa các đội bóng Ngoại hạng và hạng vô địch có sự chênh lệch rõ ràng. Sẽ không ngạc nhiên khi ít nhất 2 trong số họ sẽ rớt hạng.
Siêu máy tính Sporting index đã đưa ra dự đoán toàn cục của mùa giải năm nay, theo đó có khá nhiều bất ngờ so với xếp hạng hiện nay, nhưng xem ra cũng có lý.
Về ngôi vô địch, máy tính dự đoán Man city sẽ bảo vệ thành công chức vô địch với 84 điểm, ít hơn 2 điểm so với chính đội này. So với mấy mùa gần đây (trừ mùa năm rồi), điểm số vô địch do cuộc đua song mã Man city – Liverpool đẩy lên cao ngất ngường với 100, 99 và 98 điểm thì này chỉ cần 84 điểm cho thấy các đội phía sau đã tiến bộ rõ.
Đáng kể nhất là Chelsea đã len vào cuộc đua để không phải là song mã nữa mà là tam hùng, hiện họ đang dẫn đầu bảng xếp hạng với 3 điểm vượt hơn Man city. Với 27 vòng đấu nữa thì 3 điểm không là cái gì, nhưng nó vẫn hứa hẹn sự gay cấn đến phút cuối.
Man Utd được dự đoán lọt vào top 4, mặc dù đang đứng thứ sáu, kém đội thứ 5 là Arsenal 3 điểm. Phong độ hiện tại của Arsenal rất ấn tượng nên thú vị ở chỗ lại bị máy tính đánh giá thấp hơn Man Utd.
Trong các đội đại gia, chỉ có hai HLV “cây nhà lá vườn” hầu như chưa có thành công gì đó là Solskjaer và Arteta. Thành tích cao nhất của Sol chỉ là Á quân Europa, còn Arteta là chiếc cup FA. Trong lịch sử, rất hiếm các huyền thoại cũ gặt hái thành công tại các đội bóng cũ, ngoại trừ Cruyff với Barcelona.
Máy tính có lý vì lực lượng Man Utd mạnh hơn hẳn Arsenal. Sức sống mới của Arsenal hiện nay nhờ vào 6 tân binh U23 nhưng đây lại chính là sự mong manh của họ. Arteta hẳn còn nhớ rõ, khi ông ra nhập đội vào năm 2011, Arsenal lúc đó sở hữu đội hình rất trẻ, sung sức từng có lúc ứng viên vô địch nhưng rồi đã tan vỡ rất nhanh. Cầu thủ trẻ rất bốc nhưng tính ổn định mới là điều quan trọng trong cuộc đua đường dài thì họ lại không có.
Đội hình Man Utd đã mạnh nay lại có thêm Ronaldo. Điểm yếu của đội chính là Solskjaer. Cầu thủ cũ mà điều hành đội có nhiều cái khó vì họ mang trong người quá nhiều cảm xúc, rất dễ thiên vị và phiến diện. Thực tế Sol và Arteta đều từng có những sai lầm ngớ ngẩn làm hỏng cả mùa bóng. Còn họ tại vị, Man Utd và Arteta không thể tiến xa, đến như chức vô địch từng có của quá khứ, vào top 4 là mừng rồi.
Trong top 7 năm nay, ngoài big 6, máy tính “chấm” thêm Westham. Cũng hợp lý, trong các ngựa ô của mùa giải năm ngoái Leicester, Anston Villa, Everton đều đã “đứt”, chỉ còn lại Westham đang tạm đứng chễm chệ ở thứ hạng 3. Trong trận đấu cuối cùng của vòng đấu 11 đêm qua, họ đã oanh liệt thắng Liverpool 3-2.
Về cá nhân, Salah của Liverpool chơi rất nổi bật, đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới với 10 bàn, trong khi các chân phút thành danh khác như Ronaldo hay Auba mới có 4 bàn, còn Kane chỉ là 1 bàn duy nhất.


Thứ Năm, 4 tháng 11, 2021

 



Tại sao Mỹ giết TT Ngô Đình Diệm

 

Cách đây tròn 58 năm, một cuộc đảo chính đẫm máu đã diễn ra tại miền Nam Việt Nam, trong đó TT Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã bị giết hại. Trong một thời gian dài, nhiều người thắc mắc ai đã ra lệnh giết hại anh em tổng thống? Nhưng giờ đây điều này không còn là bí ẩn vì sự vụ đã được chính Mỹ bạch hóa là họ đã có mật lệnh làm chuyện này. Câu hỏi bây giờ chỉ là tại sao Mỹ lại giết ông?
Người trực tiếp bắn vào đầu anh em Diệm Nhu là đại úy Nguyễn Văn Nhung. Ba tháng sau, Nhung bị bắt và phải làm tường trình, theo đó, “tướng Thu” giơ hai ngón tay ký hiệu là hạ sát cả hai. Sau khi để lại bản tường trình, Nhung đã “tự tử” tại nhà giam.
Rõ ràng cái chết không minh bạch và bản tường trình cũng mật mờ vì không có ai là “tướng Thu”, và đó là cách để xóa đi dấu vết của người đã ra lệnh cho Nhung. Sau này, mọi người mới biết mật lệnh của CIA, chắc chắn phải có sự phê chuẩn từ tổng thống Kenedy, truyền trực tiếp cho người lãnh đạo đảo chính.
Việc Mỹ ra lệnh hạ sát các nhà lãnh đạo quốc gia không có gì lạ. Gần đây, Hussain của Iraq, Gadahfi của Libya cũng đều đã có hậu vận bi thảm. Nhiều cái chết khác cũng được coi là bí ẩn và có thể bị đầu độc như Hugo Chavez của Venezuela.
Các nhân vật kể trên đều là những người chống Mỹ cuồng nhiệt nhưng đối với TT Diệm là một đồng minh của Mỹ thì quả là phức tạp.
Trong số những người xuất thân từ quan lại thì ông Diệm có lẽ là người duy nhất nói được tiếng Anh. Ông cũng từng sinh sống khoảng 2 năm bên Mỹ. Thành công trong việc phế truất Quốc trưởng Bảo Đại vào tháng 10/1955, chắc chắn ông được sự hậu thuẫn ít nhiều từ phía Mỹ.
Cái chết của Tổng thống nền đệ nhất cộng hòa đã làm suy yếu chính thể miền Nam, dẫn đến sự suy sụp sau đó 12 năm. Bởi vậy, nhiều người nêu giả thuyết nếu ông Diệm còn sống thì cuộc chiến sẽ diễn biến theo hướng khác.
Lịch sự cận đại Việt Nam có ba nhân vật nổi bật, đại diện cho 3 xu hướng chính trị, đó là Bảo Đại, Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Nếu hai trong ba người hợp tác được với nhau thì tình hình sẽ khác. Thực tế, họ đều đã từng làm việc hoặc gặp nhau, nhưng đáng tiếc không tìm được tiếng nói chung.
Bảo Đại và Hồ Chí Minh đã từng làm việc với nhau khi ông Hồ là Chủ tịch và cựu hoàng giữ vai trò Cố vấn tối cao. Rồi khi Bảo Đại làm Quốc trưởng thì đã có giai đoạn bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng.
Việc tan vỡ các mối quan hệ có nhiều lý do nhưng đều có thể rút ra kết luận: người thua thiệt là nhân dân Việt Nam và kẻ được lợi là các thế lực ngoại bang. Thực tế cho thấy các nước lớn rất ưa tìm kiếm và sử dụng các con bài của họ trong việc nhúng mũi vào nội tình các nước nhỏ. Họ rất sợ các chính khách đoàn kết, chí ít là hợp tác với nhau thì như thế họ sẽ không còn ảnh hưởng và thao túng được các nước nhỏ.
Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm đã có cuộc gặp mặt trực tiếp vào tháng 3/1946. Mục đích của cuộc gặp là ông Hồ muốn mời họ Ngô giữ một chân trong Chính phủ liên hiệp. Mục đích đó không đạt, lý do chính là ông Diệm không thể vượt qua “thù nhà” vì anh cả của ông, cựu Thượng thư Ngô Đình Khôi mới bị Việt Minh giết trước đó vài tháng.
Trong cuộc gặp ông Hồ nói không biết gì về chuyện này, ngụ ý ông không ra lệnh việc sát hại, tuy nhiên không thay đổi được chủ ý của ông Diệm. Dù sao, ông Diệm cũng nguôi giận phần nào và nhắc đến ông Hồ một cách khá thiện cảm.
Nhờ vào cuộc gặp này, về sau khi trở thành tổng thống, ông Diệm đã cho liên hệ với Chính phủ Bắc Việt. Thông qua dàn xếp trung gian của Đại sứ Pháp và Đại sứ Ấn Độ, ông Nhu là người trực tiếp có tiếp xúc với đại diện của “những người anh em bên kia”.
Chắc chắn tình báo Mỹ đã phát giác ra sự việc và họ đã nổi giận. Khi xúi giục các tướng lãnh làm đảo chính, người Mỹ đã vu rằng anh em Diệm Nhu chuẩn bị bán nước cho cộng sản!
Về bề nổi, TT Diệm cực lực phản đối việc đưa quân đội Mỹ vào miền Nam vì hiểu nếu như vậy, phía Liên Xô và Trung Quốc cũng sẽ mạnh tay can thiệp vào miền Bắc, làm cho cuộc chiến leo thang.
Có thể coi Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc, ông đã coi tinh thần quốc gia cao hơn lợi ích của phe nhóm. Điều này ông đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Nhập cư Úc hậu Covid: Cơ hội trăm năm có một

 

Hôm nay, mình có dịp đến sân bay Sydney để chứng kiến những cảnh tay bắt mặt mừng “Kỷ nguyên hậu Covid” khi ngày đầu tiên mọi cấm đoán về xuất nhập cảnh được dỡ bỏ đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine. Không biết các chuyến bay khác thì sao, chuyến bay Vietnamairlines có trên 40 người, nhưng không ai bị cách ly cả.
Dự đoán Covid còn nhiều năm nữa mới chấm dứt hoàn toàn, nhưng với Úc, với chỉ số tiêm chủng cao và hệ thống y tế tốt, có thể tin tưởng rằng sẽ không bao giờ có chuyện lockdown trở lại nữa.
“Nước Úc hậu Covid cần thêm hai triệu di dân” là tin đồn thất thiệt? Trong từ điển của mình, không có khái niệm chính thống hay ngụy tề. Mình cũng không quan tâm có văn bản hay chưa bởi vì ngay cả khi ký tá rồi thì vẫn có thể không thực hiện hoặc văn bản bị hủy.
Mỗi người có một cách quan sát, lĩnh hội thông tin riêng, có nhận thức và phán đoán khác nhau. Mình tin chắc rằng nước Úc cần một lượng lớn di dân và phải sẽ có chính sách để phục vụ nhu cầu này.
Người phát ngôn cái tin nhận 2 triệu di dân chính là tân thủ hiến NSW Perrotet. Vì sao lại là Perrotet? Đó là một chàng trẻ tuổi, một ngôi sao đang lên của đảng Tự do cầm quyền. Nhìn chung dân Úc không muốn tăng nhập cư nên các chính khách đều tránh ủng hộ công khai vấn đề di trú. Nhưng đối với một gương mặt mới toanh thì dư luận thường ít khắt khe hơn.
Trên thực tế, sau hai tuần đưa tin, dường như mọi người có vẻ “chấp nhận” việc mở rộng nhập cư. Theo “phương án” Perrotet, trong 5 năm tới mỗi năm Úc nhận thêm 400,000 người.
Vì Covid, số người rời bỏ nước Úc trong gần hai năm qua đã lên tới cả triệu người, gồm những người giữ visa du lịch, du học và làm việc cùng người thân của họ. Đường phố ở vùng ngoại ô thì vẫn bình thường nhưng ở vùng trung tâm thì đã vắng vẻ rõ rệt so với trước Covid. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu nhân công trầm trọng như hiện nay.
Với việc khoảng 1 triệu người chưa xong giấy tờ hồi hương, nếu nhận vào 2 triệu thì thực chất Úc cũng chỉ thêm 1 triệu trong 5 năm tới. Tuy nhiên, chỉ tiêu mấy năm gần đây chỉ có 160,000/năm, mà chỉ thực hiện được phân nửa trong thời gian Covid thì với mức 400,000 người/năm cũng khá lớn.
Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng, trước mắt chính phủ sẽ đưa ra loại visa nông thôn cực kỳ dễ dãi, điều kiện chỉ là tuổi 21-45, tiếng Anh 4.5 IELTS. Nước Úc hạn hán 8 năm liền, bây giờ hết thiếu nước nên trúng mùa lớn, chỉ tội không có người làm.
Thực ra, nếu Úc triển khai ngay việc này vào đầu năm sau thì cũng là chậm chân hơn nhiều so với New Zealand và Canada. Một nước dân số còn ít hơn tiểu bang NSW như New Zealand mới đây đã “biếu không” 165,000 visa là rất nhiều.
Phản ứng thị trường là một yếu tố đáng coi trọng để xem các tin đồn có đúng hay không. Với các động thái siết chặt vay ngân hàng, tăng lãi suất vậy mà giá nhà đất vẫn lên là do đâu, nếu không có lý do cầu tăng hay di dân tăng.
Trong lịch sử đã từng có một số làn sóng di cư vào Úc. Dó các cuộc di cư hậu Thế chiến I, hậu Thế chiến II, hậu Chính sách nước Úc da trắng (The White Australia) với việc nhận thuyền nhân Việt Nam và di dân từ Châu Á. Hy vọng bằng làn sóng hậu Covid, dân số Úc sẽ đủ lớn để có một nước Úc hùng mạnh cả về kinh tế, quân sự và chính trị.

Nguyễn Ngọc Ngạn – Hiện tượng kỳ diệu của làng văn nghệ Việt

 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn sẽ giã từ sân khấu sau show diễn của Thuy Nga Paris vào đầu năm 2022 sắp tới, cũng là năm đánh dấu 30 niên đứng trên sân khấu. Lý do ông đưa ra là vấn đề sức khỏe, nhưng xem ra ở tuổi 76, sức làm việc của ông vẫn còn sung mãn với các tác phẩm mới vẫn nối tiếp ra mắt bạn đọc. Trước đây nhạc sĩ Anh Bằng của Trung tâm Asia còn sáng tác đến trước khi qua đời ở tuổi 90.
Từ hồi Nguyễn Ngọc Ngạn chưa lên sân khấu, ông sang Úc và có buổi gặp mặt với bà con. Một khán giả hỏi, nghe đồn ông là tổ sư nói dóc vậy bây giờ ông có thể kể một câu chuyện để chúng tôi được chứng kiến tận mắt không?
Nguyễn Ngọc Ngạn kể: Sau buổi huấn luyện tân binh, chỉ huy yêu cầu mỗi người lính mới phải lần lượt kể một câu chuyện. Đến phiên anh lính nhà quê, rất thật thà chất phác xin thưa rằng tôi chẳng có chuyện gì cả. Chỉ huy bảo sao không có, ví dụ như chuyện trong nhà cậu, trước khi đí lính cậu làm gì, bố cậu làm gì, ông cậu làm gì chẳng hạn.
Anh lính kể: trước đây tôi bán muối, mỗi ngày bán được 3 ký, bố tôi bán muối, mỗi ngày được 3 ký và ông tôi cũng bán muối, mỗi ngày cũng được 3 ký. Xin hết ạ.
Mọi người cười ồ, chuyện gì mà nhạt như nước ốc.
Cậu lính mới lẩm bẩm: những 9 ký muối còn kêu nhạt.
Một điểm đáng quý của ông Ngạn là đầu óc khôi hài. Thông thường chuyện sex, chuyện tục thì rất dễ chọc cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Ngọc Ngạn không rẻ tiền, tục tĩu mà ông ưa đi vào dạng khó nhất của hài là việc chơi chữ và đây là điều không phải ai cũng làm được.
Ông có trí nhớ khủng khiếp, những chuyện từ xửa từ xưa, đọc một lần vẫn còn có thể kể lại. Trong các đại nhạc hội của Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên nói liên tục 5 giờ đồng hồ, đặc biệt là không có kịch bản và máy nhắc.
Thông thường các Giám đốc, người chịu trách nhiệm trước pháp luật và hình ảnh trước công chúng phải kiểm duyệt nội dung của các MC. Nhưng đối với Nguyễn Ngọc Ngạn thì khác, ông có toàn quyền nói. Ông thường gọi Tổng giám đốc, cô Marie Thủy Tô là “Cháu Thủy”, vậy làm gì còn ai kiểm duyệt được nữa.
Có lần, báo chí phỏng vấn ông Tô Văn Lai, chủ nhân đầu tiên của Thuy Nga Paris rằng có phải nhờ có Nguyễn Ngọc Ngạn mà Thuy Nga Paris ăn nên làm ra và phát đạt hay không? Ông Lai đã khéo léo trả lời, vì thấy Thuy Nga Paris làm ăn đường hoàng mà Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn mới cộng tác!
Thực ra, nếu so sánh những gì ông Ngạn nói trên sân khấu với các tác phẩm văn học của ông thì sẽ thấy “vênh” đôi chút. Biết mục đích chính của Thuy Nga Paris là chuyện làm ăn kiếm tiền nên ông Ngạn đã phải tránh nói đến chính trị vì không muốn làm mất lòng một bộ phận khán giả trong nước, nguồn doanh thu quảng cáo quan trọng.
Ông cho biết, sau khi nghỉ hưu ở Thuy Nga Paris thì ông sẽ tiếp tục viết và đọc truyện trên Youtube. Một câu hỏi mà nhiều người quan tâm là ông có về Việt Nam hay không?
Trước đây đã nhiều người liên hệ với Nguyễn Ngọc Ngạn để mời ông về nước dựng phim cho các tác phẩm, nhưng ông “không có định về”. Lần này, trong phỏng vấn với BBC Việt ngữ, Nguyễn Ngọc Ngạn lại tái khẳng định “không”.
Nguyễn Ngọc Ngạn sinh ra và lớn lên ở Sơn Tây, vô Sài Gòn từ khi lên 9 tuổi, ra hải ngoại đã 43 năm mà chưa một lần trở lại. Ông cho biết ông không về Sài Gòn cũng được nhưng rất muốn về Sơn Tây.
Mình nhớ đến chú Trần Huy Quyền quá cố, nguyên chủ nhiệm báo Việt Nam thời nay, cũng sinh năm 1945, cũng vào Nam năm 1954 rồi sau này định cư tại Úc. Chú về Việt Nam ra Bắc và đến thăm ngôi trường cũ ở Nam Định.
Hôm đó đang nghỉ hè, học sinh nghỉ nhưng các thầy cô đang họp. Một thầy hỏi "có phải đồng chí từ Hà Nội đến chơi?". Khôi hài quá, chú Quyền mới kể là học sinh cũ của trường hồi còn nhỏ xíu!
Nguyễn Ngọc Ngạn cho hay lý do không về Việt Nam vì sợ khi về đi đâu ngoài đường đều có “trẻ con bu vào”. Mình thì không tin đây là "lý do chính", nhưng thôi ông không tiện nói thì cũng đành chịu.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn có lẽ là một trong những người Việt Nam nổi tiếng nhất được đông đảo mọi người ngưỡng mộ và vẫn đang còn sống.

Người hùng 3 trong 1

 

- Ông coi chồng con người ta đi: Giáo sư tiến sĩ, Giám đốc bệnh viện lớn, Đại biểu Quốc Hội.
Mọi người có biết BS Tuấn Bạch Mai ở đâu thì chỉ giùm, để còn mang vợ con đi sơ tán. So với người hùng, những người như mình chỉ như hạt cát, không bằng cái vảy.
1. Anh ấy là nhà khoa học, chuyên môn giỏi.
2. Anh ấy là công chức, cán bộ quản lý.
3. Anh ấy là chính khách.
Giải thích thêm: bên Úc, dân biểu (hạ nghị sĩ) và thượng nghị sĩ được coi là chính khách (politicians). Bên Việt từ Thứ trưởng trở lên (Úc không có chức danh thứ trưởng nha) và đại biểu Quốc Hội đều là "quan to".
Thắc mắc: làm chuyên môn giỏi là đủ "ấm" rồi, đèo bòng làm quản lý chi nữa cho khổ?
Làm quản lý (giống như doanh nhân) thì thôi, chạy sang chính chị chính em làm gì cho tội?
Khó lắm, đã là người làm sao tránh được tham sân si, làm sao xác định được điểm dừng, lòng tham vô đáy mà.
Hơn nữa, một vụ đấu thầu thiết bị thì bao nhiêu con mắt bên trên, bên dưới, chung quanh trông chờ mòn mỏi, có phải một mình giám đốc được hưởng đâu.
Sự đời, ai học được chữ ngờ.

Arsenal trả giá đắt vì so đo tính toán


Trận Arsenal – Crystal Palace đã diễn ra được hai ngày nhưng vẫn còn làm người hâm mộ sôi máu vì sự mất điểm ngớ ngẩn.
Vào trận, tân HLV Vieira của Crystal vắng bóng cầu thủ giỏi nhất Zaha vì chấn thương bất ngờ trước trận. Mọi thứ tiếp tục thuận lợi khi Arsenal ghi được bàn thắng ngay từ phút thứ 8 do công của Auba. Được đá sân nhà với đội yếu hơn, ghi bàn sớm, thông thường các đội mạnh sẽ thừa cơ tràn lên để đè bẹp ý chí phản kháng và ăn gỏi đối phương. Vieira và Arteta đều từng là Pháo thủ và hai ông thừa biết Wenger không bao giờ chơi kiểu “ăn non”, mỗi khi ghi được bàn thắng sớm trước đội yếu thì thường là một trận thắng đậm.
Thật kỳ lạ, Arsenal chơi chậm lại, đưa trận đấu về thế cò cử. Hình như Arsenal chỉ muốn rập rình với tính toán cắn trộm phát nữa, nhưng làm sao phải khổ thế?
Sau giờ nghỉ, HLV Arteta đưa một cầu thủ có khuynh hướng phòng ngự là Lokonga thay cho một cầu thủ tấn công là Saka bị đau nhẹ. Mình cho rằng đây là một quyết định tồi tệ. Phải chăng đó là một thông điệp rằng không cần tấn công mạnh bạo để ghi thêm bàn thắng. Còn đối với các cầu thủ Crystal, họ đã có được cảm giác chơi ngang bằng trong hiệp 1, giờ đây “ông lớn” lại tỏ ra kiêng nể họ?
Một bài học nữa, hai tiền vệ phòng ngự chưa chắc đã an toàn hơn chỉ có một “mỏ neo” duy nhất. Crystal mạnh dạn dâng cao chơi pressing, Partey và Lokonga đã lần lượt mất bóng khi bị “quây”, dẫn đến hai bàn thắng và Crystal vượt lên với tỉ số 2-1.
Đến lúc này, Arteta phải chơi tất tay, đưa hai cầu thủ dự bị hạng sang là Laca và Martinelli vào sân và liên tục gây sức ép. Tuy nhiên bàn gỡ có phần may mắn và một phần ưu ái của trọng tài.
Khi trọng tài cho bù giờ 4 phút thì có nghĩa ông sẽ cắt còi bất kỳ lúc nào trong khoảng phát 94.00 đến 94.59. Arsenal được phạt góc khi đồng hồ đã chỉ quá 94 phút, trọng tài hoàn toàn có quyền thổi kết thúc trận đấu vì chỉ có phạt đền mới cần kéo dài thời gian. Nhưng phạt góc vẫn được diễn ra, Pepe câu bổng vào giữa, hậu vệ Crystal phá ra, lúc này đồng hồ chỉ 94.50, khá đầy đặn để thổi còi, nhưng chưa. Bóng đến chân Pepe, anh lại tâng cầu may vào giữa, bóng lập bập rồi bật đến vị trí của Laca, anh này đã không bỏ lỡ cơ hội để ghi bàn gỡ hòa cho đội trong vài giây cuối cùng!
Sau trận, Arteta vẫn nói cứng rằng hòa không phải may mắn mà phản ánh đúng thế trận. Thật đáng tiếc, đá với một Crystal sứt mẻ đội hình mà chỉ có một thế trận cân bằng thôi sao.
Điều đã qua không thế quay lại, đêm mai, Arsenal lại có một con mồi ngon nữa là Aston Villa. Năm nay Aston mất Grealish chuyển sang Man city nên không còn mạnh và nhà cái cũng đặt cửa cho Arsenal khá lớn.
Điều mà Arteta cần suy nghĩ là có nên điều chỉnh đội hình. Saka hiện là cầu thủ tốt nhất đội nhưng xem ra vẫn chưa có một vị trí cố định, lúc dạt biên phải, trận rồi lại sang biên trái. Nên chăng đưa anh về vị trí “tiền vệ số 8” của Odegaard, người không đạt phong độ cao vào lúc này.
Saka ít bám biên, hơn nữa anh bó vào giữa có lẽ sẽ phát huy được điểm mạnh kỹ thuật lắt léo và những quả chuyền chính xác trong phạm vi hẹp. Biên phải Pepe đang chơi tốt thì nên giữ nguyên, đưa Auba trở lại biên trái, nhường lại vị trí trung phong cho Laca đang có phong độ và nhiều hưng phấn. Kinh nghiệm cho thấy, những cầu thủ sắp hết hợp đồng như Laca thì rất “hungry”.
Vị trí 12 hiện tại của Arsenal rất thấp so với kỳ vọng của fan cũng như thực lực của đội, nếu cơ hội bỏ túi 3 điểm lại bị bỏ lỡ thêm một lần nữa thì chiếc ghế của Arteta chắc chắn sẽ lâm nguy.