Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Có còn ai nhớ đến Mao Trạch Đông


Chỉ còn mấy ngày nữa là tròn 46 năm ngày bác Mao đi xa gặp cụ Mác, cụ Lê (9/9/1976). Sau 46 năm những di sản mà Mao để lại, đó chính là Chủ nghĩa Mao, một hệ thống lý thuyết đồ sộ và Mao còn là người lãnh đạo cao nhất của nước Trung Hoa từ năm 1949 cho đến khi qua đời.
Mao Trạch Đông là một trong những người đầu tiên gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đảng thành lập vào năm 1921 nhưng “chưa đủ tuổi” để làm lãnh đạo. Đối với một xã hội còn mang nặng tư tưởng phong kiến thì một cậu trai mới 28 tuổi, dù trí thức và có năng lực vẫn chưa thế xếp trên những người ở độ tuổi đàn anh.
Đến tận năm 1943, nhóm trí thức trẻ, trong đó có những người đi du học bên Châu Âu về như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đã nổi lên chiếm lĩnh quyền lực trong đảng và tôn phò Mao làm thủ lãnh mới.
Trong cuộc nội chiến Quốc Cộng với phe của Tưởng Giới Thạch, ban đầu phe Mao yếu hơn những dần dần đã chiếm thế thượng phong, Quốc dân đảng phải chạy ra đảo Đài Loan năm 1949. Để có kết quả này phải nói đến sự hỗ trợ hết mình của Liên Xô và cá nhân Stalin đối với Mao, trong khi Tưởng để mất lòng tin của Mỹ.
Một sự thật là nhờ Mao có quan hệ tốt và thuyết phục Stalin thì Liên Xô sau 5 năm mới chịu công nhận Việt Nam DCCH do Hồ Chí Minh đứng đầu vào năm 1950. Dù mới giành được chính quyền, còn nhiều khó khăn nhưng Mao đã nhiệt tình giúp Việt Nam giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện biên phủ 1954.
Do nôn nóng và duy ý chí, “Đại nhảy vọt” với những mục tiêu không tưởng do Mao phát động đã thất bại thảm hại. Hàng chục triệu người Trung Quốc đã bị chết đói, bất mãn dâng cao trong dân chúng và ngay trong Đảng. Vị thế lãnh đạo của Mao bị đe dọa khi nhiều quan chức cao cấp đã công khai lên tiếng chỉ trích Mao.
Đó là Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước, một đồng chí, đồng đội thân thiết lâu năm, sau khi phê phán Mao, Lưu bị cầm tù. Khi Mao vào tù thăm, Lưu đề nghị với Mao xin về làm ông lão nhà quê, từ bỏ mọi tham vọng chính trị. Nhưng Mao tàn nhẫn và quỷ quyệt hơn Lưu tưởng, Mao không thương gì Lưu, thăm Lưu chẳng qua để xoa dịu nỗi bất bình của phe cánh những người ủng hộ Lưu mà thôi. Vì thế, cái kết dành cho Lưu không tránh khỏi là ông bị hành hạ đến chết trong tù.
Đối với nguyên soái Lâm Bưu, Phó Chủ tịch Đảng, được ghi vào trong Điều lệ Đảng là người “kế tục” sự nghiệp của Mao Chủ tịch. Khi đó Stalin đã chết, Khrushchev lên đã “vênh” với Mao và Lâm bị coi là phản bội khi tỏ ra thân với Liên Xô.
Máy bay chở cha con Lâm Bưu trên đường chạy trốn sang Liên Xô đã bị tên lửa bắn tan xác, Mao hủy diệt được một đối thủ đáng gờm. Trong khi Nguyên soái Bành Đức Hoài, Bộ trưởng quốc phòng do chống Mao đã bị đi đày, đấu tố cho đến chết.
Thủ tướng Chu Ân Lai và Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình không bao giờ dám công khai bật lại Mao nên Mao không có cớ đụng đến. Chu dính ung thư, Mao ra mật lệnh không chữa để cho Chu chết. Trong thời gian Chu dưỡng bệnh, Đặng là người xử lý thường vụ nhưng Đặng không được lên thay mà lại là Hoa Quốc Phong, một nhân vật trẻ mới tinh.
Thực ra Mao từng có ý định đưa Giang Thanh, vợ thứ tư kém Mao 21 tuổi làm người kế nhiệm. Tuy nhiên, trong một xã hội vẫn còn trọng nam khinh nữ thì một phụ nữ rất khó nắm quyền lực tối thượng, vì thế Mao mới chuyển sang chọn Hoa, với câu nói nổi tiếng “chú làm việc, ta yên tâm”.
Đó là lý do sau khi lên, Hoa đụng độ với nhóm “bè lũ bốn tên” của Giang, kết cuộc bị Đặng hốt hết luôn, nắm trọn quyền bính.
Mặc dù từng bị Mao hai lần cách mọi chức vụ, may không bị vào lò mà chỉ làm đảng viên bình thường nhưng Đặng đã không thù mà tỏ ra cao tay khi đánh giá về di sản của Mao “vừa có công, vừa có tội”.
Mao quả thật đã tàn ác với những người đồng chí gần gũi nhất của mình nhưng ông không có lựa chọn nào khác để giữ vững quyền lực. Ông muốn đưa Trung Quốc “tỉnh giấc” phát triển nhanh chóng nên đã có những sai lầm và thất bại, nhưng đó cũng chính là những thử nghiệm giúp cho Đặng có thể rút ra bài học kinh nghiệm sau này.
Về đối ngoại, Mao chứ không phải Đặng mới là người khởi xướng cú “quay xe” sang phe Mỹ bằng “ngoại giao bóng bàn”, giúp cho nền kinh tế Trung Quốc tiếp cận được nguồn vốn và kỹ thuật phương Tây để chuyển mình.
Dù có những câu chuyện thêu dệt về đời tư nhưng phải thừa nhận Mao là người sống có ý chí, có sức khỏe sung mãn, trường thọ, ông nổi tiếng chăm đọc sách và chăm viết, xứng đáng là một nhà tư tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét