Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Thế cờ tam quốc diễn nghĩa tân thời

 


Lần thứ ba đến Lều tranh, Lưu Bị mới được gặp và trò chuyện với Gia Cát Lượng Khổng Minh. Khi Lưu Bị khẩn khoản mời Khổng Minh xuống núi và hứa giao toàn bộ binh quyền để mưu việc việc lớn thì Lượng đã từ chối. Lý do mà Khổng Minh đưa ra là thiên hạ sẽ chia ba và theo thế cờ này, số mệnh nhà Hán đã hết.
Thời thế tam quốc lần đầu được nhắc đến trong truyện như sau: Phe Tào đã chiếm được trọn vẹn vùng trung nguyên rộng lớn, đất đai phì nhiêu, dân đông; Phe Tôn chiếm Giang đông, trải xuống cả An Nam ở phía Nam, có Trường Giang hiểm trở, khó Bắc tiến nhưng dễ thủ, như vậy Lưu Bị chỉ còn lại mảnh đất Ba Thục núi đồi khô cằn, lấy đâu ra nhân lực vật lực để thống nhất giang sơn, khôi phục nhà Hán.
Nhưng rồi cảm động với tấm lòng nhiệt thành của Bị mà Lượng đã thử vận may, cố công cố sức 7 lần ra Kỳ Sơn đánh vào đất Ngụy. Người kế nghiệp là Khương Duy cũng nối chí 6 lần tấn công Bắc phạt. Nếu không vì tổng cộng 13 lần hao binh tổn tướng, kiệt quệ tài vật thì nhà Thục chưa chắc đã sụp đổ nhanh như vậy, chỉ truyền được một đời từ Lưu Bị sang Lưu Thiện mà thôi. Nhà Đông Ngô biết thân phận, không hiếu động nên bền hơn, truyền được 4-5 đời thì mới mất nước.
Phải chăng thiên hạ ngày nay cũng chia ba: thế giới dân chủ tự do, thế giới độc tài và thế giới hồi giáo.
Có ba nước Hồi giáo có nền kinh tế mạnh nằm trong G20 là Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia; Pakisstan là nước có vũ khí hạt nhân, một số nước hồi giáo lớn có thể kể như Ai Cập, Nigeria, Algeria, Malaysia, Bangladesh, Iraq và Iran.
Ngoại trừ Iran, các nước Hồi giáo không thể coi là độc tài vì có những sinh hoạt dân chủ ở mức độ nào đó, có báo chí tư nhân công khai, bầu cử nghị viện khá tự do, có hệ thống phát luật và tư pháp tương đối minh bạch.
Sự “tương đối” này để so sánh với khối cộng sản Liên Xô, Đông Âu trước đây và Trung Cộng ngày nay. Với việc sụp đổ hệ thống XHCN cho thấy mô hình quản lý xã hội một cách độc đoán dội từ trên xuống đã không hề “ưu việt”, không mang lại phồn vinh kinh tế và cuộc sống hạnh phúc cho người dân, đã trở nên lỗi thời và bị đào thải.
Những diễn biến gần đây ở Trung Quốc cho thấy nền kinh tế ở nước này đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cho thấy những “cải cách” hay điều chỉnh mang tính cải lương đã không thể khắc phục được những bất cập của thể chế độc tài toàn trị.
Tương tự như vậy là mô hình độc tài cá nhân kiểu Nga, theo đó nền kinh tế thiếu sự sáng tạo năng động, ngày càng phụ thuộc vào việc bán dầu lửa để sống cho qua ngày và đó là con đường đi đến ngõ cụt. Phải chăng đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nhà độc tài Putin có những manh động chẳng giống ai, đẩy nước Nga vào một cuộc chiến vô nghĩa, như cách nói của Einstein “sự ngu xuẩn của con người không có giới hạn”. Những quyết sách sai lầm như thế sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ nhanh hơn chờ đợi.
Theo thời gian, mọi người dễ dàng nhận ra tự do dân chủ có sức hấp dẫn lớn lao về mô hình quản trị cũng như chất lượng cuộc sống. Dòng tài chính và chất xám đang lũ lượt đổ về các nước Phương Tây khiến họ đã mạnh lại càng mạnh hơn.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Khổng Minh được mô tả là một bậc kỳ tài nhưng vẫn không thể cưỡng lại được “mệnh trời” và đây chính là tư tưởng muốn nói của tác giả. Theo ngôn ngữ hiện đại, “ý trời” có thể hiểu là sự vận hành theo quy luật khách quan, thời kỳ dã man giết chóc gươm đao sẽ dần qua, cuối cùng loài người sẽ phải đi theo những tấm biển chỉ đường của trí tuệ.
Việt Nam rất may không rập khuôn mô hình Trung Quốc, chính sách phần nào uyển chuyển tùy theo tình hình thực tế nên đã có những thành tích đáng khích lệ. Cùng với những phản biện mạnh mẽ trên mạng xã hội và mặc dù con đường còn dài, người Việt chúng ta có thể lạc quan cùng nhau hợp tác vì một đất nước tốt đẹp hơn.
Ảnh: cặp bài trùng ỷ sức muốn trái mệnh trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét