Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

CUỘC CHIẾN ĐẤU CÒN TIẾP DIỄN


TT Trump vừa trổ tài diễn thuyết đầy cảm xúc tại Đại hội đồng liên hợp quốc và gây tiếng vang lớn, mà từ đó người ta có thể tìm ra lý do thầm kín về một cuộc chiến với Trung Quốc.

Trong Tam quốc chí, có đoạn Thừa tướng nước Thục mang quân đánh quân Ngụy. Vì cạn quân lương, Khổng Minh buộc phải bí mật ra lệnh lui binh. Mỗi lần binh trại chuyển đi là mỗi lần quân số giảm thiểu mà vì thế số lò bếp cũng giảm theo. Tả hữu hỏi, trong sách Binh pháp của Tôn tử, khi lui binh thì phải giữ nguyên hoặc tăng lò bếp lên, để quân địch không biết là ta giảm quân, tại sao Thừa tướng không làm theo ? Khổng Minh cười, sách đó thì Tư Mã Ý đã thuộc làu rồi, ta cứ giảm lò, làm Ý không hiểu thực hư ra sao thì sẽ không dám truy đuổi.

Nhớ lại cách đây gần hai năm, Trump mới lên cầm quyền đã tỏ ra cứng rắn với rất nhiều nước. Với Nga là trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao, dọa tăng thuế với Mexico, ném bom Syria, đấu khẩu tóe lửa với Kim Jong Ủn, hủy bỏ Hiệp ước với Iran...nhưng rồi thời gian trôi đi, mọi việc có vẻ đâu lại vào đấy.

Đối với Trung Quốc, vấn đề lại khác, không biết đâu là hư, đâu là thực. Trump gặp Tập rất sớm và liên tục, gọi Tập là “my friend”. Thế rồi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn cứ nổ ra. Sau 3 tháng, nền kinh tế Trung Quốc đã chịu những tổn thất nặng nề, dễ thấy chứng khoán rớt thảm hại, đồng tiền mất giá. Một thương nhân có làm ăn với Trung Quốc xác nhận với mình là các nhà máy bên Tàu đã hạ giảm công suất sản xuất, ngõ hầu là nạn thất nghiệp. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu gì xấu đi.

Còn hơn một tháng nữa là kỳ bầu cử lưỡng viện quốc hội Mỹ. Dự báo, đảng Cộng hòa của Trump sẽ tiếp tục giữ đa số ở Thượng viện và Hạ viện và vì thế Trump không cần cuộc chiến thương mại để phục vụ cho chính trị bầu cử. Sau bầu cử mấy ngày là lịch trình các cuộc họp Thượng đỉnh, bao gồm APEC, Đông Á và G-20. Ít nhất Trump và Tập sẽ có một cơ hội để gặp nhau. Biết đâu hai nhà lãnh đạo sẽ nối lại tình bạn và tìm ra được một thỏa hiệp nào đó cho cuộc chiến thương mại. Nếu điều này xảy ra, có thể coi Mỹ đã “ăn non”, Trung Quốc tuy thiệt nhưng cũng mừng vì không bị tổn thất thêm nữa.

Nhưng sự đời không dễ dàng như vậy, và ông Trump cũng không bốc đồng và nông cạn như một số người nghĩ. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tuyên bố, cuộc chiến chỉ chấm dứt với hai điều kiện, Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và không còn tình trạng mất công bằng mậu dịch. Vấn đề sở hữu trí tuệ là “định tính”, hơi khó xác định, nhưng mậu dịch là con số, đó là thâm thủng 375 tỉ USD/năm.

Để mậu dịch cân bằng, về lý thuyết sẽ có ba giải pháp. Thứ nhất là hai con số đều về zero, tức nghỉ chơi với nhau; thứ hai cùng bằng với mức xuất khẩu của Mỹ là 130 tỉ USD; thứ ba, cùng bằng mức xuất khẩu của Trung Quốc là 505 tỉ USD.
Tối ưu nhất là thương mại mỗi bên đạt 505 tỉ USD, nghĩa là Trung Quốc phải mở cửa thị trường 1,4 tỉ dân, điều mà Mỹ và phương Tây mong muốn từ lâu. Để thực hiện điều này không nhanh được vì năng lực tiêu thụ của đa số người dân Tầu còn nghèo khó là khá thấp. Theo hướng này, sẽ đúng với dự đoán của Tỉ phú Jack Ma, chiến tranh kinh tế thương mại sẽ kéo dài 20 năm.

“Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế”. Chiến tranh về kinh tế không thể không dính đến chính trị và quân sự. Đó là điều mà chính quyền Trump đã chuẩn bị để tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 700 tỉ USD vào năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.

Mặt trận chính trị tư tưởng đã được đích thân ông Trump tác chiến. Trong bài phát biểu chật cứng các hàng ghế đại biểu tại Liên hợp quốc, ông đã sỉ nhục chế độ mà Tàu cộng "lựa chọn” bằng những lời lẽ ê chề: “Virtually everywhere socialism or communism has been tried, it has produced suffering, corruption, and decay. Socialism’s thirst for power leads to expansion, incursion, and oppression. All nations of the world should resist socialism and the misery that it brings to everyone”. Ông đã vạch ra cái mà bọn đầu sỏ vẫn tìm cách giấu diếm: Sự thèm khát quyền lực của CNXH đã dẫn đến bành trướng, thôn tính và đàn áp.

Vậy là điều Trump theo đuổi không phải là mấy đồng bạc mậu dịch mà có nguồn gốc sâu xa và cao đẹp hơn nhiều, vì một thế giới bớt đi áp bức, bất công.

Từ lâu, mình đã thích Trump nhưng không sùng bái ông cũng như sùng bái bất kỳ cá nhân nào, vì ai cũng có điểm mạnh điểm yếu và những giới hạn. Nếu ông làm suy yếu chút ít nước Tầu và làm nước Mỹ mạnh thêm phần nào cũng là kỳ tích rồi, chứ bảo ông phải thay đổi hoàn toàn cả thế giới là điều không tưởng.

Các Tổng thống Mỹ đều là những nhà hùng biện, đặc biệt là tại diễn đàn Liên hợp quốc. Điều khác biệt ở Trump là lời nói luôn đi đôi với việc làm? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét