Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

“Nhà hát Con sò” sẽ được xây giữa lòng Hà Nội

 

“Dự kiến” một nhà hát Opera sẽ được xây bên cạnh Hồ Tây, Hà Nội với mục tiêu trở thành “hòn đảo âm nhạc”, một điểm hẹn giao lưu trải nghiệm cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của nhân dân.
Theo như hình ảnh phối cảnh, hình thù của Nhà hát Opera của Hà Nội do Kiến trúc sư người Ý Renzo Piano thực hiện khá giống với Opera House của Sydney, sẽ có sức chứa 3,500 chỗ. Để so sánh, Nhà hát lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Nhà hát Hòa Bình ở Sài Gòn có sức chứa 2,500 chỗ, nhà hát The Palais lớn nhất của Melbourne chứa được 3,000 người. Opera House của Sydney có 4 nhà hát, trong đó phòng concert lớn nhất cũng chỉ đạt sức chứa 2700, tuy nhiên Sydney đã xây thêm Nhà hát ICC có lưu lượng đến 8,000 chỗ.
Vì Úc có dân số nhỏ nên ít Nhà hát lớn, chứ bên Châu Âu, Mỹ, Nhật thì nhiều Nhà hát đã có sức chứa trên 10,000 mà vẫn đôi khi còn không đủ chỗ cho khán thính giả. Một số đại nhạc hội còn phải tổ chức tại sân vận động ngoài trời.
Với góc nhìn như vậy thì xây thêm nhà hát lớn ở Hà Nội là điều cần thiết khi mà thành phố vẫn còn thiếu vắng các địa chỉ dành cho các cuộc trình diễn nghệ thuật.
Trong các ý kiến phản biện, có người cho rằng Nhà hát lớn ở Bờ Hồ được xây từ thời Pháp chỉ có 850 chỗ ngồi mà còn chưa sử dụng hết công suất, vậy xây thêm làm gì. Hoặc địa điểm mới bên Hồ Tây là điểm nút giao thông đi lại không nổi, coi hát xong dễ sáng hôm sau mới về đến nhà. Và hình thù nhà hát Opera bắt chước ý tưởng từ nhà hát Con sò của Úc nhưng trông giống như những “ụ mối”.
Chính quyền quận Tây Hồ đang lấy ý kiến người dân về việc xây dựng nhà hát mới. Trước đây Nhà hát Thủ Thiêm đã từng bị mọi người tranh cãi rất nhiều, mà điểm nhấn khó quên là ý kiến của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh khi cho rằng cần có Nhà hát để phục vụ tầng lớp “tinh hoa” (tức tinh bông).
Hoạt động phòng trà đã và đang nở rộ ở Sài Gòn và Hà Nội, tuy nhiên vẫn chưa có những buổi nhạc hội tầm cỡ, kiểu như Thuy Nga Paris, Asia, hay Vân Sơn đã làm ở hải ngoại những năm qua. Ở đây có “lý do khách quan” là dù dân số gần 100 triệu người, Việt Nam vẫn chưa có những Nhà hát đủ không gian cho các sinh hoạt văn nghệ vùng vẫy.
Nhắc đến Thuy Nga Paris, chúng ta không thể không buồn khi biết tin ông chủ Tô Văn Lai vừa qua đời ở tuổi 85. Có thể nói, từ khi ông Lai mời Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cộng tác cách đây 30 năm thì bộ đôi này chính là linh hồn làm nên sự thành công chói lọi cho một trung tâm âm nhạc, một biểu tượng bảo tồn và truyền bá âm nhạc Việt Nam.
Sau khi khánh thành nhà hát Hòa Bình, với sáng kiến của nhà báo Nguyễn Công Khế, một nhạc hội mang tên “Duyên dáng Việt Nam” đã được tổ chức phỏng theo ý tưởng của Thuy Nga Paris nhưng đã không thành công và đi vào dĩ vãng. Ông Khế nay được biết đã đi định cư tại Mỹ.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, 77 tuổi đã tuyên bố nghỉ hưu vào cuối năm nay, và đây cũng là một tổn thất lớn về nhân sự đối với Thuy Nga Paris. Trong khi đó, Asia, một trung tâm âm nhạc lớn khác cũng gặp những bất đồng nội bộ dẫn đến việc tàn lụi.
Cùng với việc xây dựng Nhà hát mới, hy vọng sẽ xuất hiện những nhà tổ chức tiếp nối, có nhiều nhiệt huyết và tài năng bất kể trong nước hay hải ngoại, để chèo chống con thuyền âm nhạc Việt Nam.
Ảnh phối cảnh Nhà hát Opera Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét