Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Qatar: Từ bán đảo hoang đến nơi hội tụ cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh

 

Nhìn vào bản đồ bán đảo Ả Rập, chúng ta thấy có 7 nước, trong đó Yemen nằm tách biệt sau rặng núi phía Đông Nam, còn lại 6 nước thường được gọi là các nước vùng Vịnh. Mặc dù diện tích nhỏ nhưng dân số Yemen còn lớn hơn tổng dân số có quốc tịch 6 nước cộng lại khi không tính ngoại kiều.
Qatar là một bán đảo nhỏ trong bán đảo lớn nói trên, diện tích chỉ vỏn vẹn 12,000km2 nhưng có nhiều thứ nhất thế giới. Đó là tốc độ tăng dân số nhanh nhất, vào gian đoạn 2006-2008 mỗi năm tăng 20%, chủ yếu tăng cơ học; tốc độ tăng GDP cao nhất khoảng 30% trong cùng thời gian nhờ khí đốt hóa lỏng và là một trong những nước thu nhập bình quân đầu người khủng nhất.
Trong lịch sử, mảnh đất Qatar ngày nay gần như bỏ hoang. Điều kỳ lạ, các du khách phương Tây đến khu vực hầu như không nhắc gì đến Qatar cho đến đầu thế kỷ 18. Lúc này, Qatar vẫn được coi là một phần của Bahrain mặc dù “mẫu quốc” chỉ có diện tích bằng 1/7.
Khoảng giữa thế kỷ 18, gia tộc Al Thani, nay là hoàng tộc của Qatar thuộc bộ lạc du mục Tamim di cư từ trung tâm bán đảo Ả Rập đến đây. Dần dần họ phát triển nghề đánh cá và mò ngọc trai giống như một số vùng biển khác trong vùng Vịnh.
Gia tộc Al Thani đã xung đột với gia tộc Al Khalifa cầm quyền ở Bahrain và đến tận năm 1937 mới chiếm được Zubarah phía tây bắc, hoàn thành việc thu phục bán đảo, nhưng đảo Hawar nằm sát phía tây Qatar đến nay vẫn thuộc về Bahrain.
Qatar, Bahrain và Các tiểu vương quốc UAE đều thuộc xứ bảo hộ của Anh và đều được trao trả độc lập vào năm 1971.
Mình được chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của Qatar khi đến xứ này ba lần vào các năm 2001, 2006 và 2007. Để giải thích sự gia tăng dân số đến 20%/năm là do tính chung cả ngoại kiều, chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh. Họ có thẻ cư trú (resident) nhưng không bao giờ được vào quốc tịch. Người có quốc tịch Qatar chỉ chiếm khoảng 10% tổng dân số.
Visa cư trú được gia hạn mỗi ba năm một cách khá dễ dàng, chỉ cần lấy giấy xác nhận có việc làm từ một công ty nào đó, không cần bằng chứng về trả lương. Trong nhiều trường hợp, các công ty ma lập ra, không hoạt động mà chỉ bán lậu giấy làm visa mà thôi.
Qatar may mắn có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Khi kỹ thuật khí hóa lỏng (LNG) trở nên phổ biến, Qatar đã thu được bội tiền xuất khẩu, cho phép họ mở ra những dự án đầy tham vọng, đồng thời thu nhận ồ ạt lao động nhập cư.
Năm 1995, Thái tử Hamad (sn 1952) lật đổ vua cha Khalifa trong một cuộc chính biến không đổ máu. Điều này không có gì đặc biệt trong khu vực vì trước đó Thái tử Faisal của Saudi cũng lật đổ hoàng huynh Saud năm 1964 và Thái tử Qaboos của Oman chiếm ngôi của phụ hoàng Said năm 1970.
Năm 2013 Hamad nhường ngôi cho con trai thứ tư là Tamim (sn 1980) để trở thành Thái thượng hoàng, mà người ta cho rằng vẫn giữ quyền lực tối thượng sau hậu trường.
Năm 2001 khi mình được dự hội nghị WTO do Qatar đăng cai, vua Hamad vẫn còn trị vì, ông giao tiếp tốt bằng tiếng Anh nhưng khi phát biểu tại hội nghị lại bằng tiếng Ả Rập.
Hamad giữ vai trò quan trọng trong việc vận động để Qatar giành quyền đăng cai World cup 2022. Lúc đó mọi người đều nghĩ Qatar chỉ là nước nhỏ nên ắt phải chia sẻ quyền tổ chức các trận đấu cho các nước láng giềng Saudi hay UAE giống như Úc nhường tổ chứ mấy bảng đấu cho “cô em” New Zealand trong World cup nữ 2023.
Điều bất ngờ đã xảy ra vào năm 2017, các nước Saudi, UAE và Bahrain đã đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Qatar, đồng thời phong tỏa các tuyến đường bộ, đường hàng không đến nước này.
Tất cả các nước trong khu vực đều là đồng minh của Mỹ, luôn hòa nhịp trong lập trường chống Iraq trước đây cũng như trong chiến tranh Ukraine hiện nay. Qatar bị tẩy chay nhưng vẫn giữ vững quan hệ với Mỹ. Chưa biết chừng, chính điều này lại làm chú Sam hài lòng vì khi các nước Ả Rập bất hòa mọi người mới thấy vai trò hòa giải nổi bật của “ông anh cả”.
Mới đây quan hệ của Qatar với các nước láng giềng đã được nối lại, nhưng đã quá muộn để sắp xếp lịch thi đấu ra ngoài Qatar. Người thiệt thòi chính là khán giả, bởi để tránh quá tải, chỉ một lượng du khách có vé mới được nhập cảnh Qatar, trong khi các sân vận động, hầu hết mới xây đều có dung lượng chỗ ngồi khá nhỏ, không quá 40,000 chỗ.
Hoàng gia Qatar chính là chủ nhân của đội bóng Paris Saint Germain với dải ngân hà Messi, Neymar, Mbappe, Ramos và sắp tới rất có thể cả Ronaldo.
Dù cố gắng, Qatar chưa bao giờ giành vé đi dự World cup bóng đá, trong khi các nước Ả Rập khác đã nhiều hoặc một lần làm chuyện đó như Saudi, Ai Cập, Morocco, Algeria, Tuynidia, Kuwait và UAE.
Sau World cup kỳ này, Qatar còn đăng cai một sự kiện lớn thể thao khác là Đại hội thể thao Châu Á ASIAD vào năm 2030.
Chỉ với 3 triệu dân, Qatar đã gia tăng dân số chóng mặt gấp 10 lần trong 40 năm để từ một bán đảo hoang mà trở thành một điểm đến danh tiếng như ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét