Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

Trao đổi: Bao bọc hay làm ngơ?


Hôm rồi, mình nghe đài SBS với tiết mục "mái ấm gia đình". Xướng ngôn viên đã đưa ra tình huống hai thái cực trong việc dạy con. Có quý vị phụ huynh rất "tự hào" khi không bao giờ để ý đến bài vở của con cái, ngược lại một số quý vị khác lại lo từ a đến z, kèm cặp con từng ly từng tí.
Chúng ta có thể hiểu, trong một tổ ấm gia đình rất cần sự vui vẻ thoải mái, lúc nào cha mẹ với con cái cũng mặt nặng mày nhẹ thì để làm gì? Giỏi hay dốt thì cũng thế thôi, mà o ép con cái thì chắc gì chúng đã tiến bộ hơn.
Nhưng nếu cuộc sống buông tả, thiếu mục đích cũng không được. Hậu quả sẽ đi đến đâu nếu cha mẹ nuông chiều những thói quen xấu của chúng. Tuổi niên thiếu là lúc chuẩn bị hành trang vào đời, trong đó học vấn là một trong những hành trang quan trọng nhất.
Chọn bên nào cũng khó, hay là bỏ "phiếu trắng"? Một phụ huynh khi được nhà đài SBS hỏi đã cho hay bà chọn giải pháp trung dung, không nghiêng hẳn về thái cực nào.
Mình cũng là phụ huynh, nhưng không được SBS phỏng vấn và mình lại nghĩ khác. Nói xuôi nói ngược thế nào đều có cái lý của nó và kể cả đứng giữa cũng đúng luôn... về lý thuyết.
Còn trong đời thường, tính nết và khả năng mỗi đứa trẻ một khác. Đối với cháu bản tính thích tự do mà cha mẹ áp đặt quá thì chúng sẽ phản ứng khốc liệt và tiêu cực. Cũng có nhiều cháu là dễ nghe lời và thích gần gũi cha mẹ.
Có cháu tính rất ganh đua, muốn vượt lên hơn người và các cháu khác lại bất cần đời.
Thực tế, mặc dù thiểu số nhưng vẫn có cháu chăm học và rất tự giác nên không cần thiết cha mẹ phải đôn đốc, đặt chiếc roi cạnh bàn học. Ngược lại có đứa mải chơi và chỉ quan tâm đến các thú vui của chúng.
Qua thời gian, các cháu dần dần khôn lớn và có trách nhiệm hơn, không loại trừ khả năng trở nên bất trị.
Mình cho rằng cháu nào lười học và không muốn học thì không nên ép. Thông thường chỉ những ai tìm ra được ít nhiều niềm vui trong học tập thì mới có thể học tốt.
Học mà phải chịu đựng quá thì khó tiến bộ và nên tìm con đường khác vì ở Úc luôn có nhiều cơ hội để thành công, trở thành người có ích cho xã hội theo những cách khác nhau.
Một trong những "ưu việt" ở các trường bên Úc là sĩ số các lớp học thấp, trường công chỉ cs 25-30 cháu/ lớp, trường tư còn ít nữa, chỉ có phân nửa. Điều đó cho phép "tailoring" uốn nắn cho từng cá nhân các cháu.
Nghiêm khắc hay không chỉ có thể phát huy tác dụng nếu nó phù hợp với từng đứa trẻ. Điều chúng ta phải chăng suy tính tâm niệm là làm sao xây dựng hứng thú cho học tập và cuộc sống, giúp các con tự tin, tự giác và tự chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét