Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Chỉ có ăn và mần

 


Mỏ dầu ở Nam cực mới phát hiện chứng minh năng lượng hóa thạch chưa cạn kiệt

 

Mới đây, các nhà khoa học Nga đã tìm ra mỏ dầu khổng lồ ở vùng lãnh thổ Nam cực của nước Anh với trữ lượng lên đến 511 tỉ thùng, nghĩa là xấp xỉ bằng tổng số dầu lửa các nước Trung Đông. Đáng chú ý dầu lửa Nam cực chỉ từ một túi dầu duy nhất, điều này sẽ dễ dàng cho việc khai thác.
Mọi người đều biết các nhà đấu tranh môi trường đòi chuyển đổi năng lượng từ năng lượng của nhiên liệu hóa thạch như dầu lửa, khí đốt, than đá sang các loại năng lượng khác như năng lượng mặt trời, gió, nước, kể cả dùng pin cho xe hơi. Lý lẽ của họ gồm hai luận điểm chính:
1. Tránh việc khí hậu ấm lên
2. Năng lượng hóa thạch sắp cạn kiệt
Về vấn đề khí hậu trái đất ấm lên được nên quy cho việc sử dụng năng lượng hóa thạch vẫn chỉ là giả thiết, chưa có bằng chứng khoa học thật sự thuyết phục. Một số học giả vẫn cho rằng khí hậu ấm lên chủ yếu do chu kỳ tự nhiên.
Còn lý do năng lượng hóa thạch cạn kiệt thì nay cũng có thể bác bỏ, với việc khai thác dầu phiến đá ở Mỹ hiện nay hay dầu cát tại Canada sắp tới và một mỏ dầu khủng tại Nam cực có thể tính đến trong tương lai.
Như vậy, thay vì gấp rút chuyển đổi sang “năng lượng sạch” thì nay con người có thể từ tốn tính xem nên khai thác và sử dụng lợi ích tài nguyên “truyền thống” làm sao cho hữu hiệu nhất?
Hiện có 7 nước tuyên bố chủ quyền tại Nam cực, Châu lục có diện tích lên đến 14 triệu km2 không tính nước đá nhưng chưa có người ở. Đáng chú ý Mỹ lại không có “mảnh” nào vì vì thế không lạ khi Mỹ và các nước không công nhận về danh nghĩa chủ quyền mà các nước đã nhận.
Bên cạnh đó, theo một thỏa thuận quốc tế có hiệu lực từ năm 1998, không nước nào được phép khai thác tài nguyên tại Nam cực trong vòng 50 năm. Có nghĩa là đến năm 2048 sẽ hết hạn cấm, lúc đó các phương tiện kỹ thuật sẽ tân tiến hơn bây giờ nhiều cho phép con người “đụng” vào Nam cực mà có thể giảm thiểu các rủi ro về môi trường.
Úc là nước có lãnh địa lớn nhất ở Nam cực với 42% diện tích, nhưng “túi dầu” lại nằm tại lãnh địa nước Anh.
Để ý một điều, Anh có một vùng lãnh thổ hải ngoại nằm gần với Nam cực, đó là quần đảo Falkland mà theo tiếng Tây Ban Nha là Malvinas. Năm 1982 một cuộc xung đột quân sự đã nổ ra giữa Argentina và Anh nhằm tranh chấp quần đảo thuộc Anh nhưng lại nằm kế bên với lãnh thổ Argentina.
Có lẽ vì những lợi ích lâu dài nên Anh Quốc, lúc đó dưới thời nữ Thủ tướng Thatcher, đã kiên quyết dùng các giải pháp mạnh nhất để giữ bằng được Falkland.
Anh, Mỹ và Úc hiện cùng nằm trong liên minh AUKUS, dự kiến sẽ mở rộng thêm Nhật Bản và New Zealand. Hãy thử tưởng tượng: Mỹ có công nghệ khai thác, Nhật và Anh là hai nước khát tiêu thụ, Úc và NZ có vị trí gần giũi để làm hậu cần thì có lẽ túi dầu Nam cực sẽ là nguồn cung cấp dầu lửa chính của thế giới sau khi các túi dầu Trung Đông xẹp lép.
Mặc dù có Falkland nhưng quần đảo này chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự chứ với 3500 dân thì nó không có khả năng tiếp viện được gì cả.
Biết đâu lúc đó sẽ diễn ra một cơn sốt đi Nam cực từ Úc giống như cơn sốt đi tìm vàng ở tân thế giới vào thế kỷ 19.
24 năm nữa, lúc đó nếu còn sống thì mình đã quá già, không làm gì được và cũng không kịp hưởng những thành tựu của túi dầu khổng lồ mang lại, cũng không sao...

Mồm miệng đỡ chân tay

 

Khi trò chuyện với nhau về bọn trẻ du học sinh mướn nhà, mấy người bạn của mình đều có chung nhận xét chúng sống khép kín quá, lúc nào cũng đóng chặt cửa phòng ngủ tít mít, không giao tiếp gì hết. Tụi mình hiểu các bạn trẻ ở trong phòng vẫn dùng phone để giao lưu với thế giới bên ngoài.
Một phụ huynh kể muốn con học cao đẳng cho đỡ tốn kém nhưng vì nó sĩ diện với bạn bè ở Việt Nam nên đòi học đại học bằng được. Sang Úc rồi mà vẫn bị “điều khiển” từ xa như vậy thì không hay chút nào.
Nhớ lại mình mới vào năm thứ nhất đại học KTQD, trường hồi đó học cả sáng lẫn chiều, buổi trưa phải mang theo cặp lồng đi ăn. Lúc đó, mình có vấn đề về tâm lý sợ giao tiếp nên cứ ăn một mình mà không thể ngồi ăn chung với chúng bạn.
Về sau, bạn bè nhận xét khả năng giao tiếp của mình tiến bộ rất nhiều. Khi bắt đầu sang Úc, mình thấy nhiều du học sinh Việt Nam không có việc làm. Có anh tâm sự, học bổng được đồng nào thì trả tiền gọi điện về cho vợ con hết, muốn đi làm để có cái tiêu mà không kiếm được việc, trong khi mình mới sang đã có việc làm ngay.
Ủi tay là một kỹ thuật khó, mình thấy mọi người ủi rất nhanh và đẹp còn mình thì vừa xấu vừa chậm, nhưng vẫn không bị đuổi. Chú chủ hãng ủi (tội nghiệp, chú ấy mất rồi) kêu đi cùng giao hàng chứ thực ra chú đi một mình cũng được.
Chú thuộc bên "cờ vàng", vượt biên đã lâu mà chưa bao giờ về Việt Nam nhưng lại rất thích nghe kể chuyện trong nước những lúc đi xe dọc đường. Cái đó thì mình rất sẵn thậm chí là những chuyện tiêu cực rất hợp tai chú, nói một cách chân thật chứ không hề dối trá.
Cá nhân mình và bà xã đã từng là du học sinh nên rất hiểu những áp lực, chuyện đi học, chuyện đi làm và còn áp lực giấy tờ visa nữa. Càng ngày càng khó khăn, hồi xưa chăm chỉ thì dư tiền, còn bây giờ chăm đến mấy vẫn chẳng bao giờ có gì giắt lưng.
Mọi người thường nói, muốn thành công thì phải Chuẩn bị, Chuẩn bị và Chuẩn bị. Để đi du học thì trước tiên phải có sức khỏe. Sức khỏe bình thường chưa đủ mà phải là trên mức trung bình. Tiếng Anh phải giỏi và tài chính phải “có điều kiện”.
Những cái đó có lẽ vẫn chưa phải quan trọng thiết thực nhất. Theo mình, điều mà các cháu rất cần là kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp là chìa khóa để hòa nhập với cộng đồng và cuộc sống mới và chỉ khi hòa đồng với mọi người thì mới có thể vui vẻ yêu đời, từ đó học tốt và làm gì cũng tốt.
Đến trường, nhiều du học sinh ngồi túm tụm cuối góc giảng đường. Khi thầy cô giáo hỏi bài thì chỉ có tụi sinh viên bản xứ trả lời và thảo luận. Vậy thì làm sao đòi học giỏi được?
Một bạn du học sinh kể ghét cái bà hàng xóm, chẳng quen biết gì cũng gạ nói chuyện. Đến trường lớp thì ghét thầy cô giáo, đi làm thì ghét đồng nghiệp. Lý do là họ suy nghĩ khác mình quá, cách xã giao nói năng cũng khác luôn.
Khác biệt là quý, nhưng vẫn cần sự cảm thông, chia sẻ trong môi trường mới. Bạn muốn có PR hay quốc tịch để làm gì nếu không thể kết bạn mới, không thể tìm và giữ được việc làm và hòa đồng với mọi người?
Trong chừng mực nào đó, sức khỏe, tiếng Anh và tiền bạc khó “cố gắng” hơn khả năng giao lưu vì giao tiếp chẳng qua là chỉ việc chúng ta chịu cởi mở, chịu gặp và trò chuyện với mọi người. Bạn sẽ trở thành một người nói chuyện hấp dẫn nếu bạn biết lắng nghe, quan sát và nhạy cảm.
Cha mẹ chúng ta thường khuyên đừng nói nhiều vì sợ chúng ta nói dở nói dại, nhưng khi sang đây bạn sẽ nhận ra rằng văn hóa Úc khoái nói nhiều và cũng thích người chịu chia sẻ, chịu giao tiếp. Đó là điều các bạn trẻ hoàn toàn có thể thích ứng được.

Mồm miệng đỡ chân tay (Bis)
Trong bài kỳ trước, mình khuyên các bạn trẻ nên chú trọng hơn ký năng giao tiếp (communication). Nếu mình làm giỏi mà không biết cách làm cho mọi người biết thì "áo gấm đi đêm”, quả đáng tiếc.
Vấn đề ở đây không chỉ là mở miệng, mở lời mà việc mở lòng (open mind). Bạn mở cửa (m ình) thì sẽ mở hết hay mở đến cỡ nào?
Nơi mình định cư tại Úc, nhảy việc là chuyện thường xuyên, bạn rất muốn biết mức thu nhập từng lĩnh vực việc làm ra sao để còn quyết định nhảy nhót cho chuẩn. Có điều những người đi trước lại ít chia sẻ thông tin về chuyện này. Đối với mình, ai mà còn giấu mức lương thì mình chưa coi người đó là bạn.
Một cậu bạn hỏi giá mua nhà của mình và còn nợ ngân hàng bao nhiêu. Mình nói đùa, ông làm con tính trừ để xem tài sản của tôi thế nào phải không. Hơi khó, vì của nả bên nội bên ngoại vẫn còn, rồi biết đâu con cái tôi sau này lại cho tôi tiền nữa, làm sao mà tính được!
Trong Tam quốc chí, Tào Tháo tự nhận mình là người lắm mưu “ta đây cũng như người bình thường, chẳng ba đầu sáu tay gì, chỉ có lắm mưu mẹo mà thôi”. Miếng võ ở đây là ăn nói nửa chừng để cho người ta nửa mừng nửa lo. Hoặc nói thì nói những điều vô thưởng vô phạt, không có nội dung và rất ít giá trị thông tin.
Hay thì học, khả năng giao tiếp tụi Tây cực giỏi. Tụi chúng tôn trọng người nghe và thường biết cách nói ra những điều mọi người thích nghe. Ai học tiếng Anh thì biết, cùng từ ngữ như nhau mà ngữ điệu khác nhau thì ý nghĩa cũng khác rất nhiều. Tụi nó còn rất ưa sử dụng ngôn ngữ thân thể nữa (body language).
Bạn có thể chê nước Mỹ không còn ai để mang hai ông già (Biden và Trump) gần đất xa trời ra làm tổng thống. Xin thưa đó là cách suy nghĩ hình thức khuôn mẫu, khi chọn nhân sự chỉ dựa vào tuổi tác hoặc số lượng bằng cấp, nhưng lại không kê ra học ở đâu và khi nào; hoặc đồn đoán là ông ta thân Tàu hay thân Mỹ.
Phương Tây thì khác, nhiều chính khách như Obama hay Trump đều đã viết vài đầu sách trước khi làm tổng thống. Sách không phải để biểu diễn khả năng sử dụng ngôn ngữ mà quan trọng hơn là truyền bá "tư tưởng” của tác giả, cách nhìn nhận về thế giới và con người. Lựa chọn người cầm cân nảy mực không phải là vấn đề chọn tuổi, chọn sắc đẹp mà là những nội dung thiết thực về đường hướng, tính khả thi hết sức chi tiết và tỉ mỉ về chính sách đối nội và đối ngoại đã được phản biện lật lên lật xuống.
Khi đi mua đồ, bạn thường chọn sản phẩm mà bạn hiểu rõ hay mua thứ mà bạn chưa biết nó có công dụng gì? Tương tự như vậy, nếu bạn muốn được lựa chọn để làm người vợ, người chồng tương lai, muốn được kết bạn, muốn có việc làm, muốn được thăng tiến trong công việc...thì đều cần làm hấp dẫn mọi người về "chất" của mình. Ở chiều ngược lại, bạn là người chủ động thì cũng vậy thôi, có tương tác, giao lưu thì mới “nên xuân”.
Giao tiếp không phải là nói như con vẹt, đó là đối nhân xử thế, là "đẳng cấp" của mỗi người trong chúng ta.

Thuyết âm mưu: Ván bài chiến lược mới

 

Xe hơi điện là một cú lừa thế kỷ? Mặc dù chưa thể đoan chắc gì về tương lai của xe điện nhưng một thực tế đang diễn ra là xe điện đang gia tăng tỉ lệ trong xe hơi và có giá trị tuyệt đối ngày càng khủng.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang chơi một canh bạc đối với xe điện khi nước này đã vượt lên trong cuộc đua về sản xuất loại hàng mới mẻ này. Đây cũng là điều không ngạc nhiên khi chúng ta nhìn nhận rằng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc thì sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến những thay đổi về chất.
Đất nước tỉ dân bắt đầu có một cuộc chuyển hóa từ việc sản xuất những mặt hàng dễ dãi, công nghệ thấp như may mặc, giày dép, hàng gia dụng...để tiến lên những mặt hàng có giá trị tri thức nhiều hơn, công nghệ cao cấp hơn như xe điện kể trên, hay sản phẩm sắt thép, viễn thông và các loại dịch vụ.
Ai cũng biết Trung Quốc là đối thủ tiềm năng của Mỹ và việc nước này lớn mạnh cũng có nghĩa là một trật tự kinh tế mới trên toàn cầu sẽ được xác lập theo đó nền văn minh phương tây không còn giữ vai trò thống trị độc tôn như hiện nay.
Vậy Mỹ và phương Tây có thể làm gì và có những lựa chọn nào nhằm bao vây và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc?
Mỹ đã thông báo đánh thuế 100% vào xe điện Trung Quốc, Châu Âu cũng có thể hành động tương tự như vậy. Trong điều kiện thị trường, doanh nghiệp sẽ phá sản nếu thua lỗ, giá bán thấp hơn giá thành. Nhưng ở Trung Quốc thì khác, bằng cách này hay cách khác Chính phủ có rất nhiều tiền để bù lỗ và can thiệp thì mức thuế nào vẫn có thể giải quyết được.
Trong thể chế chưa có công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi người lao động, quyền lợi quan trọng nhất là mức lương thì người công nhân dễ dàng bị bóc lột thậm tệ để các ông chủ thu những khoản lợi nhuận kếch xù. Lúc đó đến lượt chính phủ sẽ có cách trấn lột hay tịch thu tài sản các đại gia dưới vỏ bọc đả hổ diệt ruồi. Ngoài ra, chính quyền còn có nguồn thu quan trọng khác là bán đất với cơ chế sở hữu đất đai toàn dân.
Mặt khác, Mỹ và phương Tây chắc hẳn cũng không muốn quay lại với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch làm thị trường thế giới bị chia cắt, gây ra những hệ lụy nguy hiểm về chính trị, dễ dẫn đến chiến tranh và bạo lực. Do đó giải pháp về quan thuế chưa phải là tốt nhất và cần có phương cách khác tốt hơn.
Một số người bạn của mình nêu hiện tượng các nước nhận nhiều di dân như Mỹ, Úc, Canada...đang đồng loạt siết chặt vấn đề nhập cảnh, gồm cả ba dòng chảy định cư, du học và du lịch. Ở Úc việc cắt giảm định cư còn phân nửa được cả hai phe chính phủ và đối lập nhất trí cao.
Về du học, báo Úc đưa tin Đại học Sydney, Đại học lâu đời nhất của Úc đã có tới 45% sinh viên ngoại quốc. Nếu tính về số người lên lớp thực tế thì con số này còn cao hơn vì phần nhiều sinh viên địa phương học bán thời gian. Mục đích của cách đưa tin này nhằm để chính phủ hạ giảm visa du học.
Về visa du lịch cũng cực kỳ khó khăn, theo một nguồn khảo sát, tỉ lệ người quốc tịch Việt Nam rớt thị thực lên đến 70%, một tỉ lệ kinh hoàng nếu so sánh với số liệu những năm qua.
Có thể hiểu Úc và Canada hòa nhịp trong dàn nhạc do Mẽo làm nhạc trưởng. Với hiệp ước NAFTA, Canada đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ. Còn hiệp định Aukus cho phép Úc được nhận công nghệ Mỹ để sản xuất tàu ngầm hạt nhân.
“Trăm dâu đổ vào đầu tằm”, những rào cản này có lẽ nhắm chính đến người Tàu. Khi chuyển đối sang sản xuất công nghệ cao, tất yếu dẫn đến sa thải và thất nghiệp, vì thế rất cần “đầu ra” định cư, du học hoặc du lịch. Khi đầu ra bị chặn cũng là cách để việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế phải bị kìm hãm.
Ở Trung Quốc, chỉ cần tỉ lệ thất nghiệp 10% thì con số đã lên đến hàng trăm triệu người tràn ra đường làm loạn. Rõ ràng đây là một bài toán mà chính quyền Trung Quốc phải tính đến để không dám mạo hiểm.
Một câu chuyện cũ, nguyên nhân đội quân triệu người và hàng trăm máy bay xe tăng của Iraq nằm im không chịu đánh lại quân Mỹ trong cuộc chiến 2003 đã được giải thích là do các tướng lĩnh Iraq đã bị Mỹ mua chuộc. Họ không thiếu tiền thì có thể dụ bằng cách nào? Bằng thẻ xanh và quốc tịch Mỹ an toàn cho cả gia đình.
Ván bài lật ngửa ở đây là sau khi vét đầy túi tham thì một bộ phận có điều kiện rất muốn tìm một nơi đáng sống để làm người tử tế.
Mỹ và phương Tây chặn con đường đi ra chắc chắn là điều mà chính quyền Trung Cộng sợ nhất.