Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Mồm miệng đỡ chân tay

 

Khi trò chuyện với nhau về bọn trẻ du học sinh mướn nhà, mấy người bạn của mình đều có chung nhận xét chúng sống khép kín quá, lúc nào cũng đóng chặt cửa phòng ngủ tít mít, không giao tiếp gì hết. Tụi mình hiểu các bạn trẻ ở trong phòng vẫn dùng phone để giao lưu với thế giới bên ngoài.
Một phụ huynh kể muốn con học cao đẳng cho đỡ tốn kém nhưng vì nó sĩ diện với bạn bè ở Việt Nam nên đòi học đại học bằng được. Sang Úc rồi mà vẫn bị “điều khiển” từ xa như vậy thì không hay chút nào.
Nhớ lại mình mới vào năm thứ nhất đại học KTQD, trường hồi đó học cả sáng lẫn chiều, buổi trưa phải mang theo cặp lồng đi ăn. Lúc đó, mình có vấn đề về tâm lý sợ giao tiếp nên cứ ăn một mình mà không thể ngồi ăn chung với chúng bạn.
Về sau, bạn bè nhận xét khả năng giao tiếp của mình tiến bộ rất nhiều. Khi bắt đầu sang Úc, mình thấy nhiều du học sinh Việt Nam không có việc làm. Có anh tâm sự, học bổng được đồng nào thì trả tiền gọi điện về cho vợ con hết, muốn đi làm để có cái tiêu mà không kiếm được việc, trong khi mình mới sang đã có việc làm ngay.
Ủi tay là một kỹ thuật khó, mình thấy mọi người ủi rất nhanh và đẹp còn mình thì vừa xấu vừa chậm, nhưng vẫn không bị đuổi. Chú chủ hãng ủi (tội nghiệp, chú ấy mất rồi) kêu đi cùng giao hàng chứ thực ra chú đi một mình cũng được.
Chú thuộc bên "cờ vàng", vượt biên đã lâu mà chưa bao giờ về Việt Nam nhưng lại rất thích nghe kể chuyện trong nước những lúc đi xe dọc đường. Cái đó thì mình rất sẵn thậm chí là những chuyện tiêu cực rất hợp tai chú, nói một cách chân thật chứ không hề dối trá.
Cá nhân mình và bà xã đã từng là du học sinh nên rất hiểu những áp lực, chuyện đi học, chuyện đi làm và còn áp lực giấy tờ visa nữa. Càng ngày càng khó khăn, hồi xưa chăm chỉ thì dư tiền, còn bây giờ chăm đến mấy vẫn chẳng bao giờ có gì giắt lưng.
Mọi người thường nói, muốn thành công thì phải Chuẩn bị, Chuẩn bị và Chuẩn bị. Để đi du học thì trước tiên phải có sức khỏe. Sức khỏe bình thường chưa đủ mà phải là trên mức trung bình. Tiếng Anh phải giỏi và tài chính phải “có điều kiện”.
Những cái đó có lẽ vẫn chưa phải quan trọng thiết thực nhất. Theo mình, điều mà các cháu rất cần là kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp là chìa khóa để hòa nhập với cộng đồng và cuộc sống mới và chỉ khi hòa đồng với mọi người thì mới có thể vui vẻ yêu đời, từ đó học tốt và làm gì cũng tốt.
Đến trường, nhiều du học sinh ngồi túm tụm cuối góc giảng đường. Khi thầy cô giáo hỏi bài thì chỉ có tụi sinh viên bản xứ trả lời và thảo luận. Vậy thì làm sao đòi học giỏi được?
Một bạn du học sinh kể ghét cái bà hàng xóm, chẳng quen biết gì cũng gạ nói chuyện. Đến trường lớp thì ghét thầy cô giáo, đi làm thì ghét đồng nghiệp. Lý do là họ suy nghĩ khác mình quá, cách xã giao nói năng cũng khác luôn.
Khác biệt là quý, nhưng vẫn cần sự cảm thông, chia sẻ trong môi trường mới. Bạn muốn có PR hay quốc tịch để làm gì nếu không thể kết bạn mới, không thể tìm và giữ được việc làm và hòa đồng với mọi người?
Trong chừng mực nào đó, sức khỏe, tiếng Anh và tiền bạc khó “cố gắng” hơn khả năng giao lưu vì giao tiếp chẳng qua là chỉ việc chúng ta chịu cởi mở, chịu gặp và trò chuyện với mọi người. Bạn sẽ trở thành một người nói chuyện hấp dẫn nếu bạn biết lắng nghe, quan sát và nhạy cảm.
Cha mẹ chúng ta thường khuyên đừng nói nhiều vì sợ chúng ta nói dở nói dại, nhưng khi sang đây bạn sẽ nhận ra rằng văn hóa Úc khoái nói nhiều và cũng thích người chịu chia sẻ, chịu giao tiếp. Đó là điều các bạn trẻ hoàn toàn có thể thích ứng được.

Mồm miệng đỡ chân tay (Bis)
Trong bài kỳ trước, mình khuyên các bạn trẻ nên chú trọng hơn ký năng giao tiếp (communication). Nếu mình làm giỏi mà không biết cách làm cho mọi người biết thì "áo gấm đi đêm”, quả đáng tiếc.
Vấn đề ở đây không chỉ là mở miệng, mở lời mà việc mở lòng (open mind). Bạn mở cửa (m ình) thì sẽ mở hết hay mở đến cỡ nào?
Nơi mình định cư tại Úc, nhảy việc là chuyện thường xuyên, bạn rất muốn biết mức thu nhập từng lĩnh vực việc làm ra sao để còn quyết định nhảy nhót cho chuẩn. Có điều những người đi trước lại ít chia sẻ thông tin về chuyện này. Đối với mình, ai mà còn giấu mức lương thì mình chưa coi người đó là bạn.
Một cậu bạn hỏi giá mua nhà của mình và còn nợ ngân hàng bao nhiêu. Mình nói đùa, ông làm con tính trừ để xem tài sản của tôi thế nào phải không. Hơi khó, vì của nả bên nội bên ngoại vẫn còn, rồi biết đâu con cái tôi sau này lại cho tôi tiền nữa, làm sao mà tính được!
Trong Tam quốc chí, Tào Tháo tự nhận mình là người lắm mưu “ta đây cũng như người bình thường, chẳng ba đầu sáu tay gì, chỉ có lắm mưu mẹo mà thôi”. Miếng võ ở đây là ăn nói nửa chừng để cho người ta nửa mừng nửa lo. Hoặc nói thì nói những điều vô thưởng vô phạt, không có nội dung và rất ít giá trị thông tin.
Hay thì học, khả năng giao tiếp tụi Tây cực giỏi. Tụi chúng tôn trọng người nghe và thường biết cách nói ra những điều mọi người thích nghe. Ai học tiếng Anh thì biết, cùng từ ngữ như nhau mà ngữ điệu khác nhau thì ý nghĩa cũng khác rất nhiều. Tụi nó còn rất ưa sử dụng ngôn ngữ thân thể nữa (body language).
Bạn có thể chê nước Mỹ không còn ai để mang hai ông già (Biden và Trump) gần đất xa trời ra làm tổng thống. Xin thưa đó là cách suy nghĩ hình thức khuôn mẫu, khi chọn nhân sự chỉ dựa vào tuổi tác hoặc số lượng bằng cấp, nhưng lại không kê ra học ở đâu và khi nào; hoặc đồn đoán là ông ta thân Tàu hay thân Mỹ.
Phương Tây thì khác, nhiều chính khách như Obama hay Trump đều đã viết vài đầu sách trước khi làm tổng thống. Sách không phải để biểu diễn khả năng sử dụng ngôn ngữ mà quan trọng hơn là truyền bá "tư tưởng” của tác giả, cách nhìn nhận về thế giới và con người. Lựa chọn người cầm cân nảy mực không phải là vấn đề chọn tuổi, chọn sắc đẹp mà là những nội dung thiết thực về đường hướng, tính khả thi hết sức chi tiết và tỉ mỉ về chính sách đối nội và đối ngoại đã được phản biện lật lên lật xuống.
Khi đi mua đồ, bạn thường chọn sản phẩm mà bạn hiểu rõ hay mua thứ mà bạn chưa biết nó có công dụng gì? Tương tự như vậy, nếu bạn muốn được lựa chọn để làm người vợ, người chồng tương lai, muốn được kết bạn, muốn có việc làm, muốn được thăng tiến trong công việc...thì đều cần làm hấp dẫn mọi người về "chất" của mình. Ở chiều ngược lại, bạn là người chủ động thì cũng vậy thôi, có tương tác, giao lưu thì mới “nên xuân”.
Giao tiếp không phải là nói như con vẹt, đó là đối nhân xử thế, là "đẳng cấp" của mỗi người trong chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét