Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

MIỀN TÂY VẪY GỌI


Lần thứ ba trong vòng ba năm rưỡi, cả nhà mình đi chơi miền Tây của tiểu bang NSW. Doc đường đồi núi 250km tới Bathurst, thêm 50 km nữa, đó là Orange. Trong “hai chị em”, Bathurst phải là chị vì thị trấn này bắt đầu được xây dựng vào năm 1814; trong khi Orange “trẻ trung” được thành lập vào năm 1846. Vùng đất này cũng nằm trong cơn sốt đi đào vàng, bởi vậy cả hai lớn nhanh như thổi vào thập niên 1860s. Tuy vậy, đến nay, dân số hai thị trấn vùng cao vẫn còn khá thưa thớt, Bathurst có 42.000 và Orange thì 40.000 dân mà thôi. Bathurst là nơi đặt đầu não của trường Đại học Charles Sturt, trường cũng có nhiều campus khác, trong đó một cái lớn ở Orange.

Hai lần trước, nhà mình đều đi vào mùa thu lá vàng, lần này đầu hè và sau hơn một năm rưỡi nên quang cảnh hơi khác. Kelly và Sissy reo lên mỗi khi nhận ra các địa điểm quen thuộc. Lần thứ ba, vì có ý đồ đi farm trái cây nên bọn mình và các cháu ngủ tại Orange. Công viên Roberson tọa lạc ngay chính giữa thị trấn. Hai hàng mận lá tím ngắt chạy dài theo thảm cỏ xanh, nơi có mấy con vịt thả rông đi lạch bạch. Kế tiếp đó là dãy Nhà hát, Thư viện và Bảo tàng của thị trấn.

Thật ra từ cuối những năm 1820, đường bộ do tù nhân từ nước Anh sang làm đã được nối đến vùng đất sau này mang tên Orange, và năm 1877, tuyến đường sắt cũng vươn tới. Điều đó cho thấy Orange còn có đường sắt trước hơn so với Sài Gòn hay Hà Nội. Vậy mà về mặt dân số, thị trấn này vẫn mãi mãi “còi” không lớn được. Lý do ở đây chắn chắn là do di dân không chịu đi định cư ở những nơi xa như thế này. Tỉ lệ dân số sinh tại Úc cao hơn mức trung bình toàn quốc rất nhiều. Tây da trắng chiếm đại đa số, “Tây đen”, tức thổ dân da nâu chiếm 6.6% là tỉ lệ khá cao, tiếp đến là người gốc Ấn Độ, khoảng 1%. Người Tàu, “người Ta” thì quá hiếm hoi.

Sau một đêm ngon giấc, từ sáng sớm nhà mình đến một farm trái cây cách Orange có 10 phút lái xe mang tên Nashdale. Orange được coi là vùng đất nông nghiệp của những trang trại hoa quả, với đầy đủ các loại quả ôn đới như cherry, mơ, đào, mận, lê, táo, hồng, nho, figs, nectarines...Mùa này, Nashdale chỉ có cherry, mơ, đào và mận. Thế cũng quá đủ để nếm thử những hương vị thơm ngon, tinh khiết và bổ dưỡng.

Một chi tiết làm mình chú ý: mấy trang trại đăng biển quảng cáo tìm người làm farm, lương trả theo sản phẩm $1/kg cho cherry. Theo mình hiểu, vùng đất này rất thiếu nhân công, nhất là lúc vào các vụ thu hoạch. Mình nhẩm tính, nếu mỗi ngày chơi 3 tạ sẽ được $300, một tháng $9000, hai vợ chồng thì nhân đôi thành $18000. Trên này giá sinh hoạt rẻ, nhà mua hay nhà thuê chỉ bằng nửa giá Sydney. Vậy là đủ tiền tiêu cả năm, làm một tháng, ăn chơi nhảy múa 11 tháng. Phần thưởng thêm là không khí thoáng đãng, trong lành, yên tĩnh.

Cách đây một năm rưỡi, chưa có nhà hàng nào của người Việt ở Orange, vậy mà bây giờ đã mọc lên luôn hai cái, đó là SaiGon Quan và Trang Hue. Tiệm nail trước có 2, bây giờ là 4, nhưng nghe nói vẫn chỉ là của 2 người chủ nhà ta. Chỉ có tiệm bánh mỳ của người Việt là đã tồn tại từ khá lâu, nhưng đã chuyển hướng làm thêm cả bánh ngọt.

SaiGon Quan nhỏ nhắn với hai hàng bàn ghế. Dù nằm ngay trên đường trục chính của thị trấn, phố Summer, nhưng có vẻ không đông khách. Các loại rau thơm cho các món ăn phải lấy từ Cabramatta lên. Ở Sydney, người Việt trông thấy nhau, đôi khi còn né; nhưng ở đây thì tay bắt mặt mừng. Lên đây dễ gì được trò chuyện, hàn huyên bằng tiếng mẹ đẻ. Mình hứa, sẽ về đây dưỡng già thì nhà chủ quán bảo thế thì lâu quá. Có lâu quá không nhỉ ?

Đối với cá nhân vợ chồng mình, đi đâu cũng được, ngay lập tức cũng không sao. Nhưng còn con cái, khi chúng chưa đủ tuổi thì chưa bỏ chúng mà đi được, mà chúng cần ở đô thị lớn thì điều kiện học hỏi cạnh tranh nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu chúng không cần ganh đua, làm gì cũng được miễn là hạnh phúc, lại là chuyện khác.

Thời tiết vùng đất này thật tuyệt, mùa hè không nóng hơn Sydney nhưng mùa đông lạnh hơn một chút, đủ để mỗi năm tuyết rơi vài ba ngày. Lạnh quá, mình sẽ không đi farm hái quả, chỉ ngồi trong nhà ngắm quyết trắng xóa bên cửa sổ. Hơi bị lãng mạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét