Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Hãy giữ lửa cho Hồng Kông

Nhìn nhận về cuộc đấu tranh đang tiếp diễn ở Hồng Kông, có ý kiến cho rằng, phải chăng đây là một âm mưu ly khai, chia cắt với “đất mẹ” Trung Hoa ?
Thực tế không phải như vậy, người Hồng Kông chỉ đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của mình, đó là tự do, dân chủ và những giá trị nhân sinh của mình. Khi trao trả Hồng Kông vào năm 1997, thì “Luật cơ bản” đã quy định Hồng Kông phải được giữ nguyên trạng quyền tự trị trong 50 năm. Tuy nhiên mới được nửa thời gian đó thì Trung Quốc đã tìm mọi cách can thiệp và chà đạp: lũng đoạn bầu cử, đòi dẫn độ, cài cắm người vào bộ máy chính quyền...
Tách ra và nhập vào là hai xu hướng của các quốc gia trên thế giới. Ý tưởng một Châu Âu thống nhất đang gặp trở ngại do vụ ly khai Brexit của nước Anh, nhưng cũng còn quá sớm để nói rằng việc nhất thể hóa này là thất bại. Ngoài Châu Âu, chưa thấy thành hình một sự hợp nhất quốc gia nào khác có ý nghĩa có thể khả thi, không kể việc hình thành Liên bang Xô Viết đã bị xóa bỏ.
Mặc dù là hai xu hướng nhưng có thể coi việc tách ra và tuyên bố độc lập mới là xu thế chính trong lịch sự cận đại. Năm 1945, Liên hiệp quốc (UN) với chỉ vỏn vẹn 51 quốc gia thành viên, đến nay UN đã có 193 thành viên chính thức, chưa kể quan sát viên. Các thành viên mới là những quốc gia mới bằng cách tách ra từ "mẫu quốc", tức từ nhà nước thực dân hoặc từ các nước đã độc lập rồi chia cắt ra, và từ những vùng đất vô chính phủ. 
Cũng vào lúc Liên hiệp quốc mới ra đời, tổ chức này đã giao quyền bảo hộ xứ Sudan cho Ai Cập và xứ Papiu NewGhine cho Úc. Về sau, Papua New Guinea và Sudan đều đã trở thành những quốc gia độc lập, thậm chí Sudan còn có sự tách ra của Nam Sudan, trở thành thành viên mới nhất của Liên hiệp quốc.
Hầu hết các quốc gia đương đại ở châu Phi và Trung Đông đều được thành lập vào thập niên 60 và 70, rồi gia nhập Liên hiệp quốc. Với sự sụp đổ của Liên bang Liên Xô, Liên bang Tiệp khắc và Liên bang Nam tư, Liên hiệp quốc lại có thêm hàng chục quốc gia mới. Tại Đông Nam Á cũng có những quốc gia non trẻ như Singapore từ 1965, Bruney từ 1984 và Đông Timore từ 2002. Có một nhà nước là một nguyện vọng, với những dân tộc đông như Palestin, Kurd...và vô số các dân tộc nhỏ hơn, nên có thể dự đoán rằng số lượng thành viên của Liện hiệp quốc sẽ tiếp tục gia tăng. 
Nhiều quốc gia đã là những nước độc lập trên thực tế nhưng chưa phải là thành viên của Liên hiệp quốc. Ví dụ đầu tiên có thể kể đến Trung Hoa Cộng hòa (Republic of China), mà thường gọi là Đài Loan. Đài Loan có dân số 24 triệu, tương đương với Úc, có nền kinh tế hùng mạnh cũng không kém gì Úc và là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế, ngoại trừ UN. Từ một hòn đảo hoang vu, người Đài hoàn toàn có thể hãnh diện với những thành tựu chói lọi đạt được từ bàn tay và khối óc của họ.
Một điều có thể kiểm chứng được rằng, “nhìn từ trên xuống”, khi “thống nhất” hay mở rộng lãnh thổ sẽ mang lại thêm quyền lực và lợi ích cho những kể cầm quyền; ngược lại, việc chia tách sẽ giảm thiểu được sự quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu và chính quyền sẽ chăm sóc cho người dân tốt hơn. Câu hỏi đặt ra là nếu không ly khai ra khỏi Malaysia, liệu người dân Singapore có đạt những thành quả huy hoàng và mức sống như hiện nay ? Có thể tự tin để trả lời rằng "khó" hoặc "không thể".
Tuy nhiên những cuộc vận động cho một cuộc chia ly bao giờ cũng gặp trở ngại vì các chính thể rất sợ sự “noi gương” từ các phần lãnh thổ khác. Nếu Hồng Kông trở thành quốc gia độc lập thì điều Trung Quốc rất sợ là các vùng đất khác như Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông cũng sẽ đòi ly khai.
Nhưng lại phải hiểu trường hợp Hồng Kông rất khác. Trong quá khứ, Trung Quốc không mang lại sự phồn vinh và thịnh vượng thì nay họ không được phép ăn cướp những thành quả đã đạt được của người Hồng Kông. Cuộc đấu tranh Hồng Kông nhằm mục đích rất rõ ràng và đơn giản, đó là giữ nguyên trạng với những quyền căn bản của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét