Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Cột điện mà biết nói năng

 

Tin cho hay Chủ tịch Phúc sắp đi Mỹ dự họp Liên hợp quốc làm mình nhớ đến câu nói năm ngoái của ông, rằng Cột điện Mỹ mà có chân thì cũng phải về Việt Nam. Câu nói đã gây nên bão mạng nhưng không thể phủ nhận đây là một thực tế những năm qua.
Có thể hình dung hai loại “cột điện” chính: Ca sĩ và Doanh nhân về nước làm ăn, kiếm tiền.
Ca sĩ về nước cũng dễ hiểu vì khán giả ở Việt Nam đông hơn và do đó tiền cát sê cũng lớn hơn. Chỉ có điều về Việt Nam thì phải giữ mồm giữ miệng, không thể nói năng như khi ở bên Mỹ được. Cái này không khó đối với các diễn viên.
Vụ lùm sùm “sao kê” làm mọi người thấy giới nghệ sĩ khá bất nhất trong lời hứa, không muốn nghi ngờ cũng khó. Bố mẹ mình từng dặn, lấy vợ thì đừng có lấy xướng ca vô loài. Tuy nhiên, phải nói thêm có rất nhiều ca sĩ hải ngoại về thăm quê hương, thân nhân nhưng không hề đi sô.
Còn Doanh nhân thì sao? Cái này phức tạp hơn nên mình lạm bàn dài dòng chút.
Mình quen biết một gia đình người Việt, ông chồng nhất mực về nước làm “Doanh nhân” bỏ lại vợ con bên Úc.
- Ổng thì doanh nhân con mẹ gì, không ăn thất nghiệp là may rồi. Tại tui ngu quá, tui rủ ổng đi Việt Nam chơi. Thấy cách ông ta với con nhỏ đó nói chuyện với nhau là tui thấy không ổn rồi.
Quả nhiên, khi vừa qua lại Úc là ổng đòi đi Việt Nam luôn. Nhưng đi Việt Nam thì mới có job ngon, được phong làm Phó Tổng, lương cao, cặp một lúc với mấy em trẻ đẹp.
Rồi Covid đã xóa đi làm lại cuộc chơi. Người bên Úc, bên Mỹ được trợ cấp mỗi người cả chục ngàn đô, bên Việt Nam được 1,5- 3 triệu đồng.
Sao Việt Nam keo vậy, chút xíu thế thì người ta sống sao được?
Trả lời: tiền đâu ra mà cho! Ngân sách Chính phủ rất hạn hẹp vì thất thu thuế. Quy trình thu thuế thiếu khoa học và cán bộ tham nhũng nên không thể thu được thuế doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân. Cái gì cũng có tính hai mặt, nhà nước mất tiền thuế nhưng lại tạo ra nột nền kinh tế năng động, thông thoáng.
Mình từng sống ở Dubai nhiều năm, nơi được coi là có môi trường kinh doanh cởi mở và tính cạnh tranh cao nhất thế giới. Ở đó cũng có nét tương đồng như Việt Nam: thuế rất nhẹ, riêng thuế nhập khẩu chỉ có 4%.
Về lý thuyết, thuế nhập khẩu của Việt Nam cao nhưng nếu “làm luật” với hải quan hoặc đi qua đường tiểu ngạch thì thuế vào Việt Nam cũng rất thấp.
Bên cạnh các loại thuế nhẹ, sự nhân nhượng về bảo hộ an toàn lao động, quyền lợi người lao động, vấn đề môi trường... đều là những yếu tố dẫn đến giảm đột biến giá thành.
Tổng hợp lại, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam và các nước có môi trường kinh doanh dễ dãi sẽ có khả năng cạnh tranh rất mạnh, nhất là về khía cạnh giá cả. Đó là lý do cho việc làm giàu ở Việt Nam đã trở nên dễ dàng.
Trên thực tế, Ca sĩ và Doanh nhân có thu nhập cá nhân rất cao nhưng lại đóng thuế thu nhập cá nhân không hề tương xứng, cho phép họ có một cuộc sống vương giả, trên tiền. Họ đúng là những “cột điện” biết nói, biết khôn ngoan để đi đâu.
Đếm cua trong lỗ, mọi người hy vọng chuyến đi của Chủ tịch Phúc sẽ “ngoại giao” thêm được một mớ vaccine. Lại là con Covid, rất có thể nó làm thay đổi hướng đi của các “cột điện”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét