Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Lò lửa chiến tranh Ukraine lại nóng lên

 

Lò lửa tại Ukraine đã tạm yên tiếng súng trong mấy năm qua thì nay lại có dịp nóng trở lại. Trong diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố sẽ siết chặt lệnh cấm vận đối với Nga và rút bớt nhân viên ngoại giao tại Ukraine về nước.
Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Kuwait Ahmaed đang ở thăm Mỹ, ông Blinken đã so sánh cuộc xâm lược của Nga vào Ukaine với cuộc xâm lược của Iraq vào Kuwait năm 1990 và nói đây không phải vấn đề của riêng Ukraine hay của Châu Âu mà là vấn đề toàn thế giới.
Trước đó có tin Nga triển khai thêm quân đội tại Belarus sát với biên giới Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Romania Iohannis tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp nhận thêm quân đội NATO tiến vào lãnh thổ.
Câu hỏi đặt ra là liệu chiến tranh có bùng nổ? Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng nên tìm hiểu nguyên nhân và mục tiêu của hai bên trong vụ việc.
Sau khi Liên Xô và hệ thống XHCN sụp đổ, các nước Đông Âu đã tuột khỏi tầm ảnh hưởng của đế quốc Nga. Để vớt vát, Nga thành lập Công đồng các quốc gia độc lập CIS gồm các nước thuộc Liên Xô cũ. Nhưng rồi CIS cũng nhanh chóng tan vỡ, đa số quốc gia mới còn tỏ ra thù địch với Nga, ngoại trừ vài trường hợp.
Bạch Nga, tức Belarus cùng ngôn ngữ và văn hóa nên tiếp tục gắn bó với Nga là điều dễ hiểu. Armenia do có chiến tranh với Azerbajan nên cần hậu thuẫn của Nga nên phải theo Nga.
Trong khi các lãnh tụ cũ của các nước cộng hòa do Nga dựng lên đều lần lượt bị mất quyền lực thì tại Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbayev, nguyên Bí thư thứ nhất Đảng CS cũ giữ được quyền bính trong gần 30 năm, với sự chống lưng của Nga. Khi đã quá già, ông nhường lại chức tổng thống cho đệ tử Tokayev những vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng an ninh.
Cuộc binh biến làm chết hơn 200 người tháng trước chẳng qua là cuộc tranh giành quyền lực giữa Tokayev và Nazarbayev dẫn đến việc Nga đưa quân vào can thiệp. Tokayev trở thành bên thắng cuộc còn gia đình đồng minh cũ Nazabayev bị bỏ rơi.
Sự việc của Ukraine hiện nay bắt nguồn từ vụ “cách mạng màu” tại nước này năm 2014, theo đó tổng thống thân Nga Yanukovych đã bị lật đổ. Nga đưa quân vào và đã sáp nhập bán đảo Crimea trở lại cố quốc. Sự việc này đã đến đến việc cấm vận của Mỹ và Phương Tây đối với Nga từ đó đến nay.
Cấm vận kéo dài trong 8 năm qua đã làm nền kinh tế Nga đi xuống, đời sống của người dân giảm sút rõ rệt. Tuy nhiên, vì sao bây giờ lại là thời điểm căng thẳng?
Châu Âu đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng năng lượng gay gắt, đặc biệt vào mùa đông hiện nay. Thời gian gần đây các nước Châu Âu đã tìm cách chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng, tránh phụ thuộc vào dầu khí của Nga nhưng việc này cần thời gian.
Tại Mỹ, lạm phát tiếp tục leo thang đến 7.7%, đe dọa những hệ lụy khó lường. Trong năm nay còn có cuộc bầu cử quốc hội nên ông Biden rất không muốn xảy ra những điều tệ hại về kinh tế.
Dưới thời Trump, mũi dùi chủ yếu nhắm vào Trung Quốc nhưng quan điểm của Biden thì khác, có phần hòa hoãn với Trung Quốc và nhiều ác cảm hơn đối với Nga.
Đối với Putin, theo hiến pháp hiện hành, ông chỉ còn 2 năm nữa những chắc chắn muốn giữ ghế nên cần có cải thiện về kinh tế và đời sống để chuẩn bị các bước đi kế tiếp mà muốn vậy thì việc nới lỏng cấm vận là rất quan trọng.
Khả năng thứ nhất, Mỹ và Phương Tây nới lỏng cấm vận, hoãn lại việc kết nạp Ukraine vào NATO, Putin đạt mục đích, lò lửa sẽ nhanh chóng hạ nhiệt.
Khả năng thứ hai, Mỹ không nhượng bộ, Nga đưa quân vào “giải phóng” Ukraine, vấn đề trở nên to chuyện.
Theo mình thì hai khả năng trên không nhiều bằng khả năng thứ ba, đó là hai bên tiếp tục thi gan với nhau. Việc căng thẳng kéo dài sẽ làm Biden mất uy tín và bất lợi cho đảng Dân chủ trong bầu cử quốc hội.
Mặt khác, khi mùa đông qua đi, Putin lại không còn con bài năng lượng để mặc cả. Ngày 4/2 tới sẽ khai mạc Đại hội Olympic mùa đông tại Bắc Kinh và nếu chiến tranh diễn ra chính là cách phá hoại Đại hội và sẽ không được Trung Quốc ủng hộ.
Cũng có thể, đã lỡ dàn quân rồi thì sẽ có vài vụ đụng độ nhỏ để rồi hai bên làm hòa với nhau?
Về phần Ukraine, chính phủ nước này cho rằng tình hình vẫn “under control”. Khá ngạc nhiên cho sự bình tĩnh này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét