Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

Bầu cử Úc: chào mừng Thủ tướng thứ 31

 

Tối qua, cuộc tranh luận giữa hai vị thủ lĩnh hai phe ScoMo và Albo đã diễn ra lần thứ ba cũng là lần cuối cùng trước ngày bầu cử 10 ngày trên đài truyền hình số 7. Đài 7 đã lấy ý kiến thăm dò của các đơn vị ngang ngửa cho thấy 50% cho rằng Albanese thắng, 36% cho Morrison và 16% chưa quyết định.
Báo chí Úc hôm nay cũng đồng loạt đưa ra các dự đoán về triển vọng thắng cử sáng sủa của phe Lao động.
Vậy đã đến lúc chào mừng Thủ tướng Albanese (nghe chưa quen tai), thủ tướng thứ 31 của nước Úc?
Nếu điều này xảy ra thì cái kết nào dành cho Morrison. Ngày mai 12/5 ScoMo sẽ sinh nhật lần thứ 54. Ở tuổi này mà phải về hưu thì hơi sớm.
Trong quá khứ nhiều vị thủ tướng về hưu ở tuổi trẻ hơn ScoMo như Keating (53 tuổi), Gillard (52 tuổi), một số vị chưa thể coi là già như Rudd (56), Abbott (58), Turnbull (64).
Theo truyền thống (văn minh) của Úc, thủ tướng đương nhiệm thất cử sẽ phải từ chức thủ lãnh đảng cầm quyền và cũng thông lệ họ về hưu luôn vì ở lại sẽ gây khó xử cho người kế nhiệm.
Hơn nữa, về danh dự, họ cũng không muốn cúi đầu tuân theo mệnh lệnh của một đàn em cũ. Vậy phải pháp tối ưu là từ giã chính trường.
Về phần Albo, ông sinh ra trong một gia đình có cha là người Ý, mẹ là người Ai len. Cha mẹ ly dị và ông sống một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm lẫn vật chất.
Cậu bé Anthony theo học trường đạo Mary’s Cathedral, lớn lên theo học Đại học Sydney về kinh tế học và gia nhập đảng Lao động từ thời sinh viên.
Năm 1996, đảng Lao động mất chính quyền nhưng lại là năm lần đầu tiên Albanese trúng cử, bắt đầu bước chân vào chính trường.
Năm 2001, ở tuổi 38, Albanese lên hàng ghế trước, trở thành bộ trưởng đối lập. Khi cô phó Gillard lật đổ Thủ tướng Rudd, Albo vẫn đứng về phía Rudd. Năm 2013, Rudd trở lại tư cách Thủ lãnh đảng đồng thời là thủ tướng, Albo được “thưởng công” bằng chức phó thủ lãnh đảng kiêm Phó Thủ tướng.
Nhưng rồi Rudd (tập 2) nhanh chóng kết thúc, Albo không được đôn lên làm lãnh tụmà thua Shorten, một kẻ “faceless”, tiếng Việt hiểu là “đòn sóc hai đầu”, đánh đu giữa hai phe Rudd và Gillard.
Nếu như cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Lao động làm đảng suy yếu và dâng chính quyền cho phe Liên đảng thì bên kia lại là cuộc đụng độ nảy lửa giữa Abbott và Turnbull. Tuy nhiên Shorten đã không tận dụng được điều này dẫn đến việc cầm quyền của Morrison trong 4 năm qua.
Một sai lầm lớn của Shorten là đưa ra ý tướng loại bỏ negative gearing, tức nhà đầu tư nhà đất không được khấu trừ khoản lỗ vào lợi tức. Đây là một cải cách lớn đối với Úc những thật ra Mỹ và Châu Âu đã áp dụng từ lâu, làm giá nhà đất giá bình ổn chứ không bong bóng như Úc.
Có điều Shorten không lường được một quy luật giá nhà đất thường rớt vào mỗi kỳ bầu cử, do đó bỏ negative gearing bị “việt vị”, một điều không cần thiết. Câu hỏi đặt ra là đảng Lao động còn theo đuổi ý tưởng này không, khi mà Shorten vẫn là một đảng viên cao cấp và sẽ giữ một trọng trách lớn nếu Lao động thắng cử.
Điều có thể dự đoán, sau bầu cử và sau khi luồng di dân quay trở lại, thị trường nhà đất sẽ hồi phục.
Trong các cuộc tranh luận tay đôi, có thể thấy ScoMo có khả năng nói năng hùng hồn, lưu loát hơn, nhưng Albo đã tỏ ra là một chính khách già giơ chỉ cười, với ngụ ý không tin những điều ScoMo nói. Vì thế Albo đã ăn điểm thật thà, đáng tin cậy hơn.
Không cần ồn ào, Albo đã đánh trúng tâm lý đông đảo dân chúng vào thời điểm hiện nay là vật giá lên cao với những nỗi lo lắng về kinh tế hậu Covid. “Cost of living” đã trở thành đề tài nổi bật nhất trong cuộc tranh cử lần này.
Chiến dịch bầu cử cũng là thời gian uy tín Albo ngày càng lên cao và nếu không có chuyện “ngựa về ngược” vào giờ chót thì ông và cô bạn gái mới Jodie sẽ tiến vào cư ngụ tại ngôi nhà The Lodge dành cho Thủ tướng Úc ở Canbera.
Một vấn đề mà cử tri chưa hiểu rõ là chính sách đối ngoại đảng lao động cũng như thế giới quan của Albanese, dẫn đến nghi ngại rằng Albo sẽ ít chống Trung Cộng hơn so với ScoMo?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét