Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

Giấc mơ Úc: có đáng để đánh đổi tất cả

 

Mình lại nhận được một câu hỏi của một “cô em” tính đưa cả gia đình sang Úc định cư, với câu hỏi: có đáng để đánh đổi tất cả để đi Úc?
“Tất cả” ở đây là gì? Đó là một cuộc sống ổn định về kinh tế, tiền vào như nước, tiền ra từ từ nên cũng thu vén được ít nhiều. Nếu đi, ít nhất công việc làm ăn sẽ bị đứt đoạn, nhưng ẻm còn nói thêm dạo này làm ăn bắt đầu khó rồi, không như trước.
Đọc báo cũng thấy, Thủ tướng Chính đánh giá “khó khăn thách thức nhiều hơn thuận lợi thời cơ”. Cụ thể hơn, Samsung đang rút ra, các đơn hàng dệt may giày dép mất dần, dẫn tới kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm mạnh, lên đến 20%.
Việt Nam đang ở vào một thời điểm “nhạy cảm” khi kinh tế khó khăn thì “trùng lặp” với việc một đoàn doanh nghiệp hùng hậu nhất của Mỹ sang thăm trong dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện và Chú Sam có nhã ý nâng đối tác chiến lược với hứa hẹn “em sẽ có tất cả”.
Gần đây TBT Trọng và TT Biden trao đổi điện đàm, hẹn hò gặp nhau, nhưng cũng nên hiểu nếu không nâng cấp mối quan hệ thì cũng chẳng cần gặp nhau làm gì.
Lịch sử lặp lại, khi kinh tế Việt Nam kiệt quệ sau chiến tranh 1975 thì Liên xô đưa ra con mồi “Hội đồng hợp tác tương trợ kinh tế”, tức khối SEV. Lúc đó Liên Xô và Trung Quốc là kẻ thù của nhau, vào SEV nghĩa là xung đột với anh láng giềng phương Bắc.
Khi đặt vấn đề thế này thì 9/10 người sẽ cho rằng không có chuyện Việt Nam cắn câu đế quốc Mẽo, đơn giản vì Bà Phó Đoan còn phải thủ tiết với hai đời chồng. Chúng ta không thể quay xe với Tàu cộng một lần nữa, cho dù “đói cho sạch, rách cho thơm”.
Thôi không tào lao chuyện trên trời dưới bể nữa mà lời khuyên của mình là nếu đi Úc vì lý do kinh tế thì không nên. Nước Úc rất giàu có, nhưng để làm giàu thì không dễ. Bạn nghĩ bạn là ai: không kinh nghiệm, kỹ năng trình độ, không mối quan hệ mà đòi đi ăn cướp tiền thì những người bên này đui mù hết hay sao. Tuy nhiên để kiếm đủ sống thì dễ, chỉ cần đừng quá lười biếng.
“Nói thật tụi em đi hay không cũng được, nhưng chỉ muốn lo con tương lai con cái”. Trước khi đi Úc ai cũng nói như vậy những sang đây lại nghĩ khác. Nếu vì con thì cũng không nên đi bởi vì “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, mình lo thân mình cho xong đi, đừng đổ thừa cho người khác.
Nước Úc có kẻ giàu, người nghèo, có công dân hạng nhất và công dân hạng hai, có người nói tiếng Anh native và người tiếng Anh trọ trọe. Cháu đã sang cấp trung học nghĩa là tiếng Anh sẽ không thể là tiếng mẹ đẻ nữa, đó sẽ là một rào cản vô hình cho các mối quan hệ ở cấp thượng lưu.
Nếu bạn muốn đi Úc, bạn nên hiểu về nước Úc, nhưng mỗi người lại có một góc nhìn khác nhau. Bạn là người Việt, bạn đánh giá thế nào về Việt Nam: toàn màu hồng, toàn chuyện tiêu cực hay vừa tốt vừa xấu?
Với mình, nước Úc là một cạm bẫy. Khi được hỏi “có thích Úc không?”: người mới sang 1 năm sẽ nói không thích là điều bình thường, còn đã ở 3 năm trở lên mà vẫn nói như vậy thì đã dối lòng vì sau thời gian đó thông thường mọi người đều yêu Úc say đắm!
Yêu là đau khổ, nhưng không thể không yêu. “Làm sao có thể định nghĩa được tình yêu”, thơ ca viết thế còn đối với người đầu hai thứ tóc thì mình có thể lý giải được. Động lực của tình yêu chẳng qua là tình dục, nếu không yêu làm gì cho mất thời gian (suy bụng ta ra bụng người). Có người bảo không cần tình dục, đó có lẽ là những đứa trẻ chưa từng trải mà thôi.
Bí ẩn của tình yêu nước Úc là Tự do (freedom). Sau khi đã được hưởng cái trái cấm này trong 5 năm (1994-1999), mình trở về Việt Nam thì mới nhận ra sự khác biệt quá lớn với vô vàn bức xúc. May mà mình đào thoát được sang Dubai. Cũng không thiếu người bảo không cần tự do, đó chẳng qua là những người sống chưa đủ lâu, đủ ngấm dưới bầu trời tự do trong lành của nước Úc.
“Có đáng để đánh đổi?”, mình không biết nhưng đối với cá nhân mình thì rất xứng đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét