Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Lật lại trang sử Chiến tranh Việt Nam

 

“Vietnam war” là một thuật ngữ đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Đây là cuộc chiến được coi bắt đầu vào năm 1954 và kết thúc vào năm 1975. Sau năm 1975, chiến tranh vẫn chưa kết thúc mà Việt Nam vẫn còn hai cuộc chiến là Chiến tranh Biên giới với Trung Quốc và Chiến tranh Campuchia.
Mặt khác, trước năm 1954 cũng là một cuộc chiến lâu dài với Pháp, thậm chí có cả chiến tranh giữa Pháp và Nhật trên đất Việt Nam. Chắc chắn, Chiến tranh Việt Nam có sự khởi nguồn từ những diễn biến này.
Vào đầu thế kỷ 20, cụ Phan Bội Châu đã có chủ trương “người da vàng giúp người da vàng” nhờ cậy Nhật Bản để đánh lại Pháp. Ý tưởng đó đã xảy ra vào năm 1944, Nhật thắng Pháp trên chiến trường Đông Dương và ngỏ ý trao trả độc lập cho Việt Nam.
Trong “dự án” này, Nhật dự kiến đưa hoàng thân Cường Để về làm vua và Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng. Ngoại Kỳ hầu Cường Để thuộc dòng đích tử của Gia Long, người đã có mối quan hệ với Nhật khi cũng tham gia phong trào “Đông du” của cụ Phan.
Mọi người đều biết điều này đã không diễn ra, có lẽ vì những tin tức bất lợi từ chính quốc, Nhật liên tiếp thua đồng minh. Bảo Đại được giữ nguyên ngôi vị và đã hai lần điện mời Ngô Đình Diệm, đang sống ở Sài Gòn ra làm Thủ tướng.
Không rõ vì sao, ông Diệm không nhận được điện và vì thế vua Bảo Đại đã vời Trần Trọng Kim, một trí thức lão thành đứng ra thành lập chính phủ. Ngày 14/8/1945, Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng phe đồng minh, đến 19/8, Việt Minh cướp chính quyền, đến 23/8 Bảo Đại chấp nhận thoái vị.
Có thể bàn rằng, nếu Cường Để làm vua thì không dễ gì ông thoái vị nhanh chóng như vậy. Một con người đã bôn ba, kiên nhẫn chờ đợi sau 5 đời mới giành lại được ngôi báu thì rất dám đấu tranh chứ không sợ giao tranh quân sự như Bảo Đại.
Nếu Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng thì ông cũng không rã đám, bỏ nhiệm sở như Trần Trọng Kim. Tính cách quyết liệt của ông Diệm sau này đã cho thấy, ông sẵn sàng chết chứ không chịu ra nước ngoài sống lưu vong.
Theo Hiệp định cũ, Việt Nam vẫn là xứ bảo hộ của Pháp và vì thế Pháp đã quay trở lại Việt Nam. Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 cũng đồng ý cho Pháp quay lại và vì thế Việt Nam chưa phải nước độc lập mà từ ngữ trong Hiệp ước chỉ dùng chữ “tự do”. Lúc này, cả hai phe Mỹ và Liên Xô đều chưa có nước nào công nhận Việt Nam DCCH.
Chiến thắng Điện biên phủ tháng 5/1954 đã dẫn tới việc Pháp đồng ý rút quân khỏi Đông dương nhưng trong Hiệp định Genevo đã “cài” thêm điều khoản Việt Nam bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, sẽ tổng tuyển cử trong vòng 2 năm để thống nhất.
Khi ký điều khoản này, chắc người Pháp nghĩ rằng chính thể thân Pháp của quốc trưởng Bảo Đại sẽ thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Vào thời gian đó, Bảo Đại vẫn còn được dân chúng khá ngưỡng mộ. Vào cuộc bầu cử Quốc Hội 1946, Bảo Đại bị giam lỏng ở Sầm Sơn, không được đi vận động tranh cử mà số phiếu của ông vẫn đạt trên 80%, vào loại cao nhất. Năm 1949, khi về nước, người dân Sài Gòn tràn ra đường để đón ông.
Thực tế, Bảo Đại là một người thông minh, nhưng về sau cả hai miền Nam Bắc đã dùng truyền thông để triệt hạ uy tín ông bằng cách thêu dệt những chuyện đời tư cá nhân. Có điều, tất cả những người đã từng sống với Bảo Đại vẫn luôn luôn tỏ ý tôn trọng ông, đặc biệt họ còn trẻ đẹp khi chia tay mà không có ai đi bước nữa!
Về phía Việt Minh, năm 1950 mới có nước đầu tiên công nhận, đó là Trung Quốc. Sau đó Mao Trạch Đông phải thuyết phục Xtalin để Liên Xô công nhận Việt Nam DCCH. Vào thời điểm năm 1954, mới có Trung Quốc, Liên Xô, Nam Tư, Triều tiên và vài nước XHCN công nhận Việt Nam DCCH, trong khi Việt Nam Quốc gia đã được thừa nhận rộng rãi hơn nhiều.
Tháng 6/1954, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng vào lúc Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại Việt Nam. Việc ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 10/1955 với mục đích phế truất quốc trưởng Bảo Đại có thể coi là được Mỹ ủng hộ.
Trong khoảng thời gian này, sau khi Xtalin qua đời năm 1953, Khrushchev lên thay và bắt đầu rạn nứt mối quan hệ với Trung Quốc. Khrushchev không hài lòng với lập trường thiên vị Trung Quốc của Bắc Việt nên đã viết một mật thư cho Võ Nguyên Giáp đề nghị làm binh biến, Liên Xô sẽ ủng hộ.
Tướng Giáp bị BCT kiểm điểm về bức thư này và biện hộ rằng ông đã báo cáo vụ việc với Hồ Chủ tịch. Hồ Chí Minh đã nói một câu làm ông Giáp bị thất sủng “nhưng chú đưa cho tôi xem muộn quá!”.
Không rõ câu chuyện như vậy có đúng đến đâu nhưng có thể lý giải rằng ông Giáp xuất thân từ một trí thức, một giáo viên nên không mạnh mẽ như ông Diệm, người đã làm chính trị từ khi nhận chức Thượng thư lúc 31 tuổi, từng chịu ơn Bảo Đại nhưng vẫn dám chống lại quốc trưởng.
Trung Quốc đưa quân vào Bắc Việt, chi viện hậu cần cho chiến tranh và rất muốn can thiệp nội bộ thông qua Hoàng Văn Hoan, một UV BCT trong 20 năm (1956-1976). Tuy nhiên, Hoàng Văn Hoan không đủ thế lực để làm được điều gì đó, còn người có lực lượng là ông Trường Chinh thì Trung Quốc không lôi kéo được.
Năm 1963, do bất đồng với ông Diệm, Mỹ khuyến khích các tướng quân đội làm đảo chính. Cái chết của anh em Diệm Nhu là một đòn giáng mạnh vào uy tín của chính thể Việt Nam CH. Dưới con mắt của người dân, hóa ra có việc chính khách không được lòng Mỹ sẽ bị Mỹ gạt bỏ. Việc đảo chính liên miên sau đó càng khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ giữa tướng lĩnh và quan chức chính phủ. Đó là mầm mống của nạn tham ô, buôn lậu làm suy yếu chính quyền miền Nam.
Ở miền Bắc, việc chuyển giao quyền lực từ ông Hồ Chí Minh sang ông Lê Duẩn, vốn hoạt động ở Nam bộ và mới ra Bắc đã diễn ra suôn sẻ. Trước khi Hồ Chí Minh qua đời, “vụ án chống Đảng” bắt giữ nhiều chỉ huy cao cấp trong quân đội, công an, nhiều Bộ thứ trưởng chẳng qua là một đợt thanh trừng những người chống đối việc chuyển giao quyền lực mà thôi.
Sau khi bắt tay được với Trung Quốc, được bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách nhuộm đỏ khu vực Đông Nam Á, Mỹ lại đột ngột chuyển sang chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” để rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Cuộc chiến Việt Nam sẽ khác đi rất nhiều nếu không có các chữ “nếu”. Âu cũng là số phận của một dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét