Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Trao đổi: Giao tiếp kiểu Úc

 

Vài năm gần đây người Việt vào Úc theo dòng visa đầu tư kinh doanh (còn gọi visa 188) khá đông. Bên cạnh một số bác “cười tươi”, lấy xong giấy tờ còn rất nhiều chú bác khác “khóc ròng”, mất rất nhiều tiền mà không thấy giấc mơ Úc đâu.
Có PR, quốc tịch rồi thì sao nữa, liệu đã thực sự cười được chưa? Mình chưa thấy bác nào làm ăn thành công cả. Nghịch ngợm chỉ tổ mất tiền, nghịch nhiều mất nhiều, nghịch ít mất ít, khôn nhất là không làm gì nhưng không lẽ sang đây chỉ để ăn nhậu, đánh tá lả và để tránh nhập kho?
Có bác kể, thuê thằng Tây lương cao mà nó không chịu làm. Thật ra doanh nhân ta điều hành nhân viên người Việt còn chưa nổi chứ đừng nói nhân viên Tây. Đó còn chưa kể đến đối tác kinh doanh, nghe nói mấy câu là biết trên cung trăng rơi xuống rồi thì ngu gì người ta không lừa.
Theo mình một nguyên nhân quan trọng của thất bại là kỹ năng giao tiếp còn yếu. Không chỉ doanh nhân mà còn quan chức nữa. Ở nhà thì hét ra lửa sang đây như mấy thằng tâm thần ngẩn ngơ. Tướng đi, tướng ngồi đã thấy dễ ghét, mở mồm ra thì kinh hoàng luôn, không thấy khôn ngoan ở đâu mà nói toàn những thứ ngu xuẩn.
Nhưng không thể nói các quan chức, doanh nhân giao tiếp kém cỏi, ngược lại, họ từ giỏi đến rất giỏi thì mới thành công ở trong nước được. Vấn đề kiểu cách của họ chưa phù hợp với kiểu Úc.
Mới qua Úc, ai cũng rất nhớ nhà. Mình cũng vậy, tối ngồi viết thư, sáng sớm trước giờ học tranh thủ ra bưu điện bỏ. Gặp một bà tây sồn sồn đi ngược chiều, bả chào “good morning”, kèm theo cái mỉm cười. Mình quay lại nhìn, cả con đường dài chỉ có hai người, vậy là bả cười với mình rồi!
Mình nghĩ bụng chắc bả thấy mình đẹp trai quá nên tính “cua” đây chứ có quen biết gì đâu. Nhưng sau mới biết người Úc luôn chào nhau kể cả người không quen, đó là cái mà người mới qua sẽ lấy làm lạ.
Sau gần 30 năm sống và tiếp xúc nhiều với tụi tây, mình chỉ có thể khám phá ra rằng suy nghĩ của tây và ta khác nhau rất nhiều. Cụ thể, về môn khoa học tâm lý, chúng nó đi trước chúng ta một quãng đường dài.
Trong giao tiếp, nguyên tắc quan trọng nhất là phải “lịch sự”, nghĩa là tôn trọng người đối thoại. Một quy luật khác, để cuộc giao lưu khỏi nhàm chán thì nhiều người muốn tỏ ra hài hước. Hai điều này mâu thuẫn với nhau vì nếu đùa thì người ta lại cho rằng thiếu nghiêm túc và coi thường người khác, vậy mới khó.
Trong lễ tang bố mình, cựu Tổng thống George H Bush thì một cựu tổng thống khác, ông George W Bush khi lên phát biểu đã pha trò làm mọi người cười ầm cả lên mà không ai cảm thấy bất kính. Đó chính là sự tinh tế về nghệ thuật giao tiếp.
Tất nhiên, muốn giao tiếp tốt, không có cách nào khác, phải thấu hiểu người đang đối thoại và điều đó đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, người học giỏi chưa chắc đã thành công, còn người giao tiếp giỏi thì nếu không 100% thì 99% sẽ thành công.
Bài viết này có thòng chữ “trao đổi” vì mình không dám tự nhận là giao tiếp giỏi. Những điều mình viết ra chắc chắn còn nhiều thiếu sót, mong được mọi người chỉ giáo. “Ai nghe lời, người đó là học trò, còn người chỉ được cái sai thì đáng làm thầy”.
Mình đã nói vui rằng mình làm “nghề đụng”, nếu quả thật có nghề đó thì đó là nghề cần rất nhiều khả năng giao tiếp. Đáng tiếc, không có trường lớp nào dạy được môn này và chỉ có thể học thông qua cuộc sống.
Có lẽ người Úc giỏi giao tiếp vì họ bước vào môi trường việc làm từ rất sớm. Theo luật pháp, 14 tuổi là bắt đầu được đi làm, thậm chí có những đứa trẻ đi làm sớm hơn như cháu thứ hai nhà mình. Đi làm, các cháu được va chạm với khách hàng, đồng nghiệp và cấp quản lý.
Đi học rất khó bị đuổi học, nhưng đi làm thì phải chèo chống nhiều mới giữ được việc, xa hơn còn được thăng tiến lên các bậc thang của chức vụ và quyền lợi. Câu chuyện dậy rất nhiều và các đương sự cũng được học hỏi rất nhiều, trở thành những kỹ năng giao tiếp ngấm vào máu từ khi còn rất trẻ.
Ở tuổi bây giờ, mình không có mưu sự thành công gì nữa, chỉ còn hồi hộp theo dõi các bước trưởng thành của con cái.

Trao đổi: Giao tiếp kiểu Úc (Phần 2)
Bài viết “Giao tiếp kiểu Úc” đã bị phản biện rằng không thể coi giao tiếp là chiều khóa thành công, ngược lại không có nó thì chỉ chuốc lấy thất bại. Mình suy nghĩ thì thấy đúng là vai trò của giao tiếp không lớn như vậy, tuy nhiên giao tiếp không chỉ mang lại niềm vui mà còn có quan hệ và kết nối, và đây rõ ràng là cơ sở để thành công.
Cách đây mấy năm mình được nhờ đi tìm nhà thuê cho một gia đình sắp qua Úc. Họ dặn mình tìm nhà ở đâu cũng được nhưng phải tránh khu có đông người Việt!
Về sau có điều kiện gần gũi nhau hơn, có thể coi là bạn bè thì cậu ta mới nói lý do là người Việt hay lừa lắm. Thế bộ người tây không lừa sao, chúng nó còn sát ván tàn bạo hơn, chứ dù sao đồng hương vẫn còn nghĩ đến chuyện làm gì cũng vừa phải còn để lại phúc đức cho con cháu.
Vậy làm thế nào để không bị lừa? Đây là câu chuyện của hội nhập, nhập gia tùy tục và cùng hội cùng thuyền.
Nếu bạn thuộc loại “trên không chằng, dưới không rễ” không nơi bấu víu, đương nhiên bạn sẽ phải vật lộn với cuộc sống ở quê hương mới. Cổ nhân có câu “thần thiêng nhờ vào bộ hạ", người ta nể trọng hay khinh thường bạn cũng căn cứ vào những người xung quanh bạn, và bạn sẽ gặp nguy hiểm nếu đơn thương độc mã.
Mình là người ở xứ lạc hậu, khi đến xứ văn minh, rất nhiều điều mới mẻ cần tiếp thu, nhận thức mới. Nếu bạn khư khư không chịu cởi lòng (openmind), lúc nào cũng sợ bị “hòa tan”, sợ mất gốc (không ai biết gốc là cái gì) thì bạn sẽ không thể có những cơ hội học hỏi và tiến bộ.
Một số người được trời cho khi chấp nhận cái mới dễ dàng và nhanh chóng hơn so với một số người khác. Con đường học ở đường đời không ai giống ai, tuy nhiên vẫn có một số quy luật nào đó, thậm chí tưởng chừng như bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt.
Người mới sang cần tìm hiểu những quy tắc ứng xử “kiểu Úc”, ví dụ trước khi đến nhà người quen phải báo trước, không gọi điện thoại vào lúc quá sớm hoặc quá khuya.
Biết trang phục, trang điểm cho phù hợp với mục đích hoàn cảnh như đi làm, đi chơi, đi gặp gỡ, không cần thiết phải luôn luôn đóng bộ vest, giày tây đen.
Về ăn uống cũng dần dần thay đổi khẩu vị, không nhất thiết luôn luôn ăn đồ Việt...
Với những thói quen mới, quan niệm và triết lý về cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi từ lúc nào không biết theo hướng giống với người Úc hơn, chí ít cũng giống với người Việt đã hội nhập với xã hội Úc về các giá trị đạo đức, tự do dân chủ, bảo vệ môi trường...
Trở lại với vấn đề ở đâu, nếu được hỏi mình sẽ khuyên chọn nhà ở nơi có nhiều việc làm. Ở Sydney, vùng tây nam là nơi làm ăn sầm uất với nhiều doanh nghiệp nhỏ và có nhiều cơ hội việc làm cho di dân mới. Và đây cũng là nơi có đông người Việt sinh sống.
Thực tế, người Việt di dân rất khó kết bạn và ra nhập cộng đồng tây, vậy thì “ta tắm ao ta”. Sống ở các khu người Việt, bạn dễ dàng đi ăn phở, uống cà phê phin, đồ ăn thức uống không thiếu thứ gì y như trong nước.
Như đã nói ở trên, khi bạn có suy nghĩ thay đổi, bạn sẽ tự tin hơn khi giao tiếp, có quan hệ và kết nối thì không ai lừa bạn, không bị miệt thị và xa lánh. Nếu không có bà con họ hàng, quý vị vẫn có rất nhiều bạn bè chung quanh tắt lửa tối đèn đùm bọc giúp đỡ nhau mỗi khi gian nan hoạn nạn.
- Sang Úc rồi mà vẫn không bỏ được thói quen nhậu là không biết hưởng thụ những thú vui đa dạng khác.
Nhậu bên này đâu có rẻ, dăm ba ngàn một bữa như chơi, vì phải vừa ăn vừa đổ mới “nịch xự”, tốn tiền lại còn mất thời gian, nhưng tụ tập đàn đúm là “bản sắc” của người Việt. Tui ngu kệ tui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét