Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Dân chủ phải từ dưới lên

 

Vừa rồi mình viết bài “Những Thái thú tân thời” nhưng mọi người không comment về chủ đề chính là Thái thú mà lại thích còm về dân chủ. Có bạn cho rằng “Philippines còn dân chủ hơn cả Mỹ”, thật chẳng biết đường nào mà lần.
Mình không được học hành gì về dân chủ, nhưng có lẽ cũng chẳng cần, những cảm nhận về cuộc sống, gọi nôm na là “trường đời” còn quý giá hơn.
Hồi trước, các cháu còn nhỏ mình phải đi đón ở trường học. Vào lúc mùa bầu cử địa phương, có một cậu ứng viên đích thân ra đứng ở cổng trường để phát tờ rơi vận động. Thấy mình loay hoay mãi mới đậu tìm được chỗ đậu xe, cậu ấy đưa tờ rơi và nói một câu “tôi sẽ làm địa phương ta có nhiều chỗ đậu xe hơn, hãy bầu cho tôi”.
Khi quan chức biết được người dân đang cần gì để đáp ứng, như thế là dân chủ thôi.
Việc ông Putin cầm quyền 25 năm mà cho rằng nước Nga không có dân chủ thì chưa chắc đã đúng vì dân chủ nằm ở bên dưới là chính, từ những chuyện dường như nhỏ nhặt. Nếu nguyện vọng người dân được lắng nghe và quan tâm, thể hiện qua tự do ngôn luận, có bầu cử công bằng để chọn được người hiểu nguyện vọng của dân...là dân chủ.
Thời phong quyền tập quyền và toàn trị nhưng vẫn có câu “phép vua thua lệ làng”. Thực tế, các già làng già bản, những người được dân chúng ngưỡng mộ và tôn trọng, có khá nhiều quyền lực. Đó cũng là dân chủ.
Thời nhà trần có hội nghị Diên Hồng với sự tham gia của đông đảo các bô lão để bàn việc quốc gia đại sự. Vua Gia Long đã từng tổ chức ít nhất hai hội nghị với các quan tướng để công khai bàn chọn người nối ngôi. Đó đều là những biểu hiện của dân chủ.
Cho rằng dân chủ rất cao siêu, phải có dân trí rất cao mới đạt được là suy nghĩ sai lầm. Dân chủ đơn giản là việc người dân có tiếng nói cho nguyện vọng của mình, không cần một cá nhân hay một nhóm người nào "thượng lưu” nghĩ hộ, nói hộ.
Dân mình có câu “quan xa, nha gần”, thật ra ai làm tổng thống hay thủ tướng cũng không ảnh hưởng gì lắm đến người dân bình thường. Khi gặp những trở ngại trong cuộc sống, ví dụ nhà mất điện, mất nước hoặc vướng mắc thủ tục hành chánh, làm sao bạn có thể kêu lên thiên đàng mà chỉ có thể nhờ cậy các viên chức cấp thấp trong địa phương.
Khi người dân có tiếng nói, có quyền lực thì cũng sẽ có quyền lợi. Ngân sách dù có nguồn gốc từ thuế hay từ tài nguyên cũng đều là của dân, chứ không phải của lãnh tụ. Vì thế nó phải được chi cho phúc lợi như y tế, giáo dục, công chính, môi trường...phần phục vụ bộ máy quan liêu, quân đội, công an thì càng giảm thiểu càng tốt. Mặt khác, tiền thu tô thuế đưa lên ngân sách trung ương càng ít càng tốt, phần chủ yếu phải được địa phương, cơ sở được giữ lại để chi tiêu tại chỗ.
Tỉ trọng ngân sách chi bao nhiêu cho "bên dưới" và bao nhiêu cho "bên trên"có lẽ là thước đo tin cậy cho dân chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét