Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Nhớ nhiều Fujairah

 

Vào mỗi dịp Ramadan hằng năm, mình lại nhớ về vùng đất Trung Đông nóng như đổ lửa, nơi mình đã từng sống khá lâu.
Mình bằng đầu cuộc sống bên Dubai với một nhà một xe, con xe Honda CRV màu vàng, đời 2001. Nó đã cùng mình phi khắp 7 tiểu vương quốc của UAE. Abu Dhabi và Sharjah là hai nơi đi nhiều nhất, nhưng lại nhớ nhiều hơn đến Fujairah.
Tháng 10/2002 Fujairah cho miễn phí một gian hàng hội chợ. Nhưng ở nơi khỉ ho cò gáy nên mãi mới tìm được người cùng tham gia. Hằng ngày tụi mình từ Dubai chạy đi và chạy về đến Fujairah, sức trai chưa vợ, có đoạn mình phóng 180km/giờ, đèn chụp tốc độ bắn thía lia. Kỳ lạ, chẳng bao giờ nhận được giấy phạt.
Lúc đó đang làm đường mới cho chặng Dubai – Fujairah, dài 120km, đường cũ phải đi vòng qua Sharjah và Ajman mất 140km. Có lúc mình đi đường mới, đụng chỗ chưa làm xong lại quặt sang đường cũ. Hội chợ 10 tối mới tan, lò mò trên quãng đường phần lớn đen thui vì không có đèn thì về đến nhà đều phải sau 12 giờ đêm.
Tiểu vương quốc Fujairah bây giờ có 200,000 dân, lúc đó chỉ là 100,000, riêng thành phố thủ phủ cùng tên lối 50,000. 6 thành phố thủ phủ của UAE nằm ở “bờ tây”, thuộc “Vùng Vịnh”, tức Vịnh Ba Tư; chỉ mỗi Fujairah nằm bên bờ đông, thuộc vịnh Oman.
Trong quá khứ, đất Fujairah thuộc Oman, vốn là một quốc gia hùng mạnh trong vùng. Giữa thế kỳ 19, Ral Al Khaimah tách ra khỏi Sharjah thì sau ít lâu Fujairah nhập vào Sharjah. Thời gian 1900-1920, hai tiểu vương quốc kia tạm thời tái thống nhất thì năm 1901, Fujairah tuyên bố ly khai và độc lập từ đó đến nay.
Lãnh thổ Fujairah có ba mảnh, đan xem với các vùng đất của Sharjah và Oman. Đặc biệt mảnh đất lịch sử mang tên Dibba thì cả ba bên đều nhận của mình. Dibba ghi nhận chiến thắng của quân hồi giáo vào năm 663, đánh dấu việc toàn thắng trên bán đảo Ả rập.
Để khỏi mất lòng nhau, Dibba được chia ba, gọi là Dibba Muhallab, Dibba Hisn và Dibba Bayah cho ba bên liên quan.
Do địa hình cao, khí hậu Fujairah đỡ nóng hơn các thành phố bên phía Tây một chút. Để đi đến các thủ phủ “bên kia” Fujairah phải vượt qua một rặng núi, trong khi đường đến Sohar, cố đô và một thành phố lớn của Oman thì chỉ cần dọc theo bờ biển, gần hơn nên giao lưu dễ dàng hơn.
Nhà thờ Hồi giáo Al Bidya là nhà thời hồi giáo lâu đời nhất của UAE vẫn còn hoạt động, theo kiến trúc giống như các nhà thờ của Oman và Yemen, và do đó khác biệt với các nhà thờ khác của UAE. Do xây bằng bùn và đá, không dùng gỗ nên không thể xác định niên đại theo phương pháp phóng xạ, Trung tâm khảo cổ Fujairah đã cộng tác với Đại học Sydney và Đại học này của Úc đã xác định Nhà thờ xây vào khoảng năm 1446.
Năm nay cũng là năm Fujairah kỷ niệm 50 năm quốc vương Kheikh Hamad lên ngôi, người mình đã gặp khi khai mạc Hội chợ 2002. Ông lên ngôi năm 1974 khi mới 25 tuổi khi cha ông, Kheikh Mohammed, một trong những người sáng lập nhà nước UAE vào năm 1971 qua đời.
Như vậy Kheikh Hamad ở ngôi lâu thứ nhì hiện nay, sau Kheikh Sultan của Sharjah, với 52 năm không chỉ trong UAE mà tính luôn các nước Ả Rập Hồi giáo.
Một điều đáng ghi nhớ của du khách là giá cả sinh hoạt ở Fujairah rất thấp và thấp nhất so với mặt bằng UAE, khoảng bằng phân nửa so với Dubai và ngang ngửa với giá bên Oman, quốc gia có mức sống thấp hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét