Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Thuyết âm mưu: Những Thái thú tân thời

 

Thời trung cổ, Thái thú là một chức vụ do “Thiên triều” bổ nhiệm nhằm cai quản một thuộc quốc. Nhiệm vụ của Thái thú là thu tô thuế, của cải trong vùng đất phụ trách để đưa về cho Thiên tử.
Đối với các nước chư hầu, không gọi tên thái thú, vua chịu sắc phong thì quyền độc lập tự chủ cao hơn nhưng cũng không tránh được việc triều cống, bao gồm vàng bạc châu báu và các đặc sản trong xứ sở.
Vào khoảng thế kỳ 17, các tàu buôn phương Tây vào Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay) đã “quà cáp” cho vua Lê mấy cô gái mắt xanh mũi lõ. Vua không chia cho ai mà giữ hết các “dâu ngô” để dùng một mình.
Bên phương Tây, các đế quốc Hy Lạp, La Mã cũng có nhiều các lãnh chúa chịu ảnh hưởng và các ông vua con này cũng có tục lệ cống nạp. Về sau, các đế quốc Anh, Pháp và các đế quốc khác có nhiều thuộc địa khắp nơi trên thế giới. Toàn quyền là người đứng đầu các vùng thuộc địa, họ cũng có trách nhiệm bóc lột tài nguyên, sản vật để đưa về mẫu quốc.
Nói một cách hình ảnh, các loại thái thú, vua chư hầu, lãnh chúa và toàn quyền là những tên chăn vịt, chăn cừu cho các ông chủ đế quốc, thiên triều. Thói đời đội thượng đạp hạ, họ “ngoan ngoãn” như vậy trong hàng chục thế kỷ vì cũng chẳng mất gì, bóc chỗ này, dâng chỗ khác mà thôi.
Ngày nay, không còn phương trời riêng theo từng khu vực địa lý, thời kỳ “hai phe, bốn mâu thuẫn” cũng đã chấm dứt. Sau khi Liên Xô và hệ thống CHXH sụp đổ thì nước Mỹ đang chi phối thế giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, việc gì cũng nhúng mũi vào và do đó có thể coi Mẽo là “thiên triều”.
Mẽo có tiền, tổ chức, phương tiện, nhân lực giỏi để sẵn sàng tiếp tay cho các "thế lực thù địch" khi cần. Sự sụp đổ của các nhà độc tài ở Mỹ Latin, ở Đông Âu XHCN, cách mạng màu ở các nước CIS (Liên Xô cũ), mùa xuẩn Ả Rập... là quá nhiều các tấm gương.
Mình từng sống trong môi trường dân chủ từ năm 1994, đủ lâu để hiểu một ông hay bà thị trường địa phương không việc gì phải sợ Thủ hiến tiểu bang hay Thủ tướng liên bang vì Thủ tướng, Thủ hiến không có quyền bổ nhiệm họ. Họ có job là do được cử tri bầu lên. Suy rộng ra, các chính khách ở các quốc gia dân chủ không có lý do gì phải sợ Mỹ, họ chỉ sợ ai cho họ việc làm. Nhưng họ lại là “cùng hội cùng thuyền” với lãnh đạo Mỹ vì cùng do dân bầu lên.
Đến đây, mọi người sẽ bảo mình là cuồng hay ngáo. Mình biết dân chủ chỉ có tính tương đối, nhưng về cơ bản, bầu cử là cách nặn ra các chính khách ở thế giới tự do.
Nếu còn “thiên triều” ắt sẽ có thái thú, những kẻ rắp tâm làm tay sai cho ngoại bang, bán rẻ lợi ích đất nước, nhưng chúng vô cùng tinh vi lắt léo và không dễ nhận ra. Để nhận diện những Thái thú tân thời, mình tạm quy ước hai “định luật”:
Thứ nhất, đừng nghe những gì lãnh tụ nói mà hãy căn cứ vào hành động, vì trong nhiều trường hợp lời nói không đi đôi với việc làm. Thứ hai, không phải lúc nào ý kiến của đa số cũng đúng bởi vì trong nhiều hoàn cảnh đa số không có đủ thông tin.
Các lãnh tụ độc tài rất khoái nói đến hai chữ “dân tộc” hay tổ cuốc tổ cò gì đó nhưng chính họ lại gây phương hại cho đất nước nhiều nhất. Mọi người có thể ném đá nếu mình lấy ví dụ đích danh Putin và Tập Cận Bình, nhưng hãy từ từ hãy ném để xem có phải từ khi hai vị này lên cầm quyền thì nước Nga và nước Tàu có tốt lên hay không?
Putin chính thức nắm chức tổng thống vào cuối năm 1999, nhưng trước đó đã là Thủ tướng trong bối cảnh Elsin già yếu thì có thể coi ông cầm quyền trong 25 năm qua. Đó là khoảng thời gian khối NATO mở rộng từ 16 lên 31 nước, sắp tới có thêm Thụy Điển sẽ là nước thứ 32. Đáng chú ý, dưới trào Gorbachev và Elsin không có thành viên mới, trong khi thời Breznev chỉ có 1.
NATO là một tổ chức chính trị, quân sự do Mỹ cầm đầu, việc mở rộng NATO chính là việc làm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây, làm suy yếu nước Nga với tư cách là một đối thủ cạnh tranh.
Tương tự, khối kinh tế EU cũng được mở rộng từ 15 lên 28 thành viên, đó cũng là một lý do làm kinh tế Nga bị mất khả năng cạnh tranh trên thương trường do thiếu nguồn đầu tư và thị trường xuất khẩu.
Điều Putin làm vừa lòng Mỹ nhất là việc quan hệ của Nga và các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, Đức, Anh xấu đi. Như vậy, Châu Âu đã phải quỵ lụy Mỹ cho cái ô bảo vệ an ninh mà không còn ở vị thế ganh đua với với Mỹ.
Mọi người sẽ khó hiểu khi Nga hơn hẳn Ukraine về quân số và vũ khí nhưng vẫn không thể hạ gục nước láng giềng bé nhỏ hơn nhiều lần. Chắc là “đồng chí Putin tính hết rồi” và hệ lụy là nước Nga hùng mạnh trước đây giờ chỉ đồng vai phải lứa khi đánh nhau với một nước Ukraine thì làm sao có thể làm nước Mỹ rụng cọng lông chân nào?
Tương tự, Tập Cập Bình xóa bỏ chính sách “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình để hùng hùng hổ hổ, một cách tự tay bóp dái, mất đi nguồn vốn đầu tư FDI, sụt giảm xuất khẩu. GDP của Trung Quốc đã mất đà tăng trưởng vũ bão và sẽ rơi vào trạng thái không chịu lớn giống như kinh tế Nhật cách đây 20 năm.
Trung Quốc của Tập đã tự biến mình trở thành kẻ thù của Nhật Bản, rõ ràng đây là điều mà Mỹ hằng mơ ước. Nhật Bản đã từng là nền kinh tế số 2 thế giới, từng tỏ ra ương ngạnh trong các cuộc chiến thương mại thì bây giờ bỗng trở thành đồng minh thân thiết như anh em ruột thịt với Mẽo.
Thử tưởng tượng với sự gần gũi về chủng tộc và văn hóa, Trung Quốc liên kết với Nhật, Nga hội nhập với Châu Âu để chung sức chống Mỹ thì dám Mẽo sẽ bung và toang thôi. Kịch bản này không xảy ra, công đầu dành cho Pu và Tập.
Tại sao mình chọn hai vị này, vì họ có chung chí hướng muốn làm lãnh tụ suốt đời. Theo thuyết âm mưu, dù không còn chuyện triều cống thì "quà cáp” vẫn không ai từ chối. Trong cuộc đổi chác chân giò chai rượu, Pu và Tập đã và đang được toại nguyện danh vọng cá nhân, chỉ tội nghiệp cho người dân của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét