Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018
World Cup: BÓNG ĐÁ LÀ LỄ HỘI
Nếu “tụ tập đông người”, bạn luôn đối diện với nguy cơ bị công an giải tán vì như thế là chia rẽ quan hệ ta với “nước láng giềng chung biên giới Quảng Ninh”. Nhưng nếu bạn tụ tập dù có đông hơn nữa để cổ vũ bóng đá thì “chẳng sao cả”. Điều đó cho thấy vị trí vai trò đặc biệt của bộ môn bóng tròn.
Đôi khi lẩn thẩn mình nghĩ thầm, tại sao phải có bóng đá, hoặc bóng đá để làm gì ? Tự hỏi rồi lại tự trả lời. Bóng đá là một trò chơi có sức cuốn hút cao, khiến hàng tỉ người túc trực bên chiếc máy Tivi, doanh số mỗi mùa World Cup lên đến hàng chục tỉ USD.
Chưa hết, bóng đá có thể ví như một thứ thuốc phiện, hay một tôn giáo. Thuốc phiện là thứ gây mê hoặc, dính vào nó sẽ dễ quên những chuyện khác. Tôn giáo cũng vậy, nếu so với “khoa học hiện đại” thì vô số những luận điểm trong giáo lý dường như đã sai, nhưng tôn giáo vẫn tồn tại và chưa hề tỏ dấu hiệu suy yếu. Tôn giáo, dù là Thiên chúa, Phật hay Hồi thì vẫn cần cần cho cuộc sống vì chúng mang lại niềm tin và gắn kết con người với nhau.
Thường nói “người với người sống để yêu nhau”, không nên chiến tranh giết hại, hủy diệt lẫn nhau. Vấn đề là làm thế nào để có được những điều này ? Những người lương thiện chỉ mong có một cuộc sống bình yên, ít bị cướp bóc, quấy rầy bởi các thể loại cướp đêm và cướp ngày. Điều gì có thể mang lại cho họ sự liên kết để tạo nên sức mạnh và niềm tin yêu?
Ồ, hỏi đã là trả lời. Có quá lời không khi nói rằng, bóng đá đã làm con người quên đi một “thói quen cũ” là gây chiến tranh. Kể từ sau WW II kết thúc vào năm 1945, về cơ bản, thế giới không còn chiến tranh lớn (ngoại trừ chiến tranh Việt Nam).
Không thể tìm được lý do gì khác để hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người thường xuyên tụ tập với nhau hàng tuần, hoặc mỗi tuần hai lần quanh năm tại các sân vận động như bóng đá. Mỗi lần tụ tập như vậy là một ngày hội, một niềm vui không bờ bến.
Hồi trước ở Vietnam có môn “Ủ su”, mình chưa bao giờ xem nhưng thấy đài báo khoe huy chương vàng ỏm tỏi. Đương nhiên, để lấy được huy chương thì phải mất tiền, nhưng để làm gì khi mà quần chúng không quan tâm, không thèm xem.
Thực sự, bóng đá không chỉ để cho vui. Một xã hội muốn phát triển và tiến bộ thì phải có sự đồng thuận (harmony) và khoan dung (tolerance). Ổn định không phải là Gaddafi ở ngôi liên tục trên 40 năm hay một phe đảng Bonsevic cầm quyền trên 70 năm mà ở chỗ lòng dân có yên hay không. Nếu dân còn bất mãn, còn chửi rủa và phá phách thì đừng hy vọng thịnh vượng, thành công và hạnh phúc.
Tại World Cup 1978, nguời ta chú ý đến điều khác thường khi Toredo, cầu thủ da đen duy nhất trong đội tuyển Pháp, chơi ở vị trí trung vệ. Ngày nay, trong các đội bóng mạnh của châu Âu như Pháp, Đức, Anh, Bỉ...đều có quá nửa là các cầu thủ da màu. Những cầu thủ có nguồn gốc chủng tộc khác nhau xúm xít bên trái bóng tròn là hình ảnh đẹp về một thế giới đại đồng.
Chỉ còn vài giờ nữa, ngày hội Worrld Cup sẽ bắt đầu. Hãy để Bóng đá góp phần tạo ra một xã hội, một hành tinh có nhiều yêu thương và gắn kết hơn.
Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018
Tuổi 92, vì sao Mahathir trở lại chức Thủ tướng
Từ trước tới nay, tuổi 90+ mà vẫn giữ ngôi vị không nhiều. Năm 2015, vua Abdullah của Saudi băng hà ở tuổi 91. Năm ngoái, Mugabe của Zimbabwue chưa hề muốn từ bỏ quyền lực. Nhưng sự lú lẫn của tuổi 91 làm ông không thể đối phó được với các đồng chí đầy tham vọng của mình. Ông đã khóc khi bị ép phải từ chức tổng thống. Trong khi đó, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị vẫn còn giữ ngôi vị ở tuổi 92.
Các vị kể trên ở ngôi lâu như vậy có lý do lịch sử và đều không thông qua bầu cử. Còn trường hợp ông Mahathir Mohamed sắp bước vào tuổi 93 mà vẫn chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ và trở thành Thủ tướng của Malaysia mới đáng đặt ra nhiều câu hỏi.
Mahathir cùng thế hệ với Lý Quang Diệu, chỉ kém ông Lý gần 2 tuổi. Hai ông đều con nhà giàu, học rất giỏi, Lý trở thành Luật sư còn Mahathir tốt nghiệp Bác sĩ và đều dấn thân làm chính trị khá sớm. Khi Singapore tách ra khỏi Malaysia năm 1965 thì Lý trở thành Thủ tướng nhưng con đường của Mahathir khá lận đận. Do bất đồng với , Tunku Rahman, lãnh tụ Đảng UMNO cầm quyền đồng thời là Thủ tướng đầu tiên của nước Malaysia độc lập vào năm 1957, ông bị thanh trừng khỏi ban lãnh đạo đảng UMNO. Sau đó, Mahathir đã viết quyển sách nổi tiếng The Malay Dilemma. Sách đề cao vai trò người Mã Lai, phê phán người gốc Hoa, coi họ là người kẻ hung hăng và hám tiền; đồng thời cũng đả kích mạnh mẽ chính phủ Kunku. Chính vì vậy, quyển sách bị cấm và Mahathir suýt nữa bị bỏ tù. Khi Kunku từ chức vào năm 1970, Abdul Razak lên thay, Mahathir trở thành Bộ trưởng rồi phó Thủ tướng thì lệnh cấm vẫn tiếp tục có hiệu lực. Chỉ đến năm 1981, khi Mahathir chính thức trở thành Thủ tướng thì quyền sách mới được phép lưu hành công khai.
Trong 22 năm làm Thủ tướng của Mahathir, Malaysia đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy chưa phải là một trong 4 con hổ mới (NIC) của Đông Á, nhưng cũng được coi là thành công. Về đối ngoại, trái ngược với Lý Quang Diệu thân thiện với phương Tây, Mahathir nổi tiếng với những phát ngôn chống Mỹ và đặc biệt xung khắc với cựu Thủ tướng Úc Keating.
Mahathir quả là một chính khách dễ thay đổi. Trước khi làm Thủ tướng, ông chống người Hoa, khi lên thì lại chống người Mỹ. Trước đây, ông là cộng sự thân thiết của Abdul , Thủ tướng thứ hai của Malaysia, được Abdul nâng đỡ và đưa ông vào vị trí lãnh đạo thì sau này ông lại kịch liệt chỉ trích con trai ông, thủ tướng mãn nhiệm Najib Razak đến mức ly khai với Đảng và đứng về phía phe đối lập. Ông đã lãnh đạo phe chống chính phủ để đánh bại Đảng UMNO cầm quyền từ khi Malaysia giành độc lập đến nay.
Đối với Anwar, nay đã 70 tuổi, người từng được ông đưa lên ghế Phó Thủ tướng, nhưng rồi cách chức và bỏ tù thì nay lại là đồng minh thân thiết. Thậm chí Mahathir còn hứa sẽ trao lại quyền lãnh đạo cho Anwar trong 2-3 năm tới. Về đối ngoại, lâu nay không còn thấy Mahathir có những phát ngôn chống phương Tây nữa và có tin chính sách mới sẽ cứng rắn với Trung Quốc.
Ở tuổi 92, lẽ đương nhiên sức lực và trí lực của con người đều đã suy giảm nghiêm trọng. Vậy lý do nào mà người dân Malaysia lại bầu cho Mahathir ?
Trong cuộc trưng cầu dân ý cách đây chưa lâu, người dân Anh đã chọn giải pháp đưa nước Anh ra khỏi EU. Đây là một điều “dại dột” vì gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế nước Anh mà chính người Anh phải hứng chịu. Ngay sau đó, người Mỹ cũng “ngờ nghệch” không kém khi bầu Donald Trump, một kẻ điên rồ và bịp bợm làm tổng thống.Nhưng dường như những “sai lầm” đó không tai hại như người ta tưởng, bởi cái gì cũng có hai mặt: tốt xấu, hay dở. Ngay trong trường hợp vừa xấu vừa dở thì cũng không mất hết, biết đâu lại có cái được lớn hơn nhiều.
Người ta thường nói, đoàn kết mang lại thành công, rồi “giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nói vậy nhưng làm được bao nhiêu ? Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đã đụng chạm đến những quan chức cao cấp trong guồng máy Đảng, quân đôi và công an, nhiều người bị bỏ tù, tử hình, có người tự sát. Khách quan mà nói, nạn tham nhũng ở Trung Quốc đã được đẩy lùi một bước đáng kể, làm niềm tin của người dân đối với chế độ và chính quyền được khôi phục.Tuy nhiên, điều này cũng làm ông Tập phải lo lắng đến viễn cảnh ông từ bỏ quyền lực và về hưu thì cá nhân ông khó có thể an toàn, đó cũng là lý do ông phải tìm cách xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ để có thể ngồi lâu hơn.
Ở tầm mức doanh nghiệp, một khi nhân viên ghét chủ, chủ coi khinh nhân viên, những ý tưởng từ trên không được thực hiện nghiêm túc, thậm chí còn bị phá hoại ngấm ngầm thì nếu không phá sản, công ty cũng không phát triển được. Trong một gia đình, vợ chồng không “happy” với nhau thì hậu quá có thể đoán biết, ly dị hay chung sống địa ngục cũng đều là bất hạnh.
Thực thi dân chủ , chấp nhận sự khác biệt, thậm chí chấp nhận cái sai thì phần thưởng lớn hơn sẽ là sự khoan dung, đồng thuận và thương yêu. Cái đó lớn hơn nhiều, cao xa hơn nhiều, chẳng hạn so với việc vì Brexit mà nước Anh mất chục tỉ hay trăm tỉ. “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”, trong một đất nước cũng vậy, trên dưới đồng lòng chính là sức mạnh vô địch. Dùng bạo lực và gian dối để áp đặt duy ý chí sẽ không bao giờ mang lại sự đoàn kết thực sự. Đó là điều mà những thể chế độc tài không hiểu và không chịu làm theo.
Chính vì thế, đồng thuận để một ông già ở tuổi sắp chết làm lãnh đạo, đất nước Malaysia vẫn sẽ có một tương lại tươi sáng.
BÓNG ĐÁ NGA, TRƯỚC VÀ NAY
(Bài 3 trong loạt bài World cup 2018)
Nhắc đến bóng đá Nga làm mình nhớ đến cả một bầu trời tuổi thơ. Vào Thập niên 70x, 80x, bóng đá Liên xô là cửa sổ nhìn ra bóng đá thế giới. Giải ngoại hạng Liên xô là giải đấu quốc gia duy nhất VTV truyền hình trực tiếp, với một câu thường trực “nếu điều kiện kỹ thuật cho phép”. Cái gì Liên xô cũng nhất. Dasaev của Spartak Matxcova là thủ môn số 1 thế giới, Trevatde của Dinamo Tbilisi là lá chắn vững chắc nhất, Blokhin của Dinamo Kiev là tiền đạo lừng danh không ai bằng được. Đổi tuyển Liên xô cũng mạnh nhất thế giới.
Sự thật không phải như vậy. Thành tích cao nhất của đội Liên xô chi là bán kết World Cup và Chung kết Euro. Để tiện so sánh, Urugoay hai lần vô địch thế giới; Tiệp, Hung, Chili đều từng vào chung kết World Cup; trong khi Đan Mạch và Hy Lạp từng vô địch Euro. Các đội này có thời điểm mạnh nhưng cũng chưa thể coi là đẳng cấp hàng đầu thế giới, huống chi là Liên xô hay Nga.
Thuở nhỏ, mặc dù mê bóng đá Liên xô nhưng mình cũng chưa bao giờ được xem các thần tượng thi đấu trên sân. Thông thường, vào tháng 11, 12 hàng năm, các đội bóng Liên xô và các nước XHCN anh em sang Việt Nam thi đấu. Đó là các đội bóng hạng hai, hang ba, đôi khi trong đội hình cũng có cầu thủ đạt danh hiệu “vận động viên công huân nước cộng hòa” nhưng đó vẫn chưa phải tuyển thủ quốc gia. Vậy mà các đội bóng Vietnam còn mang rổ ra đựng bàn thua. Tuy nhiên, trận cuối gặp Thể công thì thường hết sức căng thẳng và kết thúc hòa 0-0 hoặc 1-1. Giả sử đội bạn ghi được bàn thắng thì gần cuối trận, một cầu thủ Vietnam chạy vào trong vòng cấm và ngã lăn đùng ra. Trọng tài lập tức chỉ vào chấm phạt đền và đó là trận hòa 1-1.
Nó đi nói lại, dù bạn có đội người ta lên đầu hay không thì bóng đá Liên xô vẫn là bóng đá Liên xô. Nó hơn hẳn Vietnam nhưng cũng chỉ vào loại kha khá trên thế giới.
Thời tiết là một trở ngại lớn của bóng đá Liên xô trước đây và bóng đá Nga ngày nay. Nếu như các nước Á Phi, Mỹ Latin có thể chơi bóng đá quanh năm. Bóng đá Anh cũng không cần có kỳ nghỉ đông. Nhưng bóng đá Nga chỉ chơi được hơn nửa năm vì băng tuyết của nước Nga bao phủ trong 5 tháng. Mùa bóng ở Nga rất ngắn nhất so với các nước,chì từ tháng tư đến tháng mười. Trở ngại thứ hai, Khán giả Nga không quá cuồng nhiệt và các đội là marketing cũng dở, vì thế khán đài thường xuyên trống vắng. Vấn đề thứ ba là nguồn vốn đầu tư tài chính cho bóng đá cũng không dồi dào như các cường quốc về bóng đá.
Với những khó khăn chồng chất mà bóng đá Nga vẫn có một chỗ đứng như vậy thì quả không tồi.Các cầu thủ Nga vẫn được đánh giá cao về kỹ thuật và thể lực. Tuy nhiên, do việc cọ sát thi đấu có phần hạn chế mà các cầu thủ Nga hạn chế về khía cạnh tâm lý. Mới đây, đội Spartak Moscow gặp Arsenal trong vòng tứ kết Europa. Lượt đi Spartak thua 1-4. Trong trận lượt về, như không còn gì để mất, đội chơi tấn công rất hay và ghi được hai bàn, và chỉ cách thiên đàng 1 bàn thắng, theo luật bàn thắng trên sân khách. Đến lúc này các cầu thủ Nga đã bộc lộ những bất ổn, thay vì thừa thắng xông lên thì lại tỏ ra rụt rè chờ thời. Để rồi Arsenal san bằng cách biệt 2-2.
Mình nghĩ bóng đá Nga sẽ có trình độ cao hơn nhiều nếu các cầu thủ Nga chịu khó ra nước ngoài thi đấu. Ashravin là cầu thủ rất tài năng, nhưng chưa thế nói anh đã thành công khi sang Anh thi đấu. Nhược điểm của các cầu thủ Nga là khả năng hòa nhập trong môi trường mới, không chỉ về chuyên môn mà cả trong cuộc sống nữa. Điều này có lễ cần thời gian.
Dù sao, các đội chủ nhà vẫn luôn là một đội đáng gờm. Biết đâu đấy, đội tuyển Nga sẽ làm nên chuyện ở World cup 2018.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)