Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Tạm biệt Việt Luận thân thương

 


Đúng ra là vĩnh biệt, Việt Luận báo giấy đã ra số cuối cùng ngày hôm qua.
Thập niên 1990s có thể coi là thời kỳ hoàng kim của báo giấy trong nước, hải ngoại, kể cả báo Tây. Dân số Sydney thời đó chừng 4-5 triệu mà tờ Daily Telegraph phát hành hơn triệu bản mỗi ngày.
Còn báo Việt ngữ đến cả chục loại, đặc biệt là phẩm chất rất cao, với những bài viết công phu của những cây bút có uy tín.
Năm 2004, mình đã xa Úc được 5 năm thì bà xã mới cưới bay từ Úc sang Dubai có hỏi mình muốn mang gì không. Đồ ăn Úc phong phú và ngon hơn Dubai nhiều nhưng vì không muốn bà xã xách nặng, mình bảo cầm cho anh một tờ Việt Luận mà thôi.
Khi quay lại Úc năm 2011, không có việc làm, mình đến Việt Luận xin chạy quảng cáo, thấy mình có thể kết hợp viết bài nên mới được cho job, Việt Luận vẫn còn có giá lắm!
Việt Luận muốn dành nhiều diện tích bài vở cho bạn đọc nên chỉ nhận đăng quảng cáo khá hạn chế và nhất định không chịu đăng quảng cáo nhà thổ như các tờ báo tây ta khác.
Không chạy theo xu hướng lá cải, Việt Luận tập trung vào các bài bình luận có tính học thuật cao. Hồi xưa mình mê các cây viết như Búa Tạ, Sông Lô... mà lâu rồi không thấy nữa, nhưng Cổ Nhuế, Phùng Nhân vẫn còn đó.
Khoảng năm 2013, mình nhận được cú điện thoại của cô Thư ký TS kêu mình đi làm Biên tập viên. Rất tiếc, do đã có việc làm nên không thể nhận lời.
Thật ra mình chỉ viết tổng cộng 2-3 bài cho Việt Luận, nên không dám nhận là "người viết" mà chỉ là "bạn đọc" mà thôi.
Trong lời chia tay, Việt Luận đưa ra so sánh, chúng ta đã từ bỏ bút nghiên chấm mực, và với tiến bộ kỹ thuật, Việt Luận sẽ chuyển hóa từ báo giấy sang báo mạng.
Biết là như thế, nhưng vẫn bồi hồi...

Kane hay Salah sẽ trở thành vua phá lưới NHA?

 

Sau 31 vòng đấu, những cầu thủ có triển vọng trở thành vua phá lưới giải Ngoại hạng Anh đã lộ diện, vượt hẳn lên là Kane và Salah với cùng 19 bàn.
Nhiều cây sút không kém phần long trọng như Son (14 bàn), Laca (13 bàn), Vardy (12 bàn), Rasford (10 bàn), Auba (9 bàn) đã tụt lại phía sau. Riêng Fernandes (16 bàn) là bám sát hơn cả, nhưng anh này đang có biểu hiện sa sút vì quá tải, hơn nữa lại chơi tiền vệ nên cơ hội không nhiều như tiền đạo. Dự báo, Manchester Utd sẽ ưu tiên mặt trận châu Âu nên có lẽ sẽ để Fernandes nghỉ một số trận ở giải Anh.
Chúng ta thử tìm hiểu đôi chút về hai cây tay săn bàn thượng hạng này.
Harry Kane sn 1993, vốn là một cầu thủ năng khiếu của đội Arsenal. Tuy nhiên các nhà tuyển trạch Arsenal đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi thải loại Kane còn mới 9 tuổi để cậu bé chuyển sang đầu quân cho người hàng xóm ở phía Bắc London là Tottenham.
Từ mùa bóng 2014-2015, Kane trở thành cây sút chủ lực của Tottenham. Cũng trong năm 2015, Kane ra mắt đội tuyển Anh và từ đó trở thành một nhân tố không thể thiếu của Tam sư, thậm chí còn được vinh dự trở thành đội trưởng chính thức.
Mohamed Salah sn 1992, người Ai Cập. Vào mùa bóng 2014-2015, Salah ra nhập ngoại hạng Anh trong màu áo Chelsea với mức giá chuyển nhượng lên đến 52 triệu bảng. Nhưng Salah thi đấu không thành công và Chelsea đẩy anh sang Ý theo dạng cho mượn rồi bán đứt.
Năm 2017, HLV Klopp của Liverpool đưa Salah trở lại Premier League và anh đã cùng đội quân Lữ hành đỏ làm nên lịch sử vô địch châu Âu và vô địch nước Anh. Trong 3 mùa bóng vừa qua, hai lần Salah là vua phá lưới của Ngoại hạng Anh.
Đương nhiên, Salah cũng là thành viên chủ chốt của đội tuyển Ai Cập và được coi là cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử của Pharaon.
Kane cao 1m90 chơi ở vị trí trung phong, Salah chỉ cao 1m75 nên đá dạt cánh phải. Cả hai đang ở giai đoạn rực rỡ nhất của đời cầu thủ. Điều đáng tiếc, thành tích của Tottenham và Liverpool mùa bóng năm nay thật tệ hại. Cả hai đội đều bị loại ở đấu trường châu Âu và đang lẹt đẹt ở giải quốc nội với các vị trí thứ 6 và thứ 7.
Liverpool thực sự gặp khó khi bảo vệ danh hiệu vô địch khi hai trung vệ chính là van Dijk và Gomes gặp chấn thương dài hạn. Trong khi HLV Mourinho dường như đã hết phép màu, cứ để Tottenham cứ trượt dài trong bảng xếp hạng. Khi mùa giải chỉ còn 8 trận đấu nữa, có thể tạm coi cơ hội vào top 4 để được đá Champion League của Tottenham gần như không còn và của Liverpool là khá mong manh.
Kane và Salah hiện nay là hai trong số 4 cầu thủ đắt giá nhất trên thị trường chuyển nhượng (cùng với Neymar và Mbappe). Cả hai đều đã từng được Barcelona và Real Madrid “ngắm nghía”, tuy nhiên hai đội bóng Tây Ban Nha này đang gặp khó khăn về tài chính do đại dịch Covid.
Cũng không sao, theo “đồn đoán” Salah được “gã nhà giàu mới nổi” PSG theo dõi sát. HLV mới của PSG là Pochettino đã có thời gian dài làm việc tại Premier League đã hiểu rõ và “bồ kết” tài năng của chàng đầu xù, đặc biệt trong bối cảnh Mbappe không chịu gia hạn hợp đồng và có thể chuyển đi.
Trong khi đó, cây sút chủ lực của Man Utd là Cavani đã qua tuổi 34, khó có thể giữ phong độ trong mùa giải tới. Cavani không nói tiếng Anh nên có vẻ không hòa nhập được với cuộc sống ở Anh và mong muốn ra đi. Sự thay thế lý tưởng ở đây chính là Kane.
Sắp sang tuổi 28-29, Kane và Salah hiểu rằng họ chỉ còn một cơ hội duy nhất để “yêu” thêm một lần nữa, để được tung hoành trên đấu trường đỉnh cao Champion League. Dù ai trở thành vua phá lưới mùa giải năm nay, sẽ không ngạc nhiên khi một trong hai anh, hoặc cả hai khoác màu áo mới trong mùa giải tới.

Đôi điều với tân Bộ trưởng công thương


 

Vậy là anh Diên đã chính thức trở thành Bộ trưởng Công thương. Hơi buồn, anh là người mà quốc hội phê chuẩn ghế Bộ trưởng với tỉ lệ phiếu áp chót và có đến 59 đại biểu không bỏ phiếu cho anh Diên.
Có lẽ các đại biểu “lăn tăn” về cái bằng Cử nhân sử của anh. Thật ra sử là một môn học thú vị nhưng nhiều người lại thành kiến mà quên rằng Cử nhân sử còn có thể làm được cả chức to hơn như chị Mai là Trưởng ban Tổ chức TW.
Nhớ lại hồi năm 1985, do thất bại về cải cách Giá Lương Tiền, ông Tố Hữu, PCT thường trực Hội đồng bộ trưởng đã bị bãi nhiệm. Lúc đó có người nói, sao lại để nhà thơ đi làm kinh tế. Ý kiến bênh vực thì cho rằng, ông Tố Hữu biết làm thơ, còn hơn người khác chẳng biết làm gì!
Nguyễn Huy Thiệp, một cử nhân sử khác từng nói “khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức”.
Bên Úc có đến 5 bộ trưởng không có bằng đại học, không có ai là tiến sĩ, trong khi anh Diên có vài chiếc các loại, trong đó có một cái tiến sĩ. Mình nghĩ không nên lấn cấn chuyện bằng cấp mà nên nhìn vào thực tế công việc. Anh Diên đã có 30 năm kinh nghiệm làm việc, “chắc phải thế nào” mới được bổ nhiệm chứ.
Trong buổi lễ nhận chức hôm qua, anh Diên đã tỏ ra khiêm tốn khi nói rằng: “không có bộ trưởng nào giỏi mọi lĩnh vực, tôi cũng không phải ngoại lệ”. Đúng quá, không riêng gì Bộ trưởng mà chẳng có bất kỳ ai giỏi mọi thứ, giỏi vài ba lĩnh vực thì có.
Hôm nay, trong hội nghị cán bộ công chức, anh Diên lại nhấn mạnh đến việc phân cấp phân quyền. Điều này cũng phù hợp với tình hình mới. Trước đây, thời anh Hoàng có lúc đó đến 10 thứ trưởng, thời anh Tuấn Anh có 6. Bây giờ chỉ còn 4 thứ trưởng.
Một vị bộ thứ trưởng từng than rằng, có ngày phải ký hàng trăm văn bản. Cơ chế như thế đẩy các vị lãnh đạo bộ thành những người quan liêu vì nhiều văn bản như thế làm sao đủ sức nắm bắt hết. Lối thoát bắt buộc là phải phân cấp, việc của Vụ Cục thì Vụ Cục phải giải quyết, không đẩy lên Bộ.
Với tư cách là một người đã từng dây mơ rễ má trong ngành công thương, mình mạo muội bàn thêm vài vấn đề nữa.
Thứ nhất về tổ chức và nhân sự. Biên chế hiện nay quá đông nhưng sẽ không thực tế để giảm xuống một cách đáng kể. Tuy nhiên có nhiều cơ quan rõ ràng không nên nằm trong bộ như 10 viện nghiên cứu, 31 trường, nhiều cơ quan xuất bản, tạp chí báo. Nếu chuyên nghiệp hóa như các nước thì các bộ không bao giờ làm “chủ quản” các cơ quan này.
Đây là những đơn vị có thu nhưng vẫn sống chủ yếu bằng ngân sách. Mà ngân sách nào chịu nổi với những bộ máy cồng kềnh như vậy. Cửa sống của các viên chức là dựa vào hơi nhà nước để nhũng nhiễu các doanh nghiệp, gây mất uy tín.
Đương nhiên, đây là vấn đề của “hệ thống”, cá nhân bộ trưởng không đủ thẩm quyền để thay đổi. Tuy nhiên, bộ trưởng có thể giảm thiểu một phần tình trạng ôm đồm khi giải thể hoặc sắp nhập bớt.
Thứ hai, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần có các biện pháp mang tính đột phá đổi mới các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại. Xưa nay chỉ tiêu thi đua là doanh số nhưng lợi nhuận mới là mục đích và thước đo hiệu quả. Điều này đã được bàn nhưng dường như chưa có chuyển biến?
Do chạy theo thành tích doanh số, hầu hết các doanh nghiệp quốc doanh dần dần cụt hết vốn lưu động, chỉ còn lại các các tài sản cố định và phải mang chúng ra cầm cố ngân hàng. Trong nhiều trường hợp, tài sản cũng mất nốt và dẫn tới phá sản.
Trong kinh tế thị trường, lợi nhuận mới là động lực là yếu tố giữ cho sự phát triển bền vững lâu dài. Đây là vấn đề hệ trọng về lý luận và thực tiễn, cần nhiều quyết tâm và dũng cảm mới thay đổi được.
Thứ ba, dường như chúng ta đang ngây ngất và ngủ quên với việc kim ngạch xuất khẩu lên cao kỳ lục mà quên rằng gần 80% số đó có nguồn gốc từ đầu tư nước ngoài FDI. Trong hơn 20% thuần Việt thì lại chủ yếu là hàng thô như dầu thô, khoáng sản thô, nông sản thô.
Thực sự đây là điều nhức nhối và rất cần suy nghĩ về hàng xuất khẩu mũi nhọn và có hàm lượng tri thức kết tinh cao. Mình cảm thấy hãi hùng khi báo chí kêu gọi xuất khẩu phần mềm. Thế mạnh của Việt Nam không phải là công nghệ cao hay công nghiệp nặng.
Ngay như Trung Quốc cũng chưa xuất khẩu được nhiều về công nghệ cao, thậm chí họ không mạnh về ngôn ngữ máy tính như Ấn Độ. Trung Quốc cũng không ưu thế về xuất khẩu máy bay hay ô tô nhưng chỉ bằng công nghiệp hàng tiêu dùng đã đủ chinh phục thế giới.
Hàng hóa của Việt Nam đang bị chèn ép, cạnh tranh không bình đẳng ngay trên sân nhà vì hàng ngoại nhập được trợ giá. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang quay trở lại, nên chăng chúng ta phải xem xét lại, phải cấm hoặc đánh thuế cao đối với những mặt hàng mà trong nước đang phát triển sản xuất.
Việt Nam đã có nhà máy lọc dầu, do đó có nguyên liệu cho sản xuất đồ nhựa, vậy nên có biện pháp bảo vệ cho ngành hàng này. Cũng nên tính đến các mặt hàng công nghiệp nhẹ khác có khả năng lại lợi nhuận tốt như rượu bia đồ uống, thuốc lá, trái cây chế biến, cà phê hòa tan, vật liệu xây dựng...
Thứ tư, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ khó khăn nhất của bộ, đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm của thế giới. Nếu bộ trưởng kêu gọi sự giúp sức của kiều bào thì không thiếu người đòi về nhưng đó là những kẻ thất nghiệp và chưa thành công, còn những người có việc làm ổn định, con cái đang học hành tử tế thì họ sẽ nói không.
Vì thế hãy quên đi nguồn lực từ nước ngoài. Nhưng không sao, Bộ công thương có 51 thương vụ ở các nước, nhiều hơn bất kỳ bộ ngành nào khác, ngoại trừ cơ quan đại diện ngoại giao.
Xưa nay, công việc chiếm nhiều thời gian của các thương vụ là hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng điều này nên xem lại. Trên thực tế, những doanh nghiệp lớn, đội ngũ nhân lực có trình độ thì họ không cần gì các thương vụ, mà chỉ các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập thì mới hay nhờ vả.
Trước đây, có một số ít các doanh nghiệp được quyền làm ngoại thương thì nay lại chạy sang thái cực khác, đó là “mở toang” tất cả đều được xuất nhập khẩu. Điều này dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, các doanh nghiệp Việt Nam dẫm chân lên nhau và đứng về góc độ vĩ mô là không có lợi.
Vì thế việc “hỗ trợ doanh nghiệp” sao cho hợp lý, nên chăng chỉ dừng lại ở mức cung cấp thông tin mà không nên làm các việc như giới thiệu đối tác, ký hợp đồng. Nếu vì mối quan hệ để cả nể giới thiệu cho các công ty ngoại những doanh nghiệp không tiêu biểu và không xứng đáng của Việt Nam thì đó là việc làm lợi bất cập hại.
Khi thoát ra khỏi các công việc sự vụ, anh em tham tán và cộng sự có thể tập trung thời gian vào việc nghiên cứu thị trường, chính sách của nước sở tại. Nguồn thông tin từ bên ngoài rất phong phú, thiết thực, không có trên mạng internet, đó là thông tin cập nhật từ các cơ quan hải quan, cảng khẩu, chợ đầu mối, các thư viện, các sự kiện hội nghị hội thảo...

Khi nào cha mẹ nên giúp đỡ con cái đã đến tuổi trưởng thành?

 


Khi con bạn đã trên 18 hay 21 tuổi thì bạn có nên bao bọc các cháu nữa không? Câu trả lời: mình không biết, có lẽ tùy từng trường hợp.
Năm 21 tuổi mình bắt đầu đi làm và đã độc lập kinh tế với bố mẹ. Sau một thời gian có đủ tiền, mình dốc hết vốn liếng ra để đi du học Úc.
Từ nhỏ đến lớn, cuộc sống phẳng lặng như tờ, đến khi sang Úc thì vừa làm vừa học, thức khuya dậy sớm, quả là vất vả. Đợt holidays, kể chuyện bên ấy như thế, mẹ mình thương quá, rút túi cho 1,000 USD.
Hồi mới sang, một anh bạn người Việt làm cùng, hơn mình vài tuổi hỏi: Muốn ở lại hay về? Khi mình bảo về thì anh trợn mắt lên:
- Mày điên à.
Nghĩ lại, mình thấy mình không điên, chỉ ngu lâu thôi.
Diễn biến tư tưởng của một du học sinh có 3 giai đoạn:
1. Muốn về
2. Về hay ở thế nào cũng được, “không quan trọng”
3. Muốn ở lại
Mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 1 năm. Do đó, ai mà sống tại Úc 3 năm trở lên thì mình dám cá độ là đến 80-90% là muốn ở lại. Tuy nhiên, có được toại nguyện hay không là vấn đề khác.
Trước đây, vào thập niên 1990s, đa số ở lại được (cỡ 70%), còn bay giờ đa số phải về (cũng tính 70% đi). Nhưng về số tuyệt đối, du học sinh định cư đông hơn vì 30% của vài chục ngàn nhiều hơn 70% của vài ngàn trước đây.
Cách đây 20-30 năm, con đường chính của du học sinh là làm “hôn nhân giả” và diện kỹ năng, nhưng cả hai cách này đều trở nên khó rồi.
Một phụ huynh có con gái du học rất xinh nói với mình, muốn cháu nó yêu người bên ấy để ở lại cho rồi. Mình thì thấy suy nghĩ của cô này như ở trên cung trăng, cái đó ví như há miệng chờ sung, vì nó là duyên số.
Hiện nay, cách định cư bằng cách kinh doanh đầu tư là chắc chắn nhất. Yêu cầu là doanh nghiệp phải hoạt động thật, phải có doanh số.
Người Việt mình đi diện này khá đông, nhiều người không biết gì hết mà còn dám sang đây bỏ tiền đầu tư kinh doanh thì đối với một thanh niên đã có kinh nghiệm dăm năm tại Úc thì triển vọng làm ăn phải sáng sủa hơn nhiều lần.
Vấn đề ở chỗ cha mẹ không chịu giúp con chi vốn cho các cháu. Các cháu cũng kẹt vì đã tiêu của cha mẹ một khoản cho việc học rồi nên cũng ngại không dám xin thêm, mặc dù biết gia đình “có điều kiện”.
Khi con ở gần, quý vị có thể hiểu biết mọi tâm tư, nhưng thật ra khi con đi xa, đối diện nhiều hơn với rủi ro, gian khó thì cha mẹ lại rất khó nắm bắt xem con cần gì để giúp.
Vì Covid 19, dự báo năm nay số lượng định cư rớt xuống còn khoảng 30,000 người, thấp hơn nhiều so với lúc bình thường 160,000. Khi Covid qua đi, chắc chắc Úc sẽ nới lỏng các điều kiện thì đây là cơ hội lớn, hy vọng các cha mẹ hiểu để giúp đỡ cho các cháu.

Trung Quốc thất bại trong âm mưu phá đám Tứ trụ


 

Tứ trụ (Quad), còn gọi là bộ tứ kim cương là nòng cốt của một liên minh mới chống lại Trung Quốc được hình thành từ 1 năm nay. Tứ trụ gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc.
Dĩ nhiên, Trung Quốc lo sợ về một liên minh bao vây và ngăn cản những tham vọng trỗi dậy của họ và phải tìm mọi cách chống phá.
Mỹ và Nhật quá mạnh, không làm gì được, Trung Quốc tập trung vào hai “mắt xích” yếu hơn là Úc và Ấn Độ. Với Úc là cuộc chiến tranh thương mại và với Ấn Độ là cuộc xung đột biên giới.
Cách đây gần 1 năm, ông Abe, vị thủ tướng lâu năm nhất của Nhật chuẩn bị từ chức vì lý do sức khỏe. Trong khi đó Mỹ sắp bước vào kỳ bầu cử Tổng thống. Trung Quốc hẳn có tính toán rằng, việc gây sức ép khiến Ấn Độ và Úc “ngãng ra” cùng với việc thay đổi lãnh đạo tại Mỹ và Nhật thì biết đâu Tứ trụ mới manh nha này có thể tan vỡ.
Theo những diễn biến mới nhất cho thấy, hai bên Trung Quốc và Ấn Độ đã thỏa thuận rút mỗi bên 10,000 quân ra khỏi nơi xung đột là hồ Pagongso, thuộc vùng đông Laddkh. Theo các nhà bình luận thỏa thuận này chấm dứt cuộc xung đột biên giới kéo dài 10 tháng giữa hai nước và đây chính là một thất bại của Trung Quốc.
Sau vài vụ giáp la cà giữa hai bên, tin cho hay có khoảng 20 binh sĩ Ấn Độ và 43 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Sỡ dĩ số thương vong không lớn vì theo thỏa thuận trước đây, quân đội hai nước không được nổ súng. Bởi vậy, binh sĩ hai bên đã đánh nhau như thời trung cổ, chỉ bằng đấm đá, gậy và gạch đá.
Trong quá khứ, đường biên giới dài 3,500km Trung - Ấn đã có nhiều cuộc đụng độ nhưng đây là cuộc chiến lớn đầu tiên, kể từ năm 1967. Sự việc còn cho thấy quân đội Ấn Độ tỏ ra có nhiều kinh nghiệm giao tranh ở biên giới vì họ đã từng phải lâm trận nhiều lần như thế với Pakistan, trong khi Trung Quốc gần đây là chú trọng nhiều hơn đến hải quân mà bỏ rơi lục quân.
Địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt tại khu vực càng bộ lộ những điểm yếu của quân đội Trung quốc. Binh sĩ phải thành thạo kỹ thuật leo núi khi phải mang nặng, phải có đủ thể lực để hành quân vào ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp cộng với không khí loãng ở vùng núi cao. Chính vì thế quân đội Ấn Độ đã chiếm lĩnh được những tọa độ cao, tạo lợi thế quan trọng cho việc giao tranh.
Cùng với việc xung đột, Trung Quốc còn triển khai những biện pháp hù dọa, điều một lực lượng quân đội lớn 20 sư đoàn đến khu vực tranh chấp. Nhưng sự đáp trả của phía Ấn Độ còn tỏ ra mạnh mẽ, toàn diện hơn, với việc cấm 250 ứng dụng kỹ thuật của Trung Quốc trên đất Ấn.
Đến đây, Tập Cận Bình chấp nhận nuốt miếng nhục để xuống thang, đồng nghĩa với việc hoàn toàn thất bại trong việc gây sức ép với Ấn Độ.
Đới với Úc, Trung Quốc đã từng lên một danh mục nhiều mặt hàng xuất khẩu để “xem xét” trong việc cấm, đánh thuế cao hoặc áp đặt rào cản phi thương mại. Điều này xem có rất “hợp lý” khi Mỹ bị nhập siêu thì phải làm khó dễ hàng Trung Quốc, trong khi Trung Quốc lại nhập siêu với Úc thì “soi” hàng Úc thì có gì sai đâu!
Tuy nhiên, sau gần một năm trôi qua, dù hù dọa nhiều, nhưng Úc mới chỉ dám “đụng” đến hai mặt hàng là rượu vang và tôm hùm của Úc. Đây là hai mặt hàng trị giá không lớn và cũng không khó để hóa giải bằng cách bán cho nước khác hoặc tăng cường tiêu dùng nội địa.
Chính phủ Úc vừa công bố các số liệu kinh tế, theo đó kinh tế Úc đang có sự phục hồi ấn tượng sau đại dịch Covid, các chỉ số tăng trưởng GDP và thất nghiệp đều tốt hơn hẳn so với mức chờ đợi. Rõ ràng những đòn đánh về kinh tế của Trung Quốc không có tác dụng thực tế nào.
Về phía Nhật Bản, chính phủ mới của ông Suga tiếp tục chính sách đối ngoại cũ của đảng Dân chủ tự do cầm quyền cũng như người tiền nhiệm. Còn ông Biden không dại gì xóa bỏ chính sách cứng rắn với Trung Quốc, thậm chí còn có khả năng lôi kéo đồng minh cho mục đích này tốt hơn Trump.
Cuộc hợp thượng đỉnh lần đầu tiên của Tứ trụ đã là một bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thất bại trong âm mưu phá đám nhóm liên minh.

Liệu nền kinh tế Việt Nam có cất cánh bay cao, bay xa?

 

Nếu ví nền kinh tế Việt Nam như một con thuyền thì có thể coi vị “thuyền trưởng” mới đã xuất hiện.
Lần đầu tiên, một người chưa kinh qua phó thủ tướng như tất cả các tiền nhiệm đã trở thành thủ tướng. Anh Chính cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên, sau Hồ Chí Minh sống tổng cộng đến mười năm ở nước ngoài, theo tiểu sử chính thức. Bộ công an hiện có đến 3 thứ trưởng từng làm Bí thư địa phương, riêng anh Chính không “bị” quay về Bộ mà đã bay cao. Những điều đặc biệt này làm cho nhiều người kỳ vọng nhiều về tiền đồ của đất nước, chí ít cũng về khía cạnh kinh tế.
Nhìn rộng ra, Đông Lào trái ngược với Tây Lào. Nếu như Trung Quốc muốn Myanmar ổn định, vững mạnh để họ xây dựng đường tơ lụa để tránh được một đoạn đường dài đường biển, khu vực mà các ưu thế về hải quân của Mỹ và phương Tây tỏ ra vượt trội. Mặt khác, không khó đoán rằng Trung Cộng lại muốn Việt Nam suy yếu đều dễ bề thao túng và bành trướng. Và đây điều Mỹ và phương Tây không muốn nên họ đã dành cho Việt Nam những ưu đãi đặc biệt về đầu tư và thương mại.
Trước đây, Nhật, Hàn, Đài Loan đã tận dụng những ưu ái của Mỹ và phương Tây để cất cánh. Vậy cơ hội có đến với Việt Nam? Nhớ lại vào thập niên 2000s, Việt Nam đã chủ trương về một loạt “quả đấm thép” như Vinashin, Vinalines, Dầu khí, Than & Khoáng sản...
Tuy nhiên đến năm 2010, khi ông Phạm Thanh Bình, TGĐ Vinashin ngã ngựa, rồi thất bại của dự án Bô xít Tây nguyên, vụ Dương Chí Dũng lĩnh án tử hình...thì mọi người thấy các quả đấm thép đã dần dần tan chảy. Hơn thế, nền kinh tế còn lâm vào khủng hoảng trong các năm 2011-2014.
Nhiều người đổ lỗi cho cựu TT Dũng về chủ trương duy ý chí này, nhưng thật ra ông Dũng lên TT từ năm 2007, khi cụ Mạnh mượt (MM) làm TBT được một nhiệm rồi.
Rút kinh nghiệm, bác Bẩy (BB) tuy hay nổ nhưng đã chèo lái con thuyền kinh tế khá thận trọng trong vai trò thủ tướng. Có lẽ đó là nguyên nhân thành công của kinh tế Việt Nam trong 5 năm qua. Trong 5 năm tới, đã có những đồ đoán về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong hơn 1 năm trải nghiệm với Covid 19, nhìn chung kinh tế thế giới chưa quá tồi tệ. Lý do là các nước giàu có phương Tây đã tung ra những gói cứu trợ khổng lồ, tính thanh khoản được giữ vững, guồng máy kinh tế được duy trì. Khi bơm thêm tiền, để giữ cân bằng mối quan hệ hàng – tiền, các nước phương Tây phải gia tăng nhập khẩu, điều đó cho thấy lưu lượng vận tải gia tăng đến mức “cháy” container và kim ngạch ngoại thương không giảm mà còn tăng trong thời gian Covid.
Tuy nhiên, liều thuốc cứu trợ không thể kéo dài mãi và cũng không triệt tiêu được bệnh mà chỉ làm trì hoãn thời gian để chuẩn bị về tâm lý. Khi ngưng “chống lưng” và phải tự đi bằng đôi chân của mình thì kinh tế suy yếu là điều khó tránh khỏi. Sức mua giảm thì nhập khẩu cũng giảm. Điều này sẽ phương hại đến các nước thiên về xuất khẩu như Việt Nam.
Trong bài phát biểu dài khi nhậm chức, anh Chính đã đề cập đến 5 nhiệm vụ cần phải làm nhưng không hề đưa ra các mục tiêu táo bạo hay tham vọng nào cả. Anh nhấn mạnh đến thể chế, cơ chế điều hành, vấn đề kỷ cương kỷ luật, về chủ quyền lãnh thổ.
Một điều anh Chính nên suy nghĩ, nhất là anh từng làm Trưởng ban tổ chức TW, đó là việc Việt Nam hiện nay không hề có một cơ quan là đầu mối chỉ huy về kinh tế. Trước đây UB Kế hoạch đảm nhiệm công việc này nhưng nay Bộ Kế hoạch không còn vai trò quan trọng như trước. Bộ Tài chính được đề cao hơn nhưng cũng chưa phải là đầu não về kinh tế, thậm chí còn có thể nói không quan trọng hơn bộ Công Thương vì các lĩnh vực công thương chiếm đến 2/3 GDP toàn quốc.
Ở các nước, người tổng chỉ huy về kinh tế là Treasurer (như tại Anh, Úc...), tạm dịch là tổng trưởng Ngân khố hoặc Bộ Tài chính (như ở Mỹ, Nhật...). Treasurer là chức vụ quan trọng thứ hai sau thủ tướng, đứng cao hơn các bộ trưởng về kinh tế.
Ở Việt Nam, top job không phải là Thủ tướng mà là TBT. Cụ Tổng Trọng (TT) đã lớn tuổi, dường như mọi người nghĩ đến anh Huệ khi anh đang đi đúng quy trình từ Bí thư Hà Nội đến CT QH như cụ Tổng Trọng (TT) hoặc cũng CT QH như cụ MM. Bị sớm “lộ hàng” ứng cử viên nặng ký là điều bất lợi, anh Huệ đã không thể trở thành Thủ tướng mà là anh Chính, thì biết đâu điều này lại xảy ra một lần nữa đối với chức TBT?
“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” mới là điều gai góc hiện nay. Chúng ta cũng không cần bay cao bay xa, chỉ cần giữ bình bình như mấy năm qua đã có thể coi là thành công lớn rồi.

Một góc nhìn về tháp nhu cầu Maslow

 


Làm người chỉ mong hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì thì lại được hiểu ngắn gọn là “thỏa mãn nhu cầu”. Vậy nhu cầu là gì?
Gần 80 năm trước, cụ thể là năm 1943, Maslow đưa là “tháp Maslow” để diễn tả các cấp độ của nhu cầu mà ngày nay, các nhà tâm lý học vẫn coi đây nhu một lý thuyết căn bản về nhu cầu của con người.
Ai đã học trong mái trường XHCN thì đều biết Mác cho rằng con người cần nhu cầu vật chất trước, khi thỏa mãn rồi mới cần đến tinh thần. Thật ra điều này các triết gia đi trước Mác đã nói rồi, ông chỉ nhắc lại thôi.
Tháp Maslow không phân chia hai tầng như vậy mà có đến 5 tầng, về sau có người còn sáng tạo thành 7 tầng. Nhưng thôi, mình thử đưa ra một cái nhìn về 5 tầng.
Nhu cấp thấp nhất là nhu cầu sinh lý ăn, uống, hít thở, ngủ, mặc...Khi con người phát minh ra tiền tệ thì đồng tiền có thể giải quyết được tất cả nhưng cái này.
Ngày xưa, Tào Sảng bị thua trong cuộc tranh giành quyền lực với Tư Mã Ý, đành “lùi” xuống và mong được thành một “ông già giàu”. Còn bây giờ, một ông già khác nhếch mép cười: tôi không cần tự do dân chủ, chỉ cần tiền thôi!
Đồng ý, tiền có thể mang lại cho ông ta ăn ngon, mặc đẹp, nhà lầu xe hơi, nhiều gái nữa...Mình không nghĩ người giàu có là ngu dốt, ngược lại, ít nhất họ cũng nhanh nhạy với thời cuộc để vượt lên, chiếm phần hơn.
Với ít nhiều trí tuệ như vậy, đáng lẽ họ phải suy nghĩ xa hơn một chút. Có tài sản rồi thì làm sao phải giữ được: đó là công lý, pháp luật để bảo vệ cho quyền tư hữu. Muốn vậy thì phải có đối lập chính trị, có đa nguyên, có bầu cử tự do. Và đó chính là tự do dân chủ, cũng có thể hiểu là tầng thứ hai của tháp Maslow: nhu cầu an toàn.
Không có điều này, các tỉ phú triệu phú đều có thể vào tù bất kỳ lúc nào, họ không hề an toàn, như cách Nguyễn Du từng nói: “chữ tài liền với chữ tai một vần”, tài ở đây là tiền tài.
Thực tế cho thấy không phải cứ thỏa mãn nhu cầu tầng 1 thì sẽ đòi hòi nhu cầu tầng 2. Nó còn phụ thuộc nguồn gốc xuất thân và chế độ giáo dục của mỗi người nữa. Người hậu duệ của bần cố nông, 3-4 đời đi ở mà bắt được một đống tiền thì chắc chắn phải choáng. Với đa số những người như họ, tiền là lẽ sống, là bầu trời, không còn nhìn thấy cái gì khác.
Khi bạn đã có đủ vật chất và sự an toàn, theo Maslow, sẽ phát sinh nhu cầu tình bạn, tình yêu, cảm xúc lãng mạn yêu đời, yêu người. Bạn sẽ có hứng thú ngao du, kết bạn, trò chuyện...thật là tao nhã và phong lưu. Chắc không có nhiều người trong số chúng ta đạt đến trình độ tầng 3 thế này.
Tiếp theo, ở tầng 4 là nhu cầu được kính trọng, ngưỡng mộ. Chắc chắn, phải là những nhân tài thực sự mới có thể làm được và mới dám có những nhu cầu này.
Tầng cao nhất, tầng 5 là nhu cầu thể hiện sự thăng hoa trí tuệ, làm những điều phi thường để lưu danh sử sách. Đây chỉ có thể là những vĩ nhân và rất hiếm hoi.
Bạn có hạnh phúc không? Rất nhiều tạp chí vớ va vớ vẩn đã làm các cuộc thăm dò. Nếu gặp các đối tượng ở tầng 1 thì con số hạnh phúc dễ dàng đạt tỉ lệ 100% hoặc 99%. Tuy nhiên, khi khảo sát ở các xã hội tiên tiến, những người hướng tới những giá trị cao cấp và vẫn chưa thành công thì tỉ lệ hạnh phúc sẽ rất thấp.
Bởi vậy, các cụ có câu “ngu si hưởng thái bình”. Còn những người tham vọng, có tầm nhìn lớn không chỉ lo cho bản thân, gia đình mà muốn làm điều gì đó cho cộng đồng, cho mọi người thì lại lao tâm khổ tứ.
Tầng Nhu cầu mỗi người khác nhau, do đó quan niệm về hạnh phúc cũng khác nhau.
Ps. Góc nhìn này chủ yếu nhắm vào những người quá chú trọng vật chất, tiền bạc mà quên đi những nhu cầu khác.

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Vài kỷ niệm với chị Kim Ngân

 

Việc chị Kim Ngân rời ghế CT QH làm mình nhớ đến câu nói của cô Hằng, Bộ trưởng bộ Lao động vào tháng 6/2006 trên xe hơi của mình: Em còn phải làm ba khóa nữa.
Tháng 3/2006, chị Kim Ngân về Bộ Thương mại, giữ chức Thứ trưởng TT. Lúc đó một người bạn của bố mẹ mình giới thiệu để mình làm quen với chị. Cô ấy cũng là người nổi tiếng (không tiện nhắc tên), nhỏ tuổi hơn mẹ mình nhưng lớn hơn chị Ngân.
Trong cái nóng nực cao điểm của mùa hè Dubai, máy bay của đoàn chị Kim Ngân hạ cánh vào buổi sáng. Ngày hôm sau, cuộc hội thảo doanh nghiệp do mình làm “tổng đạo diễn” sẽ diễn ra tại khách sạn Ramadan.
Chị đưa bài phát biểu bằng tiếng Anh để mình xem lại giùm. Không lẽ lại nói: chị lầm người rồi vì mình dốt tiếng Anh lắm. Đọc sơ thì đã thấy mấy lỗi nên mình phải nhờ một chuyên gia giỏi để kiểm tra lại. Trời, ở nhà chuẩn bị bài cho sếp mà cẩu thả quá, sai tùm lum.
Đến tối mình đưa lại bài viết với đầy những chữ bút chì gạch xóa be bét vào đó. Chị bảo: thôi chị phát biểu bằng tiếng Việt. Có một bạn đứng cạnh nói vuốt đuôi: như vậy tốt hơn, vì phần lớn mọi người trong đoàn không biết tiếng Anh.
Sau ngày hội thảo, mình chở chị Kim Ngân và cô Hằng đi Abu Dhabi, cách Dubai 160km chơi nguyên ngày. Trên xe, nghe lỏm hai chị em nói nhiều chuyện nội bộ cũng vui.
Ngày thứ tư ở Dubai, cũng là ngày cuối cùng trước khi đoàn về, mình đón chị đến nhà ăn cơm buổi tối, một bữa lẩu nhẹ nhàng. Ăn xong, chị đòi rửa chén, nhưng vợ mình không chịu. Tụi mình có cháu nhỏ, bà xã lại mang bầu nhưng còn có người giúp việc mang từ Việt Nam sang.
Mình có thẻ ra vào sân bay nên tiễn chị vào tận bên trong. Chị bảo đưa chị đi mua thuốc lá cho “anh Tuyển”. Đến cửa hàng Duty Free, chị nói chờ bên ngoài, chắc không muốn mình vào trả tiền.
Chị Kim Ngân là sinh viên văn khoa Sài Gòn vào lúc biến cố 1975. Giọng chị ấm, truyền cảm, cách nói chuyện đậm chất văn thơ rất hóm hỉnh. Đầu năm 2007, đến nhà công vụ tại Hà Nội của chị lần đầu, mình còn được xem mấy tấm ảnh chị chụp hồi còn trẻ. Chị quả là một phụ nữ đẹp.
Một lần khác ghé chị vào lúc chị mới đi công tác địa phương về. Chị bảo dạo này Quang béo đấy, mình nói vui: em mập chứ có béo đâu. Ra bắc làm việc lâu quá thành ra chị nói luôn tiếng Bắc.
Chị mới đi qua Hải Dương, anh chị em bẻ ngô cho, ngồi đây để chị luộc ăn. Đang lúc đói, mình chơi luôn ba bắp to.
Hơi buồn, cuộc hôn nhân của chị không hạnh phúc, anh chị ly thân một thời gian dài. Tuy nhiên, khi mẹ mình đi ăn cưới con trai chị, thì cả hai anh chị vẫn cùng nhau tiếp khách.
Quý 3/2007, mình lại về nước thì chị đã sang Bộ trưởng Lao động. Mình vẫn đến thăm chị. Đến cổng Bộ, anh bảo vệ ngước nhìn mình lấy làm lạ, đòi gặp Bộ trưởng gì mà ăn mặc chẳng giống ai, không có áo trắng, quần xanh công nhân như mọi người. Anh ta gọi điện vào trong rồi cũng mời mình vào.
Lúc đó mình sắp đi Ai Cập làm tttm, chị động viên: chị biết việc đó không khó đối với em. Rồi chị giới thiệu: đây là Lan, thư ký của chị. Em gái Lan bây giờ đã là UVTW, Bí thư Bắc Ninh.
Khi sang Úc, mình viết email báo tin đã định cư tại Úc và chúc chị mới trúng BCT. Chi viết trả lời rất lịch sự. Ở trọng trách cao, chị không bao giờ có điều tiếng hay những cái khuất tất nào cả.
Xã hội Việt Nam còn nhiều bất cập, nhưng vẫn có thể nhìn về tương lai một cách lạc quan. Bởi vì trong Ban lãnh đạo vẫn còn có những người tốt, tiêu biểu như chị Kim Ngân.

Kênh đào Suez đã được khai thông


Sau đúng một tuần, con tàu khổng lồ Ever Green đã chính thức thoát khỏi tình trạng mắc cạn, kênh đào Suez đã được khai thông trở lại.
Đây là lần thứ ba, kể từ khi được đi vào sử dụng từ năm 1869, kênh đào Suez đã bị phong tỏa, hai lần trước đều là do những cuộc khủng hoảng về quân sự- chính trị và kéo dài hơn nhiều.
Vào thàng 10/1956 đến tháng 3/1957, cuộc khủng khoảng Suez canal đã làm kênh đào bị đóng cửa trong 5 tháng. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ việc Chính phủ Ai Cập quyết định vào tháng 7/1956 quốc hữu hóa kênh đào nhằm hất cẳng Anh và Pháp, hai quốc gia đã xây dựng kênh và vẫn nắm quyền quản trị.
Với vai trò trung gian hòa giải, Thủ tướng Úc lúc đó là Menzies đã bay sang Ai Cập để đàm phán với tổng thống Nasser. Sau đó ông Menzies còn chủ trì một hội nghị quốc tế gồm 22 nước liên quan. Lập trường ba phải của Mỹ đã làm cho cuộc họp không giải quyết được vấn đề gì.
Mỹ không đồng tình với động thái của Ai Cập nhưng cũng phản đối giải pháp quân sự của Anh và Pháp. Lúc đó, Ai Cập chưa ngả hẳn về phe Liên Xô và vẫn còn mối quan hệ khá tốt với Mỹ.
Ngày 29/10/1956, Israel quyết định tấn công và đánh chiếm kênh đào Suez, nhân tiện chiếm luôn bán đảo Xinai của Ai Cập. Quân đội Anh và Pháp đã nhanh chóng tham gia với Israel.
Sau đó Mỹ, Liên Xô và Liên hợp quốc đã liên tục ra sức ép nhằm liên quân phải rút. Liên Xô còn ra tối hậu thư yêu cầu rút quân, nếu không sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Cuộc khủng hoảng chấm dứt khi lực lượng quân sự của liên quân được triệt thoái và thay bằng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Có thể coi nhờ có Mỹ để giành được Suez canal, nhưng sau khi “thắng lợi”, Nasser đã tỏ ra lật lọng khi bỏ Mỹ để chạy theo phe Liên Xô.
Năm 1967, một lần nữa Israel lại đánh chiếm Suez và bán đảo Xinai. Lần này, kênh đào bị đóng cửa lâu hơn, lên đến 8 năm. Việc Ai Cập ký kết Hiệp định hòa bình với Israel dẫn đến việc nước này bị khối Ả Rập tẩy chay. Tuy nhiên, đến nay đã có 6 nước Ả Rập bình thường hóa với Israel, trong đó 4 nước đạt thỏa thuận trong mấy tháng cuối của thời Trump.
So với hai lần 5 tháng và 8 năm thì lần mắc kẹt lần này của kênh Suez chỉ có 1 tuần là “chuyện nhỏ”. Tuy nhiên lưu lượng hàng hóa bây giờ cao hơn nhiều so với trước thì thiệt hại sẽ được tính toán và dự kiến là khá lớn.
Với tình trạng các con tàu ngày càng trở nên khổng lồ, để tránh tình trạng mắc kẹt có thể xẩy ra một lần nữa vào bất kỳ lúc nào, điều cấp bách phải làm là một dự án mở rộng kênh đào lịch sử này.

Chim và hoa kiểu Úc

 


Nhân câu chuyện về lan đột biến mới để ý rằng doanh số bán hoa ở các tiệm hoa tại Úc sụt giảm hẳn. Nhiều cửa hàng hoa lâu năm do ế khách quá đã đóng cửa.
Bà xã mình bảo: đừng có mua hoa, tốn tiền. Có lẽ không phải hoa ế vì “tốn tiền” hay do Covid mà theo mình, cách chơi hoa đang có sự chuyển hóa.
Nhìn cảnh trên thì trời, dưới thì hoa trong các hội nghị mà phát ngán. Rồi mấy thằng lùn được trao quyết định nhận chức ôm bó hoa to hơn cả người. Những hoa này đã bị cắt khỏi cây, dù có tẩm chất hóa học thì cũng tàn, sẽ trở thành một đống rác rưởi, ảnh hưởng vệ sinh môi trường.
Bên Úc, hoa là của chung, nằm ở trong công viên, bên những con đường. Nếu của các gia đình thì nó được trồng ở mặt tiền các ngôi nhà để mọi người cùng ngắm. Chắc chắn, chơi hoa theo kiểu bỏ vào bình, lọ đang mất đi, thay vào đó là “hoa được trồng” vẫn đang còn nguyên cây, đủ cành rễ.
Chim cũng vậy, người Úc hầu như không còn chơi chim trong lồng. Chim phải được tự do tung cánh bay trên trời cao. Nếu bạn yêu chim, bạn có thể để mấy khay nước, khay đồ ăn cho chúng sà xuống vườn hay ban công nhà mình.
Phải nói làm chim Úc cũng sướng, chim to chim bé, đủ loại màu sắc, hình thù bay trong đàn hàng trăm con một lúc. Hoa lúc nở, lúc tàn nhưng cây hoa vẫn còn đó, không bao giờ chết.