Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

NHỐT QUYỀN LỰC VÀO LỒNG


Hồi mới ra hải ngọại, nghe câu “Vô duyên như VC”, mình chẳng hiểu gì. Sau này mới hiểu, câu nói hàm ý là VC khô như ngói, không biết nói giỡn.

Bố mình là một VC thứ thiệt theo kiểu cũ, cả đời ông sống mẫu mực. Còn tính mình thích đùa. Không nỡ mắng mình nhiều, bố chỉ nói “con phải nghiêm túc một chút chứ”. “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, dù yêu bố, mình cũng không thể thay đổi.

Khi bạn nói một câu hài hước mà không biết nó buồn cười thì đó chỉ còn là cười ra nước mắt. “Một người làm hai việc không phải là kiêm” (Ý cụ nói việc TBT và việc CTN). Quả là ngộ nghĩnh, trong nghĩa tiếng Việt không kiêm thì gọi là gì? Còn nữa, “Nhốt quyền lực vào lồng”, cũng là một câu “hiểu chết liền”.

Thôi, chuyển sang câu chuyện khác, để xem có thể nhốt quyền lực vào lồng được không?

Sau cái chết của nhà báo Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ, tên tuổi MBS, viết tắt của Mohamed bin Salman, Thái tử kiêm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Saudi Arabia, bỗng trở nên nổi tiếng. Khi vua cha kiêm Thủ tướng Salman, 83 tuổi lại mang nhiều trọng bệnh thì MBS là nhà lãnh đạo trên thực tế (day to day) của Saudi, một quốc gia giàu có, thành viên G20 duy nhất của vùng Trung Đông.

Mới 33 tuổi, MBS đến với quyền lực một cách hết sức nhanh chóng. Cách đây hơn 3 năm, Salman lên ngôi vua đã bổ nhiệm MBS làm bộ trưởng Quốc phòng, vài tháng sau kiêm thêm Phó Thủ tướng, vài tháng nữa chính thức trở thành Thái tử.

Xét về truyền thống và phong tục của xứ Ả Rập thì có thể thấy việc thăng tiến của MBS là không bình thường. Khác với sự tập quyền cao độ vào cá nhân của Vua châu Á, sự chuyên chế phong kiến ở Ả Rập theo mô hình độc tài tập thể, quyền lực tập trung vào bộ tam đầu chế hoặc hội đồng hoàng tộc. Theo đó, các thành viên lớn tuổi thường có những tiếng nói quan trọng.

Khi sáng lập ra nhà nước Saudi Arabia vào năm 1932, các con lớn của vua Abdulaziz đã đến tuổi trưởng thành và đã được phân bổ vào các vị trí trọng yếu trong chính quyền. Abdulaziz có đến 45 con trai với khoảng 20 phụ nữ. Phong tục Ả Rập không phân chia vợ cả vợ thứ, và thứ tự anh, em được xếp hạng theo tuổi tác. Tuy nhiên, bà vợ nào có nhiều con trai hơn thì sẽ có địa vị quan trọng hơn trong gia đình.

Hassa Al Sudairi là người vợ có tới 7 con trai chung và là nhiều nhất với Abdulaziz. Mối tình của hai người khá đặc biệt. Hassa lấy Abdulaziz khi cô mới 13 tuổi, những chỉ một thời gian ngắn thì li dị. Sau đó, cô lấy em cùng cha khác mẹ của Abdulaziz và sinh được một con trai. Nhưng Abdulaziz lại ép em trai li hôn để “trả”Hassa lại. Về sau, em gái của Hassa lấy Faisal, con trai của Abdulaziz với người vợ trước. Như vậy là hai bố con kết hôn hai chị em, điều được coi là loạn luân ở châu Á nhưng là bình thường ở xứ Ả Rập.

Khi Abdulaziz đi xa vào năm 1953, đã xảy ra tình trạng tranh chấp quyền lực giữa các con. Kết quả là vua Saud bị phế truất vào năm 1964, Faisal lên thay cũng bị ám sát vào năm 1975. Khi Khalid lên ngôi đã bổ nhiệm Fahd, người anh cả trong nhóm “Bẩy anh em” (seven Sudairi) làm Thái tử, đánh dấu giai đoạn nhóm Sudairi chiếm giữ quyền lực tại đất nước từ đó tới nay.

Trong 7 anh em, 6 người từng giữ các chức vụ trọng yếu trong Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, duy nhất Salman là “cán bộ địa phương” ở cương vị thống đốc tỉnh Riyadh. Nhưng Salman rất thân với Sultan, người anh thứ hai trong nhóm. Mặc dù Sultan chưa bào giờ làm vua và chỉ làm Thái tử nhưng ông được coi là người sắc sảo đầy uy quyền, giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng gần 50 năm. Con trai ông, Bandar làm Đại sứ tại Mỹ trong 22 năm, về nước lại nắm Hội đồng an ninh trong 10 năm và gần đây mới về hưu. Vài năm trước khi qua đời, Sultan bệnh nặng không làm việc được, ông đã cho Salman tham gia "thường trực” ở bộ Quốc phòng để rồi tiếp quản ghế Bộ trưởng khi ông qua đời vào năm 2011. Đó chính là cơ sở để Salman thâu tóm quyền bính sau này.

Từ 2015 đến nay có thể coi khoảng thời gian Salman chuyển giao quyền lực cho MBS và cũng là lúc Saudi có nhiều biến cố. Đầu tiên là việc Saudi bất ngờ tấn công Yemen và trực tiếp dấn thân vào cuộc nội chiến ở nước này. Đây là điều gây nên nhiều tranh cãi, ngay ông chú ruột Ahmed của MBS cũng lên tiếng công khai phản đối. Ồ, tại sao Nga và Mỹ can thiệp vào Syria thì được mà Saudi lại không? Hỏi vậy cũng giống như hỏi tại sao Tây Thi nhăn mặt thì đẹp mà người khác bắt chước nhăn thì lại thành ma quỷ ? Saudi “chưa đủ tuổi”, chưa có vị thế để làm chuyện can thiệp quân sự bên ngoài.

Saudi cũng bất ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, một người anh em láng giềng cùng hệ quân chủ và hồi giáo. Đây là một hành động làm tan rã khối 6 nước vùng Vịnh GCC trên thực tế. Điều làm MBS không thể hài lòng là chỉ có UAE và Bahrain ủng hộ Saudi trong khi Oman và Kuwait vẫn tiếp tục bang giao với “kẻ thù” Qatar.

Rồi nữa, một kế hoạch cải tổ kinh tế táo bạo, xóa bỏ việc cấm phụ nữ lái xe, chống tham nhũng... Với chiêu bài chống tham nhũng, MBS đã liều lĩnh bắt giam một loạt hoàng thân, tỉ phú, những người có máu mặt. Đa số họ đã được thả, nhưng người ta cho rằng, chính phủ của MBS đã tịch thu được một khoản tiền lớn, và như vậy đây là một vụ ăn cướp, vụ khủng bố nhà nước trắng trợn.

Chấn động hơn cả là đội biệt kích của Saudi đã sang tận Thổ Nhĩ Kỳ để sát hạt một nhà báo bất đồng chính kiến. Có lẽ MBS là một thí dụ điển hình cho thấy khi quyền lực không bị kiểm soát thì nó sẽ dẫn đến những điều lố bịch ngông cuồng. Những người phản đối MBS trong nội bộ Saudi ngày càng gia tăng, trong đó có cả mẹ ruột. Để xem, quyền lực của MBS sẽ bị nhốt như thế nào.