Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Mùa xuân

 


“Vì sao tôi cuồng Trump” (P4: Câu chuyện xoay trục)

 

Vấn đề xoay trục (change axis) Châu Á Thái bình dương được nói đến từ thời Obama nhưng đến thời Trump mới bắt đầu có những bước đi trên thực tế.
Ngược dòng thời gian tính từ 1945, trục của Mỹ nằm ở Châu Âu. Châu Âu có ba phần: người German ở Tây Bắc, người Latin ở phía Nam và người Slaver bên phía Đông. Sau Đại chiến, các nước Đông Âu hình thành hệ thống XHCN nằm trong khối quân sự Warsaw. Các nước Tây, Bắc, Nam Âu, gọi chung là Tây Âu đông hơn, nằm dưới cái ô NATO. Điều đang nói là NATO nhằm bảo vệ quân sự cho Tây Âu nhưng phần lớn lại do Mỹ chủ chi. Khi ông Trump nói ra điều này thì người ta bảo ông bị điên (?), tuy nhiên cũng cần suy tính thêm về chuyện này.
Nhờ có Mỹ gánh vác chi phí quân sự, các nước Phương Tây (bao gồm cả Nhật) được rảnh tay phát triển kinh tế, trở nên thịnh vượng, đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc khối Đông Âu sụp đổ.
Nước Mỹ có hai bộ mặt: một chàng Hiệp sĩ hào hoa và và một con buôn thực dụng đến bủn xỉn. Trong khi ở phương Tây, Mỹ vung tài chính cho quân sự cũng như theo kế hoạch Marshall về kinh tế thì ở phương Đông, lại là sự thờ ơ và bỏ rơi.
Việc Mỹ cắt hoàn toàn viện trợ về quân sự và kinh tế đối với miền Nam Việt Nam chỉ là chuyện nhỏ. Lớn hơn vào trước đó, Tưởng Giới Thạch đã không nhờ cậy được gì khi Mao Trạch Đông được Nga yểm trợ và buộc phải ra chạy một hòn đảo hoang Đài Loan vào năm 1949.
Dường như chủ trương “vô tình” này lại có lợi. Năm 1972, Mỹ bắt tay với Mao và đây là động thái mấu chốt để hạ gục Nga Sô. Nếu Mỹ “chơi” với Trung Hoa Dân quốc thì biết đâu sau này lại “mọc” ra một tổng thống cứng đầu, ngang ngược kiểu như Duterte của Philippines.
Bây giờ, chỉ cần dán cái nhãn “cộng sản” cho Trung Quốc là có thể dễ dàng cô lập họ chứ một nước Trung Quốc dân chủ đa đảng kiểu như Đài Loan thì khó “điều trị” hơn rất nhiều.
Tuy vậy, lý do để Mỹ giữ “trục” bên phương Tây không còn, nếu không “xoay trục” thì ít nhất là giữ cân bằng giữa hai bên, nói nôm na, Mỹ cần ”đầu tư chiến lược” cho Đông và Tây như nhau.
Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một thế lực hùng mạnh, đủ sức cạnh tranh vị thế với Mỹ. Để gây chiến tranh thương mại với Trung Cộng hay chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này đều cần khá nhiều tiền. Mỹ chỉ có có thể bù đắp được bằng cách cắt giảm chi phí từ phương Tây, cụ thể là của NATO.
Trên thực tế, vấn đề xoay trục phức tạp hơn rất nhiều vì nó đụng chạm đến hàng loạt các mối quan hệ đa phương và song phương. Đó là lý do tại sao Trump rút ra khỏi nhiều tổ chức và Hiệp định, đáng kể như TPP, NAFTA, Hiệp định biến đổi khí hậu, các tổ chức UNESCO, WHO...và xu hướng này sẽ tiếp tục.
Khi phá vỡ những định chế cũ thì cần phải xây dựng những cái mới. Chính vì thế có thể hiểu là các nhà thương thuyết Mỹ đã và đang rất bận rộn và đến nay mới có được một số thỏa thuận với Canada và Mexico cho NAFTA mới. Liên minh tình báo “ngũ nhãn” gồm 5 nước Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand đang hình thành. Một khối Liên minh quân sự với nòng cốt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc cũng chỉ mới manh nha.
Về đối nội, đó là việc chuyển hướng mang tính chiến lược là đưa sản xuất quay trở lại nước Mỹ. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng giá thành của hàng hóa dịch vụ và như vậy cần phải giãn thời gian.
Bên cạnh đó, Trump còn phải đối phó với truyền thông và những phản ứng chính trị của phe đối lập. Ông già 74 tuổi đã phải ra rất nhiều chiêu trò, rất nhiều sáng kiến nhằm hóa giải các đòn độc.
Việt Nam có câu “muốn xây dựng CNXH thì phải có những con người XHCN”. Ở đây, nếu ông Trump không có những nhân lực có năng lực đồng lòng chung sức thì khó có thể thực hiện những thay đổi khổng lồ kể trên. Trong đội ngũ của Chính phủ, Phó TT Pence và Ngoại trưởng Pompeo là những tài năng lớn và hết sức trung thành với Tổng thống.
Tại Đại hội đảng Cộng hòa tuần rồi, bốn người con nhà Trump đều đăng đàn phát biểu. Trump có 5 con, ngoài trừ cậu út còn nhỏ thì bốn anh chị đều đã nên người. Khi trở thành tổng thống, Donald giao cơ ngơi làm ăn cho hai cậu con trai, trong khi con gái lớn Ivanka, 38 tuổi và gái út Tiffany, 26 tuổi đang được bồi dưỡng để theo đuổi lĩnh vực chính trị.
Đội ngũ giúp việc tin cậy và tài năng cho phép TT Trump “dám” đương đầu với những vấn đề gai góc nhất của việc xoay trục chiến lược cho nước Mỹ.

Ngày mai bắt đầu từ hôm nay


Ngoại hạng Anh mới được 3 vòng đấu mà đã có nhiều chuyện, trong đó 4 đội bóng đại gia đã bất ngờ ngã ngựa. Chelsie và Tottenham cùng thua 1 , hòa 1 và thắng 1. Hai đội thành Manchester được nghỉ vòng 1 do dự 2 cup châu Âu mới đấu 2 trận, cũng chỉ đạt thành tích thắng 1 thua 1. Man city thảm bại trước Leicester với tỉ số 2-5, trong khi nửa kia Man utd trải qua một trận đấu thật sự điên rồ mới giành thắng lợi đầu tay trước Brighton của thủ môn người Úc Ryan với tỉ số sát nút 3-2. Không thể may hơn khi đến 5 lần, các cầu thủ Brighton sút bóng trúng xà ngang hoặc cột dọc, chưa kể đội bạn bị 1 lần đốt ưới nhà và bàn thắng phạt đền do chạm tay ở phút 90+10.
Cuộc cách mạng ở Arsenal đang bước những bước chập chững đầu tiên. Kỷ nguyên của HLV trẻ Arteta, mới được 9 tháng, nếu trừ 3 tháng nghỉ Covid thì mới 6 tháng mà đã có những kỳ tích đáng nể khi cho tất cả các đội bóng hàng đầu (theo thứ tự xếp hạng) là Liverpool, Man city, Man Utd, Chelsie, Leicester nếm mùi thất bại. Liverpool mạnh nhất thì được “ưu tiên” 2 trận.
Những năm gần đây, mỗi khi gặp Liverpool, Arsenal thường thua và thua khá đậm cùng với một thế trận yếm thế. Của đáng tội, trong trận đầu thua Arsenal, Liverpool bị dính hai bàn từ hai sai lầm cá nhân, nhưng đến cup Community Shield thì chẳng có sai lầm nào cả mà vẫn cứ thua.
Trong một thời gian ngắn, Arteta đã lột xác Arsenal thành một đội bóng khác. Trong tấn công, chưa đạt sự hoa mỹ nhưng hiệu quả và hiệu suất ghi bàn là rất cao. Khâu phòng ngự nhiều tiến bộ hơn đã trở nên chắc chắn lạ thường nhờ vào trạng thái tâm lý vững vàng và mạnh mẽ.
Điều mà Arteta muốn cải thiện hiện nay có lẽ là tính sáng tạo trong tấn công khi mà Ozil mất phong độ và mảnh ghép cuối cùng đang được “cò cưa” với Lyon là cầu thủ Aouar. Mức giá Lyon “nói thách” là 50 triệu bảng, Asenal trả lần đầu 35 triệu không được thì đã trả tiếp 38 triệu. Với tình hình dịch bệnh Covid đang gia tăng, có lẽ mức giá 40-45 triệu là hợp lý.
Dưới thời đại Wenger, Arsenal đã từng hưởng một thời vàng son, tuy nhiên, sức mạnh đồng tiền đã thổi bay tất cả. Với việc chi bạo bắt đầu từ khi tỉ phú Abranovich mua đội Chelsia, kế đến là Man city với tỉ phú Mankhor, trong khi các ông chủ của Man Utd và Liverpool cũng rất dám đánh đu. Trong khi đó tính bần tiện của Kroenke, ông chủ Arsenal đã làm cho Wenger phải ra đi trong cay đắng.
Con tạo xoay vần. Trong thời đại Covid, đồng tiền khó có thể làm mưa làm gió như trước và với bối cảnh đó biết đâu Arsenal lại làm một lần nữa làm nên chuyện. Trận thắng trước Liverpool vào trận đấu cuối cùng của vòng 3 đêm nay sẽ đưa Arsenal vào một vị thế không có được trong hàng chục năm qua: ứng cử viên hàng đầu của chức vô địch. Thực sự đây là điều mà một fan cứng của Arsenal như mình vẫn chưa dám mơ vào lúc này.
Wenger đã bất ngờ đưa Arsenal vô địch trong mùa bóng đầu tiên, để tạo ra một kỷ nguyên dài nhất trong lịch sử câu lạc bộ: 22 năm. Biết đâu lịch sử sẽ lặp lại với Arteta, sự khởi đầu tốt đẹp cho một tương lai dài lâu.

Lại chuyện đi hay ở


Hằng năm, cứ vào dịp tên người đoạt Vòng nguyệt quế của Đường lên đỉnh Olympia được xướng lên thì dân cư mạng lại có dịp bàn tán về việc đi hay ở. Cụ thể, được đi Úc thì có nên ở lại hay không?
Tất nhiên rồi, đó là chuyện cá nhân của người ta, mà mỗi người có một ý muốn, ý thích riêng. Gạt bỏ cảm tính là điều khó, nhưng mình cũng thử đi vào phân tích các lợi, cái hại về công việc và cuộc sống.
Cháu lớn nhà mình đã bước vào tuổi quan tâm đến “triết lý”. Cháu hỏi bố nhìn nhận sự vật hiện tượng ra sao thì mình trả lời: tất cả mọi thứ không đứng yên và đều chuyển động, đều đang thay đổi.
Khi qua Úc cách đây 26 năm, mình thấy nhu cầu gửi tiền về Việt Nam mới là chính, bây giờ thì ngược lại, mặc dù phí gửi tiền sang Úc lên đến 3% mà người ta vẫn gửi ầm ầm. Hồi đó kiếm tiền ở Úc dễ hơn ở Việt Nam, còn bây giờ, mọi người ở Việt Nam giàu quá, còn bên này làm bao nhiều tiêu bấy nhiêu.
Có ai đặt câu hỏi, khi nào gió xoay chiều, kiếm tiền ở Úc lại dễ hơn Việt Nam? Theo phỏng đoán của mình ngày ấy không còn xa.
Trong cơn đại dịch, Chính phủ Úc chi hàng trăm tỉ cho trợ cấp cho doanh nghiệp và cá nhân. Hết 6 tháng gia hạn thêm 6 tháng nữa. Sáu tháng “lần thứ hai” chưa bắt đầu thì đã nói luôn sẽ kéo dài “nếu cần thiết”. Tiền đâu mà chơi dữ như vậy?
Khi khủng hoảng, mối bận tâm lớn nhất của các chính phủ là vấn đề việc làm. Có việc làm sẽ giải quyết được tất cả, thiếu việc làm, đội quân thất nghiệp tràn ra đường trộm cắp, đĩ điếm thì bao nhiều tiền đắp vào cũng không đủ. Trợ cấp là cách tốt nhất để giữ cho việc dòng tiền tiếp tục xoay vòng, các doanh nghiệp bán được hàng, giữ được sản xuất kinh doanh, không bị phá sản, người lao động giữ được việc làm.
Ai cũng biết, không thể cứu trợ mãi mãi và đâu là điểm dừng? Để trả lời câu hỏi này thì lại phải nhìn vào “bức tranh lớn” mới được.
Hồi trước, “thiên hạ chia đôi” giữa Liên Xô và Mỹ. Trung Quốc ngả sang phe Mỹ đã làm Liên Xô sụp đổ. Trung Quốc lớn mạnh, đe dọa vị thế của Mỹ thì đây là lúc quan hệ Mỹ - Trung chuyển từ hợp tác sang đối đầu.
Sau bầu cử, gần như chắc chắn Mỹ sẽ kêu gọi đồng minh chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Riêng với Úc, trị giá xuất khẩu với Trung Quốc còn lớn hơn nhập khẩu bởi vì Trung Quốc nhập hơn 100 tỉ USD quặng sắt hằng năm.
Hãy còn quá sớm để nói ai sẽ thắng trong cuộc chiến Mỹ Trung và kinh tế Úc sẽ đi lên hay đi xuống như một hệ lụy. Tuy nhiên, riêng về lĩnh vực việc làm, một khi chuyển sản xuất về nước, các nước như Mỹ, Úc sẽ bùng nổ nhu cầu lao động.
Ngay trong lĩnh vực khai khoáng để bán sang Trung Quốc, với 100,000 nhân công thì người Úc chỉ chiếm 1%, và lợi nhuận cũng chỉ yếu chảy vào túi giới tài phiệt. Do đó, khi quan hệ với Trung Quốc đổ bể, nhìn chung người lao động Úc không bị thiệt.
Có thể tin rằng, triển vọng việc làm tại Úc là sáng sủa trong thời gian tới,đặc biệt Úc sẽ khôi phục lại một loạt lĩnh vực sản xuất, cả công nghiệp nặng lẫn công nghiệp nhẹ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh nhập khẩu.
Quay sang Việt Nam, từng là nước “anh em” với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc. Khi quan hệ Xô Trung tan vỡ, chỉ còn chọn một, Việt Nam đã chọn Liên Xô.
Ngày nay, giữa Trung và Mỹ, nếu chọn Trung, Việt Nam sẽ mất mối lợi hàng trăm tỉ USD xuất khẩu hằng năm sang Mỹ và đồng minh. Lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỉ trọng rất lớn trong GDP và cũng chiếm hầu hết về việc làm. Gần đây, Samsung mở nhà máy bên Ấn Độ và có tin sẽ giảm khoảng một nửa sản lượng tại Việt Nam.
Nếu chọn Mỹ thì phải đối đầu với Trung Quốc và nguy cơ xung đột quân sự rất cao, cũng như trước đây. Chuyện vừa xẩy ra, Đại sứ quán Mỹ ban hành bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa. Động thái “mập mờ” này cho thấy Trường Sa là một vị trí nóng hổi cho các hành động quân sự. Bên cạnh đó là căng thẳng biên giới sẽ đi kèm, nếu có chuyện chẳng lành. Nên nhớ rằng, kinh tế Việt Nam chỉ bùng nổ sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Kinh tế Việt Nam đã “thăng” liên tục 20-30 năm qua, nên nếu đến lúc “trầm” thì cũng là chuyện bình thường. Với dân số đông, khi kinh tế đi xuống, vấn đề việc làm sẽ trở nên gay gắt.
Có lần mình nói chuyện với một bác vượt biên, được kể về một hành trình nguy hiểm, có thể chết vì cướp biển và bão tố. Khi lên bờ và sang Úc với hai bàn tay trắng, cũng gian nan không kém. Bác cho biết, lý do chính để làm những việc đó là vì tương lai “mấy đứa con”.
Nếu bạn còn độc thân, sẽ có lúc sẽ lập gia đình và có những đứa con như đa số mọi người. Định cư Úc liệu có tốt hơn cho con cái bạn không, thôi, tạm dừng ở đây để tránh những bình phẩm thiếu khách quan.

Đọc sách Lịch sử nước Úc

 P1

Thỉnh thoảng cũng làm ra vẻ đọc sách... cho ra dáng, nhưng đọc không vào. May quá tìm được bộ sách 4 quyển về lịch sử nước Úc rất thích thú.
Bà xã mình bảo, chưa bao giờ thấy “ông” chăm đọc đến thế. Ờ 17 năm rồi, từ khi lấy vợ, mới có chuyện đọc sách mấy ngày liền, ngày đi làm, tối về đọc mới ghê!
Dấu tích về con người đã có tại Úc từ 40,000 đến 60,000 năm về trước. Tuy vậy, chó Dingo, một giống chó hoang, có chủng tộc từ Đông Nam Á thì mới xuất hiện tại Úc được 5,000 năm. Kỳ lạ, đảo Tasmania không có Dingo thì lại có hổ Tasmania và Tasmanian devil, còn đại lục Úc có chó thì không có hổ và devil. Vì thế có giả thiết cho rằng, sau khi vào Úc, Dingo đã “xử lý” xong xuôi hai loại thú kia.
Vấn đề nữa là ai mang Dingo vào Úc. Thời cận đại, người Anh vào Úc trước, sau đó đến người Hy Lạp và Ý, kế đến mới có Việt Nam, Ả Rập, Ấn Độ, Trung Quốc. Vậy có thể giả thiết, người thổ dân cũng vào Úc theo nhiều lớp lang, có nhóm 60,000 năm, 40,000 năm... 5,000 năm chẳng hạn. Họ nói 250 ngôn ngữ khác nhau và sống theo kiểu bộ lạc bầy đàn.
Những nhà thám hiểm da trắng đã mô tả người thổ dân như những con người cực kỳ hạnh phúc. Họ không cần trồng trọt, chăn nuôi hay làm lụng gì cả vì thức ăn đã có đầy rẫy ngoài thiên nhiên, chỉ cần săn bắn, hái lượm, ngoài ra là ca hát nhảy múa.
Có bằng chứng cho thấy người Trung Quốc đã đến đây trước cả người phương Tây. Trong số người da trắng thì người Hòa Lan đến đầy đầu tiên vào thế kỷ 17, sau đó mới đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, và tất nhiên là Anh. Nhưng tất cả chỉ đến bờ Bắc, bờ Tây và bờ Đông của nước Úc, những nơi khá cằn cỗi, ít dân và không tìm được nước ngọt.
Đến năm 1770, Thuyền trưởng James Cooks mới “tình cờ” đến bờ Đông trù phú và đã tường trình một báo cáo gây tiếng vang khắp nước Anh. Từ đó, Chính phủ Anh quyết định đi mở thuộc địa ở mảnh đất này.
Sau 9 tháng lênh đênh trên biển, Hạm đội tàu đầu tiên cập bến Sydney cove vào 26/1/1788, ngày 26/1 chính là quốc khánh nước Úc. Thuở ban đầu đầy dẫy khó khăn, phải lo dựng lều, xây nhà, lo đói ăn, bệnh tật.
Tính vào năm 1795, sau 7 năm định cư, dân số người da trắng khoảng 7,000 người, đặc biệt rất thiếu phụ nữ. Đã có dự án bắt cóc 500 phụ nữ hải đảo nhưng phải bỏ vì lúc đó đang lo thiếu ăn, nên không thể nuôi thêm chừng ấy các cô!
Mình thấy thương cho các ông toàn quyền đầu tiên, đứng mũi chịu sào khi mà các tù nhân thì lười biếng, hay trộm cắp, nổi loạn, binh lính bất tuân phục nữa, mà lại không có sự ủng hộ đầy đủ của chính phủ trong nước.
Do hiểu lầm, Toàn quyền Phillip bị thổ dân đâm một nhát giáo xuyên ngực, không chết nhưng sức khỏe suy giảm trầm trọng và phải xin về nước. Còn Blish, toàn quyền thứ tư khi ban lệnh cấm buôn lậu rượu đã bị quân đội bắt giam. Chính phủ trong nước không hiểu mô tê gì đã cách chức ông và triệu tập về Anh.
Mình mới đọc hết 2 quyển mà chưa thấy có đụng độ lớn nào giữa thổ dân và người da trắng. Nhưng thổ dân đã chết nhiều, khoảng 50-80% dân số khu vực Sydney do bệnh đậu mùa. Người da trắng cũng bị đậu mùa nhưng vì có thuốc nên chết ít.
Tốn kém, mạo hiểm, gian nan nhưng rồi người Anh đã thành công trong việc có một thuộc địa mới. Cùng thời gian, người Trung Quốc mang những tàu buôn lớn không kém sang Châu Âu để kiếm tiền tươi nhanh và nhiều.
Bây giờ nước Úc đã đàng hoàng, to đẹp người Tàu mới thấy thèm thuồng nhưng muộn mất rồi!

Đọc sách Lịch sử nước Úc (P2)
Quyền 3 và quyển 4 của bộ sách nói về nước Úc ở giai đoạn 1820 – 1880. Vào năm 1920, tại Úc mới có 4 khu phố chính của người da trắng, bao gồm Sydney, Parramatta, Hobart và Launceston. Quá trình thành lập mới và mở rộng các khu định cư vẫn tiếp tục và điều này không thể tránh khỏi những va chạm với người bản xứ. Đây cũng chính là điều mình muốn tìm hiểu xem là phản ứng của người Thổ dân ra sao khi họ bị mất những mảnh đất mà họ đã sinh sống từ ngàn năm về trước.
Năm 1820 cũng là năm lên ngôi của vua Minh Mạng, một ông vua có cá tính mạnh mẽ và có tham vọng về lãnh thổ. Lãnh thổ Việt Nam được coi là rộng lớn nhất vào thời đó, giữ vững qua đời Thiệu Trị và Tự Đức. Tự Đức không phải con trưởng nhưng được vua cha đánh giá cao về tài năng và đức độ nên mới truyền ngôi.
Nếu vào thời bình, có lẽ Tự Đức là một ông vua giỏi, nhưng lên ngôi chưa được bao lâu thì đất nước đã bị người Pháp lăm le xâm chiếm vào thập niên 1850s. Giải pháp của triều đình như mọi người đã biết, đó là thà mất đất, mất chủ quyền nhưng phải giữ được ngai vàng.
Người Thổ dân Úc chưa có nhà nước, chưa có vua mà còn khá lạc hậu. Lúc đó tất cả người thổ dân đều ở truồng, vũ khí là những cái giáo dài làm bằng gỗ, mũi giáo cũng không tẩm thuốc độc, lãnh đạo các bộ lạc có thể coi là những người già.
Trong khoảng 40 năm đầu tiên, kể từ thời điểm bắt đầu năm 1788, việc tạo dựng thuộc địa chỉ diễn ra bên bờ đông nước Úc. Tuy nhiên, vì lo ngại các nước khác tranh giành, nhất là Pháp, chính Phủ Anh cho mở thuộc địa tại bờ Tây, bờ Bắc và bờ Nam. Riêng bờ Bắc do khí hậu quá nóng nên đành tạm bỏ cuộc. Kể cả bờ Tây, đồng bằng sông Swan tưởng chừng hứa hẹn nhưng vì đất lẫn quá nhiều cát, rau không lên được chỉ trồng được khoai tây loại nhỏ.
Vào giai đoạn đầu, những người da trắng di cư chủ yếu là tù nhân và người nghèo. Chính phủ Anh thấy không hiệu quả, chi phí nhiều mà lợi ích ít nên quá trình di cư diễn ra rất chậm chạp. Tuy nhiên đến năm1851, vàng được tìm thấy đầu tiên tại vùng núi Blue.
Làm sóng tìm vàng khởi đầu từ Mỹ, nay lan sang Úc, Nam Phi, Canada. Lý do tìm vàng đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nước Úc với tình trạng bùng nổ về dân số. Ngoài người UK, còn có người Đức, người Ấn Độ và đáng chú ý là người Trung Quốc. Lúc cao điểm đã có tới 40,000 người, chiếm đại đa số trong nhóm người không nói tiếng Anh. Nhưng khác biệt văn hóa đã làm cho người Tàu bị kỳ thị và đã có những đạo luật cấm người Trung Quốc. Vì thế đã có 36,000 người Trung Quốc được cho rằng đã rời khỏi Úc sau khi cơn sốt vàng qua đi.
Cơn sốt đào vàng dẫn đến việc các khu vực tìm vàng được mở ra khắp nơi không chỉ bờ đông, nay đã tách riêng Victoria, Tasmania, Queensland, kể cả New Zealand từ NSW mà còn là Nam Úc và Tây Úc.Việc mở rộng các khu định cư đã diễn ra trên quy mô lớn khi dân số tăng từ vài chục ngàn lên đến 1,7 triệu người.
Chính quyền thuộc địa không có chủ trương gây hấn với người thổ dân, mà ngược lại thường kết giao bằng các tặng phẩm đồ sắt, đồ vải hay đồ nhựa. Phía Thổ dân cũng đáp lễ bằng những con cá to hay con thú săn được. Người Thổ dân còn giúp làm hướng dẫn viên trong các chuyến đi xa khảo sát.
Nhưng người Thổ dân bị chết rất nhiều. Ở đảo Tasmania, dân số thổ dân giảm từ 5,000 người xuống còn có 500 (mặc dù nay tăng lên 23,000). Ước tính, ban đầu người Thổ dân có tổng cộng 750,000, ít hơn một chút so với ngày nay.
Khi Pháp đến Việt Nam vào giữa thế kỷ 19, dân số nước ta đã lên đến khoảng 10 triệu. Đương nhiên, với quy mô và tổ chức xã hội chênh lệch thì cách ứng xử đối với ngoại xâm cũng phải khác nhau. Nhưng vẫn có cái giống, đó là chủ trương của triều đình nhà Nguyễn cũng như các thủ lĩnh bộ lạc thổ dân không hề quyết liệt.
Các vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân chỉ chống Pháp khi bị dồn đến đường cùng và đã mất hết quyền lực. Sau đó, các vua Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại đã chấp nhận một sự “bình thường mới” khi hợp tác với người Pháp. Các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm của Phan Đình Phùng hay Hoàng Hoa Thám đều nằm ngoài ý định của vua nhà Nguyễn.
Cuộc đụng độ lớn nhất được ghi nhận vào năm 1857 tại Queensand, mang tính tự phát chống lại việc lấn đất, có 500 người thổ dân được cho là bị giết, mặc dù số liệu chính thức ít hơn. Những vụ đụng độ khác có thể coi là nhỏ, do sự thù hằn cá nhân là chính.
Lý do người Thổ dân chết nhiều không phải do chiến tranh mà là dịch bệnh như bệnh đậu mùa, bênh sởi và bệnh cúm. Thêm nữa bị giết bởi các tù nhân nổi loạn bỏ trốn. Kế nữa, một số người thổ dân trộm cắp hoa màu nuôi trồng cũng bị giết. Và do tình trạng thiếu phụ nữ, việc bắt cóc phụ nữ thổ dân cũng gây thương vong cho nam giới.
Điều nhức nhối nhất mà sau này Chính Phủ Úc phải xin lỗi là việc trẻ con thổ dân bị cách ly khỏi cha mẹ vì người da trắng cho rằng cần huấn luyện thổ dân, dậy tiếng Anh, sống theo lối mới từ khi còn nhỏ mà không để ý rằng đó chính là hành động bắt cóc.
Lãnh thổ Úc rất rộng lớn, do đó các khu sinh sống bị tách biệt và khó liên lạc với nhau. Nhiều chuyến thám hiểm xuyên lục địa Bắc – Nam hay Đông – Tây đều thất bại vì khí hậu, địa hình hiểm trở và không tìm được nước ngọt trong lòng lục địa, cho đến khi lạc đà được nhập cảng vào thập niên 1850s.
Lạc đà là loài thú không cần uống nước trong nhiều ngày, điều đó đã giúp ích cho những chuyến thám hiểm kéo dài nhiều tháng cho đến cả năm. Các chính quyền thuộc địa cũng đưa ra các mức thưởng hấp dẫn để khuyến khích những khám phá mới, cho phép tạo dựng bản đồ và thiết lập các đường dây liên lạc trong toàn tiểu lục địa.
Năm 1863 điện được sử dụng lần đầu tiên tại Sydney; điện thoại bắt đầu có từ năm 1878. Ở các nhà máy, công nhân phải làm việc 10-14 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Các trường học cho trẻ em bắt đầu được thiết lập từ năm 1860. Phụ nữ thời đó hầu như dành cả cuộc đời để sinh đẻ và chăm sóc những đứa con với mức trung bình mỗi bà có đến 7 đứa.
Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật trở nên ngày càng sung túc với các nhà hát lần lượt ra đời. Bóng đá kiểu Úc có trận đấu đầu tiên vào năm 1858, Melbourne cup lần đầu vào 1861 nhưng cricket mới là môn thể thao được ưa chuộng nhất, đặc biệt là sự tham gia của cả những người thổ dân.

Đọc sách Lịch sử nước Úc (P 3: Quyển 5 và 6 của bộ sách viết về nước Úc giai đoạn 1880-1945)
Vào đầu thập niên 1880s, Úc đã được biết đến như một nơi có dân số khá đông, đã có thể tự đứng vững mà không cần trợ giúp từ “mẫu quốc” Anh.
Theo kiểm kê vào tháng 4/1881, dân số Úc là 2,25 triệu (không tính khoảng 50,000 thổ dân) và lần đầu tiên, số người sinh ra tại Úc đã vượt hơn di dân.
Tuy nhiên, sự phân biệt giàu nghèo rất lớn, trong đó tầng lớp người nghèo vẫn còn phải vật lộn với miếng ăn. Cách ăn uống vẫn gói gọn trong 3 chữ “b”, tức là boring, basic và British. Cách ăn uống vẫn giống như người Anh, nhưng về mặc thì có khác đôi chút, nhất là chiếc đầm của phụ nữ Úc trở nên có dáng điệu rộng thùng thình.
Một số trẻ em đã được cắp sách đến trường khi một số trường công lập đã bắt đầu mở như Sydney Girls và Sydney Boys. Tuy nhiên trẻ em gái thường chỉ học hết tiểu học, lên trung học, các em học những kỹ năng để làm vợ, làm mẹ như nấu ăn, may vá, cách đi đứng ngồi...Các giáo viên vẫn sử dụng biện pháp đánh đòn đối với các học sinh, nam bị đánh vào mông, còn nữ thì bị đánh vào tay.
Về sau, số lượng trẻ em đến trường đông hơn dẫn đến thiếu hụt giáo viên và làm sĩ số lớp học lên đến trên 50 em/lớp (thay vì 25 như hiện nay).
Tính đến trước năm 1945, Úc đã có 3 nhà khoa học được giải thưởng Nobel (về sau có thêm hàng chục người nữa). Úc cũng tham gia Đại hội Olympic từ kỳ đầu tiên vào năm 1896 và ngay kỳ này đã đoạt hai huy chương vàng về điền kinh.
Các lĩnh vực kinh tế đều được phải triển, bao gồm công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, chăn nuôi và trồng trọt. Vào năm 1891, đàn cừu tại Úc lên đến 100 triệu con. Hãng xe hơi Holden mới giải thể gần đây bắt đầu sản xuất ô tô từ năm 1908.
Từ đầu thập niên 1880s, Anh Quốc đã có ý định rút khỏi Úc để các tiểu bang thuộc địa thành lập một quốc gia độc lập. Các thành viên được mời dự bàn thảo cho một quốc gia mới bao gồm cả New Zealand và Fiji. Như mọi người đã biết, hai thành phần này không lựa chọn đứng chung vào liên bang.
Quá trình bàn thảo kéo dài khá lâu, một điều đáng chú ý là Tây Úc luôn chống đối lại việc tham gia vào một nước Úc mới.
Khi phong trào tìm vàng đã lắng xuống tại các tiểu bang miền đông thì đến năm 1885, vàng được tìm thấy ở Tây Úc. Từ đó một làn sóng người từ các tiểu bang đã tràn sang Tây Úc. Chính nhờ vào các lá phiếu của những người dân này mà Tây Úc mới chịu tham gia vào Liên bang với các tiểu bang thuộc địa khác.
Ngày 1/1/1901, Liên bang Úc Đại lợi (Commonwealth of Australia) chính thức ra đời, nhưng đến tháng 9 cùng năm thì mới có quốc kỳ. Năm 1908 thì mới quyết định khu đất thuộc Canberra ngày này sẽ trở thành thủ đô của Liên bang. Sau một giai đoạn xây dựng, đến tận năm 1927, Canberra mới được khai trương để đón các quan chức chính phủ đến làm việc.
Như vậy, trong 26 năm đằng đẵng, không có thủ đô, điều đó cũng tốt và có thủ đô thì cũng chẳng sao. Có thủ đô có nghĩa là ngân sách của người dân đóng thuế phải tốn tiền oằn mình nuôi thêm một bộ máy quan liêu “ăn tục nói phét” mà chẳng biết làm gì.
Úc đã tích cực tham gia vào Thế chiến 1 (1914-1918) với 62,000 binh sĩ tử vong, hơn 150,000 bị thương trong tổng số hơn 400,000 quân nhân. Đây là tổn thất lớn nhất tính theo đầu người so với bất kỳ quốc gia nào, vì lúc đó dân số Úc chỉ vào khoảng 5 triệu người. Tất nhiên, câu hỏi cần đặt ra là tại sao Úc lại phải chịu đựng những đau thương mất mát lớn như vậy?
Những binh sĩ trở về sau chiến tranh không chỉ mang lại vấn đề thất nghiệp mà còn là bệnh cúm Tây Ban Nha đã làm chết từ 50 đến 100 triệu người trên thế giới. Không rõ vì sao lại gọi bệnh này là “cúm Tây Ban Nha” vì có tin bệnh dịch là do vũ khí sinh học của Đức, thậm chí lại có quan điểm cho rằng nó xuất phát từ Trung Quốc.
Trong thời gian bệnh dịch, đã có những quy định gắt gao về giãn cách, đeo khẩu trang, tránh tập trung người ở các nơi công cộng. Úc dính bệnh muộn từ đầu năm 1920, đến đầu năm 1921, không hiểu sao, bệnh dịch ”tự dưng” biến mất.
Trong Thế chiến 2, Úc không gửi quân ra nước ngoài nhiều như Thế chiến 1, nhưng Thủ tướng Menzies đã sang tận Anh để tham dự Nội các Chiến tranh trong 4 tháng. Về nước, ông mới biết mình không còn là Thủ tướng nữa vì đã bị phế truất. Ông thành lập đảng mới để tranh cử và cầm quyền trong 17 năm, chính là Thủ tướng lâu năm nhất trong lịch sử.
Ngoài việc tham gia chiến đấu ở nước ngoài, Úc còn phải lo đối phó với các đòn tấn công của Phát xít Nhật vào Bắc Úc. “Nước xa không cứu được lửa gần”, Úc không cầu cứu được Anh mà đã phải nhờ cậy đến Mỹ trong việc bảo vệ lãnh thổ.
Cuối năm 1941, Mỹ đổ quân vào Úc và đến giữa năm 1943, đội quân lên đến 150,000 người. Số lượng này có thể coi là khá lớn so với dân số Úc lúc đó vào khoảng 7 triệu người và đã làm thay đổi bộ mặt xã hội nước Úc.
Một loạt hàng quán “kiểu Mỹ” đã được mọc lên để phù hợp với lối sống Mỹ. Chiến tranh kết thúc, Úc là nơi đón nhận hàng loạt tù binh Đức, Ý, Nhật, mà đa số là tù binh Ý, họ đã ở lại để nhận Úc như là một quê hương mới. Đồng thời một làn sóng di dân từ châu Âu, trong đó có nhiều nước không nói tiếng Anh cũng ồ ạt đi vào nước Úc.
Sau chiến tranh, một cục diện mới mở ra là cuộc đối đầu về ý thức hệ giữa hai phe Mỹ và Liên Xô, trong đó, Úc đương nhiên trở thành đồng minh của Mỹ.

Đọc sách Lịch sử nước Úc (P 4, từ 1945 đến nay)
Trong lời tựa quyển 8, quyển cuối của bộ sách, tác giả cho rằng: "lịch sử hầu như để viết ra điều mà con người cho là quan trọng để nhớ”. Phải chăng lịch sử cũng nhằm để giải thích quá khứ và rút ra bài học cho hiện tại và tương lai?
Hiện nay, Úc tham gia vào một liên minh mới nhằm chống lại Trung quốc, đó là Bộ tứ (Quad) cùng với Mỹ, Nhật và Ấn Độ. Ba nước kia đều là đối thủ của Trung Quốc, còn Úc không cạnh tranh và cũng không xung đột lợi ích với nước này thì vào nhóm làm gì?
Ngược dòng thời gian, Menzies và Howard là hai vị Thủ tướng cầm quyền lâu năm nhất và có nhiều ảnh hưởng trong lịch sử nước Úc. Sau năm 1945, Menzies thành lập đảng Tự do (đảng cầm quyền hiện nay) và ra tranh cử với lời hứa, nếu thắng cử sẽ cấm đảng Cộng sản Úc hoạt động. Vào lúc đó, Đảng Cộng sản lên cầm quyền ở Trung Quốc, đồng thời “ba dòng thác” cách mạng với các nhóm cộng sản có vũ trang hoạt động rất mạnh ở Đông Nam Á.
Năm 1949, Menzies thắng cử, năm 1950, Quốc hội Úc thông qua luật cấm Đảng Cộng sản hoạt động. Nhưng Đảng CS khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp và năm 1951, Tòa án hủy bỏ Luật cấm. Menzies không chịu thua và cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1952.
Với sự hậu thuẫn của đảng Lao động đối lập, Đảng CS Úc không bị cấm vì vượt qua cuộc trưng cầu với tỉ lệ sát sao 50.48%. Trong 17 năm làm Thủ tướng, ông Menzies không tổ chức thêm cuộc trưng cầu nào vì Đảng CS sau đó trở nên suy yếu và cuối cùng giải thể vào năm 1991, cùng lúc Liên Xô sụp đổ.
Năm 1954, một vụ lùm xùm xảy ra khi Petrov, một nhà ngoại giao Liên Xô bị bắt do tình nghi hoạt động gián điệp. Năm 1956, Úc tổ chức Đại hội Olympic tại Melbourne cũng là năm Liên Xô đưa quân đội vào Hungaria để đàn áp cuộc nổi dậy đòi tự do của người dân nước này. 40% thành viên của đoàn thể thao Hunggaria đã xin tị nạn chính trị tại Úc.
Vào lúc đó, người dân Úc nghĩ không hay về cộng sản. Nếu chủ nhân biết bạn là đảng viên thì bạn sẽ bị đuổi việc. Đảng Lao động cũng xảy ra mâu thuẫn nội bộ trầm trọng khi những thành phần thân cộng bị loại ra khỏi đảng, làm đảng suy yếu và luôn thua trong các cuộc bầu cử trong 23 năm liên tiếp.
Năm 1956 là năm đầu tiên nước Úc có Tivi, mặc dù đi sau Mỹ và Tây Âu. Sự kiện này đã thay đổi nhiều đến tập quán của người dân, thay vì sinh hoạt ở ngoài vỉa hè thì mọi người dành thời gian ở trong nhà để xem Tivi.
Trung tâm thương mại đầu tiên được khai trương tại Úc vào năm 1957. Điều này cũng tạo ra thói quen mới, thay vì đi chợ búa theo từng món hàng ở các cửa tiệm thì nay mọi có thể vào trong cùng một “nóc nhà” có đủ các loại hàng hóa và dịch vụ đa dạng và phong phú. Đồ ăn nhanh kiểu Úc cũng như của Mỹ như KFC và McDonald cũng nhập cảnh vào Úc, người dân có thêm một cách ăn mới.
Ông Menzies còn ra lệnh cho quân đội Úc tham gia vào hai cuộc chiến lớn là chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Việt Nam (1965-1972). Đây là thể hiện cam kết của Úc khi tham gia Liên minh quân sự ANZUS (gồm Mỹ, Úc và NZ), sau này được mở rộng thành SEATO với sự tham gia của Anh, Pháp, Pakistan, Thái Lan và Philippines.
Năm 1967, một sự kiện trọng đại đã diễn ra, đó là cuộc trưng cầu dân ý về quyền của người Thổ dân với kết quả 90.77% số phiếu ủng hộ người Thổ dân được cấp tư cách công dân của nước Úc. Cuối cùng, chủ nhân lâu đời nhất của mảnh đất Phương Nam này đã chính thức được cấp quốc tịch. Trên thực tế, người Thổ dân đang được hưởng nhiều ưu đãi từ các chính sách trợ cấp của chính phủ như là một sự vinh danh cho bà con người da đen.
Howard, một người thần tượng Menzies và bắt đầu tham gia chính trường khá sớm nhưng đến năm 1996 mới trở thành Thủ tướng. Dấu ấn lớn nhất của ông là đưa vào áp dụng thuế GST, loại thuế thịnh hành tại Mỹ và Châu Âu nhưng từng bị phản đối dữ dội tại Úc. Gần 12 năm cầm quyền của Howard có thể coi là thời kỳ hoàng kim của kinh tế Úc.
Trong giai đoạn này, một lần nữa Úc tổ chức Đại hội Olympic Sydney 2000, đất nước Kangaroos mặc dù vẫn ít dân đã trở thành một điểm đến được mọi người biết đến trên thế giới. Bộ sách kết thúc vào năm 2010 khi Julia Gillard, thuộc đảng Lao động, trở thành Nữ Thủ tướng đầu tiên của Úc.
Chỉ trong hơn 200 năm, từ một lúc địa gần như bỏ hoang, một nước Úc “lucky country” giàu có, hùng mạnh đã ra đời.
Để đạt được điều này, trước hết nước Úc được xây dựng trên nền tảng một chế độ dân chủ pháp quyền, quyền lực chính trị được giám sát chặt chẽ bởi cơ chế tam quyền phân lập. Về điều hành kinh tế, Úc chủ trương giảm thiểu tối đa chi tiêu cho quân đội và cảnh sát để dồn ngân sách cho các mục tiêu phúc lợi, an sinh xã hội. Tỉ lệ ngân sách dành cho y tế và giáo dục cao hàng đầu thế giới.
Úc cũng chú trọng bảo vệ môi trường sạch đẹp, là nơi có bầu khí quyển trong lành và nguồn nước an toàn nhất. Úc còn có nhiều thành tựu về phát triển văn hóa nghệ thuật, thể thao và khoa học.
Những thế hệ người Úc đi sau đã và đang được huởng thành quả từ bàn tay và khối óc của các thế hệ đi trước.

Don't cry for me Argentina


Emi Martinez là thủ môn dự bị người Argentina trong hơn 10 năm tại Arsenal đã dứt áo ra đi để được bắt chính tại Aston Villa.
Khi tự so sánh với thủ môn chính Leno, Emi đã gây sửng sốt khi nói rằng, về trình độ tôi bằng hoặc hơn anh ấy, nhưng không có kinh nghiệm bằng vì ít được ra sân. Khi Leno bị chấn thương, Emi đã chứng minh lời nói đó bằng hành động khi chơi 11 trận hết sức xuất sắc.
Nhưng vẫn chưa đủ, Leno bình phục và tiếp tục là thủ môn số 1. Cũng không thể trách HLV Mikel Arteta, chữ kinh nghiệm (experience) kia mới quý bằng ba chữ trình độ (quality).
Emi đã tâm sự đắng lòng như sau:
“I feel weird, lit’s been over a decade at the club,” Martinez told Arsenal.com. “Everyone knows how much I love Arsenal, and how hard I worked to have the chance that I had in the past few months.
“I am in love with this club, I am so grateful to the Arsenal family for giving me the opportunity to be here over a decade and I wish Arsenal the best of luck, I hope they get back into the Champions League and win many more trophies because the Arsenal fanbase deserves that, the club as well.
“I just want to say to the fans that they should trust the process, they are doing a really good work with Mikel and his staff and I wish them all the best.”
"I came here as a young boy, single, from Argentina, a poor country and from a poor family, and I am leaving with a wife, with a kid and as a man. Everything because of Arsenal.”
Tạm dịch:
Thật kỳ dị, vậy là hơn một thập kỷ trôi qua. Mọi người đều biết tôi yêu Arsenal đến dường nào. Tôi đã tập luyện chăm chỉ ra sao để đến khi có được cơ hội ra sân trong mấy tháng vừa qua.
Trong tình yêu với đội bóng, tôi xin tỏ lòng cám ơn ngôi nhà Arsenal đã cưu mang tôi trong suốt mười năm và chúc họ trở lại đấu trường Champions League, đoạt nhiều danh hiệu bởi vì người hâm mộ lẫn đội bóng đều xứng đáng với điều đó.
Tôi muốn nói với quý vị cổ động viên rằng đội nên tin tưởng vào quá trình mà Mikel và cộng sự đang làm việc thực sự tốt với đội bóng và tôi chúc đội mọi sự tốt đẹp nhất.
Tôi đến đây khi còn là một cậu bé, từ một đất nước Argentina nghèo khó, từ một gia đình nghèo khổ và rời đây khi đã trở thành một người đàn ông có gia đình, vợ con. Tất cả nhờ vào Arsenal.
Ảnh: Emi khóc ngon lành sau trận thắng Liverpool trong Community Cup ngày 29/8 vừa qua. Chắc anh đã linh cảm đó là trận đấu cuối cùng của mình trong màu áo Arsenal.

Hậu Covid: Lạm bàn Kinh tế thế giới đi về đâu


Hôm nay báo chí Mỹ và thế giới đưa tin Tổng thống Trump đã coi nhẹ (play it down) về vấn đề Coronavirus, mặc dù đã biết nó nguy hiểm “chết người”.

Tin này làm mình củng cố một giả định về xu hướng của tình trạng cũng như mối quan hệ kinh tế trên thế giới.
Chính quyền Trump đã nhiều lần tuyên bố về việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, nghĩa rằng nước này không còn là “công xưởng” của thế giới nữa. Trong quá khứ, Mỹ từng là một cường quốc về sản xuất, nước xuất siêu lớn nhất nhưng nay lại nhập siêu lớn nhất.
Điều này kéo dài sẽ dẫn đến việc nền kinh tế suy yếu, mất việc làm trong khi Tàu cộng ngày càng lớn mạnh.
Tuy nhiên những diễn biến hiện nay chưa cho thấy một chút biến chuyển nào. Theo số liệu tháng 8/2020, xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu nhìn vào thị trường, hàng Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm đi sự tràn lan ở khắp các nước. Ngay đối với Mỹ, người ta không khỏi lo lắng nếu thiếu vắng hàng Tàu trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là thuốc kháng sinh trong giai đoạn chống chọi với dịch bệnh.
Theo các số liệu thống kê, các nước đã phát triển suy yếu nhiều hơn các nước đang phát triển trong thời kỳ Covid, vì khu vực dịch vụ các nước này chiếm tỉ trọng lớn trong GDP hơn. Nhưng về hàng hóa, có thể thấy không có nhiều sự thay đổi.
Ngay cả các công ty Mỹ thì Tổng thống cũng không thể ra lệnh hành chính vì họ phải hoạt động theo quy luật thị trường. Trong khi đó, hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, trên thực tế có sức cạnh tranh mạnh về giá thành, chủng loại và quy mô.
Đối với nước Mỹ còn khó, huống chi là các nước đồng minh của Mỹ hay các nước khác càng khó hơn.
Cuộc sống là sự đánh đổi, bạn không thể đạt mong muốn nếu không mất điều gì đó. Nước Mỹ đã chịu tổn thất gần 200,000 nhân mạng vì Covid. Mặc dù người già đã về hưu chiếm lệ chủ yếu và không ảnh hưởng nhiều đến guồng máy kinh tế nhưng đó cũng là một sự chịu đựng không hề dễ chịu.
Ai cũng biết Corona xuất phát từ Trung Quốc và dù cố ý hay vô tình thì nước Cộng sản này không đáng tin cậy để hợp tác làm ăn.
Những cái chết của người dân chính là áp lực để Mỹ và phương Tây từ bỏ Trung Quốc.
Chắc cũng hiểu điều này nên gần đây truyền thông nước này đã kêu gọi việc phát triển thị trường nội địa. Tuy đông dân, nhưng do mức thu nhập thấp, thị trưởng trong nước của Trung Quốc không lớn nhưng Tập Cận Bình cũng phải chấp nhận thực tế.
Rất may,cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là lý do để giãn thời gian cho một cuộc chuyển hướng lớn lao trên toàn cầu. Sau bầu cử, tùy theo chính sách của Tổng thống mới, dù Trump hay Biden, sẽ quyết định tốc độ của quá trình thoát Trung không tránh khỏi.