Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Tìm triết lý sống trong chủ nghĩa tối giản

 

Trong cuộc sống thường ngày vội vã, bạn vẫn nên tìm ra những giờ phút rảnh rỗi để ngẫm nghĩ sự đời.
Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu biết mình muốn gì, quan niệm thế nào là hay, là dở và xác định được một triết lý sống.
Vào dịp mỗi năm thêm một tuổi năm nay, điều mình phát hiện ra là chủ nghĩa tối giản (minimalist).
Khái niệm này bắt đầu xuất hiện từ thập niên 1960x tại New York. Về sau người Nhật được cho là ưu chuộng lối sống này.
Nhìn chung, chủ nghĩa tối giản giúp cho đời sống được thanh thản, cân bằng giữa vật chất và tinh thần.
Điều quan trọng là tránh được các cạm bẫy trong xã hội, những ràng buộc mà mình cho là đó là cuộc sống nô lệ cho những thói quen xấu.
Có lẽ tối giản chính là sự “buông bỏ”, bỏ hết những thứ không cần thiết, gây phiền toái cho bạn. Ví dụ, những vật dụng gì không dùng trong vòng 3 tháng có thể thanh lọc hết đi.
Bạn có chạnh lòng tự ái không khi ai đó nghĩ rằng bạn là loại người ham hố “trẻ không chơi, già đổ đốn”?
Điều mình có thể hứa với các bạn và với bản thân là sẽ tiếp tục thực hành lối sống tối giản.

Một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang tới?

 

Tuần qua có thể coi là một tuần mất mát và thảm họa của thị trường thế giới khi mà sàn chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt nhuộm một màu đỏ.
Nguyên nhân chính ở đây là tình trạng lạm phát và tâm lý bi quan về triển vọng kinh tế. Lạm phát tại Mỹ đã vọt lên con số kỷ lục 8.4% và Ngân hàng dự trữ liên bang đã phải phản ứng tương ứng bằng mức nâng lãi suất cũng kỷ lục là 75 điểm (0.75%).
Tại Úc, mặc dù lạm phát không bằng Mỹ và một số nước khác nhưng chứng khoán cũng rớt mạnh. Để bù vào việc trượt giá, mức lương tối thiểu của người lao động đã được quyết định tăng thêm 5.2%, có hiệu lực từ 1/7 tới.
Do lãi suất Mỹ tăng mạnh, đồng đô Úc đã yếu đi nhiều so với đô Mỹ và để lấy lại cân bằng, lãi suất tại Úc sẽ tiếp tục tăng.
Với cuộc chạy đua về lãi suất, hệ lụy sẽ là suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Người ta đã nói đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng gần đây nhất là dạo 2008-2009, nhưng nó không đến nỗi tàn phá như từng lo ngại. Khách quan mà nói, khi mà kinh tế Mỹ, Nhật, EU gần như về zero thì việc Trung Quốc duy trì được đà tăng trưởng đã trở thành đầu tàu kéo lại cả thế giới.
Vũ khí của Trung Quốc lúc đó chỉ là đầu tư công thật mạnh tay, dù đã tạo ra những thành phố ma và những con đường hoang vắng không bóng người. Và bây giờ là lúc Trung Quốc đang phải chịu hậu quả của bong bóng xây dựng nhà đất và cơ sở hạ tầng.
Nếu khủng hoảng hậu Covid xảy ra thì nguy vì chưa nhìn thấy "đầu tàu" nào khác.
Có khả năng nào tránh được cuộc khủng hoảng đã được báo trước này?
Lạm phát tại Mỹ và các nước do nhiều nguyên nhân, trước hết là do giá năng lượng và giá hàng hóa gia tăng.
Dường như bây giờ là lúc thế giới ngấm đòn với con Covid khi nguồn cung hàng hóa trở nên khan hiếm. Trung Quốc vốn là “công xưởng của thế giới” nhưng sản xuất tại nước này đã chậm hẳn lại. Đợt phong tỏa dài ngày và quy mô lớn tại Bắc Kinh và Thượng Hải làm đình trệ sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Mọi người không hiểu tại sao đến nay mà Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách mệnh lệnh hành chính về Covid một cách lỗi thời và phản khoa học như vậy. Chỉ có thể lý giải nó vì lý do chính trị nội bộ khi mà Đại hội Đảng CS đang tới gần, vào tháng 10 tới đây.
Bên cạnh đó, đòn trừng phạt bằng thuế từ thời Trump cũng là một yếu tố góp phần làm cho giá hàng hóa tăng phi mã.
Thực tế cho thấy mặt hàng tăng đột biến nhất chính là giá xăng dầu. Không phải chỉ vì chiến tranh ở Ukraine, trước cuộc chiến thì giá dầu khí đã tăng gấp đôi so với trước thời điểm ông Biden lên cầm quyền. Tất nhiên, ông Putin đã “tát nước theo mưa” làm cho cơn bão giá thêm phần long trọng chút xíu!
Trong khi đó, ông Biden đã tự giam mình vào lời hứa bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế sản xuất dầu phiến đá ở Mỹ. Nếu ông nuốt lời hứa vào lúc này thì các đồng chí trong đảng Dân chủ của ông sẽ gặp hạn trong cuộc bầu cử quốc hội vào đầu tháng 11 tới.
Đồng thời, ông sẽ một đi một lượng fan kha khá và như vậy hy vọng tái cử tổng thống sẽ sẽ không còn. Với màn trình diễn nghèo nàn trong 18 tháng qua, ngay lúc này đã có thể đánh giá rằng một nhiệm kỳ nữa là quá xa vời đối với Biden.
Bởi vậy, đằng nào cũng không tái cử, có thể dự đoán một khả năng là Biden sẽ cho phép khai thác dầu phiến đá trở lại, chậm nhất từ tháng 11. Một mũi tên sẽ bắn được hai đích, làm dịu đi lạm phát đồng thời mở ra phương tiện để cấm vận dầu lửa đối với Putin.
Như vậy, việc lật đổ Trump sẽ trở nên vô nghĩa khi mà lại áp dụng lại chính sách cũ của ông ta, và đây là cơ hội để cho Trump trở lại? Không, dù vẫn có một lực lượng trung thành lớn nhưng cũng không nên quá lo cho việc cựu tổng thống màu mè sẽ một lần nữa lên ngôi.
Cuối tháng này, Biden sẽ đi Châu Âu họp hai hội nghị thượng đỉnh của G7 và NATO. Đối ngoại là điểm mạnh của Biden nhưng trong thời điểm hiện nay, sự đoàn kết giữa các đồng minh chưa chắc đã giúp gì được cho nền kinh tế thế giới đang sa sút.
Dầu phiến đá Mỹ có cứu được kinh tế thế giới? Đó chỉ là đoán già đoán non của mình, hãy chịu khó chờ đến tháng 11 thì biết.

Châu Phi – Một Châu lục bị thế giới bỏ rơi



Hai Cơ quan Lương thực của Liên hợp quốc là Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương nông (FAO) đã vừa cùng lên tiếng cảnh báo về một nạn đói ở Châu Phi.
Ông David Beasley, Tổng Giám đốc WFP cho hay có 48 nước chịu bị rung chuyển bởi những bất ổn, trong đó phần lớn thuộc các nước Châu Phi, rằng “tình hình hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ Mùa xuân Ả Rập 2011 và cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009”.
Nguyên nhân của tình trạng này, mọi người đều biết là do Covid, hạn hán và cuộc chiến tại Ukraine. Trong số 20 triệu tấn lùa mỳ và 30 triệu tấn ngô bị ách tắc không thể xuất khẩu được do chiến tranh thì điểm đến chủ yếu là của Châu Phi.
Tiếng súng vang lên ở Ukraine đã thu hút sự chú ý của cả Châu Âu và thế giới nhưng mọi người không để ý rằng tiếng súng chưa bao giờ im ở Châu Phi kể từ sau làn sóng trao trả độc lập của các đế quốc lớn, bắt đầu từ thập niên 1960s.
Hầu hết trong số 55 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Phi (AU) được thành lập trong vòng 60 năm qua. Đó cũng là khoảng thời gian chiến tranh, nội chiến và đảo chính liên miên, hết nước này sang nước khác. Cho đến hiện nay, thực trạng các lực lượng phiến quân có vũ trang cát cứ và chống lại chính phủ trung ương vẫn còn khá phổ biến, nghiêm trọng như tại Somalia, Mali, Sudan, Ethiopia, Congo...
Mình có một người bạn đã nói một ý tưởng khá thú vị. Theo đó, cô cho rằng quê hương của cô là trái đất này (chứ không phải sao Kim, sao Hỏa), do vậy dù sống ở Mỹ hay Úc, Hà Nội hay Mường Tè thì đó vẫn là quê hương của cổ.
Tuy nhiên, rất nhiều người Việt có giấc mơ Trời Tây chứ hình như rất ít người mơ ước nhận Châu Phi là quê hương của mình.
Cá nhân mình và gia đình đã từng sống hơn 3 năm tại Châu Phi và mỗi khi nhớ lại thì những kỷ niệm đẹp lại ùa về, những trải nghiệm vô cùng quý giá. Nếu sinh sống vài năm ở Châu Phi, chắc hẳn quý bạn cũng sẽ mến yêu mảnh đất này.
Về khía cạnh chủng tộc và ngôn ngữ có thể chia Châu Phi làm hai phần chính, đó là người Ả Rập ở phía Bắc và “Châu Phi da đen” ở hạ Sahara.
Khi người da trắng đến Châu Phi thì mảnh đất rộng 28 triệu km2 còn hết sức hoang vu, đa số người dân ở đây còn sống theo kiểu bộ lạc, mà chưa có nhà nước phong kiến, ngoại trừ Ai Cập, Ethiopia và Morocco. Họ đã có công khai phá mảnh đất này, mang đến ánh sáng văn minh nhưng đồng thời để lại một vết nhơ không thể gột rửa là những chuyến tàu viên dương đưa nô lệ da đen sang Châu Mỹ. Để công bằng, cũng cần nói thêm rằng, phong tục bắt và buôn bán nô lệ đã có từ trước khi người Châu Âu đến Châu Phi chứ không phải do người da trắng khơi mào.
Theo trào lưu của thời đại, các đế quốc Anh, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha...lần lượt rút đi và trao trả độc lập cho người bản xứ. Điều họ để lại không chỉ là nhà cửa, đường xá, cơ sở hạ tầng mà còn là thể chế chính trị đa nguyên. Các nước Châu Phi đều đã có đa đảng nhưng con đường đi đến dân chủ còn chưa đồng đều.
Thước đo dân chủ thể hiện ở đâu? Thời phong kiến, khoảng 70% ngân sách nhà nước phục vụ cho ý chí chủ quan của ông vua, đó là chiến tranh lãnh thổ, xây lăng tẩm, ban phát cho thuộc hạ. Ngày nay, có thể thấy vẫn còn nhiều nước mà ngân sách dành đến 50% cho quân đội, công an, đảng đoàn...mà người dân chỉ được hưởng khoảng 50%. Đối với các nước dân chủ tiên tiến, 80% ngân sách hoặc hơn được dùng cho y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phúc lợi công cộng. Như vậy, nền dân chủ ở Châu Phi còn yếu khi mà chi phí cho quân đội vẫn còn quá lớn.
Ngoài thuế và bán tài nguyên, viện trợ từ nước ngoài là một nguồn thu quan trọng của ngân sách các nước Châu Phi, đặc biệt là thời chiến tranh lạnh, hai phe Liên Xô và Mỹ đều vung tiền ra mua chuộc ủng hộ chính trị từ các nước. Châu Phi có nguy cơ đi vào bần cùng hóa khi mà tiền viện trợ ngày càng bị cắt giảm, trong khi tài nguyên thô cũng có xu hướng mai một.
Nền kinh tế hùng mạnh nhất Châu Phi có thể kể đến Nam Phi mà lý do mà chúng ta có thể nhìn nhận là năng lực trình độ khá cao về quản trị. Ví dụ nước này cho thấy, người Châu Phi có khả năng và nên từng bước đứng trên đôi chân của chính mình.
Dự án Liên bang Đông Phi, học theo mô hình EU đã được khởi động và có kế hoạch công bố một quốc gia mới vào năm 2023, với thủ đô là thành phố nhỏ Arusha nằm giữa biên giới Tanzania và Kenia, với ngôn ngữ chung là tiếng Anh, tiếng Pháp. Hiện tại có 6 nước tham gia gồm Kenia, Tanzania, Uganda, Rwuanda, Burundi và Nam Sudan và đây là các nước có kinh tế phát triển vào loại ổn định nhất Châu Phi. Riêng Nam Sudan mới được tách ra từ Sudan từ năm 2011 còn nghèo khó nhưng nay đã có hòa bình và sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào.
Hy vọng sẽ còn nhiều dự án tương tự cho một Châu Phi tốt đẹp hơn nhưng trước mắt, cuộc chiến ở Ukaine chưa có dấu hiệu kết thúc trong tương lai gần, do đó vấn đề lương thực của Châu Phi sẽ trở nên gay cấn nếu họ tiếp tục bị thế giới bỏ rơi.

Ảnh: Với việc gia nhập của Congo, bản đồ EAF sẽ thay đổi đáng kể.

Bóng hình cô gái tóc dài



Truyện ma của Ngọc Quang
Lan đi du học Úc khi tuổi không còn trẻ. Mẹ thương Lan lắm, nhà chỉ có một cô con gái, lại xa nhà sớm, 28 tuổi vẫn chưa chồng con gì cả, trong khi ông anh và cậu em đã có chỗ đâu vào đấy ở quê nhà. Mẹ dúi cho Lan hai nghìn đô Mỹ, Lan không muốn lấy vì nhà chẳng khá giả gì, đúng hơn còn có thể coi là nghèo.
Lan thoát ly gia đình từ sớm để lên Hà Nội học đại học. Thân gái dặm trường, học xong tự kiếm việc làm, công việc tốt nên Lan cũng để dành được chút vốn liếng. Số tiền của Lan có thể đủ mua một căn hộ nhỏ, nhưng không lẽ là gái mà phải sắm nhà để lấy chồng hay sao. Trong khi gửi tiết kiệm có khi còn hay hơn vì lãi suất ở Việt Nam rất cao.
Mẹ Lan không thể hiểu được lý do chính dẫn đến cuộc ra đi. Đơn giản là Lan muốn thay đổi, biết đâu kiếm được một tấm chồng.
Hồi sinh viên, Lan thầm thương trộm nhớ một cậu đẹp trai con nhà giàu học cùng. Cậu này hơn Lan một tuổi do thi trượt một năm. Nhưng thật ra do mải chơi chứ không phải vì dốt, khi vào học cậu vào loại học khá trong lớp.
Chả lẽ con gái lại đi tán con trai, nhưng không bộc lộ thì làm sao người ta biết được. Một hôm tan học đi uống sinh tố, Lan tiết lộ điều thầm kín cho một con bạn thân. Sáng hôm sau, thấy mấy đứa con gái Hà Nội nhìn trộm Lan và cười rúc rích với nhau. Lan đã hiểu ra, mọi người đã biết hết chuyện của mình.
Lan ám ảnh bởi cái này rất lâu. Lan chỉ có nhan sắc trung bình, lại nhà nghèo, làm sao có thể leo cao. Lan muốn lấy một tấm chồng ngon lành cho chúng nó biết tay nhưng rồi qua mấy mảnh tình ngắn ngủi, câu chuyện cũng chẳng đi đến đâu.
Dù vậy, Lan cũng không thể tự hạ thấp mình để vơ bèo vạt tép, nhưng chờ mãi, chỉ có tuổi tác ngày càng cao mà vẫn chưa thấy một nửa kia của cuộc đời.
Trước khi lên đường, mẹ Lan còn đưa cho một cái bát hương và dặn: “mẹ đã cắt bát hương này cẩn thận, có chuyện gì, con cứ cầu trời khấn phật, các ngài sẽ phù hộ độ trì cho con”.
===0===
Cuộc sống mới bên Úc thật lạ lẫm nhưng cũng không đến nỗi quá bất ngờ vì Lan đã chuẩn bị hỏi han thông tin khá kỹ trước khi đi. Lan tính thuê một căn hộ ở một nơi không quá xa trung tâm để thuận tiện cho việc đi học, đi làm, cũng không quá gần trung tâm cho đỡ bị giá cao.
Campsie, một khu ngoại ô đông người Tàu là một nơi lý tưởng, lại thêm đồ thực phẩm ở đây tươi, rẻ. Căn hộ có hai phòng mất 400 Úc kim mỗi tuần, cho thuê bớt phòng một phòng được 300, vậy chỉ hết có 100 đồng mỗi tuần cho việc ở.
Hai cậu trai share phòng cũng là du học sinh người Việt, mới khoảng hai mươi, tức là kém Lan khá nhiều tuổi. Bình và Tân có chung sở thích là chơi games nên ở chung một phòng cũng tiện. Lan nghĩ, đi du học mà chỉ sang đây chơi games thì đi làm gì. Nhưng thôi, kệ chúng nó, tuổi trẻ còn nhiều cơ hội ở phía trước, nếu sai thì sẽ sửa.
Mà mấy ông nội chơi ghê thật, vào ngày nghỉ cuối tuần dám chơi cả ngày cả đêm luôn. Nước tăng lực chúng nó mua cả thùng, chỉ để phục vụ cho việc thức đêm chơi.
Được mấy bữa, chúng nó đưa về hai thằng nữa, đòi nhồi hết vào một phòng. Nghĩ thương tình, Lan tình nguyện ra phòng khách ở, nhường hai phòng cho bốn đứa. Tụi chúng nó cám ơn chị rối rít.
Hơi bất tiện một chút vì cả nhà chỉ có một toilet. Bù lại, Lan thu hai phòng mỗi phòng $250, tính ra không mất tiền ở mà còn có lãi $100 mỗi tuần. Lan từng quây ri đô lúc sống trong ký túc xá đại học, bây giờ trở về cái máng lợn, lại quây ri đô quanh cái giường ngủ là được.
Hai thằng mới đến là gay, cũng kệ, là chuyện riêng tư của chúng nó. Đến mùa hè nóng quá, mấy thằng chẳng ý tứ gì cả mặc cả quần sịp khi đi ra phòng khách. Nghe đồn bộ phận giống đực của tụi gay rất bé, nhưng đâu đến nỗi, nó vẫn giống người bình thường thôi, chỉ khác thường ở sâu bên trong.
Lan kiếm được chân bưng bê trong một quán phở của người Việt, nhưng vẫn có một phần khách Tây. Lan thấy tụi đàn ông hay nhìn mình, có lẽ là do dạo này Lan đã biết trang điểm hơn. Cũng có thể Lan đã trở nên xinh đẹp hơn vì mỗi khi post ảnh lên facebook mọi người đều khen cô hết lời.
Thời sinh viên, Lan cũng đã từng đi làm tiếp viên. Cái khác là đàn ông Việt Nam khá thỗ lỗ trong khi khách bên này thường nhìn Lan một cách tôn trọng. Cũng lạ, hồi xưa Lan không cảm thấy bị xúc phạm bởi những hành động sàm sỡ còn bây giờ, lại chẳng thấy rung động trước những hành động lịch sự gì cả.
Ở nhà cũng vậy, lúc đầu Lan nghĩ sống với một lũ đàn ông thế này, đôi khi hứng khởi thì khó có thể giữ được mình lắm. Nhưng giờ thì chúng nó cởi trần trùng trục, còn Lan mặc áo hai dây thả rông mà vẫn cứ trơ trơ ra, chẳng thấy cảm xúc gì.
Việc ai người ấy làm, đến tối, bọn chúng đóng cửa ở trong phòng, còn Lan đã thay đổi thói quen ngủ muộn mà cố gắng ngủ sớm để có sức vừa đi làm vừa đi học.
Một hôm, vừa chợp mắt, một hình bóng một người con gái hiện ra khá rõ ngay trước mắt Lan. Tóc cô ấy dài xõa xuống phủ ngập cả tấm ri đô màu mỡ gà. Cô ta không nói chỉ nháy mắt và liếc mắt đưa tình. Lan sợ hãi kêu to lên cầu cứu mấy cậu trai, cô gái biến mất.
Mấy cậu sống chung bảo có chuyện gì chị cứ gọi, nhưng mỗi khi gọi thì cô gái lại nhanh chóng biến mất.
Lan đi tư vấn chuyên viên tâm lý, rồi hỏi cảnh sát, nhưng họ cũng chẳng giúp được gì cho cô.
Lan mua kẹo bánh, hoa quả về thắp hương rồi khấn:
- Cô sống khôn thác thiêng, sao cô không trêu mấy cậu con trai, chứ tôi là gái, một mình nơi đất khách quê người, cô làm ơn cho tôi giấc ngủ để tôi còn có sức khỏe chống chọi với cuộc sống.
Đêm hôm đó, cô gái tóc dài lại hiện ra trên màn ri đô. Lần này còn trắng trợn hơn, cô ta cười cợt, mắt đảo như rang lạc. Hóa ra, cô là một đồng tính nữ.
Cực chẳng đã, Lan xin vào phòng Bình và Tân để ngủ. Hai thằng này nghiện games nên nhiều khi giường bỏ không. Hơn nữa chúng nó đang nợ tiền nhà Lan nên cũng dễ đồng ý.
Một thời gian không lâu, tivi đưa tin về một phiên tòa xử một vụ giết người. Theo đó, có hai du học sinh người Tàu, nghi phạm là nam giới share phòng với một nữ trong một căn hộ hai phòng, chính là căn hộ của Lan ở Campsie. Dù kém sáu tuổi, cậu trai khai có quan hệ tình cảm với cô gái nhưng vì bắt được cô ấy ngoại tình dắt trai về nhà nên nổi cơn điên, đã đâm chết cô ta.
Rồi cậu quấn xác chết vào một mảnh vải, nhân trời tối đã đưa vào xe và chở lên North Sydney, nơi có nhiều đồi núi trùng điệp. Sau khi chạy xe một quãng dài, đến nơi vắng vẻ đã vứt xác xuống vực. Vì không nhớ đường về nhà, cậu ta đã mở trợ giúp google map, và đây chính là bằng chứng để cảnh sát buộc tội và tìm lại được xác cô gái.
Kịch bản ghen tuông giết người sẽ làm cậu ta được giảm án so với một giả thiết khác là giết người cướp của vì cậu này nghiện games, đã tiêu nhiều tiền vào trò chơi này mà thiếu trả tiền nhà cho cô đồng hương. Lan là người biết rõ hơn ai hết, không thể có chuyện ghen tuông khi cô gái kia chỉ mê gái chứ không mê trai.
Tư dưng Lan nghĩ đến việc Bình và Tân cũng đang thiếu tiền nhà trong khi cô lại được trả lương bằng tiền mặt và thường giữ khá nhiều tiền mặt trong nhà. Tuy nhiên, Lan không sợ vì tin rằng cô gái tóc dài sẽ bảo vệ mình.

Các đảo quốc Thái bình dương khước từ sự “Thịnh vượng” kiểu Trung Quốc

 

Theo mô hình thượng đỉnh Mỹ + 10 nước ASEAN, một cuộc họp Trung Quốc + 10 đảo quốc Thái Bình dương nhưng ở cấp Ngoại trưởng mới đây đã diễn ra tại Suva, thủ đô Fiji. Theo ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, các nước Thái bình dương “đừng quá lo lắng và cũng đừng quá căng thẳng, bởi vì sự phát triển và thịnh vượng chung của Trung Quốc cũng như tất cả các nước đang phát triển đồng nghĩa với sự hòa hợp, công bằng hơn và tiến bộ hơn”.
Mười đảo quốc phó hội lần này bao gồm Fiji, PNG, Samoa, Tonga, Kiribati, Micronesia, Vanuatu, Solomon, Cook Islands và Niue. Nhìn vào thành phần này chúng ta thấy thiếu vắng New Caledonia, tức Tân Đảo, một nước có gần 300,000 dân nhưng lại thuộc Pháp, và 4 nước khác có quan hệ Ngoại giao chính thức với Đài Loan và không có quan hệ với Bắc Kinh.
Trong khi đó, cuộc họp có mặt Cook Islands và Niue, hai tiểu quốc nhỏ bé và không phải là thành viên Liên hợp quốc. Cook Islands có chưa đầy 20,000 người, bằng dân số xã, còn Niue xấp xỉ 2,000 như một thôn, đã tách ra từ New Zealand từ các năm 1992 và 1994, tuy nhiên NZ vẫn bảo hộ hai nước về quân sự cũng như dùng chung tiền tệ.
Một thông cáo chung với nhiều “offer” béo bở theo một kế hoạch 5 năm của phía Trung Cộng đã không được ký kết. Thủ tướng Samoa, cô Fiame đã giải thích một cách xã giao rằng, các nước Pacific không có đủ thời gian để nghiên cứu đề nghị của Trung Quốc.
Nhìn dưới góc độ khác, sau khi đạt được thỏa thuận với Quần đảo Solomon về An ninh và Hợp tác, có lẽ Trung Quốc cho rằng họ đã đặt được một chân vào trong vùng và có bàn đạp để đi xa hơn. Thực tế cho thấy tính toán của Trung Quốc đã sai lầm và các đảo quốc không nhìn nhận Solomon như một tấm gương cần noi theo, mà thậm chí coi nước này như một tên phản bội nằm vùng trong gia đình Pacific.
Để có kết quả này, không thể thiếu các hoạt động mạnh mẽ và kịp thời của Úc và NZ. Mọi người đều biết Úc mới có Bầu cử và ngày sau khi tuyên thệ, tân Thủ tướng Albanese dù chưa lập được chính phủ đã vội vã cử “tạm” 4 Bộ trưởng, trong đó có Ngoại trưởng, cô Wong. Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên, Wong đã bay sang Fiji để gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong vùng, trấn an họ về những cam kết lâu dài của Úc đối với các đảo quốc trong vùng.
Sở dĩ cô Wong có thể nhanh chóng bắt tay vào việc vì Úc theo thể chế dân chủ, các thông tin được công khai minh bạch, một người ngoài chính phủ vẫn có thể được chia sẻ các bí mật về an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
Cũng vào dịp này, Thủ tướng NZ, cô Ardern đã sang thăm Mỹ trong 10 ngày, trong khi Thủ tướng Úc gặp Tổng thống Mỹ tại Nhật. Sau đó hai vị Thủ tướng đã có dịp hội ngộ tại Canbera, và với việc cả hai đảng Lao động ở hai nước cùng giành được chính quyền thì “tình chị em” theo truyền thống của họ sẽ dễ gắn bó với nhau hơn.
Trong “gia đình Thái Bình dương” nếu Úc là “chị cả” thì NZ là “chị hai” và hai liền chị đã và đang hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều cho các đảo quốc Châu Đại dương.
Những động thái của Trung Cộng trong vùng đã làm cho Úc và NZ lo ngại và họ thấy cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ để bảo đảm an ninh, nói cách khác là giữ gìn hòa bình “kiểu Mỹ”.
Tự thấy sự “nhiệt tình” có phần quá lố, Ngoại trưởng Vương Nghị nói thêm rằng Trung Quốc mong muốn giúp các nước Thái bình dương như đã từng giúp các nước Châu Phi và Châu Á khác, nhưng không nói rõ nước nào và trong đó có Việt Nam không?

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Hiện tượng một lần rồi thôi của các cây vợt trẻ nữ

 


Việc cây vợt Ba Lan Swiatek lần thứ hai lên ngôi Grand Slam đã chấm dứt hiện tượng một loạt cây vợt trẻ nữ chỉ một GS rồi biến mất.
Đối với các cây vợt chuyên nghiệp, nam cũng như nữ, cả cuộc đời được một lần lên đỉnh là đã đủ mãn nguyện lắm rồi.
Tuy nhiên, có vài cá nhân xuất chúng như bộ ba Nadal, Federer, Djokovic đã làm điều đó 20 lần hoặc hơn. Trớ trêu, sau khi đoạt cup lần 31 vào 2017, Serena Williams có thêm 4 lần vào chung kết nhưng đều thất bại trong trò chơi đuổi hình bắt bóng.
Từ hồi đó đến nay, quần vợt nữ thiếu "nữ hoàng" khi hầu hết các cây vợt lâm vào tình trạng "một lần rồi thôi".
Đó phải kể đến Stephens, Halep, Wozniacki, Kreicikova. Các cô này vô địch lần đầu khi đã có tuổi, tạm coi không còn nhiều sức bật để tái lập thành tích.
Tuy nhiên Ostapenko, Andreescu, Kenin hay Raducanu lên đỉnh ở tuổi trên dưới 20 mà lặn mất tăm thì thật kỳ lạ. Vì chỉ lóe sáng, họ chỉ đủ vào top ten mà chưa thể chạm vào ngôi vị số một.
Tất nhiên, có hai trường hợp khá đặc biệt là Osaka của Nhật và Barty của Úc đoạt GS khi còn rất trẻ, họ khẳng định tài năng với 4 và 3 GS, đều từng lên ngôi số 1 thế giới trước khi biến mất.
Điều lo lắng sớm nở chóng tàn không xảy ra đối với Swiatek. Cô đã may mắn trớ thành cây vợt số 1 khi Barty đột ngột tuyên bố giải nghệ.
Trong trận chung kết rạng sáng nay Swiatek đã hạ gục một Gauff 18 tuổi để lần thứ hai đoạt GS. Lần GS trước cũng ở Roland Garros cách đây 2 năm khi cô mới 19 tuổi.
Hy vọng Swiatek sẽ giữ được phong độ ổn định dài lâu để lấy thêm nhiều GS nữa.
Đáng chú ý, trong các trận đấu Swiatek thường xuyên đeo chiếc nơ màu cờ Ukraine trên mũ (như trong ảnh dưới) để bày tỏ sự ủng hộ người anh em láng giềng chống quân xâm lược.
Cô cho biết cô đeo chiếc nơ đó để nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến cuộc chiến và những đau khổ mà người Ukraine đang chịu đựng.

Hậu bầu cử: Hậu trường bên thua cuộc

 

Sau thất bại thê thảm, Thủ tướng Morrison từ chức thủ lĩnh đảng tự do, nhường chỗ cho Peter Dutton, phó thủ lĩnh mới là cô Sussan Ley.
Trong khi đó, Frydenberg, phó của Morrison, người từng kỳ vọng lên làm lãnh đạo đảng đã bất ngờ mất ghế dân biểu và tương lai chính trị của ông đang trở thành một dấu hỏi.
Hôm qua, các báo lớn tại Úc đồng loạt đưa tin Frydenberg phát đơn kiện Staindl, một nhà hoạt động môi trường về khoản chi phí pháp lý phát sinh trong một vụ tranh chấp vào năm 2020. Hồi đó Staindl đã khiếu nại Frydenberg không đủ tư cách ngồi trong quốc hội vì ông vi phạm quy định song tịch, cụ thể là có quốc tịch Hungaria qua người mẹ.
Frydenberg đã thắng trong vụ tranh chấp nhưng mất $410,000 chi phí pháp lý và Tòa án cũng ra phán quyết bên nguyên đơn Staindl phải trả lại số tiền này. Tuy nhiên Staindl không thực hiện quyết định của Tòa, và Frydenberg nay chẳng còn gì để mất đã thẳng tay đòi lại số tiền nói trên.
Sự việc này cũng làm mọi người liên tưởng đến những “tin đồn” rằng Dai Le đang còn quốc tịch Việt Nam và do đó cũng không thể trở thành Dân biểu trong quốc hội sẽ nhóm họp phiên đầu vào tháng tới. Hy vọng sự việc không đi xa hơn đến việc kiện tụng để mọi người phải chờ phán quyết của Tòa án thì người Việt mới có một đân biểu liên bang đầu tiên trong lịch sử.
Trở lại với tân lãnh tụ Dutton, người đã trở nên nổi tiếng sau vụ ồn ào cách đây 4 năm dẫn đến việc Turnbull phải từ chức và Morrison lên ngôi.
Làm sao một Bộ trưởng lúc đó 48 tuổi đã dám thách thức quyền lãnh đạo của Thủ tướng 64 tuổi? Bởi vì Dutton có sự chống lưng của cựu thủ tướng Abbott, người cùng phe bảo thủ trong đảng.
Biết đây là một âm mưu đã được dàn xếp và không thể trụ được, Turnbull buộc phải chấp nhận ra đi, nhường chỗ cho cuộc đấu phiếu giữa ba ứng cử viên Dutton, Bishop – nữ phó lãnh đạo và một nhân tố mới Morrison, người cùng thế hệ với Dutton. Sau 2 vòng bỏ phiếu, Morrison đã vượt trên Dutton một cách mong manh.
Dutton sinh năm 1970, người Queensland, có phong cách bộc trực kiểu Donald Trump, khá hiếu chiến và không ngần ngại công khai đả kích Trung Quốc.
Với cá nhân, Dutton là người ký vào Giấy chứng nhận quốc tịch của mình với tư cách là Bộ trưởng Di trú.
Tân phó thủ lãnh đảng Sussan Ley, sinh năm 1961 là một trong những chính khách cao niên trong đảng. Sussan sinh ở Nigeria, năm 1 tuổi sang sinh sống tại UAE, rồi sang học tại Anh quốc trước khi di dân sang Úc.
Năm 2017, Susan Ley liên quan đến một vụ bê bối về chi phí sinh hoạt nên đã ra khỏi hàng ghế trước và nay thì cô trở lại với một chức vụ cao hơn.
Về phía đảng quốc gia, đảng liên minh với Tự do cũng đã bầu cử tân lãnh tụ và phó lãnh tụ mới.
Tuy nhiên khi công bố thành phần Nội các mới, thủ tướng Albanese cho rằng bộ sậu này nguyện sẽ “hy sinh” cho tổ quốc ít nhất hai nhiệm kỳ. Xem ra bên thua cuộc sẽ phải chờ đợi hơi lâu.

Trao đổi: Vượt lên chính mình



Trên đời có biết bao tấm gương thành công về cả về danh vọng lẫn tiền tài. Bạn và tôi rất muốn bằng và hơn họ, nhưng cái này khó à nha.
Ông trời cho mỗi người một hoàn cảnh và khả năng, không ai có thể làm những gì quá sức mình. Hà Lội không nên cố gắng vượt qua Paris hay Hongkong, hãy làm sao trở thành Hà Nội là đủ tốt rồi.
Nhưng tại sao lại cứ phải chiến thắng bản thân làm gì cho mệt, hòa hay thua có được không? Cũng được, nhưng nếu khi bạn đi định cư ở nước ngoài thì đó là hoàn cảnh bắt buộc phải có “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Nhiều bạn của mình rất băn khoăn chuyện đi hay ở, mình chỉ khuyên ngắn gọn: nếu quý bạn có thể tự thay đổi bản thân thì nên đi, bằng không thì thôi. Một cái cây bị bứng tận gốc để trồng ở vùng đất mới, nếu nó không chịu thích nghi với thổ nhưỡng không như cũ, nó sẽ chết.
Quý bạn có tay nghề vững vàng nhưng quê hương mới lại có những tiêu chuẩn, yêu cầu khác, bạn vẫn cần phải tiếp tục trau dồi thì mới kiếm được việc làm. Cuộc sống bên trời tây cũng là nhà, là xe, đồ ăn không khác nhau nhiều bề ngoài nhưng về bản chất là một thái cực mới hoàn toàn.
Với nguồn gốc chân đất mắt toét, mình bị thiếu hụt rất nhiều kiến thức về pháp lý, thuế khóa, bảo hiểm, tài chính, chứng khoán, an sinh xã hội,v.v...Có bao nhiêu loại bảo hiểm? Vài chục loại, bạn phải hiểu hết để sống một cuộc sống văn minh hiện đại.
Hầu hết quan niệm bị đảo lộn, những điều bạn tôn thờ sẽ trở nên rác rưởi, ngược lại, cái bạn từng không quan tâm mới đáng quý. Cái khó nhất không phải là kiến thức hay kỹ năng mà là cái suy nghĩ trong đầu bạn.
Trong gia đình, ở Việt Nam quan niệm đàn ông là trụ cột với ý nghĩa bạn là người kiếm tiền chủ yếu, nhưng bên Úc, phụ nữ kiếm việc làm dễ hơn. Vậy bạn có chấp nhận ở nhà trông con cho vợ ra ngoài xã hội?
99% phụ huynh Việt muốn con cái phấn đấu học hành, nhưng với quan niệm thực dụng bên này, ai có khả năng lĩnh vực nào thì theo đuổi lĩnh vực đó. Bạn có biết bạn đang hành hạ con mình chỉ vì năng lực học tập của nó hạn chế mà bạn lại kỳ vọng quá cao. Nếu biết, bạn có dám bắt chước Tây khỏi cần quá coi trọng học hành, mặc dù một thiểu số tụi Tây vẫn học cực kỳ giỏi.
Mới nói sơ hai ví dụ đã thấy quá khó rồi phải không? Nhưng đừng lo, bạn không cần thay đổi ngay lập tức mà có 3-5 năm để quen dần và cũng không cần phải thay đổi tất cả quan niệm. Tuy nhiên bạn sẽ mãi mãi “ngu lâu” nếu không biết cách thích nghi.
Thực ra để thay đổi cái suy nghĩ không hẳn quá khó, nếu bạn muốn tiến bộ. Mọi sự thay đổi bắt nguồn từ hành vi và khi thói quen hằng ngày không còn như trước thì đồng nghĩa rằng bạn đã trở thành một con người mới vì lúc đó tư duy của bạn đã khác.
Bạn đã trở thành một công dân toàn cầu, một con người mạnh mẽ dũng cảm, hạnh phúc viêm mãn ở một nơi đáng sống!

Mùa giải Covid điên rồ 2021-2022 của Ngoại hạng Anh


Mọi người có thể thở phào nhẹ nhõm khi mùa giải 2021 – 2022 đã qua đi một cách suôn sẻ, nói theo ngôn ngữ trong nước là giải đã "thắng lợi hoàn toàn.".
Kết quả, Man city lên ngôi vô địch sau cuộc đua đầy hào hứng với Liverpool khi chỉ hơn đối thủ 1 điểm 93 so với 92, trong khi đội đứng thứ ba là Chelsea chỉ được 74 điểm.
Liverpool có thể ngậm ngùi với hai chiếc cup quốc nội là League cup và FA cup, và còn có cơ hội trông chờ vào trận chung kết Champion League với Real Madrid vào đêm nay thứ bẩy.
Cuộc đua song mã gay cấn đến phút cuối theo đúng nghĩa đen của nó khi Man city ghi bàn quyết định vào phút 85, ấn định tỉ số 3-2 sau khi bị dẫn trước 0-2, vừa đủ cho chức vô địch Premier League lần thứ tư trong vòng 5 năm.
Thật ra, vào đầu mùa giải, Chelsea mới là đội vượt lên dẫn đầu, đến khi Liverpool rồi Man city leo lên tạo ra cuộc chiến tam hùng. Sang giai đoạn 2, Chelsea gặp vấn đề lình sình liên quan đến đổi chủ nên đột ngột tụt xuống, chỉ còn bộ đôi áo đỏ áo xanh giống như những gì đã xảy ra trong 5 năm vừa qua.
Chelsea bằng lòng với vị trí thứ ba, trong khi suất top 4 còn lại thuộc về Tottenham, thay vì Man utd như mấy mùa trước. Điều làm nên khác biệt của Gà trống với Quỷ đỏ có thể coi là vai trò của HLV Conte trước HLV Rangnick.
Rõ ràng đội hình của Tottenham không thể bằng được lực lượng hùng hậu của Man utd nhưng các cầu thủ Tottenham đã thi đấu tập trung hơn. Man utd chỉ được 58 điểm, số điểm thấp kỷ lục kể từ khi Premier League ra đời, rớt xuống thứ 6.
Arsenal có lúc đã tưởng vào được top 4 nhưng một “đặc sản” vốn có là thiếu ổn định là cái làm đội vuột mất cơ hội, đành về đích thứ 5. Điều thú vị, thứ hạng 5 đội dẫn đầu xếp theo thứ tự tổng số bàn thắng ghi được. Nhớ lại quá khứ huy hoàng, Arsenal rất dễ bị thủng lưới nhưng họ luôn là đội ghi nhiều bàn thắng nhất hoặc nhì trong giải, như thế, ghi ít bàn thắng hơn người ta, Pháo thủ không có gì phải nuối tiếc.
Tiếp theo Westham của Moyes có nhiều cố gắng, xếp hạng 7, đủ điều kiện để tham dự Conference League cup, một giải mới của Châu Âu.
Một hiện tượng của vòng 2 của giải là Newcatstle, từ vị trí cầm đèn đỏ đã vươn lên hạng 11. Nếu tính thành tích của riêng lượt về thì Newcatstle còn tốt hơn cả Chelsea. Đáng chú ý, đội bóng đen trắng thắng hai trận cuối một cách tàn nhẫn, trên thực tế, đã trực tiếp vùi dập cơ hội vào top 4 của Arsenal và đẩy Burney xuống hạng.
Về cá nhân, Salah năm ngoái chia sẻ ngôi vua phá lưới với Kane với 22 bàn, năm nay ghi được 23 bàn thì vẫn phải đồng hạng nhất với Son, một đồng đội khác trong Tottenham. Đây là cầu thủ châu Á đầu tiên đạt vinh dự này và cũng có thể coi Son là cầu thủ Châu Á xuất sắc nhất thi đấu tại Châu Âu kể từ trước đến nay.
Cầu thủ xuất sắc nhất là tiền vệ của đội vô địch Man city De Bruyne. Đây là lần thứ hai anh dành danh hiệu này để sánh ngang thành tích với các huyền thoại như Henry, Ronaldo và Vidic.
Mùa giải 2021 – 2022 đã khép lại một cách điên rồ, nó bắt đầu muộn hơn thường lệ và cũng kết thúc muộn hơn và hàng loạt trận đấu bị đình hoãn vì lý do Covid. Mùa giải tới, lịch thi đấu sẽ còn đảo lộn kinh khủng khi lần đầu tiên trong lịch sử World cup sẽ chơi vào giữa tháng 11 đến giữa tháng 12.
Bản đồ big six nhiều khả năng sẽ biến động trong bối cảnh Chelsea mất Abramovich và Newcatstle có hoàng gia Saudi, một chủ nhân giàu có nhất trong số các đội bóng châu Âu. Với dòng tiền ồ ạt, chắc chắn Chích chòe sẽ thay da đổi thịt, trở thành một thế lực mới đầy tham vọng.
Mặc dù thành tích yếu kém, Arsenal và Man utd vẫn là hai đội bóng ăn khách nhất. Sân Arsenal luôn đầy ắp khán giả, chiếm tỉ lệ kín sân cao nhất, còn về số tuyệt đối, chỉ kém Man utd do đội này có sân lớn hơn. Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, xem ra fan của hai đội sẽ còn tiếp tục buồn...

Thử lý giải về kết quả bầu cử nước Úc

 

Cho đến chiều hôm nay, với 75% số phiếu được kiểm vẫn còn 5 ghế trong cuộc bầu cử quốc hội Úc chưa được xác định. Đảng Lao động được coi là thắng cử mới được 75 ghế, thiếu 1 ghế nữa mới đủ quá bán. Liên đảng thua cử khi mới nắm chắc 57 ghế.
Các dân biểu độc lập được 10 ghế, đảng Xanh được 2 ghế, mặc dù phiếu phổ thông, đảng Xanh thu được gấp đôi số với các ứng viên độc lập. Sở dĩ có chuyện như vậy vì các Ứng viên độc lập được các đảng “nhường phiếu” nhiều hơn so với đảng Xanh.
Các đơn vị “too close to call” tức là kết quả quá sít sao cho việc công bố bao gồm Brisbane, Deakin, Gilmore, Macnamara và Ryan, theo đó Liên đảng có ưu thế ở 3 đơn vị, 2 đơn vị còn lại phe Lao động đang dẫn. Nếu xu hướng này được giữ nguyên thì Lao động sẽ đạt 77 ghế, cộng với 2 ghế đảng Xanh như đã hứa, thừa đủ đa số mà không cần ve vãn các Dân biểu độc lập.
Đây là một thảm bại đối với Liên đảng cầm quyền Tự do Quốc gia. Thử lý giải về nguyên nhân này như sau:
Trước hết, Liên đảng theo hữu khuynh nghĩa là chú trọng phát triển kinh tế và thường được coi là có nhiều thành tích về kinh tế hơn. Tuy nhiên, số liệu lạm phát tăng vọt đã làm cho Thủ tướng Morrison khó ăn khó nói.
Một điều bất thường đã xảy ra khi Ngân hàng dự trữ RBA đã phải can thiệp để tăng lãi suất ngay trong thời gian tranh cử. Lần cuối xảy ra điều này vào năm 2007 cũng là kỳ làm chính phủ Howard đương nhiệm thất cử.
Chính vấn đề lạm phát đã làm cho chủ đề “cost of living” của Lao động trở nên có lý và “ăn khách”.
Thứ hai, “Quả bom Solomon” phát nổ cũng đúng vào giai đoạn gay cấn nhất. Mọi người đều biết từ lâu Tàu cộng đã có âm mưu nhúng mũi vào “gia đình Thái bình dương” nhưng chúng đã chọn thời điểm này để công bố Hiệp ước an ninh với Solomon với mục đích phá hủy uy tín của ScoMo.
Phe Albo đã được thể coi đây là thảm họa về chính sách đối ngoại của Liên đảng.
Thứ ba, Cháy, Lụt và Covid đều mang lại những bất lợi cho Chính phủ ScoMo. Nâng quan điểm, phe đối lập cho rằng Liên đảng đã thất bại trong vấn đề bảo vệ môi trường!
Phải nói làm Thủ tướng trong một giai đoạn khó khăn, ScoMo đã bạc cả tóc những vẫn không tránh khỏi những lời thị phi. Mọi người cho rằng Chính phủ đã chưa làm tốt để cháy rừng kéo dài những 6 tháng, từ cuối 2019 đến đầu 2020; hết cháy thì đến Covid, Úc bị coi là nước tiêm vaccine chậm và các biện pháp nghiêm ngặt kéo dài quá mức cần thiết; rồi chính phủ cũng bị đổ lỗi khi chậm trễ trong việc cứu lũ.
Không biết liệu sẽ có một Đại dịch tập 2 hay không nhưng theo truyền thống, Lao động theo Tả khuynh thường chú trọng đến các vấn đề xã hội và môi trường hơn.
Thứ tư, yếu tố thời thế. Liên đảng đã cầm quyền hơn 9 năm, thời gian được coi là “đủ” và đến lúc phải thay đổi. Hình như Albo là người nhìn thấy trước điều đó bằng cách đã ẩn mình khi Liên đảng còn “vượng”. Nhớ lại cách đây 9 năm, với tư cách phó lãnh tụ đảng vào lúc Rudd nghỉ hưu, Albo “có cửa” để lên làm lãnh đạo nhưng không hiểu sao, ông lại “nhường” cho Shorten. Shorten thua liền hai kỳ bầu cử 2016 và 2019 nên phải từ chức và ngôi vị trở lại với Albanese.
Phải nói rằng trong thời gian tranh cử, đảng Lao động và cá nhân Albo vẫn có những sai sót nhưng nó không đủ lớn để làm hỏng cơ hội trời cho.
Tại đơn vị Fowler, khu vực có đông người Việt nhất tại Úc, đảng Lao động đã có sai lầm khi để cô KK (Kristina Kenally) ra tranh cử và đã để mất chiếc ghế rất an toàn này.
Năm ngoái, Dân biểu đơn vị này, ông Hayes cho hay sẽ nghỉ hưu và không ra tái cử, đồng thời giới thiệu Tú Lê, một nữ Luật sư trẻ người Việt kế nhiệm. Nhưng không phải Tú Lê mà ứng viên của đảng Lao động lại là Kenally.
Có thể hiểu điều này là Hayes bất mãn với cách điều động của đảng nên đã tung tin để cử cá nhân ra công chúng, điều này rõ ràng đã làm ứng viên Kenally mất phiếu. Nhận thấy cơ hội, cô Đài Lê, một gương mặt sáng giá trong cộng đồng người Việt, hiện là Phó thị trưởng thành phố Fairfield đã ra tranh cử và đã giành thắng lợi ngoạn mục.
Cũng không sao, đảng Lao động thất bại ở một đơn vị nhưng đã thắng lợi trong toàn cục. Có tin Jayson Claire, người có vợ Việt sẽ đảm nhận chức Tổng trưởng Nội vụ, một siêu bộ với quyền hạn rộng lớn trong đó có Di trú và An ninh quốc gia.