Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

THÁI BÌNH DƯƠNG KHÔNG CÒN THÁI BÌNH


Nhận định thế này có vội vàng không: Vùng Đông Bắc Á bỗng trở nên an toàn vì triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên; ở phía Nam, biển Đông cũng đã yên bề với hòa bình kiểu Tàu. Nhưng Thái Bình dương rất rộng lớn, sau khi bình định xong biển Đông, Trung Quốc bắt đầu vươn xa với tham vọng lớn lao trên Đại dương lớn nhất hành tinh.

Tin tức cho hay, Trung Quốc dự kiến xây dựng căn cứ quân sự tại đảo quốc Vanuatu. Khoảng cách giữa thủ đô Port Vila của Vuanuatu đến Brisbane chỉ có hơn 2 giờ bay, chỉ bằng non nửa thời gian bay đi Perth. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền an ninh quốc phòng của Úc. Bởi vậy, giới chức chính phủ Úc cũng như New Zealand đã kịch liệt phản đối ý định này, trong khi đó chính phủ Trung Quốc và Vanuatu chỉ bác bỏ một cách yếu ớt.

Nhớ lại trước đây có anh bạn Việt kiều Pháp còn độc thân nói với mình rằng, công việc của anh rất căng thẳng nên mỗi năm anh phải kiếm một hòn đảo ở Thái Bình dường để "nằm" hai tháng. Mỗi lần lênh đênh như vậy, anh tắt hết thiết bị điện tử để khỏi liên lạc với thế giới. Những câu chuyện của anh kể về những hòn đảo làm mình rất tò mò thích thú. Nó càng mê hoặc hơn khi chưa một lần mình được đặt chân đến các đảo quốc lạ lẫm này.

Có bao nhiêu nước trong khu vực Thái Bình dương ? Muốn trả lời câu hỏi này thì phải định nghĩa thế nào là "nước". Nếu phải là thành viên Liên hiệp quốc (UN) mới gọi coi là quốc gia thì quả là điều ngớ ngẩn vì UN là một tổ chức yếu đuối và kém hiệu lực như phê phán của nhiều người.

Dân số 24 quốc gia độc lập và vùng tự trị ở Thái Bình dương vào khoảng 40 triệu người, trong đó riêng Úc đã là gần 25 triệu. Các xứ đông dân nhất tiếp theo có thể kể đến New Zealand, Papua Newguinea, Fiji, Solomon, New Caledonia (tức Tân Thế giới) và Vanuatu (tức Tân Đảo). 

Về mặt chủng tộc, người Thái Bình dương được coi là người da nâu. Theo một giả thiết, nguồn gốc loài người từ châu Phi, khoảng 100.000 năm trở về trước di cư sang phía Tây trở thành người châu Âu da trắng, di chuyển sang phía Đông là người châu Á da vàng. Một nghiên cứu mới nhất còn cho hay, cái nôi của nền văn minh phía Đông nằm ở...đáy biển Đông ngày nay, nơi mà 8000 năm trở về trước vẫn còn là đất liền. Xưa kia, Úc và một loạt đảo quốc Thái Bình dương còn dính với đất liền của lục địa Á Âu. Trong khoảng từ 8000 năm cho đến 100000 trở về trước, trái đất trải qua 5 đợt đại hồng thủy, đã nhấn chìm một loạt vùng đất và những nền văn minh bị đánh mất.

Khi mực nước biển còn thấp, đất còn liền nên người da nâu và da vàng dễ dàng qua lại với nhau. Khi đại hồng thủy xảy ra, một số người da nâu không kịp chạy về "quê hương" và ở lưu lạc ở lại những vùng núi cao thuộc Đông Á ngày nay, như vùng Tây Nguyên của Vietnam. Những người thiểu số như Bana, E đê... được coi là có huyết thống và ngôn ngữ gần gũi với người châu Đại dương.

Tuy vậy, người dân Thái Bình dương cũng không hoàn toàn là người da nâu. Tại đảo quốc Fiji, non nửa dân số gốc Ấn Độ, những người di cư từ cuối thế kỷ 19. Ông Chauhdry, một người gốc Ấn đã từng làm Thủ tướng và nay vẫn còn là một chính khách có ảnh hưởng tại đảo quốc.

Đương nhiên, Úc và New Zealand là những quốc gia có đa số dân là người da trắng. Trong khi đó, Papua Newguinea có dân số khá đông trong vùng (trên 8 triệu), giáp biên giới với Indonesia, từng là xứ bảo hộ của Úc nhưng lại là một quốc gia rất biệt lập. Khác với những nước khác trong vùng, có thể coi là những "quốc gia biển" vì cuộc sống gắn lển với đảo và bờ biển thì đa số người Papua Newguinea sống trên núi cao và trong rừng rậm. Địa hình hiểm trở làm cho ngay cả bản thân họ cũng cách biệt nhau và đây là một trong những quốc gia có nhiều ngôn ngữ nhất thế giới. 

Nếu có một ngày, mình được "lang thang" ở các đảo quốc Thái bình dương thì ưu tiên của mình sẽ là các đảo quốc Tân Thế giới và Tân Đảo. Tương tự như người Anh đưa người Ấn sang Fiji, người Pháp đã đưa người Việt sang New Caledonia và Vanuatu (tên cũ New Hebrides) từ hơn một trăm năm nay.

Cách đây mấy năm, vợ chồng mình được gặp và hỏi chuyện một chị người New Caledonia sang Úc chơi. Bên đó có khoảng 3000 người Việt, tính cả người lai thì khoảng 6000 người, chiếm 3% dân số của đảo quốc là cộng đồng người Việt lâu đời và đông nhất ở khu vực Thái Bình dương. Người Việt ở đây vẫn còn nói tiếng Việt, ăn đồ ăn Việt nhưng không có thói quen nghe nhạc Việt. Có lẽ vì thế hệ người Việt đầu tiên định cư ở đây vào thời gian tân nhạc Việt Nam chưa phát triển.

Vauatu từng được coi là một mảnh đất trù phú với dân số lên đến 1 triệu người vào thế kỷ 19. Tuy nhiên dịch bệnh đã làm gần như tuyệt chủng cư dân ở đây (trong đó có một phần người Việt đi làm đồn điền), vào thập kỷ 1940x thì dân số chỉ còn khoảng 45.000 trước khi tăng lên 200.000 người như ngày nay.

Do sự xa cách về địa lý và địa hình hiểm trở, các đảo quốc Thái Bình dương và Papua New Guinea bao lâu nay đều thiếu vắng giao lưu, mở mang học hỏi từ thế giới bên ngoài. Hậu quả tất yếu nghèo nàn, lạc hậu, nhưng đối với nhiều người, cuộc sống nơi đây vẫn được coi là hạnh phúc. Các du khách kể chuyện là người dân xứ biển hết sức hồn nhiên vui vẻ, không biết bon chen.

Vì sự yếu kém về kinh tế, một nguồn sống quan trọng của các nước và vùng lãnh thổ Châu Đại dương là viện trợ từ nước ngoài. Đến nay nhiều vùng lãnh thổ ở Châu Đại dương chưa nhận trao trả độc lập từ Anh, Pháp, Mỹ, Úc và New Zealand. Dưới lăng kính của Trung Quốc, một cường quốc đang trỗi dậy, những hòn đảo ở Thái Bình dương có ý nghĩa quan trọng về quân sự. Nếu quốc gia và vùng lãnh thổ ở đây cần sự giúp đỡ về tài chính thì đó cũng là điều nước Tàu luôn sẵn sàng. Bởi vậy, Thái Bình dương sẽ không còn phẳng lặng.

Ảnh: Một cảnh trên đảo