Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

Tìm cách cứu lấy hồ nước màu hồng ở Tây Úc

Hồ nước màu hồng, Pink Lake ở Tây Úc từng là điểm đến ưu thích của du khách, thì nay đã gây cho nhiều người thất vọng ê chề bởi nước hồ không còn màu hồng nữa.
Màu hồng là màu tự nhiên của nước hồ, nó vẫn giữ nguyên màu khi được đưa ra khỏi hồ vì được tạo thành từ một tảo có tên là duinella salina. Loài tảo này tạo ra chất beta carotene là sắc tố màu hồng nổi bật.
Hồ màu hồng là một đặc sản của nước Úc vì trải từ Tây Úc, Nam Úc và Victoria có cả thảy trên mười hồ có nước màu hồng. Oái oăm thay, chính cái hồ lớn nhất, nổi tiếng nhất và có tên gọi thuần “Pink Lake” thì lại ngày càng trở nên nhạt nhòa.
Pink Lake có chiều dài 4km, rộng 2km, diện tích mặt nước khoảng 990ha, nằm cách thủ phủ Perth của Tây Úc trên 700km về phía Đông Nam. Du khách được hấp dẫn không chỉ vì màu nước độc đáo mà còn vì khu vực là nơi có rất nhiều loài chim của địa phương và chim di trú tìm đến.
Cô Mary Noonan, nhân viên khu du lịch Pink Lake cho hay, nhiều du khách đường xa tới đây đã giận dỗi khi nhìn màu sắc không như họ tưởng. Có ý kiến yêu cầu hồ trở về tên gọi cũ trước năm 1966 là Lake Spencer.
Các nhà khoa học nhận định rằng, loài tảo duinella salina vẫn còn nhiều, có điều nó không tạo sắc tố hồng nữa. Tiến sĩ Tilo Massenbaeur, thuộc Đại học Queensland giải thích: “Nguyên nhân có thể do lượng muối trong hồ đã giảm thấp, không đủ để sản sinh ra beta carotene. Trước đây, độ mặn của hồ tương đương với biển chết (Death Sea), có thể dùng để sản xuất muối thì nay không còn như thế nữa”.
Lý do độ mặn bị giảm là những hoạt động xây dựng đường sá, xe lửa đã lấp đi nguồn nước chảy vào hồ, làm hồ gần như bị cô lập. Tiến sĩ Massenbaeur đang tính toán xem lượng muối bao nhiêu thì đủ và làm thế nào để tăng độ mặc của hồ.
Trong khi đó, nhà môi trường học Steven Butler cho hay, phải phục hồi dòng chảy tự nhiên của hồ và việc này sẽ mất một số năm.

Não của người Việt Nam vẫn còn để ở nước ngoài ?

Trong buổi điều trần tại Quốc hội, cựu thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng người Việt Nam vẫn còn sử dụng mạng xã hội của nước ngoài nhiều quá, ví như việc não người Việt vẫn còn để ở nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Hùng, hiện nay có khoảng 90 triệu người dùng Việt Nam sử dụng các mạng xã hội nước ngoài. Tuy nhiên ông không cho biết đó là mạng facebook hay mạng nào khác, của những nước nào và số liệu này có tính cả người Việt ở hải ngoại hay không ?
Cũng theo Bộ trưởng, hiện có khá nhiều cơ hội để người Việt Nam phát triển các mạng xã hội Việt Nam. Ví dụ các mạng xã hội theo cách tiếp cận mới (theo triết lý mới như ông từng nói trước đây), tiếp cận flat-form, tức là mạng xã hội chia sẻ lợi ích cho người tham gia, chứ không phải nhà mạng thu hết như Facebook hiện nay.
Bên cạnh đó, thuật toán phát triển mạng xã hội cũng mở ra cho tất cả người tham gia quyết định; và thứ ba là mạng xã hội Việt Nam cung cấp là bộ lọc để dọn rác trên mạng. 
Theo số liệu của Bộ Thông tin truyền thông, hiện người dùng mạng xã hội Việt Nam tăng tưởng rất nhanh, đến nay đã đạt con số 65 triệu.
"Với tốc độ tăng trưởng thế này thì 2020, chậm nhất 2021 là đạt được câu chuyện 50 - 50 (số người dùng mạng xã hội Việt Nam bằng với mạng xã hội nước ngoài)", ông Hùng khẳng định. Làm được điều này là sẽ đạt được cái ông gọi là “não người Việt phân tán đều”.
Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Singapore cho rằng: “Tôi không tin là Việt Nam có khả năng phát triển các nền tảng truyền thông xã hội khả thi để có thể cạnh tranh được với các tay chơi toàn cầu như facebook hay google”.
Internet là một khái niệm toàn cầu nên rất khó có thể “khoanh” vùng miền như các vật thể hữu hình được. Vì vậy, một ông tướng khác, ông Nguyễn Trọng Việt, Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng từng bị chê cười khi ông muốn kéo đám mây ”phê tê bốc” về Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã cấp phép cho khoảng 300 mạng xã hội nội địa, như vậy là khá lớn về danh nghĩa, nhưng sự hoạt động thực sự bị coi là rất hạn chế. Không phủ nhận là các mạng xã hội của Trung Quốc đang phát triển rộng rãi, nhưng dân số của nước láng giềng này đông hơn Việt Nam rất nhiều.
Có ý kiến cho rằng Bộ trưởng Hùng hô hào như vậy trước diễn đàn Quốc hội có mục đích xin thêm ngân sách cho lĩnh vực viễn thông mà mình phụ trách. Tuy nhiên, sau khi có nguồn lực tài chính rồi thì sẽ làm ra sao lại là chuyện hạ hồi phân giải.

Vài điểm nhấn sau khúc dạo đầu Giải Ngoại hạng Anh

Vào lúc các đội bóng của các quốc gia châu Âu đang tiếp tục tìm kiếm để hoàn chỉnh đội hình cho mùa bóng mới thì tại Anh, việc chuyển nhượng cầu thủ đã chấm dứt để các đội tập trung vào Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
1.       Nhóm Big 6 đã thể hiện được sức mạnh vượt trội.
Năm trên tổng số sáu đội đã giành phần thắng, do có một trận hai đội thuộc nhóm đại gia đụng độ nhau nên không thể cả hai cùng thắng. Chelsea là đội thua duy nhất trong lục đại gia, nhưng không đến nỗi hổ hổ thẹn vì họ đã chơi hay, chủ yếu vì quá đen đủi mà thôi. Nếu hai tình huống một lần đập xà, một lần cột dọc không cứu nguy cho Manchester United thì tình thế sẽ khác, vì đó là hai pha bóng hoặc là mở tỉ số, hoặc là gỡ hòa. Hiệp 1 chơi hay hơn mà vẫn bị dẫn bàn nên sang Hiệp 2, đội hình trẻ của HLV Lampard có phần nhụt chí và để lọt lưới thêm ba bàn nữa. Thua đội mạnh trên sân khách thì không đến nỗi quá tệ, ít nhất đã cho thấy Chelsea dám chơi ăn miếng trả miếng chứ không phòng thủ để xin thua ít.
Các trận thắng của các đại gia đều khá giòn giã, chỉ trận 1-0 của Arsenal trước “chích chòe” Newcastle là sít sao, nhưng nó rất quan trọng. Giải năm ngoái, Manchester United và Arsenal khởi đầu tệ hại nên sau này không ngóc đầu lên được, chịu bật ra khỏi top 4.
2.       Chưa xuất hiện nhân tố mới.
Trong ba đội lên hạng, hai đội đụng ngay đại gia ở vòng đầu nên đã thất thủ nặng nề. “Vàng oanh” Norwich thua Liverpool 1-4, trong khi Aston Villa thua Tottenham 1-3. Aston Villa là một đội vang bóng một thời, từng nhiều lần vô địch nước Anh. Trở lại Giải ngoại hạng, Aston Villa là đội chi bạo nhất, trên 100 triệu bảng với 10 ngôi sao ở cả ba tuyến.
Một lính mới khác, Sheffield Utd kiếm được trận hòa 1-1 trước một đội đã từng thoát nạn xuống hạng mùa trước là Bournemouth.
Các đội có tham vọng dự cup Europa như Everton, Volves hay Leicester đều chỉ kiếm được những trận hòa nhạt nhòa.
3.       Các ngôi sao lớn đều đã nổ súng, trong đó có 2 trong ba người đồng giải Vua phá lưới năm ngoái là Saleh (Liverpool) và Aubameyang (Arsenal). Người ghi bàn nhiều nhất là Steeling (Manchester city) với một hattrick, mang là chiến thắng 5 sao cho đội đương kim vô địch. Trong khi đó, Kane của Tottenham lập cú đúp, đánh dấu sự trở lại của Thủ quân đội tuyển Anh sau một thời gian bị chấn thương.
Một số cầu thủ lỡ hẹn với vòng đấu đầu tiên vì chấn thương, có thể kể đến Lacazette (Arsenal), Mane (Liverpool) trong khi Zaha (Crystal Palace), lành lặn thể xác lại có thể coi bị tổn thương về tâm lý khi không được chuyển sang những đội bóng mà anh mong ước, chỉ vào sân từ băng ghế dự bị.
4.       Cuối tuần này, vòng 2 của Giải sẽ được tiếp tục. Đáng chú ý nhất là cuộc đụng độ Manchester city với Tottenham và đây cũng là cơ hội để Man city phục thù trận thua ở giải Champion League tháng 4 vừa qua.
Nhưng người hâm mộ không cần chờ lâu như vậy, ngay đêm nay, cuộc thư hùng trong khuôn khổ tranh siêu cup châu Âu sẽ diễn ra giữa Chelsea và Liverpool. Đây là hai đội gần như “nằm im” trong mùa hè chuyển nhượng, nhưng điều đó không đáng lo ngại vì đội hình của họ đã quá mạnh rồi. Theo giới cá độ, Saleh và đồng đội Liverpool đang được đánh giá cao hơn.
Như vậy, chỉ trong 3 ngày, HLV mới, cựu danh thủ Lampard phải gồng mình trước hai thử thách cực lớn, trận trước đã trắng tay bởi Manchester Utd, còn lần này chưa biết có thoát khỏi tủi nhục không?

Một vụ án lịch sử có nhiều uẩn khúc

Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, có những cái chết và nhưng vụ án để lại vô số những câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp. Một trong những nghi án lớn nhất trong lịch sử, xảy ra vào năm 1825, năm Minh Mạng thứ sáu. Theo đó, hoàng phi Tống Thị Quyên vợ góa của Thái tử Cảnh bị quy kết có hoang thai loạn luân với con trai là Hoàng Tôn Đán, bị khép vào tội chết, trong khi Hoàng Tôn Đán bị giáng xuống làm thứ dân.
Minh Mệnh nói, tội của Đán đáng chết, nhưng ta với anh ta tình nghĩa rất thâm nên tha cho hắn. Khi mẹ ruột là bà Thuận Thiên vẫn còn sống, hoàng tử Đán đã nhận bà Thừa Thiên, mẹ đẻ của Cảnh làm mẹ nuôi và về ở với bà.
Sử cũng chép rằng, trong thời gian bị giam chờ ngày hành hình thì Hoàng phi được đối xử tử tế, ăn ngon và chỗ ở đàng hoàng. Chiếu lệnh của vua Minh Mạng chỉ dựa theo một chứng cớ khá “vu vơ” là một cung nữ nhìn thấy đôi dép của Tống Thị trong phòng ngủ của Đán.
Tuy nhiên, nguồn tin khác lại cho rằng, tác giả của bào thai chính là...Vua, bởi nếu không thì ai dám "hỗn" với bà Hoàng phi đức hạnh khả phong, chị dâu của đương kim hoàng thượng? Nhưng điều này lại đặt ra câu hỏi, nguyên cớ nào mà Minh Mạng lại dan díu với chị dâu hơn mình cả chục tuổi và đã qua xuân thì từ lâu? Người ta cho rằng, mối tình…dục Minh Mạng – Tống Thị có thể diễn ra từ khi Thái tử qua đời và trước khi Minh Mạng lên ngôi.
Như mọi người đã biết, Hoàng tử Cảnh là hoàng tử châu Á đầu tiên du học tại phương Tây. Về nước, ông đã sát cánh cùng Vua cha chiến đấu vào sinh ra tử, thu phục giang sơn. Ông là người tính tình nhân từ nên được tướng sĩ yêu mến. Đáng tiếc, Hoàng tử Cảnh bị bệnh mất sớm để lại 2 người con trai, trong đó Mỹ Đường , tức Đán là con lớn, còn Mỹ Thùy cũng bị bệnh mất sớm vào sau này.
Theo tiền lệ đã có vào thời Chu Thái tổ, cũng như Lê Hiển tông, Thái tử qua đời trước vua thì con trai lớn sẽ được thừa kế, nhất là khi Đán đã khôn lớn và chỉ kém chú 6 tuổi. Tuy nhiên, vua Gia Long lại yêu mến hoàng tử thứ tư tên Đảm, một người thông minh, tính cách mạnh mẽ, chính là Minh Mạng sau này.
Hoàng tử Đảm đến với hoàng phi Tống thị có thể cắt nghĩa rằng, ngoại việc bà chị dâu nhan sắc lồng lộng lại góa chồng sơn còn phán ánh tham vọng của Đảm. Có lẽ thông qua Tống thị, ông muốn biết nội tình phe ủng hộ Hoàng tôn ra sao để tìm cách đối phó. Mặt khác, trong trường hợp ngai vàng rơi vào tay Đán thì với việc thân thiết với Thái hậu tương lai, Đảm vẫn hy vọng có phần trong việc phân chia quyền bính.
Rõ ràng vua đầu Nhà Nguyễn Gia Long cũng tỏ ra do dự trong chọn lựa, ông đã để trống ngôi vị Thái tử trong 15 năm và chỉ quyết định khi đã quá già yếu và lú lẫn. Có thể nói đây là một quyết định hết sức sai lầm. Từng được hấp thụ nền giáo dục phương Tây như cha mình, có thể đoán chắc rằng hoàng tôn Đán sẽ theo đuổi chính sách cải cách và cởi mở, giống như những chính sách tại Nhật bản trong cùng khoảng thời gian đó, đã đưa nước Nhật trở thành một cường quốc văn minh.
Dường như hoàng tôn Đán không bỏ cuộc và âm thầm tìm cách lật đổ Minh Mạng. Ông vẫn được nhiều vị quan tướng ủng hộ (công khai như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Khôi…) và còn có những mối quan hệ ở nước ngoài. Và đó có lẽ đó là lý do chính của vụ án oan nghiệt nói trên.
Về phần Minh Mạng, ông vẫn ám ảnh nhiều bởi vấn đề trưởng thứ nên đã ra quy định rằng con trưởng không đương nhiên được lên ngôi mà phải chọn người xứng đáng nhất. Người kế nghiệp Minh Mạng là Thiệu Trị, kế vị Thiệu Trị là Tự Đức cũng đều là con thứ.
Cháu 4 đời của hoàng tôn Đán là Ngoại Kỳ hầu Cường Để đã tham gia phong trào Đông du, ông sang Nhật để tìm kiếm sự ủng hộ. Khi Nhật thắng Pháp, chính Bảo Đại cũng ngạc nhiên là Nhật không đưa Cường Để về làm Vua mà giữ nguyên ngôi vị của ông. Đây lại thêm một bí ẩn nữa của lịch sử.

Vụ đâm người gây náo loạn trung tâm Sydney

Đám đông dũng cảm đã bắt một người đàn ông trẻ với chiếc dao trên ngay tại trung tâm thành phố Sydney, cách khu vực Nhà sát con sò hoảng 1km.
Gã đàn ông đã dùng con dao dài tới 30cm để tấn công nhiều người ở phố Clarence, ngay khu Sydney CBD, trong đó có một phụ nữ bị đâm ở lưng đang được điều trị tại Bệnh viện Hoàng gia Hoàng tử Alfred (RPA).
Sau khi hắn ta đã bị không chế, cảnh sát đã đến hiện trường để tiến hành điều tra và phong toả khu vực trên. Đó là một gã da trắng, tóc xoăn, có vẻ thần kinh không bình thường.
Cảnh sát tiểu bang NSW đã thông báo sự việc trên Twitter rằng:"Đang có hoạt động của cảnh sát tại phố King và Clarence Street, Sydney CBD. Đề nghị tránh khỏi khu vực”.
Cảnh sát cho hay, người thanh niên đã hô vang một khẩu hiệu tôn giáo: "Allahu Akbar". Nhưng theo một nhà báo gốc Ả Rập, cách phát âm như vậy không chuẩn, chứng tỏ tiếng Ả Rập không phải là tiếng mẹ đẻ của anh ta.
Khi cảnh sát đến, hắn đã quát và thách cảnh sát bắn vào đầu hắn.
Hai anh em Paul O'Shaughnessy, 37 tuổi, em trai Luke, 30, với sự giúp sức của một người đàn ông nữa đã dùng thùng và ghế để đuổi theo tên hung thủ cầm vũ khí.
Có tin cho rằng, đã phát hiện một phụ nữ vừa bị giết trong một căn hộ tại phố Clarence và cho rằng vụ việc liên quan đến người thanh niên cầm dao.
Tuy nhiên cảnh sát chưa xác nhận thông tin về người chết này, chỉ cho biết đây không phải là một vụ khủng bố, và hung thủ hành động đơn độc.

Đất hiếm của Trung Quốc sẽ không còn vị thế độc quyền

Đất hiếm (rare earth) là tập hợp của mười bẩy nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn Mendeleev được dùng như một nguyên liệu quan trọng cho sản xuất kỹ nghệ, đặc biệt là hàng điện tử và cơ khí.
Với thị phần có lúc lên đến 96% vào năm 2009, Trung Quốc được coi là thống trị mặt hàng đất hiểm trên thế giới. Năm 2010, khi Nhật Bản bắt một tàu cá xâm phạm chủ quyền, Trung Quốc đã trừng phạt bằng cách cấm vận đất hiếm sang Nhật. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ hiện nay, đất hiếm đang trở thành một “vũ khí” lợi hại của Trung Quốc.
Khi đất hiếm được đưa vào sử dụng bắt đầu từ thập niên 1960x, Mỹ mới là nước độc quyền về mặt hàng này cho đến khi Trung Quốc nhẩy vào thị trường và giữa thập niên 1980x. Tuy nhiên, do có lợi thế về nhân công giá rẻ và nhưng quy định dễ dãi về môi trường, đất hiếm Trung Quốc đã từng bước chiếm lĩnh thị phần.
Mỏ Moutain Pass tại California được phát hiện vào năm 1949, từng là nơi sản xuất toàn bộ mặt hàng đất hiếm của thế giới đã đóng cửa vào năm 2002. Hoạt động khai thác đất hiếm không khó nhưng quá trình xử lý, làm tinh khiết là không đơn giản, gây tác hại đến môi sinh, kể cả ô nhiễm phóng xạ và vấn đề giá thành đã là nhưng lý do chính của việc dừng sản xuất.
Tuy nhiên, đất hiếm không chỉ có ở Mỹ hay Trung Quốc mà một số nước châu Phí, đặc biệt Úc cũng là nơi có trữ lượng lớn. Nhà máy Vật liệu tiên tiến (Lynas Advance Materials Plant) được thành lập vào năm 1983, đã và đang khai thác quặng đất hiếm tại Moutain Weid, thuộc Tây Úc và tinh chế tại Malaysia.
Mỏ đất hiếm ở Tây Úc
Khi Nhật bị bắt chẹt về đất hiếm thì chính Lynas đã giúp cho nước này thoát khỏi cơn khốn khó. Bên cạnh đó, một số hãng sản xuất của Nhật cũng cải tiến công nghệ để không phi phụ thuộc như hãng Honda đã có thể loại ỏ đất hiếm ra khỏi quy trình sản xuất.
Hiện nay, thị phần đất hiếm của Trung Quốc vẫn chiếm 85%, 15 còn lại thuộc về công ty Úc Lynas. Với sự đe dọa cắt giảm hoặc tăng giá của Trung Quốc, Mỹ và Nhật đang hợp tác với Úc trong việc mở rộng sản xuất mặt hàng này.
Tháng 5/2019, Lynas đã hợp tác với công ty Mỹ Blue Line trong việc xây dựng nhà máy tại Texas. Không giống nhà máy ở Malaysia, nhà máy ở Texas sẽ có khả năng phân tách được dysprosium, một nguyên tố thiết yếu cho pin của các thiết bị điện. Dự kiến, Nhà máy ở Texas sẽ đi vào sản xuất đại trà từ năm 2021 và lúc đó sẽ thay đổi “bản đồ” mặt hàng đất hiếm trên thế giới.
Trung Quốc đã từng tìm cách mua lại phần hùn của Công ty Lynas nhưng điều này đã bị Chính phủ Úc phủ quyết. Bên cạnh đó, Úc còn dự kiến khai thác một mở đất hiếm khác ở Bắc Úc và có thể đưa sang Trung Quốc để chế biến.

Người có trình độ cao vẫn gặp nhiều trở ngại khi tìm việc làm

Hằng năm, Úc dành một phần lớn hạn ngạch cho đối tượng nhập cư có tay nghề cao. Những ứng viên thuộc diện “mời” thường có độ tuổi ưu tiên nhất là 25-30, tiếng Anh 8.0 IELTS và có ngành nghề nằm trong danh mục “nhu cầu cao”. Vậy mà trong thực tế, một bộ phận không nhỏ trong số những người này vẫn đi xin trợ cấp thất nghiệp do không tìm được việc làm.
Chuyên viên tiếp thị Tabay Hamdani là một trong 11 di dân có tay nghề, quảng cáo các kỹ năng của họ với các công ty tiềm năng. Mỗi người có 3 phút để trình bày về bản thân mình, và đứng trước một cử tọa như vậy thật dễ bối rối làm sao.
"Tôi nghĩ tôi làm không đến nỗi tệ, nhưng quảng cáo cho bản thân không dễ dàng. Tôi đã thay mặt nhiều thân chủ để tiếp thị giùm cho họ, và tôi có 10 năm kinh nghiệm trong chuyện bán ý tưởng với khách hàng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tiếp thị cho chính tôi”.
Người tổ chức buổi này chào hàng đặc biệt này là Naishadh Gadani giải thích đây là cách tốt nhất để những người mới đến hiểu rõ hơn những kỳ vọng của các công ty, và ngược lại. Anh nói: "Đó là lý do tôi có sáng kiến này để các công ty có thể gặp và nói chuyện với những người có tiềm năng sẽ làm việc cho họ."
Vageesh Malhotra người Ấn Đô, di cư qua Úc cách đây 6 tháng. Vì không tìm được việc làm phù hợp với khả năng chuyên môn, chuyên viên về phát triển kinh doanh đã phải làm việc trong nhà hàng và lái taxi Uber.   
"Tôi không còn nhớ nữa, tôi đã nộp trên 100 lá đơn, và mỗi lần tôi gọi hỏi thăm thì họ đều trả lời là chúng tôi đã tuyển được người rồi, hay là các kỹ năng của tôi không phù hợp."
Năm 2018 Úc đã nhận trên 162.000 di dân, trong đó di dân có tay nghề là trên 100.000 người. Trên lý thuyết, vì nhờ có những kỹ năng mà ở Úc đang thiếu hụt cho nên những người này mới được qua Úc.
Các di dân cảm thấy thất vọng, nhất là khi các công ty nói họ cần có kinh nghiệm tại Úc. Nhưng tiếp xúc với giới chủ nhân mặt đối mặt có thể giúp các di dân có thêm cơ hội. Ông Malhotra cho biết ông học hỏi được rất nhiều.  
"Ở Úc làm sao quen biết nhiều người trong ngành là vô cùng quan trọng để tìm được việc làm thích hợp. Vì vậy bạn phải năng nổ làm quen người ta chứ không giống như ở quê nhà của tôi."
Chuyên viên tuyển dụng cho ngành IT, Grace Rishie khuyên các di dân khi đi tìm việc làm cần nên thay đổi những quan niệm cũ.  
"Bạn cần tìm hiểu xem công ty nào đang tuyển dụng, công ty nào không, nhưng vẫn nên liên lạc với các công ty đó. Nếu bạn nói chuyện được với họ, hoặc thậm chí mời họ đi uống cà phê để hỏi chuyện thì càng tốt, người Úc thích uống cà phê mà."         
Trong ngành bất động sản thường có câu “Vị trí, vị trí, vị trí” để nhắc nhở mọi người khi đầu tư vào địa ốc thì điều quan trong nhất là “location”. Đối với đi tìm việc làm, khẩu hiệu đó nên đổi thành “Quan hệ, quan hệ, quan hệ”.
Chủ nhân sẽ nhận bạn vào làm việc nếu bạn có thể sáng tạo ra những giá trị xứng đáng cho doanh nghiệp, đó cũng là nguồn tài chính tiềm năng để thù lao cho bạn. Bạn có thể hứa hẹn hoặc kể ra những kinh nghiệm trong quá khứ nhưng liệu có đủ thuyết phục các nhà tuyển dụng không?
Nhưng nếu bạn có “quan hệ” thì đó là một căn cứ rất quan trọng để bạn được tin cậy và nhận vào làm.
Rất nhiều người có trình độ cao, nhiều bằng cấp nhưng đó không phải là điều các chủ nhân “động lòng” cho lắm. Cái khó của những người mới là khả năng am hiểu và thích ứng trong một hệ thống vận hành “kiểu Úc”.
Thời gian trải nghiệm là yếu điểm và thách thức đối với di dân, cho dù có trình độ, vì vậy nhiều người vẫn lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc phải làm những công việc thu nhập thấp.

Đồng đô Úc chạm mức thấp kỷ lục trong mười năm

Những diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ đang ảnh hưởng nặng nề đến tỉ giá của đồng Úc kim. 
Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại và là nhà nhập khẩu lớn nhất của Úc. Việc phá giá của đồng Nhân dân tệ đã làm tổn thương kinh tế Úc, đồng thời gây sức ép lên lên đồng đô Úc.
Trong khi đó nền kinh tế New Zealand cũng có nhiều nét tương đồng như kinh tế Úc. Động thái của Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) chính thức giảm lãi suất hơn 50 điểm cơ bản, gấp đôi so với dự báo là một cú sốc tâm lý làm đồng Úc nhanh chóng lao dốc.
Tỷ giá đồng đô Úc (AUD) so với đồng đô Mỹ (USD) đạt mức 0.6783 vào sáng thứ Tư nhưng đã tụt xuống 1,5% sau khi Ngân hàng Dự trữ New Zealand giảm lãi suất tiền mặt xuống còn 1% nhằm hâm nóng nền kinh tế đang hạ nhiệt của nước này. Thậm chí, thống đốc RBNZ Adrian Orr trả lời phỏng vấn giới truyền thông còn  nói rằng lãi suất còn có thể giảm nữa.
Việc cắt giảm của RBNZ diễn ra một ngày sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc giữ mức lãi suất 1%, sau khi đã cắt 0,25 điểm hai làn liên tiếp vào tháng 6 và tháng 7. Với tình hình này, nhiều khả năng Ngân hàng dự trữ Úc RBA sẽ ra tay ít nhất một lần nữa từ này đến cuối năm, trông đó nhiều khả năng là lãi suất chỉ còn 0.75 vào đầu tháng 9 tới.
Hệ lụy của những dự báo kể trên là thị trường đã phản ứng bằng cách 1 đô Úc tương đương 66.90 xu Mỹ vào chiều ngày 7/8/2019, mức thấp nhất trong vòng mười năm qua. 
Sau khi xuống mức thấp nhất vào 18/3/2009, đồng Úc kim đã có những diễn biến đầy bất ngờ là đã tăng lên nhanh chóng, có lúc còn vượt cả đồng đô Mỹ trong giai đoạn 2010-2013.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện này khác hẳn với 10 năm trước khi cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung đã làm tổn thương cả thị trường chứng khoán Úc và các nước trong khu vực.
Trả lời đài ABC, Tổng trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg cho rằng: “Chúng ta không nên phản ứng thái quá trước những biến động này, nhưng phải nhận thấy rằng các động thái tiền tệ của Trung Quốc và việc tăng thuế quan của Mỹ là một sự leo thang không mong muốn”.
“Đây là những diễn tiến đáng quan ngại và thông điệp của chúng tôi là tiếp tục khuyến khích những cái đầu lạnh thắng thế và sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ được mang lên bàn đàm phán.”
Trong khi đó, Thủ lãnh đối lập của Đảng Lao Động, ông Anthony Albanese, đã gặp mặt các quan chức Hoa Kỳ trong tuần này và cũng đã kêu gọi họ hãy để những cái đầu lạnh ra tay làm dịu căng thẳng.
Cũng trong một diễn biến khó lường, đồng Úc kim đã hồi phục chút ít trong ngày hôm nay, rơi vào khoảng 0.68-0.69 đô Mỹ, nhưng vẫn còn dự đoán tỉ giá sẽ tiếp tục xu thế đi xuống.

Toàn bộ đội hình XI của Arsenal đã ra đi chỉ trong hai năm

Trong số các đội bóng hàng đầu nước Anh và Châu Âu, không còn nghi ngờ gì nữa, Arsenal là đội thay máu mạnh nhất. Toàn bộ đội hình chính thức của đội trong mùa bóng 2016 – 2017 đã hoàn toàn bị thay thế.
Trong kỳ chuyển nhượng hè 2017, đội bóng pháo thủ đưa về bom tấn Lacazette với giá 52 triệu bảng, tiếp theo, đầu năm 2018 lại nổ tiếp kỷ lục Aubameyang với giá 58 triệu bảng. Để có tiền quân bình ngân sách, Arsenal đã mạnh tay thanh lý hàng loạt danh thủ.
Ba thủ môn giỏi nhất của đội là Cech, Szcezesny, Ospina đã ra đi theo những cách khác nhau, cho mượn rồi bán đứt hay giải nghệ, để thay thế bởi Leno. Nhớ lại thời kỳ hoàng kim, thủ môn của đội dù là Seaman hay Lehmann, họ đều là lựa chọn số một tại quốc gia của họ, trong khi Leno chỉ là số 3 hay 4 của đội tuyển Đức. Tuy nhiên, mọi người đều biết Arsenal không có tham vọng vô địch, chỉ mơ top 4 thì với Leno, cũng tạm coi là đủ.
Bộ tứ mạnh nhất cách đây hai năm bao gồm Debuchi, Mertescker, Koscialny và Gibbs thì nay không còn ai. Đó là chưa kể thành phần dự bị như Gabriel hay mới nhất là Jenkinsson cũng bị chuyển nhượng. Với việc HLV mới Emery vừa tuyển mộ hai tân binh thì bộ tứ mới nhiều khả năng hàng hậu vệ của mùa giải năm nay sẽ là Bellerin, Sokratis, Luiz và Tierney.
Arsenal thường chơi với đội hình ba tiền vệ, tuy nhiên những cái tên khủng đã khăn gói ra đi còn đông hơn thế, đó là Wilshere, Ramsey, Ox-Chamberlain, Cazorla và Coquelin. Những người còn ở lại dù đẳng cấp như Ozil hay Xhaka chưa chắc đã giữ được vị trí trong đội hình bởi sự gia nhập của ba tân binh Torreira, Guendouzi và Caballos cộng với cầu thủ trẻ đang rất lên chân là Wilock.
Trên hàng tiền đạo, rất nhiều cái tên quên thuộc trên bảng điện tử ghi bàn không còn nữa, đó là Giroud, Walcott, Peres, Sanchez, Welbeck và mới hôm qua là Iwobi sang Everton với giá 35 triệu bảng. Thay thế họ chắc chắn sẽ là bộ ba đắt giá Laca, Auba và Pepe.
Cánh cửa sổ mua cầu thủ của các đội bóng Anh đã kết thúc vì đêm nay Giải ngoại hạng Anh đã khai mạc. Nhưng đối với các quốc gia châu Âu khác, các đội vẫn được quyền chuyển nhượng, do đó các cầu thủ “cũ” của Arsenal vẫn còn nguyên nguy cơ bị đẩy đi, để quá trình chuyển đổi đội bóng càng thêm triệt để.

Người vợ bỏ trốn của Tiểu vương Dubai nhờ Tòa án Anh quốc can thiệp

Công chúa Haya, người đã bỏ trốn khỏi Hoàng cung Dubai cách đây hơn một tháng vừa nộp đơn lên Tòa án London để xin Án lệnh bảo vệ theo Đạo luật bảo vệ các nạn nhân bị cưỡng ép hôn nhân hoặc bạo hành gia đình.
Công chúa Haya sinh năm 1974, con gái cố Quốc vương Hussain của Jordan và em cùng cha khác mẹ với Quốc vương Abdullah đương nhiệm, du học Anh Quốc từ nhỏ và từng là một nhà thể thao chuyên nghiệp. Năm 1992, khi mới 18 tuổi, cố giành Huy chương đồng cá nhân một nội dung của môn cưỡi ngựa tại Damacus, Syria trong Đại hội thể thao khối Ả Rập. Năm 1993, có được bầu chọn là vận động viên tiêu biểu của Jordan.
Năm 2000, sau khi vượt qua vòng loại, Haya chính thức tham gia Đại hội Olympic Sydney. Sự nghiệp thể thao của cô tạm thời gián đoạn khi cô lấy Sheikh Mohamed, lúc đó còn là Thái tử Dubai vào năm 2004. Sheikh Mohamed cũng từng theo học Trường Quân sự tại Anh, rất ham mê thể thao, đặc biệt là môn đua ngựa, một người được coi là cởi mở và hào phóng.
Báo chí Dubai thời đó đã ca ngợi cuộc hôn nhân của trai tài gái sắc, tô điểm thêm cho tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước anh em Jordan và UAE. Hình ảnh được phóng to trên báo là đôi uyên ương sóng đôi trên lưng ngựa, dù tuổi tác khá chênh lệch, bằng với chênh lệnh của ông bà Donald và Melania Trump.
Sau khi lấy chồng, Haya còn được bầu làm Chủ tịch liên đoàn đua ngựa thể thao quốc tế và sinh hạ một công chúa và một hoàng tử. Mới năm ngoái, con ngựa của gia đình vua Dubai đã thắng Giải nhất cuộc đua Melbourne Cup.
Vậy mà cuộc đào tẩu của Haya cùng hai đứa con, được cho rằng mang theo 40 triệu USD đã làm ngỡ ngàng tất cả, và càng lộ ra những điều thâm cung bí hiểm trong nội bộ Hoàng gia Dubai.
Ngoài cương vị Tiểu vương Dubai, Sheikh Mohamed, người vừa tròn 70 cách đây ba tuần, còn là Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng liên bang UAE. Ông được coi là một nhà chính trị và một doanh nhân có nhiều đóng góp lớn đưa Dubai cũng như UAE và kỷ nguyên thịnh vượng và văn minh. Mới năm ngoái, người con trưởng của ông với vợ đầu đã chết đột tử và một người con gái cũng vượt biển trốn đi bằng thuyền buồm nhưng bất thành.
Dự kiến, Tòa án London sẽ mở phiên xét xử đơn xin của Công chúa Haya vào ngày 11/11 tới.

Người đầu tiên ra đi theo Luật Tự nguyện qua đời là một phụ nữ 61 tuổi

Tiểu bang Victoria là nơi đầu tiên tại Úc thông qua đạo luật Tự nguyện qua đời với sự trợ giúp (VADB). Sau khi đạo luật chính thức có hiệu lực vào 19/6 vừa qua thì một bệnh nhân ung thư đã trở thành người lìa trần đầu tiên, đó là bà Kerry Robertson, 61 tuổi, cự ngụ tại thị trấn Bendigo, VIC.
Cả gia đình đã có mặt bên bà Kerry Robertson, người đã lên chức bà ngoại, khi bà trút hơi thở cuối cùng. Cô Nicole, con gái bà cho hay: “Chúng tôi rất muốn mẹ tôi sống lâu với chúng tôi, thế nhưng khi nhìn bà đau khổ chịu đựng mà chẳng ai có thể giúp gì cho mẹ, thì chuyện này quá đau lòng đối với chúng tôi”.
Nicole hy vọng câu chuyện của mẹ bà nay có thể giúp cho những người khác. “Tôi thành thật nghĩ rằng, vấn đề trợ tử đi theo với lòng nhân từ và tùy theo mỗi cá nhân, nó không dính líu chút nào đến nghị trình chính trị hay tôn giáo, mà đó là về nỗi khổ đau của con người và việc chấm dứt nỗi khổ đó”, Nicole Robertson nói.
Bà được chẩn đoán với chứng ung thư vú vào năm 2010, thế nhưng trong nhiều năm sau đó, chứng ung thư đã di căn vào phổi, gan, xương và não. Tuy nhiên, tiến trình điều trị đã được ngưng lại từ tháng ba vừa rồi.
Một người con gái khác của bà là Jacqui cho biết, đã nộp đơn yêu cầu một khi đạo luật có hiệu lực. Đạo luật VADB cho phép những bệnh nhân nan y được tự quyết định số phận để tránh nhưng đau đớn kéo dài.
Được biết các bệnh nhân phải hội đủ các điều kiện khắt khe, bao gồm chứng bệnh không còn có thể chữa được, cũng như không còn sống đến 6 tháng, hay chưa đầy 12 tháng nếu bị bệnh suy sụp thần kinh. Họ cũng cần có 2 bác sĩ ký tên xác nhận, trong đơn xin trợ tử.
Quá trình trợ giúp kéo dài mười ngày và bà đã ra đi sau mười lăm phút từ mũi tiêm cuối cùng.
Bộ trưởng y tế tiểu bang VIC, bà Jenny Mikakos, mô tả cái chết cuả bà Robertson là một khoảnh khắc lịch sử.
“Tôi đặc biệt muốn vinh danh sự can đảm của bà và cách thức bà qua đời đầy nhân phẩm vào ngày 15 tháng 7 vừa qua". "Tôi cũng muốn vinh danh sự cam đảm tuyệt vời của các cô con gái của bà, đó là Nicole và Jackie”, Jenny Mikakos nói thêm.
Bà Mikakos cho biết, có nhiều người hiện đi theo tiến trình trợ tử tại tiểu bang của bà. Dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ có 12 người "được chết" và khoảng 150 người/năm trong các năm tiếp sau.
Hiện nay, cuộc chiến về quyền được chết chuyển sang Tây Úc, nơi dự luật trợ tử sẽ được giới thiệu trước Quốc hội trong tuần này.
Dân biểu thuộc đảng Tự do Tây Úc là ông Nick Goira, vốn chống đối luật nan y tử quyền, nói rằng mục tiêu nhắm đến nên là việc chăm sóc cuối đời tốt hơn. 
Những người ủng hộ, trong đó có Giám đốc của tổ chức "Go Gentle" (Ra đi êm ả) là ông Andrew Denton lại thúc giục các Bộ trưởng đã chống đối lại dự luật, thì nay nên xét lại.
“Chấm dứt cuộc sống có thể là rất dã man, do nó có thể dẫn đến các trường hợp tự tử, các quyết định kinh khủng và trong một xã hội nhân ái, chúng ta nên làm cả hai việc, đó là cải thiện dịch vụ chăm sóc cuối đời và giúp đỡ cho những người mà việc chăm sóc không còn hiệu quả nữa”.
Trong khi đó, tại tiểu bang NSW của Úc, đa số các chính đảng tỏ ra ủng hộ quyền được chết của các bệnh nhân nan y.


Bao bọc con cái có thể làm cho chúng bị dại khờ

Trong những lúc trà dư tựu hậu, tụi mình cũng có lúc bàn luận về chuyện con cái. Mọi người có một nhận định chẳng biết có đúng không: người thành công bên Tây thường xuất thân từ gia đình khá giả, còn với người Ta, đa số là con nhà nghèo. Quả thật, trong số những đứa trẻ con nhà “có điều kiện”, quá nhiều cháu đúng y chang hình tượng nhân vật “Em Chã” trong tiểu thuyết Số đỏ mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã lột tả: đỏng đảnh và lười biếng.
Vừa rồi, mình được tiếp xúc với một nhóm khách từ Việt Nam qua, trong đó có ba cháu cả trai lẫn gái ở độ tuổi 15-16. Chúng làm mình quá ngạc nhiên, tiếng Anh giỏi là một chuyện mà còn rất chủ động trong việc tìm địa điểm đi lại, tìm chỗ ăn, chỗ đi chơi, để giúp cho các phụ huynh. Ấn tượng hơn, các cháu vào trong hiệu sách, “tha” về một đống sách, trong khi những người khác thường mua  sắm quần áo, đồ trang sức, đồ ăn.
Điều kỳ lạ, nhiều người ở Việt Nam rất thành công, có địa vị cao, có nhiều tiền nhưng khi ra bên ngoài lại cực kỳ lớ ngớ, cái gì cũng sợ. Đa phần con cái của họ đều được nuôi dậy theo kiểu “gà công nghiệp” nên cũng “chậm” hơn so với nhưng đứa trẻ cùng lứa. Tuy nhiên, với ba cháu bé này, mình thấy khác biệt, có thể coi là ngoại lệ.
Qua ví dụ kể trên có thể thấy, một gia đình giàu có vẫn có thể nuôi dạy ra những đứa con nhanh nhẹn, hoạt bát, có sức tranh tranh với xã hội sau này.
Thực sự nhà già giàu rất khó dậy con. Nếu bảo con đi làm để có cơ hội học hỏi thì nó sẽ bảo, học trường tư tốn 40,000 đô/năm, trong khi đi làm được có 10 đô/giờ, ai cũng thấy thế là vô lý. Của cải nhà mình, ăn hai đời chưa hết, làm làm gì cho nó mệt người.
Nhưng cuộc sống bây giờ khác ngày xưa, và tương lai còn khác nhiều nữa. Trước đây, có miếng ăn là cảm thấy đủ, không cần gì nữa còn bây giờ quá nhiều nhu cầu. Kể cả khi không cần có thêm vật chất cho bản thân thì con người ta vẫn cần sống có ý nghĩa (meaningful), có đóng góp, giúp đỡ cho cộng đồng. Đó là cách tìm ra một “chỗ đứng” trong xã hội, được một người tôn trọng, vị nể và đó chính là hạnh phúc.
Ai cũng hiểu, trước khi lo cho người khác thì mình phải tự chủ được bản thân, có khả năng suy nghĩ và tài chính độc lập. Một người được coi là “trưởng thành” thì phải đạt được nhưng tiêu chí về kiến thức, năng lực và thái độ. Và để đạt ba mục tiêu này, bên cạnh sự giúp sức của nhà trường, xã hội thì không thể thiếu được giáo dục gia đình.
Trong một gia đình Tây, dường như con cái không nghĩ tài sản của cha mẹ là tài sản của chúng. Như ông Donald Trump, con nhà rất giàu nhưng tự lập nghiệp từ rất sớm, miệt mài với công việc, dù thất bại với 11 lần khai phá sản thì vẫn tự đứng dậy và vươn lên. Nếu ông ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của gia đình thì ông không thể thành công như ngày hôm nay.
Thực tế, trong các gia đình có thế lực ở Việt Nam, tỉ lệ hư hỏng, sa đọa cũng nhỏ nhưng do được quá bao bọc, bú mớm chúng trở nên thiếu sức mạnh ý chí và nếu không có những đột phá để cải thiện tình trạng thì sẽ không thể đương đầu nổi trong cuộc sống cạnh tranh ngày càng khắt nghiệt.
Nếu quý vị nhiều quyền và tiền, không để con mình hưởng thì để làm gì? Tụi mình có nói vui với nhau, không lẽ mình không cố gắng làm giàu, cứ nghèo mãi để con cái có ý thức hơn và dễ thành công hơn. Bạn có điều kiện mà con bạn vẫn tự giác, có trách nhiệm mới là việc trọn vẹn đôi đường.

Trên một nửa người Úc trẻ U30 vẫn còn sống với cha mẹ

Mọi người thường nghĩ, "tụi Úc" cứ đủ tuổi 18 thì sẽ "ra riêng" và không còn chung sống với cha mẹ nữa. 
Theo kết quả một khảo cứu HILDA mới nhất của Đại học Melbourne do Giáo sư Roger Wilkins đứng đầu, thì có đến 56% nam và 54% nữ ở độ tuổi 18-29 vẫn còn sống với gia đình lớn. Tỉ lệ nam cao hơn nữ cũng dễ hiểu vì nữ thường lập gia đình, tức đi lấy chồng sớm hơn nam lấy vợ.
Trong số những người còn sống với "các cụ", tỉ lệ  độc thân là 76%. Điều đó có nghĩa là 24% trường hợp là làm dâu hoặc ở rể và rất có thể sẽ lâm vào cảnh "tam đại đồng đường".
Chương trình khảo cứu dựa trên việc theo dõi 17,500 người thuộc 9,500 gia đình, trong đó năm được chọn "trước đây" vào 2001 và "bây giờ" là số liệu 2017.
Trước đây, tỉ lệ người trẻ U30 còn chung sống với gia đình chỉ có 47% đối với giới mày râu và 36% đối với chị em, tức chỉ là thiểu số. Trước đây, độ tuổi trung bình nữ rời gia đình là 22.1 thì nay tăng lên 24.2, trong khi với nam, con số tương ứng từ 23.1 lên 23.5.
Lý giải cho hiện tường này có nhiều lý do, trước hết và quan trọng là ngày nay đòi hỏi nhiều kỹ năng trước khi kiếm được việc làm nên người trẻ đành phải "trì hoãn" việc trưởng thành để tiếp tục học hỏi.
Bên cạnh đó, giá nhà đất tăng cao cũng là một cản trở để người trẻ có thể đạt được mơ ước độc lập tài chính. Họ không có lựa chọn nào khác là phải bám vào "ông bô, bà bô" để có được chỗ ở miễn phí.

Cuộc chiến Thương mại Mỹ -Trung Quốc đang trở nên khốc liệt

Muốn biết chiến tranh Thương mại là đòn thực hay giả hiệu thì chỉ nhìn vào một màu đỏ máu thì biết. Một bức thông điệp ngắn của ông Trump trên twitter đã làm chứng khoán toàn cầu rớt thảm hại. Đòn giáng bất ngờ 10% vào gần 300 tỉ hàng hóa còn lại của Hoa Lục đã cho thấy quy mô sâu rộng và tàn khốc của cuộc chiến này.
Chiến tranh bom đạn gây tang thương chết chóc. Chiến tranh lạnh đe dọa hủy diệt hạt nhân còn đáng sợ hơn. Trong nhiều năm qua, với các chiêu bài "toàn cầu hóa" hay "thương mại tự do" đã làm người ta lãng quên một loại chiến tranh khác: chiến tranh thương mại. Nếu bảo bây giờ lúc chín muồi cho chiến tranh thương mại thì liệu nó đã hội tụ đủ các điều kiện hay chưa ?
Với ý tưởng về tự do và cởi mở là động lực để các nước trên thế giới liên kết thị trường, tạo ra những khối kinh tế. Sau đại chiến thế giới II, một loạt các khối kinh tế ra đời EU, khối CERP (của các nước XHCN cũ), Hợp tác vùng Vịnh và AL ở Trung Đông, ASEAN, NAFTA, BRICS, ở châu Phi, Mỹ Latin...Những nước "lẻ loi" về mặt địa lý như Úc cũng phát hoảng, chỉ sợ không "dính" được vào đâu, phải xin liên kết với Nhật, Trung Quốc và ASEAN. Những tưởng đó là xu thế không thể đảo ngược, nhưng hóa ra không phải như vậy.
Những tín hiệu đầu tiên là tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược ở một loạt các khối liên kết. Ví dụ mỗi cuộc họp của các nước Liên đoàn Ả Rập (AL) là một trận cãi vã như mổ bò về cả về chính trị lẫn kinh tế, không ai chịu ai.
Hai năm trước đã xảy ra sự kiện Brexit, nước Anh trưng cầu dân ý để rút ra khỏi Thị trường chung châu Âu EU đã gây chấn động. Khi EU được lập nên, đã có biết bao kỳ vọng về một nhất thể hóa châu Âu, thì đây là một cú giáng làm những khó khăn chồng chất của EU trong bao năm qua càng mịt mù ánh sáng hy vọng.
Khi các khối kinh tế không còn có hiệu lực đủ mạnh thì đó chính là lúc bóng ma của các cuộc chiến thương mại trở nên hiện thực. Chiến tranh thương mại chỉ có thể diễn ra cô lập, song phương không thể có quy mô toàn cầu nếu không có sự tham gia của Mỹ. Mọi người đều biết, Donald Trump, một người theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành Tổng thống.
Với tính cách nói thẳng nói thật của một doanh nhân, Trump đã chỉ ra những đối tượng mà nước Mỹ cần "điều trị" để bảo vệ quyền lợi kinh tế thương mại của "Nước Mỹ trên hết", trong đó Trung Quốc là lớn mạnh và thách thức nhất.
Là một bậc thầy về truyền thông dương Đông kích Tây, Trump đặt ra vấn đề xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mễ, cũng nêu vấn đề "Một nước Trung Quốc" và các đảo Tàu xâm lấn ở biển Đông. Nhưng những ai hiểu Trump thì đều biết những cái đó không phải là trọng tâm của sự việc. Đến khi nhưng đòn thuế quan dồn dập được ban ra thì đó chính là một cuộc chiến thực sự.
Tại sao Mỹ lại làm như vậy và có cần như thế không ? Lùi thời gian vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước, sau hai cuộc Đại chiến, sản xuất bị đình trệ, hàng hóa thế giới vô cùng khan hiếm. Tiếp theo, cuộc chiến tranh lạnh cũng làm kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, dân số trở lại tăng nhanh, lại đẩy cầu vượt cung thêm nữa.
Một ông thương nhân già ở Dubai kể  rằng ông từng đi kiếm nguồn hàng rất cực. Tìm được nơi sản xuất vỏ chăn chẳng hạn thì quá mừng, có bao nhiêu bán cũng hết. Bây giờ, khách hàng hành hạ phải có chất liệu mới, màu sắc, kích cỡ, kiểu cách đa dạng mà còn chưa thèm mua. Đến thập kỷ 90, Việt Nam vẫn còn khẩu hiệu "tất cả cho sản xuất". Vào những lúc hiếm hoi, Mỹ là nơi cung cấp hàng hóa chủ yếu và lớn nhất cho cả thế giới. Vậy mà nay thì ngược lại, Mỹ là nước nhập khẩu và nhập siêu lớn nhất !
Khách quan mà nói, nhờ Trung Quốc, công xưởng của thế giới, mà mọi người có hàng hóa dồi dào với giá rẻ. Trước đây mọi người còn mặc quần áo vá thì bây giờ mỗi hàng dễ dàng có từ vài chục đến hàng trăm loại quần áo, giày dép. Chủ nghĩa bảo hộ là điều người Tàu sợ nhất vì nền kinh tế Trung Quốc dựa vào xuất khẩu quá lớn.
Khủng hoảng kinh tế thế giới 2009 đã làm các nước thiên về xuất khẩu tìm cách phá giá đồng tiền và hạ giá thành để giữ sản suất và xuất khẩu, làm cho hàng hóa đi vào giai đoạn ngày càng ế thừa. Những hàng hóa này thường có hàm lượng chất xám kết tinh thấp nên các nước nhập khẩu có thể dễ dàng sản xuất và thay thế.
Trump là người hết sức nhạy cảm để hiểu và ngăn chặn ngay cơn lốc hàng hóa rẻ tiền đang đổ vào nước Mỹ. Sở trường và thế mạnh của ông là kinh tế thương mại, nên có thể hiểu chính sách an ninh quốc phòng và ngoại giao của Mỹ sẽ không có nhiều sáng kiến đột biến, nhưng về kinh tế và thương mại, mọi người phải sẵn sàng thích nghi với những cú sốc đảo lộn tất cả từ Tổng thống Mỹ.
Thế giới đã phát triển đến mức hủy hoại môi trường và khủng hoảng thừa về hàng hóa chính là nguyên nhân sâu xa của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.

bom tấn Pepe đã chính thức nổ ở đội bóng Arsenal

Nicolas Pepe có một mùa giải 2018/2019 cực kỳ bùng nổ khi ghi được 23 bàn thắng và 11 kiến tạo, giúp CLB Lille kết thúc Giải Pháp Ligue 1 ở vị trí thứ hai chỉ sau 'kẻ vô đối' Paris Saint Germain. 
Chính sự xuất sắc của cầu thủ người Bờ Biển Ngà đã khiến anh trở thành một món hàng hot trên thị trường chuyển nhượng hè 2019, được nhiều CLB lớn theo đuổi, trong đó Manchester United, Napoli, thâm chí là Liverpool.
Tuy nhiên, bằng sự hợp lý của mình, Arsenal sau cùng mới là người chiến thắng trong cuộc đua giành chữ ký cầu thủ sinh năm 1995.
Có lúc CLB Napoli (Ý) suýt nữa là người thắng cuộc sau khi tiếp xúc quyết định với đại diện của Nicolas Pepe. Tuy nhiên, Napoli thất bại bởi họ từ chối chi 10 triệu euro tiền lót tay.
Trong khi đó, bất chấp việc vừa lên ngôi vô địch Champions League và đang có tương lai rất tươi sáng, Pepe vẫn từ chối đến vùng Merseyside chơi bóng, thay vào đó chọn thành London là điểm đến tiếp theo. Theo tờ Get French Football News, lí do của Nicolas Pepe là bởi trong quá trình đàm phán, phía Liverpool không đảm bảo được số trận ra sân cho tiền đạo này.
Ở The Kop, bộ ba Mohamed Salah, Roberto Firmino và Sadio Mane vẫn hoạt động vô cùng hiệu quả, thay phiên nhau tỏa sáng, trong đó Salah và Mane đồng hạng Vua phá lưới cùng với Aubameyang ở Ngoại hạng Anh.
Bất chấp được đồn đoán chỉ có 45 triệu bảng ngân quỹ chuyển nhượng, Pháo thủ Arsenal hoạt động rất tích cực ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay. Pepe là tân binh thứ 4 cập bến sân Emirates sau Gabriel Martinelli, Dani Ceballos và William Saliba.
Trước khi hoàn tất chữ ký của Pepe, Arsenal đã dành sự quan tâm đặc biệt cho Wilfried Zaha nhưng với việc Crystal Palace hét giá lên tới 80 triệu bảng, Arsenal sớm rút lui. Một khác biệt nữa là Lille chấp nhận cho Arsenal trả góp khoản chuyển nhượng 72 triệu bảng, còn Crystal Palace thì không.
Cá nhân Zaha đã công khai bày tỏ mong muốn được khoác áo pháo thủ nhưng giờ thì, anh đành ngậm ngùi và chắc chắn không tránh khỏi "đau lòng". Mới nhất, Zaha chỉ biết bấm nút "like" bài thông báo việc Arsenal chiêu mộ thành công Pepe trên kênh faceboook của Premier League.
Ngay mai thứ bẩy, Pháo thủ sẽ có cuộc đối đầu với Barcelona ở Nou Camp vào trong trận tập dượt cuối cùng trước mùa giải, nhưng nhiều khả năng, chân sút 24 tuổi sẽ không góp mặt. Theo Goal, bản hợp đồng đắt giá sẽ được ra sân sau đó một tuần,vào ngày 11/8 tới, ở vòng đấu đầu tiên Premier League khi Arsenal có cuộc chạm trán với Newcastle. Mọi người đang háo hức chờ đợi bộ ba tấn công khủng của đội gồm Lacazette, Aubameyang và Pepe sẽ công phá khung thành đối phương ra sao.
Pepe là bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Pháo Thủ, vượt qua kỷ lục của Pierre-Emerick Aubameyang (55 triệu bảng) xác lập vào mùa Đông năm ngoái. Trong bối cảnh Arsenal đang lâm vào một giai đoạn khủng hoảng, việc chi đậm trong mùa Hè năm nay có thể coi là "đồng tiền khôn", nó giúp mua lại niềm tin của người hâm mộ cũng như tạo ra một không khí vui tươi hào hứng cho mùa giải mới.

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Tuti, thuộc Khartoum


Nơi hợp lưu của hai dòng sông Nile xanh và Nile trắng

Giới cầm quyền quân sự ở Sudan ra lệnh đóng cửa toàn bộ trường học trên toàn quốc

Động thái này diễn ra sau cái chết của bốn học sinh trung học, những con người tẻ tuổi được coi là đã dũng cảm đụng độ với lực lượng an ninh và thiệt mạng. Hiện nay, tỉ lệ mù chữ ở đất nước này được coi là khá cao, lên đến 30%, trong bối cảnh xã hội có nhiều phe phái đối nghịch và sự phức tạp về chủng tộc và tôn giáo. Lịch sử quốc gia Sudan chỉ có hơn 60 năm cũng là ngần ấy năm của những cuộc nội chiến triền miên.
Hơn ba tháng đã trôi qua kể từ khi triều đại 30 năm của Tổng thống Bashir sụp đổ, nhưng cuộc biểu tình và bạo loạn ở Sudan chưa dừng lại mà vẫn có dấu hiệu gay gắt hơn. Nhưng người biểu tình trước đây yêu cầu Bashir từ chức thì nay lại yêu cầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp phải trao quyền lực cho phe dân sự.
Sudan từng là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Phi, được thành lập từ năm 1956. Trong quá khứ, Sudan chịu ảnh hưởng và là thuộc địa của Ai Cập. Năm 1946, Liên hợp quốc ra nghị quyết hợp thức hóa sự bảo hộ của Ai Cập. Sau đó 10 năm, Ai Cập rút quân và gần như ngay lập tức Sudan lâm vào nhưng cuộc nội chiến liên miên.
 Năm 1989, đại tá Omar Bashir đã làm cuộc đảo chính quân sự để lên cầm quyền, nhưng dường như không giải quyết được những vấn đề của đất nước này, đặc biệt với Nam Sudan và tỉnh Darfur. Dafur vốn là một vương quốc riêng, trước khi bị Ai Cập thôn tính vào cuối thế kỷ 19 rồi ghép luôn vào Sudan cho “gọn sổ sách”. Dafur có diện tích nửa triệu km2 và dân số khoảng 10 triệu, tức khoảng ¼ dân số và diện tích Sudan. Quân chính phủ đã đàn áp khốc liệt cuộc nổi dậy của người Dafur, đến mức ông Bashir bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) khép vào tội diệt chủng và ban lệnh truy nã vào năm 2009. Từ đó Bashir chỉ dám công du nước ngoài có 2 lần, một lần trong nội bộ Châu Phi và một lần khác, đến Trung Quốc, quốc gia được coi là đồng minh thân thiết.
Năm 2010, mình đi Sudan và đặt khách sạn, mất 200USSD/ đêm. Đến thủ đô Khartoum, mới hóa ra khách sạn của mình chỉ là một nhà trọ nhỏ trong hẻm, trong phòng muỗi bay vo ve, phải dùng chung toilet và nhà tắm công cộng. Đêm hôm đó, mình chửi thầm tay Đại lý du lịch lừa đảo nhưng đến hôm sau thì thấy oan cho nó. Tại Khartoum, rất thiếu khách sạn, một chỗ tươm tất thì phải tối thiểu 500USSD.
Mình đến Sudan vào lúc chỉ còn mấy tháng nữa là tổ chức cuộc trưng cầu đân ý về việc tách Nam Sudan ra khỏi Sudan. Truyền thông ở đây đều công khai kêu gọi chia cắt, có lẽ do họ chán đánh nhau quá rồi, và kết quả đương nhiên là một quốc gia mới đã ra đời năm 2011. Có điều lạ là kể cả báo chí thân chính phủ cũng muốn chia cắt đất nước, điều rõ ràng làm suy giảm quyền lực của nhà nước và của Tổng thống. Hơn nữa, Nam Sudan chiếm giữ khu vực nhiều tài nguyên dầu lửa và do đó có vài tròn khá quan trọng trong nền kinh tế của Sudan khi còn thống nhất. Khi Nam Sudan tách ra, Sudan không còn là quốc gia lớn nhất châu Phi mà diện tích đã kém Algieria và Congo.
Bão táp “Mùa xuân Ả Rập” vào năm 2011 đã quật đổ các chế độ độc tài ở Tunisia, Ai Cập, Yemen, Lybia. Để làm xoa dịu làn sóng biểu tình, Bashir đã từng hứa hẹn từ chức nhưng khi bão tố qua đi, ông Bashir lại chấp thuận đề nghị của đảng cầm quyền để ứng cử thêm một lần nữa vì đơn giản là chưa tìm được người thay thế.
Thật ra, không hẳn Bashir không mất gì, ông đã chấp nhận cho Nam Sudan tách ra thành quốc gia độc lập từ tháng 7/2011. Người ta đã bình luận rằng nếu Nam Sudan ra đi thì Sudan không chỉ tách làm đôi mà sẽ tách làm bốn, ngoại trừ phía bắc là sa mạc không người ở thì tỉnh Dafur phía tây, tỉnh Kassala phía đông cũng sẽ tách khỏi Sudan.
Cũng vào năm 2009, một nhóm du khách châu Âu 11 người từ Ai Cập đã đi lạc vào vùng lãnh thổ của Sudan và bị phiến quân ở đây bắt giữ. Vùng biên giới mênh mông giữa Ai Cập và Sudan hoàn toàn là sa mạc, không có cột mốc biên giới. Theo báo chí, một toán đặc nhiệm Ai Cập đã táo bạo tấn công giải cứu cho nhóm du khách. Nhưng có lẽ đây chỉ là trò tuyên truyền, bởi khi trở về Italia, các du khách đã kể rằng chẳng hề nghe thấy tiếng súng nổ cũng như chẳng có cuộc tấn công nào mà phiến quân đã tự trao trả con tin. Điều này có thể hiểu được, phiến quân chỉ chống chính phủ Sudan chứ không hề muốn gây hấn với Ai Cập hay phương Tây.
 Trong khi đó, tỉnh Kassala chỉ có dân số 1,5 triệu, nhưng là một sắc dân có ngôn ngữ riêng, diện tích cũng nhỏ, sống chủ yếu bằng nông nghiệp và khá nghèo nàn. Darur và Kassala có tách ra khỏi Sudan không ảnh hưởng nhiều như Nam Sudan. Chia cắt là chuyện đáng buồn nhưng lại là một giải pháp cần thiết và là bước ngoặt quan trọng nhằm hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến và bất ổn triền miên ở đất nước này.
Theo lệnh cấm, các trường học sẽ đóng cửa vô thời hạn cho đến khi trật tự được vẫn hồi. Cái giá phải trả vẫn tiếp tục đau đớn và oan nghiệt đối với những người dân Sudan.

Truy tìm trâu bò Úc mất tích tại Việt Nam


Số liệu của Bộ Canh nông Úc cho hay, đến tháng 5 năm nay đã có 33 lô hàng gia súc sống được xuất cảng sang Việt Nam, trong đó có 90,560 con bò và 397 con trâu. Truy nhiên, hơn 1,500 con bò và 99 con trâu được coi là không có dấu hiệu và không thể truy xuất nguồn gốc trong các trang trại hay lò mổ đã được phê duyệt trong 13 tháng qua.
Điều đó có nghĩa rằng những con trâu bò “xấu số” này, nếu không còn sống, rất có thể đã bị đưa vào các cơ sở giết mổ không đúng quy cách và đã phải chịu một cái chết đau đớn.
Cách đây vài năm, báo chí Úc đã phanh phui việc nhưng con bò sống xuất cảng sang Indonesia đã bị đối xử dã man trong các lò mổ và chính phủ đã phải đình chỉ việc đưa trâu bò sang nước này.
Mấy năm gần đây, nước Úc đang rơi vào tình trạng hạn hán khá nghiêm trọng.  Chủ trại nuôi bò, ông Gavin Moore cho biết, ông phải mua 15 ngàn lít nước mỗi tuần cho đàn bò của mình. Trong một cuộc họp tuần trước tại thị trấn Dubbo, tiểu bang NSW, nơi đang bị nạn hạn hán hoành hoành, Thủ tướng Morrison coi việc cứu trợ nông dân là việc làm cấp bách. Hạ viện đã thông qua việc thành lập quỹ hạn hán trị giá 200 triệu Úc kim trong hai năm tới.
Thiếu mưa làm thiếu cỏ, nhất là vào mùa đông, cho bò là một trong những lý do Úc tăng cường và mở rộng xuất khẩu bò sống sang các nước, trong đó có Việt Nam, thay vì vận hành ở lò gia súc trong nước. Những con bò sống được đưa xuống tàu thường khá gầy ốm, khi sang nước ngoài đã phải vỗ béo 1-2 tháng rồi mới được giết mổ.
Tuy nhiên, trâu bò giết mổ ở nước khác cũng phải tuân theo quy định trong Hệ thống bảo đảm chất lượng chuỗi cung ứng xuất khẩu (ESCAS). Hội đồng xuất cảng gia súc sống của Úc (ALEC) cũng ủy quyền cho một công ty độc lập về đánh giá việc thực hiện chuỗi cung ứng tại Việt Nam và sẽ có quyết định sau khi có kết quả báo cáo vào tháng Tám.

Oman không tin vào sự nuối tiếc

Cuộc đời như một giấc mơ, tưởng mới đây mà đã hơn 10 năm kể từ ngày mình đến Oman. Quãng đường từ Dubai đi thủ đô Muscat dài 500km, đi 80km đã đến biên giới Oman. Ở đây chẳng có cột mốc hay của khẩu gì cả, chỉ có một con đường với hai bên là cát trắng xóa.
Thủ tục xuất nhập cách được làm trong một tòa nhà khuất bên trong đường cái. Xe chạy thêm một quãng 80km nữa là đến con đường dọc theo sườn núi, bên kia là bờ biển, nhìn ra vịnh Oman mà bên kia bờ là Iran, cảnh tượng như tranh vẽ, đúng là sơn thủy hữu tình. Thêm một quãng vài chục cây số nữa là thành phố Sohar, cố đô của Oman. Đây là một địa danh nổi tiếng trong chuyện ngàn lẻ một đêm, nơi chàng thủy thủ Sinbad đã xuất phát cho 7 lần ra khơi là 7 chuyến đi li kỳ, diễm tình, không thể tin được.
Vào thể kỷ 18-19, Oman từng là một đế quốc hùng mạnh, với vùng lãnh thổ trải rộng khắp bán đảo Ả Rập, dưới xuống tận Tanzania (châu Phi), trên là vùng đất rộng lớn của Iran và Pakistan ngày nay. Người Oman rất giỏi nghề biển, với thủy quân hùng mạnh khống chế cả vùng Ấn Độ dương, và thuyền buôn cũng đi xa. Ấn tượng nhất trong thời gian ở Oman là khi vào trong bảo tàng Oman, nơi trưng bày đủ các bằng chứng oai hùng trong quá khứ. Đặc biệt, thuyền buôn Oman đã đến cả cảng Hội An của Việt Nam.
Oman ở Trung Đông cũng có vang bóng một thời giống như Mông Cổ của Viễn Đông, bây giờ cả hai chỉ là những quốc gia nhỏ bé về dân số, cùng khoảng 4 triệu người nhưng diện tích lãnh thổ Oman nhỏ hơn, trên 300000km, tương đương với Việt Nam. Oman là thành viên của nhóm Hợp tác vùng vịnh gồm 6 nướcquân chủ trên bán đảo Ả Rập, nhưng khác với Saudi và Bahrain, gọi Vua là King; ở Kuwait và Qatar gọi Vua là Amir; các Vua UAE lấy chữ Ruler; chỉ duy nhất vua Oman mới mới danh hiệu Sultan. Sultan hiện là là Qaboos, 79 tuổi, lên ngôi từ năm 1970.
Sau khi tốt nghiệp trường quân sự ở Anh về nước được vài năm, Qaboos đã tiến hành một cuộc đảo chính không đổ máu, buộc vua cha bị lật đổ phải ra sống lưu vong ở nước ngoài. Kịch bản con lật đổ cha còn được lặp lại một lần nữa ở nước láng giềng Qatar vào năm 1990. Hiện Qaboos là một trong những vị Vua trị vì lâu năm nhất thế giới, chỉ sau Nữ hoàng Elizabeth II, tuy nhiên Nữ hoàng chỉ có vai trò tượng trưng ở nước Anh, trong khi Qaboos nắm giữ trọn vẹn quyền lực, ông kiêm nhiệm Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Khi Qaboos lên ngôi, Oman là một xứ lạc hậu, hầu hết dân số mù chữ (95%), chế độ chiếm hữu nô lệ còn phổ biến, lại thêm nội chiến nhiễu nhương giữa các bộ lạc. Khách quan mà nói, Qaboos là một nhà cải cách đã đưa Oman ra ánh sáng với thế giới bên ngoài. Một điều may mắn nữa, vào cuối thập kỷ 60, Oman bắt đầu phát hiện ra dầu lửa, Qaboos chủ trương gia tăng mạnh sản lượng khai thác ở mức tối đa để chấn hưng nền kinh tế.
Muscat là thành phố đông dân nhất cũng chỉ chưa đầy 2 triệu người, nó được chú trọng đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa thể có nhiều các ngôi nhà lộng lẫy như Dubai hay Doha. Bên cạnh đó, Oman còn có rất nhiều các lâu đài cổ nằm rải rác khắp đất nước, dấu tích của một thời vàng son. Đất đai Oman không hoàn toàn cát như các nước vùng Vinh khác mà có cả những cánh rừng rậm rạp, gần như là nguyên sinh. Ngoài dầu lửa, nguồn thu nhập của Oman còn có nghề đánh bắt cá truyền thống, làm nông nghiêp và du lịch. Trong dân số Oman hiện này có khoảng 1/3 là người nước ngoài thường trú, đông nhất là Ấn Độ, Pakistan; dân châu Á trước đây đông nhất là từ Indonesia, nay dân Tàu tràn vào kha khá rồi.
Cuộc sống riêng tư của các Vua chúa các nước vùng Vịnh thuộc đề tài cấm kỵ, nhưng mọi người ở Oman đều biết Qaboos thuộc “thế giới thứ ba” đồng cô bóng cậu. Theo ghi chép chính thức, ông đã từng kết hôn, nhưng nhanh chóng ly dị và sau đó không lấy vợ nữa. Tình hình là Oman không có Thái tử và người kế vị ông lão gần 80, lại mới trải qua đợt điều trị ung thư là một ẩn số. Cũng theo tin chính thống, có một lá thư mật của Qaboos mà chỉ công bố khi ông chết, trong đó viết tên 3 ứng cử viên của vị Vua tương lai để Hội đồng hoàng gia sẽ bầu ra một.
Đến nay, dầu lửa, nguồn thu nhập chính của Oman dần dần cạn kiệt, các ngành nghề phụ vẫn còn yếu kém. Điều may mắn cho Oman lúc này không phải là nhân lực dồi dào, ngược lại là dân số nhỏ. Đây là điều kiện cho phép thực hiện một kế sách kiếm tiền có vẻ hết sức dễ dàng là xây nhà bán và nhận di dân nước ngoài.
Cái tên Oman bống dưng lại được nhắc đến gần đây bởi eo biển Hormuz nằm trong vịnh Oman nhưng bờ bên kia lại là Iran. Sự căng thẳng giữa Iran với Anh-Mỹ mà cứ tiếp tục leo thang sẽ đe dọa đển sự thông thương hàng hải. Một khi phần lớn tàu chở dầu của  các nước Trung Đông vẫn phải đi qua eo biển này thì điều này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của thế giới. 

Lễ hội Thiếu nhi tại Úc đã trở thành một ngày hội đa văn hóa

Cứ hằng năm vào tháng 7, Children’s Festival Inc. đã tổ chức cuộc họp hằng năm để biểu dương những đóng góp của các thành viên, các cá nhân và tổ chức đã chung tay gánh vác một sứ mệnh thiện nguyện cho thiếu nhi.
Như lời dẫn của MC Brian Laul, nhiều người trong chúng ta có một ước mơ, làm sao những con người, trong đó có trẻ em thuộc các nguồn gốc khác nhau có thể chung sống hòa thuận, yêu thương. Cách đây hai mươi năm, có một người đã biến ước mơ đó thành hiện thực, đó là chú Thuất Nguyễn, Nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch tổ chức thiện nguyện mang tên Children’s Festival.
Tại Úc, đương nhiên có nhiều tổ chức khác cũng có những ý tưởng và cách làm tương tự nhưng phải nói rằng, chưa có tổ chức nào giành được nhiều thương yêu và đạt tầm vóc lớn lao như Children’s Festival. Hãy thử nhìn vào mấy con số: các sự kiện của Children’s Festival đều do hàng trăm thiện nguyện viên các sắc tộc, hàng trăm người trình diễn và thu hút hàng chục ngàn lượt khán giả. Mỗi sự kiện đều có sự tham dự của nhiều bộ trưởng chính phủ, bộ trưởng đối lập, nhiều nghị sĩ, dân biểu, nhiều hội đoàn của các sắc dân Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Thái Lan, Thổ dân, Scott, Macedonia, Bulgaria, Ukrane, v.v...Thủ hiến NSW và Thủ lãnh đối lập NSW nếu không đến dự được đều có thư chào mừng.
Lễ hội của Children’s Festival thường kéo dài cả ngày với các trò chơi dân tộc đa dạng, phong phú, hoạt động của các gian hàng quảng bá cho các tổ chức và doanh nghiệp, trong khi đó một sân khấu trang hoàng để trình diễn ca múa, kịch nghệ với các nội dung đa văn hóa. Phần trọng tâm của mỗi sự kiện là diễu hành của đông đảo các hội đoàn, tiêu biểu cho hàng trăm sắc dân sống trên nước Úc. Các đoàn thể của người Việt thường đông đảo nhất nhưng không dẫn đầu mà là đoàn của Thổ dân, với sự tôn trọng truyền thống lâu đời của nước Úc. Đoàn múa lân Việt Nam đặc sắc luôn gây sự chú ý của quan khách và đông đảo khán giả.
Theo mình hiểu, có hai thứ mà người di dân nói chung và người di dân Việt Nam nói riêng có thể mang lại cho nước Úc, đó là lao động chăm chỉ và tài năng. Người Việt các thế hệ đã và đang làm Việt hết sức chăm chỉ trong mọi lĩnh vực, với sự so sánh tương đối với các sắc tộc khác. Người Việt không nề hà bất kỳ việc gì, kể cả những việc "không ngon" người ta chê thì người Việt cũng làm. Gần đây còn có làm sóng di cư của theo diện đầu tư và kinh doanh, nhiều người Việt còn mang tiền bạc vào, đó cũng có thể coi là một sự đóng góp cho nước Úc.
Tài năng Việt cũng đã và đang được khẳng định trên khắp các tiểu bang và vùng lãnh thổ nước Úc. Đến nay đã có vô số những người gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai trở thành Luật sư, Bác sĩ, những ngành học tuyển sinh cực kỳ khó và chỉ dành cho những học sinh xuất sắc. Bên cạnh đó, nhiều người gốc Việt đã trở thành những doanh nhân tài ba, những người làm thương nghiệp (trades), là những ông chủ bà chủ của những bất động sản và cơ sở kinh doanh lớn.
Nhưng không phải cái gì cũng "quy ra thóc". Nhiều loại đóng góp cho xã hội không thể tính bằng tiền nhưng nó còn quý giá hơn thế. Đó là những hoạt động từ thiện xã hội dân sự, những hoạt động giúp người, làm phong phú nền văn hóa và các giá trị Úc.
Thử hỏi có chương trình nào, tổ chức rộng rãi nào ở Úc cũng như trên thế giới mà người Việt giữ vai trò chủ chốt, điều khiển các sắc dân khác không ? Có, đó là Children’s Festival.
Chú Thuất đã ở độ tuổi ngoài bẩy mươi. Chú tâm sự, theo thời gian, chú không thể làm mãi được. Tìm một người thay thế cho chú không dễ vì ngoài thời gian và nhiệt tình còn là vấn đề năng lực tổ chức. Không hiểu sao chú có thể nhớ hết hàng trăm đầu việc, nhớ đến từng người thiện nguyện viện như mình. Làm sao chú có thể có quan hệ với các cơ quan chính phủ với các nhân vật chóp bu của chính quyền. Ai đã từng làm quản trị thì biết, trả lương rồi mà sai khiến nhân viên còn khó, đằng này hàng trăm con người làm việc răm rắp không lương dưới quyền chú. Bởi vì chú đã biết tỏa sáng để mọi người hiểu được ý nghĩa cao cả việc mình làm. Chiếc huân chương OAM là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp không mệt mỏi của chú Thuất Nguyễn.
Trong cuộc họp thương niên năm nay, Wally Mehanna, CEO của Canterbury Bankstown, một vị khách mời đã trình bày về các dự án mở mang thành phố Bankstown cũng như bàn về việc xây dựng một cộng đồng sôi động và thịnh vượng trong tương lai. Mọi người dự họp rất vui mừng khi biết lời hứa tài trợ 100,000 Úc kim cho Children’s Festival của Chính phủ tiểu bang NSW bắt đầu đi vào giai đoạn giải ngân.
Từ chỗ một Lễ hội hằng năm, Children’s Festival từng bước nâng lên xuân thu nhị kỳ và từ năm ngoái đến này đã tổ chức ba kỳ tại các địa điểm khác nhau ở Circular Quay, Bankstown và Campbelltown. Ngoài ra là nhiều sự kiện bổ ích thiết thực khác như Hội chợ Tết, Hòa nhạc, Triển lãm...
Úc là một trong những quốc gia mà việc làm thiện nguyện phổ biến nhất thế giới. Người dân Úc khoan dung và bác ái đã say sưa với thiện nguyện để tỏ tình yêu và trách nhiệm với đất nước. Ngọc lửa Children’s Festival là nơi cộng đồng Việt Nam có những đóng góp cụ thể và nổi bật cho xã hội đa văn hóa Úc.