Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

Nhật Bản


Tokyo by night


Chùa Vàng ở Kyoto


Trong công viên Nara


Một cửa tiệm ở Kobe

Một phụ nữ Việt Nam bị đuổi về vì mang thịt lợn vào Úc

Một phụ nữ Việt Nam đã bị đuổi về (nguyên văn: "kick out") khỏi phi trường Sydney khi bị phát hiện mang 4.6 kg thịt lợn còn sống. Người phụ nữ 45 tuổi chưa bị tiết lộ danh tính này đã không khai báo số hành lý  khi mà bệnh tả heo châu Phi đang trở nên một bệnh dịch nguy hiểm chết người hiện nay trên thế giới. Với hành động này, cô ta "vinh dự" trở thành người đầu tiên bị chặn từ cửa khẩu bởi các nhân viên an ninh sinh học.
Kể từ đầu năm đến nay đã có 27 tấn sản phẩm thịt heo bị chặn lại tại các cửa khẩu của nước Úc. Đàn heo của Úc hiện nay có 2.5 triệu con, trị giá 5.3 tỉ Úc kim, kiến tạo 36,000 việc làm.
Nữ Bộ trưởng Nông nghiệp, cô Bridget McKenzie cho hay nhiệm vụ của cô là phải bảo vệ ngành kỹ nghệ thịt heo của nước Úc không hề cảm thấy cần phải xin lỗi người phụ nữ đã vi phạm quy tắc nhập cảnh bị buộc phải ra khỏi nước Úc.
Ngoài thịt lợn, người phụ nữ Việt Nam không còn trẻ kể trên còn mang theo trên một ký khô mực, 1.3 ký chim cút, 450 gram trứng và trên 900 gram tỏi trong hành lý.

Nên đi du học từ tuổi nào?

Bản thân mình cũng là một người đã từng là du học sinh, sau khi đã tốt nghiệp Đại học từ trong nước, từng có việc làm rồi mới đi. Bây giờ nghĩ lại, mình thấy tiếc, giá mà đi sớm hơn thì tốt.
Cháu gọi bằng bác của mình đang ở độ tuổi trung học ở Việt Nam. Em út hỏi, có nên cho cháu đi du học Úc hay không thì mình bảo, “nếu chỉ đi học thì không nên đi”. Đi học mà không chỉ để học thì để làm gì nữa, cũng khó hiểu ghê ha.
Quý vị đã từng làm cha làm mẹ thì chắc chắn đều muốn cho con mình “nên người”. Ngày xưa, quý vị có một cái bằng Đại học, đó là sự đảm bảo bằng vàng để có một việc làm ổn định, một tương lai sáng lạn.  Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, hầu hết mọi người đều dễ dàng có một vài cái bằng, có điều dùng bằng đó để đi xin việc làm thì lại không còn đơn giản. Vậy cần gì nữa? Cần rất nhiều: thái độ, tinh thần trách nhiệm, kiến thức xã hội, kỹ năng mềm và cuối cùng mới là kỹ năng nghề nghiệp do bằng cấp mang lại.
Mình để ý một điều: những di dân mới ở Úc thường tìm cách “lách luật” như trốn thuế chẳng hạn, tìm cách “khôn” để đốt cháy giai đoạn, để làm sao kiếm tiền nhanh, nhiều hơn người. Đây là một suy nghĩ và thái độ rất “khác” so với đa số dân chúng. Chính điều “chệch hướng” này là sự ngăn cản đối với thành công và hạnh phúc trên quê hương tương lai của họ.
Khi người đã đánh cả gốc rễ một cái cây và mang đi trồng ở mảnh đất khác, trong nhiều trường hợp, cây đó sẽ chết, nhưng nếu đó là một cái cây non thì tỉ lệ sống sót cao hơn nhiều. Nói như thế để thấy rằng, để “bén rễ”, các cháu nên đi du học càng sớm càng tốt.
8a
Câu hỏi đặt ra là khi các cháu còn quá bé thì việc xa gia đình thì có ổn không? Hình như Bộ Giáo dục Úc đã tính trước điều này khi mới đây đưa ra chương trình ngắn hạn tạm thời cho học sinh phổ thông ngoại quốc. Hình thức này có thể được áp dụng ngay cả với các cháu ở bậc tiểu học, từ 6 tuổi trở lên. Ở độ tuổi tiểu học, các cháu học tiếng Anh sẽ rất nhanh khi được học chung với các học sinh địa phương. Đặc biệt về phát âm, chỉ cần mỗi năm học 1-2 tháng thì các cháu có thể nói như tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Khi viết bài này, mình không có ý khuyên các cháu nên đi du học từ lúc còn tiểu học vì điều đó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và nguyện vọng của từng gia đình. Nhưng một điều có thể khẳng định, càng đi du học sớm thì càng dễ thích nghi và hòa nhập với cuộc sống trong một xã hội văn minh.

Cộng đồng người Việt đang đông dần lên tại Nhật

Sang Nhật tám ngày mà đến ngày cuối tôi mới vào một quán ăn của người Việt mang tên “Gia đình” ở Osaka, thành phố lớn thứ ba của Nhật Bản. Quả là một Việt Nam thu nhỏ ở đây rồi, cách bài trí toàn hình ảnh Việt và hầu hết cũng là thực khách Việt.
Bình là công nhân xây dựng, mới qua Nhật được một năm nhưng đã ra vẻ là khách hàng thường xuyên của quán này. Cậu bảo, công nhận đồ ăn Nhật ngon, sạch nhưng vẫn thích các món Việt hơn. Em còn cho biết, người Nhật rất tốt, nhưng họ cứ kỳ kỳ thế nào ý.
Đối với người qua Nhật lâu hơn, đi lại vẫn là một trở ngại. Cháu gái Nhâm qua được ba năm mà chưa bao giờ đi thăm thủ đô Tokyo. Tôi hỏi tại sao thì cháu bảo cháu không có tiền, vé xe lửa tốc hành đắt lắm. Ở Nhật có đến hai loại xe lửa, một metro, một tốc hành và xe buýt cũng tính là một loại phương tiện công cộng nữa. Người Việt là cộng đồng có tỉ lệ tội phạm cao nhất, nhưng cũng tội nghiệp, các loại phạm pháp phổ biến cũng chỉ là ăn cắp vặt và “đá tàu”, tức đi tàu mà trốn vé. Nhâm là con gái nên không thể chạy nhanh để mà trốn vé được.
Người Việt là cộng đồng đông đứng hàng thứ ba, sau người Hoa và người Hàn. Xếp tiếp sau có thể kể đến người Indonesia, Philippin và Brazil. Tổng số người Việt ở Nhật Bản lên đến 350,000 chưa kể khách du lịch và người sang chữa bệnh.
Khi được hỏi: “Bạn từ đâu đến ?”, tôi cứ quen miệng: “Việt Nam” làm con gái cứ nhắc: “Bố phải nói từ Australia chứ”. Như vậy người Việt ở Nhật còn đông hơn cả Úc, đó là một bất ngờ với tôi trong chuyến đi này.
Do gần gũi về địa lý và văn hóa, người Việt và người Nhật đã có những giao lưu từ lâu đời. Đầu thế kỷ 20, phong trào Đông du dưới sự lãnh đạo của Phan Bội Châu và hoàng thân Cường Để đã lôi kéo hàng trăm thanh niên trí thức sang đất nước Mặt Trời mọc. Phong trào Đông du thất bại, nhưng họ là những người Việt Nam đầu tiên định cư tại nước Nhật.
Tiếp theo, làn sóng thuyền nhân tị nạn vào thập niên 80 thế kỷ trước đã đưa hàng chục ngàn người sang Nhật, trong số đó hàng ngàn người Việt đã được cấp quốc tịch Nhật Bản. Tuy nhiên, giờ đây nhóm nguồn gốc “tị nạn” đã trở thành thiểu số vì nhóm “thực tập sinh” mới là đông nhất, chiếm khoảng một nửa trong tổng số người Việt tại Nhật. Bên cạnh đó, còn có nhóm “du học” và “lao động xuất khẩu”. Số người sống bất hợp pháp tại quần đảo của Bắc Á khá lớn, lên đến xấp xỉ hai triệu người, nhưng không có thống kê bao nhiêu số lượng của người Việt.
Xưa kia, nước Nhật không có gì được coi là văn minh và giàu có hơn Việt Nam. Nhưng cuộc cải cách của Thiên hoàng Minh Trị vào cuối thế kỷ 19 đã mau chóng đưa họ trở thành một cường quốc. Là nước nhỏ, Nhật đã dám gây chiến và đánh thắng Nga, Trung Quốc và Mỹ, xâm chiếm Triều Tiên, Việt Nam, Philippin, Indonesia và Miến Điện. Từ đống tro tàn sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, một lần nữa nước Nhật lại trỗi dậy, trở thành nước có nền kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới.
Vào đầu thập niên 90, Nhật là nước ủng hộ Việt Nam thoát khỏi cấm vận và đi đầu trong thương mại và đầu tư. Anh Sơn, một Việt kiều Nhật mà tôi được quen biết trước đây đã kể rằng các anh đã mang các mẫu mã hàng sơn mài Nhật về Việt Nam. Từ đó, sơn mài trở thành một trong những chủ lực hàng xuất khẩu của Việt Nam trong hoàn cảnh còn đang khan hiếm ngoại tệ mạnh.
Sự phát triển thần tốc của Nhật Bản có lúc đạt đến trên 20% tăng trưởng GDP cũng đến lúc đi đến giới hạn. Chục năm qua được mô tả là “thập kỷ bị đánh mất” khi nước Nhật hầu như không có tăng trưởng kinh tế. Một trong những trở ngại là vấn đề lão hóa dân số  dẫn đến việc thiếu hụt nhân công. Nhưng rất may, Nhật Bản đã kịp là nước giàu có, mức lương cao, môi trường tốt và cuộc sống quyến rũ để dễ dàng thu hút lao động có tay nghề từ các nước, trong đó có Việt Nam. Với chính sách mới, Nhật Bản không còn là một đất nước “thuần chủng” mà từng bước trở thành một mảnh đất của di dân.
Thực tế cho thấy, người Việt Nam, với các loại hình khác nhau đã sang Nhật sinh sống và làm việc một cách đột biến trong những năm gần đây. Đối với giới khá giả, du lịch Nhật đang lên cơn sốt, cùng với nó là làn sóng đi chữa bệnh tại Nhật Bản.

Cục diện big 6 có nguy cơ bị phá vỡ tại Giải Ngoại Hạng Anh

Tính đến hết vòng đấu thứ 7 Ngoại Hạng Anh, một tình huống chưa từng gặp trong những năm gần đây đã xảy ra: một nửa số đội thuộc big 6 đã bị bật ra khỏi top 4. Tệ nhất chính là đội giàu thành tích nhất của kỷ nguyên Premier League: Manchester United, xếp hạng 10. Đội "đỗ vớt" Arsenal đứng thứ tư cũng chỉ bằng điểm với đội West Ham kế tiếp. 
Cũng nên nhắc lại, Premier League bắt đầu từ mùa giải 1992-1993. Tuy nhiên đến mùa giải 1994-1995 thì số lượng đội bóng mới rút từ 22 xuống 20 đội như hiện nay. 
Premier League ra đời trong bối cảnh bóng đá Anh đang trải qua giai đoạn suy thoái nặng nề vì bị kỷ luật cấm thi đấu ở ba cup Châu Âu. 
Trong trận tranh cup vô địch châu Âu giữa Liverpool và Juventus 1985, cổ động viên Anh đã gây bạo loạn tại sân vận động Heysel, Bỉ, làm hàng chục người chết. Liên đoàn bóng đá châu Âu ra lệnh cấm 5 năm đối với bóng đá Anh. 
Trong một chiều hướng trái ngược, vào thập niên 80 và đầu 90, Ý mới là quốc gia ngự trị châu Âu. Các danh thủ đương thời đổ dồn về nước Ý, có thể kể đến Rummenigge, Gascoigne, Platini, Zico, Maradona... Cùng lúc là các đội Juventus, AC Milan, Inter Milan, Napoli làm mưa làm gió trên đấu trường châu Âu. 
Về cuộc đua bên phía đội tuyển quốc gia, danh thủ Lineker đã có một câu nói để đời: "bóng đá là trò chơi do người Anh nghĩ ra nhưng người Đức thường dành phần thắng".
Premier League là một cuộc cách mạng về thể chế, nó cho phép các câu lạc bộ có quyển lợi và trách nhiệm như một cổ đông. Chính vì thế, các câu lạc bộ có điều kiện huy động những nguồn vốn khổng lồ không chỉ của nước Anh mà còn bên ngoài. Các câu lạc bộ Anh cũng đi tiên phong trong việc thu nhận những tài năng từ ngoại quốc. Không có gì lạ khi Ngoại Hạng Anh trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. 
Khi Wenger về nắm Arsenal, Ngoại Hạng Anh ngay lập tức, là một cuộc đua song mã giữa Manchester United và Arsenal cũng như cặp già gân Ferguson với Wenger. Năm 2004, tỉ phú Abranovich mua Chelsea, một cục diện mới mà người ta thường gọi là big 4, với ba đội vừa kể, cộng thêm đội bóng giàu truyền thống Liverpool. 
Tiếp theo, khi Manchester City rơi là tay hoàng thân Mansour, từ mùa 2009-2010 đội này đã thay da đổi thịt và trở thành một thế lực lớn. Cũng từ lúc này, Tottenham cũng cạnh tranh khá thành công một vị trí thuộc top 4, hình thành cục diện big 6. 
Mùa bóng 2018-2019, sáu đội chiếu trên của Anh đã tỏ ra hùng mạnh hơn bao giờ hết, tất cả đều lọt vào tứ kết hai Cup châu Âu, trong đó bốn đội lọt vào hai trận chung kết để rồi Liverpool và Chelsea ẵm hai giải. Theo quy luật quả lắc, có lẽ nay là lúc các đội big 6 sau khi lên đỉnh thì nay tỏ ra mỏi mệt, ít nhất là một nửa trong số họ. Chúng ta thử chiêm nghiệm điều đó trong các trận đấu cuối tuần, nhất là khi ba đội Tottenham, Chelsea, Manchester đều phải đá trên sân khách. 

Những cuộc mưu sát nổi đình đám ở Vương quốc Saudi Arabia

Một lần nữa, cái chết của Thiếu tướng Al Fagham, cận vệ riêng của Vua Salman, lại làm dư luận xôn xao về những điều bí ẩn của Vương quốc Saudi Arabia. Theo thông báo chính thức, Al Fagham bị bắn chết cùng hai người bị thương khác là do tranh cãi cá nhân với một người tên là Al Ali. Có điều, Al Ali đã bị cảnh sát bắn chết nên khó có thể tìm hiểu được những nguyên nhân sâu sắc hơn. 
Báo chí Saudi đã đăng tải những lời có cánh dành cho vị cận vệ của Vua trong 15 năm qua, nhưng sự thật đầy đủ về cái chết của ông có thể còn rất lâu, hoặc không bao giờ được công bố. Liệu có thể tin một nhân vật đầy quyền lực của hoàng gia, mang đến lon tướng mà ai đó dám bắn hạ, chỉ vì "cãi nhau"?
Mới năm ngoái, cái chết của nhà báo Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đó như một món nợ với công luận bởi sự thiếu vắng thông tin. Đến nay vẫn còn những mờ ám về việc vì sao, thế nào và đặc biệt, ai là người đã ra lệnh giết hại cây bút đối lập này. 
Hai vụ chết người này làm mọi người nhớ lại một vụ ám sát kinh hoàng hơn, đã giết chết Vua Faisal vào năm 1975.
Theo tin chính thống, Faisal bị cháu ruột ông, người cùng tên Faisal bắn hai phát súng, một vào cằm và phát kia qua lỗ tai. Tuy nhiên, vì sao cháu lại bắn chú thì quả là khó có thể thuyết phục được mọi người. 
Vua Faisal lên ngôi sau khi phế truất anh trai là Vua Saud vào năm 1964. Những người được coi là hậu thuẫn cho Faisal trong cuộc đảo chính không đổ máu này chính là nhóm "seven Sudairi", bẩy anh em cùng mẹ Sudairi. 
Hassa Al Sudairi là người vợ có tới 7 con trai chung và là nhiều nhất với Abdulaziz, Nhà sáng lập ra Saudi Arabia vào năm 1932. Mối tình của hai người khá đặc biệt. Hassa lấy Abdulaziz khi cô mới 13 tuổi, những chỉ một thời gian ngắn thì li dị. Sau đó, cô lấy em cùng cha khác mẹ của Abdulaziz và sinh được một con trai. Nhưng Abdulaziz lại ép em trai li hôn để “trả” Hassa lại. Về sau, em gái của Hassa lấy Faisal, con trai của Abdulaziz với một trong các vợ trước. Như vậy là hai bố con kết hôn hai chị em, điều được coi là loạn luân ở châu Á nhưng lại bình thường ở xứ Ả Rập.
Sau cái chết của, Khalid lên ngôi đã bị coi là một ông vua không có thực quyền. Fahd, người anh cả trong nhóm “Bẩy anh em” (seven Sudairi) làm Thái tử kiêm Thủ tướng, các em ruột của ông giữ các chức vụ trọng yếu như Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, đánh dấu giai đoạn nhóm Sudairi chiếm giữ quyền lực tại đất nước từ đó tới nay. "Đương kim hoàng thượng" Salman lúc đó còn nhỏ tuổi nhưng đã nắm Thống đốc thủ đô Riyadh. 
Sự tranh giành quyền lực diễn ra ở tất cả các nước, nhưng ở Vương quốc Saudi Arabia, nó được ví như những đợt sóng ngầm đầy bí ẩn.