Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Bãi biển màu xanh lục

 

Nhà mình có ba anh em, bố mẹ mất rồi. Hai đứa em ở Vietnam hẹn với mình đưa các cháu sang chơi mà khất lần hết năm này sang năm khác. Mãi đến dịp mùa đông vừa qua một lũ già trẻ trai gái mới kéo nhau sang. Mình đã tính rủ chúng nó đi Jervice Bay, bãi biển nước trong nhất thế giới nhưng không dám đặt phòng trước. Nay chúng sang rồi, chắc rồi, thì lại hết chỗ ở. Chẳng còn cách nào khác, mình mướn một căn nhà gỗ 6 phòng, ngay sát bờ biển, cách Jervice Bay không xa lắm.
Một gia đình người bạn có con nhỏ cũng tham gia, như vậy có bốn gia đình, vui quá chừng. Trên đường đi, cả nhóm ghé vào chùa Nan Tiên, ngôi chùa Phật giáo hùng vĩ nhất Nam bán cầu. Đến ngôi nhà khi đã sang tầm chiều, ai cũng đói. Bọn mình đã chuẩn bị trước đồ nướng mang theo trên xe, nên chỉ nhóm lò là có cái ăn ngay.
Mình già lão nhất và ở tuổi này không ăn được nhiều nữa. Tranh thủ nhá nhem tối, mình lội bộ ra bờ biển. Biển xa lắm, tít tận chân Trời, nhưng mình vẫn nhìn thấy một hòn đảo nhỏ, phủ lớp cây xanh rì.
Hưởng tí không khí trong lành, màn đêm buông xuống và nhiệt độ cũng tụt rất nhanh, mình định về thì thấy một ông cụ già, râu tóc bạc phơ, đang ngồi một mình trên mỏm đá sát bờ biển. Khi leo lên cao, bất chợt mình thấy nước ở đây không phải màu xanh nước biển mà là xanh lục. Ông già bảo, ngày xưa biển cũng xanh như xanh ở nơi khác, nó chỉ chuyển xang màu lục từ bẩy mươi năm trước.
Button, tên ông già, làm mình nhớ lại một vụ án nổi tiếng mà mình đã từng đọc. Hồi đó, một nhóm bốn đôi trai gái rủ nhau đi tắm biển. Họ là những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học Wollongong, trong đó 3 đôi còn yêu nhau và một đôi đã làm đám cưới. Button là người duy nhất vẫn còn sống trong nhóm tám người, nay ở tuổi ngoài chín mươi. Cụ có ba người con, chín người cháu và đã có chắt.
Khi cả nhóm đang bơi lội thỏa thích thì anh chồng mới cưới kêu mất vợ. Mọi người nháo nhác đi tìm nhưng không thấy. Cuộc vui bỗng chốc trở nên nỗi buồn mênh mông. Sau đó, mỗi người đi một phương, chỉ có Button và bạn gái ở lại vì họ đã tìm được việc làm ở vùng này.
Nhưng đây là một vụ án đầy bí ẩn, mình tò mò muốn hỏi Button xem ông là người trong cuộc thì có biết gì khác hơn những điều viết trên sách báo. Tuy nhiên ông rất ít nói, hầu như chỉ trả lời nhát gừng những điều mình hỏi.
Chín ngày sau, sóng biển đưa xác người phụ nữ xấu số vào bờ. Khi đến khám nghiệm tử thi, cảnh sát ghi nhận cô mặc bộ đồ bơi màu xanh lục mà và có vết chấn thương ở gáy. Điều này hoàn toàn đáng ngờ vì khi đi bơi,mọi người đều biết cô mặc bộ bơi màu đen. Chủ nhà hàng bên bờ biển còn xác nhận họ đã đón một cặp đôi khách hàng với nhận diện giống như cô gái đã mất tích hồi buổi chiều, nhưng đến tối vẫn vào nhà hàng.
Từ những đầu mối đó, cảnh sát đưa ra giả thiết cô gái bị giết. Cô là người bơi rất giỏi, đủ sức có thể bơi ra hòn đảo nhỏ vẫn được nhìn thấy bằng mắt thường. Chờ ở đó đến khi Trời tối, cô bơi vào bờ và đi ăn tối với anh chồng. Ăn xong, hai người đưa nhau ra bờ biển, bàn chuyện sẽ làm gì với một triệu đô tiền bảo hiểm nhân thọ. Anh chồng tàn bạo nghĩ: con này đằng nào cũng đã chết, lại phải thay tên đổi họ cũng phiền, thôi cho nó chết luôn. Rất có thể, anh ta đã chuẩn bị sẵn bộ đồ bơi màu xanh lục để thay vào xác cô.
Tuy vậy, khi sự việc được đưa ra Tòa thì Tòa cho rằng không đủ bằng chứng và nhân chứng để kết tội nghi phạm. Chẳng biết có phải vì thế không, Trời đất sa sầm, một trận cuồng phong dữ dội, biển không còn xanh biếc như ngày xưa mà đổi sang màu tối tăm như bây giờ. Cũng từ đó, vùng biển này được coi là có dớp, cứ vài năm lại mất một mạng người.
Gần bờ biển yêu quái này có một trang trai chăn nuôi bò khổng lồ. Bình thường ra, mùa này bò chỉ ăn cỏ khô đã tích trữ, nhưng nhờ vào khí hậu và địa hình tốt, hàng ngày đàn bò vẫn tỏa đi ăn cỏ tươi. Một con bò bị lạc đàn, nghe tiếng kêu của nó thật thảm thương.
Về đêm, bãi biển trở nên yên tĩnh lạ thường, chỉ còn sóng biển ào ạt theo từng cơn. Thực sự, cả dãy nhà ven biển chỉ mỗi chỗ mình có người ở. Từ trong nhìn ra ngoài Trời tối như mực, một bóng người, đúng ra là hình bóng một bé trai mảnh khảnh đi từ chỗ mỏm đá về phía nhà mình, nhưng gần đến nơi thì mất hút. Nằm xuống giường, mình nghe thấy tiếng đứa trẻ gọi mình và kêu đói, kêu rét. Nó xưng nó là vong mới, nó rất nhớ người thân, bạn bè nên vẫn chưa thể siêu thoát mà vẫn lẩn quẩn quanh đây. Mình kể chuyện với bà xã và các em, mọi người bảo, bác mới gặp ông già có một chốc mà đã nhiễm cái lẩn thẩn rồi.
Sáng hôm sau, nắng vàng chan hòa, cả đoàn tụi mình đi ra thăm thị trấn nhỏ thôn quê, vừa tìm đồ ăn sáng. Ngày chủ nhật, các cửa tiệm đều đóng cửa, ngoại trừ quán cà phê, nơi còn bán các đồ ăn nhẹ như bán ngọt, sandwich hay meat pie. Khi đi về những vùng sâu vùng xa, mình rất thích tìm đọc những tờ báo và tạp chí địa phương để xem cuộc sống bà con ở đây ra sao, có sự kiện gì không. Trong tập báo cũ của quán cà phê, bất giác mình thấy một tấm hình trông quen quen. Đó là Rudd, 10 tuổi, chắt gọi Button bằng cụ, bị nạn chết cách đây ba tháng!
Sau giờ học, bọn trẻ rủ nhau ra bãi biển lướt sóng, một trò chơi mà bọn trẻ rất ưa thích. Chơi xong, chúng leo lên mỏm đá ngồi ngắm biển. Bỗng một cơn sóng dữ chồm lên cuốn phăng thằng bé đi. Bọn trẻ nhìn theo bạn thì thấy luồng nước xoáy cuộn tròn nhấn chìm Rudd xuống đáy, từ đó bốc lên một luồng khói màu xanh lá cây đậm đặc. Bọn nhỏ kinh hãi la hét và bỏ chạy.
Đội người nhái liên tục làm việc ba ngày liền mà không tìm thấy xác cháu. Nhưng bẩy ngày sau, sóng biển đưa thi thể vẫn còn gần như nguyên vẹn vào bờ. Gia đình đã tổ chức lễ cầu siêu cho cậu bé ngay ngoài biển. Button lụ khụ ra thăm xác chắt của cụ lần cuối. Cụ đã làm mọi người cảm động khi nói rằng, cụ chỉ mong cái thân già được về với biển, sao cho những linh hồn thơ ngây thoát khỏi lời nguyền bẩy mươi năm qua.

Trao đổi: Sống ở đời, biết sao là dại, là khôn?


Nghĩ về những chuyện quá khứ đã qua, liệu quý vị có nuối tiếc theo kiểu giá mà biết vấn đề sớm hơn, hiểu rõ hơn thì mình sẽ xử lý khác, không làm như thế. Đôi khi bạn còn ước gì mình kém thông minh hơn để đừng nghĩ nhiều, cứ nghe theo lời khuyên của người khác cho khỏe, trong đó những lời chỉ bảo của cha mẹ là đáng tin cậy nhất.
Trong vai trò phụ huynh, bạn sẽ đánh giá về những đứa trẻ của mình thành ra đứa khôn, đứa dại. Tiêu chí để đánh giá khôn dại là nó có chịu nghe lời cha mẹ hay không.
Già rồi, mình mới nghiệm ra rằng, trong rất nhiều trường hợp, nghe lời cha mẹ là khôn ngoan nhất, còn ương bướng, chống đối là dại dột. Tuy nhiên, “thất bại là mẹ thành công”, tuổi trẻ vẫn cần trải nghiệm thực tế, chứ cứ làm theo lời người khác, dù an toàn hơn thì cũng rất nhàm chán. Thực sự, nếu chỉ biết nghe lời thì cũng thui chột hết sự tự tin, sáng tạo và những năng lực tiềm ẩn khổng lồ trong mỗi cá nhân.
Vậy cũng khó ha, nghe lời không hay ho gì mà không nghe lời cũng kẹt. Giờ làm sao? Hai bên cha mẹ và con cái nên thảo luận để có một thỏa thuận hợp lý, cái gì là vấn đề tự do cá nhân, bố mẹ không được tham gia, cái gì nên cho cha mẹ biết để góp ý kiến và giúp đỡ khi cần.
Để đi đến sự trưởng thành, đó là cuộc sống có kỷ luật, có nguyên tắc theo hành lang nào đó. Do đó, dù bằng miệng hay văn bản, rất cần những thỏa thuận, đổi chác một cách rõ ràng rành mạch.
Điều quan trọng là mỗi giai đoạn phát triển phải có một “cơ chế” mới, chẳng hạn như thời gian tiểu học, vào trung học, Đại học hoặc học nghề, rồi lớn hơn sẽ ra sao.
Còn nhỏ, đương nhiên cha mẹ bao sân toàn bộ, nhưng đến lúc nào phải biết tự lo vệ sinh cá nhân, ăn và mặc. Cha mẹ có được tham gia vào chuyện học hành và định hướng nghề nghiệp không và con cái cũng không nên giấu giếm cha mẹ về chuyện yêu đương, đồng thời cha mẹ phải có cư xử lịch sự, tôn trọng bạn của con.

Một thực tế đáng buồn, cha mẹ nói chân tình thì như nước đổ đầu vịt, còn người ngoài mới "đánh rắm" đã cuống quít cả lên.
Một người thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào những người xung quanh, đặc biệt là những thành viên trong gia đình. Cách ứng xử các mối quan hệ này sẽ làm phân hóa ra kẻ khôn, người dại?





 

Vì sao Man Utd lép vế trong cuộc đua vào top 4

 

Manchester United vào kỷ nguyên hậu Sir Alex không còn huy hoàng nhưng mục tiêu top 4 không phải xa vời. Bằng chứng là hai mùa bóng gần nhất đội đều về đích ở hang ba và hạng nhì chung cuộc. Trong số 4 đội top 4 hình thành trong hai mùa giải đó, Man city, Liverpool và Chelsea vẫn cho thấy sự ổn định, chỉ riêng Man Utd thì đang trượt ra ngoài.
Hiện tại, fan của đội đang cảm thấy sỉ nhục khi một đội bóng danh tiếng với đầy rẫy ngôi sao lại đang đứng hạng 7 và trên thực tế rất khó đạt mục tiêu khiêm tốn là top 4.
Ban tổ chức Premier League vừa cho hoãn trận đấu Tottenham – Arsenal và đây là trận dấu thứ 21 được hoãn vì Covid, bởi thế qua 22 vòng đấu thì hầu hết các đội đều bị thiếu trận, thiếu nhiều nhất là đội bét bảng Burnley, với đá 17 trận.
Mặc dù vậy, với đại đa số đã đá 19 trận trở lên, tức một nửa tổng số trận thì cục diện xếp hạng đã hình thành. Với ba suất “ván đá đóng thuyền” như kể trên, hiện có đến bốn đội đang ráo riết tranh giành suất còn lại, đó là Westham, Arsenal, Tottenham và Man Utd.
Mặc dù đang tạm đứng hạng 4 nhưng Westham lại được coi là đuối nhất trong số 4 đội, trong khi Tottenham mới là đội chiếm ưu thế nhất vì nếu đá đủ số trận thì họ mới là đội có thể vượt lên khi kém Westham 4 điểm và ít hơn 3 trận.
So sánh Arsenal và Man Utd thì Man Utd kém 3 điểm với cùng 20 trận. Như vậy nếu đổ đồng cơ hội của mỗi đội là 25% thì Man Utd ở cửa dưới, xác suất lọt vô chỉ vào khoảng 20%.
Trong hai mùa giải gần đây, Arsenal và Tottenham gần như tuyệt vọng trong cuộc đua vào top 4 thì năm nay, cơ hội của họ bỗng dưng trở nên sáng sủa vì sự sa sút bất ngờ của Man Utd. Niềm vui của Pháo thủ và Gà trống được nhân lên khi Man Utd chọn Rangnick làm HLV tạm quyền cho đến hết mùa giải.
Đây có thể coi là một quyết định không thể ngớ ngẩn hơn. Rangnick là một người lý thuyết xuông mà chưa có thành tích gì trên thực tế. Ông đã già nhưng chưa hề có kinh nghiệm dìu dắt bắt kỳ một đội bóng lớn nào.
Với sự điều hành của lý thuyết gia này, hàng loạt cầu thủ của đội tỏ ra thiếu cố gắng và chơi sa sút, điển hình là đội trưởng Maguire, đội phó Fernandes, Rashford, Martial. Riêng Martial dù không chấn thương mà đã gây sốc khi từ chối ra sân trong trận đấu đêm qua với Anston Villa.
Với Ronaldo thì khỏi phải nói, đó là sự bất mãn lớn lao khi anh nói: tôi về đây không phải để xếp hạng 7. Tâm trí Ronaldo chắc hẳn đang có rất nhiều ân hận khi anh đã tự hủy hoại danh tiếng của mình khi đầu quân cho một đội bóng “bậc trung” thế này.
Rangnick đã gặp may khi chưa phải đối đầu với bất kỳ đội bóng mạnh vào trong nhóm big 6 + 1 (tính thêm Westham) vậy mà thành tích vẫn khá thất vọng khi hứng đến 1 thua và hai hòa.
Dưới thời Moyes, Giggs, van Gaan, Mourinho, Solskjaer, Carrick, Man Utd không quá ấn tượng nhưng đá vẫn có đường nét, ý đồ chiến thuật rõ ràng, chỉ đến Rangnick thì mới thực sự là bát nháo, không hiểu theo cái thể thống gì.
Có thể nói trước rằng sắp tới khi Man Utd gặp các đội bóng lớn thì cả dàn ngôi sao sễ trở nên cô đơn hơn bao giờ hết với những trận thua tan nát.

Cuộc đấu tranh ai thắng ai trở nên gay cấn

 

Nếu như cuối 2021 dậy sóng bằng các thể loại Thánh rắc muối, Thánh ngoáy mũ thì sang 2022, lại là những tin tức về giới tỉ phú Việt Nam.
Hai vụ Dũng “chăn voi” và Quyết “lùa gà” gần như xảy ra cùng một lúc. Bằng một bức tâm thư lời lẽ thống thiết đến mức cư dân mạng đề cử trao giải Nobel văn học như ý nguyện của chủ tịch nước, Dũng chăn voi, tức Dũng béo đã từ bỏ khu đất vàng ở Thủ Thiêm.
Cá nhân mình nghe danh Thủ Thiêm bắt đầu vào năm 2006. Hồi đó PCT Mỹ Hoa sang Dubai thì Chủ tịch Tập đoàn Dubai World với vốn sở hữu của hoàng gia Al Matoum đã đăng ký gặp. Vào ngày chủ nhật, cậu phiên dịch đi chơi vắng nên mình đành phải làm chân phiên dịch. Nội dung chính của buổi gặp là Dubai World quan tâm đến đất Thủ Thiêm và hình như phía “bạn” biết cô Mỹ Hoa là chị vợ của anh Hải, đương kim chủ tịch Sài Gòn lúc đó.
Về sau được biết dự án của Dubai World không thành, có tin đất Thủ Thiêm “phức tạp” lắm vì nó liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng. Thời chiến tranh, vùng ven sông Sài Gòn, nơi có địa hình kênh lạch chằng chịt là nơi đặc công Việt Cộng hoạt động mạnh.
Trở lại với Dũng béo, người ta cho rằng ông phải bỏ của chạy lấy người vì bị công an “xác minh” một số chuyện làm ăn.
Cảnh ngộ của Quyết lùa gà, tức Quyết còi hiện này cũng bi đát không kém. Hành động rút vốn của ông quá thô nên đã bị phong tỏa tài khoản và vô hiệu hóa giao dịch.
Theo động thái khác, Vượng vin, tỉ phú giàu nhất Việt Nam đã quyết định từ bỏ dự án hàng không Vinpearl Air cũng như một loạt dự án lớn khác.
Không hẹn mà gặp, giới tài phiệt hàng đầu dường như đang tìm đường tháo lui, downsize và thoái vốn lại các doanh nghiệp của mình. Họ không muốn kiếm tiền nữa hay có dấu hiệu chẳng lành nào đó?
Nhìn sang đất nước “ông anh” là Trung Cộng, một loạt tỉ phú cũng có chuyện mà vụ việc nổi tiếng nhất là Jack Ma, ông chủ Alibaba đã từng bị nhập kho và phải “tình nguyện” bỏ ra một số tiền kha khá thì mới được thả.
Bên Mỹ và Phương Tây thì không thể có chuyện các tỉ phú bị dọa nạt, bắt nhốt và ăn cướp tiền trắng trợn như vậy. Đúng ra là ngược lại, giới tài phiệt đã thao túng chính phủ, các chính sách kinh tế xã hội phải phục vụ cho quyền lợi làm ăn của giới doanh gia.
Mình tin rằng có một cuộc đấu tranh “ai thắng ai” không khoan nhượng giữa quyền lực nhà nước, “bên cầm súng” và những doanh dân “bên có tiền”. Có điều cuộc đấu tranh thế này ở các nước tiên tiến đã kết thúc thì ở các nước độc tài vẫn tiếp diễn, trong đó quan chức vẫn đang chiếm ưu thế so với doanh nhân.
Nếu như phương Tây có câu chính phủ “vì dân, do dân và của dân” thì phương đông cũng có câu “lấy dân làm gốc”. Ở đây khái niệm “dân” không phải những người dân ngu khu đen mà chính là các “đại gia” kiểu như Tây Môn Khánh trong Kim Bình Mai, chứ không phải là các “a hoàn” mà Khánh có thể đè ra hiếp bất cứ lúc nào, thậm chí đánh chết.
Đến khi xã hội có sự tiến hóa, xóa bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ, con người được tự do, bình đẳng thì dân mới là “dân” theo cách hiểu phổ quát hiện nay.
Trong đám bách tính, một bộ phận đã vượt lên, chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh và trở nên giàu có. Nhìn góc độ nào đó, họ chỉ biết “cạp đất” mà ăn và buôn bán chính sách. Nhưng cũng không hẳn như thế, đó cũng thể hiện sự nhạy bén, thích nghi với hoàn cảnh. Để giàu có thành công, con người phải có tài năng nhất định, mặc dù có thể hiểu là tài theo nghĩa tốt hay theo nghĩa xấu.
Khi đã trở nên giàu có, để bảo vệ tài sản, sự an toàn cá nhân và gia đình, giới nhà giàu phải tìm cách mua chuộc, hối lộ quan chức, đẻ ra tình trạng tham nhũng. Tham nhũng ở các nước Phương Tây ít hơn vì pháp luật bảo vệ quyền tư hữu bất khả xâm phạm, đồng thời quyền lực được giám sát chặt chẽ bởi cơ chế tam quyền phân lập.
Trong quá khứ đã có những cuộc đấu tranh "ai thắng ai” cực kỳ khốc liệt, đó là cải cách ruộng đất những năm 1954-1956 và “đánh tư sản” năm 1975-1976.
Tại Trung Quốc, sau một giai đoạn phát triển nhanh, hình thành một tầng lớp giàu, trở thành tư bản thân hữu, ăn chia với quan chức và như vậy đã phần nào lũng đoạn nhà nước. Mặt khác, một nước Trung Quốc thịnh vượng, trỗi dậy, cạnh tranh với Mỹ sẽ làm căng thẳng mối quan hệ với Mỹ và phương Tây và rất dễ dính đòn trừng phạt bao vây.
Chiến dịch của Tập Cận Bình nhắm vào giới nhà giàu sẽ củng cố quyền lực của Cộng đảng, nhà nước thu được tài sản. Điều này làm kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại, cũng lại là cách để hòa dịu với Mỹ, vào thời điểm Trung Quốc chưa đủ sức chống chọi ngang bằng và dễ tổn thương.
Liệu Việt Nam có theo chân Trung Quốc để trở về thế giới đại đồng hay không? Hãy chờ xem.

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Ulladulla

 



Hãy để ngày ấy lụi tàn

 

Thế giới ngày nay và thế giới “ngày ấy” khác nhau rất nhiều, khác về bản chất chứ không phải từ bề ngoài.
Hồi nhỏ, nghe các anh lớn khoe với nhau rằng đã bóp vếu chị A, chị B, chị C... làm mình rất lấy làm tò mò. Lớn một chút, không còn là tai nghe nữa mà được tận mắt chứng kiến những việc như vậy. Có điều lạ, không thấy các chị giận, có chị còn cười.
Ký ức tuổi thơ của những người thuộc thế hệ với mình chắc không thể thiếu những trận đòn thừa sống thiếu chết. Gần nhà mình có bạn mỗi khi bị bố đánh phải ra chợ Châu Long ngủ, có hôm trời mùa đông giá rét, còn hơn về nhà, thấy ngứa mắt lại cho trận nữa.
Theo ngôn ngữ hiện đại, những sự việc kể trên gọi là quấy rối tình dục và bạo hành gia đình.
Người ta kể rằng, Mao Trạch Đông bị ăn đòn nhiều đến nỗi có ác cảm với bố. Đến khi trở thành Chủ tịch nước, hầu như ông không bao giờ nhắc gì đến bố.
Ngược dòng thời gian nữa, thời trung cổ được giới sử học gọi là thời kỳ dã man, khi mạng sống của con người bị coi như cỏ rác.
=0=0=0=0=0=
Chúng ta đang sống trong một thế giới khác hẳn, trong đó con người được xã hội bảo vệ bởi luật pháp, theo một từ ngữ gọi là “nhân quyền”.
Ăn uống no đủ chưa phải là nhân quyền vì con chó hay con lợn cũng cần được ăn uống tốt. Nhân quyền là khái niệm tinh thần, không phải vật chất nên con vật không hiểu được mà chỉ có con người.
Cha mẹ đánh con không còn chuyện nội bộ gia đình mà đó là vấn đề phạm pháp nghiêm trọng. Không thể chấp nhận lập luận rằng bé An 8 tuổi bị chết là do “dậy dỗ” và đánh quá tay. Vì thế vụ việc cần được xử lý nghiêm khắc theo giá trị phổ quát của loài người.

Thế giới 2021: Bức tranh tối nhiều sáng ít

 

Bước vào năm 2021, thế giới có chút ít hy vọng bởi việc ứng dụng vaccine để thoát khỏi đại dịch Covid. Hết một năm nhìn lại cho thấy tình hình vẫn còn phức tạp với hai biến chủng Delta và Omicron phát sinh trong năm làm số ca nhiễm đạt tới mức kỷ lục. Hóa ra càng tiêm thì càng nhiều ca, những nước dồi dào vaccine ở Âu Mỹ Á bị nặng hơn những nước ít vaccine như Châu Phi.
Nếu nói năm 2021 là một năm đầy đau thương mất mát thì mới đúng một phần khi tỉ lệ tử vong đang có dấu hiệu giảm, nhưng dù sao cũng là một năm xấu nhiều hơn tốt.
Nhìn từ quê hương Việt Nam, chưa có bao giờ những khó khăn cùng lúc dồn về: bệnh dịch tràn lan, kinh tế đi xuống với mức tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua. Hình như “ông anh” Tàu Cộng đã chọn đúng “điểm rơi” để bồi cho một cú đóng cửa biên giới, gây ách tắc hàng hóa trên quy mô lớn.
Lý giải về hiện tượng này, cụ Thủ tướng Chính cho rằng cần xóa bỏ tiểu ngạch và tiến lên làm ăn chính ngạch. Tuy nhiên đây là thực tế đã tồn tại vài chục năm qua, đâu dễ khắc phục trong ngày một ngày hai. Tình hình đang làm cho các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc thêm nản lòng.
Nhìn lên bầu trời toàn cảnh hai đám mây đen bao phủ, đó là tình trạng lạm phát ở Mỹ và vỡ nợ bất động sản tại Trung Quốc.
Điều cần nói ngay rằng, lạm phát lên đến 7% là kết quả của việc điều hành kinh tế kém cỏi của chính quyền Biden trong 1 năm qua. Lạm phát là một trong những yếu tố nhức nhối nhất trong kinh tế, có nguyên nhân rất phức tạp và do đó cũng vô cùng khó để đào thoát ra.
Tại Trung Quốc, tới nay mới có 2 công ty bất động sản phá sản là Evergrande và Kaisa nhưng còn thêm 4 công ty xếp hàng chờ, đó là Fantasia Holdings, Modern land, China Properties, Xinyuan. Chính quyền Trung Quốc đang ra sức chèo kéo để vấn đề không bung bét cho đến sau Đại hội Đảng, dự kiến nhóm họp vào giữa năm.
Những vấn đề của Mỹ và Trung Quốc ắt hẳn sẽ đến lúc ảnh hưởng khắp toàn cầu, hiện cũng chẳng sáng sủa gì cho lắm. Kinh tế EU và Nhật vẫn đang chìm trong đêm tối và có lẽ còn lâu nữa mới ló rạng bình minh.
Còn với điểm nóng “khúc giữa” ở Trung Đông phát sinh thêm vấn đề Taliban trở lại cầm quyền tại Afghanistan. Hệ quả của nó là nước này bị thế giới cô lập, cắt đứt viện trợ và nền kinh tế sụp đổ.
Tương tự là Myanmar sau đảo chính quân sự, bất ổn tiếp tục kéo dài, chưa nhìn thấy lối ra và không loại trừ việc bùng lên một cuộc nội chiến.
Nhưng vẫn còn một điểm sáng đâu dó. Nước Úc vừa ra khỏi thiên tai hạn hán cháy rừng, lâm ngay vào chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Covid cũng kha khá vậy coi chừng vẫn bình chân như vại. Các kênh đầu tư chính như địa ốc và chứng khoán đều tăng trưởng cao vút.
Năm 2022 là năm bầu cử tại Úc, vì thế chính phủ đương nhiệm phải giữ một hình ảnh đẹp để tiếp tục nắm chính quyền.
Với chủng Omicron nhiễm khá nhẹ, xem ra chuyện Covid đang có nguy cơ chìm xuồng vì mọi người không sợ lây bệnh như trước, cũng giống như cảm cúm thông thường thôi. Singapore đã bãi bỏ việc công số số ca hằng ngay, tuy nhiên số liệu người chết mỗi ngày vẫn còn quan trọng trong việc đánh giá tình hình bệnh dịch. Khi việc lây nhiễm trên diện rộng thì đó chính là miễn dịch cộng đồng mà không cần vaccine hay 5k.
Thế giới sẽ bình an hơn trong năm 2022, nhưng vẫn phải có chữ “nếu” không có một chủng Covid hay đại dịch khác.

Những ngày cuối năm trong lịch sử

 

Ngày 31/12/1999, ngày cuối cùng của thiên niên kỷ cũ, Tổng thống Nga B.Yelsin đã bất ngờ tuyên bố từ chức, nhường lại ngôi vị cho chàng trẻ tuổi Putin, mở ra một triều đại lâu dài cho đến tận ngày nay.
Trước đó, vào ngày Chúa sáng sinh 25/12/1991, quốc gia vô thần lớn nhất thế giới Liên Xô đã chính thức tan vỡ thành 16 mảnh. Nước Nga bây giờ chỉ còn phân nửa dân số cũng như quy mô kinh tế so với Liên bang Xô viết.
Cũng ngày 25/12 nhưng năm 1989, vợ chồng nhà độc tài Ceausescu của Romania đã nhận cái kết bi thảm nhất khi cùng bị xử bắn. Tuy nhiên, trước đó cùng năm, mắt xích yếu nhất đã đứt gẫy ở Ba Lan, đánh dấu một phản ứng dây chuyền làm xóa sổ hệ thống XHCN Đông Âu.
Nhiều người cho rằng, sự “xoay trục” của Trung Quốc về phe Mỹ đã làm thay đổi cán cân lực lượng dẫn đến việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nhìn dưới góc độ khác, đó chỉ là bề nổi, Liên Xô còn có những kẻ thù nhỏ bé, âm thầm nhưng không kém phần nguy hiểm. Ba Lan và Romania là hai nước đã mất một bộ phận lãnh thổ cho Liên Xô đã đóng những vai trò quan trọng.
Mặc dù được đền bù một phần lãnh thổ từ nước Đức thua trận, nhưng Ba Lan vẫn mất 20% diện tích lãnh thổ so với trước chiến tranh bởi việc thành lập nước Cộng hòa Lít va (tức Lithuania) và một phần lãnh thổ sáp nhập vào Ukraine. Trong khi đó, Romania cũng bị mất phần đáng kể lãnh thổ thiêng liêng với việc ra đời nước Cộng hòa Moldova thuộc Liên Xô.
Công đoàn đoàn kết thành công và cướp được chính quyền ở Ba Lan là hậu quả của cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên trì từ năm 1980 do Walesa, một công nhân điện lãnh đạo. Rút kinh nghiệm từ các cuộc đấu tranh của Hungaria 1956 và Tiệp khắc 1968 đã bị đàn áp đẫm máu, những bước đi của Công đoàn đoàn kết chậm mà chắc.
Đáng chú ý, sự thành công của Công đoàn đoàn kết có sự giúp sức ngấm ngầm từ trong nội bộ của Đảng Công nhân thống nhất cầm quyền. Dù nằm ở hai bên đối địch nhưng họ có một điểm chung là yêu nước Ba Lan và căm ghét “ông anh cả” Liên Xô đã cướp đất.
Đến năm 1989, Đảng đã tự nguyện rút lui để nhường cho Công đoàn đoàn kết lên nắm chính quyền một cách có trật tự, không đổ máu. Trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, ông Walesa, lúc đó 47 tuổi đã trở thành tổng thống đầu tiên của nước Ba Lan mới.
Câu chuyện Romania còn ly kỳ hơn, ngay bản thân Ceausescu cũng là một con người phức tạp. Mặc dù là thành viên khối quân sự Warsaw nhưng Romania vẫn duy trì quan hệ với Israel trong thời gian chiến tranh leo thang với một số nước Ả Rập được Liên Xô hậu thuẫn.
Nhưng việc chuyển hướng quan hệ đối ngoại mạnh mẽ chỉ diễn ra khi Ceausescu trở thành Bí thứ thứ nhất TW Đảng năm 1965. Romania đặt quan hệ chính thức với khối EU, thắt chặt quan hệ với Mỹ. Nữ đồng chí Elena Ceausescu dù không có thành tích gì trong khoa học cũng trở thành Viện sĩ viện hàn lâm Mỹ.
Khi mối quan hệ Xô Trung công khai sự thù địch, Romania đã trở thành đồng chí đồng minh của Trung Quốc và chính thức trở thành “kẻ phản bộ” Liên Xô. Để ý thêm, Trung Quốc và Romania là hai nước cộng sản đã tham gia Đại hội Olympic tại Mỹ 1984, trong khi khối Liên Xô đã tẩy chay.
Nhưng Ceausescu cũng có những sai lầm lớn về điều hành kinh tế và nuôi dưỡng sự sùng bái cá nhân. Khi các khoản nợ nước ngoài lên cao, Ceausescu đã ra lệnh xuất khẩu hầu hết những sản phẩm có giá trị của đất nước để lấy tiền trả nợ, làm bần cùng hóa cuộc sống người dân, dẫn đến bất mãn và nổi loạn.
Vào cuối năm 1989, Ceausescu đã chủ quan sau khi vừa trúng cử Tổng Bí thư với số phiếu tuyệt đối nên không chịu chạy trốn ra nước ngoài, dẫn đến kết cục bị bắt và bị hành quyết nhanh chóng.
Đầu thập niên 1970s, Romania chính là nước đã làm cầu nối để hai nước Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và trở thành đồng minh của nhau. Do khác biệt về ý thức hệ, Mao Trạch Đông từng gọi Mỹ là “con hổ giấy” nhưng sau đó đã đổi giọng “kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta”.
Điều có thể thắc mắc, Liên Xô có lãnh thổ rộng lớn mà tại sao vẫn còn lấy đất của Ba Lan và Romania như vậy? Có lẽ thói kiêu ngạo lộng quyền, duy ý chí, bất chấp hậu quả là lý do.
Liệu rằng nước Nga của Putin có gánh chịu hậu quả nào trong tương lai với việc sáp nhập bán đảo Krym của Ukraine? Tương tự là câu hỏi với thói tham lam về đất đai của Trung Quốc.
Trong khi đó, nước Mỹ, cường quốc số 1 thế giới, từng mang tiếng dính líu với nhiều cuộc chiến “xâm lược” nhưng trên thực tế lại chưa bao giờ lấy một tấc đất nào của nước ngoài.