Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Perth by night


ĐẢO CHÍNH VÀ ĐỘC TÀI


Đầu tháng, thế giới bất ngờ hay tin một cuộc đảo chính quân sự tại Gabon, một quốc gia chỉ có 2 triệu dân ở Châu Phi. Gabon bé nhỏ nhưng lại sản sinh ra một cầu thủ lớn, đắt giá nhất của đội Arsenal là Aubameyang. Gọi là bất ngờ vì nếu như xưa kia, đảo chính đã là một đặc sản thưởng xuyên diễn ra của Châu Phi thì đã lâu lắm rồi mới gặp lại chuyện đó.
Từ khi được Pháp trao trả độc lập vào năm 1960, Gabon đã trải qua 3 đời tổng thống. Tổng đầu tiên là Leon M’Ba nắm vị trí được 7 năm rồi qua đời. Tổng thứ hai, Omar Bongo, may mắn hơn “bác Ba”, ngự trị đến 42 năm, nên đến khi chết năm 2009 đã kịp truyền ngôi cho con trai là Ali Bongo.
Ali du học ở Pháp từ khi 9 tuổi, sau này cũng lấy vợ Pháp. Trước khi lên thay bố thì “hoàng tử” đã khá nổi tiếng trong giới showbiz, hay giao du với các ngôi sao ca nhạc và bóng đá. Không biết có phải do quá khứ chơi bời quá độ không mà nay sức khỏe nhà lãnh đạo 59 tuổi có vấn đề nghiêm trọng, phải chữa bệnh dài hạn ở nước ngoài. Cuộc đảo chính vừa rồi diễn ra khi ông Ali Bongo không có mặt ở trong nước, nhưng đã bị kịp thời dập tắt bởi người trung thành với gia đình ông.
Nhìn chung ở các nước Châu Phi, các thể chế dân chủ một cách nửa vời. Mặc dù vẫn có các cuộc bầu cử đa đảng, nhưng không thể nói không dàn xếp, “quy hoạch” ở những mức độ khác nhau.

Dân số Châu Phi là châu lục có độ tuổi thấp nhất trên thế giới, nhưng độ tuổi của các tổng thống thì lại cao nhất. Không tính Tổng thống Mugabe, 93 tuổi của Zimbabwe mới bi lật đổ thì 10 nhà lãnh đạo già nhất có độ tuổi bình quân 77, cao hơn khá nhiều so với tuổi bình quân của lãnh đạo các nước phát triển, chỉ có 52 tuổi.
Lý do của việc già hóa này là các cuộc đảo chính quân sự ngày càng trở nên hiếm hoi. Cuộc đảo chính quân sự đầu tiên ở Châu Phi có thể kể đến cuộc binh biến của nhóm “Sĩ quan tự do” do Nasser, 34 tuổi vào năm 1952 lãnh đạo tại Ai Cập. Hay như Gaddafi làm “cách mạng” tại Lybia năm 1969 khi ông mới 27 tuổi. Những người cầm đầu thường khá trẻ cũng dễ hiểu vì tuổi trẻ thường nhiều tham vọng và liều lĩnh.
Một cuộc đảo chính quân sự ngày nay khó xẩy ra vì khó giành được sự ủng hộ và sự chấp nhận của nhân dân và cộng đồng quốc tế, nhưng vào thời “hai phe” của chiến tranh lạnh thì khác. Các cuộc đảo chính liên tiếp nổ ra vì các lý do như:
- Vai trò của quân đội, đặc biệt trong các nước châu Phi rất lớn, họ lại độc lập và phi chính trị nên dễ dàng lật đổ chính phủ dân sự, thậm chí chính phủ quân sự nhưng khác phe nhóm.
- Trong thập niên 60, 70, một loạt các quốc gia mới ở châu Phi ra đời. Các bâc khai quốc công thần thường thiếu kỹ năng quản trị nhưng lại dễ tự mãn, sa vào hưởng lạc, sùng bái cá nhân.
- Một trong hai phe XNCH hay Mỹ - Phương Tây xúi giục các sĩ quan quân đội làm đảo chính mỗi khi bất mãn với chính phủ đương nhiệm. Sau đảo chính, chính quyền mới nhanh chóng được một trong hai phe công nhận “hợp pháp” và thực hiện viện trợ kinh tế quân sự.
Điều buồn cười là khi đương chức, các nhà lãnh đạo độc tài thường được tô vẽ thành yêu nước thương dân, tài ba lỗi lạc, mười phân vẹn mười; nhưng khi bị lật đổ thì cũng chính truyền thông nhà nước lại bêu riếu những mặt trái xấu xí.
Khen hay chê chỉ là cái thói đời vô nghĩa. Ở Bắc Hàn, các đời lãnh tụ đều được đưa lên mây xanh; ngược lại các tổng thống Nam Hàn thì thật oái oăm, người thì bị ám sát, người tự tử, người đi tù và tất cả đều bị phê phán chửi rủa. Nhưng thành tựu xây dựng đất nước và cuộc sống người dân của Bắc Hàn và Nam Hàn khác nhau thế nào thì mọi người đều rõ.
Nếu quân đội hay an ninh “quá to” thì đó là chủ nghĩa quân phiệt và là sự cản trở và bóp nghẹt đối với sự phát triển xã hội. Rất may, theo thời gian, ảnh hưởng và sự tham gia của quân đội vào chính trường có xu hướng giảm đi.
Sư can thiệp từ bên ngoài là cách vô hiệu hóa quyền lực tuyệt đối của quân đội ở các nước. Thử hỏi trong số hàng trăm cuộc đảo chính trong 100 năm qua trên thế giới có cuộc đảo chính nào không có yếu tố nước ngoài ? Thực tế, phe phái nào có “lưng” được chống tốt hơn thường sẽ giành chiến thắng.
Tình hình Venezuela hiện nay gần giống như Philipin năm 1986, khi đó phe đối lập do ông Aquino lãnh đạo đã gây sức ép lớn lao lên tổng thống độc tài Marcos. Lực lượng an ninh quân đội đã liều lĩnh ám sát Aquino nhưng Marcos cũng không giữ được ghế, bà vợ Aquino đã trở thành tổng thống.
Những diễn biến mới đây cho thấy vai trò và thế lực của bộ máy quân đội và an ninh Venezuela không quá lớn như người ta tưởng, và đó chính là hy vọng một cuộc chuyển hóa dân chủ cho đất nước giàu tài nguyên này.

XEM ĐÁ BÓNG Ở UAE


Giải vô địch châu Á (AFC), mà đội Úc là đương kim vô địch đang diễn ra tại UAE, làm mình nhớ đến một lần đi xem đá bóng tại Dubai vào khoảng năm 2002-2003 gì đó.
Trước hết, xem “đá bóng” là cách nói cũ, không hiểu nó trở thành “bóng đá” từ bao giờ.
Trận đấu của giải U mười mấy nên rất vắng, chỉ lèo tèo vài người. Đó là trận cuối cùng của đội Việt Nam và mình là khán giả người Việt duy nhất. Hồi đó ở Dubai có khoảng vài trăm người Việt nhưng vì chưa có smartphone và phổ biến internet nên hầu hết mọi người không biết thông tin về giải. Một số ít nghe tin thì mải đi làm đi ăn, không ai rỗi hơi như mình.
Ngồi một mình chán quá, nên đến giờ nghỉ hết hiệp mình chạy xuống hàng ghế của Ban huấn luyện và các cầu thủ dự bị. Tất nhiên mọi người bận chỉ có trưởng đoàn là cựu danh thủ Thể công Nguyễn Trọng Giáp là không có việc gì nên tiếp chuyện với mình.
Trước đây, trong các đội bóng Việt Nam, HLV trưởng không phải là người “to” nhất mà là “Chỉ đạo viên”, tức là Trưởng đoàn bóng đá. HLV trưởng không có quyền chọn nhân sự cầu thủ mà là chỉ đạo viên, đến khi thi đấu thì các HLV mới làm việc. Ngoài HLV trưởng còn có chức danh HLV phó, nếu anh phó được lòng Chỉ đạo viên thì uy quyền chẳng kém gì anh trưởng.
Trong trận này, mình thấy Nguyễn Mạnh Cường, tức Cường “ổi”, HLV phó là người nói nhiều nhất, thường xuyên chạy ra đường pitch hò hét các cầu thủ. Thỉnh thoảng Cường ổi chạy vào hỏi HLV trưởng mà mình không nhớ tên: “em thay thằng A, thằng B nhé”, mà cũng lạ HLV trưởng dễ tính thật, cái gì cũng ừ.
Cường ổi cũng từng đá cho Thể công ở vị trí Hậu vệ thòng giống như Giáp. Vì sinh sau đẻ muộn, mình chưa bao giờ được xem Giáp khều thì đấu nhưng Cường ổi thì nhiều. Vào thập niên 70s, 80s, 90s của thế kỷ trước, bóng đá phòng ngự lên ngôi nên vai trò của hậu vệ thòng rất quan trọng. Cường ổi to con, rất khỏe và dũng mãnh, cũng mang băng đội trưởng Thể công như Giáp trước đây.
Sáng hôm sau mình đến khách sạn, vào lúc cả đội vừa ăn sáng xong. Mình mời anh Giáp đi chơi cho biết Dubai, vì thời gian thi đấu thì bận rộn, đá xong chỉ được nghỉ một ngày là về nước. Giáp rủ Cường ổi đi cùng, thế là chẳng mấy khi được chở hai cựu danh thủ đi chơi. Thật thú vị khi đi trên xe, được trò chuyện rôm rả về những những trận đấu đầy kỷ niệm và không thể nào quên.
Nhưng ở Dubai cũng chẳng có trò gì, lòng vòng một lúc, mình hỏi hai anh có muốn về nhà mình chơi không ? Vậy là lại có vinh dự dắt cả hai về nhà chơi, một căn hộ 4 phòng ngủ và mình còn sống độc thân. Ngồi một lúc, mình mời hai anh đi ăn trưa nhưng Giáp bảo phải về với “các cháu”.
Mười mấy năm rồi, hy vọng Giải AFC tại UAE lần này sẽ sôi động và có nhiều khán giả hơn chứ được vài mống như trước thì buồn lắm.

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

Trời đất và biển


MỘT CÁCH NHẬN DIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ

Bài 1: MỘT CÁCH NHẬN DIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ
Lịch sử là một ngành học gần gũi với Triết học và Kinh tế Chính trị học. Tìm hiểu, nghiên cứu về quá khứ là điều rất quan trọng để nắm bắt quy luật của sự việc hiện tượng và dự báo cho tương lai. Khi quý vị muốn thành lập hay xây dựng một đảng phái hội đoàn, quý vị phải có một cơ sở lý thuyết, từ đó mới đưa ra được luật lệ, quy chế và phương thức hoạt động.

Hồi nhỏ, khi được học lịch sử, hẳn mọi người còn nhớ các nhân vật lịch sử Việt Nam có “hai loại” khá rõ ràng: như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, tất cả đều giống nhau ở chỗ anh hùng, cứu nước, đánh giặc ngoại xâm; còn như Lê Ngọa Triều, Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Thống thì nằm trong một cái “rọ” tàn bạo, hoang dâm, bán nước.

Trên thực tế, con người ta phức tạp hơn nhiều, khó có thể quy kết tốt xấu, hay dở một cách “đương nhiên” như vậy. Ngay trong truyện Tàu, các nhân vật như Tào Tháo, Lưu Bị, Đường Huyền tông, Tống Giang...là những con người có tính cách phức tạp, được mô tả qua lăng kính đa chiều, để người đọc có thể có những cảm nhận khác nhau.

Napoleon là niềm tự hào của nước Pháp hay tội đồ ? Thống chế Petain là một nỗi sỉ nhục vì đã đầu hàng phát xít Đức, nhưng nhìn một góc độ khác, ông đã có công lớn khi giữ thành Paris nguyên vẹn cho hậu thế, chứ nếu để chiến sự nổ ra thì kinh đô ánh sáng hoa lệ nay còn đâu.

Ngay trong cùng một con người cũng có những giai đoạn khác nhau. Khi mới lên ngôi, Đường Huyền tông là một ông vua giỏi, mở mang bờ cõi, mang lại thịnh vượng cho đất nước. Khi về sau, ông lại “ngủ trên vòng nguyệt quế” sa vào hoan lạc và trở nên lú lẫn, làm sự nghiệp tan nát.

Gần đây có một số tài liệu bênh vực cho Lê Long Đĩnh tức Lê Ngọa Triều. Như cho rằng Long Đĩnh tàn bạo, dóc mía trên đầu nhà sư có thể cho là bịa đặt vì ông là người rất mộ đạo Phật, dưới thời ông là một trong những triều đại cho xây nhiều chùa chiền nhất. Cho rằng ông “sức khỏe yếu” do chơi bời quá độ, khi lâm triều phải nằm thì lại có chứng cứ cho rằng Long Đĩnh đã 5 lần thân chinh đưa quân đi hành quân chinh phạt phía Nam. Và phải có một sức khỏe tốt thì mới làm được như vậy.

Trong chế độ phong kiến, chưa có Tòa án mà Vua chúa là người “lãnh đạo toàn diện”. Bởi vậy, đã làm Vua thì không thể tránh khỏi việc ra lệnh giết người. Do đó, nếu gán tội “tàn bạo” cho họ thì còn gì dễ bằng.

“Hoang dâm” là một cái “bản án” rất vu vơ dành cho Uy Mục và Tương Dực, mà có lẽ là từ nguồn “truyền thông” của phe đối nghịch. Thông thường các vua đều có hàng ngàn cung nữ, nhưng chỉ cần có một chục cung nữ cũng đã có thể coi là dâm đãng rồi. Nếu hoang dâm thì đáng lẽ phải là Lê Thánh tông, một trong các ông vua có nhiều cung nữ nhất, lên đến hàng chục ngàn và bản thân Thánh tông cũng chết vì bệnh giang mai. Nhưng vì “đã lỡ” ca tụng ông nên người ta dễ dàng bỏ qua những mặt trái của ông. Trong đó, Thánh tông đã từng giết anh ruột và ra lệnh giết 60.000 thường dân thì vẫn chưa thấy quy kết là “tàn bạo”.

Bảo Đại là ông vua duy nhất ra lệnh giải tán đội cung nữ, thì ngược đời là ông vẫn bị mang tiếng ăn chơi đàng điếm. Sự thật, Bảo Đại là người có trí tuệ uyên bác, du học Pháp nhưng vẫn giỏi chữ Hán, thông thạo Đông Tây kim cổ, là một tấm gương về rèn luyện thể thao. Nhưng kỳ lạ, vì thành kiến hẹp hòi nên người ta cố tình quên quá nhanh những mặt tốt của ông.

Lịch sử không chỉ là nhân vật lịch sử mà còn là sự kiện, bài học và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, một khi “mặc định” phán xử và gán ghép tốt xấu cho các nhân vật thì đó là một cách giết chết lịch sử.

“Không đem chuyện thành bại để luận anh hùng”. Mỗi biến cố lịch sử đều có những nguyên nhân tất nhiên và ngẫu nhiên. Trong cái ngẫu nhiên, dường như không có vai trò của cá nhân đối với thành công và thất bại. Con người không dễ gì nhận ra các quy luật tất nhiên và nếu nhận thức được thì cũng không dễ thực hiện vì nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan khác nhau. Do đó, không thể thay đổi lịch sử như thường thấy khi cố tình tô vẽ các "anh hùng cái thế".

Cũng không nên chấp nhận khái niệm “chính thống” trong lịch sử, khi đó “tao đúng vì tao là bố mày” còn “mày sai vì mày ngu”. Cũng như bất kỳ ngành khoa học nào, lịch sử cần các căn cứ có kiểm chứng, các lập luận logic để liên kết các chứng cớ một cách thuyết phục, chi tiết và đầy đủ.

LỢI ÍCH VÀ LÝ TƯỞNG


Năm 2018, cả thế giới điên đảo vì những điều không ai đoán biết được: dầu lửa lên cao ngất ngưởng rồi rớt giá thảm hại; ở Úc, địa ốc sau một thời gian dài lên, lên mãi thì đã rơi như chưa bao giờ được rơi; chứng khoảng Mỹ cũng vậy, hết tăng rồi lại đến giảm...Bao trùm tất cả là cuộc chiến thương mại giữa hai loài hoa (Hoa Kỳ và Trung Hoa) trong nửa cuối của năm với những diễn biến hồi hộp như phim hình sự.

Cuộc sống bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có “cặp đôi” không tách rời luôn đấu tranh với nhau trong mỗi con người, đó là lợi ích và lý tưởng. Theo quan niệm Phương Đông cổ xưa, chỉ có hai loại người, loại tiểu nhân hám danh quyền lợi và người quân tử trọng nghĩa khí và lý tưởng. Trong xã hội ngày nay không rạch ròi như vậy, cái hèn hạ và cao thượng có thể sánh đôi trong mỗi con người, tuy nhiên nó lại lúc ẩn lúc hiện ở mỗi nơi, mỗi lúc.

Những ông đồ gàn ngày xưa có đầy một bụng chữ nhưng cuộc sống rất thanh bạch vì các ông quan niệm dậy học là truyền đạo làm phúc nên không lấy học phí. Cũng như rất nhiều văn sĩ, nhạc sĩ để lại cho đời những điều quý giá những bản thân họ thì sống hết sức nghèo khó. Binh nghiệp cũng là nơi có những người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng bởi vì nghĩa lớn thì không có gì đáng tiếc cả.

Thời đại bây giờ có còn những con người như thế không ? Thông thường, đa số mọi người đều chạy theo những cám dỗ đời thường như miếng ăn ngon, nhục dục giường chiếu, điếu thuốc lá ngon, các loại đồ hiệu quần áo xe cộ...Để vượt lên trên những thứ đó không dễ dàng và chỉ có một số rất ít người làm được.

Động lực nào để nhiều tỉ phú làm việc cật lực cả đời người rồi chỉ để hiến toàn bộ tài sản của mình cho từ thiện? Những thiện nguyện viên đi đến các nước châu Phi hẻo lánh để giúp đỡ những người khốn khổ. Đối với họ, hạnh phúc là được lao động sáng tạo và cống hiến cho cộng đồng.

Thế giới có vẻ “yên ổn” và dễ đoán biết hơn nếu tất các mọi người đều hành động theo “quy luật” về cơm áo gạo tiền, không có những ước muốn điên rồ. Để đoán diễn biến, chắc chắn rất nhiều muốn biết Donald Trump, người đàn ông quyền lực nhất hành tinh thuộc trường phái nào, lợi ích hay lý tưởng ? Ông là tỉ phú, nếu không thực dụng thì làm sao có tiền tỉ, song sự việc không đơn giản như vậy.

Nếu bảo các tổng thống Mỹ không có lý tưởng, chỉ hành động theo lợi ích thì là một sự sỉ nhục đối với họ. Thưc tế, khó có thể tin rằng tổng thống Mỹ tham nhũng và hám tiền nhưng họ bị chi phối phần nào bởi các nhóm tài phiệt và truyền thông nên luôn phải đu dây cho sự cân bằng. Dù thế nào, các ông chủ Nhà trắng cũng phải giữ sự ủng hộ của các thế lực lợi ích, tạo vị thế an toàn cho chiếc ghế và phe đảng của họ.

Sau hai năm, có thể nhận biết sơ bộ rằng Trump là người đầu tiên có vẻ thoát ra khỏi sự chi phối này để hành động theo những gì ông coi là tâm đắc. Có thể kể không hết những chính sách mang tính đảo ngược và không kiêng nể bất kỳ ai. Ông có thể tiếp tục mối quan hệ “già nhân ngãi, non vợ chồng” tức là vừa đồng minh, vừa đối thủ với Trung Quốc để cả hai bên đều hưởng lợi, chứ gây chiến làm chi.

Trung Quốc chưa phải đối thủ canh tranh địa vị độc tôn với Mỹ. Sự thật là trong nước Tầu đã quá nhiều thành phố ma và đường cao tốc không có người sử dụng nên phải đi xây ở nước ngoài, vừa để đào thải công nghệ cũ, mang một phần nhân công và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Như Ôn Gia Bảo trước khi từ chức Thủ tướng đã từng nói, Trung Quốc phải duy trì GDP tăng 8%/ năm mới chứng minh được tính ưu việt của CNXH và tránh bạo loạn. Nhưng muốn xây đai đường ở nước người ta thì phải cho họ vay tiền. Tiền lại là chuyện nhỏ, chỉ cần trích một phần những gì bóc lột từ 1,4 tỉ người lao động chăm chỉ với mức lương thấp là có thôi.

Tin tức cho hay, vì không trả được nợ, một nước nghèo như Sri Lanca đã phải gán Cảng trong 99 năm, có điều Trung Cộng cũng chẳng lấy Cảng làm gì, có bê được về Tầu đâu. Nhưng đó lại là bằng chứng để ông Tập chứng minh các khẩu hiệu “Giấc mơ Trung hoa” hay “Sáng kiến Đai và Đường” nhằm mục đích chém gió nội bộ và thanh toán các lực lượng chống đối.

Về quân sự, ngân sách của Mỹ gấp hơn 4 lần của Trung Quốc. Cũng khó tin rằng việc sử dụng ngân quỹ của Mỹ lãng phí, tham nhũng hay kém hiệu quả. Quân đội Mỹ luôn luôn được tham gia thực tế chiến trường khắp mọi nơi nên có rất nhiều kinh nghiệm. Vì thế, Trung Quốc chưa thể mơ cạnh tranh với Mỹ.

Một câu hỏi đặt ra là đi bắt nạt một kẻ yếu hơn thì có gì anh hùng ? Nếu đọc lại các quyển sách của Trump đã viết trước đây thì có thể nhận thấy ông bất bình nghiêm trọng với các thể chế độc tài, với chủ thuyết cộng sản. Ghét thì đập thôi, không cần nghĩ nhiều.

CHUYỆN KỂ GIÁNG SINH


Chiều tối hôm qua, mình đến đón Sissy ở nhà bạn cháu. Vào nhà thấy tối om mà không bật đèn, mình hỏi mẹ bạn cháu: tại sao chị không bật đèn thì nhận được câu trả lời khá bất ngờ.

Chị mẹ là single mum người Tây có hai con. Cháu lớn lớp 7, cháu bé lớp 6, giống như hai cháu nhà mình. Hai đứa chẳng bao giờ đi học thêm nhưng học vẫn tốt và sáng dạ.

Sau khi ly dị, ba mẹ con thuê một căn hộ nhỏ không gần trường lắm. Hồi đầu năm, xe chị bị đụng, bỏ luôn nên không có xe đưa cháu bé đi học. Chị viết thư đến trường xin nghỉ học, chờ sang năm lên lớp 7 sẽ về trường gần nhà.

Trở lại chuyện cái đèn, chị bảo khi nhận nhà thì đủ bóng nên về sau trả nhà mà thiếu thì người ta sẽ trừ tiền đặt cọc. Bóng đèn cháy thì tôi không biết thay nên tôi cố gắng không dùng nữa! Mình bảo cứ dùng đi, mình có thể giúp thay bóng thì chị lại bảo thế thì mất thời gian của anh quá.

Câu chuyện hơi buồn mà chả biết tính sao nữa.