Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

my parents


 

Người Ai Cập có còn nhớ Mubarak?

 

Nói theo kiểu huề vốn, mình và gia đình đã sống tại Ai Cập không dài nhưng cũng chẳng ngắn: ba năm ba tháng, gói gọn trong thời kỳ Mubarak làm tổng thống. Tụi mình rời Ai Cập khi biểu tình bắt đầu được 3-4 ngày và kéo thêm 2 tuần nữa thì kết liễu chế độ 30 năm (1981-2011) của ông.
Hôm nay là giỗ đầu của Mubarak cũng là thời gian tròn 10 năm bị lật đổ khỏi chiếc ghế tổng thống.
Mấy người hàng xóm cũ của mình ở phố Kambiz cho rằng cần biết ơn Mubarak, vì có ông thì mới có “cái lọ, cái chai...”. Ngược lại, mấy ông “doanh nhân, trí thức” mỗi khi gặp mình đều dành một thời lượng kha khá để chửi Mubarak, khi coi ông là tội đồ để đất nước bị tụt hậu. Nếu bảo, “chuyện của các ông, tôi không quan tâm” thì e rằng bất lịch sự nên mình đành ngoan ngoãn ngồi nghe, thỉnh thoảng chêm vào một hai câu vô thưởng vô phạt.
Vào một ngày đầu năm 2010, mình nhận được một cú điện thoại từ Bộ đầu tư Ai Cập nói rằng Bộ trưởng Mohieldin muốn gặp mình “càng sớm càng tốt”.
- Ôi chời, sao bỗng dưng tui lại có giá thế này?
Ông Mohieldin là một Bộ trưởng trẻ (hơn mình 1 tuổi) và là một ngôi sao đang lên trên chính trường đất nước Kim tự tháp. Mình đã gặp trước đó 1 lần, ông nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Được cái mình lúc nào cũng rảnh rỗi nên buổi gặp có thể tiến hành ngày hôm sau. Phòng làm việc của Mohieldin có một bức chân dung Mubarak khổ lớn, hơi phản cảm đối với khách ngoại quốc. Ông bảo thư ký ra ngoài rồi đóng cửa phòng lại.
Thì ra Bộ trưởng đầu tư sắp đi Việt Nam nên muốn nắm một số thông tin về kinh tế thương mại. Cái này thì mình thuộc rồi, chỉ việc mở máy như đã mở y chang như thế vài chục lần. Nói kiểu chung chung như vậy không giúp ích gì lắm nhưng biết sao được, khác đi lại “chệch hướng” thì sao?
Sau đó vài tháng, đột nhiên Mohieldin thôi chức và nghỉ việc, hiện ông là Phó Chủ tịch Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Rất có thể, ông “đánh hơi" được điều gì đó bất ổn trong nội bộ?
Việt Nam và Ai Cập đều là những nước có ngàn năm văn hiến, dân số cũng gần bằng nhau. Tuy nhiên, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân hai nước thì khác hẳn nhau.
Nhìn chung Người Việt sung túc, ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn người Ai Cập. Về quan hệ xác thịt, người Việt cũng phóng túng hơn nhiều. Nhưng về cuộc sống tinh thần thì ngược lại.
Người Ai Cập có tự do tư tưởng và tự do ngôn luận cao hơn. Có lẽ vì được cởi trói tư duy và người dân ở nước Bắc Phi này có nhiều nhân tài hơn. Cùng với 1/3 dân số mù chữ thì họ có nhiều người đạt giải thưởng Nobel khoa học, những người làm cho các đại công ty toàn cầu và các tổ chức quốc tế đông như kiến.
Trong lĩnh vực văn hóa thể thao, Ai Cập cũng rất mạnh. Tiết mục múa nón thực sự đặc sắc, có thể coi là đỉnh cao nghệ thuật. Cầu thủ Salah là một trong những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới, nhiều lần là vua phá lưới giải ngoại hạng Anh.
Về tham nhũng của Ai Cập, mình kể một câu chuyện.
Một lần, ông Nabil, Thứ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế đến văn phòng của mình. Lý do “rồng đến nhà tôm” chỉ là ông muốn hỏi phi vụ làm ăn giữa một công ty Ai Cập và một công ty Việt Nam có kết quả ra sao?
Bên Trung Đông có những người làm môi giới thương mại rất chuyên nghiệp và họ kiếm được rất nhiều thu nhập từ tiền hoa hồng. Nhưng với những phi vụ cò con như vụ này thì nói thật là mình không quan tâm, trong khi ông lại có vẻ quá cần.
Khi tiễn ông ra cửa, mình thấy ông đi chiếc xe cà tàng, rõ ràng ông không hề giàu có, khi đã ở tuổi 65.
Người ta cho rằng Mubarak và vợ Suzanne cũng sống khá thanh bạch. Tuy nhiên, người con trai lớn Alaa được coi là một tỉ phú, con thứ hai Gamal được chuẩn bị kế vị bố. Chính điều này làm Mỹ không bằng lòng và họ đã bơm tiền cho các tổ chức chống đối để lật đổ một đồng minh cũ quan trọng.
Khi bắt đầu nổ ra biểu tình ở quảng trường Tahir (tiếng Ả Rập nghĩa là Tự do) tại thủ đô Cairo, mọi người nghĩ quân đội và cảnh sát sẽ ra tay dẹp loạn. Mình thấy mọi người bàn tán khá sối nổi về vấn đề “nhân sự”, rằng nếu Mubarak không trụ được thì Đảng cầm quyền sẽ cử ai thay?
Khi về Việt Nam, mình gọi điện nói chuyện với một doanh nhân người Ai Cập, quốc tịch Úc và đang làm ăn ở Việt Nam. Mình đã ngỡ ngàng khi anh này nói Mubarak sẽ ra đi trắng tay! Hình như người bên ngoài sáng nước hơn những người trong nước.
Sau đó Tivi chiếu cảnh những người lính được lệnh đi đàn áp thì lại ra ôm hôn lấy những người biểu tình. Quả là một hình ảnh đẹp của tình cá với nước, quân cũng từ dân mà ra! Mubarak không bàn giao cho Phó tổng thống hay Thủ tướng mà chuyển giao quyền lực cho quân đội rồi bay về “Mubarak city” thành phố nhỏ có ngôi nhà của vợ chồng ông.
Công tố viên đề nghị án tử hình đối với Mubarak, tuy nhiên ông chỉ bị kết án chung thân. Khi phe quân đội của tổng thống Sisi lên, Mubarak được xử lại, còn ba năm tù, bằng với thời gian tạm giam. Ông sống thêm được gần 7 năm nữa mới chết ở tuổi 92.
Liên hệ với một vấn đề thời sự hiện nay: biểu tình chống lại chế độ quân sự ở Myanmar. Liệu cuộc đấu tranh của người dân Miến có được Mỹ chống lưng như người Ai Cập và bên nào sẽ giành phần thắng?

Nhìn lại các cuộc chiến ý thức hệ

 

Đại chiến thế giới lần thứ hai có thể coi là một cuộc chiến ý thức hệ giữa một bên là “đồng minh” và bên kia là chủ nghĩa phát xít.
Trước tiên Chủ nghĩa phát xít là một chế độ toàn trị, thiết lập sự kiểm soát toàn diện của cơ chế độc tài đối với các cơ quan tam quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp), đối với quân đội, công an và truyền thông. Chủ nghĩa phát xít có xu hướng cực hữu, dựa trên chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.
Sau khi chủ nghĩa phát xít bị đánh bại vào năm 1945, thế giới chuyển sang một cuộc chiến mới, đó là “chiến tranh lạnh” giữa các nước “thế giới tự do” và chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản cũng toàn trị nhưng lại có xu hướng cực tả.
Quốc tế cộng sản đệ nhất do Marx khởi xướng kêu gọi đoàn kết giai cấp, sự đoàn kết của các dân tộc trên thế giới và dự đoán về sự xóa nhòa các biên giới quốc gia. Theo luận điểm của Marx, quá trình tích tụ và tập trung tư bản ngày càng cao độ sẽ tạo ra mâu thuẫn ngày càng gay gắt, không thể điều hòa và sẽ kết thúc khi đồng loạt nổ ra cách mạng vô sản.
Quốc tế cộng sản đệ tam do Lenin thành lập và tiếp tục được duy trì sau khi ông qua đời. Theo đó, một hệ thống các nước XHCN được thiết lập và mở rộng. Một loạt các nước Á Phi Mỹ latin đã trở thành nước cộng sản hoặc có khuynh hướng thân cộng, đáng kể nhất là nước Trung Hoa cộng sản ra đời vào năm 1949, kéo theo sự nhuộm đỏ Bắc Triều Tiên và ba nước Đông Dương.
Ba dòng thác cách mạng không dừng lại mà tiếp tục đổ xuống Yemen, Syria, Afghanistan, Ethiopia, Angola, Mozambique, Zimbabwe, Cuba, Chile, Nicaragoa...Điều kỳ lạ không đúng như “trước tác” của Marx là cách mạng không xảy ra ở các nước giàu, tiên tiến mà lại xuất hiện ở các nước nghèo và lạc hậu.
Như một sự tương phản, cuộc chiến ở Châu Âu diễn ra theo chiều ngược lại. Năm 1922, Phần Lan suýt nữa trở thành một nước cộng hòa trong thành phần Liên bang Xô Viết.
Trong khi đó, Nam tư và Hy Lạp, hai nước thuộc chủng tộc Xlaver đã ly khai khỏi khối đông Âu XHCN. Nam tư vẫn là nước cộng sản nhưng lại tuyên bố đứng “trung lập” và điều này đã làm Xtalin hết sức tức giận và đã cho ám sát Tito nhưng không thành công.
Cuộc nội chiến đẫm máu giữa cánh tả và cánh hữu trong các năm 1946-1949 tại Hy Lạp trong bối cảnh Nam tư là nước láng giềng ủng hộ cho bên đảng cộng sản lại có những khúc mắc trong quan hệ với phe XHCN. Điều đó là lý do chính dẫn đến kết quả phe tư bản đã toàn thắng ở Hy Lạp.
Cuộc chiến ý thức hệ không chỉ nằm ở đất đai lãnh thổ mà còn ở các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Qua kế hoạch Marshall, Mỹ đã đổ tiền vào Tây Âu và đưa các nước này vượt lên bứt phá về kinh tế hơn hẳn so với các nước Đông Âu.
Người dân ở “Thế giới tự do” còn được hưởng một cuộc sống tinh thần phóng khoáng, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và được tôn trọng quyền làm người.
Những điều này đã tác động mạnh đến người dân Đông Âu dẫn đến các cuộc nổi dậy của Hungaria vào năm 1956 và Tiệp khắc vào năm 1968. Việc đưa Hồng quân Liên xô sang hai nước để đàn áp, dù tạm thời giữ được chính quyền nhưng đã để lại những hình ảnh rất xấu xí, chuốc lấy sự căm ghét mặc dù trước đó Liên Xô đã có công giải phóng các nước này khỏi ách chiếm đóng của phát xít.
Việc Trung Quốc công khai tố cáo Liên Xô là “xét lại” đã làm suy yếu rõ rệt phe XHCN. Một số nước cộng sản đã đứng về phía Trung Quốc chống lại “thành trì của CNXH” như Nam tư, Romania, Campuchia (Polpot), Somalia...
Trước khi sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu thì rất nhiều nước Á, Phi, Mỹ latin đã lần lượt “bỏ” Liên Xô, thể hiện qua việc tẩy chay Đại hội Olympics Moscow 1980.
Chiến tranh lạnh kết thúc, cho thấy thêm một xu hướng cực đoan của thể chế toàn trị đã bị đánh bại, ước mơ tự do dân chủ của loài người tiến thêm được một bước hiện thực.
Tuy nhiên, đây chưa phải cuộc chiến cuối cùng. Một thế lực mới không theo một lý thuyết tư tưởng nào, vừa cực tả, vừa cực hữu đã xuất hiện. Nó có vẻ hữu khi không chủ trương xây dựng hệ thống các nước XHCN mà chạy theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bành trướng bá quyền khi đi “gây sự” với tất cả các nước có chung biên giới và lãnh hải. Nó lại tả bởi hô hào, tìm cách kiếm chác từ toàn cầu hóa và vẫn đặt cương lĩnh của Đảng cộng sản cao hơn hiến pháp.
Cuộc chiến với con quái vật Tàu Cộng chắc chắn sẽ rất nhiều cam go.

Yêu người ngóng núi


Nguyễn Ngọc Tư thật tài tình khi nói hộ tâm trạng của những người xa xứ.
Trong "Yêu người ngóng núi" kể về một anh nhà quê lên thành phố. Anh được thành phố, đã nhân cách hóa như một cô vợ hết mực yêu thương, lo cho anh từng li từng tí.
Còn anh thì sao?
Ghét Sài Gòn lắm, chán Sài Gòn lắm, chỉ ngóng, mong và nhớ quê nhà, thèm ngồi giữa rơm rạ.
- Nhớ sao không về đi, ở đây làm gì?
Về sao được, con cái học hành ở đây, miếng ăn ở đây.
Tác giả cô Tư viết "Bởi thành phố có gì đáng yêu đâu, ngay cả lúc dịu dàng nền nã nhất, thành phố cũng không ngọt ngào như hoa nắng rụng lẫn trong hoa dừa rụng".
Anh không thể yêu một cô vợ chỉ biết nấu ăn và giặt giũ, anh tìm kiếm một tâm hồn.
Nhưng, thành phố hay là cứ cho là nước Úc đi, chỉ có bầu khí quyển trong lành, những con người lương thiện, tử tế.
"Vậy đó chẳng phải là vẻ đẹp sao, không đáng yêu, không đáng được đáp lời sao?"

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Năm Tân Sửu, ai bảo chăn trâu là khổ?

 


Nữ trọng tài Veljovic phải lòng Kyrgios?

 


Cây vợt chủ nhà Úc Nick Kyrgios vừa có một trận đấu để đời khi vượt qua Humbert, cây vợt có thứ hạng cao hơn trong 5 set.
Humbert, hạng 29 đã dẫn trước Kyrgios, hạng 47 với tỉ số 1-0, rồi 2-1. Sau khi hòa 2-2, Humbert lại tiếp tục dẫn điểm trước khi chàng Úc gốc Hy Lạp có màn lội ngược ngoạn mục.
Thật ra "trai hư" Nick từng là cây vợt số 13 cách đây 5 năm khi anh mới 20 tuổi. Tài năng lớn nhưng lắm tật, Nick không tiến bộ được.
Sau khi chia tay với tay vợt nữ người Nga Anna Kalinskaya hồi tháng ba năm ngoái, Nick khoe có nhiều fan nữ "xin chết. Khi được hỏi liệu anh ta đã từng ngủ với một fan nữ chưa thì anh đáp đó là "một thứ hàng tuần".
Trên mạng Instagram, Kalinskaya tỏ ra không hài lòng khi viết “chúng tôi không còn là bạn” và “tôi sẽ không nói chuyện về anh ta nữa”.
Trở lại trận đấu đêm qua, Kyrgios đã có 5 lần tranh cãi với trọng tài, cô Marijana Veljovic. Đã vậy anh còn thản nhiên văng tục và tỏ ra giận dữ khi đòi tắt hệ thống máy phụ trợ vì cho rằng nó bị hỏng.
Bình thường ra, trọng tài sẽ nói "máy Tây" không bao giờ sai, có thể cảnh cáo hoặc phạt điểm về thái độ.
Đằng này, nữ trọng tài người Serbia sinh năm 1987 đã chiều lòng chàng khi hơn một lần từ "ngai vàng" bước xuống đích thân kiểm tra máy.
Cử chỉ thân thiện của cô đã làm Kyrgios nguôi giận, chơi rất hay và giành phần thắng khó tin như đã nói.
Marijana không xa lạ, cô khá nổi tiếng khi được huyền thoại Boris Becker nhắc đến.
"Cô tuyệt đẹp. Đội mắt muốn ăn tươi nuốt sống người ta". Đúng là đã xinh mắt còn tinh, cô đã từng điều khiển chung kết trận nữ Grand Slam năm ngoái.
Lẽ nào người đẹp tài năng như vậy lại đi phải lòng "trai hư"?

Vì sao triều đại họ Lưu nhanh chóng sụp đổ?

 

Trong Tam Quốc, tác giả La Quán Trung đã khắc họa các ông vua Lưu Bị, Tào Tháo và Tôn Quyền hết sức sắc sảo.
Lưu Bị thất học, văn dốt võ nát nhưng vẫn ôm chí lớn khôi phục nhà Hán. Tào Tháo ngược lại, ngẩng đầu thông thiên văn, cúi xuống tường địa lý. Tôn Quyển không được miêu tả kỹ nhưng vẫn có thể thấy đáng gờm như thế nào qua một câu nói của Tào Tháo.
Khi chứng kiến Tôn Quyền dũng mãnh phi ngựa lên núi và thách Tào Tháo lên giao phong, Tháo than rằng: “Ước gì ta có một đứa con như Tôn Trọng Mưu”. Chắc ông cũng mường tượng được rằng, con cháu ông hèn kém, dần dần bị cha con nhà Tư Mã Ý lấn át.
Mưu sĩ hàng đầu của mình là Chu Du mất sớm, nhưng Tôn Quyền lần lượt tìm được người thay thế xứng đáng và họ Tôn là triều đại bền vững lâu dài nhất so với họ Lưu và họ Tào!
La Quán Trung cũng đã đề cao Gia Cát Lượng Khổng Minh như một bậc kỳ tài. Mỗi khi đấu trí với Chu Du hay Tư Mã Ý đều tỏ ra vượt trội.
Nhưng tác giả cũng “khéo léo” lộ ra những điểm yếu chết người của Khổng Minh, cho thấy ông chưa thể bằng Lưu Bị trong nhiều chuyện và không thể giúp gì cho vận mệnh nhà Hán.
Khi mới được Lưu Bị trao quyền cầm quân, một hôm Khổng Minh quát võ sĩ lôi tướng trẻ Ngụy Diên ra chém, với một lý do rất “mê tín dị đoan”: có tướng phản chủ. Rất may, Lưu Bị đã ngăn cản kịp thời và vì thế Ngụy Diên đã lập được nhiều chiến công sau này.
Sau khi bình định Mạnh Hoạch ở phía Nam, Khổng Minh bắt đầu tính chuyện lớn trong việc thu phục giang sơn đất Ngụy. Lúc này Ngụy Diên đã hiến kế nên tấn công qua đường Hán Trung, mặc dù đây là đường hiểm trở nhưng là đường ngắn nhất, khả thi và có tính bất ngờ cao.
Chắc Khổng Minh cũng hiểu đây là phương án hay nhưng vì sẵn ghét Ngụy Diên nên không nghe lời mà quyết định đi theo ngả Kỳ Sơn.
Trong điển tích “gạt lệ chém Mã Tốc” cũng cho thấy khả năng nhìn người của Khổng Minh không bằng Lưu Bị được.
Trong lần tiến quân ra Kỳ Sơn lần đầu tiên, Khổng Minh giao cho Mã Tốc giữ cứ điểm quan trọng Nhai Đình. Khi Mã Tốc cho triển khai dàn quân thì thấy ngu quá nên phó tướng Vương Bình đã can ngăn thì Tốc mắng rằng:
- Ta đây thuộc làu binh pháp từ thuở nhỏ, ngươi tuổi gì mà dám nói chuyện phải quấy với ta?
Khi nhận được tin về cách xếp quân này, Tư Mã Ý lập tức ra lệnh tấn công và đã phá vỡ phòng tuyến của quân Thục. Vào tình thế hiểm nghèo, Khổng Minh đành liều diễn cảnh “gẩy đàn đuổi giặc” làm quân Ngụy nghi ngờ giăng bẫy và dừng lại, nếu không Tư Mã Ý đã có thể bắt được Khổng Minh.
Theo quân pháp, Mã Tốc bị chém đầu nhưng điều đó đã làm Khổng Minh rơi lệ. Ông kể, Tiên Chủ (Lưu Bị) đã từng dặn, Mã Tốc có tính huyênh hoang, không có thực tài đừng nên tin dùng. Lưu Bị quả là người sáng suốt, nhìn xa trộng rộng, thấu lòng người.
Nửa đời chinh chiến, Lưu Bị vẫn chưa có người thừa kế nên Lưu Bị đã nhận Lưu Phong, lúc đó đã ngoài 20 tuổi, làm con nuôi. Lưu Bị chọn thì khó sai, Lưu Phong có tài năng và ý chí, không quản ngại vào sinh ra tử cùng với các tướng sĩ.
Về sau, A Đẩu, tức Lưu Thiện ra đời và lớn lên thì vấn đề truyền ngôi cho ai được đặt ra. Lưu Thiện hèn kém, Lưu Phong cũng có dòng máu họ Lưu nên Lưu Bị không ngại chuyện con nuôi con đẻ. Nhưng Khổng Minh là người cực lực phản đối Lưu Phong. Vì biết mình sẽ chết trước Khổng Minh nên Lưu Bị không thể không nghe lời.
Khi gặp Khương Duy lần đầu, Khổng Minh đã vội nói: từ khi ra khỏi lều tranh, ta vẫn tìm người nối nghiệp, nay gặp Bá Ước, thật thỏa lòng mong ước.
Lên thay Khổng Minh, Khương Duy không có sáng kiến gì khác ngoài việc liên tục kéo quân ra Kỳ Sơn. Thiệt tình, không chỉ năng lực hạn chế, ông còn mắc bệnh “ngáo”. Bằng con đường Từ Sơn, đến Khổng Minh còn không làm gì được quân Ngụy thì sức mấy đến lượt Khương Duy.
Mê mải với Kỳ Sơn và không kịp phòng bị, quân Ngụy lẻn qua đường núi Hán Trung và chiếm mất Thành Đô, bắt sống Lưu Thiện. Điều này làm mọi người phải nhớ đến Ngụy Diên, với tầm nhìn chiến lược và sự am hiểu về địa hình Hán Trung, nếu ông nắm quân thì không thể có chuyện kinh thành bị mất.
Ngụy Diên có phản chủ không? Đúng là khi Khổng Minh chết, ông đã không chấp nhận dưới quyền Khương Duy vì chắc hiểu rằng, Nhà Thục sẽ tan vỡ nhanh chóng bởi vua Lưu Thiện và tướng chỉ huy Khương Duy. Dưới góc độ đó, tìm cách đoạt lại binh quyền không có nghĩa là thiếu trung thành.
Để việc chuyển giao quyền lực được hanh thông, như Lưu Phong trước đây, Ngụy Diễn cũng bị sát hại.
Về phần Hậu Chủ Lưu Thiện, lúc nào cũng chỉ lo ăn chơi, hưởng lạc. Nếu ở trường hợp Lưu Phong, một người dày dạn kinh nghiệm chiến trường, thì việc phòng thủ trong một địa hình hiểm trở không quá khó.
Rõ ràng, nhà Thục tan vỡ nhanh chóng vì đã lầm người truyền ngôi và người chỉ huy quân đội. Lỗi này, oái oăm thay, người phải chịu trách nhiệm chính là Khổng Minh.

Một số nhận định về tình hình Myanmar

 

Myanmar có dân số bằng già nửa nhưng lại sinh sống trên một lãnh thổ rộng hơn gấp đôi Việt Nam. Địa hình nước này có nhiều đồi núi, hệ thực vật, động vật phong phú.
Myanmar có đến hơn 100 sắc tộc, trong đó người Miến là đông nhất chiếm đến 68%. Nếu nhìn vào nét mặt của người Miến và người Kinh, chúng ta thấy rất giống nhau. Dễ hiểu thôi, hai dân tộc có sự gần gũi về chủng tộc và hệ ngôn ngữ.
Cũng giống như người Thái, người Miến có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc di cư xuống phía Nam vào khoảng thế kỷ thứ 9. Sau khi chinh phục các bộ lạc và tiểu quốc nhỏ, người Miến đã lập ra được ba nhà nước qua các thời kỳ, đó là Vương quốc Pagan (TK 9 đến TK 13) đã bị sụp đổ do sự xâm lăng của để quốc Mông Cổ. Đế quốc Taungoo (TK 16 đến TK 18) có lãnh thổ rộng lớn, bao trùm Myanmar ngày nay, phần lớn Thái, Lào, Bangladesh và một phần nhỏ của Trung Quốc.
Năm 1823, vua Miến là Bagyidaw của vương triều Konbaung (TK 18-19) đã đến thăm Sài Gòn cùng với một đoàn thương nhân Anh Quốc. Lúc đó triều đại vua Minh Mạng cũng đang cường thịnh nên vua Miến muốn xây dựng đồng minh với Đại Nam trong việc chống lại nhà Xiêm.
Tuy nhiên không lâu sau đó, Miến bị thôn tính bởi người Anh và Việt Nam bị Pháp đô hộ. Trong Đại chiến II, hai nước lại chung kẻ thù Phát xít Nhật.
Về sau, Việt Nam và Myanmar đều bị cấm vận nên bị tụt hậu so với các nước Đông Nam Á khác. Việt Nam được xóa bỏ cấm vận sớm hơn nên đã phát triển khá nhanh và đến khi Myanmar mở cửa thì các doanh nghiệp hai nước đã như diều gặp gió, giao lưu hợp tác với nhau nhanh chóng.
Với những diễn biến mới nhất trong mấy ngày qua, câu hỏi mà giới làm ăn quan tâm là liệu Myanmar có bị cấm vận trở lại hay không? Điều này liên quan đến lịch sử mối quan hệ quốc tế rất phức tạp của hai phe tranh chấp hiện nay tại Myanmar.
Người Myanmar nổi tiếng nhất chính là bà Aung San Suu Kyi, người từng được giải Nobel hòa bình, biểu tượng của phong trào đấu tranh dân chủ. Cha bà, ông Aung San là anh hùng giải phóng dân tộc, người sáng lập Đảng Cộng sản và quân đội. Có lẽ vì gốc gác đó, đảng NLD do bà lãnh đạo có khuynh hướng thiên tả.
Trước cuộc đảo chính ngày 01/2 vừa qua, Myanmar đang ở một tình trạng “quá độ” chẳng giống ai khi thủ lĩnh đảng NLD cầm quyền không được nắm chức tổng thống vì bà Suu Kyi vướng quy định có chồng con là người nước ngoài nên phải chỉ định trợ lý là ông Htin Kyaw giữ chức trên danh nghĩa. Đồng thời chính phủ không có quyền chỉ đạo bộ máy quân sự và an ninh.
Cũng theo thỏa hiệp, phe quân đội được chỉ định 25% ghế nghị sĩ. Điều đó có nghĩa là Đảng USDP do quân đội hậu thuẫn chỉ cần chiếm thêm 25% nữa trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua thì Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing có thể trở thành tổng thống.
Tuy nhiên kết quả cho thấy NLD đã chiếm áp đảo số ghế với trên 80% và như vậy tình trạng “nửa dơi nửa chuột” nói trên chưa thể giải quyết được. Lý do để quân đội tiến hành đảo chính và thiết quân luật trong 1 năm là cáo buộc có gian lận bầu cử.
Trong nhiều thập niên qua Trung Quốc luôn tìm cách ve vãn Myanmar nên Trung Quốc đã “bỏ qua” tất cả như việc giới cầm quyền quân sự cấm Đảng cộng sản, rồi cuộc hành quân do chính tướng Min Aung Hlaing chỉ huy (khi chưa phải là tổng tư lệnh) để xua đuổi 50,000 người Trung Quốc về bên kia biên giới vào năm 2008.
Sau này Trung Quốc mới lộ rõ lý do cần Myanmar chính là “con đường tơ lụa” đi qua đất Miến, thì sẽ rút ngắn được một đoạn đường biển dài và phức tạp ở khu vực Ấn Độ và Mỹ có thể khống chế. Điều có vẻ “ngẫu nhiên” là các dự án lớn với Trung Quốc bị bãi bỏ khi bà Suu Kyi lên nắm chức “Cố vấn”, nhưng thật ra một vấn đề hệ trọng thế này thì Suu Kyi không có quyền, mà chính là chủ trương của phe quân đội!
Con đường tơ lụa và vấn đề chiến lược, một cuộc đấu trí cam go giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể mạnh dạn dự đoán rằng, nếu Myanmar ủng hộ Trung Quốc xây dựng Cảng và đường vận tải qua đất của mình thì Mỹ và đồng minh sẽ áp đặt lệnh cấm vận khắt khe nhất. Bằng không, Mỹ cũng chỉ trừng phạt chiếu lệ và sẽ trở về bình thường khi 1 năm thiết quân luật hết hiệu lực.
Xa hơn, tình trạng bất ổn về chính trị tại Myanmar lại chính là phương án tối ưu nhất đối với Mỹ vì Trung Quốc không thể có con đường tơ lụa trong điều kiện như vậy.

Đọc sách: "Đừng chết ở Ả Rập Xê Út"

 

Một trong những điểm nhấn của cuốn sách là vấn đề sách nhiễu tình dục và hiếp dâm của các ông chủ đối với các nữ giúp việc làm ở Ả Rập Xê Út.
Mình kể một chuyện liên quan.
Đầu năm 2005, mình sang Ả Rập Xê Út và hẹn làm việc ông giám đốc công ty môi giới việc làm vào lúc 7 giờ tối, cái giờ các văn phòng bắt đầu đóng cửa.
Ông già to béo mời đi ăn tối để ăn vừa nói chuyện luôn nhưng mình bảo ăn rồi. Nhà hàng Tầu cũng do đầu bếp Saudi nấu nên rất khó ăn nên mình tránh bằng cách ăn KFC từ trước.
Thấy vậy, ông bảo đi cafe, rồi lái xe chạy lòng vòng giới thiệu về thành phố Riyadh. Đậu xe xong, hai người lội bộ một đoạn trên vỉa hè để đi ra quán. Ông nắm tay mình dung dăng dung dẻ, một biểu hiện thân mật của người Ả Rập.
Đề cập đến triển vọng đưa housemaid sang Ả Rập Xê Út, mình hỏi có chuyện ông chủ quấy nhiễu tình dục nhân viên không thì được nghe câu chuyện thế này.
Công ty giới thiệu một nữ giúp việc người Indonesia cho một gia đình. Cô làm việc được, nhiệt tình nhưng bỗng dưng bị mang đến trả và đòi đổi người.
Hỏi ra là cô ấy đòi ngủ với anh chủ nhà. Anh bảo đã có vợ rồi nên không thể thì cô đòi nghỉ việc vì cô bảo cô không thể sống mà thiếu món ấy được. Anh chồng bảo vợ cho nghỉ, vợ hỏi nó làm tốt sao lại đuổi. Anh chồng bảo cô gái, mày nói gì với tao hôm qua thì nhắc lại với vợ tao đi.
Ông già bảo bên Dubai đã bắt đầu có giúp việc người Việt rồi thì có vụ sách nhiễu nào chưa? Mình bảo chưa, vậy có gì mà lo.
Đàn ông Ả Rập ít uống rượu, không cờ bạc, ma túy nên chỉ còn một thú vui là gái. Đa số sống lang chạ, bừa bãi như thú vật và theo tập quán, vợ không được phép ghen tuông.
Mình tin những điều tồi tệ kể trong sách là có thật, có nhiều những vẫn là thiểu số. Phần lớn những người làm giúp việc tại các nước Vùng Vịnh hài lòng về công việc, cuộc sống và mức đãi ngộ.
Trong sách viết, có gia đình có gần chục người giúp việc nhưng mình biết có nhà mười mấy người, chia ra các "tổ" như trông trẻ, nấu cơm, lau dọn làm vườn và lái xe.
Có lần mình đến chơi một nhà có housemaid người Việt nhưng chủ nhân kêu houseboy ra tiếp nước. Mình đòi gặp cô người Việt thì chủ nhà cũng chiều, vì thông thường phụ nữ không được gặp khách đàn ông.
Đông người đỡ đần nhau nên không đến nỗi quá vất vả. Bên này phân biệt đẳng cấp nhưng vẫn có tình người, thương yêu người làm công.
Trong số hàng chục triệu lao động nước ngoài thì có đến vài triệu housemaid chứ không ít. Tuy nhiên để ý một chút, họ đều theo hồi giáo, dù có nguồn gốc Indonesia, Philippines, Bangladesh, Pakistan. Người Ấn làm việc bên Trung Đông là đông nhất nhưng ít làm giúp việc vì khác biệt tôn giáo.
Vì thế mình nghĩ người Việt làm housemaid ở Trung Đông là không hợp. Người ta không nói ra nhưng họ có ác cảm với người vô đạo, và khi đã ghét thì khó mà đối xử tốt.

Làm ăn làm giàu (P 4): Làm gì thời Covid


Hồi trước bà xã bảo mình mở công ty du lịch. Báo hại mình đi học lấy bằng lái xe buýt, học xong biết trước sắp có Covid (nói phét tí) nên mình không mở nữa.
Các công ty du lịch của người Việt tại Úc chủ yếu chăn dắt khách từ trong nước sang, chẳng giàu được, chỉ kiếm ăn qua ngày. Tuy vậy, bà con mình nhào vô ghê quá, toàn chỗ anh em bạn bè không lẽ tranh cướp của nhau.
Sẽ đến lúc mọi người hiểu rằng vaccine không giải quyết được vấn đề cúm Tầu. Cũng như cúm Tây Ban Nha, đâu cần vaccine, nó tự biến mất. Năm ngoái bằng giờ, Úc bị cháy rừng liên tục 7-8 tháng không thể dập tắt, nhưng một cơn mưa lớn bất ngờ ập đến, tự dưng hết cháy.
Trời mang lửa đến rồi trời cũng mang nước đến. Tuy nhiên con virus Corona có phải của trời không thì lại chưa biết. Nhiều khả năng không phải, và do đó chỉ có thể xử lý được nó nếu tìm ra thủ phạm nhân tạo. Điều này còn khó và lâu hơn tìm ra vaccine, hoặc chẳng bao giờ.
Hiện nay, giá vé “thị trường” 1 chiều đi Việt nam là $6,000/người. Bạn đang đi với giá $600 thì sẽ giẫy nẩy và không chịu, nhưng rồi sẽ phải chấp nhận thực tế mới trong tương lai. Ai cũng hiểu với giá này thì ngành du lịch inbound từ Việt Nam không có cửa gì ngóc đầu lên nổi.
Cuộc sống vẫn tiếp tục, không làm cái này thì làm cái khác. Chắc mọi người đều thấy giá bất động sản lên cao trên toàn thế giới. Một lĩnh vực khác cũng bùng nổ nhu cầu là lương thực thực phẩm.
Thực phẩm của Úc và Việt Nam khác nhau, vì thế có thể tính chuyện làm xuất nhập khẩu. Kim ngạch ngoại thương có trị giá lớn, điều này sẽ mang lại một niềm vui bất ngờ nếu cần lấy điểm doanh thu khi làm visa kinh doanh đầu tư.
Bán có thể bán tôm hùm, rượu vang, cherry, thịt bò, thịt cừu, thực phẩm chức năng...sang Việt Nam. Mình ít khi đi Việt Nam nên không rành chuyện này lắm.
Ở chiều ngược lại, bạn nhập hàng thực phẩm thô và chế biến từ Việt Nam qua, rồi đi bỏ mối cho các shop thực phẩm và nhà hàng. Về thị trường bên này, hơi bất ngờ ở chỗ kênh tiêu thụ của người Việt là khá nhỏ nếu so với người Tàu và người Ả Rập.
Nếu bạn bỏ mối thực phẩm thì sẽ thấy các shop hoặc nhà hàng của người Tầu ăn hàng mạnh hơn của người Việt rất nhiều. Đối với nông sản thô như hồ tiêu, hoa hồi, quế, thảo quả, nghệ...thì bọn Ả Rập và Ấn Độ tiêu thụ rất mạnh.
Trong kinh doanh, không nói chuyện chung chung được mà cần vô cùng tỉ mỉ và chi tiết. Ví dụ hồ tiêu có hai loại đen và trắng. Mỗi loại chia ra nguyên hột, bột và nghiền (crushed), riêng nghiền cũng có mấy thứ kích cỡ...và phải biết người ta ưu chuộng loại nào?
Bạn sẽ nói rằng nếu ta “chuyên nghiệp” thì sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh. Người ta có base customers hàng chục năm không ăn ai, mới làm nghĩa là phải trả một đống “ngu phí” làm sao hạ giá thành nổi.
Tuy nhiên, vẫn có cách châu chấu đá voi. Người ta chào giá 100 mà bạn hô 110 thì khách hàng sẽ bảo bạn bị điên, bạn không thể len vào thị phần. Khi làm du lịch chẳng hạn, có rất nhiều multiple incomes như về di trú, di học, nhà đất, hàng hóa khác... thì bạn dám đưa giá 90 mà không sợ bị lỗ, thậm chí vẫn thắng lớn. Tất nhiên, lấy được đa thu nhập cũng không hề dễ dàng và đây là cái tài nhanh nhạy của bạn.
Thương trường là chiến trường, không chà đạp người ta thì người khác cũng chèn ép mình. Đi ăn cướp 1000 đồng rồi làm bộ từ thiện 10-20 đồng, đó là cuộc đời.
Nghĩ lắm thì chỉ còn cách đừng mơ làm giàu nữa. Mình biết kiếm tiền từ khi 17 tuổi, từ đó đến nay chưa bao giờ thiếu tiền tiêu nên việc gì phải mưu mô cho khổ, sống thanh thản vẫn hơn. Vì thế mình xác định bây giờ chỉ đi làm thuê, ai muốn ganh đua thì xin nhường.
Lời kết: loạt bài “Làm ăn làm giàu” xin phép kết thúc.
Mình không muốn hô hào chung chung không có ích gì, chỉ làm mất thời gian của mọi người. Còn viết cụ thể quá thì lại đụng chạm, lộ mánh làm ăn. Tuy nhiên, các bạn muốn trao đổi riêng tư thì cứ inbox.
Ảnh: Nhiều tiền để làm gì

Somaliland - quốc gia nhỏ bé ở châu Phi dám đoạn tuyệt với Trung Quốc

 


Somaliland có chính phủ, quốc hội, quân đội, hộ chiếu và tiền tệ riêng, là quốc gia li khai từ Somalia.
Somaliland đã gây chấn động khi chính thức mở văn phòng đại diện tại Đài Loan ngay trong thời gian đại dịch Covid, bất chấp những lời đe dọa của Trung Quốc. Chính phủ do tổng thống Muse Abdi đứng đầu cũng thẳng thừng từ chối những cạm bẫy tiền bạc béo bở mà Trung Cộng đưa ra.
Cũng nên nhắc lại chiến tranh biên giới vào các năm 1977-1978 giữa Somalia với Ethiopia. Theo đó, Ethiopia được Liên Xô ủng hộ, còn Trung Quốc đứng về phía Somalia.
Kết quả Somalia thua, bị mất đất và tai hai hơn còn lâm vào nội chiến và ly khai. Chính quyền trung ương đã bị mất quyền kiểm soát tại Somaliland ở phía Tây Bắc và Punland bên Đông Bắc.
Hai phần lãnh thổ ly khai có tổng cộng 8 triệu dân, chiếm khoảng một nửa dân số. Đáng chú ý, Somaliland đã trở nên khá an toàn, thanh bình, không bị lộn xộn như phần đất do chính phủ "trung ương" vốn nổi tiếng bởi nạn cướp biển.
Nhiều nước Ả Rập có cơ cấu chủng tộc và tôn giáo rất phức tạp, rất dễ rơi vào nội chiến mà hiện đang tiếp diễn ở Iraq, Lybia, Yemen, Syria. Sudan đã đỡ hơn sau khi Nam Sudan tách ra.
Có lẽ li khai là giải pháp khả dĩ nhất để chấp dứt chiến tranh, để người dân đỡ khổ. Muốn vậy rất cần sự giúp đỡ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế về cả vật chất lẫn tinh thần.
Từ năm 1991, Somaliland đã độc lập trên thực tế và mới đây tổng thống Mohamed Mohamed của Somalia đã lên tiếng xin lỗi về những hành động bạo lực khi trấn áp sự phản kháng của Somaliland trước đây như một cử chỉ làm dịu căng thẳng giữa hai bên.
Nếu chính quyền của Tổng Thống Biden chính thức công nhận Somaliland để biểu dương sự dũng cảm của tiểu quốc này sẽ là một điều không thể tuyệt vời hơn và là một vố đau cho Trung Quốc.