Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Nước Úc giàu và đẹp


CÁM ƠN NƯỚC ÚC


Bà xã mình kể chuyện về một gia đình người Việt thuộc loại tầng lớp chẳng tinh hoa gì cả. Anh chồng lớn tuổi rồi, có vấn đề sức khỏe, không lái xe được. Chị vợ được cẩu sang từ Việt Nam chưa lâu, chẳng biết tiếng Anh. Nhà chỉ có một đứa con mà đã thấy nheo nhóc rồi, nói nôm na là làm không đủ ăn. Cũng may mà có tiền trợ cấp, người Việt thường dùng chữ “tiền sữa”, mặc dù cháu đã qua tuổi uống sữa từ lâu. Đây là trợ cấp dành cho trẻ con trong các gia đình có thu nhập thấp. Trẻ con cũng như người già, người tàn tật là những đối tượng cần sự trợ giúp của xã hội.

Tử tế không cần “ráng”, là điều có thật tại Úc. Thử hỏi ở xứ “thiên đường” chẳng hạn, nơi mọi người có sự tự do sống chết mặc bay thì một gia đình như thế này thì còn khốn khổ đến đâu.

Cũng như bất cứ nơi nào, Úc có nhiều cảnh đẹp nao lòng. Nhưng những cái đẹp khác, không phô trương, chỉ lặng lẽ thì khó nhìn thấy.

TẦNG LỚP TINH HOA


Để trở thành tầng lớp tinh hoa hay tinh bông, dường như có “hai cách”. Tinh hoa một khi bạn có nhiều tiền, chức to thì không thiếu kẻ xúm vào nịnh hót, tâng bốc, mặc dù trong bụng thì khinh bỉ và căm ghét. Nếu bạn chết, họ khóc rống lên nhưng ngay sau đó là có thể công khai chửi rủa bạn. Cách thứ hai, bạn là người tài năng đức độ, bạn không cần ai nịnh hót. Những thành quả và cống hiến của bạn đối với xã hội sẽ làm mọi người cảm phục và yêu mến.

Dù mặt xấu chân tay bẩn, mình âm thầm tính chuyện lên đời mở mày mở mặt với thiên hạ. Gái có thì, khi nhan sắc sút giảm, cơ hội của bạn không còn nhiều. Không phải là gái thì mình cũng cảm thấy không còn cơ hội để vươn lên đẳng cấp của tầng lớp tinh hoa lắm tiền nhiều danh. Vậy chỉ còn cách học, để trau dồi trí tuệ và nhân cách thôi.

Có tuổi rồi cũng không thể cắp sách đến trường được nữa, vậy đọc sách là một cách học nữa, học mãi. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đi nhiều là một cách khác nâng cao tầm nhìn và sự hiểu biết.

Mình đã từng có giai đoạn đọc nhiều và cũng một thời gian khác đi overseas liên tục mà chẳng biết có học hỏi được gì không. Bây giờ lười đọc, cũng chẳng đi đâu mấy nhưng so sánh với lúc trước, mình cảm thấy “vẫn thế”. Có lẽ hồi xưa ngu, bây giờ vẫn ngu nên thấy bằng nhau.

Thực sự, có đọc thì cũng không mở mang được bao nhiêu vì thông thường mọi người chỉ chọn vài đề tài quen thuộc, theo những niềm tin có sẵn. Khi đọc truyện, đa số trường hợp để tò mò để xem chàng và nàng có lấy nhau không. Tuyệt đại đa số, các truyện đều happy end một cách dễ dãi để chiều lòng người đọc. Những quyển sách thực sự có ý nghĩa tư tưởng cao đẹp thì quá hiếm. Mình muốn các cháu nhà mình mở mang đọc nhiều thể loại sách khoa học, lịch sử hay địa lý, mà quá khó.

Bà xã mình đọc sách, gặp từ không hiểu thì hay hỏi cháu Bi là cô chị. Cô em Si thắc mắc, sao mẹ không hỏi con mà hỏi chị ấy. Bà xã bảo, mày lười như hủi, còn chị chăm đọc nên mẹ mới hỏi chứ. Si bảo, con ít đọc nhưng con lại nhớ hơn, nên chưa biết ai đã hơn ai. Ừ, đúng vậy, có một thực tế là có những người đọc rất nhớ, ngược lại, có người chẳng nhớ gì cả. Đó là do “Trời cho”, không phải cứ muốn là nhớ, là hiểu và vận dụng hợp lý.

Khi đi du lịch, đến sân bay, bạn sẽ có người đón và leo lên ô tô, chở về khách sạn. Rồi từ khách sạn, ô tô đưa đi nhà hàng hoặc các địa điểm du lịch để chụp ảnh. Liệu bạn có cơ hội gì để quan sát, lắng nghe là lĩnh hội các kiến thức mới ? Tất cả sân bay, khách sạn, ô tô, nhà hàng ở nước nào cũng giống hệt nhau. Cái khác là hình thù của Tháp Eiffel và Kim tự tháp trên các bức ảnh mà thôi, nếu không dùng photoshop.

Kẹt quá, xem ra con đường trở thành tinh hoa không đơn giản! Thôi, có bệnh thì vái tứ phương.

Nhớ lại hồi trẻ mình rất khoái đá banh, mua sách về để tập đá theo sách, nhưng không tiến bộ. Bỗng dựng may mắn mình được gọi vào đội tuyển bóng đá của trường ĐH KTQD. Có điều thời gian theo đội quá ngắn, chưa kịp đi khoe thì đã bị loại vì không đạt yêu cầu chuyên môn. Mấy anh em trong đội đá rất giỏi nên mình bắt chước theo, học được mấy chiêu rất hay, nên đã cho mình một level mới.

Vậy theo cách này cũng được, nếu bạn chịu khó giao du cọ sát, “gần đèn thì rạng” và “học thầy không tầy học bạn”, chắc chắn sẽ thu hoạch những điều bổ ích và lý thú. Có anh bạn không muốn dùng phone vì qua phone chỉ đọc được những “cái ngắn”, mà đã đọc ngắn thì sẽ không muốn đọc dài nữa. Mình thì thấy những thông tin ngắn, cập nhật cũng cần thiết và quan trọng. Phone và mạng xã hội là phương kiện để mọi người có tương tác, trao đổi nhanh chóng dễ dàng với nhau.

Đọc sách cứ cho là không được gì về kiến thức nhưng để đọc cho hết một quyển sách cũng đòi hỏi sự kiên trì và cho ta sự tĩnh tâm. Đi du lịch mà thiếu so sánh, động não thì cũng không thấy được nhiều cái mới lạ, nhưng nó vẫn mang lại những cảm xúc và trải nghiệm.

Học trong cuộc sống giao tiếp kết bạn, tự học và học qua sách vở đều cần thiết. Nếu không phải là kiến thức mà chỉ niềm vui thôi cũng quá đủ, chẳng cần lên tầng lớp tinh hoa và không phải cứ cố là được.

MÔ HÌNH IRAN


Tháng 2/2001 sang Dubai thì đến tháng 11 và 12 cùng năm, mình đã có hai chuyến đi đến với Iran, một đất nước với bề dày lịch sử kỳ bí.

Kể từ cuộc cách mạng hồi giáo 1979 đến nay, Iran đã trở thành một ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài. Với khí thế hừng hực, ngày 4/11 năm ấy, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử bang giao quốc tế, Iran đã bắt giữ hơn 60 nhà ngoại giao và nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran. Họ đã bị giam cầm những 444 ngày, chỉ được thả đúng vào ngày nhậm chức của Tổng thống Reagan, đầu năm 1981.

Trong suốt năm 2002 cho đến đầu năm 2003, một câu hỏi luôn lơ lửng đặt ra: khi nào Mỹ tấn công Iraq của Saddam Husain? Chỉ vì ám ảnh đó mà tại khu vực vùng Vịnh, mọi chuyện làm ăn, thương mại đình đốn, khách du lịch cũng vắng hoe.

Nhàn rỗi cũng là một thú vui, nhất là khi mình vẫn còn độc thân. Một anh bạn tên Ali, quốc tịch UAE, gốc Iran, sống ở Sharjah. Sharjah và Dubai là thủ phủ của hai tiểu bang nhưng chỉ cách nhau 20km, nên có thể coi là tuy hai mà một tuy một mà hai. Ali thích đi Dubai vì ở đây có nhiều quán bia rượu và đồ nhậu hơn thành phố của hắn. Mỗi lần đi Dubai, hắn hú mình và tụi mình thường ngồi từ suốt từ trưa đến tối.
Mình hỏi Ali, mày có ăn thịt lợn không, hắn cười “I’m not a good Muslim” và kể con gái lớn đua đòi theo bạn bè, không chịu ăn thịt lợn nữa. Hắn bảo con, mày không thích thì thôi nhưng tao vẫn ăn.

Ali bảo quá một nửa người Northern Emirates là gốc Iran (Northern Emirates chỉ 6 trong tổng số 7 tiểu vương quốc thuộc UAE). Trong quá khứ, Đế quốc Ba Tư từng có những thời kỳ hết sức hào hùng, với vùng ảnh hưởng bao trùm Một răng (Iran), Một rắc (Iraq), Ba răng (Bahrain) là chuyện nhỏ, mà còn chiếm lĩnh cả một vùng Tây Á và Trung Á mênh mông, ngày nay là Iran, Iraq, Syria, bán đảo Ả Rập, các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Các nhà sử học gọi đây là “đế quốc Đa văn hóa” vì các tiểu quốc bị chinh phục vẫn được giữ lại văn hóa riêng của họ và không cần đồng hóa với mẫu quốc.

Trong suốt lịch sử gần ba ngàn năm, Ba Tư trải qua những khúc thăng trầm “lên voi xuống chó”. Nhiều giai đoạn, đất nước này đã bị khuất phục bởi các thế lực bên ngoài như La Mã, Ả Rập, Mông Cổ và Otoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Iran ngày nay được coi là hậu duệ của đế quốc Ba Tư nhưng thành phần sắc tộc khá phức tạp với chỉ khoảng 53% dân số nói tiếng Persian.

Nói chuyện là vậy, nhưng Ali có vẻ khá dửng dưng, chẳng có vẻ hãnh diện tự hào gì cả, bản thân anh cũng chưa bao giờ về Iran chơi. Mình thích ngồi nhậu gần với màn hình Tivi để theo dõi chiến sự tại Iraq thì hắn bảo, xem làm quái gì, thế nào Mỹ cũng thắng thôi. Ừ, hắn nói đúng, giao tranh chỉ kéo dài 70 ngày, từ 10/3 đến 20/5. Hết chiến tranh, mọi việc bất chợt nhộn nhịp hẳn lên, tranh mua, tranh bán, tranh đầu cơ, chẳng còn thời gian tán dóc nữa. Mình và Ali cũng ít gặp nhau.

Nếu chủ nghĩa bảo hộ thắng thế thì nhiều quốc gia sẽ trở về với mô hình mà Iran đã có trong gần 40 năm qua, đó là một nền kinh tế tự cấp tự túc. Người ta nói đùa, “một cô gái Tây mặc áo dài và đặt tên Việt hay Vietfast chẳng hạn thì cũng không thể trở thành cô gái Việt Nam”. Nhưng ở Iran, ô tô chạy ngoài đường là của Iran, thứ thiệt từ trong ra ngoài. Các loại nhãn hiệu IKCO Samand, Peykan, Saipa... đã được thị trường thừa nhận với mức tiêu thụ hàng triệu chiếc/năm, tức là đã nắm giữ thị phần và thương hiệu. Cái câu tào lao “Trong khó khăn, chúng ta sẽ Quyết tâm hơn” hóa ra lại đúng ở đất nước này.

Thực ra ngành công nghiệp xe hơi của Iran đã phát triển từ trước cách mạng, các nhãn hiệu kể trên xuất hiện cùng thời với Le Dalat của Nam Việt Nam. Sự khác nhau là khi Việt Nam có Lada, Moscovic của Nga...rồi các loại xe hơi của Mỹ, Âu, Nhật; thì Iran bị cấm vận và phải tự lo liệu. Điều may mắn là ở Iran không có cải cách ruộng đất hay cải tạo tư bản nên nền móng xã hội vẫn được giữ, các cơ sở kinh tế của “chế độ cũ” không bị phá hủy.

Làn sóng toàn cầu hóa dâng trào trong mấy thập niên qua đã làm thay đổi sâu sắc tình trạng kinh tế các nước. Ngay tại Úc, điều dễ thấy là một loạt các ngành sản xuất, dù cố tình giải tán để bảo vệ môi trường hay bị tiêu diệt cũng đã trống vắng trên một loạt lĩnh vực xe hơi, cơ khí, luyện kim, điện tử, may mặc, giày dép...

Trong khí đó, các ngành sản xuất của Iran đã gồng mình lên để cung ứng các loại nhu cầu của trên 80 triệu dân. Loại hàng mà Iran vẫn cần nhập khẩu là gia vị và nông sản dạng thô thì đã có cửa ngõ Dubai, mà chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch.

Cách đây mấy năm, Iran đã có thỏa thuận về hạt nhân với nhóm cường quốc 5+1 và đã được nới lỏng cấm vận. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã tái áp dụng lệnh cấm với cáo buộc Iran đã sử dụng nguồn tài chính mới kiếm được để tài trợ khủng bố và các nhóm vũ trang ở Syria, Lebanon và Yemen.

Đến nay, cơ cấu chính quyền Iran vẫn bao gồm hai bộ phận, giới giáo hội quản lý phần “hồn” cho các con dân và Tổng thống đứng đầu bộ máy hành chính. Lãnh tụ tối cao hiện nay là Giáo chủ Khamenei đã bước vào tuổi 80 cũng từng tham gia chính biến từ những ngày đầu cách mạng. Một khi Việt Nam có chuyện nhất thể hóa thì có lẽ Iran sẽ là nước duy nhất trên thế giới còn giữ hệ thống “song trùng” lãnh đạo.

Quan hệ giữa Iran với Mỹ vẫn chưa được bình thường hóa, không phải vì Iran theo Hồi giáo mà chính vì vụ khủng khoảng con tin 39 năm trở về trước. Nếu giới lãnh đạo Iran dám thừa nhận sai lầm trong quá khứ và có một lời xin lỗi thì sẽ mở ra cơ hội giải thoát được vướng mắc. Rất đơn giản nhưng cũng quá khó khăn.

LÊN ĐỈNH 9 TẦNG MÂY


Arsenal vừa có trận thắng thứ 9 liên tiếp một cách giòn giã 1-5 ngay trên sân đối phương. Trong 5 bàn thắng, bàn thắng thứ ba đã tái diễn cảnh “dệt gấm thêu hoa” của thời Wenger, với những pha một chạm tinh tế, kết thúc bằng cú giật gót của Ramsey. Đây là chắc chắn bàn thắng đẹp nhất từ đầu giải và sẽ là một trong những bàn thắng đẹp nhất cả mùa giải.

Chiến thắng này đã giúp Arsenal vươn lên vị trí thứ tư trong Premier League, xếp sau ba đội Man city, Chelsea và Liverpool. Đây là ba đội bóng còn lại trong 20 đội của giải chưa thua, trong khi Ars đã thua 2 trận gặp Man city và Chelsea. Trùng hợp là, cũng có 3 đội chưa thắng, lại là ba đội xếp cuối giải.

Mọi người đều biết sau một triều đại kép dài 24 năm của Ferguson, Man Utd đang lâm vào khủng hoảng. Những người hâm mộ cũng sợ rằng, sau 22 năm của Wenger, Ars cũng đi theo vết xe đổ. Những người yêu mến Wenger còn sót lại hẳn nghĩ đến một kịch bản rằng, nếu Emery làm Ars suy sụp giống như Moyes đã làm với Man Utd trước đây và phải thay ngựa giữa dòng khi mùa giải chưa kết thúc, có thể Wenger quay trở lại. Wenger vẫn còn hợp đồng với Ars đến giữa năm 2019 và chừng nào ông chưa tìm được jobs mới thì Ars vẫn phải tiếp tục trả lương. Vậy thì còn gì hợp lý hơn khi Wenger được thỏa mãn mong muốn nắm Ars trong trường hợp Emery thất bại.

Nhưng cũng chính vì những khó khăn của Man Utd mà người ta dễ tính hơn đối với Emery. Với Wenger, top 4 là thất bại, nhưng khi Ars leo lên thứ tư thì đã được tung hô quá chừng, như là một chiến công lớn.

Hình như Emery chẳng có gì khác biệt so với Wenger. Trước hết là lối chơi nặng về tấn công và coi nhẹ phòng ngự. Khi tấn công, cũng thiên vào trung lộ và ít chú trọng lật cánh đánh đầu. Trong 29 bàn thắng trong 11 trận, chỉ có hai bàn thắng đánh đầu, một tỉ lệ quá thấp ở Premier League.

Emery cũng thích nâng đỡ các cầu thủ trẻ, một loạt cầu thủ trẻ đã khởi sắc dưới bàn tay của Emery, có thể thấy đó là Iwobi, Torreira, Guendouzi, Rowe...

Về chiến thuật, Emery ưa thích sử dụng 1 tiền đạo trong sơ đồ 4-3-3 hoặc 4-2-3-1, y như Wenger. Hai trận gần đây ông thử nghiệm 3-4-3 và 4-4-2 lại là những sơ đồ Wenger đã từng dùng.

Emery cũng có con mắt tinh đời, chỉ với 70 triệu bảng mà ông đã mang về được 5 cầu thủ rất có chất lượng, làm nên một lực lượng hùng hậu hiện nay.

Tuy nhiên, đến giờ phút này, Emery vẫn chưa xác định được bộ khung chính cho đội hình xuất phát. Vẫn chưa dứt khoát ai là thủ môn số 1, Cech hay Leno? Chọn hai cầu thủ nào trong số 3 trung vệ Holding, Sokratis và Mustafi? Có đến 3 cầu thủ xứng đáng chơi ở vị trí trung phong là Auba, Laca và Welbeck nên trận đấu đêm qua ông đã phải xếp 2 tiền đạo thay vì 1 như trước đây. Còn nữa, Emery nêu danh sách 5 đội trưởng, kể hơi nhiều nhưng trong mấy trận gần đây thì lại “mọc” thêm Monreal và Welbeck. Đáng chú ý là 7 cầu thủ này có 7 quốc tịch khác nhau, điều này cũng tương đồng khi Wenger chính là người đi tiên phong trong việc đưa nhiều cầu thủ nước ngoài vào Anh.

Vấn đề hóc búa nhất là vị trí nhạc trưởng số 10. Ozil là lựa chọn đương nhiên vì những phẩm chất kỹ chiến thuật, nhưng nếu để anh vào vị trí đó thì xếp Ramsey đi đâu? Cho nên đã có tin Ars rút lại hợp đồng dự kiến sẽ ký gia hạn với “Rambo”, cũng là một điều đáng tiếc.

Sau kỳ nghỉ 2 tuần dành thi đấu các đội tuyển quốc gia, Ars sẽ có cơ hội kéo dài mạch thắng vì có đến 4 đối thủ dưới cơ. Đến trận thứ 5 là cuộc chạm chán với Liverpool, thứ dữ thực sự, và đó sẽ là thước đo cho tham vọng của Emery và Ars trong mùa giải năm nay.

CỜ NGOÀI BÀI TRONG


Câu ngạn ngữ nói về chuyện chơi cờ và đánh bài để diễn tả có những việc người bên trong hiểu rõ việc cần làm hơn người ngoài; ngược lại, có những cái người ngoài cuộc mới sáng nước.

Về chuyện tình cảm cảm, người trong cuộc luôn luôn mù quáng bởi tỉnh táo thì chẳng thể có tình yêu. Do vậy người ngoài mới khách quan và sáng suốt.

"Ép hành ép mỡ, ai nỡ ép duyên". Mình nghĩ mẹ không nên can thiệp vào chuyện riêng của con cái. Bởi vì cha mẹ vẫn còn quá nhiều cảm tính, họ vẫn là người trong cuộc. Nhưng anh chị em và bè bạn có thể có những lời khuyên xác đáng hơn.

Vấn đề làm ăn lại khác, chỉ người bên trong mới có đủ thông tin và cảm xúc để phán đoán nên làm gì.

Gần đây, mình hân hạnh nhận được một số lời khuyên kiếm tiền thế nào. Mình qua Úc từ năm 1994, còn mấy người xui khôn xui dại thì mới sang. Kỳ lạ, toàn những sáng kiến "tay không bắt giặc", đại khái không mất vốn hoặc mất rất ít mà vẫn kiếm được nhiều. Ông Mường tè ra Hà nội mà lại quên mất thân phận miền ngược và lên mặt dạy đời thì có lộn ruột không?

Tui không đui không mù, cũng không què, mấy trò trẻ con đó không lẽ tui không biết hay sao. Nhặt tiền dễ thế thì tui nhặt xong lâu rồi, không đến lượt các cụ đâu.