Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Một góc chùa Nan Tien


KHI TRUMP VÀ KIM RỦ NHAU ĐI UỐNG RƯỢU




Một sự kiện có thể coi là nổi bật là Kim Chính Ân (Kim Jong Un, gọi là Ủn cho tượng hình) đã viết một bức thư, đưa cho em gái mang sang Nam Hàn, nhờ Nam Hàn chuyển cho phía Mỹ để mời gặp Donald Trump. Ngay lập tức ông Trump đã nhận lời gặp Kim vào tháng 5 tới. Từ lâu, trải qua đời ông Kim Nhật Thành, đến đời bố Kim Chính Nhật, Bắc Hàn đã từng công khai ngỏ ý muốn nói chuyện trực tiếp với Mỹ. Nhưng Mỹ luôn luôn từ chối, vậy sao bây giờ lại nhận lời? Hãy quên chuyện Trump là một tổng thống điên rồ, đó là luận điệu của những người chống ông. Chắc chắn phải có gì "khác biệt" mà Mỹ mới thay đổi thái độ như vậy.

Thời Kim Nhật Thành, Bắc Hàn coi Nam Hàn là ngụy quyền, tay sai đế quốc Mỹ nên chỉ muốn nói chuyện với ông chủ, chứ không nói chuyện với tay sai. Vào đầu thập niên 80s, Nhật Thành quyết định truyền ngôi cho người con trai lớn là Chính Nhật với vợ trước, cho người coi trai bé với vợ sau đi Đại sứ "vĩnh viễn" ở các nước châu Âu. Chính Nhật được tham gia vào các bộ máy Đảng và quân đội. Người ta thường thấy hình ảnh hai bố con như hình với bóng, lãnh tụ tối cao trong vai "ông nội" đôn hậu với nụ cười thường trực; còn nhà lãnh đạo kính mến thì nghiêm nghị.

Chính Nhật có một mối tình ngang trái với một nữ diễn viên hơn tuổi và đã có chồng, sinh ra con trai lớn là Chính Nam (Jong Nam), người bị ám sát tại Malaysia năm ngoái. Mối tình không được bố chấp nhận. Vào thời điểm Chính Nhật được chính thức lên thông tin đại chúng thì dường như có một sự đổi chác, Chính Nhật phải ly thân, vợ cũ sang Nga điều trị bệnh (mà bị bệnh thật và sau đó mất tại Nga vào năm 2002). Chính Nhật lấy vợ mới do bố chỉ định và sinh thêm 3 đứa con.

Lúc đó Chính Nam mới hơn 10 tuổi, thỉnh thoảng sang Nga thăm mẹ nhưng vẫn ở lại trong nước với bố. Chính Nhật rất thương yêu thằng bé thiếu mẹ, còn ngủ chung với con. Chính Nam cũng rất thông minh, thông thạo nhiều ngoại ngữ.

Theo nguồn tin chưa được kiểm chứng, vào năm 1994, Chính Nhật đã có những quan điểm riêng về chính sách đối ngoại, đặc biệt là muốn đối thoại với khúc ruột bên kia Bàn Môn Điếm là Nam Hàn, và dẫn đến bất đồng nặng nề với Nhật Thành. Ở Bắc Hàn, chỉ có một người duy nhất dám bật lại lãnh tụ vĩ đại. Đáng tiếc điều đó đã xảy ra, Nhật Thành uất ức lên cơn đứt mạch máu não rồi chết.

Chính Nhật lên ngôi đã gặp tổng thống Nam Hàn, bàn chuyện thống nhất Triều Tiên. Thực tế cho thấy, từ khi họ Kim nắm chính quyền, Bắc Hàn đã trở thành một ốc đảo tách biệt với thế giới bên ngoài. Cách duy nhất để có thể thoát ra tình trạng này chính là việc nói chuyện và thống nhất với Nam Hàn. Tuy nhiên, cách biệt hai bên quá lớn nên mục tiêu này không dễ gì thực hiện. Bên cạnh đó, Chính Nhật lâm bệnh và qua đời ở tuổi 69.

Cái chết khá sớm và có phần đột ngột của Chính Nhật đã dẫn đến việc chuẩn bị người kế vị cũng khá vội vàng. Chính Nam từng được coi là thái tử đương nhiên đã bị phế truất vì một bê bối hộ chiếu giả. Người con trai thứ hai bị coi là không đủ phẩm chất, nên Chính Ân đã được chọn lựa.

Nếu như Chính Nhật có hơn 10 năm để gây dựng uy tín thì Chính Ân chỉ có 1-2 năm, lại lên khi còn quá trẻ, có lẽ chỉ 27 tuổi, mặc dù truyền thông cố tình mập mờ thông tin về tuổi của ông. Việc Chính Ân quá non nớt mang đến những hệ lụy cả về đối nội lẫn đối ngoại. Về đối ngoại, Trung Quốc với tư cách là nước đỡ đầu của Bắc Hàn, cũng tìm cách lũng đoạn chính quyền. Trong khi đó, các quan chức chóp bu rõ ràng đã không tuân phục. Sáu năm qua có thể coi là thời gian mà Chính Ân đã phải làm tất cả những gì có thể khẳng định quyền lực độc tôn, ông cho xử tử một số Ủy viên Bộ chính trị, Đại tướng, kể cả ông chú dượng. Bên ngoài, Chính Nam cũng không được tha và điều này có lẽ đã mếch lòng Trung Quốc vì người ta cho rằng Trung Quốc đang "nuôi" ông anh cho những mục đích nào đó. Nếu như đời ông và đời bố thường xuyên sang thăm Trung Quốc thì Chính Ân chưa một lần. Đến nay, Trung Quốc "theo đuôi" Mỹ thực thi cấm vận biên giới với Bắc Hàn thì quan hệ hai nước đã xấu đi nghiêm trọng.

Điều gì sẽ xảy ra khi bác Chăm và cháu Ủn đi uống rượu với nhau? Đó là phi hạt nhân hóa ? Chưa chắc đó là điều Mỹ thực sự muốn. Bắc Hàn yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Nam Hàn ? Mỹ cũng có thể dễ dàng chấp nhận vì với 10 hàng không mẫu hạm, về mặt kỹ thuật quân sự, Mỹ không cần lắm việc có căn cứ quân sự ở đất liền. Vấn đề thống nhất Triều Tiên nghe có vẻ trời ơi đất hỡi, với viễn cảnh một đất nước Triều Tiên hùng mạnh, tiếp thu kỹ nghệ và nền kinh tế tiên tiến của Nam Hàn, cộng với nguồn tài nguyên dồi dào của Bắc Hàn chưa được khai thác, lại có vũ khí hạt nhân nằm cạnh Trung Quốc, liệu có phải là giải pháp tốt?

Điểm đáng chú ý của Chính Ân là thái độ với vợ. Nữ đồng chí Ri được truyền thông nhà nước đưa tin một cách trân trọng nhất. Dễ cho Chính Ân là chỉ có một vợ duy nhất, trong khi cha và ông thì có nhiều vợ nhiều bồ, đồng thời cũng thể hiện tình người trong con người đỉnh cao quyền lực. Cho đến nay, xã hội Bắc Hàn vẫn còn mang màu sắc phong kiến với 3 giai tầng rõ rệt: Vua, quan và dân. Với việc "nặng tay" với các quan, những đồng chí của Chính Ân hiểu rằng họ có thể bị khép tội chết bất kỳ lúc nào. Điều đó đưa Chính Ân vào thế "point of no return", luôn phải lo lắng đến việc trung thành của những người chung quanh. Đó là một sức ép khủng khiếp về tâm lý, bắt buộc Chính Ân phải tìm giải pháp thay đổi, tìm cách thuận lòng dân.

Trong Đại hội Olympic mùa đông vừa qua, hai đoàn thể thao của hai miền Triều tiên đã đi chung dưới một lá cờ là một hình ảnh rất đẹp. Chắc chắn việc thống nhất là nguyện vọng của người dân hai miền, cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình. Dù con đường còn dài thì cuộc gặp Trump - Kim, trước mắt cũng làm thế giới yên tâm hơn về rủi ro hạt nhân.

SỰ PHÁ SẢN CỦA MỘT TRIẾT LÝ BÓNG ĐÁ


Khu vườn thể thao muôn hoa luôn khoe sắc. Cao hơn, xa hơn, nhanh hơn là cuộc đua của bơi lội và điền kinh. Môn quyền anh thể hiện tính quả cảm, trượt băng là sự kết hợp thể thao với âm nhạc, còn các môn bóng giàu kịch tính. Các môn thể thao đồng đội phô diễn tinh thần và sự phối hợp tập thể , trong khi trình diễn cá nhân thể hiện tính độc lập tự chủ.

Điều gì khiến bạn mê mẩn một cuốn tiểu thuyết ? Đó là cốt chuyện li kỳ, vẻ đẹp ngôn ngữ hay tính tư tưởng của những ý tưởng mới, sự nhân văn hay ca tụng hô hào ? Người ta bảo bóng đá là sự hài hòa của thể thao, nghệ thuật và khoa học, nó cuốn hút bởi những bàn thắng vừa tất yếu vừa ngẫu hứng, những cuộc đầu tay đôi không khoan nhượng và sự gắn kết, hỗ trợ giữa các thành viên. Đối với mình, bóng đá là một cuộc đấu trí. Bạn có biết khi nào và vì sao đội bóng của bạn đang chơi với đội hình 3-4-3 bỗng chuyển sang 4-3-3 không. Nếu chưa, bạn nên bỏ thêm thời gian cho bóng đá nữa thì sẽ biết.

Ba mươi năm qua, môn thể thao vua đã có một cuộc lột xác từ bóng đá phòng ngự sang bóng đá tấn công. Không cần phải mở rộng khung thành mà vẫn có được những con số biết nói: tỉ lệ bàn thắng từ khoảng 2 bàn/trận đã tăng lên 3.5 bàn/trận như hiện nay. Trước đây, phương châm khi ra sân là: phòng ngự cho chắc, nếu không thắng thì ít nhất cũng không thua. Còn bây giờ: phải ghi nhiều bàn thắng hơn đối phương, không cần hòa vì hòa chỉ được 1 điểm, trong khi thắng được 3 điểm.

Từ khi Sir Alex về nắm đội Man Utd thì một nguyên lý bất thành văn trở nên bất di bất dịch: đội nào chơi phòng ngự thì kệ họ, còn Man Utd thì luôn luôn tấn công. Để có được thành quả như vậy, Sir Alex đã phải chịu đựng không ít tủi nhục, trong 5 năm đầu tiên, Man Utd không biết gì đến hương vị của chức vô địch giải ngoại hạng Anh. Nhưng sau đó, khi bóng đá tấn công trở nên xu hướng, Man Utd đã gặt hái những thành quả mỹ mãn.

Trong trận đấu tranh chức vô địch CL năm 1999, Man Utd đấu với Bayern Munich. Như thường lệ, Man Utd là đội tấn công nhiều hơn nhưng lại bị thủng lưới trước. Sau khi dẫn bàn, Bayern co về phòng thủ. Như nhiều đội bóng đương thời, Bayer chơi thiên về phòng ngự, các cầu thủ giỏi nhất của đội như Mathaus, Effenberg và thủ môn Kahn đều chơi ở các vị trí bên dưới.

Bước ngoặt của trận đấu diễn ra vào phút 89 khi Man Utd gỡ hòa. Khi đồng hồ chỉ đến những giây bù giờ cuối cùng thì Man Utd được hưởng một quả phạt góc. Beckham chạy rất nhanh ra cột cờ để thực hiện, vì theo luật, nếu hết giờ, trọng tài sẽ kéo dài thời gian đối với phạt đền, còn phạt góc thì không. Và trong tình huống định mệnh đó, Man Utd đã ghi bàn, cũng là sự đánh dấu chiến thắng lịch sử của bóng đá tấn công đối với bóng đá phòng ngự.

Bóng đá tấn công, có thể coi Sir Alex là người khởi xướng, đã được tiếp tay của một môn đồ khác là Arsene Wenger, hai đội Man Utd và Asenal thay nhau vô địch giải NHA cho đến khi xuất hiện Mourinho.

Mức lương 15 triệu bảng/năm cho thấy, Mourinho đang là một trong những HLV tài ba nhất thế giới hiện nay. Mở ngoặc, đừng nói tôi giỏi lắm nhưng tôi chấp nhận lương thấp, bởi người ta sẽ mời bạn đi chỗ khác chơi, ở đây không có thời gian cho người bệnh tâm thần.

Mourinho nổi tiếng với bóng đá phòng ngự, với thương hiệu "1-0", chỉ cần 1 quả là đủ chiến thắng. Thương hiệu này đã mang lại nhiều vinh quang cho ông trong quá khứ. Nhưng trong gần 2 năm qua với Man Utd, triết lý này đã tỏ ra lỗi thời.

Mùa giải năm ngoái, rất nhiều trận đấu Man Utd đã ghi bàn nhưng rồi bị gỡ hòa 1-1. Cay đắng nhất là trận đấu với Paris SG năm ngoái, đã bị đội bạn gỡ 2-2 ở phút cuối và bị loại. 

Một số bình luận cho rằng hệ thống phòng ngự xe buýt hai tầng của Mou vẫn vận hành tốt, có điều nhân sự không đủ giỏi. Nên nhớ, từ khi về Man Utd, Mou chưa bán hậu vệ nào, trong khi mua về 2 trung vệ đắt giá là Bailly và Linderlof, 2 lão tướng tiền vệ giàu kỹ thuật và tốc độ cũng được "tái cơ cấu" để chơi hậu vệ cánh là Valencia và Young. Vấn đề là chiến thuật bóng đá tấn công đã có những phát kiến mới, với những miếng đánh hiệu quả hơn trong việc tìm bàn thắng. 

Với áp lực của khán giả, một số trận Mou đã chơi bóng tấn công phóng khoáng, nhưng rõ ràng đó không phải sở trường của ông và đã hứng chịu những trận thua mất mặt. Ngay trong trận với Sellila vừa qua, hiệp 1, Man Utd chơi cẩn trọng thì giữ được tỉ số, sang hiệp 2 vừa cởi mở hơn là bị dính liền hai trái, rồi không gượng lại được. Với khoảng cách 16 điểm với Man city, trong khi chỉ còn có 8 vòng đấu, hiệu ứng "mùa giải thứ hai" của Mourinho, luôn vô địch ở mùa giải thứ hai, đã tan thành mây khói. 

Điều lạ lùng là người ta thường "gán" việc chơi bóng đá phòng ngự là trường phái "thực dụng". Ngược lại mới đúng, chơi tấn công vừa được khán giả yêu thích, có thêm thu nhập lại nhiều cơ hội giành phần thắng và danh hiệu.

BÓNG ĐÁ CUỘC ĐỜI


Thiệt tình, chẳng có môn thể thao nào gây nghiện như bóng đá. Cái khác biệt ở đây là trong bóng đá luôn ẩn chưa nhiều bất ngờ yếu thắng mạnh, mà các môn thể thao khác không có được. Trong bóng đá không phải cứ "nhanh hơn, cao hơn, xa hơn" là hơn, mà mỗi trận đấu là một câu chuyện, không khác gì số phận của mỗi cuộc đời.

Đối với từng cầu thủ, các phẩm chất cần có là kỹ thuật, thể lực và chiến thuật. Trước mỗi trận đấu, nếu người huấn luyện viên nói với cầu thủ rằng: "các em (hay các cháu) phải phát huy tối đa ưu điểm, khắc phục tối đa các nhược điểm, làm sao ghi thật nhiều bàn thắng và nhận ít bàn thua...", thì chắc ông ta sẽ mất việc. Bởi vì chỉ có chủ tịt hay thủ tướng mới được quyền ăn nói kiểu như vậy. Trong cuộc sống hay trong bóng đá không bao giờ có chuyện gì chung chung và sáo rỗng. 

Người ta thuê huấn luyện viên để ông ta tìm ra được một công thức, một sự cân bằng giữa những yếu tố mang lại chiến thắng. Đó là mối quan hệ giữa quyết tâm và thư giãn, giữa bình tĩnh và máu lửa, giữa tấn công và phòng ngự, giữa sự sáng tạo và tính kỷ luật ...Khi mất bóng phải co cụm ra sao và khi đoạt được bóng thì phải bung ra thế nào? Làm sao đọc được ý đồ tấn công của đối phương để không bị thủng lưới và làm thế nào "to fool the opponent into trouble" để ghi bàn. 

Mồm hô khẩu hiệu còn trong bụng thì run sợ, đó không phải là sự tự tin. Nhớ lại Saddam Hussain hô đánh Mỹ, thắng Mỹ rất hăng nhưng khi quân Mỹ đến thì trên 1 triệu quân, hàng trăm xe tăng và máy bay hầu như nằm im, chỉ đánh trả lấy lệ. Tự tin chính là sự trải nghiệm thực tế qua các trận đấu thật, chứ không phải qua diễn tập, đánh trống thổi kèn, quay phim.

"Confidence goes up by stairs and comes down by the lift". Đó là câu nói đầy cay đắng ông bầu Wenger sau trận thua của Arsenal trước Man city. Con đường thành công không trải đầy hoa hồng dễ dàng mà phải vô cùng khó nhọc mới giành được, và nó mang lại hạnh phúc.