Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Chim với cò


CUỘC CHIA TAY NGHIỆT NGÃ


Điều phải đến đã đến. Arsene Wenger đã chính thức tuyên bố chia tay Arsenal vào cuối mùa giải. Đây là lúc nhìn lại mối nhân duyên 22 năm đầy vinh quang và nhọc nhằn.

Wenger có đôi mắt xanh tinh đời. Quá nhiều những cầu thủ trẻ vô danh, nhưng qua lăng kính của Wenger, đó là những tài năng lớn. Người đầu tiên có thể kể đến là George Weah, từ hồi ông huấn luyện đội Monaco, người mới đây được bầu làm tổng thống Liberia. Ở Arsenal, đó là Anelka, Viery, Pires, Petit, Overmark, Henry, Toure, Song, Hleb, Coles, Nashri, Vanpersie, Adebayer, Fabregas...Ở một mức độ thấp hơn, đó là Walcott, Gibbs, Ox-Chambers, Giroud, Szcesny, Ramsey, Wilshere, Bellerin, Iwoby.

Đặc điểm nổi bật thứ hai của Wenger là ông là môn đồ của bóng đá tấn công. Bóng đá Arsenal của Arsene tấn công bằng mọi giá, bằng sự hồn nhiên và ngây thơ nhất, bất kể hậu quả ra sao. Lối đá dệt gấm thêu hoa đã gây mê mẩn cho những người hâm mộ. Đây là lý do tại sao Arsenal trống vắng danh hiệu trong 13 năm mà khán đài vẫn đầy, với sân vận động Emirrates mới xây với sức chứa 60000, tỉ lệ khán giả luôn ở mức cao nhất, ngoại trừ mùa giải năm nay.

Bản thân Wenger cũng đầy mâu thuẫn, sự tương phản giữa cách tân ngỡ ngàng và bảo thủ khủng khiếp.

Khi Arsene nhận chức tại Arsenal, ông là HLV nước ngoài đầu tiên trong Giải ngoại hạng Anh. Ông đã đưa ra những cải cách cực kỳ táo bạo. Đầu tiên là việc đưa các cầu thủ ngoại quốc vào, phần lớn là cầu thủ Pháp. Báo chí đã từng giật tít khi Arsenal là đội đầu tiên ra sân với một đội hình 100% cầu thủ không phải Anh. Arsne đã từng làm việc ở châu Á nhưng ông lại không chú ý đến Á châu khi các cầu thủ da vàng chủ yếu chỉ để làm cảnh, gọi là có cho vui. Arsenal đã thực sự lột xác bằng các cầu thủ da đen. Hầu hết các HLV ở Ngoại hạng Anh bây giờ là người nước ngoài, trong đó toàn bộ các đội Big six, các HLV người Anh chỉ nắm các đội yếu.

Arsene cũng đi tiên phong trong việc thay đổi lối chơi. Bóng đá Anh nổi tiếng với phương châm "chạy và sút", cũng như rất ưa đánh đầu. Bây giờ có thể thấy các đội bóng Anh chơi bóng hết sức đa dạng, biết tấn công trung lộ và rất nhiều miếng đánh chiến thuật chứ không thiên về lật cánh đánh đầu như trước.

Với biệt danh "Giáo sư", không chỉ là khuôn mặt đăm chiêu trí thức, Arsene còn là người tích cực áp dụng các khám phá mới nhất của khoa học về dinh dưỡng và tâm lý vào bóng đá. Đó là nguyên nhân một số cầu thủ đã có đột biến về "level", một số cầu thủ đã chơi thăng hoa, vượt lên năng lực vốn có.

Khi nghe tin Wenger từ chức, HLV Liverpool Klopp đã đánh giá ông là người có đầu óc kinh doanh. Đây không phải lời chê mà thực ra là khen, hơn nữa là lời khen tột bậc nhất. Thử hỏi các HLV tài ba như Mourinho hay Guadiola sẽ xoay sở ra sao nếu họ không tiêu tiền như nước mà chỉ dùng một ngân sách hạn hẹp như Wenger ?

Mùa giải năm nay là một giải Arsenal chi tiêu bạo tay nhất với việc mang về 2 bom tấn là Auba và Laca. Nếu nếu tính số tiền thu được từ những cầu thủ bán ra như Ox-Chambers, Gibbs, Walcott, Giroud...thì đội cũng chỉ lỗ chút đỉnh. Để ý thêm một chút, nếu tính việc Arsenal giảm quỹ lương bằng cách thanh lý một số cầu thủ như Depuchy, Sanogo, cho mượn Martinez...thì Arsenal vẫn chưa mất tiền.

Arsene giỏi phát hiện tài năng mới nhưng chính việc lạm dụng lại phản ông. Arsene kể, trước mỗi trận đấu, ông luôn dự kiến sẵn 9-10 cầu thủ, còn 1-2 người chỉ quyết định vào phút chót. Oái oăm thay, những cầu thủ chỉ định vào phút chót thường là những thứ nghiệm, đội khi đạt thành quả mỹ mãn, đội khi lại làm hại cả đội. Trận đấu gần nhất là một ví dụ khi trận ra mắt tệ hại của Willock, 18 tuổi đã làm Arsenal thua trận với Newcastle, dù anh bị thay ra từ phút 60. Arsene hiểu hơn ai hết những cay đắng do những lỗi lầm cá nhân các cầu thủ mang lại, và chỉ một lỗi lầm thôi cũng đủ thay đổi số phận 1 trận đấu, mà trả giá lớn nhất là sự nản lòng của các cầu thủ trụ cột và ngao ngán của cổ động viên.

Wenger là một tài năng lớn hiếm có trong lịch sử bộ môn bóng đá. Hợp đồng vẫn còn đến năm 2019, ông không hề muốn ra đi sớm mà rõ ràng có sức ép từ fan và các ông chủ. Nếu Arsenal không thua cả 2 trận trên sân nhà ở lượt đi trước Man city và Man Utd, trong hai trận đấu oan ức vì những bàn thắng việt vị và lỗi bắt phạt đền quá nặng tay của trọng tài thì biết đâu đến giờ phút này Arsenal chưa lụi bại và giương cờ trắng đầu hàng trong cuộc đua vô địch và chẳng có lý do gì phải tuyên bố từ chức. Nếu đối thủ sắp tới của Arsenal không phải là Aletico, một đội bóng được coi favourite, mà nếu thua thì đằng nào Arsene cũng phải ra đi nhưng không có được những lời ca tụng như bây giờ.

Liệu có một kịch bản nào cho một cú U-turn không ? Việc từ chức của Arsenal là một động lực mới cho các cầu thủ cống hiến và chiến đấu vì danh dự của một người thầy khả kính và sẽ có tác dụng làm cho cơ hội của Arsenal lớn hơn. Không, kể cả có vô địch Europa thì Wenger cũng không thể quay trở lại Arsenal. Nhưng ông chưa về hưu và sẽ tiếp tục cống hiến trong những trận đấu do ông dẫn dắt.

Về phần đội Arsenal, một tương lai bất định đang ở phía trước tương tự như Man Utd của thời kỳ hậu Sir Alex. Thế nhưng sự chia tay vẫn là cần thiết, thà đau một lần để hướng về viễn cảnh lâu dài hơn.

TRANG SỬ NGẮN NGỦI CỦA BÓNG ĐÁ ÚC


(Bài 2 trong loạt bài về World Cup)
Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung vừa kết thúc tại Gold Coast, tiểu bang Queensland. Một lần nữa Hội tuyển Úc đã giải giành vị trí số 1 toàn đoàn, tiếp theo là các đoàn Anh Quốc, Ấn Độ, Canada. Xét theo các yếu tố truyền thống, quy mô và thành tích thì Commonwealth là Đại hội thể thao lớn thứ nhì của hành tinh, chỉ sau Đại hội Olympic. Từ Đại hội đầu tiên vào năm 1930, với mỗi 4 năm một lần, Hội tuyển Úc luôn tham gia đầy đủ và luôn là một đoàn được kính nể trong hầu hết các môn.

World Cup bóng đá lần đầu tiên cũng bắt đầu từ năm 1930, nhưng đến tận World Cup 1966, Úc mới cử đội tham gia vòng loại. Đến nay, Úc đã năm lần vượt qua vòng loại để đến với vòng chung kết, trong đó bốn lần liên tiếp kể từ World Cup 2006 đến nay. Nói cách khác, chỉ hơn chục năm trở lại đây, bóng đá Úc mới được coi như một tên tuổi lớn, tương xứng với địa vị một cường quốc thế thao đã có.

Trong buổi sơ khai, bóng đá Úc có một lần duy nhất đi dự vòng chung kết World Cup năm 1974. Đội Úc đứng chung nhóm với các đội Tây Đức, Đông Đức và Chí Lợi và đã xếp ở cuối nhóm.

Sang thiên nhiên kỳ mới (sau năm 2000), bóng đá Úc bắt đầu sản sinh ra nhiều tài năng, được các đội bóng hàng đầu mời đầu quân, đó là thủ môn Bosnic chơi cho Man Utd, tiền vệ Kewell của Liverpool, tiền đạo Viduka về với Newcastle...Thời gian đó còn một siêu sao lớn hơn nữa, nhưng lại không chơi cho đội tuyển Úc, đó là Christian Vieri. Chris sinh ở Ý nhưng sang Úc với gia đình từ nhỏ, sống tại Wetherill Park, phía Tây Nam của Sydney. Ở đỉnh cao phong độ, khi chơi cho Juventus, Aletico Madrid, Inter Milan, AC Milan, anh là trung phong hàng đầu thế giới, nằm trong danh sách 100 cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại. Chris đã quyết định "sáng suốt" không thi đấu cho đội tuyển Úc mà chọn đội tuyển Ý, mặc dù em trai Massi, tài năng khiêm tốn hơn mới chơi cho Úc.

Trước đây, đội tuyển Úc được Liên đoàn bóng đá thể giới FIFA xếp vào khu vực Châu đại dương. Đây là khu vực, ngoại trừ New Zealand, gồm toàn các quốc đảo tí hon, các đội tuyển quốc gia chỉ tập hợp những cầu thủ nghiệp dư. Năm 2001, đội Úc thắng đội Samoa với tỉ số kinh hoàng 33-0! Chơi bóng với những đội như vậy không có nhiều hứng thú và động lực để nâng cao trình độ. Rất may, đội Úc được chuyển về khu vực Châu Á, và đây là một sân chơi đẳng cấp hơn. May mắn hơn, từ World Cup 2006, số đội dự vòng chung kết được tăng lên 32 đội, Châu Á được 4 đội. Vậy là đội tuyển Úc đã trở thành một trong 4 đội châu Á trong các World Cup 2006, 2010, 2014.

Trong vòng loại World Cup 2018, đội Úc xếp thứ 5, sau các đội Nhật, Hàn, Saudi và Iran. Tuy nhiên, mùa giải năm nay, Châu Á có 4.5 suất, Úc đã vượt qua được trận đấu play off với một đội vùng Caribe đó là Honduras.

Có thể nói, đội Úc chơi có phần chệch choạc trong vòng loại World Cup vừa qua. Một trong nhưng lý do chính là các cầu thủ nòng cốt của đội đều thi đấu ở Châu Âu, dễ bị thiếu vắng, mà những cầu thủ trở về thi đấu thì cũng mệt mỏi sau chặng bay đường dài. Tuy nhiên, một khi đã đến vòng chung kết thì khác. Các cầu thủ sẽ được chuẩn bị chu đáo hơn và chắc chắn thành phần mạnh nhất của đội sẽ được tập hợp đầy đủ. Cầu thủ sáng giá nhất của đội hiện nay là Cahill, dù ở tuổi 38 anh vẫn quyết tâm tham dự vòng chung kết thứ tư của riêng mình. Bên cạnh đó còn là những cầu thủ dồi dào phong độ đang chơi cho giải Ngoại hạng Anh như thủ môn Ryan (Brighton), Mooy (Huddersfield), Federici (Bournemouth), Smith (Bournemouth), trong khi đội trưởng Jedinak từ đội hạng nhì Aston Villa.

Cái tên Socceroos của đội tuyển Úc đã được sử dụng rộng rãi một cách vừa thân thương vừa chính thức. Điều đáng chú ý, tên gọi này xuất hiện lần đầu tiên khi Socceroos sang Sài Gòn du đấu trong giải Bát Cường vào năm 1967.

Ảnh: Danh thủ Tim Cahill, đang giữ kỷ lục về số trận khoác áo đội tuyển Úc (105 lần) và số bàn thắng ghi được (50 bàn).

BÓNG ĐÁ VÀ XÃ HỘI AI CẬP


(Bài đầu tiên trong loạt bài về World Cup 2018)

Mohamed Salah là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất và đắt giá nhất hiện nay trên thế giới. Mức giá mà đội Real Madrit muốn bỏ ra để thuyết phục Liverpool bán Salah được coi là khoảng 200 triệu bảng, tương đương với giá chuyển nhượng Naymar, nhưng cầu thủ Brasil đang bị mất phong độ nên giá trị thật đã sụt giảm. Đáng chú ý, Salah là cầu thủ người Ai Cập và cũng là lần đầu tiên đất nước Pharaoh đã sản sinh ra một cầu thủ ưu tú như vậy.

Mình đã có quãng thời gian 3 năm 4 tháng sinh sống tại Ai Cập. Gia đình mình ở trong một ngôi nhà khoảng 800m2 mặt bằng, diện tích 250m2 được xây 5 tầng, nhà mình ở tầng trệt. Cùng tầng còn có garage ở góc vườn, nơi trú ngụ của một đôi vợ chồng cứng tuổi và một thằng con trai khoảng 10-11 tuổi, bằng tuổi cháu thứ hai của mình bây giờ. Chủ nhà gọi ông chồng là "watchman", mặc dù tên ông là Ibrahim có nhiệm vụ quét dọn, làm vườn. Ít việc quá, mình giao thêm cho Ibrahim việc rửa xe ô tô, dặn mỗi tuần một lần, nhưng rồi ông làm 2 ngày một lần, xe chưa kịp bẩn đã rửa để lấy thêm tiền bồi dưỡng.

Nhà Ibrahim đông con, chúng ở quê, chỉ đưa thằng út lên Cairo. Thằng bé nhanh nhẹn hoạt bát, nhưng mù chữ vì không được đi học. Thời gian chủ yếu của thằng bé là đi đá bóng với tụi nhỏ xung quanh. Ai Cập người đông, sân bóng thiếu nên chỉ đá ở những bãi đất trống; quả bóng cũng không đủ mà chúng phải đá cả bóng rách vá; giầy cũng không có phải đá chân không, thỉnh thoảng có đứa vấp gạch đá bị chảy máu. Thật khó tin, tình cảnh khốn khó như vậy lại là vườn ươm những tài năng hàng đầu thế giới. 

Khoảng năm 2009, Võ Quốc Thắng, tức Bầu Thắng của Gạch Đồng Tâm sang Ai Cập và ngồi nhậu với mình. Lúc cao hứng rượu bia, Bầu Thắng bảo muốn kiếm thêm cầu thủ. Làm mình sau đó đến Liên đoàn bóng đá Ai Cập. Giới chức ở đó có vẻ mừng, đưa cho mình mấy cái băng DVD, mỗi DVD giới thiệu về một cầu thủ trẻ. Mình gọi điện về cho Bầu Thắng, hắn lại tỏ ra thơ ở, nên mình vứt béng mấy cái DVD kia đi. Sau này mới biết, họ làm việc có luồng có lạch, phải qua hệ thống "cò" chứ không trực tiếp. Biết thế liên hệ với cò thì có phải kiếm chút tiền ăn phở không.

Xã hội Ai Cập là một bức tranh sáng tối tương phản. Bên cạnh đảo chính, ám sát, mù chữ, đói ăn thì đây vẫn là một nơi đáng sống. Dòng sông Nile vĩ đại cung cấp một lượng phù sa màu mỡ, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Người Ai Cập đã từng đoạt giải Nobel khoa học, đạt nhiều thành tựu về văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, hàng triệu người ra nước ngoài làm việc, trong số đó không thiếu những người giữ các chức vụ cao cấp trong các đại công ty, các tổ chức quốc tế, lên đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc như ông Boutros Ghali.

Bóng đá Ai Cập chiếm ưu thế nổi bật trong khu vực châu Phí với 7 lần vô địch, trong khi các cường quốc khác như Cameroon, Nigeria, Ghana mỗi nước mới vô địch 3 lần. Tuy nhiên, thành tích ở đấu trường thế giới thì khiêm tốn hơn, mới hai lần dự World Cup vào các năm rất lâu 1934 và khá lâu 1990.

Theo một diễn biến mới nhất, Mohamed Eleny vừa được đội bóng Arsenal gia hạn hợp đồng và tăng lương. Lối đá của Eleny khá lạ lùng, anh có tỷ lệ chuyền bóng chính xác cực cao nhưng hầu hết là những quả chuyền vô thưởng vô phạt, không có nhiều giá trị về chiến thuật. Chính vì thế, Elely chỉ được xếp vị trí thứ tư trong thứ tự ưu tiên ra sân trong vị trí tiền vệ trung tâm và phải dự bị cho Wilshere, Ramsey, Xhaka. Hãy xem, Wilshere dám cầm bóng đột phá, Ramsey chạy chỗ tốt và hay ghi bàn, Xhaka là tác giả của những đường chuyền dài và sút xa. Eleny cũng đầy đủ các phẩm chất kỹ thuật điêu luyện, thể lực sung mãn nhưng do thiếu sáng tạo và quyết đoán nên khó có thể tiến xa. Ông bầu Wenger không nghĩ như vậy, ông nói: Eleny mới 25 tuổi, những năm tháng tuyệt vời nhất của đời cầu thủ còn ở phía trước.

Eleny và Saleh là một đôi bạn cùng tiến: cùng tuổi (chỉ hơn nhau 1 tháng) cùng xuất phất từ đội bóng trẻ ở quận Nars, thành phố Cairo; cùng sang đội bóng Basel, một đội bóng mạnh của Thụy Sĩ nhưng chỉ thuộc tầm trung ở châu Âu; rồi cùng được 2 đại gia Anh Quốc rước về là Chelsea và Arsenal. Đến đây thì cuộc đời của đôi bạn chia hai ngả. Nếu Eleny tìm được chỗ đứng ở mức khiêm tốn tại Arsenal thì Saleh không hòa nhập được với Chelsea. Anh phải phiêu bạt sang Ý, đá cho Fiorentina và Roma, sau đó quay trở lại Premier League với Liverpool. Tại đây, Saleh đã thăng hoa vì có vẻ phù hợp với chiến thuật tấn công bốc lửa của đội. Mặc dù chỉ là cầu thủ chạy cánh, Saleh vẫn dẫn đầu danh sách ghi bàn, trên cả những trung phong thực thụ như Kane, Aguero, Lukaku...Anh được gọi là Messi Ai Cập vì tầm vóc cũng nhỏ và lối đá khá giống, nhanh, khéo léo, bén nhọn với bàn thắng. Messi đã 32 tuổi, tuổi ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp, trong khi Saleh còn trẻ, còn tỏa sáng hơn nữa.

Trong World cup 2018 sắp tới, Ai Cập lần thứ ba dược tham dự ngày hội bóng đá của thế giới. Chắc chắn Saleh, Eleny và các ngôi sao khác của đội sẽ thỏa sức vẫy vùng trên bầu tời nước Nga.