Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Đồ khỉ gió

 


Thử soi trận chung kết Argentina- Pháp đêm nay

 

Trận chung kết Argentina - Pháp của World cup lần này chẳng có gì mới, vẫn là cuộc đối đầu giữa Châu Âu và Nam Mỹ. Các ngoại lệ Mỹ, Hàn Quốc và mới nhất là Morocco lọt được vào bán kết là tối đa, chưa thể vào đến trận đấu cuối cùng.
Trong 21 lượt chủ nhân cup vàng đã qua, Châu Âu có 12 lần bằng các đại diện Đức, Ý, Pháp, Anh và Tây Ban Nha, còn Nam Mỹ được 9 cup thông qua Brazil, Argentina và Urugoay.
Đội Croatia rất đáng khen ngợi khi đội bóng của 4 triệu dân đã 3 lần vào tới bán kết. Xem ra các tiểu quốc khác cũng đáng ngưỡng mộ không kém vì Croatia chỉ 1 lần lọt vào trận chung kết (2018) nhưng Tiệp và Hungaria còn vào chung kết 2 lần, riêng Hà Lan 3 lần trong khi Urugoay còn 2 lần lên ngôi vô địch.
Argentina và Pháp đều có hành trang 2 lần vô địch thế giới và cùng tìm kiếm lần thứ ba, nhưng sẽ chỉ có một đội toại nguyện. Theo cá độ, tỉ lệ cược của hai đội gần như hoàn toàn cân bằng, tuy nhiên, một trận hòa lại khó xảy ra.
Trong 21 trận chung kết cũ, có 7 trận hòa trong 90 phút, trận đấu phải giải quyết tiếp bằng hiệp phụ, trong đó 2 trận đấu súng 11 mét. Cả 7 trận này đều hòa vói tỉ số 0-0 hoặc 1-1, như vậy nếu ít bàn thắng thì dễ hòa hơn.
Trận Argentina – Pháp chắc sẽ có nhiều bàn thắng, bởi vì hai đội đều chơi thứ bóng đá tấn công. Trong 6 trận vừa qua, Pháp ghi được 13 bàn thắng, Argentina được 12 bàn, khi hai đội gặp nhau, kỳ vọng sẽ có 25/6 = 4.2 bàn, vượt xa con số trung bình của giải chỉ có 2.6 bàn.
Argentina luôn là đội mở tỉ số, nhưng họ không chơi ăn non, vẫn tiếp tục tấn công, 4/6 trận ghi thêm được bàn thắng nhưng sự “lịch sự” đã bị trả giá khi để gỡ hòa (với Hà Lan) thậm chí thua ngược (trận mở màn với Saudi Arabia).
Trong khi đó Pháp có 2 lần bị dẫn bàn, với Úc họ đã trả đũa bằng 4 bàn, còn Tunisia thì chấp nhận thua nhẹ và dù thắng hay thua thì họ vẫn luôn chơi tấn công cống hiến.
Ba trong 4 trận chung kết gần nhất đã hòa vì hai bên chơi quá thận trọng và chặt chẽ, nhưng một khi cả hai đội đều chơi thiên về tấn công, có nhiều bàn thắng thì nhiều khả năng không cần đến hiệp phụ.
Một lý do khác và cả 4 cầu thủ đang hy vọng lên ngôi vua phá lưới đều nằm trong thành phần 2 đội vào chung kết, trong đó Messi đang dẫn đầu.
Có những tin tức về chấn thương gân kheo của Messi làm anh phải nghỉ tập một buổi và bão “cúm” trong đội Pháp. Tuy nhiên, trước giớ bóng lăn, mọi chuyện đã có vẻ ổn thỏa để hai đội ra sân với thể trạng sung sức và tâm lý hưng phấn nhất.

Vì sao Vương quốc Morocco tạo ra đội bóng làm nên lịch sử?

 

Như vậy lọt vào nhóm G8 không chỉ có các đội bóng Âu và hai ông lớn Nam Mỹ (Brazil, Argentina) mà còn có một đại biểu lục địa đen đến từ Vương quốc Morocco.
Thực ra Morocco là một đội bóng mạnh từ lâu, đã 6 lần được hãnh diện tham gia World cup vào các năm 1970, 1986, 1994, 2018 và 2022. Năm 2010, Morocco về hạng nhì (sau Nam Phi) trong cuộc đua giành quyền đăng cai World cup.
Lọt vào vòng tứ kết là thành tích cao nhất của đội bóng bắc Phi. Mọi người không để ý, Morocco là một trong ba đội có số điểm cao nhất trong vòng bảng (7 điểm, ngang bằng với Anh và Hà Lan). Các đội Brasil, Pháp, Argentina đều đã có trận thua còn Morocco thì chưa.
Đất nước Morocco không có sư tử, nhưng không hiểu sao biệt danh của đội lại là “Những con sư tử Atlas”. Trong nhóm G8, những con sư tử Atlas ghi ít bàn thắng nhất (4 bàn) nhưng chỉ để lọt lưới duy nhất 1 bàn lại từ đội yếu kém nhất giải là Canada.
Một sự thực khác, Vương quốc này không nhỏ, họ có dân số còn lớn hơn Bồ Đào Nha, Hà Lan và Croatia; về diện tích cũng lớn hơn 3 nước này và cả Anh lẫn Pháp.
Là nước châu Phi nhưng màu da “đen giòn” của “sư tử” chẳng khác gì “bò tót” Tây Ban Nha vì đây là hai nước láng giềng, nhưng Morocco lại vốn là thuộc địa của Pháp.
Bộ phim kinh điển “Casablanca” từng đoạt nhiều giải thưởng Osca lấy theo tên của thành phố lớn nhất của Morocco là một bộ phim về chiến tranh. Nó có model khá đơn giản: ta thắng địch thua nhưng rất nhiều chất lãng mạn và hài hước, bài hát trong phim cũng bất hủ. Được sản xuất năm 1942, Casablanca đã “tiên đoán” được chiến thắng tất yếu trước Phát xít Đức.
Những hình ảnh trong bộ phim cũng cho thấy thành phố bên bờ Đại Tây dương Casablanca lộng lẫy hoa lệ không khác gì một thành phố bên châu Âu vào đầu thập niên 1940s.
Mình đã đi nhiều nước Trung Đông nhưng chưa bao giờ đến Morocco. Một cậu bạn sang đó kể prostitute bên đó chỉ có giá $1 per shot. Mình bảo một đô thì lấy làm gì, sao không biếu luôn cho đỡ mang tiếng, nhưng cậu ta cho hay mỗi ngày vài đô là đã giải quyết được miếng ăn cho các cô, dân bên ấy nghèo dữ dội lắm!
Năm 1953 vua Mohammed V là ông vua chống Pháp bị đưa đi đày ở Madagasca, giống như các vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân của Việt Nam trước đó. Tuy nhiên năm 1957, Pháp trao trả độc lập cho Morocco lại mời Mohammed V hồi hương về làm vua tiếp giống như Pháp đưa vua Bảo Đại về nước năm 1949. Năm 1961, Mohammed V chết, Hassan II lên và đến 1999, Hassan II qua đời thì đến lượt Mohammed VI đương kim hoàng thượng hiện nay. Thái tử Hassan, 19 tuổi, con trai duy nhất của Mohammed VI khi lên ngôi sẽ lấy hiệu là Hassan III.
Ở Morocco hiện nay có một cộng đồng người Việt lên đến vài trăm người, đó là những con lai của lính lê dương Morocco với các mẹ người Việt, mà Nguyễn Công Hoan từng gọi là “oẳn tà roằn”. Những người trẻ nhất, tạm coi là sinh năm 1955 thì nay cũng đã lớn tuổi.
Một “bà chị” sang Morocco chơi vài ngày nói với mình “vua Mohammed thương dân lắm” làm mình tức cười quá. Nếu thương dân thì “cái ngàn vàng” của chị em “Ma dốc” không rẻ rúng như vậy. Morocco đang ngày càng tụt hậu bởi những bế tắc về phát triển kinh tế, ngoài ra còn có nội chiến.
Vùng đất tranh chấp Tây Sahara có diện tích gần bằng chính quốc là nơi cả Morocco lẫn Mauritania đều nhận chủ quyền nhưng phiến quân đang cai quản vùng đất này lại chống lại cả hai chính phủ và muốn tách riêng độc lập, có điều không được nước nào công nhận. Hiện nay, một Hiệp định đình chiến đang có hiệu lực nhằm tránh máu phải đổ thêm nhưng không có gì bảo đảm chiến sự sẽ không tái phát.
Dưới chính thể Vua Mohammed VI, người có bằng Tiến sĩ Luật học tại Pháp, đất nước Morocco vẫn có những mảnh sáng tối đan xen với nhau. Về đối ngoại, Morocco là một trong 6 nước Ả Rập bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel còn ở trong nước, Mohammed đã chia sẻ quyền lực với hai viện của quốc hội mặc dù vẫn chưa đủ thỏa mãn đối với các nhóm đấu tranh dân chủ.
Dù gì chăng nữa, Morocco có một đội bóng đá mạnh, với hàng loạt danh thủ đang thi đấu tại Châu Âu, đông nhất từ Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Anh. Thành tích chói lọi của đội là bằng chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt của Mohammed đệ lục, đủ để ru ngủ người dân tạm quên đi những khó khăn thường nhật và hết mình lao vào ngày hội bóng đá một cách cuồng nhiệt nhất.

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

Đường lên đỉnh của Socceroos

 


Thủ tướng Albanese đã “hứa” về một ngày nghỉ lễ để đi bão nếu đội nhà Socceroos đoạt chức vô địch thế giới! Để xem hội tuyển của chúng ta còn mấy nấc thang nữa.
Tất cả 16 đội lọt vào vòng loại trực tiếp không có đội nào toàn thắng, hầu hết từng nếm mùi bại trận, vì thế chưa thể nói trước điều gì và để đến ngôi vô địch thì cần phải hướng đến 4 trận thắng liên tục.
Trong bộ tứ Nhật- Croatia, Brazil- Hàn, dù rất yêu quý hai đội châu Á nhưng mình vẫn phải “bầu” cho Brazil. Nhật và Hàn đã làm nên kỳ tích nhưng bình tĩnh mà suy xét thì họ thắng trận cuối trong bối cảnh hai đối thủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đủ điểm lọt vào vòng sau, tương tự như cách Pháp và Brazil “nhường” cho Tunisia và Cameroon, tuy nhiên hai đội châu Phi lại không có may mắn để tận dụng cơ hội.
Trong nhóm Morocco- Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha- Thụy Sĩ, Morocco là đội bóng châu Phi đã làm nên điều bất ngờ, chiếm ngôi nhất bảng nhưng cũng khó đi xa. Nhiều khả năng Bồ và Tây gặp nhau ở tứ kết và nếu Ronaldo chơi tốt thì đội của anh sẽ có cơ hội nhỉnh hơn.
Tương tự, nhóm Pháp- Ba Lan, Anh- Senegal cũng có 3 đội châu Âu và một đội châu Phi, tranh chấp vào bán kết chủ yếu sẽ là cuộc đụng độ giữa Pháp và Anh. Mình thích Tam sư thắng nhưng theo giới cá độ thì Gà gaulois mới có ưu thế.
Trong nhóm của Úc, USA và Hà Lan khá cân sức, mình “chọn” đội chủ nhà kỳ tới USA, đội bóng có đội hình trẻ nhất World cup kỳ này.
Úc không thể ghi 2 bàn trở lên mỗi trận mà chỉ làm 1 bàn. Trận đầu với Pháp ăn trước một quả thì bị đối phương giã cho 4 trái nên thua. Tuy nhiên với Tunisia và Đan Mạch thì lại giữ được mành lưới nên đã thắng “oanh liệt” dù đều bị đánh giá underdog.
Argentina cũng tương tự như Bồ Đào Nha, quá phụ thuộc vào danh tiếng của Messi và nếu cầu thủ 36 tuổi này chơi không tốt thì rất rủi ro cho họ. Vì thế dù vẫn là cửa dưới, Socceroos vẫn có quyền mơ. Ngược lại, nếu Argentina thắng thì họ có thể vô địch thế giới, giống như “dớp” của năm 2006, đội Italia thắng Úc ở vòng 16 rồi sau đó đã vô địch.
Nhân nói đến Italia, ông chủ tịch FIFA Infantino người Ý mà không kiếm được cho quê hương một suất World cup thì “yếu” quá!
Năm nay đội Úc không có ngôi sao, danh giá nhất chỉ thủ môn đội trưởng Ryan, người duy nhất từng chơi cho Premier Leage với đội Brighton, dự bị nửa mùa bóng tại Arsenal rồi dạt sang Tây Ban Nha từ năm ngoái.
Giả sử vượt qua được Argentina, đụng USA là chuyện nhỏ, đường đến đích đã được một nửa, dù có thua thì vẫn được chơi tiếp trận tranh ba tư cho đủ 4 trận, phục vụ bà con Úc thòi lòi đến giây phút cuối cùng.
Sáng sớm mai, mình sẽ ra xem màn hình lớn tại công viên Beaman, Earlwood, quý bạn nào chung vui được không?

Trung Quốc không yên bình vì Chiến dịch zero Covid

 


Mình chỉ muốn yên ổn xem World cup bóng đá nhưng những gì đang diễn ra tại Trung Quốc không yên bình đã làm phân tán sự chú ý của mọi người.
Một tuần qua, các cuộc biểu tình đã lan rộng chống Chiến dịch Covid hà khắc trong khắp các thành phố lớn tại Trung Quốc đã làm tình hình “căng như dây đàn”. Theo lý giải, Covid có thể gây ra cái chết cho hàng triệu người Trung Quốc, do đó vẫn cần phải thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại và với hàng loạt hàng rào được dựng lên.
Tuy nhiên, qua màn hình World cup Qatar 2022, người Trung Quốc dễ dàng nhận ra rằng các nước không còn cấm đoán gì và họ đặt câu hỏi tại sao chính quyền cứ tiếp tục giam hãm người dân như vậy.
Biểu tình diễn ra vào thời điểm Đại hội đảng 20 vừa kết thúc thắng lợi làm mọi người nhớ đến Ceausescu đã bị biểu tình lật đổ và hành hình ngay sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư Romania năm 1991 và trước đó F. Marcos, cha đương kim tổng thống B. Marcos cũng bị người dân Philipines đuổi khỏi đất nước ngay sau khi tái trúng cử năm 1986.
Cái chết của cựu TBT Giang Trạch Dân vào thời điểm “nhạy cảm” này cũng đặt ra thêm nghi vấn, nó tạo ra thêm bất lợi hay chính ông Tập đã ra lệnh rút ống thở của cựu lãnh đạo 96 tuổi?
Năm 1958, Mao Trạch Đông đã đích thân phát động chiến dịch chim sẻ, huy động toàn dân tiêu diệt loài chim nhỏ bé này với mục đích không cho chúng ăn thóc lúa. Không ngờ, không có chim sẻ, đàn châu chấu phát triển kinh hoàng đã hủy hoại mùa màng, gây ra nạn chết đói cho 30 triệu người. Sau đó, Mao đành phải cho nhập khẩu chim sẻ từ Liên Xô và Canada.
Rõ ràng đây là hành động hết sức ngu xuẩn, phá vỡ cân bằng sinh thái môi trường và hoàn toàn phản khoa học. Nhưng Mao cứ bắt tất cả mọi người phải làm một điều vô lý ngớ ngẩn để chứng minh quyền lực tuyệt đối của lãnh tụ.
Phải chăng Tập Cận Bình muốn bắt chước Mao để chứng tỏ quyền lực? Nhưng điều Tập đã không tính được là các cuộc biểu tình nổ ra mạnh mẽ và có nguy cơ không thể kiểm soát.
Năm 1989, sự kiện biểu tình lớn tại Thiên An môn đã dẫn đến cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền cộng sản chống lại người dân. Đằng sau biểu tình chính là sự phản ánh những vấn đề nội bộ trong lãnh đạo cấp cao.
Tổng bí thư lúc đó là Triệu Tử Dương là người hậu thuẫn cho biểu tình nhằm gây sức ép lên quyền lực của Ban cố vấn và Thủ tướng Lý Bằng. Cán cân quyền lực bên trên đã quyết định kết quả của cuộc đấu tranh dẫn đến việc ông Triệu bị cách chức và biểu tình bị dập tắt.
Phải chăng có thế lực nào đó trong nội bộ Trung Cộng muốn dùng biểu tình để phá hủy uy tín của lãnh tụ, thậm chí cuộc biểu tình tại Thượng Hải đã làm một điểu chưa từng thấy là hô vang khẩu hiệu đòi họ Tập từ chức?
Tất nhiên, những vấn đề bên trong Đảng cộng sản luôn luôn được giấu kín, mọi người chỉ biết sau khi nó đã xảy ra. Nhưng vẫn có những dấu hiệu bên ngoài, ví như việc cựu TBT Hồ Cẩm Đào bị bảo vệ cưỡng ép “bế” ra khỏi phiên bế mạc Đại hội 20 vừa qua.
Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói rằng, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống dưới 8%/năm thì Trung Quốc sẽ loạn. Rõ ràng kinh tế Trung Quốc đã chậm hẳn lại dưới con số đó trong 10 năm qua và đây mới là nguyên nhân sâu xa?
Các chính thể độc tài luôn phải lấy thành tích hay thắng lợi nào đó để thể hiện sự chính danh của chế độ. Nếu không có nhiều thắng lợi, người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao họ lại tiếp tục cầm quyền?
Ở các nước dân chủ, lá phiếu dựng nên các chính khách nhưng vẫn có rất nhiều biểu tình. Bất kỳ chính sách nào của chính phủ cũng có lợi cho một tầng lớp người nào đó trong xã hội và bất lợi cho một nhóm khác và đó là lý do xuống đường.
Cái khác biệt là các cuộc biểu tình thường diễn ra cục bộ ở một vài địa phương, như ở Úc hầu như không có biểu tình lớn tại Canbera là nơi sinh hoạt của chính phủ trung ương. Đặc biệt mục đích của biểu tình nhắm vào các vụ việc cụ thể chứ không bao giờ có mục đích lật đổ chế độ như đã từng thấy ở các nước Đông Âu hay Ả Rập.
Trở lại vấn đề Trung Quốc, có ý kiến cho rằng, chính quyền ông Tập phong tỏa Covid còn có lý do kinh tế, đây là cách “thắt lưng buộc bụng” hạn chế chi tiêu trong bối cảnh tình hình kinh tế đang xấu đi.
Theo những diễn biến mới nhất, có dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Cộng sẽ nới bỏ một số biện pháp cứng rắn nhằm xoa dịu người biểu tình. Tuy nhiên, thực tế trong quá khứ cho thấy sự nhân nhượng chưa chắc đã là giải pháp hiệu quả và chúng ta hãy chờ xem.
Ảnh: một phụ nữ dũng cảm thách thức công an trong biểu tình

Câu chuyện dân trí

 

Đang mùa World cup mà chém gió tào lao thế này thì có vẻ...lạc đề quá? Nhưng cũng để thay đổi không khí chút.
Mọi người hay nói đến dân trí cao với dân trí thấp mà mình không hiểu chúng là cái gì. Thôi thử kể hai câu chuyện.
Hồi mình còn làm trong chính phủ có quen biết một cậu. Do liên quan đến công việc, mỗi năm mình gặp cậu ấy khoảng 1 lần. Mỗi lần như thế, câu ta lại hỏi anh lên đến chức gì rồi. Không lẽ lại mắng vào mặt:
- Cái của tao mà tao còn không cần biết nó to hay bé thì mày quan tâm làm gì?
Mình coi đó là “dân trí thấp”. Khi gặp ai đó thì người ta chức lớn hay nhỏ, nhiều hay ít tiền, nhiều hay ít bằng...chẳng liên quan gì đến ta. Họ lắm tiền chắc gì họ đã cho, hoặc mình cũng chẳng thèm xin.
Điều quan trọng là người đó tốt hay xấu, về đạo đức và tài năng thế nào để tránh xa hay kết bạn. Tuy nhiên để kết bạn hay không lại là vấn đề “phù hợp” về quan niệm và sở thích. Nếu khác nhau quá thì làm sao có thể nói chuyện hay hợp tác gì đó với nhau?
Hôm rồi, mình đi shoping với Sissy. Khi vào quầy sữa tươi, thấy mình cứ nhìn dòng chữ expire, Si bảo nên mua loại sắp hết hạn vì nếu không ai mua thì sẽ phải vứt cả chai sữa đi, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Mình cảm phục suy nghĩ của con gái, thế hệ trẻ luôn nghĩ đến môi trường và đó là tương lai của chúng nó. Mấy năm trước khi làm volunteer ở canteen trường các cháu, ông quản lý nói với mình rằng một số thầy cô giáo khi mua nước cứ chọn loại date dài làm ông phải vứt đi rất nhiều chai quá hạn. Và ông bị phàn nàn vì đã quản lý thế nào mà canteen bị lỗ. Tội nghiệp ông lão, lúc đó đã 72 tuổi.
Phan Chu Trinh đã từng phát động phong trào nâng cao dân trí cho dân Việt và chắc là nội dung dân trí mỗi thời đại một khác. Nhiều người nghĩ dân trí cao nghĩa là kiến thức cao, nhưng mình nghĩ cách ứng xử quan trọng hơn. Thực ra để nghĩ cho người khác, thông cảm với người khác thì không chỉ là vấn đề kiến thức thông thường mà là cả một tư duy đột phá.
Đó chính là khả năng suy nghĩ độc lập, có sáng kiến và tầm nhìn.
Trên mạng facebook đã có tranh luận về việc có nên cho con đến trường hay học ở nhà. Cách đây 100 năm ở Việt Nam hay vài trăm năm ở Âu Mỹ hầu hết trẻ em không đến trường nhưng hồi đó vẫn có rất nhiều tài năng kiệt xuất.
Mình cho rằng đa phần các kiến thức dạy ở trường là lỗi thời, lạc hậu và vô ích, nhào nặn vo tròn vót trơn ra những sản phẩm “tròn như bi” khuôn mẫu và lệch lạc. Tuy nhiên đó là thực tế phải chấp nhận vì chưa có giải pháp khác.
Nếu không đến trường, cha mẹ phải ở nhà, không đi làm được thì tiền đâu để nuôi con. Hơn nữa trẻ con cần được giao tiếp với nhau nữa.
Không biết sự quan ngại của mình có cần thiết hay không vì nhìn chung mặt bằng xã hội đã quá thừa thãi bằng cấp, nhưng dường như con người vẫn dùng kiến thức được học để lừa gạt, triệt hạ nhau thay vì để nâng tầm nhận thức và yêu thương nhau nhiều hơn.
Cách ứng xử trong World cup bóng đá, khi thắng khi thua cũng là một cách thể hiện dân trí?