Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Nhìn lại trận chung kết EURO: cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên

 

Trận chung kết Ý - Anh kết thúc bằng loạt đấu súng 11m có lẽ là một trong những trận chung kết được ghi nhớ mãi trong lịch sử bóng đá Châu Âu.
Mười ngày qua đi, người ta vẫn không khỏi thắc mắc tại sao ông Cửa Nam (Southgate) là bất ngờ sử dụng chiến thuật tử thủ, kỳ lạ nữa, ông lại phân ba cầu thủ U23 đá ba quả phạt đền quan trọng cuối cùng?
Điều đầu tiên có thể nói rằng, hai HLV Southgate và Mancini tuổi tác chênh lệch không nhiều (sn 1970 và 1964) nhưng khác biệt khá lớn về thành tích huấn luyện.
Giải Ngoại hạng Anh là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh nhưng các cầu thủ hàng đầu phần lớn là người nước ngoài, đặc biệt HLV của các đội bóng đại gia big six đều là HLV ngoại trong hai thập niên trở lại đây.
Southgate không đủ tài để giành job thơm, vừa có tiếng vừa có miếng ở các đội bóng hàng đầu, chỗ của ông là đội Middlesbrough, một đội bóng nhỏ, sau khi xuống hạng năm 2009 vẫn ngụp lặn ở hạng dưới không lên lại được. Thôi HLV Middlesbrough, Southgate là HLV U21 rồi nắm tuyển Anh từ năm 2016.
Trong khi đó, thành tích của Mancini rất dầy, nhiều lần dìu dắt các đội vô địch Ý, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông là người có công đưa Manchester City từ chỗ mới lên hạng trở thành vô địch, Á quân nước Anh, đoạt cup FA và trở thành một ông lớn trong làng bóng đá.
Do làm việc nhiều năm ở Anh, Mancini hiểu rất rõ về bóng đá Anh cũng như các cầu thủ Anh. Ở chiều ngược lại, Southgate chưa bao giờ làm việc ở ngoại quốc và rõ ràng không thể coi là am hiểu bóng đá Ý.
Năm nay, các đội bóng dự EURO được đăng ký 26 cầu thủ, được thay 5+1 cầu thủ hiệp phụ là 6, nhưng Southgate không tận dụng được điều này để xoay tua đội hình. Mỗi cầu thủ có sở trường và hứng thú riêng, đòi hỏi HLV phải đưa ra được công thức phù hợp với họ, đó là điều Southgate không làm được.
Hậu quả là các cầu thủ tấn công, do phải chạy nhiều hơn các cầu thủ phòng ngự, bị quá tải, cụ thể là Kane, Sterling, Mount. Vì thế, Southgate buộc phải dùng đấu pháp phòng ngự với ba trung vệ trong trận chung kết.
Mancini và Italy thừa sức biết điều đó nên đã thỏa sức tấn công, nếu may mắn họ đã kết thúc trận đấu trong 90 phút. Tuy nhiên, ở góc độ khác, đội Anh được nhiều phạt góc hơn (5 so với 3) và ít thẻ vàng hơn (1 so với 5). Nếu cú đạp vào đùi Saka của Jorginho hay pha kéo cổ cũng Saka của đội trưởng Chiellini mà dính thẻ đỏ thì biết đâu trận đấu sẽ diễn biến theo hướng khác.
Phút 120, Southgate đưa Rashford, Sancho vào sân để đá phạt đền là sai lầm lớn. Nhớ năm 1990, Dico vừa vào sân chưa kịp "nóng máy" đã đá hỏng phạt đền, làm Brazil thua Pháp.
Thay vì hai cầu thủ này Southgate nên để Henderson và Grearlish đá. Họ đều là đội trưởng ở CLB mà đội trưởng thường có tâm lý vững vàng. Về phần Saka, đây là cầu thủ giỏi, nhưng điểm yếu là khâu dứt điểm. Dù được coi là xuất sắc nhất Arsenal nhưng Saka 19 tuổi chưa bao giờ được đội này giao đá phạt đền.
Cũng có thể Southgate tính sau 5 lượt luân lưu sẽ hòa nên để dành các cầu thủ kinh nghiệm hơn cho các loạt đấu 1 chọi 1
Trong 5/10 cú phạt đền bị phá, những trái thủ môn chiến thắng là do đọ tài đọ sức, không thể coi là may rủi. Duy quả của Rashford, đã lừa được thủ môn Donnarumma bay sang góc phải thì lại đá vào cột trái thì quả là đen đủi. Thử tưởng tượng nếu quả đó vào, Saka sẽ đá quả cuối khi tỉ số đang là 3-3, tâm lý sẽ rất khác khi đang thua, anh có cơ hội lớn để mang lại chiến thắng và chức vô địch.
Quả thật, bóng đá là như vậy cái tất nhiên thể hiện qua cái ngẫu nhiên, không biết đường nào mà lần!

Tối qua, đài SBS chiếu bộ phim Việt Nam The eyes (Đôi mắt)

 Lâu không xem phim Việt Nam và lại là phim ma là đề tài ưa thích nên mình đã xem cho hết.

Nội dung phim nói về một mối tình tay ba và cái chết cho người thứ ba. Trang là chủ doanh nghiệp, có chồng Trương là Bác sĩ và Trương ngoại tình với Lisa, một ca sĩ trẻ đẹp.
Câu chuyện bắt đầu khi Trang trở về nhà từ bệnh viện, sau một tai nạn, phải thay đôi mắt của một tử thi và trở nên mất trí nhớ.
Ngôi nhà của Trang, Trương và con gái nhỏ bây giờ đã bị ma ám, một phụ nữ trẻ mặt bê bết máu thường hiện ra.
Trang bổ nhiệm trợ lý mới và cùng anh này đi tìm sự thật về cô gái bị chết. Nhà của cô không ai dám ở, và ông bảo vệ khu nhà nói: không ai dám làm bảo vệ, ngoại trừ ông, vì ông già không tìm được việc khác.
Khi Trang nhận được một cú điện thoại đòi tiền thì
người xem nghĩ rằng cô đã thuê sát thủ giết tình địch.
Nhưng không phải, khi chuyện của Trương và Lisa lộ, Trang yêu cầu Trương cắt đứt quan hệ. Trương đến nhà Lisa thì bị Trang đi theo dõi.
Khi Trương về, một cuộc đánh lộn đã diễn ra giữa hai người phụ nữ. Lisa trẻ khỏe hơn, lại có vũ khí nên đã hạ gục đối thủ.
Hai người chửi rủa nhau, Lisa không làm gì Trang mà lại bất ngờ tự đâm vào bụng mình tự sát.
Một màn đánh lộn nữa diễn ra giữa Trương và cậu trợ lý khi cậu tiết lộ câu chính là em trai Lisa.
Thực sự, mình thấy cách kết thúc câu chuyện thế này không thuyết phục. Tại sao Lisa lại tự đâm mình? Tự dưng Trang hồi phục trí nhớ còn Trương phát điên sau khi vật lộn với cậu trợ lý?
Rồi ông bảo vệ chào "đồng chí" khi công an đến hiện trường, thể hiện ông chính là đặc tình, một điều không cần thiết vì ông này chẳng có vai trò gì. Lại một sự việc kỳ lạ nữa, đôi mắt của Trang chính được lấy từ mắt Lisa.
Dàn diễn viên có cả NSND, NSUT nhưng kịch bản như vậy là quá tệ, toàn là vô lý đùng đùng.
Điều mình ngạc nhiên là Việt Nam chắc phải có những phim tốt hơn mà sao SBS lại chọn phim này. Phim có phụ đề tiếng Anh, để cho Tây xem, để Tây thấy nền điện ảnh cách mạng chỉ có thể sao?

Bóng đá thế giới trên con đường cải tổ

 

Vây là hai giải bóng đá châu lục quan trọng nhất đã kết thúc với việc Argentina đoạt Copa America và Italy vô địch EURO. Điều lý thú là cả hai đội đều giành chiến thắng trước các đối thủ chủ nhà. Do Covid cả hai giải này đều bị lùi lại 1 năm so với lịch trình ban đầu.
Copa America là giải quốc tế lâu đời nhất thế giới, khởi tranh từ 1916. Ban đầu tổ chức hằng năm, sau đó mỗi hai năm và vào năm lẻ. Để “tương thích” với EURO, giải chuyển sang năm chẵn, nhưng như đã nói ở trên, giải bị hoãn lại và như thế giải năm nay đã được tổ chức sau 3 năm.
Giải vô địch Châu Á lại có lịch sử lâu đời hơn cả giải Châu Âu khi giải đầu tiên được tổ chức tại Hongkong với 12 đội vào năm 1956. Đến nay Nhật là đội giàu thành tích nhất với 4 lần vô địch, trong khi Úc là một thành viên mới nhưng đã kịp vô địch năm 2015.
Cup Châu Phi mỗi hai năm, với Ai Cập là đội giàu thành tích nhất Châu Phi với 7 lần vô địch. Để tránh cái nóng vào mùa hè giải tổ chức vào tháng 1-2 thay vì mùa hè như các giải khác.
Tuy nhiên, vì các ngôi sao của các đội chơi bên Châu Âu, nếu giải Châu Phi giữ lịch như vậy thì có thể bị họ tẩy chay, nên đã có ý định chuyển sang tháng 6-7. Nhưng Trời không chiều lòng người, vì Covid, giải năm nay sẽ phải dời sang đầu năm tới, tức vẫn là mùa đông.
Ngoài ra còn các giải nhỏ hơn như giải Châu Đại dương, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbe với lịch trình khác “lộn xộn” mỗi nơi một kiểu.
Để tránh chồng chéo và thống nhất trong phạm vi toàn cầu, một dự án của Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA được đưa ra. Theo đó World cup sẽ tổ chức vào mùa hè các năm chẵn mỗi hai năm, còn các giải châu lục sẽ tổ chức vào năm lẻ.
Từ 2026, World cup đã được quyết định có 48 đội, mỗi châu lục đều được tăng số lượng và điều này cho phép giảm thiểu các trận đấu vòng loại. Hiện nay vòng loại World cup phải chơi lằng nhằng đến 18 tháng như các đội châu Á, với số trận quá nhiều, ảnh hưởng đến các giải của các CLB và giải châu lục.
Theo truyền thống, tại vòng chung kết, mỗi đội chơi tối thiểu 3 trận, hai đội lọt vào trận chung kết chơi 7 trận; các châu lục khác cũng tối đa 6-7 trận. Nhưng ở vòng loại các kiểu thì đều phải chơi đến 15-20 trận là quá nhiều. Theo đề án mới, vòng loại World cup hoặc châu lục chỉ kéo dài 2 đợt, trong vòng 6 tháng với khoảng trên dưới 10 trận mà thôi.
Nếu được thông qua thì dự án này sẽ đi vào thực tế từ năm 2027 trở đi. Rất có thể, bóng đá CLB cũng sẽ cải tổ theo hướng các đội mạnh được gặp nhau nhiều hơn như ý tưởng Super League của 12 đội bóng hàng đầu Châu Âu.

Haiti: Độc lập dân tộc là một thứ xa xỉ

 

Một điều tưởng chừng chỉ có trong phim hành động: một nhóm vũ trang chưa rõ nguồn gốc đã đột nhập vào nhà riêng của Tổng thống Haiti vào lúc 1 giờ đêm, bắn chết Tổng thống Javenel Moise, 53 tuổi bằng 12 phát đạn. Đệ nhất phu nhân Martine cũng bị trọng thương, đã được chở sang Mỹ bằng máy bay cứu thương.
Haiti là quốc gia tuyên bố giành độc lập đầu tiên của Mỹ Latin và được coi là xứ sở luôn bất ổn trong suốt trên 200 năm kể từ khi dựng nước.
Năm 1492, ngay sau khi tìm ra châu Mỹ, nơi mà Cristo Columbo cho thành lập khu định cư đầu tiên của người da trắng là tại La Navidad, thuộc Haiti ngày nay. Thị trấn thứ hai cũng trên đảo Hispaniola là La Isabella nay thuộc Dominica.
Trong vùng biển Caribbe chỉ có hai đảo lớn là Cuba và Hispaniola, nhưng dân số của Hispaniola gấp đôi Cuba. Đảo Hispaniola chia làm hai nước, Haiti nằm về phía Tây, diện tích nhỏ hơn phần phía đông Dominica một chút, về dân số mỗi bên gần bằng nhau, khoảng 10-11 triệu người.
Vào năm 1492, có khoảng 250,000 thổ dân trên đảo, với diện tích nhỉn hơn đảo Tasmania, nhưng do dịch bênh mà người da trắng mang đến, năm 1517 chỉ còn 14,000. Để so sánh, thổ dân Úc vào cuối thế kỷ 18, trước khi người da trắng định cư ước tính 750,000 người.
Những người da đen nô lệ đã được ồ ạt đưa đến Hispaniola vào thời gian con trai Cristo Columbo là Diego là chúa đảo. Về sau, phần phía Tây đảo trở thành thuộc địa của Pháp còn phần phía đông vẫn nói tiếng Tây Ban Nha nhưng bị giao lại cho Pháp trong một thời gian.
Vào cuối thể kỷ 18, phong trào giải phóng nô lệ nổi lên, dưới sự lãnh đạo của Louverture, những người da đen đã chiếm được toàn bộ đảo vào năm 1801. Louverture bị quân Pháp dưới thời Napoleon bắt và đưa về Pháp. Tuy nhiên, người kế tục ông là Dessaline, tức hoàng đế Jacques đệ nhất, đã tiếp tục chiến đấu, giành được quyền cai quản phía tây đảo, tuyên bố nước Haiti độc lập vào năm 1804. Phần phía đông đảo tuyên bố độc lập vào năm 1844, tức nước CH Dominica.
Là quốc gia chiếm đến 95% người da đen thuần chủng, nền kinh tế Haiti chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tên gọi Haiti đã được nhiều người biết khi đội bóng nước này đã vinh dự đi dự World cup 1974 tại Tây Đức. Lúc đó vòng chung kết chỉ có 16 đội, khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribbe chỉ có 1 suất, Haiti đã bất ngờ vượt lên trước Mexico, Mỹ, Canada để giành suất duy nhất.
Từ khi giành được độc lập, Haiti đã trải qua nhiều cuộc nội chiến để Mỹ, Pháp, Liên hợp quốc phải đưa quân vào can thiệp. Năm 1995, tổng thống Aristide đã ra lệnh giải tán quân đội và kể từ đó nước này chỉ còn lực lượng cảnh sát.
Tổng thống mới bị bắn chết vốn là một doanh nhân, nổi tiếng là trùm buôn chuối, lên làm tổng thống vào năm 2016. Tòa án tuyên bố đã hết nhiệm kỳ, nhưng Moise không chịu từ chức cũng như không chịu tổ chức Bầu cử, dẫn đến những vụ biểu tình bạo động.
Sau khi Moise chết, quyền Joseph thủ tướng trở thành tổng thống tạm quyền, lại là một người mới tham gia vào chính trường từ năm ngoái với chức vụ ngoại trưởng. Vì thế những thông tin về ông khá ít ỏi, chỉ biết qua mạng xã hội, ông vốn là một giảng viên đại học.
Tuy nhiên, Henry, người được Moise đề cử vào chức thủ tướng trước khi chết 2 ngày đã ra tuyên bố ông mới là người chính danh để lãnh đạo đất nước. Chính vì thế ai là người nắm quyền lực thực sự hiện nay vẫn là dấu hỏi, trong bối cảnh quốc hội đã bị giải tán còn Chánh án tối cao cũng mới qua đời vì Covid.
Theo thông báo của chính quyền, 4 nghi phạm bị bắn chết và cảnh sát đang bắt giữ 17 người. Tuy nhiên, trong tình hình rối ren, thì những thông tin như vậy cần đón nhận một cách “dè dặt” vì không biết nó có đúng hay không. Điều khó hiểu là khi nhóm cảnh vệ đặc vụ gồm 100 tay súng không hề có phản ứng gì khi nhóm vũ trang, được cho là 40-50 người, đột nhập vào tư gia tổng thống.
Trước khi người da trắng đến Hispaniola ở đây đã có 5 nhóm thổ dân nhưng họ chưa đủ năng lực và trình độ để thiết lập một nhà nước cho họ. Dường như vào lúc tuyên bố độc lập cách đây hơn 200 năm, Haiti chưa sẵn sàng, chính thể ở đây đã và đang tỏ ra yếu kém, không thể quản lý một cách hiệu quả đất nước, dẫn đến tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, người dân bất bình.
Nhiều năm qua, ¾ ngân sách của Haiti từ nguồn viện trợ nước ngoài, trong khi giới cầm quyền luôn bị tố cáo tham nhũng. Với sự thể thế này, các phe phái ở Haiti đã kêu gọi giúp đỡ của công đồng quốc tế, cụ thể Mỹ và Liên hợp quốc cần có hành động cụ thể nào đó. Can thiệp vào một quốc gia nghèo đói loạn lạc là điều chẳng ai muốn, nhưng biết làm sao bây giờ?

Góc nhìn: Không thể rừng nào cọp nớ

 

Khi bạn được 100% phiếu bầu thì có cần bỏ phiếu để lấy thêm một lần 100% nữa không? Vậy mà đó đang là điều diễn ra trên "thiên đường".
Lưu ý: trăm phần trăm ở đây khác với chăm phần chăm của chị em ta, nghĩa là chuổng cời.
Nhớ lại hồi xưa, "anh Mười" và "anh Kiệt" được đưa ra quốc hội bầu chức CT HĐBT với số phiếu suýt soát nhau. Trước đó, các đại tướng và đương nhiệm UV BCT Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân đã trượt suất đại biểu dự ĐH 6.
Xưa và nay có gì khác không? Có, dân gian bây giờ có câu "khôn chết, dại chết, giả chết thì sống".
Ông bạn trong nước giải thích như sau:
Cán bộ có ai sống bằng lương đâu, "người ăn nhiều, kẻ ăn ít". Kể cả ăn ít vẫn có nguy cơ thành củi, vì thế ai cũng mang một nỗi lo sợ trong người.
Nhiều người muốn hạ cánh an toàn đã phải tìm cách đổ bệnh đi nhà thương. Không ai muốn sờ đến thằng sắp chết cả, vậy là thoát.
Nếu bầu cử không phải 100% thì sẽ phải truy ra xem ai chống đối, rất mệt, vậy bầu hết đi cho lành. Ngày xưa thì khác, đa số cán bộ liêm khiết, trong sạch và họ dám dùng lá phiếu để nói lên chính kiến của mình.
Trong phúc có họa, trong họa có phúc. Trước đây cán bộ TW điều về địa phương, ra bầu cấp ủy hay HĐND toàn trượt. Bây giờ, mô hình mới đang nhân rộng lại là Bí thư tỉnh thành không phải người địa phương.
Thực ra đây là chính sách có từ thời nhà Nguyễn, theo đó để tránh tình trạng "một người làm quan cả họ được nhờ", ai muốn làm quan thì phải chấp nhận đi xa.
Trong thời gian làm Quốc trưởng 1949-1955, Bảo Đại từng nói "không thể rừng nào cọp nớ", khi bổ nhiệm các tỉnh trường không tại quê nhà.
Mình nghĩ rằng vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Nếu vị này gương mẫu thì tình trạng tham nhũng sẽ giảm thiểu.
Tuy nhiên, khi cán bộ trở nên liêm chính như thời kỳ các thập niên 60, 70, 80 thì liệu dân ta có hài lòng không? Hãy chờ xem.

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

 

Nỗi lòng của người ra đi (hay là những ông lớn bị bỏ rơi)

 


Bước vào vòng 1/8 EURO, một loạt các ông lớn đã ra đi mát mẻ, có thể kể đến Nga, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Quán quân lẫn Á quân thế giới Pháp và Croatia.
Phải coi Nga là ông lớn vì mặc dù không còn các nước cộng hòa trong Liên Xô thì Nga vẫn là nước đông dân và diện tích vượt trội. Dù thành tích giải thế giới không đáng kể thì Liên Xô đã từng vô địch Châu Âu 1960 và Á quân 1988.
Những năm gần đây, đội Nga không để dấu ấn nào, kể cả khi được đăng cai World Cup 2018. Khá khen cho Putin, dường như không cần dùng bóng đá để đánh bóng cho chế độ.
Khi những tên tuổi Yasin, Blokhin, Chivade, Dasaev lùi vào dĩ vãng thì cái tên gần nhất mọi người còn nhớ đến bóng đá Nga là Arshavin. Arshavin gia nhập Arsenal đầu năm 2009 và đã chơi xuất sắc. Nhưng sau khi được gia hạn hợp đồng và tăng lương thì anh chàng Nga mất phong độ. Năm 2012, Arsenal đành biếu không cầu thủ này cho Zenit mà không lấy đồng phí chuyển nhượng nào.
Về phần Bồ Đào Nha, đương kim vô địch đã phải trở thành cựu vô địch khá sớm. Như vậy Ronaldo đã không thể phá thêm kỷ lục ghi bàn cũng như số lần khoác áo đội tuyển. Ở tuổi 36, Ronaldo vẫn có thể lực dồi dào, chơi đủ trọn vẹn 4 trận.
Đây là điều trái ngược với đàn em Fenandez, cầu thủ Man utd có vẻ như kiệt sức ở CLB nên chơi khá tệ.
Cho dù thời kỳ oanh liệt cả bóng đá Hà Lan của thập niên 80-90 thế kỷ trước đã qua nhưng Hà Lan vẫn được coi là một đội mạnh. Việc họ thua Tiệp và bị loại có thể coi là bất ngờ.
Tương tự như Hà Lan, đội Đức đang nằm ở chu kỳ yếu kém, thiếu vắng những tài năng lớn. Với việc từ chức của HLV Low sau một kỷ nguyên 15 năm, Đức cần nhiều nỗ lực mới để tìm lại hào quang.
Một cầu thủ tầm cỡ như Lacazette mà còn bị loại khỏi đội tuyển, cho thấy bóng đá Pháp đang dư thừa tài năng. Tuy nhiên Mbappe, Pogba, Griezmann, Kante.v.v. chỉ còn là cái bóng của chính mình. Tình trạng chung của nhiều ngôi sao không thể hiện được chính mình trong màu áo đội tuyển quốc gia.
Croatia của Modric không thể làm bất ngờ thêm một lần nữa, sau khi lọt vào tận trận chung kết World Cup 2018. Nhưng lần này có lọt sâu thì cũng mất vui khi cô tổng thống Kolinda mê bóng đá không còn tại chức.
Rất mừng là cho dù nhiều đội mạnh bị loại thì đội bóng tam sư Anh Quốc, đội ruột của mình vẫn còn đó và vì thế còn nhiều hứng thú để xem tiếp.
Ảnh: màn trả thù ngọt ngào của HLV Southgate, người đá hỏng quả phạt đền quyết định, dẫn đến việc đội Anh mất chức vô địch vào tay đội Đức tại EURO 1996, cũng trên sân Wembley.

“Chú út” của EURO 2021

 

Chẳng cần nói nhiều, ai cũng biết EURO lần này, chẳng biết nên gọi là EURO 2020 hay EURO 2021 là Giải vô địch Châu Âu dở tệ nhất từ trước đến nay.
Nhớ lại thời EURO chỉ có 8 đội, trận nào cũng hay, đầy nghệ thuật và hào hứng. Đến khi EURO nâng lên 16 đội, tính hấp dẫn giảm đi. Và bây giờ, tình hình là bóng đá phong trào của 24 đội.
Không thể tưởng tượng được những “chú lùn” về bóng đá như Phần Lan, Thổ, Slovakia các đội “tiểu bang” (không phải quốc gia) như Scotland, Wales, và nhất là chú út Bắc Macedonia lại có mặt ở vòng chung kết lục địa già.
Cái tên “Bắc” Macedonia sặc mùi “định hướng” không khác gì “Đông” Lào. Mà sao lại phải tên như vậy?
Quốc gia Macedonia non trẻ sinh ra khi Nam Tư cũ tan rã vào năm 1991. Nhưng Hy Lạp cực lực phản đối tên gọi này.
Tui tên gì kệ tui, sao mà lắm chiện dzậy. Hy Lạp cho rằng cái tên này trùng với tên một đế quốc ngày xưa và với một tỉnh của Hy Lạp. Macedonia muốn gia nhập EU và NATO mà Hy Lạp là thành viên của hai tổ chức này và hoàn toàn có quyền phủ quyết. Bởi thế, cách đây 3 năm Macedonia đã phải nhượng bộ, đổi tên thành Bắc Macedonia như mọi người đã thấy.
Sau khi Bắc Macedonia, 2 triệu dân “ra đi” mát mẻ thì danh hiệu “chú út” hạt tiêu sẽ thuộc về Wales, 3 triệu dân. Chú Wales còn là “anh” của New South Wales, tiểu bang lớn nhất của Úc đại lợi (Commonwealth of Australia), nay đã to đùng với 7 triệu người anh em Miệt dưới.
Đêm nay, Wales sẽ ra quân trong trận đấu đầu tiên của vòng 1/16 với Đan Mạch. Hy vọng với các trận đấu loại trực tiếp EURO 2021 sẽ lối cuốn hơn.

Những cặp đôi kỳ phùng địch thủ trên chính trường Úc


Hôm qua, Phó Thủ tướng đồng thời là Thủ lãnh đảng Quốc gia McCormack đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu nội bộ và từ nhiệm. Thay thế ông lại là Joyce, một “người cũ”, tức sếp cũ của đảng Quốc gia trong thời gian 2016-2018.
Năm 2017, khi mới lên sếp được 1 năm thì Joyce dính vụ quốc tịch kép, mặc dù sinh tại Úc và không biết mình có quốc tịch New Zealand nhưng Tòa án vẫn cho rằng ông không hợp lệ để giữ ghế trong quốc hội. Rất may, Joyce đã trúng cử lại trong lần bầu cử bổ sung, nhưng vận đen vẫn chưa buông tha.
Năm 2018, ông lại dính thêm vụ scandal khi làm cô nhân viên trẻ Campion mang bầu. Sự việc đã làm cuộc hôn nhân của ông tan vỡ và Joyce bị buộc phải từ chức.
McCormack bị coi là yếu kém trong các buổi điều trần trong quốc hội và vì thế Joyce đã có cơ hội trở lại.
Trong quá khứ, không riêng gì đảng Quốc gia, đảng Tự do, đảng Lao động cũng có những cặp đôi thay phiên nhau cầm quyền.
John Howard, vị Thủ tướng trong 11 năm nhưng trước đó đã chịu sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ Peacock. Vốn là “nhân vật số 2” của đảng Tự do trong một thời gian dài, nhưng khi Fraser từ chức vào năm 1983 thì Howard lại thua phiếu Peacock trong cuộc đua giành ghế lãnh tụ. Từ đó cuộc hoán đổi giữa hai ông bằng tuổi diễn ra chóng mặt trong khoảng mười năm.
Quyền lãnh đạo đảng Tự do rơi vào tay thế hệ trẻ hơn, Peacock từ giã chính trường năm 1994, những tưởng Howard cũng nghỉ theo thì bất ngờ Howard trở lại ghế lãnh đạo vào năm 1995 và trở thành Thủ tướng năm 1996. Dù là kỳ phùng địch thủ nhưng mối quan hệ giữa hai ông vẫn tốt đẹp, Howard đã bổ nhiệm Peacock làm Đại sứ tại Mỹ vào năm 1997. Peacock tái hôn với một phụ nữ Mỹ và sống luôn tại Mỹ cho đến khi qua đời hai tháng trước 4/2021.
Rudd là người có công chấm dứt kỷ nguyên lâu dài của Howard nhưng ông lại nhanh chóng bị nội bộ lật đỏ. Gillard đã trở thành phụ nữ đầu tiên làm Thủ tướng Úc. Tuy nhiên, Rudd đã phục thủ, quay lại ghế Thủ tướng và thua cử vào năm 2013.
Trong giai đoạn 2013-2017, mỗi năm Úc có một Thủ tướng mới vì những vụ đảo chính nội bộ liên tiếp. Sau cặp Rudd – Gillard thì lại đến cặp Abbott – Turnbull. Tình hình đến nay tạm yên vì cả bốn nhân vật này, tuy tuổi chưa cao nhưng đều đã tự nguyện về hưu.
Hai tuần trước, chính trường tiểu bang đông dẫn nhất Úc NSW cũng có biến động theo đó Thủ lãnh đảng Lao động đối lập, cô McKay đã từ chức. Minns, người đã thua phiếu McKay hai năm trước đã trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng Lao động NSW.
Đáng chú ý, McKay, 51 tuổi đã tuyên bố cô từ chức vì muốn giữ yên ấm và khỏi tranh chấp chứ nếu tiến hành bỏ phiếu thì cô vẫn thắng. Điều đó có nghĩa rằng McKay vẫn còn tham vọng trong tương lai.
Về phần McCormack mới 56 tuổi, chưa có ý định về hưu nên chưa biết chừng sẽ còn có ngày ông sẽ quay trở lại. Lúc đó truyền thông lại có dịp để bàn tán thêm.

Vai trò của người làm chính trị

Sau cuộc gặp Putin – Biden vừa qua, báo chí cách mạng được dịp mô tả Putin một cách mạnh mẽ, cương quyết, quả cảm; còn Biden yếu đuối, chậm chạp, già nua. Mình nghĩ rằng, không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, nội dung bên trong mới quan trọng.

Nếu quí dzị để ý các bài nói chuyện của lãnh tụ độc tài và lãnh đạo dân chủ thì sẽ thấy những khác biệt căn bản. Một bên thiên về hô hào sáo rỗng kiểu “quyết liệt, quyết tâm” lặp đi lặp lại còn bên kia là cách nói sinh động, nhiều thông tin, truyền cảm.
Về khả năng hài hước thì lại tương đương, nếu như các chính khách phương Tây hay kể chuyện đời thực đã được mắt thấy tai nghe để góp vui thì chính khách ta lại lôi học thuyết Mác Lê ra để quả quyết rằng con Covid đang “giãy chết”, chẳng hạn.
Mình chưa được tiếp xúc với các chính khách chóp bu nhưng cỡ “lưng chừng” thì nhiều. Cả hai loại đều giỏi về khả năng giao tiếp và gây thiện cảm. Tuy nhiên, chính khách “cơ cấu” thường chú trọng những câu chuyện bông phèng vô thưởng vô phạt. Buồn cười là họ cẩn thận né tránh những chuyện nhạy cảm như quan hệ với Trung Quốc hay Mỹ nhưng vẫn dám nói những chuyện nội bộ nhân sự, đôi khi nguy hiểm hơn. Còn những người qua bầu cử thì tự do hơn trong việc bày tỏ quan điểm, chính kiến về các chủ đề.
Một nhầm tưởng nữa, chúng ta thường cho rằng phải có chức vụ to mới gọi là làm chính trị, còn không có danh nghĩa địa vị thì không phải.
Người làm chính trị không đi cấy đi cầy để làm ra hạt thóc, không xây lên những ngôi nhà hay sản xuất ra máy bay tàu bò. Nhưng họ không hề kém quan trọng nếu làm được hai vai trò chức năng chính.
Trước hết, người làm chính trị phải là một chiến sĩ đấu tranh cho công lý, lẽ phải, bênh vực và ủng hộ cho những nhân tố tích cực. Cho dù của cải có nhiều mà thiếu công bằng thì cuộc sống vẫn không hạnh phúc và xã hội không tốt đẹp hơn.
Điều này xem chừng có vẻ “ngược đời”, chính khách không hề là biểu tượng của cái tốt mà chính họ mới là những người tạo ra áp bức, bất công. Nhưng thật ra không thiếu những tấm gương đấu tranh bất khuất, ví dụ như Mandela, người chống chế độ phân biệt chủng tộc và đã từng bị ngồi tù 28 năm.
Người làm chính trị thường hoạt ngôn, nôm na là to mồm, vậy không phải họ thì ai sẽ là người cất lên tiếng nói cho những kẻ thấp cổ bé họng, yếu thế cần được nâng đỡ?
Về vai trò dẫn dắt (leading) ngày nay không giống như xưa. Trước đây, hoàng đế hay lãnh tụ thường “phát minh” ra các đường lối cho cả đất nước một cách cảm tính thì ngày nay có biết bao cơ quan hoạch định chiến lược, các thể loại tổ tư vấn cho các nhà lãnh đạo.
Vấn đề thời sự hiện nay, chống Covid luôn có nhiều phương án khác nhau, lãnh đạo cao nhất hội đủ thông tin cần chứng tỏ được năng lực phán đoán, tầm nhìn xa để ra quyết định phù hợp với từng thời kỳ.
Quí dzị ao ước đá bóng giỏi, hát hay hoặc giàu có chỉ là điều vặt vãnh so với ước mơ trở thành tổng thống. Vinh quang của người làm chính trị rất lớn nhưng không phải ai cũng có “năng khiếu” để trở thành chính khách.
Quí vị có lập trường thiên tả hay thiên hữu, cấp tiến hay bảo thủ? Nếu không có đủ kiến thức, quí dzị không thể tự hiểu mình chứ đừng nói đến việc đánh giá các đối thủ chính trị nhằm xác định phương sách tranh luận trong các cuộc bầu cử.
Một số trường đại học phương Tây đào tạo chuyên ngành chính trị học, nhưng chỉ tuyển sinh một số lượng ít ỏi các sinh viên xuất sắc. Tuy nhiên, nếu yêu thích và có khả năng thì có thể tự học.

Bí ẩn vết son trên chán cháu bé sơ sinh

 


Huệ yêu sớm lắm. Lớp 11 đã có bạn trai, lớp 12 là mảnh tình thứ hai. Trong bốn năm học đại học, Huệ em yêu thêm bốn cậu nữa. Ra trường lại tiếp tục yêu...
Người ta bảo con gái học ngoại ngữ thì lẳng lơ. Cũng không phải, mấy người bạn học chung với cô chỉ yêu một lần rồi lấy luôn. Đến năm 30 tuổi, bạn bè đều đã có nơi có chốn, có đứa đã hai nhóc thì Huệ vẫn chưa có gì. Bố mẹ nhắc đi lấy chồng. Đôi khi Huệ cảm thấy tủi thân, nhan sắc mình đâu đến nỗi, cũng cao ráo sáng sủa đấy chứ.
Tính Huệ cả thèm chóng chán, không yêu ai lâu được bao giờ. Việc làm cũng vậy, cô nhảy việc liên tục. Ban đầu là các công ty Châu Á như Hongkong, Singapore, rồi Huệ làm cho các công ty của Châu Âu. Bây giờ cô kiếm được việc tại công ty Mỹ. Người Mỹ bao giờ cũng sộp, lương cao ngất trong khi Huệ chẳng có kỹ năng gì ngoài việc thành thạo tiếng Anh.
Trong sở làm có một anh người Úc, hơn Huệ vài tuổi, tên đầy đủ là Robert, gọi tắt là Bob. Huệ chưa yêu Tây bao giờ, mà đàn ông Việt thì chẳng anh nào biết hài hước cả. Lúc nào cũng ra vẻ ta đây, khệnh khạng đến phát ngán, chứ không phải do Huệ thích yêu nhiều.
Có điều Bob lại vui nhộn quá, chẳng bao giờ tỏ ra nghiêm túc, cũng không ổn. Ở tuổi băm, Huệ muốn hướng đến một cái đích nào đó chứ lông bông mãi đâu được. Một hôm khác hẳn mọi ngày, Bob nghiêm chỉnh mời Huệ đi quán bar vào ngày mai. Huệ nhận lời luôn, hết giờ đồng nghiệp đi uống với nhau cũng là chuyện bình thường thôi.
Bob muốn giới thiệu với Huệ anh bạn mới từ Úc qua Hà Nội chơi. Anh mới 33, tên là James, gọi thân mật là Jimmy. Anh điển trai, cao dong dỏng không quá vui tính và có đủ chín chắn. Vậy là sau bao năm chờ đợi, hoàng tử của lòng em cũng tới.
Jimmy hỏi thăm về gia cảnh của Huệ. Nhà Huệ chỉ có hai chị em gái, cô em còn to cho vượt đã lấy chồng sinh con. Jimmy chăm chú nhìn ảnh đưa cháu mới sinh của Huệ một cách trìu mến. Người đàn ông như vậy chắc sẽ rất yêu trẻ và thích có con cái.
Khác với các cậu trai Việt Nam có vẻ sốt sắng chuyện chung đụng thể xác, Jimmy rất từ tốn. Sau Huệ mới biết, cá đã trong rọ thì chén lúc nào chẳng được. Yêu nhau được một tháng thì Jimmy chính thức cầu hôn.
Huệ về nói chuyện với cha mẹ. Ông bà buồn vì sẽ phải xa con gái nhưng đã đến nước này thì Tây , Tàu, ta gì thì cũng gả hết. Tuy nhiên mẹ Huệ bảo phải có một cái đám cưới để ra mắt bà con, bạn bè.
Jimmy không ngờ đám cưới ở Việt Nam lại tốn kém như vậy nên nói thật với Huệ là không đủ tiền. Anh nghỉ việc mấy tháng để đi chơi, tiêu kha khá rồi, không còn nhiều nữa. Nhưng không sao, đi làm gần mười năm Huệ cũng có một ít vốn liếng và sẵn sàng góp vào cuộc vui. Đúng ra, nếu là con trai mà yêu nhiều như thế thì chẳng còn gì, nhưng đối với con gái, không phải chi trả tình phí nên giữ được tiền.
Jimmy lại bảo, đừng có đăng ký kết hôn vì làm thủ tục bảo lãnh vợ chồng thì phải chờ đợi khá lâu. Đằng này làm visa du lịch để đi như một đôi tình nhân thì sẽ được đi luôn, sang bên đó làm giấy tờ sau. Vì muốn đi nhanh nên Huệ cũng đồng ý hết.
Giấc mơ Úc không giống như những gì Huệ từng hình dung. Jimmy ở một mình trong một ngôi nhà thuộc thị trấn Springwood, thuộc vùng núi Blue Mountain, cách trung tâm Sydney 80 cây số. Nhà lại nằm trên một quả đồi, tối đến gió rít liên hồi, lạnh đến thấu xương. Cả dãy phố không có đến một ngọn đèn đường, bóng tối bao phủ cả một không gian rộng lớn.
Jimmy là con một, bố mất, mẹ đi lấy chồng. Bình thường, anh chỉ về quê vào cuối tuần, còn hằng ngày anh việc ở trung tâm nên thuê phòng ở trên đó luôn. Cũng may, vừa về nước Jimmy có việc làm ngay và đã có vợ thì anh không thuê phòng nữa mà sáng sớm đi, tối về.
Huệ cảm thấy trống vắng khi ở nhà một mình trong một khu nhà rộng trên ngàn mét vuông, một tầng với ba phòng ngủ. Nhìn vào những tấm ảnh cũ của gia đình, Huệ giật mình khi thấy chồng mình chụp ảnh chung với một cô gái trẻ đẹp. Hóa ra không phải, đó là ảnh bố Jimmy chụp với người vợ cũ.
Ngôi nhà gần 100 tuổi là nơi trú ngụ của bốn thế hệ nhà Jimmy. Đời cụ là cựu chiến binh Thế chiến thứ nhất, khi giải ngũ được chính phủ cho một khoản tiền và mua căn nhà mới xây ở gần trung tâm thị trấn. Cây sồi trong góc vườn vẫn còn nhỏ, không lừng lững sum suê như bây giờ và ông nội Jimmy lúc đó mới là một cậu bé.
Huệ đi học khóa chăm sóc người già trong sáu tháng. Bên Úc, nhiều người đến tuổi thì rời bỏ cuộc sống đô thị ồn ào để lui về các miền quê nghỉ hưu. Các cụ bà đông hơn cụ ông nên cần nhiều nhân viên nữ hơn. Bởi vậy học xong là Huệ có ngay việc làm với đồng lương khá ổn.
Vào các kỳ nghỉ, hai vợ chồng đi du lịch nước ngoài và đi chơi trong nước để khám phá nước Úc. Tổ quốc Úc quả là rộng lớn mệnh mông, phong cảnh hùng vĩ. Đi đường trường mà có hai lái xe thì đỡ mệt và có thể đi được rất xa. Huệ và Jimmy đã hai lần lượn vòng quay bờ biển miền Đông và một lần xuyên lục địa Úc.
Huệ bỏ hẳn ý định chuyển lên trung tâm và cảm nhận được giá trị của sự yên tĩnh của vùng xa. Hạnh phúc nhất là được sống hòa với thiên nhiên thoáng đãng, với cỏ cây và muông thú. Đủ bốn năm, Huệ lấy được quốc tịch Úc.
Có một điều Huệ không dám nói với chồng, Huệ đã vài lần nạo thai và một lần dính bệnh lậu, đó rất có thể là nguyên nhân của bệnh vô sinh. Huệ bàn với chồng hay là nuôi con chó cho vui và Jimmy ủng hộ vợ ngay lập tức.
Nuôi chó bên Úc tốn kém không khác gì nuôi người, tiền bảo hiểm y tế còn đắt hơn đồ ăn. Một con chó con, ở độ tuổi còn dễ huấn luyện trị giá cả chục ngàn bạc. Khi chưa chọn xong chó thì Huệ thấy mình có thai từ lúc nào không biết.
Thế rồi thiên thần đã cất tiếng khóc chào đời: con gái Paula vô cùng xinh đẹp. Mới đẻ, Jimmy đã không cho Huệ bế con nhiều, đặc biệt không được dỗ khi khóc. Jimmy giải thích, khóc mà dỗ thì làm con hư, quen thói khóc để được bế và dỗ. Đúng là phương pháp dậy con của người Tây có nhiều ưu việt, Paula không khóc nữa, ngoan như con chó con.
Lâu rồi, Huệ mới ở nhà một mình. Huệ sẽ dọn dẹp, sửa sang lại khu vườn cho thật đẹp để con có chỗ chơi. Sẽ cắt bớt các cành lá, nhưng dành lại một phần cho bầy chồn, sóc, possum dạo chơi vào buổi tối.
Được một tuần, Jimmy mua giường nhỏ như cái cũi để Paula ra ở riêng tại phòng bên cạnh. Jimmy còn lắp camera để có thể theo dõi con từ phòng ngủ của hai vợ chồng. Trẻ con vào lúc này ngủ chưa ngon giấc, hay trở mình. Mỗi lần như thế, Huệ chỉ vỗ nhẹ vào mông hoặc quấn lại cái chăn. Nhưng sang phòng riêng, không còn mẹ vỗ mông, nhưng Paula cũng chỉ ọ ọe một chút rồi lại ngủ tiếp rất ngoan.
Một buổi tối, Paula bỗng khóc ré lên rất to. Cảm thấy chuyện chẳng lành, Huệ chạy vội sang, ôm con vào lòng, Paula ngưng khóc. Bất giác, Huệ thấy một vết son màu đỏ trên cái trán nhỏ xíu của cháu. Lâu không được mẹ bế, Laula nhoẻn miệng cười rạng rỡ.
Hai vợ chồng sợ quá cho cháu đi Bác sĩ ngay trong ngày hôm sau. Ông Bác sĩ phố huyện bảo chưa thấy trường hợp tương tự thế này bao giờ và giới thiệu đi chuyên khoa trên thành phố. Ông Bác sĩ chuyên khoa hỏi có ai hôn cháu không?
Đến lúc này, Jimmy mới sực nhớ đến việc bật băng ghi hình camera lên. Quả nhiên, có một người phụ nữ không rõ mặt, mặc áo trắng đã cúi xuống hôn cháu. Sự vụ được đưa sang cảnh sát, tuy nhiên sau mấy ngày điều tra cảnh sát cho rằng không có dấu vết nào của người lạ đi từ ngoài vào nhà.
Hai vợ chồng đang chuẩn bị một bữa tiệc mời bạn bè vào ngày Paula đầy tháng. Nhưng giờ thì còn tâm địa nào để tiệc tùng nữa. Kế hoạch dọn vườn cũng gác lại, mặc cho lá cây rụng đầy vườn và cỏ đã mọc sum sê.
Một buổi chập choạng tối, Jimmy đi làm chưa về. Huệ buồn bã và mệt mỏi nằm thiếp đi. Bỗng dưng cánh của phòng mở toang. Người phụ nữ mặc áo trắng hiện ra và nói với Huệ:
- Tôi là người nhà của cô, tuổi tôi cũng bằng tuổi cô. Nhưng số tôi không được hạnh phúc làm mẹ như cô mặc dù đã vài lần mang thai. Tôi gặp cô chỉ để nói rằng: vết son trên trán cháu Paula không phải lo lắng gì cả nhé.
Huệ choàng dậy, hóa ra là một giấc mơ. Jimmy đã về, Huệ hỏi về người đàn bà. Jimmy nói không hề biết bất kỳ điều gì về người đàn bà nào bằng tuổi Huệ cả. Hai vợ chồng chưa kịp mừng thì lại lo nhiều hơn.
Ngày đầy tháng của Paula chỉ có bà mẹ chồng và ông dượng tới thăm. Huệ lại đem chuyện người đàn bà mặc áo trắng ra hỏi. Bà nội Paula trả lời ngay:
- Đúng rồi, đó là người vợ cũ của bố các con. Bà bị một chứng bệnh kỳ lạ, cứ có mang thai đến 6-7 tháng tuổi là con chết lưu trong bụng. Đến lần cuối, do muốn cứu con thì cả hai mẹ con đều chết.
Lúc đó bà mới 35 tuổi, bằng tuổi Huệ bây giờ.
Nghe xong câu chuyện, vết son trên trán Paula bỗng dưng biến mất.